Trúc Phương – Mẹ, đất nước và lưu dân – Kỳ 4

Ngày tiếp ngày trôi qua trong khói lửa/ Chiến trường băm nát dấu chân đi/ Và cứ thế con hành quân mải miết/ Qua gian nan năm tháng trường kỳ

MẸ, ĐẤT NƯỚC VÀ LƯU DÂN

(trường ca)

 

Chương hai:

TIẾNG GỌI

 

Buổi hừng đông khói sương lãng đãng

Mây mù trôi bên phía mặt trời lên

Từng mảng tối tan vào dạ đất

Tiếng rừng xa vừa gọi gió đông về

 

Năm Một Chín Sáu mươi (1960)

Ngày 25 tháng 1

Mây chuyển mùa cuồn cuộn núi rừng thiêng

Chiều lịm nắng cánh chim về báo bão

Từ chất ngất đau thương

Căm hờn, xương máu

Chiến thắng Tua Hai

Vang dội một góc trời

Quân dân Tây Ninh vùng lên

Phá tan xích xiềng kềm kẹp

Diệt hai trung đoàn ngụy quân

Vùng tự do mở ra rộng khắp

Đất Miền Đông rừng đỏ chiến công đầu…

 

Và miền hạ

Sóng xe mình trên cát

Đồng bào Bến Tre chuẩn bị đuốc lá dừa

Cắt dầu u, ống mạnh tông làm mõ

Mài dao dâu, vuốt nhọn khúc tre già

Khăn buộc, quần vo

Bên chót ruộng

Luyện cước, ôn quyền

Dưới bóng trăng non

Chờ đêm Đồng khởi

Đội quân tóc dài nhận lệnh xuất quân

Du kích rèn mã tấu, súng ngựa trời

Bao vây đồn bót địch

Hạ bộ máy tề, trừ ác ôn, điềm điệp…

Rào cản, ngăn sông

Xây hầm hào chiến đấu

Chông ghế đẩu, ná thần

Và những bầy ong sẵn sàng

Xung trận

Ở Vĩnh Long

Bên khu trù mật Cái Sơn

Tỉnh trưởng Khưu văn Ba bị diệt

Cờ ba sọc, khẩu hiệu suy tôn

Bị xé, đốt khắp nơi

Ngõ dọc đường ngang la liệt

Hình họ Ngô bị đạp xuống bùn

Bên trùng trùng tiếng thét

Đả đảo Mỹ Diệm!

Đả đảo bọn xâm lăng, lũ tay sai bán nước!

Mặt đất tròng trành một trận bão giông

 

Con học hết lớp cuối trường làng

Tới kỳ chuyển cấp

Mẹ chèo thuyền men ánh trăng khuya

Đưa con sang chợ Vĩnh Long

Thi vào Đệ thất

Ngày hôm ấy, con nhớ như in

Tiểu khu 43 hành quân tảo thanh

Bắn chết 12 chiến sĩ Bên Trong

Mang về phơi giữa sân vận động

Lúc chiều tàn nắng đổ trên sông

Hai mẹ con cùng thương cùng khóc

Làm lụng quanh năm

Cha dán thân vào đất

Cạnh bên vườn có mấy lùm hoang

Đám lá tối trời

Cán bộ nằm vùng về xây hầm bí mật

Ngày ngày mẹ lén bưng cơm

Nuôi mấy người quen

Như mới hôm nào nuôi cậu Út

Phá được mấy cây cầu

Cảnh cáo mấy thằng gian

Chưa kịp có phong trào

Thì… Ngô Đình Nhu ban hành

Chủ trương thâm độc:

Ấp chiến lược, dồn dân

Không để Cộng quân kiểm soát

Một tên người, tấc đất

“Tát nước bắt cá

Đốt lửa dặm cù

Việt Cộng sẽ tiêu vong

Trong vòng mấy chốc ”

Quan quận, quan làng

Chĩa súng vào lưng

Bắt dân vô ấp

Đắp bờ đai, trồng cọc sắt, giăng thép gai

Ngăn Việt Cộng đêm về phá phách

Ba nhà đi chung một ngõ

Trạm gác, chòi canh

Nóp chăn, trống mõ

Tối lính ba-trui

Sáng lính dòm nhà

Chúng cai trị dân bằng súng lê, ba-trắc

Ngày đêm chà xát xóm làng

Và nhìn dân bằng con ngươi cú vọ

Cán bộ nằm vùng rồi cũng chẳng còn ai

Sau những năm dài giặc truy lùng, khủng bố…

 

Hôm nhà mình dời về Vàm Kinh

Vốn cha hay thương người gieo neo

Khổ khó

Nên đưa một thằng trai về nhà cùng ở

Đó lại là con người

Có cuộc đời éo le đến lạ

Anh ra đời

Mà không biết cha mình là ai

Trong một đêm mẹ anh chạy giặc

Từ Chợ Lớn về quê

Khi quân Nhật ném bom Sài Gòn

Giật lấy chính quyền từ tay bọn Pháp

Một người đàn ông dọc đường

Cho mẹ anh bữa cơm

Và cuộc tình qua đêm

Thế là anh được đầu thai

Làm người xiêu lạc

Vào nhà mình anh được nhận: anh Hai

Sau khi đã là con nuôi người bác

Anh sống với bà Ngoại già tóc bạc

Ngày ngày đi cắt lá môn

Kiếm từng con cá nát

Và những chén cơm nghèo…

Rồi một hôm sáng trăng

Anh bị bắt vì bài ca quốc sự

Trong một điệu xuân tình,

Một bài vọng cổ

Chống xâm lăng

Ra tù

Anh đi biền biệt…

Bà Ngoại ở nhà chết khô

Trên chiếc xuồng con trong khóm bần

Không ai hay biết

Thương anh, con vái từng đêm

Mong anh đừng chết…(!)

Mẹ cha cũng nhớ anh nhiều…

Và không hiểu từ bao giờ

Con cũng muốn như anh

Muốn phá rào gai

Muốn ca những bài ca quốc sự

Muốn hét vào mặt quan làng

Những con thú dữ…

Muốn đêm đêm đi rải truyền đơn

Kêu gọi đồng bào

Vùng lên chống Mỹ, chống Ngô

Ngày con đi

Vẫn chưa hiểu vì sao

Cha đặt tên con bằng tên

Của người tù vượt ngục

Hẳn là cha đâu muốn con

Thành người khổ nhục

Hay cha mong con trai của cha

Làm kẻ ngang tàng

Đạp lên xích xiềng, bất công, áp bức

Sống như những lưu dân can trường

Ngang dọc

Mà ký thác vào con nụ hạt tâm hồn…?

Vào chiến khu ai cũng có bí danh

Để phòng điều bất trắc

Con đặt cho mình tên khác là “Phương”

Với ao ước được làm người quân tử

Thẳng ngay như cây trúc giữa trời

Có hương bay trong gió

Ngây ngô vậy chứ nào có được

Đồng đội gọi bí danh, người cứ nghệch ra

Mãi mới biết người ta gọi mình đi trực

Tên cha đặt ở nhà vẫn dễ thương hơn

Và người đàn ông

bị cướp vợ, mất con kia

Đã già lên trong tiềm thức

Phải thế chăng mà con ghét nhà giàu

Ghét những tên phú hộ

Ghét những kẻ lắm tiền, nhiều của

Bất nhân

Luôn hãm hại người lành

Và con hiểu mơ hồ

Về đấu tranh giai cấp…

Nhà thơ Trúc Phương

Nhà mình quanh năm lính làng ruồng ráp

Bắt bớ, tù đày, đe dọa, bôi đen

Bữa trước giặc tung tin con bị giết

Hôm sau chúng đến dụ con hàng

Sáng họp liên gia, chiều nghe tố Cộng

Tấm bảng đen nhúng dầu giặc dành cho ta

Như bản án nhục nhằn đeo trước ngực

Nhưng lũ giặc đã nhầm:

Một trời áp bức

Chỉ đủ làm cho mẹ tự hào hơn

Về đứa con ra đi vì đất nước

 

Để bao đêm cha giật mình thức giấc

Tiếng bom xa cày rách tiếng chuông chùa

Mẹ thương con ngồi cắn từng mối chỉ

Súng giặc gần

Chát nghẹn chén trà khuya

Ngày con xa nhà

Mang theo tuổi thơ đi

Đêm thổn thức một mình khóc lén

Đồng đội bảo: Tụi mình đi kháng chiến

Nhớ nhà thì… chỉ nhớ ít thôi

Phải hiên ngang, phải dõng dạc giữa trời

Phải cứng rắn, chớ mềm lòng

Khi thoát lylàm Cách Mạng

Phải chắc như lõi mù u

Đừng mềm như ngó bần sóng đánh

Vì giống nòi, nghĩa lớn, nhẹ tình riêng

Chớ để Đoàn thanh niên nhật bình, trừ điểm

Cánh võng đong đưa, lay lắt nỗi niềm

Tờ giấy nhỏ, cây bút chì

Con tơ tưởng vẽ

Gương mặt mẹ đang buồn

Vừa giống lại vừa không

Vẽ hình cha và mấy em bên bến nước

Bóng hoàng hôn,

Cánh buồm nhỏ cuối chân cồn

Mùa nước nổi đuốc lá dừa soi cá

Tiếng quốc buồn gọi bạn phía bờ sông

Thương tuổi nhỏ một thời thơ bé

Tiếng ve rơi chưa biết để buồn

Đã xa rồi mà ngỡ mới đầu hôm…

Chiến trường giục đâu kịp làm người lớn

Con gái trêu đùa, chưa biết nói lời thương

Tai nóng ran vì ngượng

Chú lính nhỏ cứ nhón chân hoài

Mới cao bằng cây súng

Đánh giặc thì thôi

Xong trận lại nhớ nhà

Nhớ dáng mẹ, tiếng em bên chiều thỏ thẻ

Cha đứng bờ lau trắng tóc đợi tin con

Lòng se sắt tình nước – nhà

Trước những điều không thể

Chiến tranh mà…

Đâu dễ để gần nhau

Khi nhà mình ở trong vùng địch hậu

Có người “ theo phía bên kia ”

Là đắc tội với ngụy tề

Là cách nhau chẳng có ngày về

Cùng quê hương xứ sở

 

Con lớn lên trên từng tọa độ

Xung trận bao lần vẫn nhớ điệu ầu ơ

Bên khung cửa nhỏ:

Mẹ gánh mạ đồng gần

Mẹ cấy mạ đồng xa

Em ngoan đừng dỗi nữa

Chiều mẹ về, ạ nín, anh thương …

Và đâu biết

Giữa chiến hào xa bỗng nhớ bâng quơ

Tiếng gà cục tác

Cái nắng vàng chanh

Hoa khế rụng bên hè

Và gốc bằng lăng hạ về tim tím trổ

Ngày con đi…

Tuổi thơ con một nửa để lại nhà

Chiếc xe đạp, cây đàn

Chồng tập vở

Tấm áo vá có mùi thơm rơm cỏ

Vẫn ngày ngày dành cho mẹ yêu thương

Cây mận, cây lê con trồng thuở nhỏ

Hoa trắng mong manh bên tuổi học trò

Cho mẹ nhớ…

Em gái nghêu ngao:

Trái chín tụi em dành

Và câu hát đợi chờ

Vắt ngang giấc ngủ ngây thơ

Điệu trống múa lân

Ông địa cười nghiêng ngả

Nhớ quanh quanh chừng có anh về

Cùng tiếng pháo

Đám mai vàng

Hàng hoa vạn thọ

Vẫn mơ màng đợi người từ xa xăm

Thời gian đổ về thêm tháng thêm năm

Bên cầu ao cây vú sữa đã già

Nó vẫn trổ bông mỗi mùa thương đợi

Đường từ bưng về thành

Vậy mà xa diệu vợi

Xa bằng nhiều giấc mơ nối lại

 

Ngày tiếp ngày trôi qua trong khói lửa

Chiến trường băm nát dấu chân đi

Và cứ thế con hành quân mải miết

Qua gian nan năm tháng trường kỳ

Đôi khi nhớ nhà, buồn thiu

Nằm dài trên cỏ

Thương cho buổi đầu quân học ăn học ở

Học cầm đũa hai đầu,

Học y tế, cứu thương

Học đào mương, cộ lúa

Học sinh hoạt “ba cùng” để được dân thương

Học nung nấu tinh thần dấn thân

Không màng gian khổ

Tình đồng đội nghĩa quân dân

Keo sơn gắn bó

Và không biết tự bao giờ

Học gọi “Hồ Chí Minh muôn năm!”.

“Việt Nam muôn năm!”

Trước khi phải chết

Ai cũng chuẩn bị cho mình được một lần hô

Với bầu nhiệt huyết

Với tinh thần, tình yêu

Và trái tim chỉ còn đôi nhịp

Như vũ khí cuối cùng

Ném vào mặt kẻ thù

Rồi khẳng khái buông tay

Cắm mặt biệt từ

Không mảy may nuối tiếc

Người chiến sĩ Giải Phóng Quân

Phải chọn trước cho mình

Cách hy sinh

Để kẻ thù của nhân dân

Không coi thuòng, không khinh miệt

Ơi! Cái chết của những con người

Mới hôm qua còn là nông dân

Sao mạnh mẽ ,đáng yêu

Sao thiệt thà, chân thật

Như cây trong vườn

Vừa bị bom phạt gốc

Như ngọn cỏ trên đồng qua cơn gió giật

Cái chết nhẹ như lông hồng

Con đọc sách từ bao giờ

Tới hôm nay mới gặp…

Nơi con đến

Cũng những người nông dân

Đầu trần chân đất

Chiều sớm ruộng đồng

Một nắng hai sương

Giặc càn quét nhiều người cầm lấy súng

Người thành dân công

Người trực diện đấu tranh

Đầu xóm cuối thôn dựng ô, rào lũy

Già trẻ gái trai, trên dưới sẵn sàng

Bến nước, cầu ao, bờ tre, lùm đế

Ong vò vẽ, hầm chông

Thành vũ khí giữ làng

Nơi con qua cũng dòng sông, con rạch

Manh mỏng câu hò, điệu lý thân thương

Cũng chiều về cánh cò bay lả

Khói lam trôi thong thả mái tranh nghèo

Con nước về quăng chài, thả lưới

Trai gái vui đùa bên mảnh trăng treo

Những bà mẹ nơi này

Cũng xa con như mẹ

Đứa ở “R”, đứa ở Quân khu

Đứa lên địa phương quân

Đứa làm du kích

Chỉ khác:

Nơi đây gia đình ngụy không nhiều

Như ở quê mình –

Muốn theo Giải phóng quân

Phải trốn

Không tề ngụy, lính làng rình rập ngày đêm

Người dân có Tự Do từ khi Đồng khởi

Cách mạng thành hiện thực – niềm tin

Thành khát vọng,

Tình yêu giục gọi mọi người

Con phải học từ đầu những từ ngữ chưa quen

Đồng chí, đồng bào, nhân dân, lý tưởng

Bố trí, phân công, kiểm điểm, nhật bình

Chỉnh đốn tác phong, khai thông đường lối

Phải làm bất cứ việc gì khi Đảng gọi

Phải đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần

Và cứ thế…

Thằng bé ngày nào thành một chiến binh

Trên con đường gai chông muôn dặm

TRÚC PHƯƠNG

(Còn tiếp)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *