VHSG- Đọc xong tập hồi ký “Chúng tôi – Một thời mũ rơm mũ cối” , tôi ngậm ngùi gấp lại bìa cuối của cuốn sách, mắt đăm chiêu nhìn vào hư không, bên tai thoang thoảng dội lên bài hát hào hùng về một Hà Nội đầy yêu thương và quả cảm…

Một buổi trưa đẹp trời, ông bạn Tạ Trí gọi điện thoại cho tôi: “Lão có nhà không? Trí muốn đưa một người bạn từ thành phố Sài Gòn đến gặp lão”. Mình hỏi: “Lý do gì ông bạn kia lại muốn gặp tớ?”. Trí (vuốt râu) nói: “Nó là bạn thân từ hồi cởi truồng của Trí, lại là nhà báo, nhà văn. Nó ngưỡng mộ văn của lão nên muốn gặp”. Nghe nói nghề làm báo cùng tâm đầu ý hợp, lại là bạn của lão tướng quân Tạ Trí nên mình nói với Trí rằng đưa ngay ông bạn ấy đến nhà mình.
Cửa mở, hình dáng vừa tầm to lại râu ria xồm xoàm của Tạ Trí che khuất bóng một gã đàn ông nhỏ nhắn nhưng đôi mắt đen nhánh với những tia nhãn quang sắc bén đầy tinh tế đã chinh phục tôi ngay từ giây phút đầu tiên nhìn thấy anh. Với kinh nghiệm mấy chục năm làm nghề báo và là một người chuyên đi tìm nhân tài để huấn luyện viết báo. Nhìn thấy Huỳnh Dũng Nhân như bắt gặp được của hiếm, tôi thấy quý anh ngay và như gặp được cố tri, chuyện trò nổ như ngô rang. Tôi nhìn thấy đầy đủ tố chất của một nhà báo chuyên nghiệp trong anh, anh rất nhạy cảm, chăm chú lắng nghe, biết gợi chuyện một cách tự nhiên, và nhất là đôi mắt của anh. Người ta nói đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, mà tôi lại là người thích đi sâu tìm hiểu tâm hồn của một người mà tôi thấy thú vị. Từ cửa sổ tâm hồn của anh, tôi chợt nhìn thấy một Huỳnh Dũng Nhân giàu tình cảm, giàu kinh nghiệm cuộc đời, có một lý tưởng sống rõ rệt, đậm chất nhân văn, đậm chất thơ hoạ, và chính xác nhất, cả con người anh đậm chất báo chí.

Đọc “Chúng tôi – Một thời mũ rơm mũ cối” xong mới thấy nhận định của tôi là chuẩn xác. Có thể ví anh như một nhánh rễ cây đa cổ thụ trước toà báo Nhân Dân ở giữa trái tim thủ đô Hà Nội. Lớn lên cùng đất trời thiêng liêng của Hà Nội, lại đắm mình trong môi trường sống động của trung tâm báo chí cả nước, sống cạnh những bậc thầy của ngành báo chí Việt Nam, cộng thêm tính cách nhanh nhẹn, hoạt bát, tò mò học hỏi và thêm trí nhớ siêu việt của một người viết báo, anh đã để lại cho chúng ta, cho đời và cả cho anh một hồi ký cuộc đời đầy tính thời sự, phóng sự, hiển hiện lên cả một bộ phim dài của một thời kỳ bi hùng, tráng lệ, đầy những thước phim khiến ta nghẹn ngào xúc động.
Những chi tiết đời thường được anh diễn tả không phô trương, rất bình dị, rất thật, nhưng chan chứa tình yêu cuộc sống, tính háo hức khám phá cuộc đời và tình cảm sống động của anh qua từng bước chân của đời anh được viết lên rất phong phú, sinh động. Khiến bạn đọc tưởng như có hình bóng mình trong đó. Có lúc lại ngộ tưởng mình đang ngồi dưới bóng râm của cây đa cổ thụ trước toà báo Nhân Dân để tránh cái nắng hun đúc của mùa hè Hà Nội và đang nghe các bậc trưởng lão kể những câu chuyện cổ tích, nghe nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể lại cho chúng ta những câu chuyện bình thường nhưng cảm động về sự trưởng thành của anh dưới gốc cây đa này, nó đơn giản, mộc mạc, nhưng gắn liền giữa anh với vận mệnh của đất nước trong một giai đoạn lịch sử khó khăn, gian truân và đầy thử thách.

Là một người Hà Nội từng sống những ngày mũ rơm mũ cối như anh. Đọc tác phẩm này mới thấy được có nhiều tư liệu rất quý giá. Rõ ràng anh đã mất nhiều tâm huyết trong cuốn sách này. Tôi như tận mắt xem lại những thước phim của những hình ảnh, sự kiện đã nằm sâu dưới lớp cát bụi dầy đặc của thời gian nay được anh đào bới ra, lau rửa sạch bóng để trưng bày trong bảo tàng cuộc đời của anh, khiến người xem cảm thấy thú vị như uống từng ngụm xi rô giải khát màu đỏ trong những ngày nóng nực của Hà Nội xưa. Quả thật anh đã ghi lại chân thực, sinh động và chuyển tải từng nhịp đập cuộc sống thời chiến của một Hà Nội nghèo khổ nhưng rất đỗi hào hoa, kiên cường. Đồng thời anh mô tả được tâm tư tình cảm của một miền bắc giản dị, cần kiệm, nguyện dâng hiến cả tinh thần lẫn vật chất, tất cả cho miền nam ruột thịt. Trong đó có tình cảm mặn mà của những đồng bào miền nam tập kết như gia đình anh, một gia đình viết lách nhà nghề đã cống hiến trí tuệ của họ cho sự nghiệp báo chí của một nước Việt Nam non trẻ.
Cuộc chiến 12 ngày đêm là dấu ấn tàn khốc nhưng oanh liệt, dưới ngòi bút của anh vẫn thấy đầy tự tin, điềm tĩnh, nói lên cá tính của người Hà Nội thời bấy giờ, quen sống với bom đạn, bình tĩnh, chấp nhận sự thật. Dù mất mát, dù đau thương, nhưng Hà Nội vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu và tin vào một ngày mai huy hoàng. Thật vậy, những ngày hoà bình yên ổn đã đến, Hà Nội đã vươn mình với diện mạo mới. Nhưng biết bao máu xương đã đổ xuống, biết bao người bạn của chúng ta, biết bao người con của dân tộc đã quả cảm hy sinh mới có được. Chúng ta hãy biết trân trọng sự hy sinh mất mát hôm qua để giành chiến thắng, và hôm nay hãy cùng nhau nâng niu hòa bình.
Đọc xong tập hồi ký “Chúng tôi – Một thời mũ rơm mũ cối” , tôi ngậm ngùi gấp lại bìa cuối của cuốn sách, mắt đăm chiêu nhìn vào hư không, bên tai thoang thoảng dội lên bài hát hào hùng về một Hà Nội đầy yêu thương và quả cảm.
Mặt hồ gươm vẫn lung linh mây trời,
càng toả ngát hương thơm hoa Thủ đô.
Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô.
Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau.
Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng
của núi sông hôm nay và mai sau.
Chân ta bước lòng ung dung tự hào,
kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao…
“Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng” là bài hát như một nội dung thu nhỏ lại của tác phẩm mũ rơm mũ cối. Diện mạo Hà Nội đã có nhiều đổi mới, nhưng trong lòng Thủ đô vẫn lưu giữ những dấu vết, kỷ niệm, những ký ức hào hùng của một thời như một lời nhắc nhở về một kỷ niệm bom đạn đã làm nên Hà Nội của chúng ta hôm nay. Và cũng do bươn trải trong những ngày tháng chiến tranh, đắm mình trong những sự kiện, với trí nhớ bẩm sinh và con mắt tinh đời, anh ghi chép rất kỹ lưỡng, viết rất hay, rất xúc tích. Anh như một trưởng lão thâm thuý ngồi gốc cây đa chậm rãi kể lại cho bạn bè, cho con cháu mình nghe lại một thời bom đạn, một thời hào hùng, một thời oanh liệt đã hun đúc lên biết bao thanh niên nam nữ sống anh hùng, chết vẻ vang vì một lý tưởng cao đẹp của dân tộc.
Đây là cuốn sách quý giá cho những người từng sống trong giai đoạn ấy và càng quý giá hơn cho các thế hệ hôm nay để họ biết rằng, không hề có câu chuyện huyền thoại, cổ tích dưới gốc cây đa cổ thụ mà là những câu chuyện người thực, việc thực đã sống một đời oanh liệt, hoành tráng với một lý tưởng sống trong veo, sáng ngời và đẹp đẽ với đầy ý nghĩa cuộc đời, đã toả sáng và sống mãi cùng thời gian.
PETER PHO (PHÓ ĐỨC AN)
- Đọc tập thơ “Sóng xô từ đất” của Quang Chuyền
- Thơ 1-2-3 Mai Xuân Thắng: Vắt sữa nguyên sơ tạo tác chuyện phong tình
- Thơ 1-2-3 Vũ Hà: Em giãn cách tim mình khỏi những dối gian
- Biểu tượng “gió” trong Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng
- Thơ 1-2-3 Mai Xuân Thắng: Đau đáu trái tim K’Lang tình sử sáng non ngàn