Truyện ngắn An Bình Minh: Chuyện tình Xiêm Riệp

VHSG – Lốc à… Trời!. Ông Thuấn giật mình, dời mắt khỏi chiếc điện thoại để trên bàn. Đêm mùa hè ở vùng này nóng như nung, vậy mà đột nhiên trời nổi gió. Sau tiếng than, ông vội nghiêng đầu nghe ngóng.

Ông Thuấn là Việt kiều Campuchia, gốc từ bộ đội tình nguyện một chín bảy chín. Năm nay ông năm mươi tám tuổi, nhưng sau sự cố xảy ra năm kia, suy sụp, mặt mày hốc hác trông như lão bảy mươi. Từ hai năm nay, ông Thuấn sống cùng hơn ba chục hộ dân người Việt ở xóm nghèo gần biên giới Campuchia – Việt Nam. Đêm nay trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng lợp lá thốt nốt, ông đang chờ cuộc gọi đến vào khoảng gần hai giờ nữa. Nhẽ ra từ đây đến đó ông có thể ngả lưng chợp một giấc, nhưng rồi cơn giông bỗng ập đến khiến căn nhà run rẩy. Từng đợt cuồng phong quật những tàu lá thốt nốt ràn rạt khi gần khi xa, hệt như có con trăn gió khổng lồ đang quần thảo trên ngọn cây. Khí lạnh tràn về từ rừng già, kéo theo mùi ẩm mốc của lá mục khiến người ông ngây ngây như sốt rét, hễ chớp mắt là quầng sáng lại lóa lên nhức nhối. Rồi giữa những quầng sáng ấy là ảo ảnh loang loáng chồng lên nhau, cuối cùng nó dừng lại ở một trại tù đen sẫm như nấm mồ khổng lồ nằm sâu trong đất Campuchia… Cả cái rặng thốt nốt đang ào ạt trở lá ngoài bờ líp kia nữa. Nó giống hệt cái hàng cây ở trại giam ấy. Ông Thuấn rùng mình nhớ lại…

* * *

Đó là cái đêm mùa hè 1984, trung đội đặc công nơi Lê Văn Thuấn là y sĩ tiểu đoàn xuống phối thuộc tập kích vào ngôi trường dùng làm trại giam của Khmer Đỏ nhốt hơn ba trăm thân nhân của những “người cũ chống lại tổ quốc”. Đúng lúc bộ đội vừa lội qua cánh đồng nước, tiềm nhập vào hàng rào bên rặng cây thốt nốt chằng chịt dây thép gai thì đột nhiên cơn giông nổi lên, khí lạnh ập đến khiến ai nấy run cầm cập… Nhưng cũng chính nhờ cơn gió lạnh ấy mà hai tên Pốt trên vọng gác vừa dỡ chăn ra trùm đầu đã bị một điểm sạ ngắn hạ gục, liền đó bộc phá cửa mở đánh bay hai lớp hàng rào, cùng lúc bốn quả B40 bắn thẳng vào đại đội địch trấn giữ trại giam, khiến cả khu trại bùng lên thành những tảng lửa chấp chới xé toang màn đêm. Số địch sống sót không kịp lập chốt đề kháng bùng ra chạy toán loạn.

Nhà văn An Bình Minh

Trận tập kích thắng lợi nhanh chóng, trọn ven ngoài dự kiến. Cả trung đội tập đặc công và đại đội bộ binh ào lên sau đó đều nguyên vẹn, chỉ một vài chiến sĩ bị thương nhẹ. Nhưng khi cánh cửa hội trường nơi giam giữ tù nhân được phá thì bên trong là một cảnh tượng rùng rợn. La liệt khắp sàn nhà là xác chết đen kịt nằm lẫn lộn với những người thương tật bê bết máu. Thuấn được bổ sung thêm một tiểu đội làm nhiệm vụ thu gom xác chết và băng bó sơ cứu cho người bị thương. Trong những tù nhân còn sống, số bị đánh đập, bỏ đói mất sức run lẩy bẩy được sát trùng băng bó qua loa, cho mỗi người ăn ít lương khô và nạp thêm viên thuốc bổ tổng hợp để sau đó họ có thể chắp tay, cúi đầu, lia lịa vái ok un , ok un (cảm ơn, cảm ơn) rồi tản mát dìu nhau đi các ngả; số nặng hơn là gãy xương phải kẹp nẹp, cuốn băng tiêm thuốc kháng sinh để lại chờ đơn vị của bạn đến xử lý. Duy còn lại ba ca cuối cùng do vết thương quá nặng và đã hoại tử nên Thuấn phải cho tổ cứu thương cắt rừng, lựa theo đường dây đã dọn mìn trước đó, cáng về trạm quân y tiểu đoàn.

Đến đây thì đã diễn ra một tình huống khó xử. Ấy là khi Thuấn và nhóm cáng thương vừa đi chừng mươi phút thì phát hiện một bóng người “sâu đo” núp sau gốc cây bám theo. Thuấn và hai đồng đội phải lùi lại phục kích đón chặn. Chỉ là một cô gái và đó chính là con bé gầy nhẳng có đôi mắt và bím tóc to quá khổ so với khuôn mặt ngơ ngác, lúc nãy đã không đi theo toán người được tự do dời trại tù mà lại đứng thu lu trong góc nhà, chăm chăm nhìn Thuấn băng bó… Thuấn lục trong trí nhớ không kịp ra một từ nào trong mớ tiếng Khmer võ vẽ của mình, nên đành trợn mắt khoát tay ra hiệu buộc cô bé quay lại.

Nhưng, không những không dời đi mà kể từ đó cô ta gần như công khai lẽo đẽo theo sau tốp cứu thương, mặc cho mấy lần Thuấn và đồng đội dừng lại ra xua đuổi. Đi chừng nửa tiếng ra gần bìa rừng thì Thuấn cho cả tốp dừng lại nghỉ, rồi đến gần cô bé phẩy phẩy tay dứt khoát và quát lớn xom lia, xom lia (tạm biệt, tạm biệt). Cô bé lắc đầu quầy quậy, rồi lý nhí liên hồi Sôm á phây tôs. Sôm lôk á phây tôs… Tê, tê xom lia, tê xom lia… Hư hư… ư… (Xin tha lỗi, xin ông tha lỗi. Không, không đừng tạm biệt) và nức nở khóc to thành tiếng. Thuấn trào lên nỗi thương cảm. Thôi đành, chắc là cô ta chỉ lần theo tổ cứu thương để tránh dẫm phải mìn. Về đến trạm xá gần dân cô ta sẽ tìm đường về nhà.

Nhưng chuyện không đơn giản vậy. Kể từ đấy cô bé bám riết lấy Thuấn không dời nửa bước. Tình huống này đã đặt trạm xá vào tình trạng phiền toái, khó xử. Cho tá túc thì chưa có trong tiền lệ mà đuổi một cô gái mới lớn đi lang thang, không người thân thích thì chỉ vài ngày sau ắt sẽ bị quân Pốt bắt lại. Vậy là ba ngày liền sau đó, cả trung đội quân y phải chứng kiến cái cảnh một cô gái Khmer mới lớn rách rưới, đói khát ở lỳ bên cạnh trạm xá, đến đêm chuyển sang ngủ dưới gốc cây Knốc sát bên lán của Thuấn. Đã vậy, Thuấn đưa áo cho, lắc đầu đến bữa gọi vào ăn cơm cũng xua tay tê tê (không không). Tình cảnh đáng thương càng rõ ràng hơn khi một tuần sau quân báo của tiểu đoàn cho biết vài điều về nhân thân của cô ta.

Cô gái tên Pơrăm, mười lăm tuổi có cha là trí thức tu nghiệp tại Pháp, mẹ là giáo viên ở Xiêm Riệp. Campuchia giải phóng, bố Pơrăm về nước xây dựng quê hương thì gia đình ông bị liệt vào thành phần phản bội nguy hiểm người cũ chống chế độ. Tuần trước, bố mẹ cô cùng anh trai hai mốt tuổi đã bị hành quyết trong trại tù khổng lồ ở Stuol Sleng. Hôm cha mẹ bị bắt, Pơrăm trầm mình trốn dưới ao nước sau nhà nhưng không thoát. Cô cùng hai mươi phụ nữ khác trong phố bị giải đến trại giam thân nhân của kẻ thù dân tộc. Nếu đơn vị của Thuấn không tới kịp thì chỉ vài ngày nữa, “con bé Apsara xinh đẹp này sẽ được đưa đi phục vụ một thượng cấp, vốn có thói quen tiêu khiển cho thỏa sức lực thú tính trên những tấm thân của con gái kẻ thù”, như lời tên chỉ huy trại giam đã khai.

Thông báo quá rõ ràng nhưng trường hợp cô gái giải quyết ra sao thì vẫn không có lệnh nào cụ thể. Vậy là lần thứ hai Pơrăm lại đặt trạm quân y vào tình thế chuyện đã rồi buộc Thuấn, một trạm phó vừa được đề bạt đành cứ để cô sống tạm ở trung đội quân y chờ dịp đơn vị chuyển đến gần Xiêm Riệp sẽ đưa cô ta về nhà. Lúc nghe Thuấn thông báo, một nụ cười bừng lên trên khuôn mặt Pơrăm – điệu cười e thẹn của người mắc lỗi nhưng vẫn khiến cô xinh tươi như được hồi sinh.

Những ngày sau đó, Pơrăm đã làm mọi người phải ngạc nhiên. Mới chỉ là cô gái học phổ thông, lại con nhà trí thức khá giả, nhưng Pơrăm đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống dã chiến. Rất tháo vát, ngày ngày Pơrăm giúp việc vặt cho nhà bếp và trạm quân y, những lúc rảnh rỗi thì trở thành “cô giáo” dạy tiếng Khmer, khiến cả trạm xá râm ran những thanh âm vui vẻ, ngộ nghĩnh xen lẫn tiếng cười. Có Pơrăm cuộc sống của Trạm quân y như bừng lên, vui hoạt hẳn. Nét tươi tắn của cô khiến Thuấn yên tâm với quyết định của mình, hơn thế không hiểu từ đâu anh tự nhận trách nhiệm là người che chở, bảo vệ cho Pơrăm.

Nhưng cũng vì ý thức đó mà càng ngày Thuấn càng để ý đến Pơrăm. Có thể nói Pơrăm là cô gái Khmer đẹp nhất mà anh đã gặp suốt tám năm qua. Pơrăm có đôi vai cánh hạc và chiếc cổ thanh tú. Căp mắt mở to ngạc nhiên lo sợ của Pơrăm ngày nào giờ đây đã toát lên sự tin cậy, gửi gắm khiến cô trở nên đằm thắm, yêu thương… Ngay với bộ quân phục rộng thùng thình thì trong sự chuyển động nhẹ nhàng vẫn lộ rõ dáng vóc một tấm thân ngọc ngà, “nảy nở đâu… ra đấy” – Thuấn thầm nghĩ.

Tám tháng sau, đơn vị về đóng quân ở gần Biển Hồ nằm cách Xiêm Riệp ngót chục cây số. Sau khi dọn sạch quân Khmer Đỏ ở phía bắc triền sông Tôn Lê Sáp và khu vực quanh các đền đài Ăngko tạo điều kiện cho bạn lập chính quyền, Thuấn đưa Pơrăm về nhà của cô ở trung tâm thị xã Xiêm Riệp. Tưởng vậy là xong, ai dè đến xẩm tối, Pơrăm lại lần ra tìm Thuấn. Cô không thể ở một mình trong ngôi nhà hoang vắng tang tóc nên đành quay lại trạm quân y. Rồi lặp lại diễn biến cũ, hàng ngày cô giúp việc cho nhà bếp, tối tối cùng Thuấn trở thành thày dạy song ngữ. Cô thông minh học rất nhanh tiếng Việt, còn Thuấn tuy nhờ sự thôi thúc của Pơrăm – và nhờ cả một trạng thái tình cảm gắn kết nào đó – cũng đã nhanh chóng nắm bắt được thứ tiếng Khmer đơn lập với những phát âm không đến nỗi quá phức tạp.

Rồi những cái gì phải đến đã đến. Pơrăm, từ cái đầu non nớt đã cảm nhận ở Thuấn sự che chở yên ổn, sự nương tựa vững chãi, đến con tim với nhịp đập đã thôi thúc, mách bảo cô sẽ không thể sống được nếu thiếu anh. Cô như thấy ở anh, bóng hình của cây Tualan sừng sững với chùm rễ trăm năm bám chặt vào những phiến đá ăn sâu xuống lòng đất quanh các đền đài Ăngko… Còn anh – Lê Văn Thuấn cái khoảng cách từ tình thương, xót xa cho thân phận Pơrăm, một vũ nữ Apsara xinh đẹp bị đe dọa bởi lũ quỷ dữ Khơbu, đến quen bóng, quen hơi, thấy thương, thấy nhớ Pơrăm dù cô đang ở ngay kia… chỉ là sợi tóc.

Hai thứ tình cảm âm dương lạ lẫm ấy đã xuất hiện trong họ. Nó thuần khiết như mạch ngầm chảy trong lòng đất trào lên thành những dòng nước nhỏ thánh thót lanh canh. Tình yêu đã bùng lên khiến cả hai chẳng hề phải nhìn vào mắt nhau nói lời yêu thương, thề thốt, để chỉ một cái vuốt tóc trong một buổi chiều vắng lặng không tiếng súng là Pơrăm đã ngả vào vai anh thổn thức. Anh không hỏi vì sao nàng khóc, cũng không dỗ dành nàng, bởi cả anh và cô đều đang tràn ngập niềm yêu thương hạnh phúc vô bờ. Họ yêu nhau. Cái tình yêu trong bom đạn tuy kiệm lời vì bất đồng ngôn ngữ, nhưng lại đồng điệu nhịp tim, hơi thở khát khao sống, yêu thương, hẹn ước về chung trong một mái nhà bình yên. Cái tương lai giản đơn ấy khiến họ quên đi tất thảy những khó khăn phía trước, những kỷ luật, quy định, chính sách ngặt nghèo và cả khoảng cách của tuổi tác với cuộc hôn nhân dị chủng…

Một buổi chiều, trước ba ngày bộ đội tình nguyện rút về nước, lúc Thuấn vừa tạm ổn công việc sắp xếp cho hành quân thì Pơrăm đến bên cạnh, cô nắm tay anh đặt vào ngực mình với ánh mắt khẩn thiết. Thuấn chưa hiểu chuyện gì thì Pơrăm đã kéo anh vùng chạy vào rừng, đến một trảng trống có bãi cỏ xanh mướt như nhung dưới bóng cây Tualan xum xuê. Trong hơi thở gấp gáp, cô ôm chầm lấy Thuấn. Dưới ráng chiều đỏ rực nhuốm tím cành lá, hai người cuốn lấy nhau, rồi với hơi thở nồng nàn thoảng hương thơm của loài hoa Rumdul, Pơrăm cúi xuống run run lần cởi xiêm y… Phải mất mấy phút cho Thuấn vượt qua khỏi bất ngờ, lúng túng vụng về trước cái sự… lần đầu tiên trong đời để hòa vào phút giục giã, dũng mãnh bản năng của chiếm lĩnh và đón nhận. Sau đó, sau… cái phút nghiêng ngả trời đất và nụ hôn trinh trắng hiến dâng của Pơrăm, bất giác Thuấn thầm thì bằng tiếng Khmer cảm ơn em thì Pơrăm vội bịt miệng anh nói nhỏ bằng tiếng Việt, giọng đầy lo lắng “Không. Đừng, anh. Đừng cảm ơn”… Giây phút hạnh phúc đó thật bất ngờ, hình như nó chưa từng xảy ra trên địa cầu kể từ thuở hồng hoang.

Vậy là họ trở thành vợ chồng. Ngay đêm ấy, một đám “tuyên bố tự phát” ngát hương hoa Rumdul đã trở thành niềm vui thứ hai bên sự kiện lớn được trở về tổ quốc của trạm quân y – cái gia đình lớn của Thuấn và Pơrăm bấy nay. Đời lính vẫn thế, cái chết đáng sợ mà họ cũng phải chấp nhận thì với cuộc tình này họ cũng không lo sợ suy tính gì ở tương lai cho đôi bạn mà chỉ vỗ tay hò reo, nhảy múa chung vui thật lòng. Ngày bộ đội rút quân, Thuấn không thể thuyết phục Pơrăm trở lại căn nhà bố mẹ ở Xiêm Riệp chờ anh lo chế độ chính sách rồi sau đó sẽ quay sang với nàng. Pơrăm không chịu, cô bảo đã là vợ chồng phải sống chết có nhau, người Việt Nam và Campuchia đều thế. Thế là Pơrăm bám theo đơn vị cùng về Việt Nam.

… Những ngày sau đó, vợ chồng họ tá túc bên ngoài địa điểm đóng quân của đơn vị ở tỉnh Tây Ninh chờ làm thủ tục giải ngũ và thêm “một cái gì đó” cho họ được danh chính chuyện vợ chồng. Nhưng đơn vị vừa trải qua một cuộc chiến khốc liệt với những hy sinh, mất mát cùng biết bao công việc cần được giải quyết, chuyện của Thuấn gần như bị lãng quên. Hai tháng sau, khi có được quyết định giải ngũ, Thuấn và Pơrăm vội dắt nhau trở lại Campuchia. Nhưng cả anh và Pơrăm không ngờ chuyến đi này lại cam go đến thế. Một cuộc trốn chạy thực sự, ra đi mắc núi, trở về mắc sông. Sau một tháng từ biên giới và lang thang ở Nông Pênh họ tiếp tục chuyến đi dài ngày đầy nguy hiểm ngược sông Tonlesap về đến Biển Hồ. Dừng lại ở đây nghe ngóng, một tuần sau họ mới lục tục trở về căn nhà của cha mẹ Pơrăm ở Xiêm Riệp.

Nhưng ở đây họ cũng không được yên. Vừa thở phào sau cả cuộc hành trình lúc nào cũng nơm nớp đề phòng những ánh mắt không mấy thiện cảm, rất khó phân biệt là người dân hay tàn quân Polpot thì đã có mối đe dọa trực sẵn ở cửa nhà. Ngay trong đêm đầu tiên, một tốp ba tên giặc Pốt có cả B40 đập cửa hỏi trong nhà có Yuon không. Rồi suốt cả tháng đó hầu như cách vài đêm lại có ba bốn thằng lính rách rưới kẹp AK trong áo khoác đến trước cổng để hạch sách, dọa dẫm, khiến Thuấn phải trốn xuống hầm thế thủ. Nhiều đêm, sau khi rình rập, nhai mì ăn liền của Pơrăm, lúc rút đi chúng còn ỉa vài bãi chêu ngươi ngay ngoài cổng. Sáng ra dọn dẹp, nhìn những đống cứt to như phân của thuyền chài, Thuấn đoán bọn tàn quân này chỉ lẩn quất ở ngay sông Tôn Lê Sáp. Chúng ăn nhiều cá nên mới có những bãi phân lớn như thế. Vậy là suốt cả tuần sau đó, vợ chồng Thuấn không dám lai vãng ra Biển Hồ.

Mất nửa năm sống trong thấp thỏm lo âu như thế cho đến lúc chính quyền địa phương lớn mạnh, hệ thống chính trị được hình thành và bọn tàn quân Polpot mất dạng, hoặc quăng súng về làm dân thì vợ chồng mới được yên ổn sinh kế. Thoạt đầu Pơrăm dạy tiếng Anh theo “lớp 1 giờ”, một ngày dạy ba lớp, thu của mỗi học sinh hai mươi real; còn Thuấn thì nối nghề cũ, bán thuốc tây và tiêm chích. Đất nước hồi sinh, Xiêm Riệp đón đầu du lịch, trẻ con người lớn đua nhau học tiếng Anh. Cũng thời gian này dân mới về từ loạn lạc mang theo nhiều bệnh tật phải dùng thuốc. Căn nhà của vợ chồng Thuấn trở thành nơi dạy ngoại ngữ và bán thuốc tây, tiêm chích. Ngoài thời gian dạy học bán thuốc, Thuấn ra Biển Hồ chở cá về cho vợ bán lẻ. Ba cái nghề “thâm canh” đủ đắp đổi cuộc sống trong những ngày khó khăn.

Qua thời gian cầm cự này, hơn mười năm tiếp theo là giai đoạn phát triển. Hai công việc dạy học và bán thuốc trở thành nghề tay trái một thời gian rồi bỏ hẳn để toàn tâm toàn ý đầu tư vào cửa hàng “Cá Biển Hồ bán buôn và bán lẻ”, đến lúc này đã có chi nhánh phân phối lên tận thủ đô Phnôm Pênh. Khi Xiêm Riệp chuyển lên thành phố, trở thành một đô thị du lịch sầm uất thì Cá Biển Hồ đã kịp mở rộng thị trường ra hầu khắp cả nước, lại bươn ra cả mấy nước láng giềng trong khu vực. Cá Biển hồ không chỉ chiếm trọn uy tín trên thị trường mà còn khiến giới kinh doanh ở Xiêm Riệp thán phục bởi toàn bộ sự phát đạt của nó gắn liền với tên tuổi của cô chủ xinh đẹp Pơrăm.

Ngay cả Thuấn với sự sốc vác, nhanh nhạy thì cũng chỉ là phụ tá cho cô và anh cũng không hình dung nổi bằng cách nào Pơrăm chỉ với trình độ phổ thông lại có thể xoay xở trôi chảy các công việc, từ giao dịch thành lập mở mang công ty đến tổ chức bộ máy quản lý, từ xây dựng hệ thống sản xuất kinh doanh đến mở rộng, chiếm lĩnh thị trường. Làm sao mà từ một cô gái mới lớn, tay chưa cầm nổi ngàn riel, giờ bây đã trở thành một cô chủ mỗi ngày thu hàng chục triệu riel…

Hơn thế, Pơrăm còn là một bà mẹ đảm đang vừa kinh doanh, vừa sinh con và nuôi dạy chúng nhớn nhao, tạo cho chúng tương lai bắt kịp với thời cuộc. Trong khoảng thời gian làm ăn phát đạt này, Pơrăm đã sinh thêm hai con, trai thứ và gái út. Bây giờ, đứa con gái đầu ra đời ngay sau chuyến trở về Xiêm Riệp hiện đang học đại học tài chính năm thứ tư. Nó giống mẹ, ngay khi ngồi ghế phổ thông đã giỏi vi tính, ngoại ngữ để trở sớm thành “nội tướng” của giám đốc Pơrăm trong công ty Cá Biển Hồ với định hướng ra trường sẽ về làm kinh doanh cùng mẹ. Cách đây ba năm, đứa con trai thứ hai vừa xong trung học cơ sở đã sang Pháp học tiếp, làm “tiền trạm” cho em út theo sang nay mai. Cô bác, người thân của Pơrrăm chạy loạn thời trước ở bên đó, mỗi người sẽ giúp chúng một tay…

Nhưng rồi đúng vào lúc ấy, lúc mà Thuấn đang tràn trề với một gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt đã tính đến một chuyến “du lịch nước ngoài” đưa cả nhà về thăm quê nội Thái Bình thì một biến cố bất ngờ ập đến, khiến anh chới với, đổ gục. Pơrăm tuyên bố “chúng ta phải ly hôn”. Thay cho ngôn ngữ bất đồng và đôi mắt mở to biểu đạt cùng với câu nói bướng bỉnh năm xưa Tê, tê xôm lia (không, không tạm biệt đâu) thì lần này được hiển thị cho một sự thật đanh gọn như dao chém đá có cái nghĩa ngược lại với một câu ngắn gọn mà cho đến lúc này, Thuấn chưa thuộc nó bằng tiếng Khmer. Vậy mà con đường suốt hơn hai mươi năm qua từng đi chung, vui – buồn – và cả cái chết giờ đây đã chia hai ngả. Thuấn cô độc, anh không có gì để an ủi, bấu víu ngay cả tìm ra một nguyên nhân hợp lý nhỏ nhất biện minh cho cuộc chia lìa này. Vì những cái gì thì anh cũng không thể tin được, trong khi anh chắc chắn một điều, Pơrăm không phải đã quên ơn anh, quên tình nghĩa vợ chồng.

Thuấn đã già, sự chênh lệch tuổi tác lúc này đã thành con dao xẻ họ làm đôi chăng? Hai mươi hai tuổi, tháng ba năm một chính bảy chín, chàng trai Lê Hữu Thuấn vừa tốt nghiệp y sĩ, chưa kịp đi thực tập để lấy bằng, cũng chưa hề có nơi chốn ngỏ lời hẹn ước, đã xung phong nhập ngũ theo lệnh tổng động viên bảo vệ tổ quốc và được điều về trạm quân y tiểu đoàn đặc công ở mặt trận Tây Nam. Hơn tám năm chiến đấu ở Campuchia, lúc họ lấy nhau anh đã ba mươi mốt, hơn Pơrăm mười ba tuổi, còn giờ đây Pơrăm mới 39 tuổi, một người đàn bà đằm thắm, xinh đẹp. Nhưng về điều này, Pơrăm đã kịp nói thẳng rằng, nàng không có ai khác rằng, tuổi tác lúc lấy nhau không là vấn đề thì bây giờ càng không là gì và quãng thời gian đã qua chẳng có gì để nàng phải ân hận. Điều ấy thì anh phải biết hơn cả.

Hai mươi năm bên nhau, họ hầu như không có một bất đồng nào. Mọi thứ đều thuận thảo. Ngay cả với chuyện hệ trọng mà Thuấn đã canh cánh trong lòng thì cũng là hoàn cảnh bất khả kháng và không thể hợp lý hơn. Đó là những đứa con của anh đều phải mang họ bên ngoại – họ của Pơrăm. Để con cái những cặp đôi có chồng là người Việt muốn được học lên cao, một quy định bất thành văn nhưng có chế tài ngang luật là chúng phải mang họ ngoại. Nhưng chuyện này cũng đã được hóa giải ngay từ đứa con gái đầu lòng và bây giờ thì Pơrăm đã khẳng định, họ mạc chỉ là khái niệm, dòng máu mới là quan trọng. Con anh sẽ vẫn là của anh và có được thế hay không là hoàn toàn ở anh.

Có vẻ đây là điều được Pơrăm giải thích dài dòng nhất và bản thân cô cũng giúp anh thực hiện điều này. Anh muốn lấy bao nhiêu trong cái vốn chung để tạo dựng cuộc sống mới thì lấy. Còn về phần mình, Pơrăm vẫn giữ đúng lợi hứa, thỉnh thoảng lại cho hai chị em dắt nhau đến đây thăm anh. Tính chúng giống mẹ, khéo tay và ngăn nắp. Chúng đến, ngôi nhà một gian hai trái tối tăm bừng sáng, chúng về hơi ấm của chúng vẫn như còn vương vấn đâu đây.

Nhưng đó vẫn chưa phải là lý do chính để Pơrăm phải dời xa anh. Cái ý thức thôi thúc tìm ra một lý do chấp nhận được cho cuộc ly hôn này sau cùng đã giúp Thuấn đã hài ra được một giả thiết hợp lý hơn cả. Nó đủ để làm anh yên tâm chọn sống ở đây, trên cái mảnh đất cận kề hai nước để ở lại vì dòng máu của mình, gần hơi ấm của đất mẹ và vẫn yêu thương Pơrăm như ngày nào, dù chỉ là đơn phương.

Cuối cùng dường như Thuấn đã tìm ra cái nguyên nhân ấy. Hơn hai mươi năm nay, hình như Pơrăm vẫn thế. Nàng vẫn ít cười và không bao giờ hai người bàn định về tương lai. Ngay cả khi cuộc sống phát đạt ngoài cả sự mong ước để có thể nhìn xa về phía trước thì tương lai của họ cũng chỉ có độ tiếp diễn không vượt quá ngày mai. Vì sao vậy? Phải chăng, Pơrăm ly hôn vì họ không thể có sự hứa hẹn cho một cuộc sống yên bình. Cái bản năng muôn thuở ở người phụ nữ là cần được che chở đã khiến cho Pơrăm nhận ra cô không còn được như ngày xưa, dù sống chết cận kề nhưng chỉ cần được ở bên anh là cô có được cảm giác yên ổn, hứa hẹn một cuộc sống tươi vui. Còn suốt những năm qua thì ngược lại. Chính cô đã phải gồng mình lên để bảo vệ cho gia đình, bảo vệ cả cho anh. Pơrăm đã làm tất cả những điều đó với một tinh thần trách nhiệm như một lẽ đương nhiên, chịu đựng và nín nhịn không một lời thở than…

Nghĩ đến đây Thuấn bỗng giật mình, một chuyện hiển nhiên như vậy mà đến giờ khi tĩnh trí, nghĩ lại cuộc tình… của hai vợ chồng anh mới nhận ra. Lòng anh bỗng trào lên nỗi thương nhớ Pơrăm, cái bản năng của người đàn bà cần được sống trong bình yên đã khiến cho cô thấy không thể kéo dài mãi cuộc sống này. Có lẽ vì thế mà cô bảo anh hãy đừng tự dằn vặt mình. Em lấy anh vì tình yêu và đã làm hết lòng vì điều đó, vậy thì bây giờ – Pơrăm không biết cách diễn đạt ra sao, cô bảo anh đừng bắt đến tình yêu.

***

Ánh sáng xanh trên màn hình chiếc điện thoại vừa lóe lên, Thuấn vội vồ lấy khi nó chưa kịp rung lên hồi chuông. Không đợi đầu dây bên kia alô, Thuấn kêu to:

– Seng Viet, con à. Thuấn gần như hét lên, gọi tên con trai – Seng Viet ơi, Seng Việt, bố đây, cha đây…

Seng Viet, thằng con anh ở Pháp được đi dự Trại hè thanh thiếu niên Kiều bào, nó đã giữ đúng lời hứa với anh, khi đặt chân xuống sân bay ở Hà Nội là gọi ngay báo tin cho bố. Cả đêm nay anh nóng lòng là ngóng cuộc điện thoại này.

Thuấn đã bớt hồi hộp, anh tĩnh lại, tâm tình nhỏ nhẹ. Con anh báo tin sẽ ở Hà Nội năm ngày, đi thăm Lăng Bác và dự các cuộc giao lưu với thanh thiếu niên trong nước. Sau đó là sáu ngày đi thăm Đền Hùng, thăm Làng du lịch các dân tộc Việt Nam, thăm bờ biển Móng Cái rồi trở về Pháp. Nó thuộc vanh vách các địa danh ở Việt Nam, lại còn xuýt xoa tiếc quá bọn con còn nhỏ nên không được ra thăm Trường Sa.

Thuấn nghe nuốt từng lời và thầm tự hào. Vậy là dòng máu của anh vẫn nhớ đến Đất Tổ quê cha, nhớ cả Trường Sa mà anh có đôi lần kể cho nó nghe về lịch sử biển đảo Việt Nam…

Cơn giông lốc đã dừng từ lúc nào. Gió khan cũng ngưng thổi, trời đêm trở nên tĩnh lặng đến mức Thuấn nghe được cả tiếng hơi thở trẻ thơ ở đầu giây bên kia. Bầu trời đằng Đông, phía cửa biển đất mẹ đã ửng lên ánh hồng. Người ta bảo, những người thao thức cả đêm đều rất u uất bi quan, phải khi bình minh lên mới cho họ có những suy nghĩ tốt đẹp. Có lẽ thế, lòng Thuấn như reo lên. Trong đầu dư âm tiếng của con trai vẫn vang lên lảnh lót.

Ngoài sân, mấy nụ hoa nhuốm hừng đông và những hạt sương đêm lung linh như đốm lửa.

Xiêm Riệp 10.2017 – Sài Gòn 9.2018

AN BÌNH MINH

2 thoughts on “Truyện ngắn An Bình Minh: Chuyện tình Xiêm Riệp

  1. Chiến Thy says:

    Tôi đọc Chuyện tình Xiêm Riệp và đã có đôi lời bình, có lẽ do chưa bấm nút (PHẢN HỒI) nên mất. Bữa nay viết lại (vẫn lời bình cũ). Mấy lời văn này “Người ta bảo, những người thao thức cả đêm đều rất u uất bi quan, phải khi bình minh lên mới cho họ có những suy nghĩ tốt đẹp” là thuộc về thiên phú, bề trên mượn bút tác giả viết ra. Nhân sinh sâu sắc. Câu này, vừa trong mạch truyện, lại đứng độc lập, thần thái riêng. Kết ở đó là chuẩn. Mấy câu sau đó thừa!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *