VHSG- “Vị tướng không muốn nhắc đến chuyện xưa. Và chính câu chuyện của anh Tư Cảnh đã giúp Nam hiểu sự tình. Trận Kè Bồng là một khoảng tối, một góc khuất trong hào quang chiến thắng và con đường vinh thăng của vị tướng chăng?”

– Đ. má… Thôi! cho qua đi mày.
Nói rồi, anh Tư Cảnh thất vọng, phẩy tay.
Tính anh Tư thế. Văng tục vậy chứ không chửi một ai, chẳng qua chỉ là lâu ngày thành thói quen hễ mở miệng là khởi đầu một tiếng đệm. Chuyện vui cũng đ.má mà chuyện buồn cũng đ.má. Nhưng còn bây giờ, sao cái việc hệ trọng thế mà anh Tư lại bảo cho qua?
Đã liên tục bốn năm nay vào dịp này, Nam lại dành ra hai tuần để lên đường đi tìm mộ người anh trai Nguyễn Trí Việt hy sinh trước giờ toàn thắng chỉ chưa đầy hai mươi ngày. Và năm nào cũng vậy, khởi đầu là Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi gia đình Nam chuyển từ miền Bắc vào sau ngày giải phóng; với những kết nối theo kiểu đômino người này chỉ người kia, hễ nghe đâu có một vài đồng đội của người anh trai trực tiếp tham gia cái trận chiến ác liệt ấy là Nam lại khăn gói ba lô lên đường. Lúc ra miền Bắc, lúc quay vào Nam, lên miền Đông, xuống miền Tây, cuối cùng lại trở về Kè Bồng.
Năm kia, Nam tìm được anh Hải lái xe ôm ở thành phố Hải Dương. Hồi dự khóa huấn luyện tân binh ở Lạc Sơn, Hòa Bình, anh Hải và anh Việt cùng ở trong một nhà dân. “Có thêm anh Ngọc nữa – anh Hải nhớ lại, bổ sung – Anh Ngọc hiện làm xe ôm ở dưới Kiến An, Hải Phòng. Để anh điện thoại, chiều em xuống đó thử xem”. Anh Hải kể, anh Việt là lính thông tin tiểu đoàn, nhờ khỏe mạnh, to cao nên thường được phân công đeo máy vô tuyến điện. Tết năm một nghìn chín trăm bảy tư, ba anh rủ nhau trốn về nhà anh Việt chơi. Cắt rừng, đi hết nửa ngày ra được một cái chợ lạ hoắc, từ đó bám nhờ xe ô tô bốn tiếng đồng hồ mới về đến nơi.
Gặp các anh, cả nhà chưa kịp mừng thì đã bị bố anh Việt mắng cho một trận tơi bời, rồi ông tống các anh lên xe commanca đưa trả lại đơn vị. “Hồi đó ông già em là cục trưởng một ngành quan trọng, liên quan đến vận tải chiến trường mà bọn anh đâu có biết. Nhưng cũng nhờ thế nên được tha, không bị kỷ luật”. Kể đến đây, anh Hải cười khoái chí, rồi tiếp “Chỉ chót dại lần ấy thôi, còn sau này, bọn anh nghiêm chỉnh lắm. Anh Việt là người hiền lành, tốt bụng, ít nói. Anh bắn đạn thật rất giỏi, ném lựu đạn rất xa và điểm xạ kích luôn thuộc loại suất sắc nhất tiểu đoàn… Ở Lạc Sơn có một tiệm chụp ảnh, bọn anh rủ nhau ra làm mấy pô kỷ niệm. Anh còn nhớ, lúc đó trời lạnh nên anh Việt mặc chồng cả hai áo… ”. Nam giật mình. Đó chính là tấm ảnh duy nhất của anh Việt mặc quân phục, đeo quân hàm binh nhì, trẻ măng đang đặt trên bàn thờ ở nhà.
Chập tối hôm đó, anh Ngọc lên tận bến xe Hải Phòng đón Nam xuống Kiến An. Nhà anh là một căn lều xuềnh xoàng, na ná với thân phận. Bếp ăn cũng là nơi tiếp khách, buồng ngủ được ngăn bằng tấm bạt cũ có chữ Cơm Phở Bình Dân to đùng. Nhưng đồ nhậu “đãi thằng em” thì khá sang trọng, rượu, bia, gà luộc, mực một nắng, hứa hẹn cuộc tao ngộ cả đêm không hết chuyện. Phải mỗi tội, mấy ngày nữa chắc anh chị lại ăn chay. Nam nghĩ.
Anh Ngọc kể, trước khi vào chiến đấu ở Kè Bồng, các anh đã phải vượt một chặng đường dài, gian khổ. Khởi hành từ ngày mười lăm tháng tư, năm một chín bảy tư, đi ô tô đến Hà Tĩnh, sau đó hành quân bộ qua Lò Gò, Xóm Giữa, Tây Ninh, rồi vượt sông Hậu sang Campuchia, rồi quay sang kênh Vĩnh Tế vào Hà Tiên, rồi đi dọc lộ Cái Sắn, về Cần Thơ, rồi, rồi… Đến đâu các anh cũng như bị lộ, bọn giặc đón đường phục kích, bắn pháo sáng trắng trời. Vậy là vừa hành quân, vừa đánh giặc, cứ thế bốn tháng sau, các anh về được đơn vị biên chế ở Trà Ôn, Trà Vinh…
– Vừa chân ướt chân ráo, không một ngày nghỉ, chưa quen thông thổ đường đất đã vào trận luôn. Quần nhau với địch ngoài đồng, bắn trực thăng trên trời, nã cối xuống giang thuyền trên sông… Tụi anh làm tất – Anh Ngọc kể.
Còn năm ngoái, nhận được tin anh Đối thương binh quê Nam Định, cùng chiến đấu một trung đội với anh Việt, hiện đang ở Bình Phước “lấy một cô vợ trẻ hơn chục tuổi, cực kỳ thương bộ đội”, Nam bổ ngay đến. Điện thoại chỉ đường trước rồi, nhưng tới nơi vẫn phải hỏi thăm, mà lại hỏi đúng ngay anh Đối. Anh Đối đang ngồi võng, trông thấy Nam liền lấy chiếc chân gỗ lắp vào, chống nạnh đứng lên, trầm tĩnh: “Nam hả. Vào đây. Trời! trông mày là tao thấy thằng Việt rồi”.
Anh Đối giọng sang sảng quả quyết, anh chính là người trông thấy anh Việt lần cuối cùng. “Là thế này này – anh lấy chiếc que vạch xuống đất – tao là lính trinh sát cùng đại đội với anh mày. Bốt Bàu Cạn và vùng tác chiến của chi khu Kè Bồng tụi tao thuộc như lòng bàn tay. Đêm đó, khi trận Kè Bồng – tức là khu vực này đây – bị vỡ, những người còn sống đành phải quay lại vượt con sông, chỗ này này – anh khoanh một tròn cỡ hơn bàn tay – để rút sang bên kia – lại vạch hai đường kẻ ngoằn nghoèo biểu tượng con sông – Gọi là sông, nhưng đúng hơn, nó là một con rạch rộng khoảng gần bốn chục mét. Anh Việt và ba người nữa vừa qua được sông, tập kết vào một căn nhà dân bỏ trống thì bị một quả đạn pháo rơi trúng – Anh Đối lấy que chấm chấm, bới tung đất, lắc đầu, nói – Tất cả hy sinh mày ạ”.
– Thế nghĩa là… Nam ngập ngừng, hỏi. Như biết được Nam định hỏi gì, anh Đối nhắm mắt vuốt mặt, hạ giọng: “Tan nát hết mày ơi…”. Tuy không hỏi hết câu, nhưng Nam đã biết câu trả lời và đó cũng là điều anh lường trước mỗi cuộc tìm kiếm.
Vậy nhưng năm nào Nam cũng lên đường tìm anh trai. Một cuộc kiếm tìm của một phần ngàn tia hy vọng đã đành, nhưng mỗi lần gặp được đồng đội của anh Việt, nỗi buồn trong Nam vợi đi, nguôi ngoai hệt như anh đang được tâm sự cùng anh trai thân thương vậy. Một cảm thức gì đó khó tả, mách bảo Nam hình như anh Việt luôn đồng hành cùng với mình. Không tin cũng phải tin, đã có nhiều lần như thế này. Đó là… cũng năm kia, trong một lần từ nhà anh Đối ra lộ chính để về Thủ Đức khi còn mờ đất, đường sá lúc đó vắng tanh, chỉ với vài quán hàng lơ thơ thắp đèn le lói. Vùng cao nguyên thật lạ, đất còn tối mà vòm trời đã trong veo, cao thăm thẳm, gió mơn man thoáng đãng ngọt ngào như thấm sâu vào da thịt.
Lòng đang buồn vì nỗi anh Đối đã bảo để muộn muộn hãy đi mà Nam cứ một mực không nghe thì ngay lúc ấy, từ sâu thẳm trong Nam có cái gì đó như nhắc nhở, giục giã hãy thoải mái, hãy vui lên, trời đang đãi đằng hào phóng thế này cơ mà. Và sự phấn hứng vô cớ ấy đã khiến Nam vươn vai hít căng lồng ngực, nhớ đến người anh. Ngày xưa giữa giây phút bình yên hiếm hoi của trận mạc, chắc anh Việt cũng sẽ có được lúc sảng khoái như thế này. Hạnh phúc và ước mơ thường liền kề, Nam bỗng thấy thèm một cuốc xe bất kỳ. Và thật lạ. Đúng lúc ấy một cậu sinh viên tấp vào mua ngô luộc. Chị chủ quán thấy vậy liền mau mắn “Cậu cho chú này quá giang về Sài Gòn, chú phụ tiền xăng”. Vậy là toại nguyện. Nhưng khi về đến nơi, Nam năn nỉ rơi họng xin được “phụ tiền xăng”, cậu trai vẫn một mực “anh đừng làm vậy, dựt khoạt em không lẩy đâu”. Thôi đành. Vậy là vừa gặp cậu sinh viên người miền Trung tốt bụng.
Một lần khác, đợi xe buýt ở Vị Thanh, Hậu Giang để đến nhà anh Bẩy Thạnh tận bến Ninh Kiều, Cần Thơ, người cũng từng chiến đấu quanh quẩn vùng Kè Bồng “có biết anh Việt chút chút”. Chờ gần nửa tiếng mà chẳng có mống xe nào, lại thầm ước “giá mà…” thì liền đó, một anh xe ôm dáng bụi bặm đường trường, mặc chiếc áo vải bạt cưỡi Honda tà tà rà đến cười toác miệng. Bốn mươi lăm ngàn đồng hơn năm chục cây số đến tận Ninh Kiều, giá rẻ bất ngờ đến mức “người ôm” ngồi sau ái ngại…
Dường như đến đâu, Nam cũng thấy hình bóng anh Việt. Chỉ vừa gặp, chưa kịp vấn danh, các đồng đội của anh Việt đã reo lên, xuýt xoa, “Khỏi, khỏi giới thiệu, tao biết mày là ai rồi” – “Mày y chang anh Hai mày à” -“Trời! thằng Việt đây chứ ai” – “Trông mày, tau nhớ thằng Việt…”. Rồi vỗ về, ôm chặt, rồi ngắm nghía và nước mắt lưng tròng… Đúng là anh Việt ở ngay đây, rất gần, rất gần nhưng không sờ nắm được…
Năm nay, cũng vậy sau hơn nửa tháng lặn lội ở mãi hai tỉnh vùng Tây Bắc, tìm được anh Hoàng Mộc, cũng là bạn anh Việt từ thời huấn luyện tân binh ở Hòa Bình, rồi cùng trong quân số bổ sung xuống tít tận miền Tây Nam Bộ, Việt khấp khởi lộn lại cầu Kè Bồng gặp anh Tư Cảnh. Kè Bồng, chính là nơi diễn ra trận đánh đêm mười một, rạng ngày mười hai, tháng tư, một chín bảy lăm ấy.
Gần hết đêm hàn huyên ở nhà anh Mộc, Nam còn biết được một tin đặc biệt: Trưa mười hai này, nhân kỉ niệm bốn mươi năm toàn thắng, các đồng đội trận Kè Bồng, còn khoảng hơn hai chục người sẽ tụ họp ở nhà anh Tư Cảnh làm lễ cầu vong, sau đó sẽ kéo quân ra nghĩa trang huyện làm lễ tưởng niệm. Hôm đưa Nam ra ga xuôi về Hà Nội để vào Nam, anh Mộc xuýt xoa tiếc rẻ, cứ nhắc lại mãi cái câu đã nói gần chục lần trước đó: “Trời, mấy lần về cầu Kè Bồng mà em không biết anh Tư Cảnh? Anh Tư nhớ đồng đội tới mức hòa bình về sống ngay ở trận địa xưa”. Rồi anh Mộc giục giã: “Đi đi. Đi nhanh lên. Nhớ nhé, ông ấy cũng như anh vậy. Em vào đấy rồi chờ bọn anh”. Thế mà bây giờ…
– Đ. Má… Chuyện tế nhị lắm mày ơi… Anh Tư Cảnh dài giọng, thì thào.
Chuyện gì tế nhị? Nam không hiểu.
… Nam đã nuôi bao nhiêu hy vọng khi gặp anh Tư Cảnh. Anh quả là người biết tường tận diễn biến trận đánh cầu Kè Bồng, lại đã có lúc từng nằm ngay cạnh anh Việt trong một rãnh nước, đạn vãi xung quanh.
– Đ.má! Anh Việt mày là anh Hai phải không?
– Dạ – Nam xác nhận.
– Ờ… Anh Hai mày cũng cỡ mày, nhưng ổng to con hơn. Ồng đeo cái pê erờ xê hai lăm (PRC.25) lội ruộng ầm ầm, thấy hoảng”. Câu chuyện của anh Tư thường lẫn lộn giữa quá khứ và hiện tại, nên anh gọi anh Việt lúc là ảnh, lúc là ổng lung tung cả. Rồi anh Tư rỉ rả kể. Mạch chuyện có vẻ rời rạc, mệt mỏi.
– Thật ra, anh Hai mày không phải là lính của đại đội tao. Ổng là thông tin trên tiểu đoàn lận. Ảnh xuống phối thuộc để giữ liên lạc với trển. Dạo đó, anh Hai mày có một tấm bản đồ tự vẽ, tự đánh dấu những tỉnh đã được giải phóng. Nút đánh dấu cuối cùng là ngày mười tháng tư, một chín bảy lăm ở Long Khánh. Là lính thông tin nên ổng có điều kiện nghe đài. Trong tiểu đoàn thông tin ta có bộ phận kỹ thuật nghe đài địch.
… Ngay từ tháng ba một chín bảy lăm, hàng loạt các tỉnh dọc chiều dài đất nước từ Trung Trung bộ, đến Tây Nguyên vào cực Nam Trung Bộ, rồi miền Đông Nam Bộ đã được giải phóng. Quân ta thế mạnh chẻ tre đã ngày một áp sát Sài Gòn. Mệnh lệnh chiến thuật tùy nghi di tản của tướng Ngô Quang Trưởng ngẫu nhiên hợp thức hóa cho cuộc tháo chạy tán loạn. Toàn tuyến tấn công và chốt chặn của địch bị vỡ tan từng mảnh, khiến quân lệnh tử thủ chỉ duy nhất được thực hiện ở Xuân Lộc.
Nắm bắt tình huống liều lĩnh của địch có thể diễn ra ở giai đoạn cuối cuộc tháo chạy này, ta đã chủ động đánh chi khu Kè Bồng, một cụm chốt chặn Quốc lộ 1 và rạch Bầu Cạn án ngữ hai con đường giao thông thủy bộ quan trọng. Tiêu diệt chi khu Kè Bồng có nghĩa là cắt đứt hoàn toàn cơ hội chi viện cho biệt khu Sài Gòn Gia Định, cũng như chặn đường lui của chúng xuống Cần Thơ, hòng dùng sáu tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để trụ lại tử thủ, dàn lại thế trận.
Đêm mười một tháng tư, năm bảy nhăm, hai đại đội của ta ở tư thế chủ động đã vượt rạch Bầu Kè, băng qua cánh đồng, bí mật áp sát bốt Kè Bồng. Phương án tác chiến đã được quán triệt thuần thục cho từng mũi, từng hướng tấn công. Trước đó, trinh sát của ta đã hai lần đột nhập vào chi khu, nắm chắc từng ổ đề kháng của địch và xác định bốn cửa mở thuận lợi cho đột phá…
Nhưng khi quân ta vừa mật tập bốt Kè Bồng chưa đủ tầm súng B40 thì bất ngờ từ hai phía đông và đông nam bốn ổ đại liên không hề có trong đánh dấu của trinh sát trước đó, đồng loạt nã đạn xối xả vào đội hình hai đại đội. Đạn vạch đường đỏ lừ như có mắt nhằm trúng các mũi tiến công. Ta bị thương vong ngay từ phút đầu tiên. Tình huống đột biến ấy đã buộc ta phải phải liều mình nổ súng trước giờ G. Một mũi tiến công của đại đội 2 đã phá cửa mở tiêu diệt được hai khẩu pháo 105 ly. Nhưng chỉ kịp có vậy, các ổ đề kháng của địch bắn xối xả vào mũi tiến công đã lập tức làm thay đổi hoàn toàn thế trận.
Cùng lúc đó, hàng loạt pháo sáng bắn lên trắng đồng, biến lạch nước, dòng sông thành những tấm gương chói lòa; pháo của địch từ chi khu Kè Bồng, từ Quốc lộ và Hương lộ 41 cấp tập dội đạn lên đầu đội hình, rồi ngay sau đó chuyển làn vây kín vòng ngoài, khóa con đường rút của bộ đội ta. Trận đánh đơn giản như một cuộc diễn tập mà mọi tình huống như được sắp xếp trong tay kẻ thù, khiến chỉ trong ba phút đã chia cắt các mũi tiến công của hai đại đội ra làm nhiều mảnh. Hỏa lực của ta chưa kịp triển khai, bộ đội ta chưa thể kịp áp sát mục tiêu đã bị “phơi lưng” vô phương kháng cự. Đất đá, lục bình, máu và xác các chiến sĩ văng rải rác khắp nơi. Thương vong không kịp thống kê báo báo…
Việt bị thương nặng, xệ bả vai, chiếc vô tuyến PRC của anh bị mất liên lạc ở ngay phút thứ hai bởi hàng chục mảnh đạn. Đã có một mệnh lệnh báo cáo về sở chỉ huy xin rút lui, nhưng không thể nối được liên lạc… Toàn trận địa tan tác, từng tốp nhỏ đành tìm cách vừa cứu thương vừa bơi lại qua sông, lui về tuyến sau.
… Trưa ngày mười hai tháng tư, địch đổ một trung đoàn chủ lực, hai chi đoàn M.113 cùng ba tiểu đoàn bảo an lùng sục khắp các cánh đồng hai xã Kè Bồng và Bầu Cạn để tìm trận địa pháo của ta. Tình thế đã buộc Trung đoàn của ta phải chuyển sang hoạt động phân tán, đánh nhỏ lẻ, kìm chân địch ở quốc lộ 1 và vùng ven hương lộ 41…
Trận đó ta hy sinh hơn một trăm người. Trong lịch sử trung đoàn, chưa khi nào lại bị như vậy. Không phải ta đánh tồi, không phải sai chiến thuật mà vì toàn bộ đội hình tác chiến của ta đã bị lọt vào vùng phục kích của địch bởi một kẻ phản bội chiêu hồi. Sáng hôm sau, xác liệt sĩ ta bị quân địch phơi trên lộ. Các má phải họp nhau bàn kế nộp cho tên chỉ huy chi khu Kè Bồng năm trăm ngàn đồng một tử sĩ để đem về mai táng chôn cất…
– Mày gặp ông Ba Dinh rồi phải không? Anh Tư Cảnh ngừng chuyện, bất ngờ hỏi
– Dạ, rồi, Nam đáp.
Anh Ba Dinh là du kích xã chuyên lo việc chôn cất các liệt sĩ từ năm một chín sáu lăm. Đêm ấy, trực thăng địch “luần guần” trên đầu, thằng Hãi Hùng chiêu hồi – tên nó là Trần Hải Hùng, anh em khinh rẻ gọi thành Hãi Hùng – ngồi trên đó bắc loa kêu gọi đầu hàng. Anh Ba Dinh kể: “Trận đó, quân số hy sinh và mất tích nhiều lắm. Tụi tau thu gom chỉ được bảy mươi hai người”. Trên giao cho mỗi xã đóng ba mươi “khuôn”. Anh Ba xuống cầu Bùng mua cây về xả ra đóng được hơn bốn mươi “khuôn”. Sau trận, chị em kéo xác xuống xuồng đưa về chôn, được bao nhiêu thì chở bấy nhiêu. Nghĩa trang trên huyện giờ còn có khoảng sáu trăm ngôi mộ không có tên…”.
“Chuyện tế nhị lắm mày ơi…”. Ngồi nghe kể về trận đánh Kè Bồng mà cái câu nói của anh Tư Cảnh cứ lởn vởn trong đầu Nam. Nhưng rồi Nam cũng lờ mờ nhận ra rằng, cái gì biết được thì anh Tư đã nói hết rồi. Một con người thế kia, có chuyện gì đâu mà phải lưỡng lự, khó nói. Đầu gối quá tai, lòng khòng, hơn sáu mươi thôi mà khuôn mặt sương sương, nhăn nheo như ông lão bảy mươi. Nhưng về khoản cơ bắp thì đâu ra đấy, săn chắc như gộc tre… Mà cái cách nhậu cũng lạ, uống với chén mắt trâu mà nhâm nhi, không một lần cạn đáy trăm phần trăm… Người như thế phải là người vừa nhiệt thành, vừa trầm mặc, vừa bộc trực thẳng ruột ngựa, nghĩ là làm, nhưng lại vừa thận trọng, suy xét kỹ lưỡng.
Mà chắc đúng vậy. Ai đời, giải phóng xong, người nào người nấy đều nhào về quê nội, quê ngoại bao năm tháng mong ngóng, nhớ thương. Riêng anh, một mình với ba lô trở lại Kè Bồng, chọn một mảnh đất hoang hóa bên cầu mà thuở ấy chẳng phải xin ai, còn nham nhở bom đạn, dựng một căn nhà lá dừa nước không cửa nẻo, moi đất trồng trọt, gá chuồng nuôi heo. Heo hồi ấy là đầu câu chuyện, đứng đầu trong kế sinh nhai. Gặp nhau hỏi thăm heo. Heo khỏe, mừng rỡ heo bệnh … chia buồn. Từ heo, anh Tư Cảnh xây ngôi nhà cấp bốn, dựng một am thờ đồng đội, hương khói mồng một ngày rằm, lẳng lặng không ai biết…
Không kìm lòng được, Nam phải cắt ngang anh Tư Cảnh để kể lại chuyện gặp anh Đối năm ngoái. Lặng nghe hồi lâu, anh Tư xác nhận: “Đánh Kè Bồng, thì ông Đối cùng trung đội với anh Việt mày thật. Còn cái đoạn cuối đó thì quả tình tao không biết. Nhưng nếu không phải thế thì còn hy vọng tìm được anh Việt mày trong số những người vô danh do các má, các du kích xã gom lại chôn cất”. Anh Tư nói chắc là để an ủi và nuôi hy vọng cho Nam. Nhưng, chuyện đó bây giờ… Năm ngoái, khi Nam đến nghĩa trang huyện, nhòa nước mắt vì thương cảm và vì cái nắng, nóng như nung, anh đã khấn thầm khi thắp nhang trước những nấm mộ với những tấm bia “Bộ đội miền Bắc” không tên tuổi. “Các anh ơi. Máu xương của anh Việt em cùng các đồng đội mất tích và các anh đã hòa vào lòng đất rồi. Các anh ơi…”.
– Nhưng tan nát hết là một chuyện thôi mày ơi – Đột nhiên, anh Tư bắt đúng mạch nghĩ mung lung trong đầu Nam. Im lặng hồi lâu, cuối cùng anh Tư nâng cái “mắt trâu” lên, chiêu một ngụm nhỏ, tiếp:
– Tao hỏi mày, một trận đánh bi hùng như thế sao rất ít người nhắc tới, ngoài tụi tao còn sống chừng vài chục người? Mà sao chỉ có tụi tao âm thầm nhớ. Sao các ông ấy không nhớ. Sao chỉ có tụi tao nói, còn các ông ấy không nói cùng tụi tao? Sao họ chỉ liên hoan gặp mặt mừng công những trận thắng? Sao mày đã lần khắp nơi mà không tìm nổi một trang viết về trận Kè Bồng? Có phải vì đó là một trận thất bại, chết nhiều quá. Có phải đánh trận đó là một tiểu đoàn lừng danh từ hồi chống pháp mà lại bị thua trận, mà lại có kẻ chiêu hồi. Đúng! Nhưng Kè Bồng phải được đối xử công bằng như những trận thắng oai hùng, vì ở đó có máu của người lính. Máu của trận bại cũng phải được trân trọng như máu đổ ra ở trận thắng chứ – Anh Tư Cảnh nói một mạch, giọng gay gắt khác hẳn với lúc ban đầu ngập ngừng, buồn nản.
Hình như anh Tư Cảnh vẫn đang nói đại loại “chiến tranh mà, có thắng, có thua. Nhưng…”. Nhưng Nam gần như không còn nghe thấy gì. Anh đang dồn tâm trí vào cuộc gặp hồi năm ngoái với vị tướng từng là trung đội phó đại đội 1 đánh Kè Bồng. Chính điều anh Tư vừa nói đã khiến Nam nhớ đến cuộc gặp này.
Gặp một vị tướng không hề đơn giản, nhất là lại chỉ để hỏi chuyện cá nhân. Phải qua nhiều cuộc giới thiệu khéo léo và may mắn cuộc gặp mới thành. Vị tướng có cái tên là lạ Võ Văn Vững, toàn chữ V. Phút đầu, vẻ bề trên, lơ đãng nghe Nam dẫn đề, vào chuyện, có vẻ như ông ngứa ngáy đâu đó, nên cứ ngọ nguậy không yên trên chiếc ghế bành gốc pờ mu, chạm trổ to đùng như ngai vua. Xong phần Nam thưa chuyện, vị tướng giải đáp trịnh trọng, vắn tắt rằng ông có biết anh Việt. Trận đó ta thua lớn, người tìm đường rút lui, người hy sinh chôn tập thể, người do dân chôn cất, người thì bị bắt, người bị phơi thây trên lộ. “Sau này tôi có về Kè Bồng, nhưng mọi thứ đã thay đổi, không còn nhận ra đâu vào đâu hết” – Vị tướng nói. Rồi ông giới thiệu vài cái tên và địa chỉ mang máng cùng đánh Kè Bồng để Nam tìm gặp. Cuối cùng, ông vội đứng lên. Khi… nhân thể đưa Nam ra sân, ông gọi với lên lầu giục con ra xe đi đánh golf. Rõ ràng ông không vui với chuyện xưa và không muốn nhắc đến nó.
Vị tướng không muốn nhắc đến chuyện xưa. Và chính câu chuyện của anh Tư Cảnh đã giúp Nam hiểu sự tình. Trận Kè Bồng là một khoảng tối, một góc khuất trong hào quang chiến thắng và con đường vinh thăng của vị tướng chăng? Và có lẽ vì vậy mà anh Tư Cảnh chửi thề bảo cho qua, chuyện tế nhị lắm chăng. Cuộc gặp ấy kết thúc thật nặng nề khiến Nam day dứt. Một cái gì đó vừa như xót xa, vừa như xấu hổ trào lên trong anh. Cũng vì thế, Nam đã kịp kìm lòng không kể lại cuộc gặp này với anh Tư Cảnh. Chẳng để làm gì. Hãy trân trọng nỗi đau của anh Tư. Anh đã đau thế đủ rồi, chẳng cần biết thêm để đau thêm nữa.
Lòng nhủ lòng đã giúp Nam tĩnh chí quay trở lại với suy tư và câu chuyện của anh Tư Cảnh. Những câu chuyện về một thời của người lính và mong ước dù chỉ một phần nghìn tia hy vọng…
Thành phố Hồ Chí Minh,
Tháng tư năm 2016
AN BÌNH MINH