Truyện ngắn của Bùi Thị Hồng Vân: Đôi bạn nhỏ

Vừa thấy cu Bi thấp thoáng ngoài ngõ Phốc đã lao ra, miệng rên ư ử, đuôi nó ngoáy tít như cái chong chóng. Nó chồm hai chân trước lên ôm chặt lấy cu Bi khiến cậu phải vừa xoa đầu nó vừa nói:

– Thôi nào! Để tao đi vào nhà đã.

Nghe cu Bi nói vậy Phốc mới chịu buông cậu ra rồi lẵng nhẵng theo cu Bi vào nhà.

Phốc là chú chó nhỏ lông vàng như nắng. Nó có cái đuôi trổ ra như bông lau cuối đông. Nó được bố mang về nuôi khi cu Bi mới đang tập bò. Bố mẹ suốt ngày bận rộn với lợn gà cám bã, không phải lúc nào cũng để mắt đến đứa con đang tập bò được nên mang Phốc về nuôi cho cu Bi vừa có bạn vừa trông được cu cậu lúc mải làm. Ngày cu Bi biết bò hễ cứ mỗi lần cậu định bò ra đường là Phốc lại cắn lưng áo lôi lại. Một đứa trẻ và một chú chó con sàn sàn tuổi nhau chẳng mấy chốc đã thành đôi bạn thân thiết, suốt ngày dính nhau như hình với bóng. Chín năm trời, người làng đã quen với việc hễ thấy cu Bi ở đâu là một lúc sau sẽ thấy Phốc lăng xăng ở đó. Có miếng bim bim hay cái kẹo Bi đều chia cho Phốc một nửa. Còn Phốc thì sáng nào cũng đưa cu Bi đến tận cổng trường rồi mới quay trở về. Bố vẫn thường khen:

– Phốc khôn thật! Hiếm có con chó nào sống tình cảm như thế!

Nhà giáo Bùi Thị Hồng Vân ở Hòa Bình

Phốc và cu Bi đã cùng nhau lớn lên, cùng nhau trải qua những ngày tháng tuổi thơ ngọt ngào. Trừ khi đi ngủ và đi học Bi và Phốc không lúc nào rời nhau nửa bước.

Những chiều đông, cu Bi hay cùng chị Na và Phốc ra cánh đồng trước nhà chơi đùa. Cánh đồng mùa đông trơ những gốc rạ xám xịt, đất cứng như đất nện. Chỉ có đám rau khúc lá trắng phơn phớt và rau má là cứ lách những chiếc rễ trắng phau vào các kẽ đất chân chim mà mươn mướt vươn lên, non mỡ màng. Trong lúc cu Bi và Phốc rượt đuổi nhau tiếng cười giòn tan vang xa làm rộn rã cả cánh đồng chiều thì chị Na tỉ mẩn nhặt những lá rau non mướt ấy đem về cho mẹ làm món rau đồ.

Nhưng chị Na ốm rồi. Từ ngày chị đổ bệnh căn nhà nhỏ thiếu vắng hẳn tiếng cười. Căn bệnh tan máu bẩm sinh khiến chị yếu rớt mồng tơi. Mười một tuổi mà trông chị bé như đứa bé lớp 2. Khuôn mặt chị lúc nào cũng tái xám lại như miếng vỏ cây khô trên rừng. Khuôn ngực lép kẹp nhấp nhô một cách khó khăn theo từng nhịp thở của chị. Bố bảo: “Bệnh chị không thể chữa khỏi. Chị sẽ phải sống chung với căn bệnh quái ác đó cả đời.” Cu Bi thương chị lắm. Mỗi khi có đồ ăn ngon cậu đều nhường hết cho chị. Bi nói với mẹ:

– Con ăn gì cũng được mẹ ạ. Chị Na phải ăn thật nhiều để còn có sức mà chống lại bệnh tật.

Nhìn khuôn mặt hồn nhiên của cu cậu, mẹ rơm rớm nước mắt đưa bàn tay chai sần xoa đầu cu Bi rồi nói:

– Con trai mẹ ngoan lắm! Bé tí đã biết nghĩ cho người khác rồi!

Hai tháng một lần bố mẹ lại phải đưa chị Na về Viện Huyết học trung ương truyền máu cho chị. Tiền trọ, tiền ăn, tiền đi lại…khiến bố mẹ cậu quay như chong chóng. Bố mẹ làm đủ mọi việc để kiếm tiền chữa bệnh cho chị Na. Sự vất vả, lo lắng khiến hai con người chưa đến 40 ấy già xọm đi. Vết chân chim hằn rõ trên khuôn mặt khắc khổ của hai người.

Dịch bùng phát khiến bố mẹ Bi mất việc. Cuộc sống đã khó khăn giờ càng khó khăn hơn. Bữa cơm gia đình nó giờ toàn rau với chút đậu phụ kho mặn, họa hoằn lắm mới có vài miếng thịt ba chỉ mỏng như lưỡi mèo. Cả nhà nó đều nhường số thịt ít ỏi đó cho chị Na. Mấy miếng thịt cứ bị đẩy đi đẩy lại đến tận cuối bữa. Cuối cùng mẹ phải nài ép chị Na mới chịu ăn.

Mấy hôm nay chị Na mệt nhiều. Bước chân chậm chạp của chị như kéo lê trên mặt đất. Cả ngày chị cứ lử khử lừ khừ chả chịu ăn uống gì. Hễ đi học về là chị lại chui vào nằm cuộn tròn trong chăn như chú mèo hen. Đã đến kỳ truyền máu cho chị nhưng dịch giã, bố không có việc lại bị cách ly tại chỗ làm, không kiếm được tiền gửi về nên mẹ cứ khất lần mãi. Thỉnh thoảng, mẹ nó lại cắp nón đi đâu đó rồi trở về với khuôn mặt buồn rười rượi.

Khuya ấy, đang ngủ Bi chợt giật mình bởi cảm giác chống chếnh, lành lạnh bên cạnh. Nó quờ tay định ôm mẹ nhưng không thấy mẹ đâu khiến nó bừng tỉnh ngồi dậy. Khuya lắm rồi mà nó vẫn thấy bố mẹ ngồi nói chuyện với nhau qua màn hình điện thoại. Nó nghe tiếng bố trầm trầm:

– Em này! Hay mình bán con Phốc đi. Nó gần 20 cân cũng được hai triệu, đủ tiền xe với tiền ăn cho hai mẹ con mấy ngày.

Tiếng mẹ nó rất nhỏ nhưng dứt khoát:

– Không được đâu mình ạ!

– Thằng cu Bi thương Phốc lắm! Nó sẽ không chịu đâu. Với lại Phốc cũng gắn bó với nhà mình gần chục năm rồi còn gì.

Tiếng bố nó lại vang lên:

– Nhưng nếu không bán thì mình lấy tiền đâu đưa con đi viện. Quá kỳ truyền máu của con gần một tháng rồi đấy. Họ hàng hai bên mình đều vay hết rồi. Dịch giã này ai cũng khó khăn cả không ai có để giúp mình lúc này.

Rồi cả bố và mẹ đều im lặng. Nó nghe rõ tiếng bố thở dài não nuột. Tiếng con thạch thùng kêu tróc tróc trên nóc nhà. Bóng mẹ nó trầm ngâm in lên tường nhà liêu xiêu, khắc khổ.

– Trời ơi! Bán Phốc ư? Bán chú chó đã gắn bó với nó chín năm trời, từ lúc nó biết tập bò ư?

Nó không thể tin điều đó lại có thể xảy ra. Nhưng nếu không bán Phốc thì mẹ nó sẽ chẳng có tiền đưa chị Na đi viện. Rồi chị Na nó sẽ ra sao khi không kịp truyền máu. Bất giác nó quay sang nhìn chị. Chị Na đang thiêm thiếp bên cạnh. Trong giấc ngủ, khuôn mặt chị mệt mỏi tái xám, từng hơi thở khó nhọc thoát ra từ lồng ngực gầy dơ xương của chị. Bàn tay gầy guộc nổi rõ từng đường gân xanh chằng chịt. Nó lại thấy thương chị đến xót xa.

Nhưng cứ nghĩ đến lúc người ta cho Phốc vào rọ rồi mang đi cu Bi lại khóc nước mắt cậu nhỏ xuống ướt đẫm gối. Rồi cậu thiếp đi trong lo âu và mệt mỏi. Trong giấc ngủ chập chờn cậu mơ thấy Phốc bị người ta buộc chặt mõm, tống vào rọ chở đi mất, cậu cố gắng đuổi theo, vừa đuổi cậu vừa gào lên:

– Phốc ơi! Đợi tao với Phốc ơi!

Cậu ngã nhào xuống mặt đường lổn nhổn sỏi đá. Phốc ngoái nhìn cậu bằng con mắt buồn bã, tuyệt vọng. Chiếc xe chở Phốc cứ xa dần rồi mất hút trong con đường đất đỏ bụi mờ.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, hai mắt cậu sưng húp. Mẹ cuống quýt lấy thuốc nhỏ mắt tra cho cậu. Vừa làm mẹ vừa xuýt xoa:

– Mùa đông vừa khô vừa bụi con phải giữ gìn kẻo bụi làm đau mắt nhé.

Mẹ không hề biết nó đã nghe được cuộc nói chuyện của bố mẹ. Mẹ cũng không biết nó khóc chứ không phải đau mắt. Đến lớp cu Bi không tài nào tập trung nghe cô giảng được. Trong đầu cậu lúc nào cũng lởn vởn cảnh Phốc bị nhốt vào rọ, bị mang đi.

Cô Dịu để ý thấy cậu học trò thường ngày hiếu động là vậy mà hôm nay cứ ngơ ngơ ngác ngác như người mất hồn. Mắt cậu nhìn đâu đâu, chẳng để ý vào bài học, cũng chẳng hăng hái phát biểu như mọi ngày. Giờ ra chơi mặc cho các bạn ào ra sân nô đùa, cậu ngồi thu lu trong góc lớp. Ánh mắt vô hồn buồn rười rượi nhìn lơ đãng ra sân trường. Cô đến bên cạnh Bi tự lúc nào mà nó cũng không hề hay biết. Nó giật mình khi nghe cô hỏi:

– Con có chuyện gì à? Kể cô nghe xem nào?

Nhìn vào đôi mắt hiền dịu của cô, bao nhiêu ấm ức, lo lắng dồn nén từ đêm qua ào ra. Nó ôm cô giáo khóc òa:

– Cô ơi! Phốc sắp bị bán rồi.

– Con không muốn xa Phốc đâu! Nhưng chị Na ốm. Mẹ không có tiền đưa chị Na đi viện.

– Hu hu…

Cô giáo khẽ vỗ vỗ bờ vai đang rung lên theo từng nhịp nức nở của nó, lau những giọt nước mắt nhòe nhoẹt trên gương mặt cậu học trò rồi nhẹ nhàng nói:

– Con nín đi. Cô hứa sẽ nói với mẹ giữ lại Phốc cho con.

Nghe cô giáo an ủi, nó yên tâm một chút nhưng trong lòng vẫn phấp phỏng lo âu. Trống điểm hết giờ chưa dứt cu Bi đã lao vút ra cửa, quên cả chào cô giáo,  mặc những đôi mắt ngạc nhiên đang nhìn theo nó. Nó chạy như bay về nhà. Vừa đến đầu ngõ, nó đã thấy một chiếc xe máy đậu ở cửa. Trong nhà mẹ đang ngồi nói chuyện với một người đàn ông lạ còn Phốc bị nhốt trong chiếc lồng sắt đặt ở hiên nhà. Nó lao đến, luồn tay qua mắt chiếc rọ sắt ôm chặt lấy Phốc mà nức nở:

– Mẹ ơi đừng bán Phốc! Con không muốn xa Phốc đâu!

Nước mắt nó rơi xuống ướt cả bộ lông vàng của chú chó nhỏ. Chỉ có Phốc vẫn chẳng hiểu vì sao mình bị nhốt. Chú vẫn ngoáy tít đuôi khi thấy cu Bi, rồi thè lưỡi liếm những giọt nước mắt cậu chủ đang rơi trên lưng mình. Mẹ cu Bi thở dài nhìn con khe khẽ lắc đầu.

Lại có tiếng xe máy dừng đầu ngõ. Cô giáo cu Bi bước vào. Nó lao ra ôm lấy cô rối rít:

– Cô ơi cứu Phốc! Cô ơi!

Cô giáo chào mọi người rồi nói:

– Chị đã nghe cu Bi nói chuyện về gia đình mình. Tập thể giáo viên nhà trường có chút tiền nhỏ biếu em làm lộ phí cho bé Na đi viện.

– Gia đình mình giữ lại Phốc cho cu Bi nhé!

Đón phong bì từ tay cô giáo mẹ nó không nói lên lời. Nước mắt rưng rưng, mãi sau mới nghẹn ngào:

– Chúng em mang ơn các thầy cô nhiều lắm!

– Gia đình chúng em không biết lấy gì để cám ơn nhà trường cả.

Cô nó cười. Nụ cười thật ấm áp:

– Ơn với huệ gì. Đang dịch giã này ai cũng khó khăn cả. Giúp nhau một chút lúc khó khăn, hoạn nạn là trách nhiệm của tất cả mọi người em ạ.

Cô đưa tay xoa đầu nó:

– Cu Bi ngoan đừng khóc nữa! Nhớ chăm sóc chị Na cho tốt nhé!

Nói rồi cô nó chào mọi người ra về.

Mẹ cởi móc thả Phốc ra khỏi rọ. Phốc mừng quýnh nhảy lên ôm lấy cậu. Hai mẹ con cu Bi đứng đó, lặng lẽ trông theo cái dáng mảnh khảnh của cô giáo nó khuất sau rặng cúc tần đầu ngõ.

Có ngọn lửa thật ấm áp đang nhảy nhót trong lòng nó.

Hòa Bình, ngày 9.2.2022

BÙI THỊ HỒNG VÂN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *