Thái độ quý hơn trình độ

VHSG- Trong các cuốn sách Triết học đương đại bán chạy nhất trên thế giới năm 2018 và 2019, thì cuốn “21 bài học cho thế kỷ thứ XXI” (21 leçons pour le XXIe siècle) của tác giả nổi tiếng người Israel là Yuval Noah Harari, do nhà xuất bản Albin Michel – Paris phát hành tháng 12 năm 2018 là cuốn sách được chú ý một cách đặc biệt cho nhiều ngành khoa học xã hội và tự nhiên.

Chỉ nói riêng về ngành sư phạm, tức là việc dạy gì cho con em chúng ta khi bước vào thế kỷ thứ XXI, tức là bước vào một thời kỳ mênh mông bao la về kiến thức, về thông tin, về kỹ thuật, trong đó có cả ảo cả thật, cả đúng cả sai, rất khó nắm bắt thì biết làm thế nào?

Cuốn sách đã khuyên các chuyên gia sư phạm, khuyên các trường học (tiểu học, trung học, đại học, sau đại học, cơ quan nghiên cứu chuyên sâu…) hãy: “Giảm bớt các kỹ năng kỹ thuật mà nên nhấn mạnh vào các kỹ năng sống thực tế” (Les écoles devraient minimiser l’importance des compétences techniques pour privilégier les compétences générales nécesaires dans la vie courante).

Cụ thể hóa lời khuyên này, nên dạy cho học sinh, sinh viên, nghiên cứu viên theo “Bốn chữ C”: Tư duy phản biện (Critical thingking), kỹ năng giao tiếp (Communication), kỹ năng hợp tác (Collaboration) và kỹ năng sáng tạo (Creativity).

Đã có nhiều học giả bình luận về 4 chữ C thần kỳ này. Tất nhiên ai cũng phải thừa nhận là đúng và quá đúng, nhưng tóm tắt lại cho dễ hiểu và dễ sát thực với cuộc sống thường ngày thì không dễ chút nào. Thôi thì biết đến đâu cứ tạm giải thích đến đấy, miễn là có ích cho công việc, mà cũng không nên giải thích 4 chữ C này theo lối Triết học khó hiểu mà nên theo hướng Triết học bình dân. Lại càng không nên giải thích 4 chữ C theo cách lý thuyết mà nên theo cách thực tế thì sẽ tránh được sự bế tắc của cái “lý thuyết màu xám” để được cái “thực tế mãi mãi xanh tươi”.

Ta xếp 4 chữ C này thành 2 nội dung: Thái độ và Trình độ. Nếu hiểu theo nhiều cách thì chữ C nào cũng cần đến thái độ và trình độ, cũng đều hàm chứa nội dung thái độ và trình độ đan xen nhau. Theo dõi một số thí dụ sau:

Thí dụ 1: Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu những vụ lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng mà nạn nhân là hàng trăm người mắc vào cái bẫy lừa đảo đó. Những kẻ lừa đảo đã có những chương trình, đã có những kế hoạch lừa đảo bài bản. Có người thắc mắc: Thời buổi người khôn mà của khó như hiện nay thì lừa nhau mấy triệu đồng cũng khó, tại sao có người chịu mất hàng chục tỷ đồng kéo dài hàng năm trời mà cũng không biết?

Câu trả lời nhanh là: vì tham và ngu.

Câu trả lời theo khoa học là: vì thiếu tư duy phản biện, thiếu tư duy logic.

Câu trả lời theo pháp luật là: do pháp luật còn lỏng lẻo, nhiều kẽ hở, nên có người tham nhũng, có người hối lộ mới xảy ra cơ sự như vậy, chứ cái việc sờ sờ ra đấy sao lại không biết.

Thí dụ 2: Khám chữa bệnh từ hàng ngàn năm nay vẫn phải theo 4 bước bắt buộc là: nhìn, sờ, gõ, nghe. Đó là khám lâm sàng. Nếu thầy thuốc nghi ngờ điều gì mới cho làm các xét nghiệm để có thể chẩn đoán xác định. Một bác sỹ nếu thấy ca bệnh khó chẩn đoán quá thì phải hội chẩn với các bác sỹ khác, với các chuyên khoa khác để tìm bằng được nguyên nhân gây bệnh, diễn biến của bệnh và các cách điều trị hợp lý nhất. Đó là sự công phu, khó nhọc, vất vả của người thầy thuốc có trình độ giỏi và thái độ tốt, có y đức, có lòng thương người thì mới may mắn mà tìm ra được bệnh. Nay, nếu khám bệnh qua điện thoại, khám bệnh qua trả lời bạn nghe đài, qua internet thì tai biến là cái chắc, chết là cái chắc! Ai có tư duy phản biện, có tư duy logic không bao giờ dám đem cái sức khỏe của mình ra làm trò “nhanh, nhiều, rẻ” như thế bao giờ.

Lại có người đi làm thẩm mỹ mắt lại thành mù, đi nâng mũi sửa cằm thành nhiễm trùng huyết, đi cắt mỡ bụng rồi chết cũng là do sự kém cỏi mà ra. Việc dạy cho các thế hệ tương lai chữ C đầu tiên là “Critical thingking” chính là chỗ đó.

Thí dụ 3: Trong các tập đoàn kinh tế lớn, yêu cầu số 1 khi tuyển mộ nhân viên là kỹ năng tuân thủ. Đây chính là Tư duy phản biện của một cơ quan trưởng thành, một con người trưởng thành.

Kỹ năng biết tuân thủ luật pháp, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ đạo đức làm người, tuân thủ quy định, nội quy, điều lệ là yêu cầu số 1 của một xã hội hiện đại, đảm bảo phát triển tốt trong tương lai.

Người có trình độ cao mới biết cách tuân thủ, có thái độ khiêm tốn, thực sự cầu thị, muốn bản thân ngày càng tốt lên. Vì thế mới có người từ nhân viên bình thường, trưởng thành dần rồi lên giám đốc. Lại có người từ giám đốc phải xuống làm nhân viên hành chính.

Đó là sự lựa chọn theo thời gian qua tư duy phản biện.

Thí dụ 4: Năm 2016, Viện nghiên cứu X tiếp nhận 2 vị Tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài về viện công tác.

Anh A là con một cán bộ cao cấp ở trung ương, anh B là con một cựu chiến binh ở Nam định. Qua 6 tháng công tác A được đề bạt lên Phó phòng nhờ những cú điện thoại nhắc nhở và những tin nhắn khéo léo. Mỗi khi A vào các cuộc họp ở hội trường bao giờ anh cũng ngồi hàng ghế trên, ít chào hỏi ai kể cả các vị lớn tuổi. Còn anh B cứ lặng lẽ làm việc, năm nào cũng được bầu là Lao động xuất sắc nhờ những đóng góp xứng đáng của anh trong phòng Thực nghiệm của Viện. Gặp ai anh cũng niềm nở thăm hỏi và sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn.

Cuối năm 2019, Viện có một đợt giảm biên chế, cần phải cho về hưu sớm hoặc cho thôi việc một số tiến sĩ, kỹ sư, cử nhân làm việc không có hiệu quả lại hay kéo bè kéo cánh gây mất đoàn kết nội bộ. Anh A bị buộc phải thôi việc vì ông giám đốc mới của Viện đã phát hiện ra anh là nguyên nhân của nhiều vụ mất đoàn két nội bộ và năng lực làm việc kém. Những khuyết điểm của anh A ai cũng đều biết, nhưng họ sợ thế lực của bố anh nên không ai dám nói ra. Đến khi được bỏ phiếu kín họ mới mạnh dạn gạch tên anh.

Sang đến đầu năm 2020, anh B được cử làm Trưởng phòng Thực nghiệm của Viện.

Thì ra, cứ trung thực, thật thà, khiêm tốn là hơn. Người có thái độ tốt quý hơn cái bằng, còn người có cái bằng mà thái độ không tốt thì cũng vô giá trị!

Thí dụ 5: Ông Jean Jacques Rousseau (1712 – 1778) là nhà triết học vĩ đại, đã từng có một tổng kết mà nghe qua đã giật mình: “Làm gì có sự khôn ngoan nào vượt qua được sự tử tế” (What wisdom can you find that is greater than kindness).

Tại sao phải giật mình? Vì có người chắc chắn rằng đã có biết bao nhiêu kẻ gian manh, sảo quyệt với bao nhiêu mưu hèn kế bẩn của chúng đã từng chiến thắng được người khác, đã từng cướp được tài sản của người khác, đã tiêu diệt được người tử tế đó sao. Nhưng họ đã nhầm. Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng bao giờ người tử tế, lương thiện cũng dành chiến thắng trong trận sau cùng. Có như thế chúng ta mới có ngày hôm nay, một thế giới rực rỡ huy hoàng với những văn minh, tiến bộ vượt bậc về mọi phương diện: Khoa học, kỹ thuật, văn học nghệ thuật…

Tại sao phải giật mình? Vì có người đã tưởng nếu có được một chút chuyên môn thành thạo là có thể đem ra lòe bịp nhất thời mọi người. Nhưng họ đã nhầm, vì với thời gian, tập thể nào và cá nhân nào có thực tài, lại biết khiêm tốn học hỏi và luôn muốn cống hiến, phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng thì sẽ phát triển được bền vững, lâu dài.

Người xưa có câu “Của cho không bằng cách cho” cũng có ý tứ dạy bảo con người nếu có thái độ trọng thị, chân thành thì sẽ được ghi nhận, sẽ được chấp nhận, vì đó là “Của ít lòng nhiều”. Còn những kẻ giầu lỏi, hợm hĩnh, trưởng giả học làm sang thì trước sau gì cũng lộ nguyên hình, hổ thẹn với thời gian.

Nói một cách ngắn gọn: Trình độ là cái Tài, Thái độ là cái Đức. Tài lúc nào cũng quý, nhưng có thêm cái Đức càng đáng quý hơn.

Nhà triết học Đông phương Cổ đại Khổng Tử (551 đến 479 trước Công nguyên) đã nói rất đúng: “Người có Đức không bao giờ bị lẻ loi, nhất định có người gần gụi cạnh bên” (Đức bất cô, tất hữu liên)!

TRẦN HỮU THĂNG

2 thoughts on “Thái độ quý hơn trình độ

  1. Nguyễn Hồng Minh says:

    Cứ nhầm như bình thường

    Thái độ và trình độ là hai mặt khác nhau không nên được so sánh đặt cùng một mặt phẳng mà chỉ làm sao cho cân bằng. Bởi là hai hình thái thể hiện, cả bản chất khác nhau nên chúng khác nhau. “Thái độ quý hơn trình độ” cái tên bài và cả trong nội dung tác giả cũng nhắc tới. Phần cuối bài viết, tôi hiểu đây chỉ là một góc nhìn, nhưng dù sao chúng ta cũng nhìn được, nhìn đúng một chút hay hòa tấu một chút cho thi vị. Còn nhìn chênh vênh như thế này, và đọc phần cuối của bài viết như có một chút nghiêng về sự “miệt thị không rõ ràng”, “quan điểm không công bằng”, “xu hướng ôm phận”, “thụ động hóa bản năng”, “quan điểm thù lời thù ý” …tất cả các từ này là từ của tôi, tôi viết ra cho sự cảm nhận khi đọc phần cuối của bài viết này và tiêu đề.
    Thái độ và trình độ chúng giống như là cảm xúc tình cảm và lý trí vậy. Đừng nhầm chúng là một hoặc quy chiếu chúng về hàng vế nào đó để mà so sánh, lựa chọn, đánh giá khi chưa phân biệt chúng trong một vị trí, tình huống, xu hướng hoặc môi trường sung quanh nào. Không đẩy cảm xúc mà bỏ lý trí, không theo lý trí mà xóa tan cảm xúc, và vì thế con người luôn trong quá trình tìm kiếm sự cân bằng. Trái tim có hai phần là nói về tinh thần con người, cuộc sống con người có cả tình cảm và lý trí, không thể so sánh mà chỉ có thể cân đong đo đếm từng cái khi đặt chúng trong tình huống, trong khung cảnh …vv mà thôi.
    Thái độ và trình độ cũng vậy. Nếu không trong một tình huống, không trong một phạm vi, một nhát cắt nào đó để đánh giá mà nói chung chung là cứ thái độ là ổn thì hỏng. Hoặc cứ trình độ là tốt thì cũng toi. Sự cân bằng của hai cái này trong một tình huống, lại tình huống, nhắc nhiều quá nó nhàn và nhàm khó nghe mất. Nhưng phải đặt chúng ở tích tắc đó, ở cớ sở đó, ở số liệu đó, lựa chọn đó…vv và vân vân thì mới có cơ sở xem thế nào là cân bằng thích hợp của hai điều này. Chúng khác nhau nên chúng chỉ có thể bù trừ cho nhau chứ không thay thế nhau được.
    Đoạn đầu của bài viết nói về C đầu tiên – phản biện. Phản biện phải đặt trong …lại tình huống nữa rồi, sao tôi bị quen với cái tình huống khi xem xét viết những dòng này thế không biết, tự tôi hục hặc với chính bản thân mình. Nhưng mà phải công nhận là phản biện tồn tại và thích hợp khi nào? Khi nào thì có phản biện mới tốt, còn không thì tốt hơn? Người khôn ngoan là người thích hợp, người khôn ngoan là người xử trí khéo léo. Người khôn ngoan khác người có tri thức, có hiểu biết. Hai điều này không đồng nghĩa với nhau. Chúng giống như thái độ và trình độ vậy.
    Nếu không có kiến thức trong một tình huống, nếu không có thông tin trong một tình thế, nếu không phù hợp trong một thời gian, nếu không mang lại ý nghĩa lớn lao hơn bản thể, hoặc nếu gây ra điều rủi ro lớn hơn ..vv thì phản biện không nên thực hiện và thực hiện không được! Tư duy phản biện bao chùm lên hành động phản biện. Cái tôi phân tích có lẽ là một phần nằm trong tư duy phản biện ấy. Nhắc tới tư duy là có phần suy nghĩ, nhắc tới suy nghĩ là có phần khôn ngoan, suy xét và vì thế lại phải đặt vào tình huống nữa rồi.
    “lựa chọn theo thời gian qua tư duy phản biện”…tác giả kết lại ở ví dụ thứ 3 làm tôi ngài ngại bởi tư duy phản biện không trùng nghĩa hoặc không thể hiện bằng “kỹ năng tuân thủ” …kỹ năng tuân thủ là thuộc về hoạt động của tri thức có phản xạ của con người. Tác giả nói là yêu cầu số một của xã hội hiện đại, phát triển tương lai…tôi thấy hơi lạ lạ. Đã tuân thủ rồi thì còn phản biện gì nữa, phản biện theo cái tuân thủ đó sao? Tôi hiểu con người cần có tri thức và dựa theo tri thức ấy để mà phản biện. Với mức, hoặc quay lại tình huống thì ở mức lớp 1, có phản biện của lớp 1, lao động chân tay có phản biện chân tay, lao động trí óc có phản biện trí óc (nói vui thế), tức là với mỗi đối tượng thì có tư duy phản biện tương ứng, thích ứng với xã hội thì mức độ phản biện (hoạt động phản biển), và tư duy phản biện phải có công thức tính, đánh giá nó không chỉ là kỹ năng tuân thủ theo luật, theo đạo đức, văn hóa, …vv không thôi. Trên tôi nói không phải, giờ tôi nói không bao gồm, không mâu thuẫn bởi chỉ là hình thức thể hiện hoặc tư duy phản biện được giới hạn trong nhận thức, trong tri thức của con người.
    “Trong trận sau cùng” tôi hiểu ý tác giả trong ví dụ 4 và đoạn cuối của bài viết. Nhưng phản biện và tư duy phản biển không phải là nằm im chờ đợi tới trận sau cùng này. Nếu có tư duy như thế này thì thôi rồi lượm ơi. Cứ nằm im, cứ khôn ngoan mà nhấm nháp cái mình đang có là lương thiện, tâm tính tốt, vv và vân vân để ngồi đó “xỉ vả”,”ước mong”, “suy nghĩ” hoặc áp dụng các từ tôi đã tự nghĩ ra viết ở trên để cổ súy cho hành động này của mình rồi để cuối cùng là dập được đối phương, dành được chiến thắng. Không phản kháng, không đương đầu, tư duy lựa chọn …vv thì không phải là tư duy phản biện đích thực mà là tư duy khôn lỏi, vụ lợi cho bản thân.
    Tài và đức là phải song hành không trọng bên này không trọng bên kia chung chung. Trong một tình huống phải tạo ra được sự cân bằng thích hợp, hợp lý và hiệu quả. Hai cái phải bổ sung nhau không tiệt tiêu lẫn nhau trong một con người, trong một xã hội và trong một cộng đồng. Theo tôi, tư duy phản biện tức là sự đa dạng của xã hội sống con người. Tư duy phản biện nằm cả trong những con người “những kẻ giầu lỏi, hợp hĩnh, trưởng giả học làm sang” chứ không chỉ riêng có trong những người “của ít lòng nhiều” “có thái độ trọng thị” “chân thành” như tác giả coi và tư duy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *