Truyện ngắn Đặng Thùy Tiên: Hoa nở trên triền cỏ dại

Tôi đang lạc ở cõi mênh mang nào đây? Tôi mở mắt, thấy mình đang khoác một bộ váy trắng tinh khôi – màu mà tôi vẫn yêu thích từ ngày bé bởi sự tinh khiết. Tôi bước lên bậc thềm đá màu sậm với những hình hoa văn cầu kỳ. Tôi cảm giác mình đã từng ở đây nhiều lần, trong những giấc mơ và mơ… ảo hay thực nhỉ?

Tôi đang tự hỏi mình. Lý trí muốn nói chính là mơ, nhưng con tim lại mong nó là thực. Và tôi lại tiếp tục bước lên cầu thang để lên tầng của ngôi biệt thự khang trang, đẹp đẽ ấy. Tôi đưa hai tay chạm vào lan can, thả hồn mình vào những luồng gió, mặc kệ những ánh nắng đang nhảy nhót trên người. Tôi đưa mắt nhìn xuống khuôn viên, đủ các loại hoa hồng cổ đang vươn mình khoe sắc. Dưới sân, chiếc xe Lamborghini màu đỏ mận đang nằm im lìm chờ đợi. Bên này cổng, hai cây thông đã được cắt tỉa gọn gàng đúng ý tôi. Cuộc sống thật thư thái. Giống trong những bộ phim ngôn tình mà tôi đã xem. Đây chính xác là những gì tôi đã chọn và đánh đổi bằng cả thanh xuân của mình đúng không???

Nhà văn trẻ Đặng Thùy Tiên – Hội viên Hội VHNT tỉnh Lai Châu

“Tút… tuuu.. “

Tiếng còi báo thức làm tôi giật mình tỉnh giấc. Trở về với thực tại. Căn phòng với bốn bức tường nham nhở bởi thời gian khiến vôi bong tróc từng mảng chỗ trắng, chỗ đen. Dưới nền lát đá màu trắng xanh lạnh ngắt. Trong đây, ngoài hai màu chủ đạo là trắng xanh là màu quần áo phạm nhân: trắng sọc xanh. Mọi người đã dậy để vệ sinh cá nhân và chuẩn bị đi lao động hết. Chỉ còn lại một chị trạc tầm bốn mươi đang lúi húi quét dọn đồ đạc. Chị đưa đôi mắt ái ngại về phía tôi:

– Mới vào à cưng? Tội gì thế?

– Em.. em..

Tôi chực khóc. Không nói nổi lên lời. Từ hôm qua, khi cánh cửa trại giam khép lại trước mắt tôi. Là cánh cửa đời tôi đã bị những đám mây u ám bủa vây. Tôi không còn tha thiết gì với sự sống này. Dù được các cán bộ động viên nhưng những u uẩn trong lòng tôi không có cách nào giải tỏa hết được. Tôi mới hăm hai. Cái tuổi mà đáng lẽ tôi đang chuẩn bị tốt nghiệp đại học, hoặc đang làm một nghề nghiệp gì đó, lành mạnh, đủ nuôi sống bản thân với bao nhiêu khát vọng, hoài bão. Tôi rưng rưng. Tôi muốn khóc thật to cho hết những dồn nén trong lòng nhưng lại không muốn bày ra bộ dạng yếu đuối trước mặt một người xa lạ. Nhìn dáng vẻ đau khổ của tôi. Chị dịu giọng:

– Chị tên Vân. Chị cũng là phạm nhân như em. Lúc đầu chị cũng hoang mang, đau khổ mất một thời gian..

Chị vừa nói, tay vừa sắp xếp chăn chiếu vuông vắn. Chị lại quay sang tôi đang sụt sùi.

– Cuộc đời ai cũng có lúc nhẹ dạ mà mắc sai lầm em ạ. Vào đây rồi, nhiều lúc chỉ ước thời gian quay trở lại thì mình sẽ không làm như thế. Mỗi người một tội, chỉ khác nhau ở mức độ. Còn sống thì còn hi vọng. Chăm chỉ rèn luyện và sửa đổi tâm tính, chờ ngày về mà sửa chữa lỗi lầm em ạ. Cố gắng lên.

Trước khi rời đi, chị Vân quay qua vỗ nhẹ mấy cái vào vai tôi để an ủi. Nhìn bóng dáng chị đi khuất rồi. Tôi mới tự tin thả con người yếu đuối trong mình ra mà khóc, mà rũ rượi với nỗi đau đớn và hối hận.

Tôi tên Dung. Vâng, cái tên lẽ ra là được an nhàn, ung dung, sung sướng nhưng cuộc đời không dễ dàng như người ta tưởng. Tên mà bố mẹ đẻ đặt cho tôi là Sua, ngày học lên trường trung học bán trú, tôi đã nhất quyết xin bố mẹ đổi sang tên Thùy Dung – tên giống một cô ca sĩ mà tôi thần tượng. Không phải tôi chê trách gì cái tên cha mẹ đặt cho tôi, mà theo trào lưu cùng các bạn trong trường, cô bạn thân tôi tên Dí thì đổi sang Hồng Nhung, cậu bạn Sùng đổi sang Hoàng Phúc,… Nhưng niềm vui đến trường của tôi không được bao lâu. Học hết lớp chín, tôi quyết định nghỉ học để ở nhà giúp mẹ làm lúa một vụ, theo chân bố lên nương phát thảo quả, trời mưa gió thì ở nhà thêu hoa văn trên váy Mông giúp mẹ.

Trong một lần đi chợ huyện, tôi đã quen chồng tôi bây giờ. Anh từ tỉnh bạn sang thăm người họ hàng bên này. Từ khi nhìn thấy tôi, anh cứ như phải hơi men say, theo tôi từ chợ về nhà. Tôi thấy người con trai ấy thì trống ngực đập thình thịch, lần đầu tiên trong đời tôi thấy lòng mình xao xuyến đến vậy. Mặt đối mặt, ánh mắt trao nhau “tình trong như đã” khiến tôi thẹn thùng, hai má đỏ rực như đang ngồi bên bếp lửa của mẹ. Vì nhà anh nghèo, nhà tôi thì neo người, anh đã đồng ý ở rể. Tôi đã lấy chồng khi vừa bước sang tuổi mười sáu. Tuổi trăng tròn đẹp nhất đời người, khi chúng bạn mới bắt đầu biết làm dáng, mặc áo đồng phục nhà trường và say mê với con chữ. Thì tôi đã rạng rỡ sánh bước bên chồng mang theo tài sản không có gì khác ngoài sự hồn nhiên để bước vào cánh cửa hôn nhân.

Vài tuần, khi niềm vui và hạnh phúc sau đám cưới, cùng với sự phấn khích của chúng tôi về cuộc sống tự lập qua đi. Nỗi lo cơm áo gạo tiền ập đến. Cùng với sự hoang mang, lo lắng của riêng tôi về sự thay đổi trong cơ thể. Tôi ăn nhiều hơn, ngủ nhiều hơn, người lúc nào cũng trong trạng thái uể oải, mệt mỏi không muốn làm việc. Tôi lo sợ mình mắc căn bệnh gì đó khiến người ốm yếu, xanh xao. Tôi nôn ọe thường xuyên và nhạy cảm với những mùi hương. Đến khi cùng kiệt với những xúc cảm lẫn lộn, tôi mới đem chuyện của mình nói với mẹ. Mẹ nhìn tôi từ đầu tới chân, xoay qua xoay lại rồi khẳng định chắc nịnh: Mày có em bé rồi, Sua à.

Mẹ vẫn thích gọi tên tôi như thế, vì nó quen thuộc với mẹ hơn. Thế là bụng tôi lớn dần. Chúng tôi vui mừng chào đón thành viên mới, một rồi hai, ba. Đứa nào cũng mập mạp, khỏe mạnh. Dù chỉ ăn cơm trắng với nước rau. Bởi không có kiến thức về kế hoạch hóa gia đình mà tôi đẻ sòn sòn vào giữa thời buổi “trời sinh voi, trời không sinh cỏ”. Tôi nhìn thấy rõ sự chán nản, mệt mỏi của chồng tôi vào những buổi chiều tối khi đi làm về. Những nụ cười, giọng nói bi bô của con trẻ không giúp anh ấy vui lên được bao nhiêu. Tôi nhìn vào trong nhà. Một chiếc phản bằng thân tre ghép lại, một chiếc giường nhỏ với hỗn độn chăn chiếu hoen ố vì nước đái của con. Bên kia bếp, gọi là bếp chứ nó nằm ngay sát trái nhà, chỉ có vài viên đá kê lại, một nồi nấu cơm, một cái chảo gang và một cái ấm đun nước đã đen sì vì muội than bám vào. Con thì đứa khóc, đứa quấy, chồng thờ ơ hờ hững, trong người không có một đồng, chưa bao giờ tôi cảm thấy bất lực như lúc này.

“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” tôi từng nghe ở đâu đó như thế. Tôi của lúc này chỉ mong sao kiếm được thật nhiều tiền một cách nhanh chóng nhất. Nhìn cái Mẩy hàng xóm, nó cũng lấy chồng như tôi, mà sao dạo này nó tiền bạc rủng rỉnh, xây nhà mới, mua tủ lạnh, ti vi, ngày váy tối áo thướt tha ra vào. Dường như nhìn thấy trong đôi mắt tôi sự ngưỡng mộ, ghen tị của tôi với nó. Mẩy lân la sang chơi. Khi thì túi quả, lúc thì gói bim bim, lâu lâu lại cho con tôi vài đồng mua sữa mặc cho tôi đã hết sức chối từ. Dần dà, tôi coi Mẩy như người chị em ruột thịt, chỉ có tình thâm mới đối đãi với nhau như thế thôi chứ còn gì.

Tôi đã nhầm. Ai tự nhiên cho không mình cái gì. Miếng mồi ngon chỉ có trong bẫy chuột (ấy là sau này, các chị em trong cùng phòng giam sau khi nghe chuyện của tôi đã chậc lưỡi mà nhận xét như vậy). Mẩy tìm cách đưa tôi vào đường dây vận chuyển ma túy của ả mà tôi không hay biết gì. Chị ta thường xuyên dẫn tôi đi chợ mua sắm đồ đạc, đưa đi chơi. Sau mỗi phi vụ vận chuyển trót lọt, chị ta lại cho tôi một nắm tiền, tôi cầm những đồng tiền ấy một cách ngây thơ mà không quan tâm nguồn gốc của chúng từ đâu (mãi sau này tôi mới biết những thứ mình cầm chính là ma túy chứ không phải quần áo hay hàng hóa như Mẩy nói). Tiền đã làm lóa mắt tôi. Mặc lời can ngăn từ bố mẹ. Tôi đưa con cho chồng, mặc anh chăm bẵm. Tôi nghĩ, tôi có quyền như vậy vì tôi đã thay anh gánh vác cả cái nhà này. Càng ngày, tôi càng lún sâu. Không biết Mẩy cho tôi ăn bùa mê thuốc lú gì? Hay chính những ma lực của đồng tiền đã khiến tôi mê mẩn, Mẩy nói gì tôi cũng nghe, cũng thấy chí lý như con người ta tin vào đức tin của mình vậy.

Một lần, tôi theo Mẩy sang tới gần biên giới. Như những lần khác, tôi ngồi đợi một lúc. Sau khi giao dịch xong, chị ta cùng ba người đàn ông nữa quay ra. Năm người ba chiếc xe máy, tôi và Mẩy ngồi chung một chiếc. Tôi hỏi Mẩy lần này mình đi đổ hàng ở đâu, thì chị ta bảo sang thành phố, cách hơn trăm cây. Đang đi đến ngã ba giao giữa một đường lên huyện và một đường về xã tôi thì gặp một chốt công an kiểm tra. Thấy vậy, mấy gã đàn ông quay đầu chạy. Mẩy bảo tôi dừng xe rồi kéo tay tôi chạy ngược lên đồi, theo đường rừng.

Giữa lúc tôi đang hoang mang không hiểu chuyện gì đang xảy ra thì Mẩy mới nói sự thật cho tôi nghe. Tai tôi ù đi. Tôi choáng váng, chân tay bủn rủn. Tôi ngã vật ra đất, không còn tý sức lực nào. Tôi khóc. Tôi ân hận vì sự u mê của mình, đau đớn bởi lòng người hiểm ác quá chừng. Ôi! Tương lai của tôi. Các con của tôi. Bố mẹ ơi! Con sai rồi.

Mặc cho Mẩy lôi kéo, tôi vẫn ngồi khóc lóc, vật vã. Công an đuổi gần tới nơi, tiếng nói lao xao ngay dưới chân. Mẩy bỏ mặc tôi mà chạy một mình. Sau một hồi, tôi đứng dậy, gạt bỏ nước mắt. Tôi quay lại, đi về phía con đường cũ. Bầu trời vẫn trong xanh, gió mơn man thổi qua, từng ngọn thông rung rinh trong ánh nắng rải đều trên đầu. Thiên nhiên vẫn tươi đẹp và trong lành mà sao lòng tôi nghe ran rát…

***

Tùng! Tùng! Tùng!

Tiếng trống báo hiệu vào tiết một. Đúng tiết toán của thầy giáo chủ nhiệm. Cả lớp đứng dậy chào thầy với tư thế nghiêm trang nhất có thể, vài đứa con trai nghịch ngợm ngồi cuối lớp đứng dậy với tư thế như còn ngái ngủ. Sau khi ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống. Thầy Duy để cặp sách trên bàn, tay vê viên phấn, tư thế không vội. Nhìn sắc mặt của thầy là biết chuẩn bị có biến. Vì là tiết của thầy chủ nhiệm, nên mọi lần cả  lớp có vẻ thoải mái hơn tiết học của các thầy cô khác, một số đứa hay nhận xét thì bảo thầy “hòa đồng, vui tính”. Nhưng hôm nay thì khác, thay vì ồn ào thưa gửi thì cả lớp lại im phăng phắc. Thầy Duy chỉ xuống chân, kéo gấu quần lên lộ đôi tất “hai màu”:

– Tôi vội quá nên nhiều khi có đi tất “lộn đôi”, mà nhờ cái quần dài che đi nên không ai biết, mà kể có biết thì chuyện đó cũng không ảnh hưởng tới ai cả. Các bạn đã lớn, tôi nghĩ tôi không cần phải nói nhiều. Các bạn làm gì cũng nên suy nghĩ xem chuyện đó có ảnh hưởng tới mình, tới tập thể lớp hay không rồi hãy quyết định hành động. Chuyện tối qua, những bạn vi phạm sẽ bị kiểm điểm, biết sai mà sửa. Hi vọng các bạn trong lớp lấy đó làm gương.

Tiết học diễn ra trong không khí nặng nề, bốn lăm phút mà dài như vài tiếng. Cả lớp im lặng, vì ai cũng biết chuyện – tối – qua ấy là chuyện gì. Mọi người không dám nhắc tới vì sợ chọc giận thầy Duy. Chuyện tối qua, tôi là người biết rõ nhất, vì tôi và bạn nữ đó ở cùng phòng nhau. Chúng tôi là học sinh nội trú, mọi sinh hoạt đều diễn ra ở tại trường. Trường nằm ngay sát trung tâm huyện, ngày chủ nhật được nghỉ, muốn đi ra chợ chơi phải xin phép thầy cô và đi theo từng tốp nhỏ. Trong thời gian học tại trường, chúng tôi chỉ về nhà vào kì nghỉ hè và những ngày lễ tết. Bình thường muốn về nhà phải có lý do chính đáng, xin phép trực tiếp thông qua thầy chủ nhiệm, nếu nhà trường đồng ý thì mới được về nhà không quá hai ngày. Để đảm bảo việc học tập không bị ảnh hưởng, và giữ gìn sự ổn định cho gần năm trăm học sinh, nhà trường đã ra quy định bất di bất dịch ngay từ đầu: học sinh không được dẫn theo bạn bè, người thân vào trong kí túc, địa phận của nhà trường khi chưa có sự cho phép từ giáo viên chủ nhiệm hoặc từ phía nhà trường.

Tranh của họa sĩ Uyên Thao

Đang lứa tuổi này, nhiều bạn ở cùng bản tôi đã lấy chồng, sinh con. Chuyện yêu đương ở trường của nữ sinh là điều khó tránh khỏi. Tôi thuộc thành phần ngoan hiền và cố chấp. Tôi không thích vướng vào chuyện yêu đương nhăng nhít khi còn đang học hành dở dang. Tối qua, khi Xum dẫn bạn trai vào phòng, tôi giả tảng đi ra ngoài thư viện học. Tôi và các bạn đã góp ý nhiều lần, Xum không nghe còn tỏ vẻ khó chịu. “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”, tôi đành phải rời bỏ góc nhỏ ấm áp lên thư viện trường học bài. Không may cho Xum, hôm qua chú bảo vệ đi kiểm tra đột xuất vì nghi có người lạ vào trường. Mặc dù anh người yêu Xum đã chui xuống gầm giường, khuất sau mấy chiếc hòm tôn và giày dép vẫn không thể lọt qua được đôi mắt tinh tường của chú bảo vệ dày dặn kinh nghiệm.

Cuối tuần, tôi xin thầy giáo về nhà. Sau giờ học ngày thứ bảy, mẹ đi xe máy tới đón tôi. Từng bụi mua lúp xúp, những đám lau sậy ven đường chạy ngược dần về sau. Con đường bê tông dẫn lối về căn nhà gỗ quen thuộc dần dần hiện ra sau ánh nắng chiều héo hắt. Trút bỏ bộ quần áo đồng phục trường, tôi thoải mái với váy áo truyền thống lên đồi cắt rau cho đàn lợn ỉn, vào rừng kiếm củi cùng mẹ và em gái. Hòa mình vào hương rừng, gió núi, với cuộc sống lao động của gia đình khiến tôi dần quên đi những mệt mỏi và áp lực ở trường học.

Trước giờ phải về lại trường, tôi sang nhà Dung chơi. Nó ngồi trước cửa nhà soi gương, chải chuốt. Dung kéo tay tôi vào trong nhà, khoe bộ váy áo mà người yêu nó mới mua cho dưới chợ huyện. Nó say mê và tự hào tới nỗi không thèm nhìn xem sự thay đổi trên sắc mặt của tôi. Tôi nhìn thấy trong ánh mắt hấp háy của nó sự vui sướng tột độ. Niềm vui ấy đã từng xuất hiện khi hai đứa bạn thân cùng xuống chợ, cùng chọn váy áo cho nhau. Tôi cảm thấy như có ai đó sắp cướp mất nó, cướp mất tình bạn của chúng tôi. Tôi thấy trong lòng nảy sinh sự ghen tị và tủi thân ghê gớm. Có lẽ tôi đã nhận ra điều này quá muộn, ai rồi cũng thay đổi. Có lẽ, Dung đã thay đổi từ ngày cuối cấp hai, khi mà tôi rủ thế nào để nó thi vào trường nội trú huyện nó cũng không chịu nghe.

– Nhung, Nhung ơi!!

Mặc kệ nó gọi khản cả cổ. Tôi bỏ về trong sự chán nản và ánh mắt ngạc nhiên của Dung.

Một vài tuần sau, Dung đã gửi tới tôi tấm thiệp mời đám cưới. Tôi không bất ngờ. Ngày cưới, nhìn Dung rạng rỡ trong bộ váy màu trắng đục có vẻ hơi to so với thân hình mi nhon của nó. Tôi nhìn gương mặt trang điểm kỹ càng với phấn má hồng, môi son đỏ choe choét kia mà thấy lạ lẫm. Tôi vẫn phải che dấu nỗi buồn riêng mình. Một nỗi buồn nực cười trong ngày vui của bạn thân.

Bẵng đi một thời gian, vì bận rộn ôn thi cuối kỳ, tôi ít về nhà, cũng ít nghe thông tin về Dung. Nghe nói nó đã có em bé. Nghỉ hè, khi vừa đặt ba lô lỉnh kỉnh những đồ đạc xuống nền đất ngay hiên nhà, chưa kịp rửa mặt khỏi khói bụi ngoài đường, mẹ đã cho tôi biết một cái tin thật sốc. Dung bị băng huyết do đẻ non, đang nhập viện cấp cứu. Tôi còn chưa kịp tới nhà chúc mừng nó đã lên chức mà. Mẹ miễn cưỡng dắt xe đưa tôi ra viện thăm Dung vì sự nằn nì dai như đỉa của tôi.

Nhìn Dung thần sắc bợt bạt, đôi mắt nhắm nghiền mệt mỏi. Cả cơ thể nằm im lìm, chìm trong màu áo xanh nước biển của bệnh nhân, tôi thấy xót xa quá. Đâu còn hình dáng cô bạn thân vui vẻ, tinh nghịch ngày nào?? Nghe các bác sĩ nói rằng Sua có em bé khi còn quá trẻ, cơ thể chưa hoàn thiện hết, cũng may còn giữ được tính mạng. Nhìn vẻ mặt bình thản khi nói chuyện về Dung của họ, tôi nghĩ có lẽ đây không phải chuyện mới lạ của các bác sĩ sản khoa trong các bệnh viện thuộc miền núi, vùng sâu vùng xa. Khi mà tục tảo hôn còn diễn biến phức tạp, vì nghèo, vì bỏ học, vì lỡ yêu sớm,… còn nhiều lý do để đến khi không may thảm kịch xảy đến như chuyện của Dung thì người ta lại đổ tại số phận, tại ông trời. Có lẽ không có ông trời nào muốn ban cho con người sự bất hạnh, chỉ có con người mới mang sự bất hạnh và đau khổ cho nhau mà thôi.

Một ngày cuối năm, tôi vòng lên con đường đất phía sau nhà lên thăm Dung. Gió thổi những cánh hoa mận trắng mọc dọc hai bên đường bay bay, tôi đưa tay ra với lấy những cánh mỏng manh ấy. Một cảnh thơ mà buồn. Tôi gặp Dung đang địu con lúi húi lấy củi mang vào nhà nấu cơm. Nhìn cái bụng nó lại lùm lùm. Khuôn mặt Dung già dặn hẳn đi, hai má hõm lại và sạm đen vì nắng. Dung mời tôi vào nhà. Trong căn nhà tạm bợ, bốn phía được quây lại bằng liếp tre, không biết những ngày sương giá, hay cái lạnh từ cơn mưa rừng ập về những đứa trẻ con và Dung chống chọi lại như thế nào? Nhà không có đồ vật gì đáng giá, ngoài những chiếc áo quần, đa số đã đổi màu cả trẻ con người lớn, cái dài cái ngắn vắt lẫn lộn lên nhau ở một góc nhà. Trên giường, đám chăn đã thu thành đống ở một góc không che đi được những vết ố và mùi hôi từ nước đái của trẻ con.

Loay hoay một lúc, Dung cũng nấu xong. Tôi ngồi vào ăn mà suýt rơi nước mắt. Trên mâm cơm chỉ có một đĩa rau cải đắng luộc và một bát muối ớt. Mặc dù nhà tôi cũng không cao sang gì hơn nhà Dung, tôi cũng lớn lên trên nương rẫy với cơm trắng và nước suối. Nhưng đây là mâm cơm dành cho người mang thai và một đứa nhỏ chưa đầy tuổi hay sao? Tôi nghẹn ngào không nói được lên lời, cố nhấn miếng cơm xuống mà họng như đang nuốt phải đá sỏi. Thương bạn quá, nhìn Dung bây giờ, tôi không nhận ra nổi, cô bé Dung xinh đẹp bạn tôi khi xưa đã biến mất hoàn toàn.

Con chim tìm bạn đã gọi mặt trời xuống núi từ bao giờ, trời đã chập choạng tối. Tôi bế đứa nhỏ trả lại cho Dung. Hai đứa vẫn chưa kịp nói nhiều chuyện với nhau. Tôi đưa cho Dung một nửa tiền học bổng mới nhận. Dung nhất quyết từ chối, bảo tôi giữ lấy tiền để mua sách. Tôi dúi lại vào tay Dung. Đẩy qua, kéo lại, thằng bé tưởng tôi làm gì mẹ, nó khóc ré lên. Tôi đưa cho Dung rồi chợt nhìn vào mặt thấy mắt nó cũng rưng rưng. Tôi quay vội ra cửa, lao xuống đường về nhà mà như chạy trốn. Tôi trốn những ánh mắt đáng thương từ mẹ con Dung hay chạy trốn khỏi sự bất lực của tôi, tôi cũng không biết nữa…

***

Tôi tên Vi. Tôi là một cô giữ trẻ đặc biệt. Cũng không biết nên nói là đặc biệt hay khác biệt. Vì những đứa trẻ tôi trông giữ đều được sinh ra trong trại giam, hoặc phải gắn bó với trại giam vì một lẽ mà chúng và bất kỳ ai trong chúng ta đều không mong muốn. Tôi gắn bó với bọn trẻ, với công việc này vì tôi hiểu chúng vô tội, chúng cần nhiều hơn sự thương yêu từ mọi người và sự cảm thông từ phía xã hội. Và cũng vì vô tình chứng kiến một cuộc nói chuyện đã khiến cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn.

Hôm ấy là vừa tròn một tuần tôi trải qua sự đau đớn cùng cực. Một bàn tay vô tình hình thành từ sự phản bội bóp nát trái tim tôi, khiến tôi đau đớn và lấy mất đi của tôi mọi hi vọng về cuộc sống.. Tôi không làm được gì khác, ngoài nhốt mình trong phòng, khóc và nghĩ đến cái chết. Chuông điện thoại reo, một lần, hai lần.. Tôi đưa đôi mắt lờ mờ nhìn. Là Nhung, bạn học cũ cùng ngành Giáo dục mầm non với tôi. Nó rủ tôi đi cùng nó tới một nơi khá xa để thăm bạn, tôi hơi bất ngờ. Tôi nhận lời nó bằng giọng nói khàn đục vì khóc quá nhiều. Có lẽ nên đi đâu đó để khuây khỏa đầu óc. Và tôi sắp sửa đồ đạc đi theo nó. “Đi để trở về”. Có lẽ thế…

Hết gần một ngày nằm trên ô tô, Nhung, tôi và một người đàn bà trung niên cùng quê Nhung, dừng lại ở một nơi khá vắng vẻ. Tôi ngước mắt lên đọc hàng chữ màu đỏ nổi bật trên nền tường màu vàng ngay trên đầu: NHÀ THĂM GẶP. Tôi hơi bàng hoàng. Nhung lại có bạn bè ở trong trại giam. Dò tìm lại trong kí ức của tôi, thì nó là đứa hiền ngoan, học giỏi nhất lớp. Đúng là thế sự đảo điên. Tôi đưa đôi mắt nghi hoặc nhìn nó. Nó chỉ cười hiền mà không nói gì.

Bước vào bên trong là một dãy những ô như những bốt điện thoại ngày trước hay đặt tại bưu cục ngay trước ngõ nhà tôi. Cả căn nhà rộng bị ngăn cách ở giữa bởi những ô kính nối tiếp nhau như thế. Hai bên chỉ có thể nói chuyện với nhau qua hai cái điện thoại như điện thoại bàn màu trắng. Một cô gái mang quần áo phạm nhân với màu trắng sọc xanh, dáng người dong dỏng, tóc mai vương vài sợi xuống đôi mắt đượm buồn. Tất cả vẫn không lu mờ được những nét đẹp trên gương mặt trái xoan với làn da khá mịn màng. Tay cầm máy lên mà cả hai bên đã rưng rưng, cô gái quá xúc động, nước mắt rơi lã chã ngồi sụp xuống.

– A lô! Mẹ à! Nhung à! Mọi người ngoài ấy vẫn khỏe chứ??

– A lô! Dung à, mọi người vẫn khỏe, cậu ổn không?

– Tớ được các cán bộ và các chị trong này động viên, tình hình cũng khá hơn nhiều. Tớ lo cho con tớ nhiều đêm không ngủ được vì nhớ con, bố mẹ, và mọi người. Mẹ ơi! Con của con có khỏe không? Chúng nó có ngoan không? Có đòi gặp con không mẹ ơi?

– Con mày vẫn khỏe, Sua ạ. Đêm đêm nó vẫn khóc đòi mẹ. Nó hỏi tao mày đi đâu sao lâu về thế? Tao không biết trả lời thế nào. Tao thì già rồi, đêm đêm cái lưng đau lắm, không biết chịu nổi bao lâu nữa… Mày cố gắng… Sai thì phải sửa thôi con nhé…

– …

Nhìn bà mẹ tóc đã lấm tấm bạc lấy tay vuốt nước mắt xuống trên làn da mặt răn reo lại vì nắng, gương mặt của sự vất vả và nhiều lo toan, Dung nghẹn ngào không nói nổi lên lời. Nhung tranh thủ nốt giờ thăm mà động viên bạn qua làn nước mắt.

– Dung yên tâm, giờ mình đã được phân công về dạy trong trường mầm non ở xã, không cách xa nhà Dung là mấy, mình sẽ cố gắng để ý và qua thăm các con thường xuyên, cứ yên tâm cải tạo cho tốt, sớm về với chúng nó nhé!!

– Tất cả giờ con chỉ biết nhờ vào bố mẹ, nhờ vào Nhung thôi, Nhung ơi. Tớ hối hận lắm! Hu! Hu! Hu!

Những bàn tay cố gắng chạm vào nhau qua sự ngăn cách của tấm kính màu trắng xanh. Anh công an khẽ quay mặt đi, mắt đỏ hoe. Đến khi xin vào đây công tác, tôi mới biết anh đã nhiều lần không cầm nổi nước mắt khi chứng kiến những cuộc thăm gặp của phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt. Sau buổi gặp gỡ ấy tôi mới biết, do nhẹ dạ cả tin mà Dung phải vào đây, nhờ ra đầu thú mà được hưởng khoan hồng với mức án tám năm. Cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đã khiến mọi ý nghĩ tự tử của tôi tiêu biến. Hóa ra cuộc đời còn nhiều điều đẹp đẽ, tôi còn đang may mắn và hạnh phúc hơn nhiều người và hơn hết tôi đang có sức khỏe, có tri thức và có sự tự do. Tại sao tôi không nắm bắt lấy để làm nhiều điều giúp cho đời thêm đẹp, thêm nhân ái hơn.

Chiều nay, tôi lại phải tạm biệt một bé đã “hết tuổi ở với mẹ”, nghĩa là đã qua 36 tháng ở cùng phạm nhân nữ theo quy định của nhà nước. Nhìn hai bàn tay, một nhỏ bé, một chai sần to lớn buông nhau ra trong không trung cùng những tiếng khóc của con trẻ nghe xé lòng. Người mẹ nhìn đứa con được nữ cán bộ bế đi rồi đưa hai tay bưng lấy mặt khóc rấm rức, ở bên cạnh là sự động viên của các nữ phạm nhân. Cuộc chia xa này vừa là buồn đau, ân hận của người mẹ, vừa là niềm hi vọng các em được trở về với xã hội, với vòng tay che chở của người thân và cộng đồng.

Ở phía xa, nắng vẫn chiếu lên triền núi với màu vàng và hơi ấm lan tỏa mặt đất. Mong hoa vẫn nở, vẫn khoe sắc hương và làm đẹp cho đời, dù trước đấy có nhỡ chân vụng dại mọc nhầm vào vùng đất phì nhiêu của gã nông phu nào đó.

Viết cho những bông hoa mọc dại.

08.3.2021

ĐẶNG THÙY TIEN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *