Táo tợn và lì lợm. Chưa bao giờ hắn run sợ trước đòn roi của người cha nổi tiếng dữ dằn. Hắn có thể gây sự với bất kể ai mà không hề sợ chết! Thiên hạ gọi hắn là Lì.
Lì sinh ra ở Ngã Năm Chuồng Chó. Nhà những 7 đực rựa. Hắn thứ 5. Không ngờ hắn lại đậu đại học Luật. Hết năm hai bỏ trường theo môn Thiếu Lâm Bắc Phái ở lò võ Chợ Lớn. Ai hỏi trình độ, trả lời: Lớp hai! Cụ Ngọc Tùng, nguyên một công tố viên nhận xét: Thằng í mới là thằng ghê!
Chẳng biết thầy dạy môn sinh thế nào mà Lì cứ hay bị ngứa ngáy chân tay để rồi cà khịa, ra đòn với ai mà hắn cho là nhìn đã ghét?
Bị cha mẹ la mắng Lì rời nhà bắt đầu cuộc đời phiêu bạt. Hắn vào dãy Trường Sơn làm phu vàng, phu trầm, hái ra tiền mà sao đời vẫn mạt, suýt bỏ đời dưới lưỡi dao của trùm đầu gấu Tự “đen”. Lặn vào Bù Gia Mập hắn tìm đường săn bắn, ngay viên đạn đầu đã hạ gục con voọc to bự! Bị chính quyền mời lên làm việc, nhưng trước sau như một hắn chỉ khai đúng một câu: Tui bắn chết con cú mèo! Thế mà chính quyền phải chịu thua! (?)
*
Mâu thuẫn với Loòng “sứt”, Lì nổ súng. May cho kẻ thù, viên đạn trúng tai mà không trúng đầu! Lì đi đâu, về đâu? Chắc mọi người cũng đoán ra.
Sau ba năm mất quyền công dân, Lì mò về lòng hồ Trị An đánh bắt cá tôm để phòng Loòng “sứt” trả thù. Nhưng cái việc không có chó bắt mèo ăn cứt ấy lại đẩy hắn đi lang thang, để rồi quen với Năm Bò và Tư Cò đất Trảng Bom cũng vừa đi bóc lịch trở về…

Năm Bò và Tư Cò đều có mác “ăn cơm tù mặc áo số”. Học đến lớp 7 nhưng bọn chúng lại không thích bơi tiếp. Mà có bơi cũng chả được! Căn bản đâu mà bơi!
Nhà Năm Bò có xưởng chế biến lâm sản lớn, nhưng hắn lại hám trò đạo chích, hậu quả ba năm tù vì tội trộm bò. Còn Tư Cò thành tích cũng không thua kém bạn, với tội làm giấy tờ giả phục vụ cho công việc cò mồi của mình.
Lì đặc biệt thích đọc Kiếm Hiệp, Tam Quốc… nói chung là đủ các loại sách từ cổ đến kim. Trải qua lắm nỗi thăng trầm nên Lì giỏi phép dụng nhân. Hắn nhận Năm Bò và Tư Cò làm đàn em, nhưng luôn luôn cảnh giác, lấy sự phân công việc khó để thử lòng người.
*
Giờ, lắm tay thích nhậu thịt rừng. Thú hoang bỗng lên ngôi đệ nhất để cho những kẻ cơ hội dùng làm mồi câu quan chức. Muốn gì, trước hết cứ phải mời sếp thịt rừng như một luật bất thành văn. Ở đời đôi khi cái hình thức nó còn quan trọng hơn cả những gì quan trọng. Khách tới quán thịt rừng ngoài chuyện ăn nhậu ra còn là nơi để mở rộng ngoại giao, khuyếch trương thanh thế, đút lót, mưu đồ cá nhân…
Những tay súng săn tranh thủ thời cơ làm giàu. Bộ ba Lì, Năm Bò, Tư Cò bàn cách đi săn. Chúng lấy rừng nguyên sinh Nam Sơn làm mục tiêu oanh tạc. Hàng loạt thú hoang đã bị quân của Lì xóa sổ. Xót xa thay cho số phận những con thú làm đẹp núi rừng!
Não hầu – món óc khỉ được coi là con dấu chứng nhận sự danh giá cao sang, chữa trị bách bệnh. Lì cùng đàn em đã phát minh sáng kiến bằng cách giăng lưới bắt loài thú thông minh, tinh nghịch này.
Để đạt được điều mơ ước trên, Lì đã móc nối với Điểu Thồn, dân bản địa, một tay súng bách phát bách trúng. Hắn như một chiếc máy định vị xác định sự phân bố loài thú hoang dã ở từng khu vực trong rừng sinh thái. Chỉ sau vài câu tâm tình, Điểu Thồn tức thì xin làm đệ tử trung thành của anh Lì . Và hắn đã hiến kế cho anh mình rằng: Muốn làm ăn được thì phải mua được hạt trưởng kiểm lâm Năm Lóc. Lì cho ý kiến của Điểu Thồn là rất giá trị, bí quyết kiếm tiền là ở chỗ này!
Lì đã bỏ công để nghiên cứu về gia cảnh Năm Lóc, những sở thích, cùng các mối quan hệ… Muốn bắt cọp phải vào hang cọp, đó là một trong những mưu kế học được trong sách vở mà Lì đã đem ra áp dụng. Chẳng mất nhiều thời gian hạt trưởng kiểm lâm Năm Lóc đã bị Lì mua đứt bằng chiến thuật “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.
Năm Lóc vốn xưa nay có tiếng liêm khiết, nỗi sợ hãi của những kẻ phá rừng, ấy vậy mà trước mặt Lì lại rất tình cảm và trách nhiệm: “Các chú cứ làm, gặp trở ngại gì cứ kêu anh!”.
Lì nhìn đàn em cười mãn nguyện: “Tụi bây thấy chưa, cái gì cũng có thể mua được bằng tiền, nhưng phải biết cách mua. Nhiều tay phá rừng mới bước chân vào nghề phải bật bãi do không hiểu luật chơi!”.
Điểu Thồn chỉ điểm nơi tập trung loài khỉ. Lì cho quân phá cây, dọn một bãi trống sau đó quây lưới nhựa xung quanh. Đặt trong bãi hai xà ngang trên bốn cọc gỗ cao, gác lên đó những thân cây nhỏ như giàn mướp. Hệ thống ấy được gọi là bẫy. Bắp ngô, chuối xanh, bông lúa… – những thứ mà loài khỉ thích ăn được treo lên đó. Từ bẫy có một chiếc cầu khỉ, một đầu gác lên bẫy, đầu còn lại cột với một thân cây bên ngoài. Bẫy này kĩ thuật ở chỗ, xà ngang chỉ cần lệch đi một chút là toàn bộ hệ thống đổ sập!
Con khỉ đầu đàn trinh sát cẩn mật, thấy đã an toàn, nó qua cầu rồi ra hiệu cho cả bầy. Nhanh như chớp, lũ khỉ lao vào bẫy giật miếng ăn, râm ran, chí chóe cả một góc rừng.
Ngày nào lũ khỉ cũng đến ăn mồi. Ăn rồi thành quen. Lì và đàn em quyết định trận đánh mở màn: Thức ăn được treo vào bẫy lúc gà gáy canh năm. Ai vào vị trí người ấy. Lì và Điểu Thồn ở trong một cái chòi cắm cây lá um tùm. Dây dù, một đầu buộc chặt vào xà ngang của bẫy trước đó, đầu còn lại kéo vào chòi. Các sát thủ im lặng, nghe ngóng như đặc công chờ đợi thời cơ tấn công địch…
Con khỉ đầu đàn đã đến. Mắt nó đảo quanh, lặp lại những động tác như những lần trước rồi cất tiếng gọi bầy. Đàn khỉ trên những tàng cây xung quanh thốc tháo qua cầu. Chúng như quân ăn cướp, như lũ đói khát, la lối om xòm…
Hai tay Lì nắm chặt sợi dây dù giật mạnh, giàn bẫy đổ tan tành, lũ khỉ rơi nháo nhào, hoảng loạn như gặp cơn động đất sóng thần. Các sát thủ chui qua chân lưới vào tóm gọn từng con thú mặc cho chúng kêu la, cào cắn chống trả.
Bằng phương pháp giăng lưới mà tổ chức của Lì đã ăn nên làm ra, tiền vàng rủng rỉnh, mua nhà tậu xe. Lì đâu có quên ơn anh mình đã làm ngơ, thậm chí bày mưu tính kế cho mình phá rừng, giết thú!
Mấy ông mấy bà quan tham trên tỉnh cũng nhờ Năm Lóc mà sướng quá hóa rồ, thi nhau xây biệt phủ hoành tráng giữa chốn dân nghèo, như một sự hãnh diện tài ba?
Lì như người của nhà nước được quyền săn bắn? Có lúc hắn trễm trệ ngồi cùng ô tô với cán bộ kiểm lâm vi hành để nắm bắt tình hình rừng sinh thái ra sao? Ngoài chuyện săn bắn thú, Lì còn làm luật những tay lâm tặc khác. Mỗi người mỗi ngày phải nộp cho hắn một khoản tiền, nếu không muốn bị kiểm lâm bắt! Nộp tiền rồi tha hồ mà phá, tha hồ mà bắn giết!
*
Lì lên kế hoạch mở tiệc chiêu đãi món não hầu anh Năm Lóc và các đệ tử của ổng. Năm Lóc đâu nhận lời ngay, mà từ từ, lừ lừ, ngẫm suy… rồi bất ngờ chơi hẳn câu trả lời bằng tiếng Anh Quốc: “Ok!”
Lì sướng giãy nảy! Và sướng hơn nữa khi anh Năm Lóc tiết lộ: Tao nghe nói Từ Hi Thái hậu thường dùng món não hầu. Phải chăng vì thế mà nhiếp chính trở nên tài trí vô biên, dâm dê vô độ?
Đám đàn em thi nhau tán dương về cái sông bao nhiêu nước cho vừa của giới mày râu. Năm Lóc bỗng lột xác hoàn toàn, xuất khẩu thành thơ:
Xác nằm trong chiến áo quan
Thấy em đến viếng còn toan tiếc thầm.
Đàn em vỗ tay hưởng ứng, hớn hở hi vọng kéo dài trận chiến khi được thưởng thức món não hầu!
Thế là chơi cho biết! Chơi cho xứng đấng nam nhi! Họ tìm đến Nhà hàng Kích Âm Bổ Dương, viết tắt là KABD. Nơi đây được bảo kê an toàn tuyệt đối – nội bất xuất, ngoại bất nhập khi tiệc tùng diễn ra.
Tất cả có bảy người, Lì và ba đàn em; Năm Lóc cùng hai đệ tử, ngồi quanh một chiếc bàn gỗ. Vị trí ngồi được bồi bàn sắp xếp để tránh sự nguy hiểm khi hành quyết con thú. Giữa mặt bàn có một lỗ tròn.
Lì trịnh trọng tuyên bố lí do: Hôm nay ngày lành tháng tốt, đàn em mở tiệc chiêu đãi anh Năm cùng các anh món não hầu. Nhờ anh Năm và các anh ở đây mà chúng em làm ăn ngày một giàu có. Công lao các anh như trời biển…
Gã đàn ông cao to, lưng bành, đầu nhẵn thín, mắt lồi, bóp chặt hai bên nách con khỉ vàng nặng chừng mười ki-lô đã bị trói quặt hai tay về phía sau. Con khỉ kêu thất thanh, hai mắt lơ láo nhìn đám người. Tội nghiệp! Nó ra sức giãy giụa, nhưng làm sao mà thoát khỏi đôi bàn tay khổng lồ?
Miếng gỗ trên mặt bàn được kéo ra, thành ra hai nửa hình tròn rỗng. Tên đồ tể đút thân con khỉ vào đó, chỉ để hở cái đầu. Hai nửa hình tròn khép lại, thít vào cổ con vật. Phía dưới mặt bàn, có một tấm gỗ nằm ngang để hai chân khỉ giẫm lên. Con thú run bần bật, quay đầu loạn xạ tìm sự cứu thế ? Nó khóc… Nó trân trối nhìn vào mặt Lì vái lậy, chắc là nó muốn nói rằng: Ông ơi buông tha cho con ông ơi, con có tội tình gì đâu ông ơi, ông ơi con muốn sống! Không được rồi, con thú gặp cặp mắt vô hồn. Nó liền quay sang Điểu Thồn rồi lại quay nhìn tay Lì vẫn cái động tác trân trối cầu cứu như thể thân nhau từ lâu? Vô vọng! Bất ngờ nó đưa mắt nhìn Năm Lóc? Năm Lóc chột dạ, vẻ mặt thất thần, mắt chớp chớp nhìn con vật như muốn lựa chọn một điều gì đó mà lại không thể nói ra?! Con khỉ đẩy mắt sang Năm Bò và Tư Cò, nhưng hi vọng gì vào những bộ mặt lạnh băng như sắt thép để ngoài trời đông giá. Nó tiếp tục kêu la mong tìm sự sống mỏng manh. Nó lại nhìn Năm Lóc và các đệ tử của ông, mà sao các người im lặng? Nó thét lên trong sự đớn đau, chắc biết rằng số phận mình đã bị định đoạt như họ hàng anh em nó trước đó! Con khỉ đã cạn kiệt sức lực, đôi mắt nó nhắm ghiền.
Tên đồ tể lăm lăm con dao phay để mặt dao nằm ngang, nheo mắt nhìn vào đầu con vật để xác định tọa độ. Một nhát phạt chí mạng! Trượt! Con khỉ bật tỉnh, bay hết hồn vía, đôi mắt nó đỏ ngầu, cơ thể run giật, rúm ró như lên cơn sốt rét ác tính. Bằng tất cả năng lượng còn lại, con thú kêu ré lên những tiếng oan nghiệt. Nó vẫn còn hi vọng sống sót? Không! Nhanh như điện, nhát dao thứ hai làm chóp đầu con khỉ bay ra, rơi ngay trên mặt bàn để lộ bộ não lẫn máu đỏ ối. Mà sao con khỉ vẫn sống? Đôi mắt nó đỏ rực, phóng ra luồng bức xạ táp vô mặt tên đồ tể trước khi vĩnh biệt dương gian. Mồ hôi tên đồ tể vã ra. Hắn loạng choạng sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Năm Lóc nấc lên một tiếng như bị thổ huyết!
Óc khỉ được đám bồi bàn chia đều vào từng chén nhỏ, bên trong đã đầy đủ gia vị. tay Lì mở mồm, lên gân: Nào, mời anh Năm, mời tất cả chúng ta nâng li, sau vụ này các bà nhà ta khỏi mơ về phi công trẻ! Tiếng vỗ tay rộ lên làm cho không khí trở nên sôi động. Bồi bàn chạy tới chạy lui, nét mặt hoang dã như loài thú. Điểu Thồn lao vào toa-lét nôn thốc tháo, mặt xanh như đít nhái! Trên bàn nhậu đủ món thịt rừng. Những cái mồm nhai ngồm ngoàm, ngấu nghiến. Những tiếng cười sặc sụa. Những tục ngôn thả phanh bốc phét…
Miếng gỗ trên mặt bàn được kéo ra để đem xác con khỉ đi làm thịt.
Năm Lóc đứng lên đưa mắt quét một vòng:
– Cảm ơn anh em, làm gì thì làm, vui gì thì vui, nhưng nhớ là phải giữ kín cái miệng cho tôi nhờ!
Lời đáp từ đanh thép phát lên:
– Chúng em xin chấp hành lời khuyên của anh Năm!
Rượu vào lời ra, hai đệ tử theo sếp Năm Lóc cũng tuôn ra những lời cảm tạ nghe rất chi là hàn lâm. Có anh còn xin hát mấy câu vọng cổ. Trong lúc say sưa thế này, nhưng tay Lì vẫn không quên ra hiệu cho Tư Cò lấy smartphone quay phim làm kỉ niệm…
*
Trước tình hình rừng bị phá, thú hoang bị tiêu diệt. Tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc đã đề nghị nước sở tại phải có ngay biên pháp ngăn chặn. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh ra sắc lệnh yêu cầu lực lượng kiểm lâm phải tìm cho được thủ phạm tàn phá môi trường…
Hàng loạt người vi phạm phá rừng bị bắt, thu giữ hàng trăm súng săn, hàng ngàn bẫy thú… Báo chí được dịp giật tít: Chặn đứng cái một nạn phá rừng NAM SƠN; Chim thú NAM SƠN nhảy điệu Tango; Ai cũng như anh Năm Lóc thì rừng được nhờ…
Năm Lóc được Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng bằng khen, được giao lưu phổ biến kinh nghiệm bảo vệ môi trường sinh thái…
Nhưng rất lạ, gỗ quý từ rừng Nam Sơn vẫn tuồn ra ngoài, các quán nhậu vẫn tràn ngập thịt rừng. Đơn tố cáo của dân chúng về hạt trưởng kiểm lâm Năm Lóc bay lên tỉnh ngày một nhiều? Nhất là cái biệt phủ của sếp sừng sững như dãy núi cao?
*
Sau bữa tiệc ở nhà hàng Kích Âm Bổ Dương, các nhân vật tham gia đều có gì bất bình thường về thần kinh, đêm hôm mê sảng, làm cho gia đình lo cuống vó. Người thì cho bệnh nhân đi viện, người thì mời thầy về cúng bái… Năm Bò, Tư Cò, Điểu Thồn khỏe như trâu húc mả mà cũng giật mình thon thót! Chúng bỗng ghê sợ. Chúng tiếc, mất cả đống tiền mà thằng bé nào có khỏe hơn?
Tay Lì, đôi mắt đỏ ngầu làm vợ con tưởng sắp chết. Nghĩ đến con khỉ là hắn lên cơn hoảng loạn. Nằm trên giường nghe vợ đứng trước bàn thờ thắp nhang cầu xin Thánh Phật mà động lòng rên rỉ: Thôi đừng nhìn tao nữa khỉ ơi, tao xin mày, tao van mày, mày đừng oán trách tao …
Vợ con Lì hoảng loạn như có giặc về làng…
Khi hồi tỉnh, Lì tự hỏi mình: Đọc nhiều sách để làm gì? Trong đầu hắn nhú lên cái mầm hối hận. Sau bao đêm ngày nghĩ suy về các mối quan hệ, những ân oán vay trả; những rắc rối trong kiếp ngựa hoang. Nhất là lời vợ khuyên ngăn ngày nào: Mình ơi đừng bắn giết nữa, ác giả ác báo… Và, hắn đã đi đến một quyết định…
Lì tập trung đàn em, biến mình như một nhà thuyết giáo, làm đàn em trợn mắt trợn mũi ngỡ ngàng: Chúng ta không thể đi tiếp con đường này nữa. Con khỉ bị hành hình nó cứ đeo bám anh. Tội lắm. Năm Lóc đã coi anh như một Quách Gia phò trợ cho Tào Tháo nên nghiệp lớn. Anh sao mà được như Quách Gia khi mà chỉ tìm cách tiêu diệt sự sống? Rồi Năm Lóc và những quan chức ăn tiền của chúng ta cũng phải ra hầu tòa! Chúng ta với Năm Lóc nặng về âm mưu hơn là tình bằng hữu. Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Đừng vì không thấy được quả báo mà làm việc ác…
Đàn em của Lì nhìn nhau, chớp mắt liên hồi, rồi tất cả cùng gật đầu, tỏ ý đồng tình trước cái uy của đại ca…
*
Lì đến thăm biệt phủ của Năm Lóc. Anh em tâm tư nhiều lắm. Trước khi ra về, Lì làm Năm Lóc giật mình bởi câu nói chân thành đến khó tin:
– Em giải nghệ anh à, cũng vì em mà anh bị cấp trên gọi lên gọi xuống. Anh đã bao che cho đàn em phá rừng, giết thú, để đàn em tiền nhiều như nước…
Năm Lóc bật dậy:
– Cậu định tố giác tôi hả, sao ngày trước không giải nghệ ?
– Anh ơi, nhận thức là một quá trình…
– Cậu định triết học với tôi phải không? Tôi thuộc lâu rồi, cậu thích thì tôi đọc lại cho mà chép.
Năm Lóc vung tay gõ từng phách mạnh theo từng âm thanh phát ra:
– Nhận thức là một quá trình phản ánh biện chứng hiện thực khách quan…
– Đúng rồi anh, từ việc xấu phá rừng, giết thú hoang giờ không giết phá nữa là em nhận thức đúng quy trình biện chứng chứ anh?
Năm Lóc lạnh người, miệng đắng như ngậm kí ninh…
– Anh vẫn là anh của em, em mong anh nghĩ lại, đừng hiểu lầm em, em khổ lắm. Chúng ta không thể tiếp tục tàn phá môi trường thế này! Mình phải thú tội với rừng xanh anh ơi! Em cảm thấy nguy cơ đến nơi rồi!
– Tóm lại là cậu cần bao nhiêu tiền? Tôi cho cậu cả cái biệt phủ này?
– Không không, anh đã hiểu sai em rồi, em muốn trở thành một công dân bình thường. Em khuyên anh nên chọn cho mình một lối đi mới, đừng để xảy như tay Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng một số quan chức ở tỉnh X mà ti vi vừa nói, giờ có trời cứu nổi!
– Cậu cút khỏi nhà tôi, cậu có chứng cứ, còn tôi thì chắc không có hả? Đồ phản trắc!
– Thôi, anh Năm hãy bình tĩnh nghĩ lại đi. Em không phản trắc! Người bạn tốt là người không phải cái gì cũng đồng tình với mình! Anh em ta đã hiểu sai về cái tốt! Anh ơi, Trung ương giờ làm dữ lắm, chúng ta hãy quyết định sáng suốt trước khi còn chưa muộn!
– Cậu về đi! Về đi!
…
Vợ Năm Lóc tiễn Lì ra cổng, nói lời nhỏ nhẹ:
– Hình như anh em có gì với nhau mà to tiếng phải không? Dạo này anh Năm yếu lắm, từ bữa đi liên hoan với các chú về cứ bệnh hoài, đêm nằm kêu la như loài khỉ, loài vượn…
Lần đầu tiên Tay Lì mới biết thế nào là nước mắt:
– Chị ơi, em khổ quá, anh Năm hiểu sai em rồi. Mình phải dám nhìn vào sự thật. Không thể kéo dài thế này được đâu. Trốn ra tận nước ngoài mà còn phải tự bò về ra đầu thú kia kìa. Không thoát được đâu chị ơi! Chị hãy động viên để anh Năm hiểu sự tình này hơn…
– Thôi, chú đừng khóc nữa, về đi để chị nói với anh Năm. Chú nói có tình có lí đấy!
Lì nổ máy xe honda, trườn đi khó nhọc trên con đường sau cơn mưa lớn…
*
Năm Lóc nghĩ đến số phận của mình. Mình mà mất ghế thì nhiều ổng, nhiều bà ở tỉnh cũng phải đứng trước vành móng ngựa…
Tin nhắn của Lì gửi qua Messenger. Năm Lóc chết ngất khi nhìn thấy mình đang đưa não hầu vào miệng ở nhà hàng Kích Âm Bổ Dương. Nhân chứng vật chứng là đây. Nó sẽ tố giác mình lên tận tối cao đây? Mà mình có gì ác với nó? Hay là mình sơ xuất chỗ nào? Đúng là “cao nhân tất hữu cao nhân trị”, thằng này giỏi hơn ta!
Với tay Lì, Năm Lóc có thể căm ghét, nhưng không thể coi thường.
Trời ơi, thằng tôi! Bà vợ vội chạy lên lầu, thấy chồng nằm vật vã trên bộ salon mà ngày nào tay Lì kính biếu, bọt mép sùi ra…
– Anh làm sao vậy?
– Sắp bão tố lớn rồi!
– Ti-vi nói thế hả? Biệt phủ nhà mình mà đổ thì nhà thiên hạ có mà đổ hết anh ơi!
*
Trên tờ Ngày mới đăng tải một bài rất hót: Tự thú với rừng. Nhân vật chính là một hạt trưởng kiểm lâm tự ra đầu thú về những vi phạm trong việc bảo vệ rừng sinh thái Nam Sơn. Đây có thể được coi như một tấm gương sáng về lòng dũng cảm, dám làm, dám chịu…
Bao năm đã trôi qua, Tự thú với rừng vẫn là một món quà quý hiếm được vị Giám đốc Khu dự trữ sinh quyển Nam Sơn kể lại cho du khách nghe với bao cung bậc cảm xúc, nơi gặp gỡ giữa con người và thiên nhiên …
ĐÀO SỸ QUANG