Truyện ngắn Đào Thanh Tám: Giấc mơ hạnh phúc

Chuyến xe đêm xuất phát từ bến Giáp Bát ngược vùng Tây Bắc, có hai giường cạnh nhau cuối xe không ngủ, hai người ấy là Hồng và anh sĩ quan trẻ. Anh sĩ quan trẻ măng có mái tóc bồng bềnh ngôi lệch đen mượt, nước da bánh mật, khuôn mặt rắn rỏi, đôi mắt dài giống hệt đôi mắt người phụ nữ trung niên nằm kề bên. Người phụ nữ giọng nhỏ nhẹ, thầm thì như kể chuyện cổ tích từ thời hoang hoải, đôi khi cô khẽ gạt thầm nước mắt.

Anh sĩ quan trẻ không nói lời nào, chỉ lắng nghe nhưng bàn tay anh đã nắm chặt tay người phụ nữ tự bao giờ. Cái nắm tay như an ủi, như truyền cả sức mạnh và niềm tin, lòng yêu thương vào bàn tay chai sần gân guốc của người phụ nữ. Câu chuyện cô Hồng kể cho anh sĩ quan trẻ nghe như người ta đang tua một thước phim quay chậm, thước phim quay ngược về quá khứ cách đây đã hai mươi lăm năm.

Nhà văn Đào Thanh Tám ở Lai Châu

Ngày ấy, trên sân ga chiều cuối năm, người đàn bà chạc ngoài năm mươi, một tay bồng đứa trẻ chưa biết hóng chuyện, đôi mắt trong veo ngơ ngác miệng mủm mỉm cười mụ dạy, một tay vuốt mái tóc dày dài óng của con gái rồi đẩy cô về phía trước nơi người người đang chen nhau bước lên toa tàu, nói:

– Đi đi con, tàu sắp chạy rồi kìa. Chị Hòa đã nhận thằng bé là con, lại có mẹ hỗ trợ nên con cứ yên tâm công tác. Nhớ giữ gìn sức khỏe, phụ nữ sau sinh còn yếu lắm đừng nghĩ ngợi nhiều con nhé. Nhớ mẹ, nhớ em thì viết thư về thăm mẹ, nghe con!

Cô gái sụt sịt khóc, thơm nựng đứa bé, nước mắt cô nhỏ vào má đứa trẻ nóng hổi. Bà Mơ đẩy cô ra bằng tất cả sức mạnh bà có. Cô gái nức nở một hồi rồi chạy thẳng về phía cửa lên con tàu SP1. Bà Mơ bồng đứa trẻ quay gót, bước nhanh về phía chiếc tắc-xi đang đợi trong làn nước làm mờ đục đôi mắt nhăn nheo.

Đêm. Thằng bé khóc. Khóc ngặt nghèo. Bà Mơ dỗ cháu mà nước mắt lưng chòng:

– À ơi, trời mưa bong bóng phập phồng… mẹ đi lấy chồng em ở với ai. À ơi, trời đã sang mùa…

Tiếng ru nghẹn lại.

Trong gian buồng đầu nhà, thi thoảng cũng có tiếng ọ ẹ, ọ ẹ. Tiếng à ơi nhè nhẹ, tiếng mút vú chùn chụt rồi lại chìm vào tĩnh lặng.

Dỗ mãi cháu không nín, bà Mơ vạch áo cho nó ngậm cái đầu ti nhăn nheo. Thằng bé rúc rúc ,nhay nhay chẳng có giọt sữa ngọt ngào nào nó nhè ra, oa oa hờn dỗi. Từ trong buồng, cô con dâu dáng điệu ngái ngủ, mệt mỏi đến cạnh bà:

– Mẹ đưa con cho Bon bú.

Bà trao đứa trẻ cho con dâu.

– Ừ, Bon ngoan, Bon ra mẹ Hòa bế để bà pha sữa Bon tu nha! Nào… nào, xong rồi đây!

Nói vậy bởi bà biết con dâu bà không có sữa mà thằng cu Bin thì háu ăn, sữa mẹ nó không đủ cho thằng bé kia thì lấy đâu cho thằng này bú. Bà lần mò đong sữa vào cái bình vú giả rồi quấy đều, rồi lắc lắc. Bon tu lấy tu để, vừa tu vừa lằn nhằn ọ ẹ. Tiếng ọ ẹ nhỏ dần, nhỏ dần rồi lặng thinh. Bon ngủ trên tay bà. Ngôi nhà tuềnh toàng bên sông chìm vào tĩnh mịch. Giun dế ngoài bãi ri rỉ vọng vào bản hòa ca ru đêm. Hoang hoải.

Trên tàu, Hồng không ngủ được. Tiếng xình xịch, tiếng hú còi khiến cô khó chịu, hai viên kháng sinh mới uống hồi chiều chưa đủ cho sữa tiêu. Ngực căng tức, sữa chảy ra qua lần áo mỏng. Với tay lấy hai chiếc khăn trong túi nhỏ bên sườn, nhét vào trong áo lót ngăn không cho sữa thấm ra áo sơ mi. Hồng thấy mình ngây ngấy sốt. Cố lên! Cố lên nào tôi ơi, lòng tự nhủ mà nước mắt cứ tuôn ra như thách thức Hồng.

***

Trước đó mấy tháng, tại phòng của chị Hiệu trưởng, Hòa nhỏ nhẹ:

– Chị cho em nghỉ dưỡng thai, em đã viết đơn rồi, em xin nghỉ tự túc. Bác sĩ bảo em có tiền sử bệnh tim, cần nghỉ ngơi khi mang thai, nhất là thai đôi.

– Chị thấy bụng em không lớn mà sao thai đôi được nhỉ. Hoàn cảnh em khó khăn thế nghỉ tự túc có đảm bảo không?

– Chúng em cố gắng khắc phục khó khăn chị ạ. Em dự định về Hà Nội gần bệnh viện Phụ sản Trung ương thuê một phòng nhỏ ở đến khi sinh xong mới về quê. Anh nhà em cũng ra đó, kiếm việc gì làm để vừa chăm sóc mẹ con em vừa có thêm thu nhập.

– Vậy vợ chồng em cố gắng nhé! Cuối tuần có cuộc họp Hội đồng, chị sẽ bàn với đồng chí Chủ tịch công đoàn và anh em trong đơn vị xem xét để hỗ trợ em chút ít.

– Dạ, em cảm ơn chị! Em chào chị, em về ạ!

Rời trường, về đến nhà, Hòa thấy hai anh em Hồng đã thu xếp xong tư trang cần thiết. Họ cùng nhau lên xe đi vào nội đô. Căn phòng trọ chật hẹp trong ngõ nhỏ có hai người phụ nữ đang mang bầu đi lại và một người đàn ông luôn tất bật từ sáng sớm tinh mơ đã trở dậy đi chợ mua sắm đồ ăn cả ngày cho hai người phụ nữ, rồi lại tất bật đi làm đến nửa đêm mới về. Hai người phụ nữ ấy là Hồng và Hòa – chị dâu Hồng, còn người đàn ông là anh trai cô.

Thời gian rảnh rỗi nhiều, Hồng nghĩ ngợi thấy buồn lòng, thương thân mình, thương anh trai và chị dâu mà chẳng biết làm sao, thương cả đứa trẻ đang ngày một lớn dần trong bụng cô. Đã có lúc cô nghĩ hay là bỏ quách đi, có ai biết ngoài mẹ, anh trai, chị dâu. Nhưng rồi Hồng không thể làm thế, đứa trẻ có tội gì đâu, nó đến với cô trong những tháng ngày cô hạnh phúc thì lẽ nào cô có thể nhẫn tâm tước đi mạng sống của nó. Được gia đình động viên cô càng có thêm nghị lực để sẵn sàng vượt cạn. Nhưng như thế cũng có nghĩa là cô và đứa trẻ sẽ trở thành gánh nặng cho anh chị. Ngày chị mới về làm dâu, Hồng đã từng lành chanh lành chói bắt nạt chị đủ đường. Hồng đâu có ngờ…, giờ đây cô chỉ ước sao cô và chị cùng khỏe mạnh để cả hai chị em vượt cạn, mẹ tròn con vuông. Hai đứa trẻ sẽ là anh em song sinh của anh chị.

Quanh quẩn trong phòng trọ chật hẹp, bức bối Hồng luôn nhớ về những tháng ngày tươi đẹp vừa mới qua như một giấc chiêm bao. Hồng đẹp như cái tên của cô, đôi mắt lúc nào cũng long lanh, đôi môi chẳng cần son cứ đỏ mọng như khiêu khích người ta. Các anh khóa trên bảo: “Cả trường Cao đẳng Nông lâm này mỗi em có cặp môi xinh như thế”. Cô lấy đó làm hãnh diện và cô chẳng rung động với anh chàng nào cả. Đơn giản vì cô không thích.

Sau tốt nghiệp, hồ sơ đi xin việc được Hồng gửi đi các nơi, năm lần bảy lượt không có hồi âm. Năm sau ông cậu họ từ Tây Bắc về ăn tết, nghe bà chị trải lòng lo lắng cho tương lai cô con gái, ông bảo:

– Chị không sợ phải xa cháu thì bảo cháu làm hồ sơ, trên chỗ em còn trống vị trí của cháu, chưa biết sắp ai vào đó. Nguồn địa phương thì chưa có mà ở nơi khác thì họ chê Tây Bắc núi rừng heo hút, mấy trường hợp lên được thời gian rồi lại bỏ về xuôi.

Hồng đang ngồi đan chiếu trúc ngoài hè nghe lỏm câu chuyện của mẹ và cậu thấy vậy mà mặt nóng bừng, tim nhảy loạn xạ, Hồng mơ đến một vùng đất lạ, ở vùng đất ấy cô được làm công việc yêu thích.

Chỉ hơn hai tháng sau, trên sân ga Hà Nội vào một chiều xuân ấm áp, Hồng chia tay mẹ đầy bịn rịn. Chia tay nhưng mắt vẫn ánh lên niềm vui nhờ cái Quyết định tuyển dụng vào biên chế trong xã vùng 135 của một huyện nghèo thuộc tỉnh Lai Châu.

Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng

Cô kỹ sư nông nghiệp đẹp như hoa núi, khí hậu thổ nhưỡng miền sơn cước càng làm cho nước da thêm trắng, đôi môi thêm đỏ tươi. Quẩn quanh với công việc trong xã bé nhỏ heo hút chỉ có núi với rừng bao bọc, đường ra thị trấn gập ghềnh nên cô cũng chả mấy khi đi đâu. Hết giờ làm việc ở cơ quan trở về gian nhà nhỏ trên một ngọn đồi cao ngay ngã ba quãng gấp của con suối lớn, nơi ấy cũng là nơi tiếp giáp của ba xã giao nhau. Chiều chiều, trên cái ghế mây cô lặng nhìn về phía cuối trời xa thăm thẳm sâu hun hút trong cánh rừng già. Nhớ nhà, nhớ mẹ, những bức thư gửi về quê mất cả tháng trời mới có thư hồi âm. Mỗi lần nhớ là mỗi lần cô khóc, muốn bỏ việc về quê nhưng rồi có cái gì đó cứ níu cô lại. Phải chăng đó là những cánh rừng bạt ngàn huyền bí, những thửa ruộng bậc thang, những cây, những hoa mà trước đây khi còn đi học Hồng chỉ được nghe đến tên chứ chưa nhìn thấy. Giờ thì Hồng có thể say sưa với thổ nhưỡng nơi này để nghiên cứu, Hồng nghĩ cô nhất định giúp bà con tận dụng những vạt rừng khe suối làm giàu.

Sống ở đây cô cảm nhận được tấm chân tình, nồng hậu, mộc mạc của bà con như cây trong rừng, như đá trên núi. Cô còn nhớ như in ngày mới đặt chân đến vùng đất này với vài bộ quần áo mang theo và tờ quyết định tuyển dụng mới tinh vậy mà chỉ đúng hai ngày sau theo sự phân công của bác trưởng bản, cô đã có một gian nhà nho nhỏ dựng bằng tre nứa với đủ thứ đồ dùng, gạo nước thiết yếu. Cô như một luồng gió mới đến với bà con. Những đứa trẻ lúc đầu chỉ đứng bên bờ rào đá ngơ ngác nhìn cô. Chúng lạ cô vì cô ăn mặc khác những người phụ nữ trong bản. Chúng chả hiểu kỹ sư nông nghiệp là gì nhưng trong mắt chúng cô dịu dàng như cô tiên trong cổ tích. Mỗi buổi chiều, sau khi đã xong việc cô lại chơi cùng bọn trẻ. Những lúc cô địu cái Sam giúp chị Sâu để chị cho lợn ăn cô thấy nó thật dễ thương. Không chỉ có thế, còn cái gì nữa, còn ai nữa cứ níu chân cô? Phải chăng là Thuấn?

Đêm. Mỗi khi trăng nghiêng nghiêng rọi vào vách lứa soi lên khuôn mặt cô, phả vào môi cô những nhớ nhung về mái tóc bổ đôi bồng bềnh đen mượt, cái miệng thật duyên và nước da ngăm ngăm cùng đôi bờ vai rắn chắc là điểm tựa khi cô cùng Thuấn ngồi bên tảng đá dưới chân con suối sau nhà.

– Tết này, anh đưa em về ra mắt gia đình anh nhé!

Hồng thủ thỉ.

– Đợi anh thu xếp đã, bố anh mới mất chưa hết tang. Bọn mình chưa cưới được đâu em.

– Nhưng…

– Bọn mình còn trẻ mà, anh lúc nào cũng ở bên em thế này còn gì. Bây giờ nghe anh, em vào nhà nghỉ đi, ngồi đây lâu sương xuống cảm lạnh đấy!

Hồng vào nhà, nằm trên chiếc giường mà cái dát giường được làm từ thân cây luồng, bác trưởng bản phân công hai bác trung niên trong bản vào rừng đẵn cây luồng già về rồi đo, cắt, bổ, rồi dần ra thành những tấm dát đặt trên ba cái ghế băng nhỏ từ hôm mới đến, cô cứ trằn trọc không sao ngủ được. Thuấn yêu Hồng, chiều chuộng Hồng là thế, chăm lo cho Hồng là thế mà mỗi lần Hồng đề cập đến chuyện về quê ra mắt thì anh lại tìm cách trì hoãn. Có phải vì Thuấn và Hồng còn trẻ hay còn vì một lí do gì khác mà Hồng không biết? Tối mai, nếu gặp Thuấn nhất định Hồng phải nói. Đặt tay lên bụng, có cái gì đó tựa như một mầm sống đang cựa mình trỗi dậy trong cô. Niềm vui này Hồng phải nói với Thuấn ngay ngày mai mới được. Vừa nhẹ tay xoa xoa bụng như dỗ dành giấc ngủ Hồng vừa mơ về một gia đình nho nhỏ nhưng đầy ắp tiếng cười của Thuấn cùng tiếng bi bô trẻ nhỏ. Miên man với những ước mơ ngọt ngào trong ngôi nhà hạnh phúc đã ru Hồng chìm vào giấc ngủ say sưa tự lúc nào.

Sáng hôm sau, Hồng đang cùng anh Chủ tịch xã đi ra lán lấy xe chuẩn bị vào rừng hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời kiểm tra việc trồng thảo quả của bà con. Vừa đi họ vừa trò chuyện, Hồng nói:

– Thảo quả có thành phần hóa học chính là tinh dầu. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết thảo quả là một loại thảo dược có hàm lượng dưỡng chất phong phú như: Carbohydrate, riboflevin và thiamin; các vitaminc, niacin, pyridoxine, khoáng chất như photpho, canxi, đồng, mangan, sắt, magiê, kẽm, chất xơ, tinh dầu… Thảo quả thích hợp với khí hậu mát lạnh như vùng ta. Dưới những tán rừng to, đất ẩm, nhiều mùn cây phát triển tốt. Em đã được tập huấn rất kỹ về loại cây này. Em nghĩ, nếu chúng ta hướng dẫn bà con trồng đúng kỹ thuật cây sẽ cho năng suất cao, có thể đem đến nguồn thu lớn cho bà con xã ta anh ạ. Bà con có thể thoát nghèo và cũng có thể giàu lên từ cây thảo quả…

– Em chào anh chị!

Người phụ nữ chừng hai bảy, hai tám tuổi, mắt sắc như dao cau dáng tất bật, mệt mỏi, tay xách nách mang vừa xuống từ chiếc xe uyn bước tới cắt ngang câu chuyện của Hồng và anh Chủ tịch xã trên khoảng sân Ủy ban. Anh Chủ tịch chào lại người phụ nữ lạ:

– Chào em, em cần gặp ai?

– Em là vợ anh Thuấn địa chính, hai năm nay anh không về thăm nhà, thư từ gửi về thưa quá. Mẹ chồng em ốm nặng chẳng biết dùng dắng được bao lâu, nhà một núi việc anh ạ nhưng thương bà cụ cứ trông ngóng con trai. Xuống tàu hỏa bên Lào Cai, em đi xe khách sang đây rồi hỏi thăm các kiểu…

– Chết thật, cả trăm cây số từ bến xe thị xã tới đây chứ ít gì. Cô vào đây! Vào đây! Cái cậu Thuấn này đoảng quá!

Trời đất như đổ sập dưới chân Hồng, Hồng muốn ngã quỵ, toàn thân cô run rẩy…

***

Trong phòng làm việc của Chủ tịch xã, Thuấn nói như thanh minh:

– Anh hiểu cho, em và cô ấy chưa đăng kí kết hôn. Cô ấy…

– Thôi, cậu cứ an tâm cùng vợ về quê thăm bà cụ trước đã. Cho chúng tôi gửi lời hỏi thăm cụ, chúc cụ mau khỏe. Khi nào công việc dưới nhà xong xuôi cậu lên đây lúc đó chúng ta nói chuyện sau.

Hơn chục ngày phép ở nhà, Thuấn cùng cô vợ đã sinh cho anh ta một bé gái đến giờ được hơn một tuổi đi đăng ký kết hôn và thăm hỏi bà con anh em bè bạn. Chả có việc mẹ anh ta ốm đau gì cả chỉ vì bà nhớ con quá. Và còn vì lí do nữa là vợ Thuấn đi khai sinh cho con, ông cán bộ tư pháp xã yêu cầu muốn khai đủ cả bố mẹ đứa bé thì phải có giấy đăng ký kết hôn. Thư từ nhắn nhủ mãi Thuấn chưa về, bà cụ sốt ruột bàn với con dâu tiện dịp cai sữa con bé bà ở nhà trông cháu, con dâu lên thăm con trai rồi tìm cách đưa bằng được anh về hoàn thiện thủ tục của một người đàn ông với vợ trẻ và con thơ.

Hết phép. Thuấn quay lại cơ quan thì Hồng đã chuyển công tác sang huyện khác, cô làm đơn tình nguyện vào xã giáp biên giới trước sự ngỡ ngàng và tiếc nuối bịn rịn của bà con cùng các cô chú, anh chị trong đơn vị. Thuấn không dám tìm gặp Hồng. Thật lòng hắn cũng thương Hồng, nhưng giờ hắn không đủ dũng khí đối mặt với Hồng. Hắn hèn hạ thuận theo con đường Hồng đã lựa chọn. Họ lặng lẽ xa nhau như dòng nước chảy qua con thác mùa mưa lũ.

***

Câu chuyện cô Hồng kể vào hồi kết cũng là lúc chiếc xe khách vừa đến bến Lai Châu. Hơn hai mươi năm đã trôi qua, giờ đây trên khuôn mặt của cô Hồng xinh đẹp ngày nào đã hằn những nếp nhăn nơi khóe mắt. Anh sĩ quan trẻ Hạnh Phúc – kết quả của mối tình nồng nàn giữa Hồng và Thuấn được cô giữ lại, sẽ nắm chắc tay súng bảo vệ cho những cánh rừng mãi một màu xanh thanh bình.

Lúc xuống xe, trước khi chia tay mỗi người đi một hướng, Hạnh Phúc dùng hai bàn tay chắc nịch nắm lấy vai mẹ an ủi:

– Mẹ về nhà nghỉ ngơi. Con lên đơn vị nhận nhiệm vụ, công việc canh biên tránh không cho các phần tử xấu vượt biên bảo vệ sức khỏe nhân dân vô cùng quan trọng. Con tình nguyện lên đây khi vừa hoàn thành chương trình đào tạo, vừa là nhiệm vụ, vừa là tiếng gọi của tuổi trẻ và cũng là để có thời gian gần gũi mẹ. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe, con sẽ về nhà ta thăm mẹ sớm ạ!

Hồng nghẹn ngào bước lên chiếc tắc-xi ngay gần đó. Xe lăn bánh, Hồng ngoái lại vẫy vẫy anh sĩ quan trẻ trong niềm “hạnh phúc” trào dâng. Giấc mơ hạnh phúc cô đã dành cả thanh xuân để chờ đợi bên những cánh rừng thảo quả, trên những quả đồi dược liệu vùng biên giới xa xôi heo hút đang thay da đổi thịt từng ngày. Mặt trời đang từ từ nhô lên trên ngọn núi phía đông. Qua lớp kính xe, cô thấy đường phố thênh thang rộng dài trong sương sớm, từng đoàn xe máy chở những bao, những gùi sản vật của đồng bào trên bản xuống phố chợ. Những ngựa thồ, những đoàn người váy áo xúng xính rảo bộ xuống chợ hình như chỉ còn trong quá khứ… Qua những thăng trầm của cuộc sống thì ký ức về những ngày xa xưa khi cô mới đặt chân lên mảnh đất Lai Châu vẫn đẹp như một bức tranh. Bức tranh sơn thủy hữu tình vùng Tây Bắc đậm màu hạnh phúc!

ĐÀO THANH TÁM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *