Những vật liệu kiến tạo thế giới tượng trưng trong thơ Bích Khê – Kỳ 2

VHSG- Điều cần lưu ý về cái “sự học” ở Bích Khê là: sách vở và kiến thức đông tây cổ kim tất nhiên là có, và rất nhiều, nhưng đến một lúc nào đó, cái khối tri thức khổng lồ đó, đã ẩn mình nhường chỗ cho một linh giác lạ thường, làm bừng nở ra những bông ánh sáng – đó là những đóa hoa thần dị – thơ Bích Khê.

Nhà thơ Bích Khê

Những vật liệu được nhận biết bằng trực giác

Xác – thịt – linh – hồn

Vai trò chủ đạo trong nhận thức và sáng tác nghệ thuật của chủ nghĩa tượng trưng là trực giác – đó là sự bừng ngộ thần bí, với sự khải thị, với trạng thái kích động cao. Và lần đầu tiên trong lịch sử thơ ca, chủ nghĩa tượng trưng đã “thơ hóa” cả cái xấu và cái ác – đó là tập thơ Những bông hoa ác của nhà thơ tượng trưng Pháp Baudelaire.

Chủ nghĩa tượng trưng xem thế giới hữu hình chỉ là hình ảnh, là cái bóng, là tượng trưng cho một thế giới mà ta không nhìn thấy được. Cái thế giới không nhìn thấy được đó mới chính là bản thể của thế giới. Cho nên, nhà thơ phải đến với cuộc sống bằng trực giác vì chỉ có trực giác mới tìm ra cái bí ẩn nằm sau thế giới hữu hình, mới nhìn thấy thế giới đích thực là cái thế giới bí ẩn nằm sau thế giới hữu hình không nhìn thấy ấy.

Nói về khả năng trực giác của Bích Khê, Hàn Mặc Tử trong Lời tựa Tinh huyết đã viết: “Trực giác của thi sĩ mạnh quá đến nỗi thấy nhan sắc lên hương, thấy cả sóng nghê thường đương nao nao gợn, và so sánh hai hàng nước mắt trong trắng của nàng là hai chiếc đũa ngọc. Và thấy mái tóc u huyền xinh như một mùa thu mươn mướt, thi nhân bảo đấy là đêm đang ngủ mơ…”. Nói về khả năng trực giác của một nhà thơ cũng có nghĩa là nhà thơ ấy đã thể hiện mình trong sự tương giao với thiên nhiên, vũ trụ như thế nào? Bài thơ Hiện hình  trong Tinh huyết của Bích Khê thể hiện rõ sự tương giao giữa “con người tượng trưng” của Bích Khê và thế giới.

Thơ Bích Khê rất hay nói đến xác thịt của con người, đến nỗi người ta có thể nói tới một thứ “ngôn ngữ thân xác” trong thơ ông. Xác thịt ở đây không phải là xác thịt trần tục mà là xác thịt có dáng dấp của một cái biểu đạt. Và chính bởi vậy, nó đã trở thành một trong những nguồn vật liệu thiết yếu kiến trúc nên thế giới tượng trưng của Bích Khê. Dĩ nhiên, để không nhìn xác thịt chỉ là xác thịt, người ta phải có con mắt riêng, như Bích Khê. Xác thịt, theo con mắt đó, là xác – thịt – linh – hồn. Nhờ vật liệu này, Bích Khê dễ dàng thể hiện được những tương giao.

Trong Hiện hình, trước tiên là sự tương giao giữa vũ trụ và con người  Gió đa tình hôn, Gió đi chới với, mặt hoa thơm tho mùi thịt, người thiếu nữ hiện trong trăng, da thịt ý tuyết băng, mát như xuân, người lộ mỏng như sương, khung trắng trời mây trắng.

Tiếp đó là sự tương giao giữa các giác quan: thơm tho mùi thịt, da thịt phô bày, ngọt tợ hương, rào rạt nỗi cảm thương.

Rồi đến sự tương giao về màu sắc: khung trắng, khăn hồng, màu trăng, mây trắng…

Nhưng tới đây, ta cũng chỉ mới thấy sự tương hợp này bằng trực cảm. Nếu bằng trực giác thì ta sẽ tìm ra sự tương ứng khó lòng mà phân biệt rạch ròi. Đó là một sự tương giao tổng thể. Tương giao giữa thiên nhiên, con người, thơ, họa và nhạc, hương, vị… và cả mọi giác quan:

– Gió đi chới với trong khung trắng

Lộ nửa vần thơ nửa điệu ca

– Nàng hé môi ra. Bay điệu nhạc

Mát như xuân mà ngọt tợ hương,

– Rào rạt như nỗi cảm thương

Tiếng nhạc màu trăng quấn quýt nường

-Nàng tan ra nhạc? Tan ra nhạc!

Khung trắng trời mây trắng lạ thường…

Đó là sự tương giao chồng chéo, quấn quýt với nhau không dễ tách bạch.

Sự hòa điệu

Theo con mắt trần tục, khó có thể quan niệm được rằng sự hòa điệu là một vật liệu kiến tạo nên thế giới tượng trưng của Bích Khê. Nhưng nếu hiểu rằng thơ ca nói riêng, nghệ thuật nói chung chỉ là một thế giới giả tưởng và mối liên hệ giữa các sự vật trong thế giới đó không hề mang tính tất yếu, một khi các sự vật đó bị đánh đồng với “nguyên mẫu” vốn tồn tại trong thế giới khách quan, thì ta dễ dàng chấp nhận: hòa điệu cũng là một vật liệu – một vật liệu chỉ có thể được nhận biết bằng trực giác.

Các nhà nghiên cứu thơ Bích Khê dường như đều gặp nhau ở nhận định: thơ tượng trưng của Bích Khê gợi lên sự tương ứng giữa hương thơm, màu sắc, âm thanh. Ở những bài thơ như Mộng cầm ca, Tỳ bà, Nhạc, Thi vị, Hiện hình… khó có thể tách bạch đâu là hương thơm, màu sắc, âm thanh bởi tất cả đã tạo nên một sự hòa hợp, tương ứng dệt nên những hình ảnh, điệp ngữ, liên tưởng trùng phức đầy ám gợi và mê hoặc:

Cả không gian là bể sáng tràn lan…

(Đồ mi hoa)

Đường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới

Của lời thơ lóng đẹp. Hạt châu trong.

                            (Duy tân)

Nguyên lý chi phối bút pháp cách tân trong thơ Bích Khê là đi tìm “cái thống nhất của hỗn độn”. Bích Khê đã điều khiển những con chữ một cách tài tình, đưa ngôn ngữ thơ đến cuộc hôn phối thần kỳ, cuộc hòa điệu ngoạn mục với những bộ môn nghệ thuật khác.

Quan niệm về thơ, Bích Khê cho rằng, thơ phải là nhạc, là họa, là điêu khắc, là nhiếp ảnh, là vũ đạo, là tổ hợp của nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Thơ phải là một hỗn độn đẹp xô bồ say dậy. Duy tân là bài thơ Bích Khê nói lên đầy đủ nhất ý tưởng ấy của ông. Bích Khê không muốn thơ chỉ là tiếng nói một chiều của cảm xúc, ông muốn thơ phải mang đến cho người đọc những rung động thẩm mỹ đa chiều.

Nếu như ở bài Hiện hình, sự tương giao tổng thể kia dựa trên cái phông nền là màu trắng thì ở bài Tỳ bà là màu vàng, và hiệu quả nghệ thuật của màu vàng xem ra còn mạnh hơn. Bích Khê, bằng trực giác của mình như là đã quên đi mọi hình ảnh cụ thể sinh động của thiên nhiên mùa thu mà đi vào phía tiềm ẩn của mùa thu tượng trưng để tiến đến sự hiển hiện một biểu tượng “vàng” trực giác bằng ý niệm:

Ô! hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông

Ta không hề thấy ở đây một hình ảnh cụ thể nào của mùa thu trong thiên nhiên nhưng tâm trí thì như đang bay lượn trong mùa thu tượng trưng ngợp vàng, mênh mang… bởi chỉ có hình ảnh “cây ngô đồng”, nhưng cái cây ấy đã bị bao trùm bởi nỗi buồn vương như là đã xóa nhòa mất chính nó, chỉ còn có ý niệm “buồn”. Và Vàng rơi! Vàng rơi! chính là trực giác tượng trưng chỉ biết có “Vàng”. Vàng rơi và rơi liên tục, cấp tập từ hư không những vàng là vàng, và vì thế nên thu mênh mông trở thành thu mơ hồ trong ý niệm – mùa thu trong thiên nhiên đã trở thành mùa thu tượng trưng:

Vàng sao nằm im trên hoa gầy

Tương tư người xưa thôi qua đây

Ôi ! nàng năm xưa quên lời thề

Hoa vừa đưa hương gây đê mê

Tôi qua tim nàng vay du dương

Tôi mang lên lầu lên cung Thương

Tôi không bao giờ thôi yêu nàng

Tình tang tôi nghe như tình lang

Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi

Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi

Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi

Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi

Buồn lưu cây đào xin hơi xuân

Buồn sang cây tùng thăm đông quân

Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

                                 (Tỳ bà)

Không chỉ ở hai bài thơ Hiện hìnhTỳ bà vừa dẫn trên ta mới thấy tiềm năng tượng trưng của những vật liệu chỉ được nhận biết bằng trực giác. Ở nhiều bài khác, loại vật liệu này cũng được Bích Khê sử dụng rất có hiệu quả. Nói đến chúng thực chất cũng là nói đến sức mạnh của trực giác trong thơ, cụ thể ở đây là sức mạnh của trực giác trong hoạt động làm thơ của Bích Khê. Nếu không có một khả năng trực giác mạnh mẽ không thể sáng tạo được những câu thơ giàu nhạc tính và cũng lung linh sắc màu, vô cùng sống động như trong bài Nghê thường:

Ô trời hôm nay sao mà xanh!

Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành,

Nhung mây tê ngời sao kim cương,

Dạ lan tê ngời say men hương;

Lầu ai ánh gì như lưu ly?

Nụ cười ai trắng như hoa lê?

Thủy tinh ai để lòng gương hồ?

Không gian xà cừ hay san hô?

Và khi năng lực trực giác mạnh mẽ đó của Bích Khê gặp được chân lý ngời ra như lưỡi kiếm, khi tình yêu của Bích Khê xô dồn sang cực điểm thì thơ của chàng sẽ tỏa hào quang trong cái cảnh tượng thần tiên Và hào quang khiêu vũ với hào quang:

Nàng! nàng! nàng! không có nữa châu thân

Xác là mộng mà tình là tuyệt đích

Hỡi không gian! hãy tan ra tiếng địch

Của lòng yêu ca ngợi tuyệt vời cao

Hỡi trần gian! hãy chết ngột trong sao

Cho chân lý ngời ra như lưỡi kiếm

Cho tình ta xô dồn sang cực điểm

Và hào quang khiêu vũ với hào quang…

                            (Nàng bước tới)

Nhà nghiên cứu Phạm Thị Như Thúy (Doãn Thụy Như)

Những vật liệu được nhận ra nhờ cách đọc liên văn bản

Đọc Bích Khê, ai cũng dễ dàng nhận thấy rằng ông là người có sức đọc rất ghê và có vốn văn hóa thơ thâm hậu. Ông am hiểu thơ Đường, thơ trữ tình cổ điển Việt Nam và dĩ nhiên là rất “thạo” thơ Pháp thuộc các trường phái lãng mạn, tượng trưng và siêu thực… Vì lẽ đó, theo cách đọc liên văn bản, ta nhận ra trong thơ ông rất nhiều vật liệu được “chuyển về” từ thơ Đường, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Baudelaire, Verlaine, Mallarmé… Ở phần viết dưới đây, chúng tôi chỉ xin nói về các vật liệu lấy từ thơ tượng trưng và thơ siêu thực Pháp.

Vật liệu lấy từ thơ tượng trưng Pháp

Khi các nhà thơ của Phong trào Thơ mới Việt Nam (1932 – 1945) còn chưa hết say đắm với chủ nghĩa lãng mạn thì chủ nghĩa tượng trưng phương Tây đã gần đi hết con đường của nó. Tuy nhiên, do nhận thức nhạy bén với những trào lưu hiện đại của nghệ thuật phương Tây, Bích Khê đã nhanh chóng tiếp cận và học hỏi được rất nhiều ở chủ nghĩa tượng trưng, trong khi vẫn còn một chân đứng trên chủ nghĩa lãng mạn.

Bích Khê gọi Baudelaire là “vua thi sĩ”, vì ông đã học được bao nhiêu mùi thi vị ở tác giả Những bông hoa ác:

Có những mùi hương mát như da thịt trẻ con

Êm nhẹ như tiếng sáo, xanh mướt như cỏ non

Và những mùi hương oanh liệt, phong phú và trụy lạc

– Tỏa khắp không gian như những cái vô hạn, vô cùng

Như nhựa thơm,như xạ, như hương trầm

Hát ca những khoái lạc của tinh thần và thể xác

                     (Bản dịch của Vũ Đình Liên)

Và Bích Khê muốn phà hơi lên cho mùi thi vị đó từ Baudelaire truyền nhiễm thấu trần ai (Ăn mày). Sự ảnh hưởng từ Baudelaire đến Bích Khê là rất rõ.

Hàn Mặc Tử gọi Bích Khê là “thi sĩ thần linh”. Ông cho rằng thơ Bích Khê ở tập Tinh huyết có ba tính cách: 1) Thơ tượng trưng, 2) Thơ huyền diệu, và 3) Thơ trụy lạc. Nhận xét về thơ trụy lạc của bạn mình. Hàn Mặc Tử viết: “Ở địa hạt dâm cuồng này, ta thấy thi sĩ Bích Khê hoàn toàn là Baudelaire. Vì trong tác phẩm chàng, gợi dục tình thì ít, mà làm cho người ta ghê rợn đến gớm guốc cái cảnh trần truồng khả ố thì nhiều”.

Mai Bá Ẩn nhận xét khá chính xác về thơ tượng trưng của Bích Khê: “Tính chất uẩn khúc, huyền ảo, siêu thực trong thơ tượng trưng đã được Bích Khê thể hiện qua hàng loạt các bài thơ trong tập thơ Tinh huyết (Duy Tân, Tranh loã thể, Giờ trút linh hồn). Có thể nói “hình ảnh Rimbaud, cú pháp Mallarmé, kiến trúc và triết lý của Valéry” đã tạo dựng cho Bích khê một thứ “thơ vàng ròng” đậm tính tượng trưng… Ba yếu tố tượng trưng, huyền diệu, trụy lạc của tập thơ Tinh huyết đã làm cho Bích Khê trở thành một cây bút khác hẳn với khuynh hướng lãng mạn”.

Vật liệu lấy từ thơ siêu thực Pháp

Bích Khê không chỉ học được ở thơ tượng trưng mà còn tiếp thu được nhiều cái mới trong thơ siêu thực, lối thơ chỉ tin cậy ở trực giác. Chủ nghĩa siêu thực là một trào lưu văn học và nghệ thuật ở thế kỷ XX, bắt đầu ở Paris và được nhà thơ người Pháp Breton viết tuyên ngôn vào năm 1924. Chủ nghĩa siêu thực cố gắng diễn tả tiềm thức bằng các trình bày các vật thể và sự việc như được thấy trong những giấc mơ. Siêu thực là một khuynh hướng nghệ thuật lớn bao trùm nhiều loại hình của nghệ thuật. Bắt đầu từ thơ, siêu thực lan tới hội họa rồi tiếp đến điện ảnh, tiểu thuyết. Thuật ngữ chủ nghĩa siêu thực được nhà thơ Apollinaire dùng trong tác phẩm của mình vào năm 1917. Sau tuyên ngôn năm 1924, thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi trong văn học và nghệ thuật. Những nguyên tắc mỹ học của chủ nghĩa siêu thực là: hướng về thế giới vô thức của con người – đó là một lĩnh vực vô hạn đối với sự sáng tạo nghệ thuật. Đề cao cái ngẫu hứng, những cái xuất hiện lướt qua trong đầu, không qua sự kiểm soát của lý trí. Vứt bỏ sự phân tích logic, chỉ tin cậy ở trực giác, giấc mơ, ảo giác, ở những linh cảm bản năng và sự tiên tri. Hướng tới sự hồn nhiên trong suy nghĩ như trẻ thơ, tới trạng thái mê sảng, tới những ảo giác mộc mạc của người nguyên thủy và nền nghệ thuật cổ sơ của họ. Chủ nghĩa siêu thực chủ trương thơ ca phải được tuôn trào tự do, không cần tuân thủ các quy định về câu cú, đề cao sự liên tưởng tự do. Về cơ bản, chủ nghĩa siêu thực chống sự tầm thường của chủ nghĩa hiện thực.

Giữa các nhà thơ tượng trưng và các nhà thơ siêu thực tương đồng với nhau ở điểm chính là thơ không tả cảnh, tả tình, thơ phải khám phá nội tâm, diễn đạt những tác động vô hình vào tâm trạng. Thơ siêu thực đi sâu phản ảnh tiếng nói của thâm tâm (vô thức, tiềm thức và ý thức). Vì thế, việc Bích Khê đi nhanh từ tượng trưng sang siêu thực không những không gặp trở ngại gì mà rất thuận đường!

Nhà phê bình văn học Thụy Khuê đã nhận xét: Thơ Bích Khê là sự giao lưu giữa thơ cổ và thơ hiện đại, trong một kiến trúc nghệ thuật âm nhạc và hội họa. Đặc biệt trong lối tạo hình, ông đã sử dụng một phương pháp mới, lúc ấy chưa thịnh hành ở Việt Nam: phương pháp cắt dán (collage). Hình ảnh trong thơ Bích Khê là sự cát dán lắp ghép, hình ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử là tưởng tượng, vì vậy khi nhìn bề ngoài có vẻ giống nhau nhưng thật ra rất khác: thơ Bích Khê “mới” hơn Hàn Mặc Tử, vì Bích Khê tiếp nhận thêm được những kiến thức siêu thực, mà Hàn Mặc Tử chưa kịp tiếp thu, đã mất (23).

Phong cách siêu thực trong thơ Bích Khê xảy ra ở cả mức độ chữ, lẫn câu: Bích Khê không chỉ để hai hình ảnh khác nhau cạnh nhau, mà còn để hai câu thơ hoàn toàn khác nhau cạnh nhau, như: Vàng sao nằm im trên hoa gầy / Tương tư người xưa thôi qua đây. Câu trên là một câu mô tả sự khăng khít xác thịt: Vàng sao nằm im trên hoa gầy. Câu dưới: Tương tư người xưa thôi qua đây, mô tả sự tan vỡ, nói đúng ra là, vừa đang yêu: tương tư vừa tan vỡ: người xưa thôi qua đây. Bích Khê đã đảo lộn trật tự thời gian sống, để tạo một nghịch cảnh, nghịch _________________

(23) C.Đơ-li-nhi, M.Rut-xơ-lô (1998), Văn học Pháp (Trịnh Thu Hồng, Đỗ Phương Mai dịch), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

lý mới: thường thì người ta tương tư, rồi khăng khít và sau cùng mới lìa nhau, đằng này, người ta khăng khít trước, rồi mới tương tư, rồi xa nhau.

Cũng theo Thụy Khê, Tỳ bà là một trong những bài thơ đầu tiên của Việt Nam có cấu trúc gián đoạn: Bích Khê dán những chữ không liên lạc gì với nhau cạnh nhau, dán những câu không liên lạc với nhau lại gần nhau, để tạo ra những hình ảnh hoàn toàn siêu thực: tay – đêm, giăng – mền, trăng – đan, mây – nhung, thuyền – hồn…

Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mền

Trăng đan qua cành muôn tay êm

Mây nhung phơi màu thu trên trời

Sương lam phơi màu thu muôn nơi

Cây đàn yêu đương làm bằng thơ

Dây đàn yêu đương run trong mơ

Hồn về trên môi kêu: em ơi

Thuyền hồn không đi lên chơi vơi

Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu

Sao tôi không màng kêu: em yêu

Trăng nay không nàng như trăng thiu

Đêm nay không nàng như đêm hiu.

                                (Tỳ bà)

Mỗi câu thơ của Bích Khê là một sự đứt đoạn: Bích Khê là nhà thơ tiên phong, đã đi trước thời đại, thể hiện sự đứt đoạn trong không gian và trong tâm hồn. Sự đứt đoạn của đời sống là một trong những khám phá của nghệ thuật hiện đại trong toàn bộ thơ, văn, nhạc, họa, từ đầu thế kỷ XX. Bởi mỗi ý nghĩ của chúng ta là một đứt đoạn, mỗi hình ảnh chúng ta nhìn thấy trong đời sống là một đứt đoạn.

Sự tiếp nhận, học hỏi ở chủ nghĩa tượng trưng rồi tiếp theo là chủ nghĩa siêu thực của Bích Khê đã là yếu tố quan trọng hàng đầu để thơ Bích Khê có những đột phá hoàn toàn mới trong khát vọng “Duy tân” thơ của mình và đã trở thành “một đỉnh núi lạ” của thời kỳ Thơ mới 1930 – 1945, và điều quan trọng hơn: Bích Khê là nhà thơ đi trước thời đại. Đó chính là điều mà nhà phê bình Hoài Thanh còn nhiều băn khoăn khi phê bình thơ Bích Khê và ông đã phải thừa nhận rằng đọc thơ Bích Khê một lần coi như chưa đọc. Tuy nhiên, Hoài Thanh cũng đã trích được một đoạn trong bài Tranh lõa thể để gọi đó là “những câu thơ hay vào bực nhất trong thơ Việt Nam”:

Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố nữ

Ồ tiên nương! Nàng lại ngự nơi này?

Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu đây?

Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm.

Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?

Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?

Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường;

Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc

Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc

Vài chút trăng say đọng ở làn môi.

Điều cần lưu ý về cái “sự học” ở Bích Khê là: sách vở và kiến thức đông tây cổ kim tất nhiên là có, và rất nhiều, nhưng đến một lúc nào đó, cái khối tri thức khổng lồ đó, đã ẩn mình nhường chỗ cho một linh giác lạ thường, làm bừng nở ra những bông ánh sáng – đó là những đóa hoa thần dị – thơ Bích Khê.

PHẠM THỊ NHƯ THÚY

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *