Truyện ngắn Lê Ngọc Minh: Vĩnh biệt thuốc lá

VHSG- 1. Nàng nhăn cái vẻ mặt vốn thường trực nét tươi xinh phơn phớn lại và khìn khịt nhíu nhíu hai cánh mũi, còn bàn tay thì khua khua như xua đuổi lũ ruồi đang quấy nhiễu trước mặt. Rồi nàng bỗng hươ cái bàn tay đó lên, ngoằng một đường tựa như ngọn khói xoắn và nói với tôi bằng giọng gắt gỏng: “Hôi quá! Hôi đến không chịu nổi. Anh phải cai đi, phải cai ngay đi thôi!”. Tôi vội nói lời nhẫn nhịn: “Thông cảm đi em yêu, anh đang rất khẩn trương mà!”. Nàng dí ngón tay vào trán tôi: “Đừng nói miệng, anh phải bắt đầu từ cái này này…ày..y..!”.

Tôi vẫn nhẫn nhịn, cố nặn ra một nụ cười thật tươi để lấy lòng nàng và dẫn ra câu nói của một nhà văn nổi tiếng mà tôi mới nạp được: “Con người ta giống nhau ở huyết khí còn hơn nhau ở chí khí! Anh xin làm ngay con người chí khí cho em đây. Anh hứa với yêu, kỳ nghỉ đông này, anh sẽ cai thuốc lá thành công trước sự chứng giám nghiêm nghiệt nhất của yêu!”. Nghe tôi nói vậy, ánh mắt nàng hoạt lên, lấy lại cái vẻ tươi tắn rỡ rực thường nhật .  Nàng còn thưởng cho tôi một nụ hôn nhanh vào má trái nhưng lại bảo: “Anh có chí khí thế là đủ rồi. Em không muốn nghiêm nghiệt nhất như anh nói đâu. Yêu ạ, anh đi nghỉ một mình cho dễ cai nha. Mà sao anh lại dùng từ, nghe ghê chết đi được? Nghiêm nghiệt nhất? Anh coi em như mụ La Sát không bằng?”. Tôi cãi: ” Thì anh đang cần một sự giám hộ thật nghiêm khắc mà. Đi nghỉ một mình, không có em, buồn, nhỡ ra anh lại phải mượn điếu thuốc thì sao?”. Nàng hôn tiếp vào bên má phải tôi, lần này lâu hơn, cùng giọng nói cũng âu yếm hơn: “Yêu mà chịu nghe lời em thỏ non này thì chỉ có cực tốt trở lên thôi! Đúng không nào? Hử, cưng nhất đời của em, đồng ý với thỏ non không nào?”. Tôi sung sướng thốt lên: “ Thỏ non! Thỏ non! Ui đúng là thỏ non! Cưng yêu của anh dùng từ hay thế!”. Tôi say đắm nhìn nàng, nhìn vẻ phát lộ của nàng rồi thốt lên tiếp: “Đúng là thỏ non!”

Nhà văn Lê Ngọc Minh

2. Thế là kỳ nghỉ đông năm đó, tôi một mình đơn cô đi nghỉ với đoàn của khoa Dự bị, trường Lomonosov đúng như yêu cầu của nàng. Nơi đoàn chúng tôi đến là làng Iasnaia Poliana thuộc ngoại vi thành phố cổ Tula cách Moscva hai trăm cây số về phía nam, nơi có điền trang nổi tiếng của đại văn hào Nga bá tước Lev Tolstoi. Phong cảnh thôn dã ở đây thật đúng như cái tên của nó, Iasnaia Poliana- Rừng Sáng. Những rặng bạch dương đang kỳ đông chí, tuyết phủ tuyền một màu trắng toát và mịn như lụa. Gió từ sông Tula, mặt nước cũng đã đóng dầy băng tuyết, thổi vào làm rung lên các ngọn cây trắng xoá khiến cho lớp tuyết mới đáp xuống bay tơi bời theo chiều gió tựa như các tảng sợi bông gòn lô xô len lỏi trôi hun hút vào đại ngàn bạch dương thăm thẳm. Hôm ấy, là một ngày nắng đẹp, các cặp đôi từ nhà nghỉ dưỡng Iasnaia Poliana ríu rít đổ ra bãi trống bên sông Tula, vui đùa vốc tuyết tung ném vào nhau, ôm nhau lăn tròn từ trên dốc tuyết xuống thung lũng cạn cũng đã đầy tuyết. Chỉ có riêng tôi là ngồi đơn lẻ với những cơn ho xé họng. Đã là dân ghiền, khi ho, vị giác như bị thôi thúc thêm những cơn thèm thuốc lá. Vậy nên thay vì phải chí khí, tôi lại làm một điếu theo thói quen đã ngấm vào huyết khí đã từ lâu lắm rồi. Song, chỉ vừa rít chưa đầy một hơi, tôi liền bị hành ngay bằng một cơn ho quặn ruột, quặn họng. Tôi ném điếu thuốc lá đang cháy xuống tuyết và còn dùng mũi giầy dí dí cho tắt ngấm đi. Dù vậy, cơn ho cũng không thể dứt, tôi phải ngồi thụp, một tay chẹn lấy khăn quàng cổ, một tay chống theo thế tấn vào gốc cây bạch dương bên đường. Chợt có một chiếc xe ngựa trượt tuyết chạy đến cùng với tiếng giục ngựa của người xà ích: “Rừ..ừ.. ừ… rừ…, rựt…ựt … rựt…ựt!” và đỗ lại tựa như bị phanh gấp cạnh tôi. Con ngựa đen tuyền cao lớn như một chiến mã dựng hai vó trước lên cùng tiếng hí bực tức. Xà ích ngồi trên xe ngựa là một ông già người Nga, râu tóc mới lốm đốm bạc. Ông để đầu trần, thân hình vững chãi như một lực sĩ cử tạ. Ngó đầu ra nhìn tôi, ông hỏi: “Sao thế anh bạn trẻ?”. Tôi nhìn ông già nói: “Bác ạ, cháu bị ho”. Ông già liền bảo: “Coi chừng cúm đấy! Nguy hiểm quá! Anh ở chỗ nào để tôi đưa về hoặc có cần đến trạm y tế không?”. Tôi đáp: “Cháu ở nhà nghỉ đông Iasnaia Poliana gần đây thôi. Cháu đang chờ các đồng hương chơi tuyết dưới bãi kia, bác ạ “. Ông già ân cần: “Tôi đương chở thực phẩm đến nhà nghỉ dưỡng của anh đấy. Lên xe đi! Ho nhiều thế, ở ngoài trời lạnh lâu là không tốt đâu! Nào!”. Tôi nghe lời ông già trèo lên xe ngựa. Ông kéo tấm bạt dầy có gắn kính thông quang xuống để tránh gió thốc và ông không cho ngựa phi nhanh như lúc trước mà hãm bắt nó phải cuốc đều đều. Ông tự giới thiệu tên họ đầy đủ là Vladimir Sergeievits Nhekratxov. Giới thiệu xong, ông dặn, chỉ cần gọi Volodia hoặc Vova là được. Tôi cũng thưa với ông, tôi đến từ Việt Nam tên tôi là Du. Tôi bị ho kéo dài là do nghiện thuốc lá và lần này tôi đi nghỉ đông với quyết tâm rất chí khí là bỏ vĩnh viễn. Tôi cũng đề nghị ông Vladimir cho tôi gọi ông bằng cái tên thân mật: bác Vova. Nghe thế, bác Vova cười vẻ khoái lắm và nói với tôi, bác sẽ bày cho tôi cách cai thuốc xrázu (ngay lập tức). Để khẳng định câu nói của mình, bác Vova đưa một ngón tay lên nhắc lại hai lần: Xrázu!Xrázu! Xe ngựa về đến nhà nghỉ dưỡng, bác Vova vào bếp nhập cá chép tươi sống, được đựng trong hai thùng gỗ cách nhiệt. Bác dặn tôi, chín giờ hôm sau gặp bác ở cửa bếp này, bác sẽ cho một liều cai thuốc lá có hiệu quả xrázu. Bác bắt tay tôi , cười và nháy mắt nói vui: “Trước khi anh bỏ một thói quen thú vị cũng cần cân nhắc cho thật chín, nhất là bỏ thuốc lá, nó cũng là một trong vài ba thứ vui vui, trong dăm mười cái khoai khoái đáng nhớ của của giới đàn ông chúng ta”. Tôi hăng hái: “Thưa bác Vova nhưng cái thứ vui vui khoai khoái này nó tệ lắm, bác trông cháu ho thì biết. Cháu tự nguyện chấp hành triệt để cách cai xrázu của bác ạ!”. Bác Vova: “Tốt thôi! Nhưng bác nhắc lại, đã cai theo kiểu đạt hiệu quả xrázu này, anh sẽ bị dị ứng với mùi thuốc lá suốt đời đấy, nghĩa là sau đó anh có muốn hút chơi một hơi cũng không thể! Hoàn toàn không thể!”. Tôi đáp: “Vâng! cháu đã quyết đoạn tuyệt rồi mà!”. Bác Vova nhắc lại câu hẹn lần nữa, vào chín giờ sáng hôm sau, bác sẽ gặp tôi tại đây, chỗ chúng tôi đang đứng.

3. Tôi sinh ra ở một vùng đất trồng thuốc lào nổi tiếng. Trẻ con làng tôi hồi nhỏ, năm sáu tuổi đầu đã được người lớn cho thử hút chơi thuốc lào. Ngoài mười tuổi tôi đã biết nhón hai ngón tay khá điệu nghệ câu lên mấy sợi thuốc lào vừa qua một cơn nắng giòn, hà hơi thổi vào rồi hạ thổ chừng nửa phút, sau đó nạp vào nõ điếu, châm đóm, rít, điếu thuốc cháy để lại mầu than trắng ngà. Kẻ ghiền là tôi, miệng nhả khói, mắt lim dim mơ màng thụ thưởng phút giây phiêu huyền diệu vừa đậm đà vừa thoảng thoảng ngất ngây cái cảm giác lơ mơ không thể định lượng được. Đến khi vào lính, tôi chuyển sang hút thuốc lá cho sang. Thuốc lá hồi chiến tranh hiếm lắm, lại khá đắt đỏ so với phụ cấp binh nhì, binh nhất chỉ có năm, sáu đồng/ tháng nên cánh lính nghiện như tôi chỉ được xài thứ thuốc lá rẻ tiền không đầu lọc và khi hết tiền thì lại phải nhớ đến thuốc lào, điếu cày. Vì vậy, khi được xuất ngoại sang Nga du học, tôi có cảm tưởng mình đã lạc vào thiên đường thuốc lá. Thị trường Nga hồi đó có rất nhiều thuốc lá nhưng loại NB nhập khẩu từ Ấn Độ rất hợp với khẩu vị của người Việt, trên tài Điện Biên bao bạc một chút nhưng có đầu lọc, quấn chặt hơn nên hút được lâu hơn, vị giữ cũng được lâu hơn. Giống như người đói ăn giả bữa, tôi đốt mỗi ngày vài bao NB là thường, và không hề thấy bão hòa, nghĩa là càng hút càng thấy zdô ghê lắm. Ngày tôi đi tán gái và được nàng yêu, nàng đã thổn thức nói, nàng rất thích mùi thuốc lá của tôi, coi đó là cái hơi thứ hai đầy hấp lực cùng với hơi yêu đã cuốn nàng vào vòng tình ái. Nhưng thật bất ngờ bắt đầu năm học thứ ba, nàng bỗng chán mùi thuốc lá từ tôi. Lúc đầu là những cái nhăn mũi ý tứ, nhưng rồi nàng đã bưng miệng cố ghìm cơn hắt xì hơi mà tôi đoán là nàng diễn. Cao điểm cuối cùng như tôi viết ở trên, nàng đã không chịu nổi nữa rồi. Tôi và hơi thuốc lá từ tôi đã không còn là hơi yêu của chúng tôi nữa mà trở thành cái thứ hôi quá! Hôi đến không chịu nổi. Tôi đã có lúc dùng câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Olga Bergoltz cùng cái ôm vai dịu dàng để an ủi nàng: Dịu dàng quá! Dịu dàng không chịu nổi song tôi chỉ nhận được ở nàng động tác phẩy tay trước hai cánh mũi nhăn tít tìn tịt lại. Vì vậy, để hy vọng có được nàng mãi mãi, tôi danh dự hứa, đoạn tuyệt với thuốc lá! Vĩnh biệt thuốc lá!

Mấy đêm đầu xa nàng, tôi cứ hoang hoải với những hồi cố, những quyết tâm chí khí và cả những trăn trở nghi ngờ vô cớ về tình yêu, về nàng… cho mãi đến tận gần sáng mới thiếp đi được. Hôm hẹn bác Vova cũng thế, khi ánh mai mang sắc tuyết phản chiếu trắng tinh thấu qua hai lớp kính cách nhiệt và rèm cửa sổ ùa vào phòng, tôi mới choàng tỉnh. Nhìn đồng hồ chỉ còn kém tám phút nữa là đầy chín gìơ. Tôi làm các dịch vụ cá nhân theo tác phong lính tráng chỉ mất chưa đầy năm phút rồi chạy bộ theo cầu thang từ tầng năm xuống bếp ăn. Bác xà ích Vova đã đứng sẵn đợi tôi. Tôi nhìn đồng hồ thấy vẫn còn sớm với cuộc hẹn được gần một phút. Chắc bác Vova cũng vừa mới đến, vì thấy ngoài trời tuy rất lạnh nhưng con hắc mã của bác vẫn còn đầm đìa mồ hôi. Bác Vova chào buổi sáng tôi và thân mật hỏi: “Anh bạn trẻ vẫn chí khí chứ?” . Tôi đáp ngay: “Dạ, rất vẫn ạ! bác Vova hãy giúp cháu!”. Bác Vova: “Được, tất nhiên sẽ giúp nhưng tôi hỏi anh lần cuối cùng, rời bỏ một thói quen thú vị anh còn lăn tăn gì nữa không?”. Tôi đáp: “Dạ! Trong mọi trường hợp, dù thế nào cháu cũng đoạn tuyệt thuốc lá!”. Bác Vova cười, nói câu của Gagrin, nhà du hành đầu tiên của nhân loại khi bay vào vũ trị: “Poekhaly!” (Từ này, trong tiếng Nga rất đa nghĩa, với văn cảnh này xin tạm dịch Vào cuộc thôi!). Bác Vova dẫn tôi vào chỗ góc khuất của nhà ăn, cạnh cái lò sưởi , tôi chờ rồi bác bỏ ra ngoài. Nhìn qua cửa sổ, băng tuyết bám trên bậu đang rỏ những giọt tí tách vì có ánh mặt trời chiếu vào, tôi thấy bác Vova vuốt bờm con ngựa đen và như thì thầm điều gì đó với nó. Chỉ lát sau, bác đi vào tay cầm bao thuốc lá, bác chìa cho tôi xem, trong đó chỉ có một điếu thuốc đầu lọc mầu nâu tựa mới tẩm qua nước cà phê đặc. Vẫn cái nét tủm tỉm cười rất Nga trên mặt bác xác nhận với tôi lần nữa: “Anh vẫn chí khí chứ?”. Tôi nói câu cảm thán của người Nga: “Ơn chúa bao dung! Con vâng lời Người!”. Bác Vova gật đầu bảo tôi nhắm mắt lại và làm theo sự hướng dẫn của bác. Tôi nhắm mắt. Tôi nghe tiếng bác Vova bật diêm. Tôi ngửi thấy mùi thuốc lá ngai ngái thoang thoảng. Bác Vova nhắc tôi đừng mở mắt rồi tôi cảm nhận được bác đặt đầu lọc điếu thuốc vào miệng tôi, bảo ngậm chặt và nói như ra lệnh: “Poekhaly! Rít cật sức vào!”. Tôi rít bằng tất cả sức lực có lúc đó! Trời ơi, không phải thứ hơi khói thuốc lá mà là thứ ráy tai thối, là nhớt cá ươn, là hơi chuột chết… đã xâm nhập vào tất cả ngóc ngách ngũ tạng của tôi. Tôi bưng miệng, chặn ngực để khỏi nôn thốc ra sàn nhà ăn. Bác Vova vội dìu tôi như kéo vào toilet. Ở đó tôi nôn hết cả mật xanh mật vàng, tôi gần như lả gục xuống sàn. Lát sau, bác Vova vào đỡ tôi lên, dìu tôi ra ngoài. Bác đã chuẩn bị cho tôi một ly to nước trà đen pha gừng với mật ong. Tôi khát đến mức dùng cả hai tay nâng ly trà lên định uống một hơi cạn cho đã nhưng ngụm trà đầu chưa kịp trôi khỏi họng thì tôi liền phun ra. Bác Vova vỗ lưng cho tôi và bảo uống từ từ từng chút, từng chút một thôi. Tôi làm đúng như bác Vova bảo, nhưng cái cảm giác nôn thốc vẫn cứ ngang ngang chực chực ở họng tôi. Không ăn uống được gì thêm tôi nằm bệt một ngày trong trạng thái cơ thể rỗng tuếch và các khớp xương, các cơ bắp chân bắp tay buồn ro ro nhưng nhức như có lũ sâu đục, mọt nghiến trong đó. Rồi tôi ngủ lả đi như chết lâm sàng cho đến khi có tiếng gọi cửa bằng những nắm đấm khá mạnh bên ngoài. Tôi bật dậy! Kỳ lạ, cơ thể nhẹ nhõm đầu óc tỉnh táo và đói mềm. Tôi lao ra mở cửa. Bác Vova đến cùng với một phụ nữ ít hơn bác độ dăm tuổi, dáng người dỏng cao, mặc chiếc bành tô đỏ có viền cổ lông cừu xịn khá sang trọng. Bác Vova giới thiệu đó là vợ bác, bà Ludmila Vladimirovna, bác bảo gọi bác gái là Lida cho thân mật. Hai bác mang đến cho tôi một phích lưỡng dụng bằng kim loại, đựng đầy cháo cá chép sông Tula.

Vui vì đã cai được thuốc lá cùng với sự chăm sóc ân cần của vợ chồng bác Vova, tôi đã chén gọn cái phích cháo cá dung lượng hai lít năm mươi. Rũ sạch món nợ Hôi quá! Hôi đến không chịu nổi, tôi hỏi bác Vova, bác đã cai xrázu cho tôi bằng cách nào. Bác nắm bàn tay, giơ ngón  cái lên, bảo, bác đã tẩm điếu thuốc tôi hút vào mồ hôi đầu ngày của con hắc mã, đơn giản vậy thôi nhưng đã có hiệu quả xrázu. Tôi vội ấp hai bàn tay vào ngực như kiểu tạ ân, nói: “Vâng! Đúng là xrázu!”.Khi tiễn hai bác về, tôi ra bưu điện thành phố đặt dây nói về Moscva để báo tin vui cho nàng, tôi đã cai thuốc lá thành công. Chí khí của tôi đã đắc dụng!

4. Ngồi hơn tiếng đồng hồ ở trạm điện thoại liên tỉnh, tôi vẫn không gặp được nàng, phía Moscva báo tin, không có người ra bưu điện nghe điện thoại đặt trước của tôi.

Buồn, trên đường về nhà nghỉ dưỡng Iasnaia Poliana tôi không lên xe bus mà thả bộ theo lối mòn ven rừng bạch dương tuyết trắng. Nắng, tuyết bám lưu cữu ngày đông trên các cành cây tan thành giọt nhưng chưa kịp rơi mà kết với nhau thành những chuỗi tựa hạt cườm long lanh trong suốt như pha lê đẳng cấp. Tôi nhìn ra hướng sông Tula, ở đó có nhiều người đang câu cá ở các miệng hố băng. Tôi cắt lối qua vạt rừng thưa, đi băm băm bổ bổ xuống đó.

Chà! Từng đôi từng đôi, chủ yếu là các cặp ông bà đã có tuổi. Tôi gặp vợ chồng bác Vova khi họ kéo từ hố băng sâu hoắm lên một chú cá chép vàng rợi nặng đến trĩu cả chiếc cần câu làm bằng thép trắng. Con chép đó được thả vào một cái thùng gỗ hai lớp cách nhiệt bởi các miếng xốp cũng trắng. Có vài người câu được cá lớn mang đến cân, nhập vào thùng cách nhiệt của vợ chồng bác Vova. Bác gái Lida ghi chép số lượng cẩn thận rồi giải thích cho tôi, hai bác thu mua cá tươi, hưởng lãi (bao gồm cả chuyên chở, tìm nơi tiêu thụ) mười phần trăm để đem bán cho các nhà nghỉ dưỡng, các khách sạn sang trọng. Bác kể, làm để cho vui tuổi già thôi chứ không kinh tế lắm, gặp khi không có khách hàng thì chỉ có nước đem cá biếu bạn bè hàng xóm vì vùng này cá rất nhiều, chính quyền phải ra quy chế bắt buộc mỗi tuần người dân  ăn chuyên cá vào ngày thứ năm. Ngày đó toàn thành Tula có bói cũng không mua nổi nửa miếng thịt.

Nhìn cảnh câu cá ở các hố băng chỉ toàn thấy các đôi vợ chồng già, thi thoảng mới có chỗ đơn độc một cụ, hoặc hai bạn già đồng giới, tôi rất lấy làm ngạc nhiên. Như đoán được thắc mắc của tôi, bác Vova nói, cánh trẻ chúng nó phải đi làm, đi học, mà có rỗi thời gian thì chúng hẹn hò đưa nhau đi rạp phim, sàn nhảy chứ ra bãi câu này làm gì. Bác gái Linda cho biết thêm, đi câu thế này, chỗ hai người câu thường sát cá hơn chỗ đơn lẻ một người, bác bảo, hình như có nhiều hơi người, cá tìm đến đông hơn. Bác Vova đồng tình khẳng định: “Phải có đôi, phải có đôi chứ”. Rồi bác vui vẻ vén màn bí mật tình yêu của hai bác. Hồi chiến tranh Vệ quốc, Tula là tiền đồn phía nam của Moscva, bác là đội trưởng du kích. Cứ hễ tác chiến có hai ba người là thế nào cũng có chiến công. Bác còn bảo, đặc biệt nếu đi với đội viên em út Lida này thì chiến công còn khá khẩm hơn. Bác gái Lida nguýt yêu chồng: “Cựu đội trưởng, chỉ được cái giỏi bịa!”. Bác Vova đáp ngay:”Chứ không à!”, rồi bác kể một loạt chiến công của hai bác ở ngay vùng Iaxnaia Poliana này. Lại có cả một chiến công rất độc đáo, hai bác hoá trang thành hai cụ già đi câu cá hố băng, đã tóm gọn thằng lái cùng cái mô tô tiếp phẩm ba bánh của bọn phát xít thu được một đống tiền D mác, một khẩu tiểu liên, năm quả lựu đan. Bác Lida nhíu mũi, cười: “Chỉ được cái nhớ dai”. Bác Vova nhìn các đôi bạn đang câu gần đó, kể tiếp cho tôi nghe về họ, trong đó có đôi rất tình sử nhưng càng về già họ càng thương nhau, càng gắn nhau như những đôi thiên nga, loài chim biểu tượng của sự chung thủy lứa đôi. Bác Lida hỏi tôi, đã có bạn gái chưa, bác Vova nói thêm vào, con gái vùng Tula rất đẹp và đảm, nếu thích, bác giới thiệu cho một cô, dòng dõi Lev Tolstoi hẳn hoi. Tôi cảm ơn và thú nhận, tôi đã có và nàng đang đợi tôi ở Moscva. Sở dĩ tôi đi nghỉ đông một mình vì tôi cần rảnh rang để cai thuốc, cần một cuộc thử nghiệm chí khí khi không có nàng bên cạnh. Nghe vừa xong câu chuyện, bác Vova lắc đầu lia lịa thốt lên: “Không bình thường, rất không bình thường, cháu phải về Moscva đưa cô ấy lên ngay! Người yêu nhau phải đi với nhau chứ!”. Tôi nói, nàng không đăng ký đi nghỉ đông, không có chỗ ở nhà nghỉ dưỡng Iasnaia Poliana và nếu tôi bỏ về Moscva  chưa chắc đã được người phụ trách đoàn của trường cho phép. Bác Vova bảo, trong trường hợp này phải áp dụng chiến thuật du kích chiến. Ăn cơm tối xong, bác sẽ đưa tôi ra ga xe lửa chạy điện thành phố. Và với tốc độ xe chạy 140 cây số giờ thì chỉ chưa đầy hai tiếng, tôi sẽ về đến Moscva đưa nàng lên. Chỗ ở thì vợ chồng bác sẵn sàng giành cho chúng tôi một phòng chất lượng ngang bằng với nhà nghỉ đông Iaxnaia Poliana. Nếu thực hiện chuyến đi, tôi có thể được nghỉ ngơi ở Moscva sáu tiếng, chín giờ sáng hôm sau vẫn kịp có mặt, kịp ăn sáng, kịp đi với đoàn đến tham quan trang ấp của đại văn hào  Lev Tolstoi. Tôi và bác Vova đều nắm tay lại thể hiện sự hành động Poekhaly! Trên đường tàu lửa chạy điện về Moscva, bỗng dưng tôi lại nhớ một bài thơ cổ Phương Đông, hình như là thơ cổ Hàn Quốc có trong giáo trình tham khảo môn văn học cổ nước ngoài bằng tiếng Nga. Tôi lẩm nhẩm ôn lại để khi về Mát, sẽ bất ngờ đọc cho nàng nghe thật tha thiết: “Bướm trắng trong vườn hoa muôn sắc / Bao giờ cũng bay từng đôi / Thùy dương bên bờ sông im lặng / Bao giờ cũng đứng từng đôi / Trên đời này trừ tôi ra, còn lại / Bao giờ cũng kết thành đôi”.

Trên tàu lửa, tôi còn may mắn mua được của người bán dạo hai thứ quà cho nàng. Đó là bộ Chiến tranh và hòa bình bằng tiếng Nga in theo tự dạng chữ Nga cổ do Hội yêu mến Lev Tolstoi thành phố Tula ấn hành và một lẵng quả thông nho nhỏ xinh xinh gồm chín trái màu nâu tươi. Tuy có trục trặc do phải đợi mất gần ba mươi phút taxi đêm song, kém mười bảy phút đầy một giờ sáng, tôi về đến ốp (ký túc xá) và dông thẳng lên phòng nàng ở tầng chín, trên chỗ phòng tôi năm tầng.

Cảm xúc dào dạt pha lẫn hồi hộp, tôi ngắm lại hai món quà tặng lần nữa và se sẽ gõ cửa phòng nàng bằng ký hiệu mà chúng tôi quy ước với nhau gồm bảy nhịp Túc tuc túc tuc tục tuc túc. Đó là âm thanh một giai điệu vui trong ca khúc Nga hiện đại, ba tuc túc đầu, tôi gõ liền nhau, dừng chút chút tôi gõ hai tuc tục tiếp theo rồi lại dừng trước khi gõ chậm hơn hai tuc túc cuối cùng.

Gõ xong, tôi nín thở chờ. Im lặng. Một phút trôi qua, bảy âm thanh theo giai điệu Túc tuc túc tuc tục tuc túc lại vang khẽ dưới sống đốt ngón tay chính của tôi.

Im lặng. Chờ thêm vài phút nữa, tôi hết kiên nhẫn không gõ bằng ký hiệu giai điệu tuc túc vui tai mà đấm mạnh dồn dập, dồn dập.

Dường như nghe có tiếng bật công tắc nhưng cũng phải hơn một phút sau cửa phòng mới được mở ra. Vừa trông thấy tôi, nàng bỏ ngay cái kính cận thời trang bá lấy cổ tôi, lôi tôi vào phòng. Nàng hôn, nàng xót cho tôi đêm hôm phải đội cái rét ngoài trời đang lạnh gần bốn mươi độ dưới 0, vượt hai trăm cây số về với nàng. Tôi ngây ngất nhìn nàng nhưng chưa vội khoe chuyện đã xrázu cai thuốc, đã dứt khoát nói câu Thuốc lá ơi, vĩnh biệt mi! mà đưa hai món quà vừa trí tụê, vừa lãng mạn cho nàng. Nàng nhận và véo nhẹ mũi tôi một cái: “Em xin! Yêu về phòng đi, năm phút nữa em xuống!”. Cái véo mũi của nàng khiến tôi hắt xì hơi liên tục mấy cái. Sau đó, tôi nhận ra không phải do bị nàng véo mũi mà do cái cửa sổ phụ của phòng nàng đã tự mở từ lúc nào. Tôi định đi lại đó để đóng nó lại nhưng nàng ngăn, bảo để cho thoáng.

Lạ quá, tôi lại nhận ra trong phòng nàng hình như có mùi thuốc lá. Tôi hỏi nàng: “Em hút thuốc ?”. Nàng cười dí ngón tay vào mũi tôi: “Hoang tưởng rồi!”. Tôi đáp: “Thật đấy, có mùi gì lạ lắm! Không phải là hơi yêu“. Cái cánh cửa sổ bị gió đập vào khung cửa gằn lên một tiếng, tôi bỏ nàng ra như gạt đến đóng nó lại. Tôi phải vươn người ra ngoài. Tôi chớp mắt, tưởng mình bị lên cơn quáng gà hoá dại. Không! Rõ ràng là một thằng cha đàn ông tóc đen đang cong người co ro bám vào ống thoát nước kiểu cũ của tòa nhà chín tầng.

Trong lúc tuyệt vọng, rối trí dường như Chúa đã kịp tựa đỡ cho lòng bác ái của tôi, nghĩa là tôi không nổi nóng với nàng, tôi cũng không la lối để nhân viên bảo vệ ốp đến tóm  gã đàn ông đầu đen đang gò người ôm lấy đường ống nước cũ kỹ chịu cái giá lạnh đại hàn trong đêm sâu. Tôi bỏ ra khỏi phòng nàng và ngay trong đó trở lại thành phố Tula.

Hết kỳ nghỉ đông bằng một cuộc nói chuyện sòng phẳng và rất chí khí, tôi đã được nàng cho biết gã đầu đen đó là ai. Tôi chỉ đau một nỗi là gã còn nghiện thuốc lá hơn cả tôi. Cả khi gã đã có được nàng rồi, gã vẫn xài thuốc lá như điên. Đau, và tôi quyết hút thuốc trở lại. Nhưng cách cai nghiện xrázu của bác Vova triệt để quá. Cứ ngửi phải hơi, phải thuốc lá là tôi buồn nôn và hắt xì, hắt xì liên tục. Thôi! Đành chào ngược cái thứ khói tai hại chết người đó. Ngược! Vĩnh biệt thuốc lá.

LÊ NGỌC MINH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *