Nhuận bút văn nghệ buổi đầu

VHSG- “Nguyễn Huy Tưởng làm nội vụ, vừa là thủ quỹ vừa đi giao thiệp in tạp chí”, đó là lời nhà văn Nguyên Hồng nói về cha tôi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong hồi ức “Những ngày Gia Điền”, in trong cuốn “Những nhân vật ấy đã sống với tôi”, NXB Tác phẩm mới, 1978. Đoạn hồi ký kể về những ngày các ông làm báo Văn nghệ ở vùng rừng núi Hạ Hòa, Phú Thọ.

1. Chúng ta biết rằng báo Văn nghệ ra số đầu, tháng 3-1948. Hình thức là tạp chí ra hằng tháng. Tòa soạn gồm Hoài Thanh, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Lưu Hữu Phước, Tô Ngọc Vân, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, sau thêm Nguyễn Tuân, Nguyễn Xuân Khoát, Đoàn Phú Tứ.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Ở những dòng trích dẫn trên của bác Nguyên Hồng, tôi hiểu chữ “thủ quỹ” bác nói về cha tôi, chỉ ông Tưởng là người tay hòm chìa khóa của cơ quan. Hồi ấy tiền của “trên” rót xuống cho cơ quan văn nghệ đều giao cha tôi cất giữ và chi tiêu cho cơ quan và anh em. Nhà văn Nguyễn Đình Thi từng kể rằng, ông Tưởng đi đâu cũng kè kè cái túi bên vai, trong ấy để giấy tờ và tiền của đoàn thể. Có hôm các ông uống rượu say, đêm về phải băng qua cánh đồng, ông Tưởng chuếnh choáng thế nào thụt cả người xuống ruộng nước. Lúc bò được lên bờ, việc đầu tiên ông làm là kiểm tra xem cái túi đeo trên người có còn nguyên vẹn không.

2. Ở bài viết này, tôi muốn nói đến một phần công việc “nội vụ” khác nữa của cha tôi, đó là làm… kế toán.

Trong lưu trữ của gia đình chúng tôi có một tập giấy nhỏ vừa lòng bàn tay, thuộc số giấy tờ của cha tôi hồi làm Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ. Đó chính là những gì còn lại của một cuốn sổ mà cha tôi đóng lấy để ghi các công việc nội vụ của tòa soạn. Trong đó có một số trang ghi các khoản nhuận bút bài vở cũng như “lương” của các thành viên tòa soạn. Để bạn đọc có sự hình dung, tôi xin giới thiệu một trang cụ thể, kê các khoản thu nhập từ tờ báo của Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Trần Đình Thọ. Theo đó, “lương” tòa soạn của Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Khoát là 100 đồng mỗi số; bìa 200 đồng một số; nhuận bút mỗi bài mục thời luận (Chronique) là 100 đồng, bút ký (của Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng) là 200 đồng, truyện ngắn (của Nam Cao, Tô Hoài) là 250 đồng mỗi truyện hoặc mỗi kỳ…

Căn cứ vào con số ghi ở bên trái mỗi tên người hoặc bài đăng, ta biết được rằng các khoản nhuận bút, thu nhập kê ở hai trang này là tính cho các số từ số 2 đến số 7, tương ứng với thời gian ra báo là từ tháng 4 đến tháng 12-1948. Như vậy có thể hiểu phải đến hết năm Nguyễn Huy Tưởng mới làm nhuận bút cho các tác giả và thành viên tòa soạn.

Thời gian đã quá xa để biết được lý do của sự chậm trễ này – do đoàn thể chưa cấp tiền, do báo mới phát hành chưa thu được tiền bán báo, hay do ông Tưởng để đến hết năm mới làm nhuận bút một thể…? Chỉ biết rằng dù sao đây cũng là một sự không hay, và bản thân ông Tưởng đã được ông Nam Cao nhắc nhở chuyện nhuận bút. Trong một bức thư gửi bạn quãng gần cuối năm 1948, tác giả “Đôi mắt” có viết: “Mình được tin gia đình rồi đấy. Vợ con bí lắm… Do thế thấy rằng cũng cần tiền. Nghĩa là Văn nghệ đăng bài thì phải sòng phẳng với anh em… để mình dành dụm giúp vợ một tí” (Thư Nam Cao gửi Nguyễn Huy Tưởng, in trong “Với Nguyễn Huy Tưởng”, NXB Hội Nhà văn, 1998).

3. Không biết bao lâu sau thì Nam Cao nhận được phần nhuận bút của mình để gửi cho vợ con. Cũng không biết số tiền ấy nhiều ít thế nào. Trong ghi chép của Nguyễn Huy Tưởng thì nhuận bút của Nam Cao gồm các khoản: truyện ngắn “Đôi mắt”, 250 đồng; tản văn “Mạch máu”, 70 đồng; nhật ký “Ở rừng” (hai kỳ), 500 đồng – tổng cộng 820 đồng. Nhưng chừng ấy tương đương với gì, mua được những gì thì tiếc là không có gì làm đối sánh.

Nhưng nếu ta không thể so sánh giá trị tuyệt đối các khoản nhuận bút vừa kể, thì lại có thể so sánh tương đối giữa chúng với nhau. Ở hai trang kê các khoản nhuận bút nói trên, ta có lương tòa soạn là 100 đồng, nhuận bút truyện ngắn (đăng một kỳ) là 250 đồng. Ở một số trang bút tích khác của Nguyễn Huy Tưởng, ta có nhuận bút bài thơ “Cá nước” của Tố Hữu là 200 đồng, trường ca “Sông Lô” của Văn Cao là 250 đồng. Như vậy tính ra, lương tòa soạn cho mỗi số nguyệt san là 100 đồng, bằng 50% một bài thơ hay bút ký, và chỉ bằng 40% một truyện ngắn hoặc bản nhạc…

Qua đấy có thể thấy, hồi ấy các ông rất coi trọng việc sáng tác, đặt nó cao hơn nhiều công việc trị sự, mặc dù tòa soạn gồm toàn những tên tuổi hàng đầu của nền văn học – nghệ thuật Việt Nam!

NGUYỄN HUY THẮNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *