Truyện ngắn Nguyễn Lê Vân Khánh: Giờ chân không

VHSG- Khác với những gì con gái tôi nghĩ, lý do tôi chuyển về vùng ngoại ô chẳng có gì đau đớn.

Chúng tôi có một căn nhà ở vùng ven thành phố, giữa những trảng đồi thông xanh rậm rì. Thực ra nó chỉ là một căn nhà gỗ được dựng cách đây không lâu, khi vợ chồng tôi bắt đầu đỡ chật vật và dư dả một chút tiền để nghĩ đến tuổi già. Vợ tôi đã mua một mảnh đất ở đây, với khoản tiền chỉ đủ để mua một căn bếp ở trung tâm thành phố.

Vợ tôi thích mùi của những trái thông rụng. Nàng lấy tôi năm mười tám tuổi. Ngay sau đó chúng tôi có con. Tuổi trẻ của nàng đã trở thành những buổi chiều rệu rã đạp xe chở rau củ ra chợ. Chúng tôi đều là những người lao động chân tay, nên để vượt qua những chật vật của đời sống, nàng đã phải vất vả rất nhiều.

Trước đó, chúng tôi yêu nhau khoảng một năm. Thời gian đó tôi thường đưa nàng ra vùng ngoại ô bằng chiếc xe đạp của ba tôi. Quả thật việc nàng thích vùng ngoại ô khiến tôi rất dễ chịu, đến mức tôi luôn thở phào nhẹ nhõm, bởi vì tôi vốn không có đủ tiền để đưa nàng lang thang ở những khu chợ trung tâm với hàng hóa và quán xá rực rỡ.

Nhưng rồi đột ngột nàng qua đời.

Nhà văn trẻ Nguyễn Lê Vân Khánh

Mọi chuyện có lẽ khó khăn hơn đối với con gái tôi. Gia đình trở nên hiu quạnh khi thiếu bóng mẹ. Lan nằm bẹp giường, thường khóc và bỏ lỡ những chuyến xe trở về Sài Gòn. Không ai thúc giục con phải mau trở về cuộc sống thường nhật, nhưng để Lan tự làm được điều đó, quả thực quá khó khăn.

Cái chết là cánh cửa mở ra thế giới khác hoàn toàn đáng sợ, ít nhất là với Lan. Khi con gái tôi tròn mười tám tuổi, nó rời khỏi phố núi với một ít hành lý, lên chuyến xe vào lúc giữa đêm và bắt đầu chuỗi ngày sống nơi phố thị xa lạ. Đêm con gái rời quê, vợ tôi đã xếp chiếc khăn tay nàng thêu vào mớ hành lý gọn lỏn của nó. Nàng thêu một chú bướm nhỏ đậu trên đóa quỳnh. Chiếc khăn mang màu đêm, tôi cảm nhận được điều đó mặc dù lớp vải mịn màng ấy màu trắng, có lẽ do đóa quỳnh nở rộn. Thực tế mà nói, tôi chưa bao giờ nhìn thấy cánh bướm nào đậu trên đóa quỳnh nở đêm. Tôi chỉ thấy trên cánh bướm ấy một nỗi cô đơn tựa hồ phấn mỏng. Mỏng nhẹ như không có, lại có chút gì ngưng đọng trong màu đêm nàng chia tay đứa con gái vừa chớm bước ra thế giới bên ngoài.

Có lẽ chỉ có nàng mới thấu hiểu nỗi cô đơn ấy, như sợi chỉ mỏng len lỏi và trôi dài bất tận cho đến khi nàng qua đời. Nàng nhìn thấy sợi chỉ của con gái mình, như thể ai cũng dễ dàng nhìn thấy đóa quỳnh, chỉ riêng nàng nhìn thấy lớp phấn trên cánh bướm đêm.

Tôi dọn nhà đến nơi mới được hai hôm thì con gái đến. Lan kéo ghế, tiếng xộc xệch khe khẽ của chân ghế kéo trên sàn gỗ làm tôi có chút gì xáo động. Khi Lan ngồi xuống, tôi thấy trên môi con gái có chút son mỏng nhẹ.

– Ở đây ba sẽ rất buồn. Con đã đi một vòng quanh đây, nhà hàng xóm cách nơi này cũng phải hơn 1 cây số.

– 1 cây số là gần mà con.

– Nhưng sẽ không có ai biết ba đang khỏe mạnh hay ngã sấp trên sàn nhà.

Tôi không nói gì, chỉ thấy hơi buồn cười và có chút gì ấm áp.

– Mẹ đã mất rồi. Rồi con cũng sẽ vào lại thành phố, con rồi sẽ đi làm. Ba đừng quá đau lòng… Ba đang chạy trốn phải không?

Tôi dừng lại, để cho chữ “chạy trốn” của Lan trôi đi bởi sự phủ nhận bằng yên lặng. Chỉ có tôi trả lời bằng sự yên lặng, hàng thông xanh vẫn rì rào ngoài kia. Trong phút chốc tôi biết rằng nói với con về nỗi cô đơn và cái chết là điều bất khả. Như thể, khó có thể nào chặn đứng được từng chiếc lá kim lay động trong cơn gió, nỗi cô đơn và cái chết vẫn đang diễn ra từng chút một, từng phần ngàn của mỗi tích tắc.

– Con cứ yên tâm về thành phố.

– Con nghĩ là… – Lan chợt khóc – con không biết làm gì để giúp ba. Con đã thấy sự điềm tĩnh của ba trong đám tang của mẹ. Con nghĩ đó là sự tan nát.

Tôi đẩy hộp khăn giấy ở góc bàn về phía con, sau đó đi pha cho con một tách trà.

Bên ngoài trời lạnh. Trong lúc đứng đợi nước sôi, tôi nghe rõ tiếng gió kéo lào xào qua hàng thông. Tâm trí tôi trôi lãng đãng theo đó, mường tượng cơn gió tan hẳn vào những rặng thông ngoài kia. Chắc rồi, những chiếc lá kim vốn dĩ để khuấy tan những cơn gió, đẩy chúng vào một thế giới khác hoàn toàn. Một thế giới nào, không ai hay biết!

Trong lúc đó thì Lan vẫn khóc, như đứa trẻ rúc vào góc nhà, chỉ khóc len lén và chấm vội nước mắt.

Tôi cắt nhỏ một ít gừng thành sợi dài trong khi đợi trà, vị gừng thơm hăng lên cánh mũi giữa khi trời lạnh se sẽ làm mọi thứ đột nhiên dễ chịu. Phải mất hơn mười phút tôi mới pha xong tách trà. Thực ra, tôi muốn cho Lan một khoảng không an toàn để con có thể yên tâm khóc.

– Con chỉ mang chiếc áo mỏng thế thôi sao. Lát nữa về sẽ rất lạnh đấy!

Tôi đẩy tách trà đến gần con.

– Ba à, con thực sự cảm thấy rất sợ ba sẽ bỏ con ra đi như mẹ. Con không biết sau khi chết mẹ sẽ đi đâu, nhưng đối với con thì con đường đó quả thực rất đáng sợ. Không biết mẹ có lạnh không, mẹ có buồn không, có cô đơn không, có vô vọng khi không chạm được con và ba. Con nghĩ đến mà tan nát! Nếu ba cũng sẽ đi vào con đường ấy, có lẽ con sẽ suy sụp mất.

Lan nhìn thẳng vào mắt tôi. Mắt con bé ráo hoảnh như chưa hề khóc. Giờ khắc ấy, mắt con như khung cảnh vĩ đại mà tôi chỉ mới được chiêm ngưỡng lần đầu tiên. Như thể tôi đã ở lâu trong hang động tăm tối, bỗng một ngày nhìn thấy thế giới rộng lớn ngoài kia.

Tôi hơi chấn động một chút. Nhiều năm qua chúng tôi quên mất Lan cũng sẽ dần lớn. Sau đêm con rời quê, bắt đầu tự nuôi lấy mình trong thế giới bất trắc ngoài kia, thời gian cứ dừng lại ở đó. Có lẽ chúng tôi đã cứ ở mãi cái đêm hôm ấy. Tôi cứ ở mãi khoảnh khắc nhìn thấy nỗi cô đơn trên cánh bướm nhỏ. Đóa hoa quỳnh cứ nở mãi trên chiếc khăn đêm. Và Lan, trong mắt chúng tôi, cứ mãi mãi là đứa con gái nhỏ bước những bước đầu tiên trên con đường cuộc đời dài rộng.

Và rồi vợ tôi qua đời.

Đôi lúc tôi tự hỏi nàng đã qua đời trong thời điểm nào trong khoảng thời gian bị ngưng đọng? Giữa lúc này, khi dư chấn nho nhỏ len lỏi vào trí não, như cơn gió đột ngột thổi khan giữa một trưa hè nào đó, tôi bất chợt không biết vợ tôi đã mất vào lúc nào. Tôi không cách nào hiểu được cơn gió quá vãng, điều còn sót lại chỉ là cảm giác hanh hao và khô khốc đến từng khe hở giữa các tế bào.

Tựa như điểm nghỉ giữa hai dòng kẻ, tuyệt nhiên không có nỗi đau lòng nào ở đây.

Khi mẹ mất tôi mười ba tuổi, thế giới ngay dưới chân mình đã đổi khác ngay từ giây phút hay tin. Tôi nhớ mình băng trên con đường làng mà không biết chân mình chạm vào đâu. Tôi không cảm nhận được điểm chạm của chân. Tôi không cảm nhận được nơi mình đang tồn tại. Thế giới mất đi mẹ, là ngày thế giới đã vụn vỡ dưới chân.

Đối với cái chết của nàng, tôi chỉ cảm nhận được sự thanh thản nhẹ nhàng, trong sự tiên liệu của chính mình. Sự ra đi của nàng, suy đến cùng, là hành trình của chính bản thân tôi.

Tôi không nói với Lan về điều đó. Lan có quyền đi trên con đường trải nghiệm của Lan, cả về cái chết và sự sống, cả những đớn đau mà con sẽ phải trải qua. Con trải qua nỗi đau mất mẹ không giống ngày dưới chân tôi vụn vỡ. Con yêu những điều con yêu. Con tựa vào cột trụ gồm những nỗi đớn đau, yêu ghét của riêng con. Cho dù con có bước song song bên cạnh tôi, chân con có bước cùng nhịp điệu, thì con đường dưới chân con bé cũng chẳng thể nào giống con đường tôi đã đi qua.

Nhưng nếu không nói với Lan, chúng tôi sẽ là những tiểu tinh cầu không va chạm. Biết đâu Lan sẽ trôi bất định bởi tinh cầu tôi không neo đậu.

– Cái chết, quả thực rất đáng sợ!

Lan ngẩng lên nhìn tôi. Trong chút ánh sáng từ bên ngoài hắt vào, gò má Lan cao rõ, như thể được phủ một lớp phấn mỏng mảnh đến mức tịch lặng, ở giữa không tồn tại, và không thể không tồn tại!

– Thật khó nói để con hiểu! Nhưng ba thực sự nhìn cái chết khác với cách con nhìn. Rồi con cũng sẽ hiểu, tất cả chúng ta đều cần sẵn sàng cho cái chết.

– Con sẵn sàng chết bất cứ lúc nào, nhưng không sẵn sàng trước cái chết của mẹ và cả của ba.

Tia sáng trong mắt con như hòn sỏi ném vào cơn gió, mạnh mẽ và bất lực giãy giụa, rồi nhanh chóng rơi xuống. Không ai lại đi ném đá một cơn gió!

– Ba nghĩ con cứ vào thành phố, tiếp tục cuộc sống của riêng con. Con cứ sống đời sống của con, cho đến khi con “đổ đầy” đời sống đấy. Rồi tự con sẽ biết con là ai, rồi con sẽ không sợ hãi cái chết, cho dù là cái chết của con hay cái chết của mẹ và ba.

Rồi chúng tôi ngồi vậy, không nói gì. Lan cũng đã thôi khóc. Tách trà tôi pha con chưa đụng đến. Lan nhìn xoáy vào những tia nắng yếu ớt xuyên qua khe hở vách gỗ. Cho đến khi Lan rời mắt khỏi chúng và đứng dậy ra về thì bên ngoài đã sập tối.

– Có lẽ con sẽ vào thành phố sớm hơn dự định – Lan nói trong khi quấn lại khăn quàng cổ – Nếu cần gì ba cứ gọi cho con.

Lan quay đi. Tôi đứng ở cửa tiễn con. Trảng thông xanh bên ngoài đã sậm màu, tô đậm thêm màu tối như chiếc khăn đêm. Bóng Lan xa và nhỏ dần. Lát sau, tôi chỉ còn thấy chiếc khăn quàng con mang trắng như đóa quỳnh đêm. Lạ thay, có điều gì đó đậu trên vai con như loài bướm lạ lạnh lùng và cô độc.

Gió nổi to suốt đêm hôm ấy.

Khi thức dậy vào buổi sáng hôm sau, tuyệt nhiên tôi không còn nghe thấy chút âm sắc nào của gió. Ban đầu tôi không nhận thấy điều ấy, chỉ cảm được có chút gì kỳ lạ và không đúng bên ngoài. Màng nhĩ dường như biến mất, hoặc không có tiếng động nào đủ để tai có thể nghe thấy. Không khí lúc này ngưng đọng, thậm chí cô đặc đến mức khiến tôi thấy mình cần phải làm mọi thứ trong thái độ rón rén. Tôi ra khỏi giường, đi đến mở cửa với sự nghiêm cẩn đặc biệt.

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy trảng đồi trong một tình trạng đẹp đẽ đáng sợ như vậy. Cái đẹp của sự tịch lặng, khi tất cả những hàng thông đều yên lặng. Không một chiếc lá kim nào lay động, chúng đứng lặng như một bức tranh đã chết. Cơn gió đã rời đi và hơn thế, không dấu tích của sự chuyển động. Như thể ai đó đã dựng lên một trảng đồi tương tự bằng vi sợi chuẩn đến từng hạt cơ bản. Cái đẹp hoàn hảo phủ đầy mùi dàn dựng. Cái chết lúc này không ngự trị, đó không phải là sự rời đi, bởi không có một thực thể nào vừa chết.

Tôi không nghe thấy thanh âm nào. Nếu không có tiếng động nào gõ vào màng nhĩ, có lẽ nó đã đứng yên ở đấy và biến mất vào khoảnh khắc nào đó. Nếu không có sự “tương tác”, có lẽ tôi sẽ mau chóng tan biến như chính màng nhĩ của mình.

Hơi lạnh vẫn luồn vào từng lỗ chân lông khiến tôi tê người, nhưng thiếu âm thanh khiến mọi thứ có vẻ rất hanh hao và khó chịu. Bất giác, tôi mở nút áo trên, khẽ quan sát lồng ngực mình. Bởi lẽ tôi không còn nhận ra hơi thở của chính mình nữa. Gờ ngực tôi đẩy nhẹ sau đó từ từ lõm xuống, tuy nhiên không có chút gì nhẹ nhàng và tự nhiên. Mọi chi tiết đều khô khốc và cơ học. Giữa khi quan sát, tôi cảm nhận được cả cơ hoành cũng đang chuyển động một cách vô nghĩa.

Tôi cần thêm chút ánh sáng. Trong khi cài lại chiếc cúc áo, tôi tiến đến gần cửa sổ. Rèm cửa lúc này trơ như gỗ, bởi chúng cũng không hề chuyển động. Nếu không có nhu cầu mở ô cửa kính bên ngoài, có lẽ chúng cũng sẽ mau chóng tan biến vì không ai nhớ đến. Những bông hoa đỏ li ti trên nền vải cũng trở nên đông cứng như mớ con số trong sổ sách kế toán lưu cữu, xấu xí và đầy bụi mờ.

Khung cảnh bên ngoài ô cửa sổ cũng không khác gì trảng đồi nhìn từ phía cửa chính. Hàng thông đứng yên như đã chết não. Có khác là khung cảnh đã được khu biệt bằng ô cửa sổ. Nếu nhìn từ góc xa hơn, có lẽ sẽ giống bức tranh phong cảnh đã được lộng kiếng và treo trong bảo tàng từ rất lâu.

Trong bức tranh hàng thông chết não, tôi nhận ra chú chim non nằm trên bệ cửa sổ. Con chim nằm yên trông nhỏ bé như thể trái thông non rụng cành. Tôi đẩy nhẹ cánh cửa, tránh chạm vào chú chim nhỏ. Trên đời không có con chim nào nằm yên khi người khác mở cửa sổ, chỉ trừ khi nó bị thương hoặc đã chết.

Sự thực là con chim đã chết. Có một chút máu khô ở mép, một ít khác còn vương trên cái mỏ cứng. Mắt nó khép hờ như thể một cánh hoa đợi thời khắc được nở. Cổ nó nghẹo sang bên phải, cứ thế nằm im lìm trong lòng bàn tay tôi. Có lẽ sáng sớm nay con chim không nhìn thấy cửa kiếng, cứ thế nó bay thẳng vào cái chết. Cái chết xộc thẳng ra đường miệng. Đó là cái chết tắp lự sau cú tông chí tử hay là chết từ từ và đau đớn? Thuở nó chui ra từ vỏ trứng, liệu có đồng nghĩa cái chết đang từ từ tiến lại gần con chim non hay không?

Tôi không trả lời được cái chết là sự kiện đột ngột ập tới, giáng xuống ta và những người yêu thương ta một cú choáng váng? Hay là ngày ta vừa mở mắt chào đời, cái chết đã bắt đầu cuộc hành trình?

Để trả lời tôi, trái tim đã nhói lên một tia sáng khiến tôi đau đớn khôn cùng.

Con chim nhỏ nằm yên trên tay tôi lặng lẽ. Giữa lúc này, tôi chỉ còn nghe tiếng thổn thức của trái tim, mặc dù bên ngoài vẫn tịnh yên không một cơn gió.

NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *