Gia tộc Thanh Vàng – Tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Văn – Kỳ 5

6

VHSG- Thư của cô Mây gửi lại cho thày Lang Thân.

“Me xừ thày Lang Thân vô cùng kính trọng của em.

Thưa Me xừ.

Nhẽ ra em không nên viết thư để lại cho Me xừ như thế này. Nhẽ ra tự   em. Phải, tự chính em em phải tự nói với Me xừ. Nhưng em không thể cất nổi lời để nói được. Lòng em bối rối tơ vò. Ruột em chín khúc đau đớn. Em biết là em vô cùng có lỗi với Me xừ. Tội lỗi của em thật đáng khinh bỉ. Me xừ cứ khinh bỉ em như Me xừ đã từng khinh bỉ một con sâu bẩn thỉu nhất mà Me xừ đã từng khinh bỉ.

Thưa Me xừ.

Đời một người con gái là cuộc đời chỉ biết nương tựa vào một người đàn ông mà thôi. Em đã nương tựa vào Me xừ. Ngàn lần em, em biết ơn Me xừ về điều đó.

….Em không có can đảm để nhìn vào mặt Me xừ mà nói với Me xừ những điều mà lòng em đang thổn thức. Em luôn mong ước Me xừ và hai con của chúng ta được gặp phúc đức gặp được an lành. Được như vậy đã là diễm phúc cho em rồi.

….Me xừ chắc còn nhớ hồi Me xừ cùng bà mối sang nhà em thăm mặt em và hỏi em về làm vợ Me xừ? Chắc Me xừ không còn nhớ hoặc nếu còn nhớ thì chỉ là nỗi nhớ thoáng qua, vì Me xừ có quá nhiều việc để làm chứ không như em, một người con gái vì quá nhàn rỗi mà hay nhớ linh tinh. Nhưng chuyện này thì em nhớ, lòng em thì mãi nhớ. Em nhớ hôm đó em đã run lên vì quá sung sướng. Em sung sướng tột độ vì trong làng mình còn có bao cô gái khác xinh đẹp hơn em mà họ đâu có được diễm phúc như em. Em sung sướng vì chính Me xừ đã chọn em như Me xừ đã chọn.

Em về làm vợ Me xừ. Vâng, như vậy là Me xừ đã cho em một gia tài lớn. Em đã mắc nợ Me xừ từ ngày đó.

Nhiều lúc em cứ ao ước được về lại làng. Về lại em, người con gái quê ngày nào chưa biết đến những điều mà bây giờ em hối cũng không kịp nữa. Em vô cùng hối hận nhưng lòng em không tiếc nuối.

Em ước về lại làng mình, về lại ngày em mới theo chân Me xừ ấy. Sao khi đó em thấy đời mình như được lên tiên vậy. Me xừ là người đưa em lên tiên giới. Em đang lú lẫn trên cõi tiên có thật này. Em nói thế không ngoa chút nào vì được theo hầu Me xừ là em vinh hạnh vô cùng.

Ôi giá mà không có chuyện như ngày hôm nay….Giá mà em vẫn như là em từ cái ngày em về nhà Me xừ. Chuyện sẽ cứ diễn ra và em và Me xừ và tất cả chúng ta chẳng ai có thể nói khác về nhau.

Me xừ vô cùng kính trọng của em.

Chính vì sự kính trọng đó mà em không dám trở về để nhìn thẳng vào mặt Me xừ mà nói, mà khóc, mà van xin hay mặc lòng cho số phận dun dủi đi đến đâu thì đến. Vâng, là em. Chính tự em bây giờ đang để cho con tạo sai khiến. Trái tim em. Cõi lòng em, em không sao tự quyết được….

Thưa Me xừ.

Em chưa báo đáp được ơn nghĩa của Me xừ thì em đã phải nói lời tạ lỗi. Em ngàn lần quỳ gối, cúi đầu trước Me xừ. Em xin Me xừ đấy. Em không xin Me xừ tha lỗi vì em biết Me xừ không bao giờ tha lỗi cho em. Hành động của em là tội lớn…. Em….em đã yêu người đàn ông khác. Một thứ tình yêu mà đến giờ em mới hiểu được thế nào là tình yêu.

Thưa Me xừ. Em về làm vợ Me xừ khi mà em chưa kịp biết tình yêu nó như thế nào. Người làng mình cũng chẳng có ai biết tình yêu là gì. Em lớn lên. Me xừ cùng bà mối đến nhà em dạm hỏi. Em gật đầu đồng ý. Nó có phải là tình yêu không? Nó có phải là sự vội vàng không? Hay nó là thứ gì đó cả em và cả Me xừ đều không biết, không hiểu được.

Em vô cùng biết ơn Me xừ. Biết ơn Me xừ vì chiều chuộng em và cũng vì qua thương em mà Me xừ cho em được những đều mà em chưa được biết. Me xừ vô cùng tốt với em. Tốt quá đến nỗi chính em đã lạm dụng lòng tốt của Me xừ. Thành thật mong Me xừ cho em hai chữ đại xá.

….Me xừ cho em được đi ra ngoài. Đi ra khỏi cái nơi mà ngày ngày em thấy mình như bị giam giữ đến ngây dại. Me xừ đã cho em được làm quen với nhiều người, một điều mà những người đàn ông làng mình không bao giờ cho phép vợ được như thế. Me xừ đã thầm cho em được hiểu thế nào là giá trị của em. Me xừ có nhớ không? Những ngày em được ra ngoài là những ngày đời em như chắp cánh. Em thấy sao cuộc đời này, ít nhất cũng là cuộc đời của em còn có ý nghĩa. Em nói Me xừ đừng trách mắng em. Phận người đàn bà đã làm vợ người cũng có nghĩa là đời người đàn bà ấy chấm hết từ đó. Em cũng đã cố gắng để làm tròn phận sự đó….

Em đi ra ngoài. Em tiếp xúc với mọi người và em đã nhận ra những suy nghĩ trước đó của em là sai lầm lớn. Người Pháp họ hơn ta bởi họ vô cùng văn minh. Cái sự văn minh của họ là ở chỗ họ biết tôn trọng cái đẹp. Em nghe họ nói: Đàn bà chính là cái đẹp lớn nhất mà tạo hóa sản sinh ra. Người Pháp văn minh nên họ biết tôn trọng cái đẹp do tạo hóa sinh ra. Những người đàn ông Pháp luôn đối xử tử tế với đàn bà. Họ không bao giờ trách mắng đàn bà một câu chứ đừng nói họ đòi hỏi hay bắn người đàn bà phải cung phụng họ. Những lần được tiếp xúc với những người đàn ông Pháp bao giờ em cũng thấy thỏa nguyện. Em thấy mình vô cùng hạnh phúc trước những cử chỉ vô cùng là tốt đẹp của họ. Đàn ông Pháp coi đàn bà là thứ cần phải nâng niu hơn cả những bông hoa. Vâng, em biết Me xừ rất nâng niu những bông hoa cúc. Những bông hoa cúc đã đem đến cho chúng ta, đem đến cho em sự sang giàu. Em đang nhớ cánh đồng hoa cúc làng mình. Cánh đồng nở vàng một màu vàng kiêu sa ấy. Nhưng Me xừ lại không phải người đàn ông Pháp. Me xừ là Me xừ. Một người đàn ông làng Dục chăm hoa, quý hoa nhưng không nhận biết hay phân biệt giữa hoa thật và người hoa.

Thưa Me xừ.

Đâu phải là em trách gì Me xừ. Đâu phải là em chê trách gì Me xừ. Cái em nói ra đây là cái mà cả Me xừ, cả em, cả bao người như chúng ta đều chưa biết. Người Pháp họ biết. Họ hơn người ta ở chỗ đó.

Xưa nay hễ một khi người đàn bà đã thành vợ người khác là người đàn bà ấy chỉ có một nghĩa vụ duy nhất. Nghĩa vụ đẻ con và chăm sóc chồng con. Nghĩa vụ răm rắp nghe theo mọi phán quyết của chồng. Và em đã nghe theo sự phán quyết ấy khi em theo Me xừ lên Hà thành.

Hà thành. Đấy chính là nơi Me xừ đưa em đến và chính Me xừ đã vô tình đẩy em vào vòng xoáy tội lỗi.

Nhiều khi em cứ nghĩ. Giá như….vâng giá như chúng ta còn ở mãi cái làng quê đã sinh ra chúng ta thì chắc chẳng bao giờ có chuyện lúc này đây em viết thư mong Me xừ hãy từ bỏ em. Me xừ hãy từ bỏ em trong lòng Me xừ vì em đã từ bỏ Me xừ trong lòng em mất rồi……”

Nhà văn Nguyễn Trọng Văn

Thày Lang Thân đọc tới dòng chữ nào trong bức thư để lại là thấy uất nghẹn từng cục trong cổ. Nỗi uất nghẹn còn pha chút khó nhọc bởi vốn liếng chữ nghĩa của thày không dư dả để đọc lá thư một cách liền mạch. Và thật không ngờ một người thành danh như thày mà cũng có kẻ táo tợn phụ bạc và còn buông ra những câu nói làm đau lòng thày. Nước mắt thày ứa lăn tăn, trào ra khóe mắt. Những lời nói của cô Mây khác nào mũi dao đang chích vào trong bụng của thày. Thày giận sôi người cáu kỉnh vứt lá thư đọc dở đánh suỵch xuống nền nhà. Trên cái nền nhà lát gạch hoa màu trắng xen màu hồng, lạnh lẽo và sạch bong không bám một hạt bụi những tờ giấy pơ luya mỏng, phơn phớt hồng chưa chạm nền đã giẫy bật lên. Mùi nước hoa Chanel ưa thích của cô Mây phảng phất từ đâu đó bốc ra như xộc vào gan phổi thày Lang Thân. Ngửi cái mùi ấy bây giờ thấy như ai đó đang thổi thứ hơi thum thủm từ những rãnh luống hoa vừa ủ phân chờ ra giêng rặm những cây hoa giống. Mùi thum thủm khiến thày Lang Thân phải khịt khịt mũi, phải húng hắng ho.

Trời đang sầm sập tối. Mùa đông thời tiết cuối chiều kéo bóng tối đến rất nhanh. Ngồi im phỗng như pho tượng với bao câu hỏi thường trực trong căn phòng mới ngày nào cô Mây đã ở. Căn phòng cứ chiều chiều tối tối cô Mây lại ngân nga những câu thơ do cô gái trinh họ Trần lưu lại. Thày Lang Thân bỗng thấy chờn chợn cho dù xưa nay thày là người can đảm nhất. Thoáng giật mình nghe như có tiếng bước chân của ai đang bước từng bước một, tiếng bước chân  rất thong dong đặt sắc gọn lên những bậc mát lạnh của chiếc cầu thang gỗ dẫn từ tầng một lên tầng hai. Tiếng bước chân nghe thanh mảnh giống bước chân của những người con gái Hà thành đoan trang lại được giáo dục tốt, cẩn thận đặt nhẹ từng đế guốc. Thày Lang Thân im lặng, mọi tập trung đều hướng về phía cầu thang gỗ đang khẽ vẳng lại tiếng bước chân thiếu nữ.

Một thoáng nghi ngờ xuất hiện trong đầu thày Lang Thân. Không lẽ hồn ma của cô gái trinh họ Trần đang chầm chậm trở về nơi căn phòng của mình? Hay chính những bước chân của cô Mây? Cô đã suy nghĩ lại mà thấy ân hận mà quay trở lại? Tiếng bước chân chợt như đang dừng lại. Tiếng bước chân dừng lại nghe ngóng chứ không phải là thày Lang Thân đang cố hóng đôi tai mình ra nghe ngóng. Không gian im ắng như tờ. Hồi sau thày Lang Thân nghe bên tai mình tiếng ai đang thở hồi hộp, hơi thở ấy âm ấm đang ngập ngừng, đang thèn thẹn. Hơi thở ai đó đang phả vào gáy thày Lang Thân nghe nóng rát. Mùi nước hoa Chanel quen thuộc của cô Mấy lại thoảng theo gió đưa tới. Thì ra thày quên khép cửa, làn gió đầu đông của buổi cuối ngày đang thổi vào căn phòng. Tiếng gió nghe thẽ thọt giống như tiếng thở của ai vậy.

Tiếp thư của cô Mây gửi thày Lang Thân.

“Thưa Me xừ.

Đầu óc em đang rối tung lên. Em đang lộn xộn như một kẻ cẩu thả nhất. Em sẽ cố gắng nói rành rẽ để Me xừ hiểu được lòng em. Em mong có chút nào đó Me xừ sẽ nhận ra. Lỗi đâu phải tại Me xừ. Lỗi đâu chỉ do mình em gây ra.

Me xừ có nhớ lần đầu tiên khi em bước chân tới trước cửa ngồi nhà này không? Em sẽ không trách chuyện Me xừ đã đưa em đến ngôi nhà này. Em chỉ nói ra đây những dằn vặt mà ngày đầu em đã hứng chịu.

Em luôn có cảm giác rất khó tả khi ở trong ngôi nhà này. Một cảm giác luôn hãi hùng khiến em như đang bị ai đó giằng xé. Em luôn bị giằng xé giữa hai thái cực. Một đằng như cố kéo em vào và một đăng như cố đẩy em ra. Người em lúc đó tưởng như sắp đứt làm hai.

Rồi em thấy mình đang chu du mà bay lộn ngược người. Đầu em chúi xuống nền nhà. Chân em đi chơi vơi không chạm được tới trần nhà. Em bay mơ mơ và vẳng lên bên tai những lời ai oán. Những lời ai oán sao nó nó giống như cuộc đời của em vậy. Một cuộc đời có sự sắp đặt trước nhiều toan tính mà em chỉ là một con số trong vô vàn những con số nửa vô hình nửa hữu hình nhảy múa loạn xạ.

Em đã gặp. Vâng, em thường xuyên như ngày nào em cũng gặp cô gái ấy. Sao cô gái ấy đẹp và trẻ thế. Cô đẹp hơn mọi cô gái đẹp mà em đã gặp ngoài đường phố. Cô gái nhỏ những giọt nước mắt sầu cảm làm ướt hết vai áo em. Cô gái khóc lóc ngày đêm. Khóc trong cả giấc ngủ của em. Khóc như cô ấy chỉ gặp em để được khóc vậy.

Trời ơi sao em lại thấy cô gái đó có những nét hao hao như chính là em vậy. Này đây vẫn mái tóc dài xõa phủ bờ vai. Này đây những ánh mắt như thất thần nhìn sâu vào mắt em làm em nóng rực lên.

Cô gái ấy thủ thỉ với em những câu nói mà trước đó em chưa từng nghe ai nói. Đại khái cô gái ấy khuyên răn em. Nói rằng em hãy đi đi. Đi thật xa để tìm cho mình cái mà mình chưa bao giờ có.

Những hôm tối trời. Đấy là những hôm bên ngoài trời đang có mưa. Mưa rơi thấm lạnh tim em. Cô gái ấy lại đến bên giường em. Cô nhìn em đau đáu mà thủ thỉ vào tai em nhưng lời nói chân thành. Em thiếp đi và thấy mình bay vút ra ngoài cửa sổ. Cô gái ấy đang dìu em bay đi. Chúng em bay cùng nhau. Bay rất xa, rất xa. Xa hẳn căn phòng em đang ở. Xa hẳn Hà thành ồn ã tiếng người tiếng xe như va vào nhau.

Chúng em cùng nhau bay đến một nơi lạ lắm. Nơi đó em chưa từng nghe đến. Em chưa từng biết đến. Một nơi dào dạt tiếng chim ca véo von. Nơi ấy đầy nắng nhưng là thứ nắng không giống thứ nắng đổ xuống những vạt hoa cúc đâu Me xừ ạ.

Em nghe thấy nắng khơi lên dạt dào như những đợt sóng biển vỗ vào bờ. Cả rừng hoa ngào ngạt dâng lên mùi hương thơm khó tả. Biển thì em chưa tới nhưng em đã nghe kể về biển. Em ao ước một lần được ra biển để thấy sóng biển dạt dào vỗ bờ như thế nào. Em ao ước tới biển để nghe biển hát những khúc hát của biển.

Em đã nặng lòng với những câu thơ. Người Pháp vô cùng có lý khi họ đã nói rằng, bản thân người đàn bà đã là một bài thơ hay nhất. Họ nói rằng trên cơ thể của người đàn bà mỗi chi tiết, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, mỗi nụ cười và ngay cả mỗi tiếng khóc đều là những vần thơ bất hủ. Điều này mãi gần đây em mới được biết và em thấy người Pháp nói rất đúng.

 Chắc em lại lan man quá nên Me xừ khó hiểu. Me xừ sẽ cười vào mũi em và khinh bỉ em. Em sẵn lòng chấp nhận sự khing bỉ đó nhưng em chỉ xin Me xừ đừng ném những câu thơ đó đi.

Me xừ không thích thơ bởi Me xừ chỉ chăm chăm tìm cách làm thế nào cho túi tiền của Me xừ ngày một dầy lên. Me xừ đã là người có nhiều tiền, đã là người đàn ông danh giá nhất làng Dục. Me xừ có quyền bỏ tiền ra mua bất cứ thứ gì kể cả mua được em.

Nhưng em đã nhận ra là Me xừ không thể mua được con tim em. Con tim người đàn bà đã được mua bán thì chẳng còn giá trị gì hết. Mãi đời này em chịu ơn Me xừ nhưng bảo con tim em khuất phục Me xừ thì em không dám chắc.

Em yêu thơ. Em yêu thơ đầu tiên là nỗi cảm thông với người con gái đêm đêm đến bên giường em thầm thì. Me xừ biết không? Thơ chính là cõi lòng ta. Là tâm can ta. Là tiếng nức nở thổn thức chỉ riêng ta ta biết. “Trời còn có ánh ngày và bóng tối. Anh yêu em anh chỉ biết mình em”. Chao ơi câu thơ làm em rụng rời bởi nó đã cho em vinh hạnh được là đàn bà.

Cô gái ấy đã thủ thỉ cùng em. Điều này Me xừ chưa bao giờ làm được. Em run lên sợ hãi chứ không phải em run lên vì căm ghét mỗi khi Me xừ đến bên em. Sao những lúc Me xừ đến bên em và bón cho em từng thìa cơm em lại thấy nó xa lạ và dửng dưng thế. Em nói Me xừ đừng giận em bởi em không thấy ở Me xừ sự chân thật hay rung động của con tim. Con người ta đến với nhau bằng con tim bao giờ cũng bền chặt hơn là đến với nhau bằng cảm tính.

Em cảm tính nên em biết em đã sai lầm khi nhận lời dạm hỏi của Me xừ. Me xừ cảm tính khi Me xừ theo chân bà mối đến nhà em và thưa chuyện cùng thày me em. Hay là lúc đó cả em và Me xừ đều chưa có trái tim. Chúng ta mới có cái mà bây giờ em mới biết đó là sự chấp nhận mà thôi…..

……

Thưa Me xừ.

Em run tay quá. Em mệt mỏi quá. Em thất vọng quá. Em hoang mang quá. Ngoài kia bóng đêm đang phủ lên Hà thành một màu ám xịt như màu mắt của em vậy. Em đang bấn loạn. Em đang phân vân. Em đang nghĩ tới cái chết sẽ xóa sạch mọi lỗi lầm của em. Xóa sạch mọi sự ngây thơ của em. Xóa sạch mọi toan tính mà em và Me xừ mỗi người đều có toan tính riêng.

Hà thành mấy hôm nay sao tẻ nhạt. Nắng không ra màu nắng. Gió không ra làn gió. Chỉ có đêm đêm em trở dậy với nỗi trống trải cùng nối buồn vô cớ. Em đang buồn đây Me xừ ạ.

Em buồn mà không biết em đang buồn nỗi buồn gì. Thảo nào người ta cứ nói, ” Có nỗi buồn không bật lên thành tiếng. Chỉ khổ đau là cất lên lời. Cuộc đời là bể kia xa vắng. Là trời kia không một cánh chim bằng”.

Em đang đi theo những câu thơ. Và em nhận ra thơ chính là điều cho người ta cởi bỏ quá khứ hướng tới tương lai. Em cố nhắm mắt và cố tưởng tượng nếu một ngày kia thơ chết đi thì thế gian này sẽ lụi tàn. Thơ đã là tâm hồn và thơ mãi là sự cứu cánh cho những tâm hồn khô héo. Em đang lo sợ một ngày kia thế gian không có ai làm thơ nữa. Ngày đó sẽ là ngày tàn của thế gian. “Thơ ơi, mi từ đâu tới. Mà lòng ta sao khác lòng mình. Ta thổn thức. Ta trằm mình giữa muôn bể rộng. Để tơ lòng tắm táp muôn thơ”.

Me xừ Thày Lang Thân vô cùng kính trọng và muôn vàn biết ơn của em.

Em thấy mình sắp phải đi rồi. Em sẽ không nói “A đi ơ” vì như vậy là em dứt khoát xa hẳn Me xừ. Em chỉ muốn nói Me xừ hãy trách móc em. Hãy mắng giận em. Cho dù em đi đâu thật xa thì mãi mãi lòng này. Mãi mãi hồn này. Mãi mãi con người em, em biết ơn và tạ lỗi với Me xừ……Em chỉ xa Me xừ ở thể xác thôi. Còn lòng em vẫn trông chờ Me xừ xá cho tội lỗi. Chào Me xừ.”

Thày Lang Thân lại thả tay buông lá thư xuống nền nhà. Thày nghiến mạnh mồm đến nỗi răng cắn vào vành môi đang mím chặt làm bật ra vài giọt máu. Thày không xuýt xoa đau đớn mà mím chặt môi hơn, ngồi bất động giữa căn phòng như cố trêu người mà thoang thoảng mùi nước hoa Chanel. Không gian như không còn là không gian nữa. Thời gian không còn là thời gian nữa. Lá thứ để lại của cô Mây đã mở mắt cho thày Lang Thân bao điều. Thật yên lặng. Sự yên lặng lặng im đến nỗi nghe rõ tiếng thở của thày. Tiếng thở nghe nặng nề và đầy khó nhọc như tiếng thở của người mắc bệnh phổi. Đêm nay thày Lang Thân quyết định ở lại căn phòng ma ám. Thày quyết định thử một lần có được cảm giác như cô Mây đã cảm giác thấy.

Có cảm giác lạ lẫm ùa tới, nó kéo sụp mi mắt thày Lang Thân dính vào nhau. Không tài nào mở mắt ra được, thày Lang Thân mơ mơ chìm vào giấc ngủ chập chờn. Có bàn tay nào đó rất nhẹ nhàng đặt lên vai thày. Bàn tay đặt nhẹ đến nỗi nếu vào thời điểm khác thì thày Lang Thân chẳng thể nhận ra được có bàn tay đang đặt nhẹ lên vai. Bàn tay nhẹ nhàng đó cứ từ từ vuốt vuốt từ bờ vai rồi vuốt dần xuống lưng. Một thứ gì đó mê mê lan dọc cơ thể khiến thày Lang Thân càng chìm nhanh vào giấc ngủ cho dù trí óc thày còn thao thức. Giữa cảm giác mơ hồ là lạ ấy thày Lang Thân vẫn phân biệt được rất cụ thể những âm thanh từ ngoài phố vọng vào với âm thanh chính trong ngôi nhà. Tiếng hai đứa con thày đang gọi nhau ăn cơm tối vang lên léo nhéo, tiếng chú bé Thìn đen cáu kỉnh đang quát hai em còn mải nghịch chưa chịu ngồi vào bàn ăn. Thày thấy dâng ngào ngạt mùi thức ăn nóng hổi đang tỏa lên thứ mùi của thịt kho tương với cá. Cái mùi bện quấn quýt lấy hai lỗ mũi thày nhưng thày bất lực nằm toài người phủ gục mặt mình vào mặt chiếc bàn cô độc. Hơi lạnh từ mặt đá khiến thày Lang Thân rùng mình. Thày nghe rất rõ giọng ai đó đang ngân nga những câu thơ. Những câu thơ không đầu không cuối cứ văng vẳng bên tai thày. “Ba mươi tuổi, người đàn bà như trăng từ viễn xứ. Khoan thai đi lên ngự đỉnh trời tròn”.

Thày Lang Thân cũng lẩm nhẩm đọc theo những câu thơ. Sao câu thơ lại ứng đến vậy? Cô Mây tính theo tuổi ta thì cũng vừa ba mươi tuổi. Giọng thày lạc đi nhiều xúc cảm. Từ bé tới giờ thày Lang Thân mới có được chút ít giây phút thả lỏng người. Cuộc đời của thày là cả chuỗi ngày tháng dài lận đận và toan tính. Cứ gục úp mặt lên mặt chiếc bàn mặt đá mà ngủ, thày Lang Thân bỗng cảm thấy từ bức tường phía đông căn phòng có một người con gái nhẹ nhàng bước ra. Bước chân nhẹ nhàng đến nỗi không phát ra bất kỳ một thanh âm nào dù nhỏ nhất. Cô gái từ từ đên bên thày. Cô đứng sau lưng thày, thày Lang Thân cảm được điều đó qua hơi thở ấm và gấp gáp. Hơi thở của người con gái bao giờ cũng thoảng nhẹ mùi hương thơm thơm. Một mùi thơm không nước hoa, một mùi thơm không quen thuộc nhưng nó cứ quyến luyến dìu dặt vào tâm can thày.

Thày Lang Thân biết đó chính là cô gái trinh họ Trần bởi lần đầu cùng lão chủ hiệu thuốc bắc người Tàu bên phố Lãn Ông sang đây xem nhà. Cũng chính tại căn phòng này, cũng chính nơi bức tường phía đông của căn phòng này, Thày Lang Thân đã ngỡ ngàng trước một bức tranh khổ to, lồng phẳng phiu trong khung gỗ viền vàng lộng lẫy. Bức tranh này ông chủ Khách họ Trần đã thuê thợ truyền thần giỏi nhất Hà thành ở mạn đằng phố Hàng Đường tới vẽ chân dung cô con gái rượu. Bức chân dung cỡ đúng bằng người thật. Cô gái trong bức tranh được vẽ toàn thân bằng chì màu xám lạnh nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp kiêu sa và u uất. Chiếc áo dài tân thời ôm sát thân hình cô gái, tôn cao đôi gò bồng đào. Thày Lang Thân càng nhìn bức chân dung càng sững sờ. Vẫn mái tóc dài chải lật về về sau, vẫn đường ngôi rẽ lệch thẳng như kẻ chỉ, vẫn đôi mắt như hai vì sao xa ngái. Thày đã có cảm giác ngài ngại khi cô gái trong bức tranh cứ theo sát mọi bước đi của mình. Cô gái nhìn thẳng vào thày Lang Thân bằng ánh nhìn xa xăm đượm chút buồn buồn, đôi môi của cô he hé một nụ cười. Hình như cô gái muốn nói câu gì đó với thày Lang Thân?

Rồi cuối cùng thì thày Lang Thân cũng cựa quậy người được đôi chút. thày cố xoay người về phía sau lưng với hy vọng nhìn được mặt người con gái đang đứng sau mình. Chợt thày giật mình. Sao người con gái này giống với cô Mây như hai giọt nước. Sao điều này bây giờ thày Lang Thân mới nhận ra? Đúng rồi, mái tóc mềm mượt như dải mây đang thả bay trong bóng tối. Đúng rồi, những ngón tay thon dài đang khẽ khàng giữ vạt áo bị gió lùa bay lả lơi. Đúng rồi, đôi mắt như hai vì sao nhìn xa xăm đang hướng cái nhìn về phía thày như trách móc. Đúng rồi, nụ cười he hé bên vành môi đỏ thắm như vừa được quệt trầu. Hay chính là cô Mây đã về? Thoáng nghi ngờ về điều đó. Trong lòng thày Lang Thân dâng lên một nỗi nhớ khó tả. Lần đầu tiên trong đời thày Lang Thân biết thế nào là nỗi nhớ về một người con gái. Lần đầu tiên từ ngày cưới cô Mây về làm vợ thày Lang Thân mới biết cô Mây đẹp nhường nào. Thày Lang Thân thấy cồn cào trong bụng nhưng không phải cái cồn cào vì cơn đói đang dầy vò.

Cô gái hơi lùi người lại giữ một khoảng cách đủ để cánh tay của thày Lang Thân không với tới mà chạm vào người được. Một chút buồn tủi len vào tâm trí thày. Cô Mây đã đi quá xa. Cô đi xa đến nỗi chẳng bao giờ thày còn chạm được vào người cô nữa. Những ngày bên nhau thày Lang Thân ít khi có dịp được nhìn ngắm cô Mây một cách vừa gần lại vừa xa như vậy. Với thày thì trước lúc cô gái bước từ bên trong bức tường ra thày chưa khi nào thật để ý tới cô Mây. Với thày thì đã là vợ của thày rồi thì chẳng cần quan tâm đến thể trạng cùng nhan sắc làm gì.

Giờ thì thày Lang Thân đã đứng dậy được. Thày đang rời khỏi chiếc bàn có mặt ốp đá vân hoa. Thày vừa rời bức tranh thủy mặc ảo khuất giấu trong vân đá để tiến lại gần bức tường nơi cô gái đang lùi người. Thày tiến một bước cô gái lùi một bước. Và khi bàn tay của thày sắp chạm được vào người của cô gái thì cô gái đã lùi hẳn vào trong bức tường. Trước mặt thày Lang Thân lúc này chỉ còn lại bức tường trắng toát và nín lặng. Cô gái hoàn toàn biến mất khỏi tầm tay của thày và cô đứng im lìm nhìn thày từ bên trong bức tường. Cô gái đã trở về nơi chốn của mình và biến thành bức tranh tường xám lạnh.

Thày Lang Thân lại rùng mình. Trên bức tường phía đông của căn phòng vắng trơn. Không một tì vết, không có dấu hiệu nào cho thấy ở đó ngày nào còn có bức tranh hình cô gái trinh họ Trần. Thày ngồi lại bên chiếc bàn tròn mặt đã vân hoa lạnh tanh, Thày đã trở lại thực tại với những dòng thư đọc dở dang.

Tiếp thư của cô Mây gửi thày Lang Thân.

“Me xừ kính trọng của em.

Em thật có lỗi với hai con của chúng ta. Chúng nó còn quá nhỏ để hiểu được lòng người lớn. Em ngàn lần cúi đầu mong Me xừ, mong hai con tha thứ. Em hy vọng ngày nào đó khi hai con lớn lên chúng sẽ gặp được người yêu dấu như chính con tim chúng mách bảo. Em giờ không còn được ở bên hai con nữa. Em đã bất lực khi muốn nói với các con những gì mà em muốn nói. Tận sâu thẳm con tim mình em mong hai con của chúng ta sẽ nên người và sẽ tránh được những gì mà cha mẹ chúng đã vấp phải.

Bây giờ em xin phép Me xừ cho phép em được nhắn nhủ với hai con. Em không mong hai con sẽ tha thứ cho hành động bỏ chúng ra đi của em. Em không mong sẽ có ngày em được ôm hai con vào lòng mà lau trên trán chúng những giọt nước mắt buồn đau.

Thưa Me xừ.

Em đang yêu. Người ta vẫn nói những người đang yêu là những người rồ dại hay ngốc nghếch. Em đang rồ dại với chính mình khi quyết định ra đi không dám hẹn một ngày trở lại. Thực tình em biết em không thể trở lại những gì em đã có nữa. Em tự quyết định cuộc đời và tình yêu của em.

Em đã yêu Pôn. Người đàn ông đầu tiên em đã yêu bằng con tim của em. Pôn khá lịch lãm. Me xừ đừng lên án Pôn mà tội nghiệp cho người đàn ông xa lạ ấy. Em không dám so sánh Pôn với Me xừ bởi em biết Me xừ là Me xừ còn Pôn là Pôn. Với em Pôn là mối tình đầu ngang trái của em. Với Me xừ thì Me xừ là những gì em luôn kính trọng. Em yêu Pôn bằng con tim. Em kính trọng Me xừ bằng tấm lòng. Em không dám đặt ai hơn ai. Có thể Pôn không bằng Me xừ về vật chất nhưng Pôn luôn đem đến cho em những dư vị nồng nàn của tình yêu.

Thưa Me xừ.

Em không giấu lòng mình. Em muốn nói ra hết để khi nào đó, khi Me xừ tìm cho mình một nơi chốn mới thì Me xừ sẽ hiểu cho em. Tận đáy lòng mình em chân thành mong muốn Me xừ sớm có được một người đàn bà thực lòng yêu mến Me xừ như em đã thật lòng đến với Pôn.

Em trăm ngàn lần cúi xin Me xừ bình an”.

…….

Tái bút.

Em định không nói. Thực ra nếu em vẫn ở nhà thì em không dám nói. Bây giờ giữa em và Me xừ đã xa xôi. Em thật lòng khuyên Me xừ hãy cẩn thận với lão chủ hiệu thuốc bắc người Tàu bên phố Lãn Ông. Em nghe người ta nói: Những người như lão chủ ấy họ rất mưu toan. Họ giúp mình thì ít nhưng hại mình thì nhiều. Me xừ đã từng nghe lão ấy đôi lần. Me xừ thử nghĩ lại xem lão ấy có tính cho Me xừ điều gì tốt dẹp đâu. Me xừ hãy nhìn xa hơn. Nhìn tới những người Pháp văn minh nhường nào ấy.

Đã quá nửa đêm. Không gian tịch mịch và dâng buồn khôn tả. Thày Lang Thân không ngủ được. Đôi mắt thày tỉnh táo như vừa được lau bằng nước lạnh. Thày ngồi im trên chiếc ghế cô Mây vẫn hay ngồi ở đó. Bên tai thày lại thẽ thọt ngân nga những câu thơ vời vợi. Những câu thơ cứ u uẩn, cứ lẩn khuất bên tai thày khiến thày như rã người ra. Một cảm giác trống vắng xen lẫn đau đớn làm thày không yên trong bụng. Cô Mây này thật liều lĩnh. Liều lĩnh tới mức táo tợn. Cô dám khuyên nhủ thày. Một điều mà thày chưa nghĩ tới. Xưa nay ở cái nhà này có ai dám nói như vậy đâu. Cứ thử một lần cô Mây trở lại nhà này xem. thày sẽ không để yên cho cái tội hỗn xược đó.

“Thưa Me xừ Lang Thân.

Em đã định thôi không viết nữa nhưng em biết như vậy là vẫn còn chưa đủ. Dĩ nhiên Me xừ sẽ thắc mắc mà hỏi em đi đâu và tới đâu? Vâng đúng thế, khi Me xừ đọc được lá thứ này thì có lẽ em đã tới một làng quê xa lắc. Em đang trên đường cùng Pôn đi đến làng quê Măng Tông ở miền nam nước Pháp. Làng quê mà Pôn đã sinh ra và lớn lên. Pôn đưa em về làng quê của Pôn cũng như Me xừ đã đưa em về nhà Me xừ vậy. Em về nơi mới, nó vô cùng xa xôi và chẳng biết có khi nào em được trở lại làng Dục, ồ không làng Thanh Vàng quê mình. Biết khi nào em được về lại làng mình mà ngả mình vào giữa bạt ngàn màu vàng của hoa cúc.

 Làng quê mình trong em giờ đây chỉ còn là kỷ niệm. Trước mắt em sẽ là một làng quê mới. Pôn kể cho em hay, làng Măng Tông của Pôn cũng đẹp như làng quê mình và rất thanh bình. Những cánh đồng cỏ xanh mênh mông và hoa cỏ thơm dịu như hơi thở. Về mùa thu làng Măng Tông cũng rực rỡ trong sắc vàng nhưng đấy là sắc vàng của chanh. Pôn cho hay làng Măng Tông chuyên trồng chanh. Mùa thu chanh chín vàng khoe với nắng gió hệt như làng Thanh Vàng quê mình mùa thu nở vàng hoa cúc. Em tới làng quê mới ấy và trong màu vàng của chanh ấy như là em đã trở về chính làng Dục. Nó an ủi em những lúc em …nếu Me xừ cho phép, em nhớ tới làng mình và nhớ tới Me Xừ…”

Thày Lang Thân ể oải đứng lên, có gì đấy tức nghẹn trong cổ, có gì đấy hết sức khó chịu. Ánh mắt của thày bị chiếc tủ gương to lớn chắn ngang tầm nhìn. Tại sao lại bịt lối như thế? thày Lang Thân lại gần chiếc tủ. Lấy hết sức thày Lang Thân ghé vai đẩy cho chiếc tủ lệch sang bên cạnh. Cánh cửa mở ra ban công vốn chắn kín lối được mở ra. Gió từ ngoài phố ùa vào  lành lạnh, gió xô người thày Lang Thân giật lui lại phía sau chừng nửa bước chân. Ngoài phố đã ngủ yên. Hà thành về đêm lặng lẽ giống như làng quê Thanh Vàng của thày vậy. Một nỗi nhớ nữa lại ùa tới. Bao băn khoăn trước nỗi nhớ quê nhà, trước những biến cố ngoài suy tính.

Hơi nhoài người, vịn tay vào thành lan can ban công, thày Lang Thân nhìn xuống phố. Con phố nằm thượt dài, im lìm trong thành phố ngủ. Trong đêm Hà thành thật bình dị, nó không còn ồn ào, không còn toan tính. Bất giác thày Lang Thân cong người lại, thày cố ghìm chân bám chặt với nền ban công chỗ thày đang đứng. Hình như có bàn tay ai vừa chạm vào lưng thày? Cái chạm đây đẩy nhẹ thôi nhưng như nó đang thúc giục thày nhao người xuống phố. Lấy hai tay ghì mạnh vào thành lan can hòng cưỡng  lại cái đẩy tay ở phía sau lưng, thày Lang Thân nhanh chóng bứt ra khỏi cảm giác giục giã nhao người xuống phố. Một ý chí nung nấu chợt tới.

Cái gì của mình thì mình phải giữ bằng được.

Khép nhanh cánh cửa ra ngoài ban công sau khi đã lùi hẳn người vào trong căn phòng, thày Lang Thân lại dùng vai đẩy chiếc tủ gương trở về vị trí cũ. Tấm gương trong soi lồ lộ hình ảnh thày Lang Thân đang đứng thẳng lưng, hơi hạ người, hai chân mở rộng bằng vai giống như người đứng ở thế xuống tấn, đôi mím chặt môi cương quyết.

7

Người đứng can Mậu thường không bộc lộ tình cảm thật của mình.

Ông Thìn đen sau hồi trễ mắt ngắn kiểu để nghỉ chốc lát thì ngoảnh sang liếc nhanh “cậu”. “Cậu” đã tỉnh ngủ hẳn nhưng lưng còn dựa vào thân cây đa, mắt mở thao láo, nhìn chừng chừng về đằng trước nhưng không cảm xúc, vẻ mặt lạnh tanh. Thái độ ấy của “cậu” không bộc lộ một điều gì ngoài một thoáng phản ứng là ngóng tai theo câu nói của ông Thìn đen. “Cậu” chắc cũng đã có vẻ hiểu đôi chút, bằng chứng là “cậu” nhúc nhích chân tay thể hiện sự muốn đứng dậy. Hai người ngồi trong hốc cây đa cũng đã lâu. Lưng và chân tay của ông Thìn đen thấy mỏi rời rạc như ông vừa trải qua một công việc nặng nhọc. Người già thường là vậy, họ lao động tuy nhẹ nhàng nhưng không làm gì động đến chân tay lâu lâu là bứt dứt.

Nhô cao đầu cố rướn mắt cho thêm phần tỉnh táo, ông Thìn đen duỗi thẳng đôi tay, doãi thẳng hai chân, ngực ông ưỡn căng giống như cách người ta vẫn thường vươn vai vặn người sau giấc ngủ đẫy. Từ thân thể của ông phát ra những tiếng kêu khùng khục. Những đốt xương tay, xương chân và cả xương cột sống của ông đang được giãn ra thấy thoải mái hẳn. Quả thực thời gian vừa qua ông như đã được ngủ. Giấc ngủ mơ giữa ban ngày của ông không mộng mị mà chỉ là những hồi ức về quãng thời gian ông đã trải qua, ông đã chứng kiến. Trong tâm trí ông Thìn đen là hình ảnh của Thày Lang Thân, những ngày tiếp theo sau khi cô Mây bỏ đi, là một người đàn ông đang ở độ tuổi “tam thập nhi lập”, cái tuổi có đủ chững chạc để mưu cầu danh lợi. Người đàn ông mới ngoài ba mươi tuổi ấy vừa trải qua một biến cố ngoài sức tưởng tượng lại như cứng cỏi thêm và quyết đoán thêm lên.

Ta phải đi tiếp thôi “cậu” ạ.

…i…âu….ây …ờ…

Ta mới qua được một nửa. Còn lắm lắm….

Nắng đã chuyển hẳn sang chiều. Những tia nắng từ phía tây chếch xuyên qua tán lá cây đa, những chiếc lá đang rung rẩy trước gió chiều thổi nghiêng. Nắng soi xuống mặt đất rồi vẽ xoay xoay những hình thù tròn tròn dẹt dẹt màu vàng nhàn nhạt trông thấy thích mắt. Ở vào thời điểm này khi mà khí dương đang ra và khí âm đang vào rất dễ cho người ta những xúc cảm mang tính vị tha. Ở một góc độ nào đấy thì đây có lẽ là thời điểm âm dương tương đối giao hòa, khí âm và khí dương còn nhường nhịn nhau, còn chấp nhận nhau. Thời điểm này khí âm chưa đủ mạnh để giành thế thắng, trong khi đó khí dương chưa hẳn đã yếu để nó phải tìm cách thoát đi. Thời điểm này cũng cho phép con người còn có đôi chút dễ chịu và minh mẫn.

Không đi nhanh mình sẽ muộn đấy “cậu”.

Đấy cũng chính là điều ông Thìn đen muốn nói tới khi ông cho rằng hai người còn ngồi yên ở đấy thêm chút nữa thì sẽ nhỡ nhàng mọi chuyện. Trên tán lá của cây đa gió chiều đã bắt đầu thổi mạnh hơn, không hiểu sao gió không chạy thung thăng khắp cánh đồng mà cứ nhè vào tán lá đa thổi liên hồi, phát ra những chuỗi âm thanh nghe rù rũ. Tiếng gió rù rũ nghe như gấp gáp, nghe như thúc giục, nghe như mách bảo.

Khom người xốc nách “cậu” để giúp “cậu” đứng dậy, ông Thìn đen cảm thấy “cậu” lúc này hình như nặng hơn khi trước. Sự trì trệ không vận động chính là nguyên nhân tạo nên sự nặng nề của cơ thể, hay chính là đôi tay của ông Thìn đen cũng đã mỏi mệt?  Bên ngoài cánh đồng hoa cúc đang vang lên những tiếng gọi nhau í ới của cánh người đi thu hái hoa. Việc thu hái hoa cúc chỉ còn thêm chừng non giờ nữa thì chấm dứt một ngày làm việc. Người làng Thanh Vàng không bao giờ làm cố. Hoa cúc thu hái về không được phơi nắng ngay sẽ làm hoa mất nhựa. Không còn người thu hái hoa cúc nữa cánh đồng sẽ vắng vẻ. Sự vắng vẻ tất yếu sẽ dẫn tới những nghi ngại khi mà khí âm mỗi giờ mỗi u khí hơn. Thái độ lao động gấp gáp ngoài đồng hoa cũng góp một phần thôi thúc ông Thìn đen giục “cậu” đi tiếp.

Hai người tựa vào nhau cùng đi xuôi theo hướng nắng. Ông Thìn đen chọn cách đi như thế có cái tiện là ánh mắt không bị mặt trời làm chói mắt. Nó còn cho phép nhìn sự vật được ánh sáng soi dọi nên khá trung thực. Theo hầu cụ Lang Thân bao nhiêu năm ông Thìn đen càng thấm thía việc nhìn sự vật xuôi nắng sẽ không bị hình khối mù mờ đánh lừa, mắt lại nhìn được lâu hơn, không mỏi, không nhức mắt. Hồi cụ Lang Thân còn sống, cụ luôn tâm niệm thành ý thức không nhìn bất cứ thứ gì khi ngược sáng hay khi nắng đã nhạt. Nhìn bất cứ thứ gì cũng vậy kể cả lúc nhìn người. Giờ nghĩ lại mới thấy ông cụ thật vô cùng sáng suốt. Nhìn nhầm đã tai hại, nhận nhầm còn tệ hơn nhiều. Ban sáng họ cũng đi xuôi theo hướng nắng từ phía đông dọi tới và đã đi gần hết nửa phía tây của cánh đông và giờ là lúc họ đi về nửa phía đông còn lại. Ánh nắng soi chênh chếch in cái bóng của họ đổ một màu đen và dẹt phẳng xuống những luống hoa. Bóng ông Thìn đen ngắn ngủn đi chắc nịnh bên cái bóng của “cậu” dài lêu khêu bước chật chưỡng. Trông hai cái bóng đen lùi lũi và dẹt phẳng in trên cái nền là những luống hoa cúc nở vàng rất nổi bật. Nhìn bóng của họ đang đi bên nhau ai chưa biết sẽ lầm tưởng bóng dài là bóng của người cha và bóng ngắn là bóng của người con. Người cha đang dắt đứa con vừa đi vừa giảng giải giữa màu vàng giống như một trò chơi? Trò chơi xập xòe đánh lận giữa hai bóng đen dẹt phẳng in trên những luống hoa đã vô tình làm đảo chiều ngôi thứ giữa hai con người thật. Đúng là ở đây đang có sự nhập nhèm do bóng nắng tạo nên đã đánh lừa thị giác người khác. Hồi còn sống cụ lang Thân cũng luôn tâm niệm cho mình khi nhìn nhận sự việc thông qua một mặt phẳng. Mặt dẹt phẳng và chuyên một màu đen đã giấu đi những gồ ghề, lại không phát lộ được khiếm khuyết. Nhìn nhận thái độ qua mặt phẳng cuối cùng chỉ nhận được sự thất vọng mà thôi. Nhìn con người cũng vậy, phải thông qua hành vi của họ mới đoán biết được tâm can.

Cuộc đời lạ lắm “cậu” ạ. Biết đấy mà cũng có tránh được đâu.

Một chút hoài niệm nữa lại đưa tới khi ông Thìn đen so sánh bóng của hai người đang đổ xuôi theo hướng nắng và những liên tưởng thú vị về chuyện đảo ngôi khiến ông Thìn đen thấy lòng trống trải lạ. Trong lòng ông nỗi cảm thông với cụ Lang Thân lại trở về. Sau ngày cô Mây đột ngột bỏ nhà theo giai, mà theo giai nào chứ theo giai Tây là viên quan hai người Pháp thì quả là quá quắt. Thày Lang Thân bỗng chốc già sọm đi so với tuổi. Nhục nhất là biết ăn nói ra sao với làng? biết về nhìn mặt làng thế nào? Tác phong đi đứng hay ăn uống nói cười của Thày Lang Thân bỗng thấy như một người tu khổ hạnh. Dáng người Thày Lang Thân vốn dĩ đã thấp đậm nay càng thêm thấp đậm. Thày Lang Thân ngồi thụt lủn trong bộ tràng kỷ rộng và lạnh lẽo kê ngay chính giữa phòng khách đặt ở tầng một, thày một mình cho tới tận khuya, khi cả nhà đều đã ngủ cả, mới chịu lên phòng của mình trên tầng hai để đi nằm. Đi nằm nhưng còn chưa ngủ được, Thày vắt tay lên trán nghĩ ngợi nhưng không phải nghĩ tới để thấy tiếc nhớ. Thày nghĩ và nghĩ sâu xa hơn, nghĩ về phải làm gì để người khác không khinh mình được. Thày Lang Thân tuy ít chí nhưng gan thì chắc có. Có gan là làm được cho dù chuyện có khó đến mấy.

Phải tìm cho mình một cách thức riêng.

Trong ngôi nhà 98 phố Hàng Cân những ngày tháng sau đó vô cùng nặng nề, khép lép cho dù Thày Lang Thân luôn tìm cách giấu đi phiền muội trong lòng. Một “luật lệ” mới dần dần hình thành với mọi sự trong nhà đều nhất nhất do Thày Lang Thân định đoạt. Không một ai có thể tự ý làm bất cứ việc gì nếu chưa nhận được cái gật đầu của Thày.

Cái gì của mình thì mình phải giữ.

Ông Thìn đen vô tình vừa đi vừa nhắc lại câu nói của Thày Lang Thân năm nào. Nắng tuy mới đầu thu nhưng về chiều đã có cảm giác se se hanh hao, cảm giác ấy làm hai người thấy khó thở hơn. Nhất là “cậu”. “Cậu” lại há hốc cái mồm của mình ra để thở và liên tục rớt ra những sợi rớt rãi. Rất vất vả, ông Thìn đen gắng sức đỡ “cậu” đi cho khỏi ngã. Bờ những thửa ruộng bên nửa phía đông của cánh đồng không thẳng mượt mà như những đường bờ bên nửa phía tây. Đường bờ trên những thửa ruộng bên cánh đồng phía đông gồ ghề, cỏ mọc tốt chìa những chiếc lá dài che lấp vết chân. Đường bờ vậy chắc ít người để ý. Chuyện người làng Thanh Vàng thời nay cho mở con đường đất dải đá nối đường quốc lộ số 5 với làng đâm thẳng vào đình làng đã làm phiền lòng cụ Lang Thân. Nó lại thêm phiền lòng khi mà con đường tiện dụng cho những ai lười nhác không muốn đi vòng cho xa đã vô tình chia đôi cánh đồng, chia đôi làng Thanh Vàng thành hai nửa. Mỗi nửa một kiểu bờ ruộng. Nó cũng là biểu hiện cho thấy cung cách giữa hai nửa làng cũng có sự khác biệt. Bên nửa làng phía tây, được gọi là làng trên, là những người không thuộc họ hàng không có chút dây mơ rễ má với cụ Lang Thân, nên thái độ lao động của họ xem ra cẩn thận hơn. Còn bên nửa làng phía đông, được gọi là làng dưới, nửa bên này đa phần là họ hàng với cụ Lang nên họ có ý dựa dẫm và ỷ lại. Người làng trên trồng hoa cúc trên cánh đồng phía tây, gọi là đồng trên. Đồng trên đất tuy cao hơn nhưng lại cằn cỗi hơn nên người làng trên phải chịu khó hơn. Đồng dưới do người làng dưới trồng hoa, đồng này đất thấp, nước đủ nên chuyện làm ăn có phần nhàn hạ hơn. Nhàn hạ hơn nên người làng dưới ít chăm chỉ còn lại hay la cà. Mỗi khi làng có việc động đến mâm bát là người làng dưới hăng hái vui vẻ còn người làng trên còn cân nhắc chán. Một đằng thì chắt bóp và một đằng thì xông xênh. Thói đời là vậy. Chỉ cần một chút hơi hướng hay có lợi thế là có thái độ khác hẳn.

Còn chút gì vấn vương là còn cấn cá.

Rất tâm đắc với suy nghĩ đó mà Thày Lang Thân tìm cách để hai đứa con của Thày quên hẳn vai trò cùng vị trí của cô Mây trong tâm hồn chúng. Cách tốt nhất là Thày nhờ cậy người ta để gửi chúng vào học ở trường “Ly xê”. Trường này chỉ dành cho con em người Pháp và một số ít con em quan lại thuộc địa. Nhưng không có gì là không  làm được bằng tiền. Mà tiền thì Thày Lang Thân lại dư dả bởi thế việc gửi hai đứa con vào trường “Ly xê” không khó khăn đối với Thày. Hơn nữa cho con vào học ở trường tây chúng sẽ văn minh. Mà văn minh chính lý do để cô Mây, tức mẹ chúng, đã bỏ chúng để đi theo người khác văn minh hơn cha chúng. Còn một lý do nữa mà Thày Lang Thân giấu kỹ trong bụng, đấy mới là lý do chính đáng mà Thày Lang Thân mạnh dạn bỏ tiền ra chạy cho con vào học ở trường tây. Theo cách suy nghĩ của Thày Lang Thân thì đưa con vào học ở nơi do chính những người Pháp dạy ra để chúng hiểu người Pháp rõ hơn. Hiểu rõ hơn cái thứ người đã rủ rê mẹ chúng đi xa hẳn chúng. Hiểu để chúng sau này lớn lên mà biết cách ứng xử với thứ người mà Thày Lang Thân luôn khắc sâu nhớ dai. Thày Lang Thân cũng thâm ý ra phết, có vào hang mới bất được cọp.

Ông cụ đến lúc nhắm mắt vẫn còn thù người Pháp.

Ông Thìn đen ngước nhìn xem thái độ của “cậu” thế nào. “Cậu” dường như chẳng quan tâm, chân “cậu” vẫn bước những bước cà nhắc nhìn rất buồn cười. Còn những sợi rớt rãi nữa. Quả tình ông Thìn đen cũng hơi nản. Trong đầu của ông, ông đang tự hỏi liệu với con người như “cậu” những câu chuyện của ông có để lại điều gì? Thoáng chút phân vân như kẻ nhụt chí, ông Thìn đen chợt kéo áo “cậu” níu lại. Hai người, một người lêu khêu đang đi chật chưỡng bị níu áo bất ngờ nên loạng choạng suýt ngã, một người có những bước chắc nịnh như đóng xuống đất. Cả hai người xô dúi vào nhau làm hai cái bóng cũng dúm lại. Trên mặt những luống hoa hai cái bóng, một dài đổ liêu xiêu, đầu gật gù và một ngắn tròn tròn sững lặng trông từa tựa như đôi đũa cắm bên cạnh quả trứng gà luộc chín đã bóc vỏ đặt trên cái bát  cơm đầy dành cho người quá cố.

Nhưng ông cụ cũng phải dành cho người Pháp những câu khen ngợi.

…ông…ói…ái….ì…ơ…..

“Phủi phui” cái suy nghĩ đầy súi quẩy, ông Thìn đen quay đầu sang trái nhổ phẹt bãi nước bọt. Bãi nước bọt, chắc là tại ông nói nhiều, cô quánh lại thành viên bám trắng nhờ nhờ, dính bệt trên chiếc lá của cây hoa gần nhất. Nhìn cái bãi nước bọt ấy “cậu” bỗng dưng nhoẻn miệng cười. Chắc “cậu” cũng nghĩ rằng đã là nước từ trong mồm ra thì rớt rãi của “cậu” hay nước bọt của ông Thìn đen cũng cùng như nhau. “Cậu ” không biết đấy là cách ông Thìn đen đang cố thoát ra khỏi suy nghĩ ma mị. Ông nhổ bãi nước bọt xong thì đẩy vai mình vào lưng “cậu” ý nhắc “cậu” cùng đi tiếp. Quả tình là ông Thìn đen không hổ với mấy chục năm theo hầu cụ Lang Thân. Ông đã học được ở cụ Lang Thân cách tìm lối thoát khỏi những suy nghĩ u uẩn, thoát khỏi những lăn tăn, cùng những thứ không nên nhắc lại. Mắt ông hướng xuôi theo hướng nắng nhưng đầu óc lại đang nhớ lại những điều cụ Lang Thân hay nói. Cụ Lang Thân gật gù với chuyện lấy cái đang ở trên tay người khác về làm cái của mình. Tâm đắc thế nhưng cả đời cụ Lang Thân đã bao giờ dám làm cái chuyện bất nhân bất nghĩa ấy. Cụ có gan mưu mộng lớn nhưng không có tâm làm việc ác nhưng cất một lời để nói câu khen người khác thì cụ làm được. Ông cụ cũng tỏ ra có chút công bằng khi phân biệt giữa người với hành động. Ai dám hành động là người đó mạnh. Ai không dám hành động là người đó hèn, là người đó yếu. Từ nhận thức đó mà cụ Lang Thân bỗng chốc trở nên khó hiểu.

Hai người đã đi qua thửa ruộng đầu tiên của nửa bên đông cánh đồng hoa cúc. Thửa ruộng này rộng hơn những thửa ruộng bên đồng trên mà hai người đã đi ban sáng nhưng hoa lại nở thưa thớt, cả thửa ruộng chỉ lác đác mấy bông vàng vàng xen đám lá xanh. Người làng hay chính xác hơn là người làng dưới hình như đã có dấu hiệu bỏ bê? Ông Thìn đen cùng “cậu” đi qua nhìn cảnh đó mà lòng chợt chạnh nghĩ.

Hai người dìu nhau đi nhanh qua thửa ruộng bỏ bê thì tới chỗ có những lùm cây rậm rạp. Giữa cánh đồng trồng toàn hoa cúc lại tự nhiên có một chỗ mọc toàn cây dại rậm rạp kể cũng lạ? Nghĩ mãi ông Thìn đen mới ớ ra, chỗ lùm cây dại mọc rậm rạp ấy ngày trước là một cái ao nhỏ. Nói là ao nhỏ nhưng chẳng khi nào cái ao nhỏ hết nước cho dù giữa ngày hạn nhất. Hồi ông Thìn đen mới sinh ra ngoài cánh đồng đã có cái ao này, xa hơn chút nữa là hồi cụ Lang Thân chào đời cái ao nhỏ ở giữa đồng cũng đã có. Những người am hiểu nhất chuyện làng thì nói rằng, cái ao có trước làng Dục có sau. Một cái ao nhỏ, trông từa tựa một dấu chân trâu khổng lồ, có từ đời tám oánh, ngày mưa to dầm dĩ nước chẳng tràn bờ, ngày nắng gay gắt nước ao không hề hao hụt mà vẫn còn mát rười rượi. Quanh bờ ao người ta đã tạo bốn bậc cầu ao theo đúng bốn hướng. Người làng Thanh Vàng lúc chiều về thôi hái hoa là đua nhau ra đấy vui như có hội, họ khỏa chân xuống bậc cầu ao và quẩy những thùng nước đùng đục nhưng mát rười rượi đem tưới lên những luống hoa. Họ múc, họ gánh kữu kịt mà nước vừa vơi lại đầy như chưa hề có ai đến lấy nước đem đi. Ông Thìn đen rùng mình, mắt nhắm lại chần chừ. Cái ao nhỏ ấy người làng Thanh Vàng đồn đoán có lối mạch ngầm thông với sông Như. Nó như là đường huyệt thủy, là cái rốn của đồng làng, là cái nguồn sống cho những luống hoa. Bởi vậy tuy nước ao mang màu đùng đục, có vị tanh tanh, không dùng uống được nhưng đem tưới lên những cây hoa cúc thì lá cành bỗng xanh mơn mởn.

Mất nguồn là mất hết.

Ông Thìn đen lại rùng mình dữ dội. Mắt ông bảng hoảng dớn dác nhìn xung quanh như để thăm dò rồi nhìn đăm đắm vào chỗ cái ao xưa. “Cậu” chẳng hay biết được nhưng thấy ông Thìn đen cứ đứng nhìn trân trân thì cũng đứng tênh tênh nhìn ngó. Từ ngày người dân làng Thanh Vàng đưa cơ khí hóa vào sản xuất đến giờ không còn ai tới khỏa chân xuống bậc cầu ao để quẩy nước đem tưới lên những luống hoa nữa. Khắp cánh đồng hoa cúc giờ được lắp đặt những cột nước cao bằng người, đầu cột có vòi sen. Khi bóng chiều đìu hiu, ngả màu sương khói giăng khắp cánh đồng là những chiếc vòi sen quay tròn tít mù, vung nước như trận mưa. Người làng Thanh Vàng bây giờ không gánh nước ao mà dùng máy bơm bơm nước từ dưới sông Như lên để tưới đẫm những luống hoa. Thành thử cái ao nhỏ không khi nào cạn nước bị bỏ quên. Bỏ quên thành ra nó đơn độc và vô tác dụng. Bởi thế nên người ta vứt xuống đó vô vàn những thân cành cây hoa cúc già thải loại. Chỗ vốn là cái ao nhỏ bây giờ rậm rạp cây dại, bùn đọng sền sệt, nhõng nhẽo tanh tưởi, chẳng có ai ngốc nghếch tới đó múc nước. Bữa nào màn trời đổi tính khí hàng trăm con cá trê béo vàng trơn nhẫy, quẫy bùn phành phạch, chen chúc nhau nhoi lên đớp gió. Người trong làng thấy thế kéo nhau ra nhìn ao chỉ chỏ nhưng chẳng có ma dại nào dám bắt cá về ăn. Béo bở đâu không thấy, chỉ thấy ăn xong con cá trê béo vàng nhoi lên đớp gió đó đêm về đau bụng dữ dội rồi lăn ra chết bất đắc kỳ tử giống như tay Tuất Thẹo ngụ nhờ ở làng dưới. Tay Tuất Thẹo nổi tiếng là tên “đinh tặc” làm làng Thanh Vàng nhiều phen xấu mặt với các làng khác. Chuyện tay Tuất Thẹo chẳng biết ở đâu mọc ra, coi trời bằng vung, ban đêm mò ra đường 5 rải đinh, sáng ra lại mang đồ nghề bơm vá ngồi bên đường bắt chẹt người không may xe bị thủng lốp. Tay Tuất Thẹo này nhìn bầy cá trê béo vàng chen nhau nhoi lên thì gạt tay mấy người đứng xem chắn lối, tay ấy xung hô nhảy vào bắt cá về ăn. Tay Tuất Thẹo ăn chưa xong nồi cá thì lăn đùng ra giẫy đành đạch, mắt trợn ngược, bọt mép sùi sôi như bọt củi cháy. Người làng bảo nhau tay ấy bất kính với đất nên bị giời vật chết. Chuyện đã qua những mấy năm rồi đến giờ người làng Thanh Vàng nhắc lại còn hãi run người. Khi sắc trời dịu dàng trở lại hàng trăm con cá trê béo vàng biến mất. Cái ao lại nhõng nhẽo bùn với cỏ rác. Ao nhỏ giờ thành cái vũng, nó không còn linh như lời đồn đoán nhưng lại âm u, kỳ quái chẳng ai dám đến gần.

 Vô tình dẫn tới vô tâm.

…ông…ói…ì …ế…

Về chiều hương hoa cúc ngoải nồng nên mùi hoang hoắc hơn ban sáng. Dường như ánh nắng chiếu dọi cả ngày đã hun đọng hương hoa lại. “Cậu” đi không hào hứng, mặt mũi ể oải khó nhọc. Những bước chân cà nhắc lại thêm cà nhắc làm ông Thìn đen phải gồng mình hơn. Ông ép sát người mình vào bên sườn “cậu” nhằm đẩy “cậu” đi, như kiểu người ta ghé vai đẩy giúp chiếc xe bò vượt qua bãi lầy vậy. Cách thức đó vô tình chạm mạnh vào cánh tay phải nâng khư khư từ sáng tới giờ của “cậu”. “Cậu” giật mình, khép cánh tay phải chặt hơn vào mạn sườn. Ông Thìn đen chợt sinh nghi. Không hiểu “cậu” đang giữ thứ gì? Hơi tò mò giống như thói đàn bà hay tọc mạnh, ông Thìn đen liếc mắt nhìn xoi mói vào mạn sườn phải của “cậu”. Không hiểu cái nhìn xoi mói của ông có mang ý nghĩa gì không mà “cậu” lại giật mình và lại khép cánh tay phải đang nâng khư khư chặt thêm nữa? “Cậu” đang giữ thứ gì không biết?

Nhưng trước tiên phải xóa sạch dấu vết.

Hôm sau, nghĩa là sau cái sáng đầu đông lạnh lẽo Thày Lang Thân kéo chú bé Thìn đen ra hồ Gươm tìm người trở về nhà và nhất là đã đọc được lá thư gửi lại của cô Mây, Thày Lang Thân gọi thợ quét vôi tới nhà. Thày cho thợ quét lại vôi toàn bộ căn phòng cô Mây đã ở. Căn phòng này trước quét vôi màu ve ai vào đó cũng trông xanh rớt, nay Thày Lang Thân cho quét vôi màu hồng ai ở đấy ra cứ như vừa  được điểm thêm tí phấn son. Thực  tình mà nói màu vôi hồng cũng thấy ấm hơn, đỡ cái lạnh vắng của căn phòng không ai ở. Thày còn cẩn thận giấu kỹ những thứ gì gọi là của cô Mây để lại, kể cả tấm hình cô khổ bằng bàn tay mà trước kia những lúc nhà vắng vẻ Thày Lang Thân thường đem ra ngắm. Ở sâu thẳm trong lòng của con người đầy can trường này vẫn còn đâu đó chút vấn vít.

Cụ hận hồn ma cô gái trinh họ Trần lắm.

Vừa nhắc đến hồn ma ông Thìn đen bỗng tá hỏa, “cậu” đã tuột khỏi tay của ông từ lúc nào và đứng cách ông một đoạn bờ ngắn. Ông Thìn đen đã vội vã nhằm tránh xa cái ao mà quên níu tay “cậu” đi cùng. Ông đi trong khi “cậu” còn đứng lại. “Cậu” vẫn đứng bên chỗ cái ao nhỏ ngày xưa. Dáng đứng không còn tênh tênh như ban sáng nữa. “Cậu” nhìn đăm đắm vào chỗ cái ao xưa như mắt “cậu” đã nhìn thấy thứ gì. Hay là “cậu” đang bị thứ gì ám ảnh hệt như cụ Lang Thân tuy hận hồn ma cô gái trinh họ Trần nhưng cụ luôn bị hồn ma của cô ám ảnh. Chắc là “cậu” đã thấy khí linh hay chính linh khí từ huyệt thủy làng Dục đã nhập vào thân thể của “cậu”? Bỗng chốc “cậu” như một người khác? Dáng đứng của “cậu” khá chững chạc, người lạ gặp “cậu” lần đầu có cho tiền cũng không dám nói “cậu” vốn sinh ra đã không bình thường.

Sao nhà này thời nào cũng có người nhìn thấy hồn ma?

Ông Thìn đen sợ toát cả mồ hôi. Trán ông lấm tấm những giọt nước nhỏ li ti khi ông quay lại tìm “cậu”. Ông không tin có phép nhiệm màu phút chốc chữa lành vết đau cố hữu. Nhưng chuyện ma nhập vào người, hay hồn về ám ảnh thì ông tin là có thật. Một nỗi sợ hãi dâng trong đầu khiến ông Thìn đen thêm lo ngại. Ông day mắt thật mạnh, trong mắt ông nở ra hàng trăm ngàn tia sáng như những ánh sao tóe ra trước mặt.

Hồn ma sẽ làm con người lầm lạc.

Nhưng chuyện lúc này đâu phải hồn ma, ông Thìn đen có đủ tỉnh táo để suy đoán. Đúng như ông nhận định, “cậu” nhớn nhác quay đầu tứ phía để tìm ông. Thì ra ông Thìn đen quá lo lắng. Ông lo lắng cũng có cái lý đúng bởi mấy chục năm nay ông đã từng chứng kiến những ám ảnh của hồn ma. Ngày Thày Lang Thân cho thợ quét vôi lại căn phòng cô Mầy đã ở cho tươi ấm hơn nhưng mỗi lần Thày Lang Thân kêu chú bé Thìn đen việc gì phải đi qua căn phòng ấy là chú lại run rẩy như bị cảm lạnh. Căn phòng vắng vẻ không có người ở, cửa giả luôn mở rộng đón gió. Căn phòng mỗi khi về đêm lại vẳng ra những chuỗi âm thanh kẽo kẹt như có người đẩy cửa. Chú bé Thìn đen sợ lắm, chú lò dò từng bước chân khi sắp tới cửa căn phòng. Rồi chú co chân chạy vụt qua. Có bóng ai đó cũng chạy vụt qua trong tấm gương của chiếc tủ kê chắn lối ra ngoài ban công. Có luồng gió thổi lạnh sống lưng của chú. Luồng gió vút nhanh và biến mất khi chú bé Thìn đen đã chạy xa hẳn cửa của căn phòng. Chú lại dón dén từng bước chân một vừa đi vừa ngoảnh đầu nhìn lại sau lưng.

Lắc đầu ngoáy cổ kêu cùng cục, ông Thìn đen thoát khỏi ảo giác. Thì ra vừa nãy khi quay lại tìm “cậu” ông đã nhìn ngược sáng. Cái hình hài của “cậu” trông đen thẫm đã đánh lừa nhận thức của ông. “Cậu” vẫn thế, dáng đứng tênh tênh chỉ chực ngã, “cậu” đang chìa bàn tay trái chới với tìm bàn tay của ông. “Cậu” không chờ được ngã dúi mặt vào chỗ lùm cây lúp xúp, thảm hại lắm.

Xót xa đấy nhưng phải tự gắng thôi.

Tự bào chữa cho việc mình sơ sẩy rời tay “cậu” mà ông Thìn đen nhắc lại câu nói thường nhật của cụ Lang Thân. Từ ngày chuyển lên Hà thành cụ Lang Thân chẳng khi nào yên ả. Có bao nhiêu chuyện xẩy ra khiến ông cụ đã thấp đậm lại thêm thấp đậm. Ở người đàn ông có nhiều ý chí ấy mọi việc đều phải gắng. Gắng đưa làng Dục thành làng Thanh Vàng tiếng nổi khắp vùng. Gắng gạt hình ảnh cô Mây ra khỏi tâm trí. Gắng ganh đua với hàng phố. Gắng chống chọi với những buồn lo. Nói chung mọi việc trong cuộc đời cụ Lang Thân vỏn vẹn trong một chữ “gắng’.

Đời nó có số, có vận cả.

Ông Thìn đen sau khi với được tay “cậu” kéo “cậu” đứng dậy nói như đúng rồi. Cái số của ông là mẫn cán. Cái vận của “cậu” là chẳng ra người. Nhưng nào có thoát khỏi “vận” với “số”. Vận của đời người trôi chảy như nước sông Như, một đi không trở lại. Vậy mà ông lại đang cố làm cái việc giúp “cậu” hiểu ra mọi chuyện. Âu cũng là trách nhiệm. Gia đình cụ Lang Than tiêu tán khắp nơi, ông Thìn đen cũng ngoài thất thập. Không sớm nói ra sau này thành vong ra ngoài đồng hết thì tận tuyệt.

Hai người, một lêu khêu đi chật chưỡng và một ngắn ngủi đi chắc nịch lại kè kè bên nhau. Những thửa ruộng nơi cánh đồng dưới không tốt tươi như những thửa ruộng phía cánh đồng trên. Nửa dưới của cánh đồng tầm này đã vắng càng thêm vắng vẻ. Người làng dưới đã rủ nhau về làng khi ánh nắng bắt đầu chiếu xiên khoai. Vẻ hiu hiu buồn buồn lây cả sang tâm trạng ông Thìn đen. Ông nhớ những ngày cụ Lang Thân sắp mất. Cụ Lang Thân không ốm đau, không nằm mệt mỏi. Ông cụ ngồi khoanh chân trên tấm sập gụ mát nhẵn như li như lau, lưng chùm hờ chiếc áo ca pốt lính mà viên sĩ quan Nhật đắp lên người hai thày trò năm nào ở hồ Gươm. Chiếc áo qua năm tháng đã cũ sờn đi, lòi thòi những sợi với lòng thòng mấy đường chỉ sứt, vậy mà ông cụ dứt khoát không cho ông Thìn đen vứt bỏ, ông cụ không giải thích nhưng tay cứ vân vê mép áo. Hình như cụ đang tìm lại điều gì gợi nhớ từ chiếc áo.

Phàm những gì mình càng ghét nó lại càng hay nhớ.

Cụ Lang Thân ngồi khoanh chân xếp bằng trên sập gụ. Dạo này cụ không đứng ngoài cửa hàng được nữa. Nhưng cụ vẫn giữ thói quen hàng sáng được ngửi thứ mùi hăng hoắc của hoa cúc khô. Bức tường vốn ngăn cửa hàng với gian trong, nơi cụ Lang Thân thường ngả lưng mỗi trưa đã được cụ cho dỡ bỏ. Cụ Lang Thân ngồi ở đó thỉnh thoảng hướng mắt nhìn quán xuyến việc bán hàng và nhận hàng mỗi ngày. Rồi cụ hơi cúi đầu gnhir ngơi chốc lát, mắt cụ lim dim như người ngủ gật nhưng ông cụ chưa với tới chỗ tựa lưng. Tấm lưng của cụ vẫn còn phẳng, còn vững như cánh phản. Hơn bảy mươi năm theo nghiệp nên cụ còn đắm đuối như buổi đầu cho dù bây giờ hàng họ ít người để ý. Từ ngày nhà nước “mở cửa” món thuốc nam trở nên đơn điệu giữa bạt ngàn các thứ hàng mang tên thuốc của ta có, của Tàu có, của Nhật của Hàn có và cả của những nước Mỹ Âu cũng có. Thứ nào cũng đẹp, cũng bắt mắt và cũng có nhiều công dụng, thành thử món thuốc nam chế từ hoa cúc dần phai trong ý thức nhiều người. Cụ Lang Thân sẵn có chút buồn lòng lại thêm buồn trong bụng. Hơn bảy mươi năm có biết bao buồn vui, sướng khổ, có biết bao nổi chìm nhưng chưa thấy khi nào cụ vơi ý chí. Vậy mà giờ đây? Mái tóc dài và bạc trắng của cụ Lang Thân luôn được búi tó gọn rung rung theo nhịp thở của cụ. Trong từng nhịp thở nhẹ của cụ nghe rất rõ những câu thơ ngày xưa cô Mây hay đọc. Những câu thơ tẻ buồn cứ lẩn khuất trong đầu cụ, để rồi cho tới một ngày khi cụ Lang Thân không còn phải suy tính nữa thì nó lại dồn về. “Đợi đến luân hồi sẽ gặp nhau. Cùng em nhắc lại chuyện xưa sau. Chờ anh dưới gốc sim già nhé. Ta hái trao nhau đóa mộng đầu”.

Cụ không quên được cô Mây đâu “cậu”.

…ái …ì …ơ…

Cô Mây. Cụ nhà mình càng già càng nhớ cô Mây.

….ôi….ông…iết….âu.

“Cậu” còn trẻ làm sao hiểu được lòng người già. Người trẻ sống bằng thực tại còn người già sống bằng dĩ vãng. Ông Thìn đen bùi ngùi quay đi, mắt ông chạm phải những thửa ruộng đang bị bỏ bê của cánh đồng dưới. Đồng dưới vắng tanh. Gió chiều tê tái. Những cánh hoa cúc không người thu hái đang cố vươn khỏi đầu cành, run rẩy khoe cái màu vàng đang nhàn nhạt. Người làng dưới mấy năm gần đây bỗng hết thiết tha với việc trồng hoa cúc thành thử đồng dưới cũng tẻ nhạt thành vắng vẻ. Ông Thìn đen lau khóe mắt. Chắc là ông vừa bị gió thổi làm cay mắt nên từ khóe mắt của ông khẽ lăn vài giọt nước mắt. Cánh đồng dưới đang thưa dần những luống hoa. Quả tình mấy năm lại đây việc trồng hoa không rộn rã như trước. Người làng Thanh Vàng cũng bây giờ có nhiều việc phải quan tâm hơn. Ví như chuyện đất đai dù ở chốn nhà quê cũng sình sịch sốt như phải bỏng. Thời buổi “tấc đất tấc vàng” nên người ta phải tính, phải mưu cầu cái gì nhẹ nhàng hơn mà có hiệu quả hơn. Chốn làng quê xưa hẻo như trái sấu héo giờ tươi một màu mới. Màu tiền đang đổi?

Nào có ai qua nổi cái hạn đâu.

Hai người kéo nhau ngồi bệt xuống bờ ruộng. “Cậu” vẫn vậy. “Cậu” không đi đâu quá được trăm bước chân.

Người trẻ  đi không được xa. Người già đi không được nhiều.

Ông Thìn đen vẻ mặt đượm chút vời vợi, ông tiện tay bứt bứt dăm ngọn cỏ cạnh chỗ ông và “cậu” cùng ngồi. “Cậu” ngồi thờ ơ như “cậu” chưa từng qua một nỗi buồn hay lo lắng, mắt “cậu” mở thao láo nhưng không phải cái nhìn say sưa. Trong đầu ‘cậu” chỉ tồn tại một chữ “đói”. Từ khi chào đời đến nay “cậu” chỉ biết đến giờ nào thì ăn, giờ nào thì đi vào cái bô và giờ nào thì ngủ. Hôm nay “cậu” đã quá sức? Ông Thìn đen hơi ngao ngán, ông vô giác đưa từng lá cỏ đưa lên miệng nhai. Nó tuy nhân nhẩn đắng nhưng cũng làm dịu đi cái khát trong chốc lát.

Còn nhiều lắm.

NGUYỄN TRỌNG VĂN

(Còn tiếp)

>> Gia tộc Thanh Vàng – Tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Văn – Kỳ 1

>> Gia tộc Thanh Vàng – Tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Văn – Kỳ 2

>> Gia tộc Thanh Vàng – Tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Văn – Kỳ 3

>> Gia tộc Thanh Vàng – Tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Văn – Kỳ 4

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *