Mấy người đàn bà trong xóm trọ mỗi chiều ngồi lặt rau vẫn thường bàn tán về sự giàu có của bà Ba. Người nói bà Ba có mấy căn nhà rải rác khắp thành phố. Người tặc lưỡi bảo trông bà Ba ăn mặc xuề xòa như vậy làm sao có gia sản lớn đến thế được! Bà Ba là chủ của dãy trọ hơn 10 phòng này. Bà sống một mình trong căn nhà có diện tích khiêm tốn ngay đầu dãy trọ. Ngày nào cũng vậy, khi chưa rõ mặt người bà đã ra chợ đầu mối lấy rau rồi về bày ra bán ở cái sạp gỗ trước nhà.
Lúc nào tôi cũng thấy bà Ba tất bật. Quanh năm suốt tháng, chỉ thấy bà có mấy bộ đồ bông mặc ở nhà y như mấy bà mấy cô ở dưới miền Tây quê tôi vậy. Có hôm quá bữa chiều, tôi ghé mua rau thấy bà vẫn ngồi bên mớ rau đã héo gần hết dưới cái nắng gay gắt mùa này. Nghe những người đàn bà trong xóm nói chuyện đôi lúc tôi cũng hoài nghi về sự giàu có của bà.

Tôi là sinh viên năm cuối, ở trọ nơi này đã hơn 2 năm. Trường nằm ở trung tâm thành phố nhưng giá phòng quanh đó quá đắt đỏ nên tôi thuê phòng ở đây. Hằng ngày bắt 2 tuyến xe buýt đến trường. Cũng mệt nhưng nghĩ đến số tiền tiết kiệm được hàng tháng tôi chấp nhận chịu cực. Trong dãy phòng cũng có mấy đứa sinh viên, vài cặp vợ chồng công nhân. Những người đàn bà chiều chiều đi làm về ghé sạp bà Ba mua rau rồi về nổi lửa nấu cơm. Tiếng cơm sôi, mùi thức ăn thơm phức tỏa ra từ các phòng thường khiến tôi chìm trong nỗi buồn khó tả.
Trước đây, tôi ít tiếp xúc nên hình dung về bà Ba chỉ qua những câu chuyện chắp vá của những người đàn bà trong xóm. Tôi chỉ gặp bà vào ngày cuối tháng, khi phải đóng tiền nhà trọ. Lúc đó, bà Ba sẽ gõ cửa, cũng chẳng cần trao đổi gì nhiều, bà chìa ra tờ giấy có ghi tiền phòng kèm theo tiền điện nước. Khi nhận tiền của tôi xong, bà lại tiếp tục gõ cửa phòng khác. Cũng lắm lúc ngồi trong phòng tôi nghe bà Ba to tiếng “Lại nợ à, 2 tháng rồi đấy”, “Tháng sau lo mà trả đủ nhé!”.
Tháng đó khi bà Ba chìa ra tờ giấy đóng tiền, mặt tôi trở nên xám ngoắt. Tôi ở chung với đứa bạn cùng khoa. Hai đứa đã dự trù tiền phòng trước đó vài ngày nhưng khi vét hết tiền túi vẫn thiếu gần 1 triệu. Nên khi nhận tờ giấy mỏng tang xé ra từ cuốn lịch mà tôi cảm giác như cầm vật gì nặng trĩu. Tôi lúng búng, ấp úng…
– Cô… cô Ba, tháng này… tụi con trả một nửa được không? Tại tháng này tụi con phải đóng học phí nên thiếu tiền.
Thấy bà Ba im lặng, tôi cố khổ sở trần tình: – Dạ, tháng sau tụi con hứa trả đủ mà cô. Con không khi nào đóng thiếu hết, tại tháng này kẹt quá thôi ạ!
Sau này, bà Ba nói với tôi rằng trông mặt tôi lúc đó y chang một đứa phạm tội bị bắt quả tang. Khi đó, tôi đã dọn sẵn tinh thần để nghe những lời khó nghe thốt ra từ bà.
– Trả một nửa rồi tụi bây còn tiền xài không? – Bà Ba vừa đưa tay đếm những tờ tiền mới nhận của phòng bên cạnh vừa hỏi.
– Dạ, cũng còn vài trăm ạ! – Tôi lí nhí.
– Thôi, để hết tiền đó mà xài đi, tháng sau trả tao cũng được.
Nói xong, bà bước qua phòng bên cạnh lấy tiền. Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau vì chưa từng hình dung chuyện thiếu tiền trọ của mình lại được bà Ba quyết gọn lẹ như vậy.
Sau bữa đó mỗi bận mua rau, biết chúng tôi là sinh viên nghèo bà Ba thường bán rẻ. Mớ rau muống, bó cải, vài trái cà chua kèm trái bí xanh mà bà lấy có 10 ngàn. Có khi, vô tình đi ngang sạp rau, bà ngoắc lại, đưa cho mấy trái chuối hay bó rau kêu đem về ăn. Tôi ngại nên thường từ chối hoặc móc tiền ra trả. Bà bảo: “Đem về ăn đi, để tới mai nó héo queo tao liệng sọt rác cũng vậy à”. Có bữa, bà còn giúi cho chúng tôi bịch bánh, bà bảo bánh này ngọt quá, tao ăn vào sợ tiểu đường.
Tháng sau chúng tôi gom 2 tháng tiền nhà trả đủ cho bà. Bà đưa tay đếm xoèn xoẹt rồi rút lại một tờ 500 ngàn. “Tao bớt cho tụi bây. Đi mua cái gì ngon ngon về mà ăn. Sinh viên gì mà người ốm nhách như cái cọng dây thun vậy”. Chị Huyền ở phòng bên nghe chuyện, cắp nách đứa con đang mũi dãi lòng thòng sang phòng tôi ghé tai nói nhỏ: “Bà Ba coi vậy mà tốt lắm. Bữa thằng cu nhà chị ốm cả tháng trời không bớt. Bà Ba biết, bả cho mấy trăm ngàn hối đi khám. Bữa đó bác sĩ mắng chị te tát, con viêm phổi mà không biết đường đem đi bệnh viện”. Rồi chị gãi đầu bảo cũng may còn có bà Ba…
***
Đợt thành phố bùng dịch, tôi bị kẹt lại phòng trọ. Lúc đó cứ nghĩ thành phố sẽ sớm kiểm soát tình hình được nên cứ nấn ná không về vì quê tôi xa, ngồi xe phải hết cả ngày trời. Nhưng rồi “Ai ở đâu ở yên đó”, mọi người không được phép rời thành phố. Dịch càng ngày càng căng, người ta kéo dây thép gai, giăng những sợi dây trắng sọc đỏ trước con hẻm của dãy phòng trọ. Mọi người nhìn nhau vừa ngơ ngác vừa hoảng loạn. Mấy đứa con nít thường ngày vô tư chạy nhảy trong sân thấy vẻ mặt của người lớn cũng nín thinh không dám giỡn…

Đợt đó, tôi và nhỏ bạn cùng phòng cũng kịp đi mua thùng mì và chục kí gạo để trong phòng. Với sinh viên, cắm nồi cơm, pha tô mì cầm cự cũng chẳng phải là điều gì quá khó khăn. Nhưng thương nhất tụi con nít trong xóm. Vài ngày đầu còn đỡ, những ngày sau chúng thường đòi cha mẹ cho ăn rau, ăn thịt. Nghe tiếng trẻ con khóc nhão nhẹt hết phòng này sang phòng khác mà xót cả ruột. Sinh ra ở quê, lớn lên bằng những bữa cơm rau hiếm khi nào có miếng thịt, vậy mà những ngày ấy có lúc tôi cũng thèm rau vô cùng.
Một bữa, tiếng bà Ba léo nhéo đầu hẻm, kêu mọi người ra lấy rau ăn. Những bọc rau to tướng được đưa qua hàng rào dây thép. Bà bảo mang vào giữa sân nhà trọ mà chia, đứng tụ tập đông coi chừng con virus nó vặn cổ. Mọi người vừa mang rau vào vừa buồn cười… Mỗi phòng được mớ bắp cải, su su, cà chua, cà rốt. Bữa đó ăn rau mà chúng tôi có cảm giác mình được ăn tiệc vậy.
Cứ cách một, hai hôm, ngay hàng rào con hẻm lại có treo miếng thịt heo, con cá biển, có khi là mớ tép khô, vài giỏ trứng gà… và tiếng bà Ba lại gọi chúng tôi ra, bảo chia cho nhà nào thiếu thịt cá, nhất là tụi con nít. Chẳng hiểu tại sao giữa lúc rau củ thịt cá hiếm hoi mà bà Ba lại có thể tìm mua được, lại dư dả cho mọi người trong xóm trọ. Sau này hết phong tỏa chúng tôi mới biết bà Ba có 3 đứa con đang sống rải rác mấy nơi trong thành phố. Hằng tuần, 3 đứa con lại tìm cách gửi thịt cá thực phẩm về cho bà. Mà bà Ba bảo sống một mình, bữa ăn chén cơm với cái trứng vịt luộc dằm tương chứ cần ăn gì nhiều…
Rồi xóm trọ của tôi có ca nhiễm đầu tiên. Là vợ chồng anh chị công nhân với đứa con trai mới học lớp 1, sống ở căn trọ cách tôi mấy phòng. Họ được đưa đi bệnh viện dã chiến chữa trị. Chừng hai tuần sau, thằng nhóc trở về trước mà không thấy ba mẹ nó đâu cả. Khi người đàn ông tốt bụng nào đó dừng xe máy thả nó xuống trước dãy trọ, nó đứng khóc lạc cả giọng. Vài người đeo khẩu trang kín mít ra hỏi, mà hỏi gì thằng nhỏ cũng lắc đầu không biết. Ai cũng thương nhưng khi có một người nào đó hỏi ai sẽ chăm thằng bé để đợi ba mẹ nó về thì mọi người im bặt. Bởi thằng bé vừa bị nhiễm Covid, khoảng thời gian đó, nhiễm Covid vẫn còn là một điều rất đáng sợ. Họ vẫn sợ lỡ đâu virus còn dính trên người thằng bé…
Bà Ba nghe tiếng thằng bé khóc vang thì mang đôi dép lẹt quẹt đi ra. Rồi bà dắt thằng bé về nhà, chăm sóc. Nửa tháng sau, ba mẹ thằng bé mới từ bệnh viện dã chiến về. Họ nói mỗi người phải nằm một khu điều trị khác nhau. Họ bị nặng, đến nỗi phải thở máy nhưng may mà còn gượng dậy nổi. Ít bữa sau, hai vợ chồng anh công nhân qua cúi đầu cảm ơn bà Ba. Người vợ khóc sụt sùi, tưởng mình sẽ chết, tưởng con mình bơ vơ, cũng may lúc khó khăn ngặt nghèo còn có bà Ba cưu mang giùm… Bà Ba nói “Ơn nghĩa gì bây ơi, hổng lẽ tao để nó đứng đó khóc hoài”.
Thành phố hết giãn cách, nhịp sống đang trở lại bình thường. Một sáng, bà Ba lôi cái sạp gỗ ra bày trước nhà. Hôm sau, mới tinh mơ bà chạy chiếc xe máy cà tàng ra chợ đầu mối mua rau về bán. Tới cuối tháng bà lại gõ cửa phòng chúng tôi lấy tiền nhà.
***
Thời gian gần đây mọi người hỏi nhau sao không thấy bà Ba bán rau nữa. Đi ngang nhà bà lúc nào cũng thấy cửa khóa trái. Những người đàn bà chiều chiều lặt rau nấu cơm lại bảo chắc tới lúc bà nghỉ ngơi rồi. Họ bảo bà giàu mà có biết hưởng thụ đâu, lúc nào cũng thấy làm quần quật, chắt bóp từng đồng. Chị Huyền lúc đó mới bế con ngồi xuống góp chuyện. Chị nói bà Ba có mấy đứa con đều có nhà lớn trên thành phố. Chúng nó mỗi lần về nhà trọ thấy bà lam lũ bán rau đều can. Nhưng mà bà bảo phải làm việc, phải kiếm tiền chứ ngồi không chịu không nổi. Bà Ba nói tiền bà tự tay kiếm được, giúp người này người kia, mấy đứa con mới không càm ràm.
Một bữa, cả dãy phòng trọ giật mình vì trước nhà bà Ba treo cờ đám ma, tiếng trống, tiếng kèn báo hiệu nhà có tang. Cả xóm lặng người khi hay tin bà Ba… mất! Chị Huyền nước mắt ngắn dài kể rằng lúc nãy chị qua nhà có gặp con trai của bà Ba. Anh kể rằng mấy tháng trước mẹ thấy đau bụng mới vào bệnh viện khám. Trước đây thỉnh thoảng bà cũng có đau nhưng cứ tưởng bệnh xoàng, ai ngờ lại ung thư… Từ khi bác sĩ phán nan y thì bà rộc người đi, kiệt sức, chỉ mới mấy tháng mà mất.
Nhìn những ánh nắng chiều vàng vọt xiên xuống khoảng sân dãy trọ mà tôi nghe lòng mình se sắt. Chiều hôm đó, cả dãy phòng trọ sang nhà để thắp cho bà Ba nén nhang. Rõ ràng là một người dưng mà khi quay về, tôi thấy mắt ai cũng đỏ…
NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN