Tháng 12 năm đó, khi tôi đang là nhân viên bán hàng cho tiệm tạp hóa của dì. Tiệm tầm 15 mét vuông nhưng chất thật nhiều hàng hóa, công việc của tôi là ghi nhớ vị trí hàng hóa, giá tiền và thối lại tiền chính xác cho khách. Tôi đứng nép một bên lối đi để nhường đường cho khách vào, ra tiệm.
Đó là một ngày giáng sinh cô đơn, tôi chẳng còn nhớ được không khí có dịu nhẹ hay không mà chỉ còn động lại thứ cảm giác ê buốt từ đôi chân mỏi nhừ. Tôi cảm tưởng như chỉ cần vắt ngón chân cái lên ngón chân trỏ thôi thì lập tức sẽ bị chuột rút ngay. Dòng người mỗi lúc một nô nức hơn, mấy cặp tình nhân ghé vào lựa chiếc cài tóc khi là hình trái tim, khi là đôi sừng của tuần lộc, có cả tai thỏ,… Em bé thì xúng xính váy đầm đỏ chót, nơ đỏ, giày trắng, … bản nhạc Jingle bell được phát ra từ nhà thờ đối diện từ xế chiều đến tận tối khuya.
Tiếng dì Lan hét lớn, “Nga, qua bên kia xem có người mua đồ kìa.” Tôi nhanh chân chạy qua phía cánh của cửa tiệm. Người thanh niên đang lựa một chiếc nón noel, bất giác anh ta nhìn lên, thì ra là anh Hòa.
“Ơ, anh.”
“Ủa, em làm ở đây à?”
“Dạ”
Tôi cười tít mắt. Đó là thứ cảm giác gần gũi mà dù trước giờ anh em chúng tôi không có nhiều cơ hội chuyện trò. Anh Hòa ở sát bên cạnh phòng trọ của tôi, anh ở cùng với Đa, thằng lớp trưởng của tôi. Dù học ở tỉnh nhưng chúng tôi đều học chung trường cấp ba cũ.

Anh Hòa mua chiếc nón noel màu đỏ, có hình mấy chú tuần lộc đang kéo chiếc xe chở ông già Noel. Anh rời đi, định bụng về tôi sẽ kể cho chị Thùy nghe rằng tôi đã gặp anh Hòa ở chỗ làm.
Trở về nhà lúc này đã là mười giờ đêm, tôi đạp chiếc xe đạp dọc quốc lộ 13, băng qua cái hẻm nhỏ là đã đến nhà. Nhìn dưới cửa phòng tôi thấy một cái hộp nhỏ màu hồng. Con gái mà, tôi vui và không biết mình được ai tặng quà. Bên trong là một chiếc thiệp to, có ghi dòng chữ nắn nót nhưng tôi cứ ngỡ là chữ của một cậu nhóc cấp 3 nào đó.
“Chúc Nga giáng sinh vui vẻ.”
Dưới đáy hộp là một chiếc nón Noel được xếp ngay ngắn. Tôi nhận ra chiếc nón đó vì nó chính là chiếc nón tôi bán cho anh Hòa. Tôi đưa mắt nhìn sang phòng anh thì đèn đã tắt và cửa cũng khóa ngoài. Cả anh và thằng Đa chắc đã đi chơi rồi.
Sớm dậy, vừa mở cửa tôi đã thấy anh đang phơi quần áo, anh nhìn tôi cười, tôi cũng đáp lại một cái gật đầu và nụ cười nhẹ.
Tôi, Đa và chị Thùy học chung lớp sư phạm, chúng tôi chơi với nhau từ những ngày đầu bước lên giảng đường đại học. Thùy là chị họ của tôi, chúng tôi chệch nhau một tuổi nhưng vì cậu Hai, ba chị Thùy làm khai sinh trễ thành ra chúng tôi học với nhau từ hồi mẫu giáo đến cấp II. Cấp III thì chị Thùy và Đa học lớp chọn còn tôi học lớp cơ bản nhưng hai lớp chúng tôi lại chơi thân với nhau. Đa hồi học cấp III thì ốm và đen, nó học lớp chọn nhưng lại luôn bị xếp ở top dưới cùng vì lên lớp 11 nó mới được chuyển từ cơ bản sang nâng cao. Nó thích ăn thịt heo nên càng lớn thân hình nó lại cứ như con heo, nó mập đến mức khiến tôi tin rằng khi chúng ta ăn cái gì nhiều đến mức chúng ta có thể biến thành cái đó. Đa làm lớp trưởng nhưng tôi lại chúa ghét nó trừ những lúc nó nấu ăn. Tôi chỉ bực vì nó hành động rất bạo lực, nó trêu đùa mạnh tay lúc nào cũng làm tôi đau. Nhưng bù lại lại nấu ăn cực kì ngon, vào những buổi học nhóm đến tận khuya nó hay “sáng chế” ra nhiều món từ các nguyên liệu có sẵn trong nhà để cho chúng tôi ăn chống đói.
Khi lên đại học Đa ở chung với anh Hòa, tôi và chị Thùy hay theo Đa và anh Hòa làm việc ở nhà hàng hay phụ việc trong các bữa tiệc. Ngoài chúng tôi còn có các anh bạn cùng lớp với anh Hòa nữa, anh Huy, anh Thái, anh Nhân. Tôi luôn được các anh giao cho việc bọc thức ăn lại bằng giấy bọc thực phẩm để cho mọi thứ sạch sẽ hay gắp đá cho khách. Công việc này cũng nhẹ nhàng nhưng vì đi từ sớm nên chúng tôi luôn bị đói trong khi đứng giữa một rừng thức ăn đã được nấu chín, thơm phức. Khi tôi đang đứng gói thức ăn thì nghe tiếng các anh thủ thỉ rồi cười khúc khích, nhìn qua tôi thấy thằng Đa ngoắc tôi sang. Anh Hòa đứng cạnh dúi vào tay tôi nắm xôi nhỏ.
“Ăn đi, xí nữa đói xỉu ra đó”
Thằng Đa đứng cạnh cho đầy xôi vào miệng, đã ăn vụng lại không quên khen lấy khen để.
“Má, xôi ngon dữ trời. Cho mày hạt sen nè Nga.”
Tôi chìa tay, nó để nửa hạt sen dính ít hạt xôi bên cạnh. Hạt sen thơm, dẻo và bùi.
Thời gian qua tôi vẫn không dám cảm ơn món quà nhỏ của anh Hòa nhưng lại có cái nhìn dễ chịu và đặc biệt hơn cho anh. Chúng tôi vẫn thường đi làm chung vào thứ bảy, chủ nhật. Những bữa tiệc luôn khiến chúng tôi mệt nhoài nhưng lại luôn tràn ngập tiếng cười. Có dạo tôi làm tiệc cho một công ty về sản xuất thức ăn cho gia cầm. Trong lúc đợi các anh lên món thì có người đàn ông trung niên kéo tay tôi lại, cái giật mạnh khiến tôi hoảng hồn. Ông ta mở nắp lẩu ra rồi thả vào đó tờ vé số với chất giọng chanh chua.
“Tụi mày có tin tao nấu tờ vé số này lên không?”
Anh Hòa chạy đến,
“Anh thông cảm vì đông quá! tụi em lên món ngay đây”. Tay anh nhẹ nhàng tháo tay ông ta ra khỏi cánh tay tôi, lúc này tôi như chết đứng rồi. Lát sau anh quay lại, liếc nhìn tôi rồi đặt đầy ắp đồ ăn lên bàn cho khách. Anh dùng ngón trỏ đẩy lưng tôi về phía trước rồi nhỏ giọng nói.
“Không sao đâu, mấy ổng đói quá nên quạu.” Nói rồi anh cười khẩy, tôi cũng hít một hơi rồi làm công việc của mình.
Anh Hòa dần trở nên đặc biệt với tôi. Tôi hay ngồi ngoài cửa hóng đợi nhưng khi nghe được tiếng xe anh từ ngõ đã chạy tót vào trong vì sợ anh trông thấy. Chậu đựng áo quần vừa giặt cũng phải đợi đến khi anh gạt chân chống xe thì mới được tôi đem ra ngoài phơi nắng. Những câu chào của chúng tôi luôn được diễn ra dưới dây phơi đồ trước cửa phòng.
Rồi một mùa giáng sinh nữa lại tới, bấy giờ tôi không còn làm cho dì nữa mà trở thành cô giáo. Tôi quyết định mua tặng anh chiếc nón Noel giống của tôi. Anh Hòa giờ đã trở thành thầy giáo. Lựa xong chiếc nón cùng dòng chữ nắn nót trên tấm thiệp nhỏ. Tôi chọn chiếc hộp màu xanh, màu anh thích. Tôi gọi và hẹn anh ở cổng trường sư phạm năm xưa để “trả anh món quà”. Chị Thùy thắc mắc vì thấy hổm rày tôi cứ lọ mọ cái hộp quà nhỏ.
“Tặng ai đó?”
“Bạn em.”
“Bạn gì mà chuẩn bị quà cẩn thận giữ vậy.”
“Bạn bình thường thôi ờ!”
“Ôi, sao mà tin được”. Vừa nói chị Thùy trở mình nằm dài trên chiếc nệm.
“Tối nay tao đi chơi Noel đấy nhá, đừng đợi cơm làm gì.”
Tôi quay phắc người lại, ngồi trên chiếc ghế có bánh xe, tôi dùng chân đẩy nó tiến sát lại chị.
“Người yêu á? Anh nào đấy?”
Chị cười phá lên, “Lo chuyện của mày đi, lớn đẹp gái thế đấy mà không thấy anh nào lui tới là quá tệ nha.”
Tôi chọn cho mình chiếc áo màu trắng, cổ tròn có ren nhẹ, chiếc váy màu be nhẹ nhàng phủ quá đầu gối. Đứng đợi anh ở cổng, kí ức của thời sinh viên hiện về như mới hôm qua. Cánh hoa dầu được mùa rụng khắp vỉa hè, trời vừa ngớt mưa nên không khí thật dễ chịu. Anh Hòa đến, anh mặc chiếc áo sơ mi trắng, chẳng khác gì mấy anh của những năm trước.
“Trả gì đó Nga?”
Tôi đưa anh hộp quà, mong anh hiểu được chút tâm tư nhỏ bé mà âm ỉ này.
“Anh mở ra xem đi.”
Anh cười khi thấy chiếc nón ý hệt món quà năm trước.
“Nga, thực ra món quà trước cửa phòng em là của thằng Đa, nó nhờ anh chuẩn bị giúp nó”.
Tôi lùi ra sau nửa bước,
“Của Đa sao?”
“Ừ, anh xin lỗi!”
“Không sao, em không sao.”
Chắc đã có thật nhiều mùa lá rụng đi qua, nhưng có mùa nào lá lại rụng nhiều như các cách anh để tôi rơi rớt cảm xúc, rơi rớt giọt tương tư của những mùa qua mà gói gọn vào một buổi chiều mưa gió.
“Em không hề biết món quà đó không phải của anh”
“Nhưng anh cũng đã rất cố gắng để lá thư có dòng chữ đẹp, cảm ơn em vì món quà nhé. Chúc em giáng sinh vui vẻ.”
“Dạ”
Anh rời đi, để tôi đứng lại ngụp lặn trong mớ cảm xúc hỗn độn này. Từ cổng trường tôi dễ dàng quan sát được con hẻm nhỏ về phòng. Tôi sẽ chạy về và úp mặt vào ngực mà kể cho chị Thùy nghe. Nhưng tôi đã từ bỏ ý định đó vì từ con hẻm nhỏ tôi thấy chị Thùy ngồi trên chiếc xe anh Hòa trông thật hạnh phúc.
Dù chỉ ngần ấy thời gian cũng đủ để tôi hiểu rằng, hy sinh cũng là một cách để yêu thương nhưng đừng nghĩ nó là hy sinh thì mới thực sự là hy sinh. Khi đủ yêu ai đó, bạn sẽ cho họ sự tự do vốn có.
TRẦN PHAN ĐINH LĂNG