VHSG- Khoác balo con cóc ra đến cổng trường Hùng ngoái lại “Bái bai”. Nhưng chắc trong lòng nước mắt đang chảy ra từng đợt. Tay cầm điếu thuốc, miệng hắn lẩm bẩm trấn an “Bây giờ bước thấp bước cao/ Ra đời cho biết gian lao với đời”.
Tài sản duy nhất của Hùng giá trị nhất chỉ có đôi giày. Vì lúc nào nó cũng láng coóng. Đói ăn đói thuốc chứ đôi giày, với Hùng, không thể để nó “đói xi”. Hình hài còn lại là da bọc xương và một bộ duy nhất che thân. Chăn mùng, chiếu gối… đêm chia tay đem ra “liên hoan lửa trại” giờ thành tro hết rồi. Cũng may là nợ nần cũng sạch sẽ, không thì khó có cửa yên thân đứng đây.

Hùng tốt nghiệp Đại học Thái Nguyên, chuyên ngành hệ thống điện đo lường. Đó là một cái như xa xỉ, bởi ngành đó vừa lạ vừa mới, ít ai theo, học phí lại cao, học ra khó xin việc.
Hùng chơi bời vào loại cũng kinh, ở giảng đường thì ít, ngồi quán game thì nhiều. Nhưng cuối cùng lại ra trường sớm nhất “Chi hội SV1508” (sinh viên một năm không tắm). Hùng đã ra trường, không một ai tin dù đó là sự thật. Hơn bốn năm tu luyện, “xuống núi” với tấm bằng đại học đỏ chóe và một chứng chỉ “hành nghề uống rượu loại ưu” là quá thành công đối với Hùng.
***
Hùng vào làm việc tại dự án Thủy điện Sông Mã 3. Đóng quân ở vùng cao nên gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng với sức trẻ, được sống với đồng bào dân tộc Mèo là một trải nghiệm khá thú vị, nên Hùng cảm thấy vơi đi phần nào. Cả tuần chỉ được ăn một bữa thịt và rau tươi, còn lại là “trường ca cá khô” ngao ngán.
Được gần hai năm, dự án hoàn thành. Hùng lại ba lô “hồi hương”. Lần này Hùng quyết định trở về nơi chôn rau cắt rốn, đó là Cố đô Hoa Lư để “đầu quân” cho nhà máy xi măng. Khám phá mới giúp Hùng có nhiều khởi sắc mới. Hùng được đào tạo chuyên về nghiền xi măng. Nhưng sau hơn một năm quần thảo với bụi bặm Hùng đã nói tiếng chia tay. Lại ba lô con cóc lên đường.
***
Lần cập bến này là dự án Thủy điện Sông Đà. Dường như cái số Hùng không thoát được cuộc sống núi rừng và cạnh đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là hai chữ “thủy điện”. Bởi nhìn Hùng khá “hoang dã”, to con, da ngăm, lông mày rậm, mắt quắc như mắt diều hâu. Đặc điểm khi không vừa lòng ai Hùng nhìn lom lom, mắt đỏ au, răng nghiến như cối đá nghiền xi măng bột.
Ở đây Hùng thân với Bá và K”B Lết. Họ là những người bản địa. Cả ngày lam lũ ngoài công trường đào đào đắp đắp, tối quây quần bên ánh lửa rừng. K”B Lết và Bá rất quý Hùng, chuyện to nhỏ đều trút ra tâm sự hết. Bá thường xuyên săn thú rừng về nướng và mời Hùng nhắm với rượu cần. K”B Lết bơi ngược dòng suối như con rái cá, nên thường mời Hùng những món “thủy quái” của sơn nguyên. Là người Kinh nên Hùng được đồng bào rất tin tưởng và quý trọng. Trong đó có cô gái tuổi trăng rằm, năm nay đã được 16 mùa nương rẫy. Nàng sơn nữ thường đeo gùi ra suối tên K”B Lang, thân hình trang trí đủ các loại thổ cẩm của tộc vùng cao. Nhìn như những nàng hát hội dưới xuôi.
K”B Lết và Bá tốt bụng, lo lắng nhiệt tình cũng là nhờ Hùng tạo điều kiện để hai tay này tiếp cận bông hoa của của núi rừng K”B Lang. Có qua thì cũng có lại, không hiểu sao cứ mỗi lần ra suối tắm là Hùng phải đem theo hai đệ tử thân cận này. Vì Hùng biết K”B Lết bơi rất giỏi mặc dù là dân tộc thiểu số vùng cao.
– Hùng… Hùng ơi… K”B Lang kìa…. Bá ngập ngừng gọi.
– Cái gì… thế…. ế… ê? Để anh giặt giũ cái nào. Hùng lườm lườm đùa. Ngồi trên cục đá, tay vò cái quần mắt lim dim, miệng tủm tỉm.
– Hùng…. Hẹn K”B Lang tối đến lán Hùng đi. Tối nay có gà rừng nướng và rượu cần. Mình thổi khèn cho K”B Lang múa. Vui lắm. Hùng nhé!
– Ừm….. ừ… để anh suy nghĩ.
– Nhanh đi không K”B Lang về mất.
– Từ …từ đã… chú còn để anh nghĩ kế chứ. Vẫn giọng đùa cợt khiến cho thằng Bá cuống lên.
– Anh Hùng suy nghĩ cho nhanh đi. Mai em dẫn anh đi bắt cá suối, uống riệu ngô nấu bằng nước suối giữa làng. Ngon kinh lắm.
– Ái chà chà…. chú hứa đấy nhé! Món này anh thích à nha.
***
Đêm đó, tại lán của Đội làm dự án thủy điện đầy ắp tiếng khèn. Trong chập chờn ánh lửa Hùng và già làng K’’B Rết nắm tay nhau nhảy múa. Tiếng khèn xuyên nhè nhẹ vào màn đêm khiến con hươu con hoẵng nghe cũng phải lạc lối. Tiếng vỗ tay hòa với điệu nhảy cứ nhấp nhô trong màn đêm heo hút. Nhấp chén rượu ngô trong vắt như nước suối mà say đắm lòng người. Chén rượu như xé toang đầu lưỡi, cảm giác oai hùng lâng lâng như chúa sơn lâm đang say mảnh trăng tan.
Người vui sướng nhất là K”B Lết và Bá. Chúng nó đã thỏa nỗi lòng được đứng cạnh nàng K”B Lang. Nàng múa đẹp như ban rừng nở rộ, tiếng hát uốn lượn triền đồi, thanh hơn tiếng suối làng K’Va huyền thoại.
Bỗng tiếng già K’’B Rết vang lên, tất cả dừng lại một cách trịnh trọng. “Tướng già” như một cây đại thụ, giọng nói dõng dạc vang lên trong màn sương đang lan tỏa.
– Hỡi lũ làng… Chúng ta phải cảm ơn người Kinh. Cảm ơn những người con nước Việt, những bộ đội cụ Hồ đã ở đây sống chung với đồng bào. Nhờ có họ mà giờ đây buôn làng chúng ta sáng sủa, no cái bụng, trẻ con biết cái chữ. Cái bụng người Kinh thật tốt, cảm ơn Cụ Hồ. Cảm ơn Giàng.
– Già… ớ…i! Cảm ơn cán bộ Hùng nữa chứ! K”B Lang bẽn lẽn.
– Đúng rồi! cảm ơn cán bộ Hùng nữa già ạ, có những người như cán bộ Hùng thì buôn làng ta sẽ có điện để bà con có ánh sáng nuôi trâu bò, tưới cây khoai, cây sắn cho nương rẫy mình xanh tốt già nhỉ? Bá chen vào.
– Giàng ơi….! Giàng xuống đây để chứng minh cho người dân làng K’Va chúng tôi. Chúng tôi nguyện ghi nhớ công ơn của Đảng của Cụ Hồ. Chúng tôi cảm ơn những người làm thủy điện, trong đó có cán bộ Hùng. Cái bụng họ thật tốt, chúng tôi ưng cái bụng lắm.
– Hoan hô cán bộ Hùng, Hoan hô cán bộ Hùng! K”B Lết hét lên.
– Cán bộ Hùng này, Già thương mày lắm, rất ưng cái bụng mày, dân làng K’Va cũng ưng cái bụng. Già làng K’’B Rết dõng dạc.
– Cảm Già. Cảm ơn dân làng. Hùng đáp lại.
– Nếu như mày ưng cái bụng thì mày ở lại làm rể dân làng nhé! Mày ưng K”B Lang không? Nếu mày ưng cái bụng tao xin Giàng cho mày làm con của làng, cùng bà con cuốc đất làm nương, vào rừng hái măng lấy củi. Đẻ con sai như trái đu đủ, lớn lên cho chúng nó đi theo bộ đội Cụ Hồ.
– Già …này… Cán bộ Hùng không ưng cái bụng đâu. K”B Lang thẹn thùng.
– Cảm ơn già, cảm ơn dân làng. Xin lỗi K”B Lang….. tôi đã có vợ dưới xuôi rồi. Hùng ngập ngừng đáp, mặc dù hắn là kẻ độc thân du mục.
K”B Lang ôm mặt khóc chạy mất hút vào màn đêm. Mặt thằng Bá và K”B Lết như hai cái nồi bẩy. Già K’’B Rết đưa tay vuốt chòm râu bạc, giai điệu tĩnh lặng bắt đầu da diết ập xuống.
Hùng vui lắm vì dân làng thật tốt, mà tốt nhất là thằng Bá và K”B Lết. Dân làng chân thật và hành xử đẹp, đẹp như những đồi ngô mơn mởn xanh tươi, đẹp như đồi chè nhuộm nắng vàng óng ả, như cả một vùng sơn cước huyền diệu có đóa hoa ban trắng, xinh đẹp tên K”B Lang. Hùng chìm vào tiếng gà rừng gáy mà không thể miên man nào ngắn hơn được nữa.
***
Bá và K”B Lết đưa Hùng đến một con suối cách buôn làng hơn nửa ngày đường, nghe chúng bảo con suối này rộng và mát. Đặc biệt rất nhiều cá, cảnh vật cũng thuộc vào loại oai hùng linh thiêng. Đến nơi Hùng cũng cởi quần áo nhưng không xuống, cứ phì phèo hút thuốc. Bá giục:
– Anh Hùng xuống với bọn em đi chứ, nước mát rười rượi. Tý nữa xem thằng K”B Lết lặn bắt cá. Thích lắm.
– Các chú cứ tắm đi, anh chưa khởi động nên chưa xuống, nhỡ cảm lạnh thì sao? Ai làm thủy điện cho các chú? Lấy ánh sáng đâu mà mổ trâu mổ bò vào ban đêm cho kịp phiên chợ? Rồi rượu cần ai uống hộ các chú?
– Anh Hùng nói đúng đấy, để chút nữa bắt cá suối anh Hùng xuống với mình. Bá nhỉ? K”B Lết vừa nói vừa nhìn Bá.
– Um!…. K”B Lết nói chuẩn đấy! Hùng gằn giọng.
Chứng kiến hai đứa lặn ngụp dưới dòng nước mát Hùng hổ thẹn với bản thân. Nhớ ngày thơ ở quê, bố tập bơi cho nhưng Hùng không chịu vì lúc ấy, Hùng đơn giản nghĩ: Bơi làm gì cho nhọc ! Vừa chăn trâu vừa tập võ sướng hơn phải lặn ngụp dưới ngòi. Giờ ngồi đây chịu trận bên dòng nước mát, còn phải dối lòng với hai thằng em cao nguyên, chúng nó bơi như cá. Đó là nỗi đau của một thằng không biết bơi mà đi làm thủy điện.
– Anh Hùng ớ…i! Xuống đi anh, chỗ này cạn dễ nơm cá này. K”B Lết vẫy tay gọi.
– Um! Thì xuống, nhưng hôm qua uống say nay anh còn nhọc, cơ thể nặng như lim như sến, dễ bị chìm. Có gì hai đứa hỗ trợ anh nhé!
– Anh cứ yên tâm, ở đây em thuộc hết từng hang đá, hốc cây. Bá trả lời.
Hùng men theo những khe đá vừa đùa nghịch vừa để bắt cá. Cá ở vùng cao đẹp thật, bông bông sọc sọc, thịt chắc và giòn. Nước suối trong như gương nhìn rõ tới tầng đáy, cá nhanh nhẹn và dạn dĩ bơi ngạo nghễ vô tư.
– K”B Lết ơi! Cứu anh Hùng! Bá gọi thất thanh.
K”B Lết đứng trên cao ôm bó củi khô nói vọng xuống “anh Hùng đùa ấy. Kệ đi”.
– “Cứu đi, không đùa đâu”. Bá quát to.
Nước cứ đều đều chảy, Hùng thì trôi dần ra xa và sâu hơn. Bá luống cuống nhặt được cái que củi dài hơn sải tay giơ ra cho Hùng. Cầm được nó, Hùng biết mình đã sống, Hùng bình tĩnh hơn bao giờ hết. Cầm cái que Hùng nhẹ nhẹ lần vào chỗ cạn.
Trở về từ lòng suối, ngồi thở một lúc Hùng đứng lên hướng mắt về phía làng cắm đầu đi hùng hục.
– “Anh Hùng…anh Hùng… Củi em tìm được nhiều rồi, chưa nướng cá ăn mà về gì?” K”B Lết với theo.
– “Không có cá cáy gì nữa…. Về..” Hùng quát to rồi ho xù xụ, vắt cái áo lên vai lùi lũi đi.
***
Cuối tuần nên quán mèo rừng K”B Súng tấp nập khách ra vào ăn sáng. Biết là Hùng sẽ đến nên K”B Lết đã ra sớm gọi soong cháo và vài bát tiết canh lợn rừng để chuộc lỗi. Y như rằng Hùng và Bá đều có mặt.
– Thôi ta nâng chén mừng anh thoát nạn trở về từ suối vàng nhé! K”B Lết rón rén.
– Từ nay anh gọi chú là thằng Mỏ Lết. Thấy chết mà dửng dưng không cứu”. Hùng dằn giọng.
– Vâng ạ! Hết anh nhé! La Lết gì cũng là em.
Từ hôm đó trở đi câu chuyện diêm vương từ chối Hùng bay sđi khắp buôn làng. Dân làng gọi Hùng với cái tên ngồ ngộ “Hùng suối vàng”. Kể từ đó, trẻ em trong buôn không còn đứa nào chểnh mảng trong việc tập bơi nữa!
***
Dự án kết thúc, chia tay dân làng, chia tay dòng suối K’Va mát lành nhiều cá. Chia tay đôi bạn Bá và K”B Lết, những đứa con của sơn nguyên hùng vĩ. Hùng về nhận nhiệm vụ tại ngọn Langbiang mộng mơ, nơi chứng kiến cuộc tình tuyệt đẹp của chàng Lang và nàng Biang. Hùng về đúng cái nơi mà dân làng đã gán với bí danh của mình. Nhà máy thủy điện Suối vàng, hay còn có tên khác là Nhà máy thủy điện Akoret. Đây là nhà máy đầu tiên được xây dựng ở nước ta. Đã qua nhiều cái “thủy điện” nhưng Hùng vẫn chưa hoàn thành khóa bổ túc… bơi cần thiết. Dù rằng Hùng là kỹ sư điện và một lần bị diêm vương trả lại “hồ sơ” vì thiếu chứng chỉ “xóa mù bơi”.
VĂN LÊ TÁM