VHSG- Lym mở sợi dây xích quấn quanh hai cánh cổng sắt, đẩy cửa bước vào. Con Mịch lụt khụt chạy ra hít chân. Dạo này nó béo tròn như hòn bi, má xệ lút mũi, vú quệt xuống đất.
– Nó lại chửa à bu?
– Ừ
Bà Tịnh trả lời nhát gừng, không cử động, mặt nhìn phía ao, lưng dựa gốc mít, ống quần bên xắn bên buông, chân co chân duỗi, tay cầm cây tăm quẹt răng chầm chậm.

– Thày bu ăn cơm chưa?
– Tôi tăm răng đây.
– Lại có chuyện gì à?
– Vào mà hỏi.
Lym tháo giày để lên giá, nhìn qua cửa sổ:
– Con chào thày, con mới về.
Ông Thịnh nằm ngửa, đầu kê trên gối mây cao ngang thành giường, bên cạnh là cái đài bé bằng quyển sách giáo khoa oang oang đoạn nhạc dạo chuyển chương trình. Nhìn thấy Lym, ông ngóc đầu lên, phẩy quạt:
– Muộn vậy?
– Con xong việc muộn.
– Ăn gì chưa?
– Con chưa, thày bu mời cơm chưa?
– Rồi, còn trong chạn, ăn gì thì ăn
– Vâng.
Ông Thịnh lại nằm xuống, tay vẫn phe phẩy. Tiếng ngâm thơ từ cái đài cũ phát ra rè rè nhưng vẫn rõ thanh bổng thanh trầm, ông Thịnh mơ màng phẩy quạt theo. Trăng xiên qua cửa sổ, phủ ngang người.
Lym rửa mặt rồi quay ra ngồi ở bậc hè. Trong cửa sổ sau lưng Lym là bố, qua sân gạch trước mặt Lym là mẹ. Anh rút bao thuốc ra châm lửa hút, khói lẫn vào trăng. Hai ông bà già không thay đổi vị trí. Lym rít một hơi thuốc dài, nói to:
– Thày bu gọi con về có việc gì vậy? Trông thế này rõ là chẳng có ai ốm đau gì rồi.
Im lặng. Chèn vào khoảng lặng nghỉ lấy hơi của nghệ sĩ giữa hai câu thơ ngân là tiếng chão chuộc. Đài ngâm hết bài thơ, ông Thịnh thở dài:
– Chả được cái tích sự gì, chỉ giỏi hành con.
Ông nói không lớn, bà Tịnh lại nặng tai, vậy mà vẫn nghe rõ, khóc oà lên:
– Ối Sao ơi là Sao ơi, mày bỏ bu đi sớm vậy hả con. Giời cao đất dày ơi, con lành thì mất con sất mẻ thì còn, tôi có tội tình gì mà ông đày đả tôi thế vầy hở ông giời…
Lym thở dài, chả nhẽ bằng này tuổi còn đôi co với bà già. Từ bé đến lớn, lúc nào Lym cũng nghe mẹ kể chuyện anh Sao. Chuyện từ khi mẹ chửa đẻ đến lúc anh đi học rồi đi thi học sinh giỏi, chuyện chăn trâu, thả diều, đánh cá, chuyện bị cua cắp chảy máu tay, bị ngỗng mổ suýt thọt dái, có lúc vừa kể mẹ vừa cười sằng sặc, có lúc vừa kể vừa khóc rưng rức, có lúc thẫn thờ, mắt để tận thế giới nào xa tít còn lời nói cứ tự dưng trôi ra. Lym nhìn mẹ, ruột gan thắt lại. Hồi mười lăm tuổi, Lym đi đánh dậm với đám bạn về bị cảm, người nóng như hòn than, nằm bày bạy trong nhà không ra ăn cơm, mẹ vừa ăn vừa thở dài, “cá không ăn muối cá ươn, bảo đừng có dãi nắng dãi sương thì không nghe, đánh được chục bạc tiền cá thì người thành cá ươn, phải như thằng Sao, chẳng biết ốm đau gì, khổ, con lành thì mất…”. Lym nghe không thiếu từ nào. Nỗi sĩ diện của thằng con trai mười lăm tuổi bị ốm chỉ vì một cơn mưa cộng thêm nỗi khát khao được vỗ về chăm sóc khi mệt khiến Lym bật khóc nức nở. Trong giây lát, anh cảm thấy mình vô nghĩa, vô duyên vô tích sự ở chính nơi mình sinh ra và lớn lên, trong lòng ngần ngận nỗi hờn giận, ấm ức.
Năm mười sáu tuổi, cũng đêm trăng sáng rờ rỡ như vầy, Lym dậy từ ba giờ sáng đi hộ đê cùng đám thanh niên trong làng, đến giờ đi học mới về, vừa đói vừa mệt, thấy mẹ đang cáu bẳn với bố “ông đứng ngay đấy, thấy tôi để nguyên cái bát nhựa đựng mỡ vào chảo dầu mà không nói không rằng để tôi cắm đầu đun rồi nhựa nó chảy ra lẫn với mỡ thế này, tôi ăn tôi chết sớm cho ông đi lấy vợ cho sướng cái thân ông chứ gì, tôi ngu thì ông cũng mặc xác tôi, sao cái số tôi nó khốn nạn vầy, đã ngu lại già lại xấu. Sao ơi, bu ngu tối cũng đẻ ra mày học hành sáng láng thông minh, mày chả ở với bu lại ở với giun với dế để bu khổ vầy…”. Lym đứng rửa tay chân ngay gần đấy, nghe vậy mới chen vào “có mỗi thế mà bu cũng mắng thày được”. Chưa dứt lời, mẹ khóc oà lên “Ối giời đất ơi, ối Sao ơi, bu khổ quá lắm rồi, con lành thì mất con sất mẻ thì còn, bu mất công đẻ đái nuôi nấng nó giờ nó cãi giả, nó có coi cái đứa đẻ ra nó là gì đâu”, Lym tức quá, gân cổ lên cãi “thà con chết quách đi, con lành lặn tay chân mặt mũi, con có tội tình gì mà suốt ngày bu bảo con sứt mẻ, bu chỉ coi anh Sao là con thôi”. Lym còn định nói nữa, cho hết những ấm ức bấy lâu trong bụng nhưng bố đã tát cho một cái nổ đom đóm mắt. Chờ cho mắt Lym hết đom đóm, ông trói chân, nhốt trong buồng, đưa cho tập giấy phê đúp và cái bút, bắt viết ra giấy mỗi ngày ít nhất mười câu trả lời cho hai câu hỏi “vì sao bu mày kêu thế”, “vì sao thày tát mày đau thế” viết đến khi nào đủ một trăm câu trả lời không giống nhau thì ông cho đi học tiếp. Sau lần ấy, Lym không cãi nữa, nhưng cứ nghe tiếng “Ối Sao ơi’ là anh bỏ đi, đi đâu cũng được, miễn là tai không nghe thấy mẹ kêu, mắt không nhìn thấy bà vỗ đùi bồm bộp mà kêu khóc. Những đêm trăng sáng bà kêu khóc nhiều, Lym đi câu ếch quá nửa đêm mới về bà vẫn còn kêu, lần nào đi chưa đủ mệt để ngủ say không nghe thấy tiếng nói ấy là Lym lại bỏ đi câu tiếp đến sáng mới về. Lớn lên đi học, đi làm, rồi lấy vợ xa nhà, anh chưa bao giờ cho vợ con về quê ngủ qua đêm vào những ngày có trăng.
Lúc chiều bà Tịnh gọi điện cho con dâu, cô ấy đòi về theo nhưng Lym không cho. Anh cố tình về thật muộn, muộn hơn cả những lần đi câu ếch ngày xưa, vậy mà bà vẫn còn ngồi tựa lưng vào gốc cau nhìn xuống ao nói chuyện một mình, vẫn những câu chuyện Lym nghe từ bé đến lớn. Chỉ có con Mịch chịu khó nghe bà kể đi kể lại suốt ngày suốt đêm không chán.
Gió thu nhè nhẹ, trăng sáng vằng vặc. Ông Thịnh vừa dò sóng đài vừa nói đủ để mình Lym nghe:
– Kệ bu mày, vào ngủ đi mai còn đi làm, lần sau bà ấy có điện thì mày gọi cho thày, thày bảo về hãy về.
– Thi thoảng con cũng phải về thăm thày bu chứ, thày bu có tuổi rồi, lẽ ra con phải về thường xuyên cơ.
– Thày bu còn khoẻ, lo gì.
– Vâng, con ngủ đây.
Lym trải chiếu giữa nhà, kê đầu lên gối mây. Anh thích nằm ở cửa, vừa có gió, vừa có trăng, vừa nghe được tiếng đêm kêu rả rích, vừa nhìn được đất trời vừa trông dắng được mẹ già đêm hôm sương lạnh gió độc. Sương lạnh gió độc, rồi cả tuổi già… thứ gì có thể làm mẹ đau. Lym nhìn đăm đăm ra bờ ao, nơi cây cau cao lút mái nhà thả xuống từng vệt trăng trong suốt, những vệt trăng khi như giẻ quạt khi là thanh kiếm khi như bàn chông từ trời trỉa xuống người đàn bà nhỏ xíu. Nhỏ như một đứa trẻ. Từ bé đến lớn, chưa khi nào Lym thấy bà để tay chân rảnh rỗi. Bất kể lúc nào rảnh, như lúc chờ nồi cơm sôi cạn, chờ chảo dầu nóng, chờ cái gầu chìm xuống đong đầy nước… chỉ thế thôi cũng khiến bà nhớ đến anh Sao, và những câu chuyện lại trôi ra, kéo dài hết cả những lúc tay chân bà hoạt động mà biết có người quanh quẩn đâu đó có thể nghe. Sau này, khi tuổi tác nhiều thêm, Lym thấy bà nói cả khi không có người, nói liên miên, nói nhiều đến nỗi khoé miệng chi chít các nếp gấp, những nếp gấp xô vào nhau, chèn lên nhau lan dần ra khắp cơ thể khiến tay chân bà nhăn nhúm lại. Bây giờ bà không làm được những việc nặng nữa, nhưng tay chân không khi nào chịu yên. Bà tựa lưng vào gốc cau, tay vẫn vuốt ve con Mịch và kể cho nó nghe những câu chuyện Lym đã nghe từ bé đến giờ. Con Mịch không cãi lại bà như Lym, không ấm ức bỏ đi như Lym, không tìm cách lẩn trốn như Lym.
Đài vẫn xèo xèo tìm sóng, biết bố vẫn thức, Lym bảo:
– Hay là thày bu lên ở với con đi, ra khỏi làng xem bu có bớt kêu khóc mò mẫm đêm hôm thế này không.
– Thôi, phiền chúng mày, lên đấy chả có việc gì làm rồi bu mày lại kêu nhiều hơn, mà bà ấy không đi khỏi nhà quá một ngày đâu.
– Con đang tính tới đây đi tìm anh Sao.
Trăng càng lúc càng sáng rõ. Ông Thịnh vặn to đài, tiếng sóng nhiễu át tiếng kêu khóc của vợ. Mãi lâu mới thở dài, bảo:
– Chả tìm được đâu.
– Ông có bao giờ đi tìm mà bảo không được, ối Sao ơi là Sao ơi, mày mới đi có mấy ngày mà đã chả ai còn nhớ mong gì rồi đấy. Khổ thân con trai tôi. Ông không đẻ không đau nên vô tình vô cảm, ông đã chẳng có ngày nào chăm nuôi nó hẳn hoi, lúc nó chết lại mặc xác mặc thây nó. Sao ơi, mày khổ quá vậy hả con. Sao bu khổ quá vậy hả mày. Bà Tịnh lại vỗ đồm độp vào chân mình. Con Mịch nằm bên ghếch mõm cọ vào chân bà kêu khụt khịt. Ông Thịnh cố dằn giọng để không nói to làm ảnh hưởng đến xóm giềng.
– Có im đi không, để cho xóm giềng người ta còn ngủ.
Ông vừa nói vừa đập tay xuống giường, Lym nghe tiếng cánh tay run bần bật, câu nói gãy từng đoạn.
Bà Tịnh gân cổ cãi:
– Ngủ làm gì, ngủ khác gì chết. Tôi cứ nói to đấy, tôi nói cho cả làng này nhớ lũ trẻ con vô tội bị chết bất đắc kỳ tử đấy.
Lym định nói gì đó nhưng lại thôi, nói gì lúc này cũng chỉ khiến bà kêu khóc thêm, rồi lại kể chuyện quả bom rơi vào đình làng trong đêm trung thu. Chuyện anh Sao đang múa lân thì bom dội xuống. Chuyện bà đang xay dở cối lúa chạy ra đến nơi đã thấy hố đất sâu hum hủm, xung quanh tung toé những mẩu xương thịt người, máu me tanh khét. Chuyện bà chen vào với người làng để tìm bới mà không kiếm được bất kỳ dấu vết gì của con trai. Rồi bà ghen tị kể nhà này nhặt được cái đầu, nhà kia nhặt được cái chân của con về chôn mà bà chả nhặt được gì.
– Tôi còn phải tìm đến khi nào kiếm được cái gì của thằng Sao ở cái hố ấy, không thể có chuyện con tôi mất tăm mất dạng như thế, chúng nó đòi dựng lại đình á, không đời nào tôi đồng ý, muốn sống, ông cản chúng nó lại, tôi còn sống ngày nào còn bới tìm thằng Sao ngày ấy.
– Bà…
– Thôi thày ạ, kệ cho bu nói.
– Tôi đã kệ bà ấy nói mấy chục năm rồi đấy anh ạ. Ông Thịnh cất lên những tiếng rời rạc, dằn dỗi. Mãi lâu sau mới chậm rãi nói thêm.
– Thày để bu mày nói ra cho nhẹ lòng nhưng bà ấy nói được bao nhiêu thì bào ruột gan thày bấy nhiêu. Thày chịu cả, cũng tại thày, lúc bà ấy mất con, cần có thày ở bên cạnh thì chẳng có, mà cái thời ấy, làm gì có vợ chồng nhà nào được ở gần nhau. Bà ấy còn nói ra mồm được thì ruột gan bà ấy đỡ nặng, nhà có hai vợ chồng già, có ảnh hưởng gì ai mà phải giữ mồm giữ miệng. Nhưng hôm rồi làng họp, bảo nhau dựng lại cái đình ngày xưa bị bom phá, bà ấy nhảy thách lên phản đối, thày can có một câu mà bà ấy chỉ thẳng tay vào mặt thày trước bàn dân thiên hạ, bảo thày a dua theo bọn nhãi ranh quên chuyện thằng Sao chết thế nào, bà ấy còn đòi kiện cho ra nhẽ, đòi báo thù cho thằng Sao. Bà ấy bôi gio trát trấu vào mặt thày, anh thử là thày xem anh chịu được không.
Mấy chữ cuối cùng, ông Thịnh ức nghẹn, nói mãi mới xong. Bà Tịnh cũng chỉ nghe câu được câu chăng.
– Ông tưởng mỗi ông chịu đựng tôi cơ. Ông mang tiếng đàn ông đàn ang anh hùng trí lớn, nhưng ngày nào ông cũng như khúc gỗ nỏ, tôi nói rền rã mà ông không thèm động lòng, đến con Mịch nó còn biết an ủi tôi. Tôi quyết rồi, sáng ngày ra sống chết gì tôi cũng ra toà li dị, tôi không thể ở với ông nữa.
Lym nhổm dậy, dụi tàn thuốc xuống nền gạch, thư thả bảo.
– Con tưởng có việc gì to lắm cơ. Bu đã tìm được giấy đăng ký kết hôn chưa mà đòi nộp đơn ly hôn. Con đã bảo rồi, khi nào có đủ giấy tờ hãy gọi con về, con mang đi nộp cho chứ bu biết toà ở đâu mà nộp.
Lym cố tình cợt nhả mong đổi chiều cuộc chuyện của hai ông bà già, nhưng anh chưa kịp nói hết bà Tịnh đã quát lên:
– Đường ở mồm, mặc mẹ tôi. Tôi biết là anh sẽ giơ hai chân hai tay anh ủng hộ ông ấy mà, đàn ông các người rặt một lũ vô tình.
– Tiếng bu khoẻ nhỉ, li hôn thày con xong khéo lấy chồng nữa được ấy chứ.
– Tiên sư anh, tôi lấy cái thằng mả cho anh sướng, anh khỏi phải đi về đêm hôm rồi người ta kêu tôi hành anh.
Đêm trong vắt. Không gió. Ông Thịnh vừa lầm rầm trong cổ vừa đập muỗi, cái quạt giáng xuống giường kêu bèn bẹt.
– Dãi sương lắm vào rồi ra dại.
Tiếng đập muỗi không giấu được tiếng ông nên bà nghe thấy, lại xả thêm một tràng dài.
– Tôi kêu bằng mồm tôi thì tai tôi nghe, ai khiến ông nghe. Cái ngữ đàn ông các ông chỉ biết nghĩ đến mình, ông xem cả đời ông đã nuôi con cho tôi ngày nào hay tất tật đổ hết lên đầu tôi. Ông sướng một cái ra một thằng người, còn tôi khốn khổ thế nào mới đẻ được nó ra, nuôi nó lớn đến ngần ấy, vậy mà đùng một cái tôi trắng tay. Ông đi lo cứu người ở đẩu đâu còn mẹ con tôi ông vùi vào cái hố ấy.
– Im mồm!
– Mồm tôi tôi nói liên quan gì đến ông, ông tưởng tôi sợ ông á. Đừng hòng. Tôi nói cho ông biết, đứa nào động chân động tay lấp cái hố ấy để dựng đình, tôi cho tan xác. Thờ với cúng, cái lão thành hoàng mà các ông các bà cúng kiếng ấy, lão có bảo vệ được con tôi đâu, thầnh thánh gì mà đến cái nhà lão ấy ở cũng không thèm giữ, phù hộ dân làng chả phù lại phù bọn sài lang thả bom đúng chỗ đông người, lại toàn trẻ con đang tuổi ăn tuổi lớn, vậy thì lấy đâu ra người mà dựng làng, lấy đâu ra sức mà cúng với kiếng. Bố con ông muốn cúng lão ấy thì cúng tôi đã, nhá.
– Im!
Ông Thịnh quát chói tai. Trăng lẩn vào mây giây lát. Bà Tịnh chưa cãi lại. Gió cứng đơ trên tàu cau lấm tấm sương. Lym chậm rãi bảo:
– Bu thật là, ai lại gọi thành hoàng làng là lão, gọi vậy ông ta chả tức. Thần thánh thì cũng có lúc yếu đuối chứ. Bu còn chả muốn nhìn thấy bom thì thần thánh nào muốn. Lực bất tòng tâm thôi, bu trách làm gì. Mà con thấy lạ, chuyện người trần với nhau chẳng giải quyết được lại cứ lôi thánh thần vào. Thánh thần thì chẳng ai nhìn thấy bao giờ…
– Đấy, vậy mà người ta hùa vào với cái bọn không có con em cháu chắt chết bom hôm ấy, rồi cả cái đám trẻ ranh không biết mùi bom đạn là gì để phản lại tôi, đòi thờ cúng cưng nựng cái ngữ ấy…
– Ngu hết phần con Mịch.
Ông Thịnh ức quá bật lên, may là tiếng đài nhiễu sóng to quá còn tiếng ông thì chỉ lủng bủng trong họng nên bà Tịnh không nghe thấy. Lym thở dài. Đầu óc lộn xộn. Trăng đã chui ra khỏi đám mây màu sẫm, bà Tịnh lại ngửa cổ lên nhìn kể chuyện anh Sao đánh cá, vớt bèo, cho lợn ăn đỡ cho bà, chuyện hôm trăng sáng anh múa Lân dưới sân đình…
– Chuyện dựng đình là như nào vậy thày?
– Thì làng cũng phải có chỗ mà thờ cúng chung, tôi chả mê tín gì đâu nhưng có cái đình làng, mỗi năm một lần hội lệ, có chỗ cả làng tập trung uống với nhau chén rượu, ăn với nhau bát cơm, rồi con cháu đi xa có cớ mà về, người chết người sống có chỗ mà gặp gỡ, người sống biết nhớ đến người chết đã là gặp nhau rồi. Hồi tôi vào nam, những đêm đi trong rừng, nghe bom đạn đùng đoàng đằng xa, chỉ lầm rầm khấn nhắc tên đình làng mình, tên ông thành hoàng làng mình, để nếu chẳng may bom đạn có vùi xác ở đấy thì hồn vía còn biết tìm đường về quê. Lúc đứng ở ranh giới sống chết mới thấy làng nước thiêng liêng lắm con ạ. Thày còn may, chứ bao nhiêu người vùi xác ở chiến trường, chả kể hết đâu, người còn nhà cửa, người thân thì có người gọi về, có nơi để về, người bị mất sạch sành sanh thì đi đâu về đâu… Như con cháu mày, mai kia, cả thày bu, cả vợ chồng mày mà chết đi rồi, vườn tược ao chuôm này chẳng ai ở thì cũng bán đi chứ để làm gì, lúc ấy, chúng nó có muốn về quê thì về đâu.
– Gớm, thày cứ lo xa.
– Cũng chả xa đâu. Anh có tôi với bà ấy giữ nhà cho mà về, nhiều đứa bố mẹ chết hết cả rồi, nhà cửa cũng chẳng còn, muốn về thăm quê, chẳng nhẽ đi một vòng quanh làng như khách vãng lai thế a.
– Dựng ở chỗ hố bom đấy à thày?
– Chỗ đấy đúng là cái đình ngày xưa, bom nó dội vào đấy, dựng là đúng, với lại, ngày xưa các cụ chọn hướng chọn mạch rồi, chỉ có điều sẽ dựng cách ra một quãng, chỗ hố bom ấy san ra làm sân vườn gì đó, thày thấy cũng hợp.
– Làm sân làm vườn để thiên hạ nó giẫm nát con tôi lần nữa a… Tiếng bà Tịnh lại cất lên rền rĩ. Muốn dựng gì thì bước qua xác tôi rồi hãy dựng.
– Lúc ấy bà cứ ở nguyên ngoài bãi tha ma đừng có bén mảng về đình.
– Mặc mẹ tôi, con tôi ở đâu tôi ở đấy, ông hùa theo chúng nó thì đừng hòng tôi theo.
Lũ chão chuộc tưởng tiếng đồng bọn rủ rê đồng loạt gào lên một tràng dài âm thanh lói óc.
– Hoá ra thày bu cãi nhau rồi bu đòi li hôn vì cái chuyện này à?
– Liên quan gì đến anh.
– Ôi giời, con đang nghĩ xem thày bu còn có mình con thì lúc ra toà, đến mục chia con chia của thì ai lấy của ai nhận con đây.
Im lặng. Trăng vón cục trên ngọn cau.
Lym nhìn vô định vào bức tường trước mặt, những hạt cát vun trăng thành từng đống li ti, đổ bóng đè lên nhau. Mỗi bóng cát ấy xoè ra một vệt hoa cau mỏng dính, hoa cau mở cánh như bèo tấm, bèo tấm phủ xanh mặt hồ, phẳng êm như thảm cỏ chiều trên đê sông Đáy. Lym cầm dây chạy lấy đà cho diều vút lên. Gió giằng, sợi dây dù tuột khỏi tay, Lym cuống cuồng giữ. Gió nâng cánh diều vút lên. Lym choáng váng, một khoảnh khắc sơ suất buông lỏng đốt ngón tay mà sợi dây tuột ra, cánh diều Lym cất công làm cả tuần vuột bay mất. Bao nhiêu vui sướng háo hức tắt ngấm. Lym khóc oà, nước mắt tràn ngập mặt, giá mà ông trời cũng khóc để diều của Lym rơi xuống. Rơi ở đâu Lym cũng tìm ra. Nhưng trời không mưa, gió không dừng, chiều không tắt nắng, chỉ có sợi dây diều căng đét khứa ngang mặt Lym. Hẳn là có ai đó đang giữ dây diều cho Lym. Ai vừa giữ vừa tung tẩy cho con diều chao xuống lại lượn lên điệu nghệ thế kia. Ai.
– Ai?
Tiếng Lym bật lên khỏi cổ họng khiến ông Thịnh nhướn người nhìn ra cổng
– Trộm à, mắt thày chả nhìn rõ? Dạo này xã mở đường lớn, trộm cắp lượn như cá cảnh suốt ngày.
– Không, chắc con hoa mắt.
Bà Tịnh phủi đít quần, đi vào.
– Hoa cái con khỉ ấy, mày nhìn thấy thằng Sao ấy gì?
– Bà có thôi đi không, đốc chết đấy à, có cho bố con tôi ngủ không hả.
– Liên quan gì đến ông. Này Lym, có phải mày vừa thấy có người vào nhà mình không. Bu đã bảo mà, thằng Sao nó chưa được luân hồi đâu, còn quanh quẩn ở làng này, thi thoảng bu thấy nó đu lên ngọn cây sao hớp trăng, trăng sáng rỡ là nó về thăm thày bu, vậy nên bu thức đợi nó chứ ai hơi đâu đêm hôm cứ ra sân ngồi vầy. Hôm thì nó đứng ở gốc cau, hôm nó hái cho bu lá giầu, hôm nó đứng trên đám bèo tấm. À, mà có lần nó lôi cả lũ bạn về đánh cá nướng ăn xong đứa nào đứa ấy mồm lem nha lem nhem. Bu nói thày mày chả tin, đến sáng ngày ra con trắm ốc to nhất ao nổi phềnh lên đấy. Ai nói gì thì nói, bu là bu vẫn tin thằng Sao nó còn ở làng này. Mày phải giúp bu Lym ạ, nó vẫn nằm ở cái hố bom ấy, phải tìm cho bằng được để nó còn lên thiên đàng, chứ các ông ấy đòi lấp đi thì bao giờ anh mày mới siêu thoát được.
Siêu thoát. Ai cần siêu thoát hả giời. Ý nghĩ thoáng đến, Lym thở dài bảo:
– Bu vào nhà nằm nghỉ đi, mai trời sáng rồi cả nhà mình nói chuyện, con mệt rồi, con ngủ đã.
Vừa nói Lym vừa ngoác mồm ra ngáp rồi nằm kềnh ra chiếu như một đứa trẻ. Bà Tịnh nhìn con trai từ đầu đến chân, chặc lưỡi.
– Ừ, ngủ đi con ạ. Sư cha nhà anh, tóc đã bạc thế này mà còn như thằng trẻ trâu vậy.
Lym nhắm mắt, nghe thấy tiếng mẹ leo lên giường dẹm màn. Ông Thịnh cũng tắt đài. Căn nhà im lặng một lúc thì tiếng ngáy đều đều nhè nhẹ của hai ông bà đan vào nhau. Lym trở dậy, rón rén bước ra sân. Con Mịch thấy động kêu ụt ịt, Lym ngồi xuống, vỗ vỗ vào má nó dỗ dành, “im nào, ngủ đi lấy sức mà đẻ”. Anh lẩn nhanh ra đường, trả lại khoảng sân yên tĩnh cho con Mịch và hai ông bà già.
Trăng đổ xuống con đường bê tông trắng xoá một vệt sáng dài loằng ngoằng dẫn Lym đi về phía hố bom. Cái hố to sâu hun hút mà các ông bố bà mẹ cấm tiệt trẻ con không được bén mảng tới vì ở đó có ma, nhưng Lym đã ra đó câu ếch vài lần trong những đêm trốn không nghe mẹ kể chuyện rông dài về anh Sao và nhiếc móc mình sứt mẻ. Ếch ở hố giếng vừa béo vừa to, một tấm da có thể căng vừa miệng ống bơ làm trống. Bộ trống ếch của Lym năm nào cũng được đưa lên sân khấu biểu diễn trong tết trung thu. Tiếng trống ếch ở đâu chợt vọng đến khiến Lym đi như bay, băng qua cây sao cổ thụ im lìm như nấm đá, vài con đom đóm lập loè trong tán lá, như rắc sao. Lym thất thểu lê từng bước chân. Đường bê tông khô khốc. Trăng đã biến đi từ lúc nào. Cả bầu trời chỉ còn một ngôi sao bé tí.
Chiều tối hôm sau anh trở lại.
Vừa tháo dây xích buộc cánh cổng sắt, hai đứa con anh đã lao vào sân, líu ra líu ríu gọi ông bà. Bà Tịnh vẫn ngồi ở chỗ quen thuộc, gốc cau, bờ ao và con Mịch bên cạnh. Bà đang xoa bụng Mịch, không ngẩng đầu lên, trả lời hai đứa cháu:
– Chúng mày về giúp bà một tay với, con Mịch đang trở dạ.
Ông Thịnh khệ nệ bưng chậu cám từ trong bếp đi ra, đặt xuống bên cạnh, vừa quấy vừa bảo:
– Nó đẻ xong cám nguội là vừa đấy nhỉ. Mẹ nó đi nấu cơm giúp ông nhá, ông phụ việc cho bà, còn mấy đứa thích vào bếp hay phụ bà đỡ đẻ cho con Mịch.
Đương nhiên là lũ trẻ con chọn phụ bà đỡ đẻ cho con Mịch. Chúng nó chưa từng nhìn thấy con gì đẻ. Con Mịch quằn quại hộc lên từng cơn đau đớn.
– Nó làm sao vậy bà?
– Nó đau đẻ
– Đẻ cũng đau à cơ
– Chứ chả, xé ruột xé gan ra cơ mà. Ngày xưa bà đẻ bố chúng mày cũng vậy, rách ruột rách gan chứ chả bỡn đâu…
Tiếng bà Tịnh đều đều, vừa cưng nựng dỗ dành con Mịch vừa kể chuyện đẻ rơi Sao ngoài bìa ruộng, đẻ Lym trong chuồng bò, chen giữa những câu chuyện là tiếng con Mịch quằn quại rặn đẻ.
Trăng tãi đầy trời những đường kẻ ngoằn ngoèo dài như gió, mỏng như sương.
10.2019
VŨ THANH LỊCH