Viết & Đọc mùa Hạ 2023 tập hợp tác phẩm của những cây bút tên tuổi, những giọng điệu đa thanh trong văn chương Việt hiện nay.
Thư ban biên tập với bài viết Tiếng sấm trong đêm gần sáng, chuyển tải một cách chiêm nghiệm lạ lùng, đầy bất ngờ về cảm thụ thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Ba nhà văn Tạ Duy Anh, Y Ban, Lê Thiếu Nhơn cùng tham dự vào một cuộc “toạ đàm” mini trên Viết & Đọc về một trong những chủ đề nổi cộm nhất trong đời sống nhân loại, đời sống văn chương hiện nay: công nghệ hiện đại, tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo, sẽ đi xa đến đâu trong trong đời sống con người?
Phần Văn xuôi, Dưới đáy thời gian, truyện ngắn mới nhất của nhà văn Bảo Ninh, là nỗi hoài vọng xót xa về những mất mát chia lìa của thời chiến tranh đã qua lâu rồi mà vẫn nặng trĩu tâm can của người đang sống hôm nay. Như thường lệ, Bảo Ninh rất kỹ chữ, viết như rút ruột, chạm đến những sắc thái rung cảm tế vi trong tâm hồn con người.
Phần Tác phẩm đọc lại chọn mổ xẻ Con ngựa già của chúa Trịnh, một tác phẩm đã ảnh hưởng có tính bước ngoặt trong cuộc đời và văn nghiệp của nhà thơ Phùng Cung, với những góc nhìn mới, cách thể hiện mới.
Một ngày khó quên của nhà văn Nguyễn Quang Lập là một ghi chép cực kỳ sống động về ngày cuối cùng của chiến tranh đã kết thúc từ gần 5 thập niên trước. Cách viết trong ghi chép này của Nguyễn Quang Lập hấp dẫn như những chuyển cảnh của một bộ phim hành động, với rất nhiều nút thắt và cả những kết cục bất ngờ.
Hay không kém trong phần Ghi chép và Tản văn là bút ký Mây trắng hồi quang của Vĩnh Quyền, một nhà báo gạo cội, một nhà văn sống chết với mảnh đất Sơn Trà, Đà Nẵng trong nhiều năm trời.
Phần Chân dung có ba bài viết về văn và người, lột tả chân dung những nhân vật tưởng chừng như đã rất quen, vậy mà lại rất lạ qua cách viết duyên dáng của Thanh Tâm Nguyễn, Phan Hoàng và Nguyễn Quang Thiều.
Viết&Đọc từng là bệ phóng của nhiều cây bút trẻ, lần này giới thiệu Phát Dương, một tác giả trẻ với lối viết rất hiện đại, có nhiều nỗ lực cách tân.
Phần thơ có sự hiện diện của những gương mặt nổi bật trong sáng tác những năm gần đây: Anh Ngọc, Đặng Huy Giang, Nguyễn Hữu Quý, Như Bình, Vương Trọng…
Phần phê bình và tiểu luận đăng tải những tham luận của các nhà văn, nhà thơ, phê bình văn học Nguyễn Bình Phương, Trương Đăng Dung, Mai Văn Phấn, Hoài Nam trên chủ đề: Viết trong những thay đổi của thế giới.
Viết&Đọc số mùa Hạ trình bày một serie các bài tản văn mượt mà của các cây bút trong và ngoài nước, đặc biệt là hai bài tản văn thâm trầm sâu sắc của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Phùng Ký Tài.
Nhà thơ hải ngoại Nguyễn Đức Tùng được giới thiệu trong Viết&Đọc số mùa Hạ qua một khảo luận công phu của tác giả Đỗ Quyên. Liên quan đến văn học nước ngoài còn các bài giới thiệu tác giả Trung Quốc Bành Thế Đoàn, bài viết về văn hào Nga Xô viết Maxim Gorki của văn hào Pháp Romain Rolland và một bài về nhà thơ bị săn lùng gắt gao nhất thế giới, Salmal Rushdie.
Những ai quan tâm đến lịch sử đời sống văn chương nước nhà có thể tìm thấy trong phần Tư liệu những lá thư lần đầu được công bố của nhà thơ Xuân Diệu gửi nhà thơ Huy Cận để thấu hiểu một khía cạnh hoàn toàn mới mẻ của “Ông hoàng thơ tình” Việt.
Cuối cùng là mảng tư liệu ảnh công phu về một trong những gương mặt nổi trội bậc nhất của văn học Việt Nam đương đại, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, người sinh sống và viết ở Cà Mau nhưng trường ảnh hưởng và sự cảm mến của công chúng yêu văn học đối với các tác phẩm của chị không chỉ giới hạn ở nơi cuối đất cuối trời mà đã lan toả trong cả nước, ra với thế giới…
YÊN BA