Vĩnh biệt “vua tiếng động” Nguyễn Minh Tâm

VHSG- Nghệ sĩ Nguyễn Minh Tâm sinh ngày 7.4.1931 trong một gia đình tiểu thương Hà Nội. Ông đã tạ thế hồi 22h20 ngày 5.11 do tuổi cao sức yếu. Ông là nghệ sĩ tiếng động hàng đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Nghệ sĩ Nguyễn Minh Tâm

Trước khi bước vào nghề làm tiếng động, ông đã từng tòng quân tham gia mặt trận Tây Tiến, tham gia chiến dịch thượng Lào, Nà Sản, Điện Biên Phủ…

Đến tháng 4.1954, ông chuyển ngành về làm diễn viên lồng tiếng của Xưởng phim truyện Việt Nam. Sau đó ông học nghề làm tiếng động và chính thức bắt đầu sự nghiệp vào năm 1970 và nhanh chóng trở thành người làm âm thanh giả quan trọng nhất của Hãng phim truyện Việt Nam.

Nghệ sĩ Nguyễn Minh Tâm tham gia rất nhiều bộ phim nay đã trở thành kinh điển của điện ảnh Việt Nam.

Phải kể tới Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (giải Hòa bình tại Liên hoan phim quốc tế Moscow); Bài ca ra trận (Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ III); Đến hẹn lại lên (Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam III, Liên hoan phim quốc tế Tiệp Khắc); Em bé Hà Nội (Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam III), Sao tháng tám (Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam IV), Ngày lễ thánh (Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam IV), Mối tình đầu (Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam V), Chị Dậu, Thị xã trong tầm tay…

Những nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam đều nói nghệ sĩ Minh Tâm đáng lẽ phải được phong tặng danh hiệu NSƯT và hơn nữa là NSND, nhưng đáng tiếc quy chế xét tặng danh hiệu không tính tới những người làm tiếng động cho phim.

Nếu nói về nghề làm tiếng động cho phim truyện nhựa thì rất gian nan khổ ải. Hãng phim truyện Việt Nam đã đào tạo ra rất nhiều biên kịch, đạo diễn, quay phim… nhưng chỉ đào tạo được vài người làm tiếng động. Và những người này thực chất tự học và truyền nghề cho nhau.

Nghệ sĩ Nguyễn Minh Tâm từ diễn viên, sau đó theo học nghệ sĩ tiếng động Ngô Nam, rồi mới thành nghề. Nghệ sĩ Minh Tâm sau đó đào tạo thêm “đệ tử” rất giỏi là nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Kiên (đã qua đời năm 2018), cũng như truyền nghề cho con gái là Minh Thu, nay đã trở thành người làm tiếng động chủ chốt cho phim truyền hình.

Quay phim Trần Đình Hiệp (Hãng phim truyện Việt Nam) hồi tưởng: “Minh Tâm là một người tính rất vui vẻ, gần gũi và cũng rất đào hoa. Sau Ngô Nam, ông ấy là người làm âm thanh cho hầu hết các phim truyện của Hãng Phim truyện Việt Nam từ năm 1970 trở đi, cho đến khi ông ấy về hưu năm 1990”.

Nguyễn Minh Tâm được phong là “vua tiếng động” ngoài việc có quá ít người theo đuổi lĩnh vực này, còn bởi ông là người đam mê và rất sáng tạo. Trong thời của mình, ông là “vua tiếng động” của đất Bắc, còn ông Bùi Văn Khánh là “vua tiếng động” của điện ảnh phía Nam.

Nhà quay phim Trần Đình Hiệp cho biết do đặc thù nên xưởng đạo cụ của dân làm tiếng động chẳng khác gì “kho đồng nát”. Nhưng chính những vật dụng chẳng đâu vào đâu đấy lại tạo ra những tiếng động đạt hiệu quả như thật cho phim nhựa.

Đạo diễn âm thanh Nguyễn Huy Căn cho biết năm 1984 ông mời nghệ sĩ Nguyễn Minh Tâm sang Nga làm phim Tọa độ chết. “Khi chúng tôi ra sân bay hải quan Nga kiểm tra va-li thấy toàn guốc, mành trúc, điếu cày… Tôi phải giải thích đó là dụng cụ để tạo tiếng động giả cho phim.

Sang Nga, các đồng nghiệp ở đây rất phục Minh Tâm cũng như sự nhạy cảm, tinh tế của ông với âm thanh. Họ không quan tâm tới bằng cấp mà chỉ quan tâm ai là người làm được việc mà thôi, đạo diễn Nguyễn Huy Căn hồi tưởng.

Đạo diễn Nguyễn Huy Căn cho biết để tạo tiếng lửa cháy lép bép, nghệ sĩ Minh Tâm đã lấy kim tiêm bơm nước vào ngọn nến đang cháy. Để tạo ra được đúng tiếng cót két của dây mái chèo cọ vào thuyền, ông Minh Tâm dùng miếng xốp. Để tạo ra tiếng chân của đoàn duyệt binh, ông miết tay lên cái khay bìa đựng trứng vịt…

Ngày 8-11, gia đình, đồng nghiệp, bạn bè đã đưa tiễn nghệ sĩ Nguyễn Minh Tâm về nơi an nghỉ cuối cùng. Hình ảnh nghệ sĩ Nguyễn Minh Tâm luôn sống hết mình với cuộc đời, tận tâm với nghề đã an ủi trái tim những người ở lại.

Nghệ sĩ Minh Tâm được an táng tại quê nhà ở Thường Tín, Hà Nội.

NGỌC DIỆP 

Theo TTO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *