Võ Hồng và tình yêu quê hương

VHSG- Cũng như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc của Nam Bộ mến yêu, Võ Hồng là nhà văn đã thể hiện được những bản sắc riêng của vùng đất Nam Trung Bộ. Trong Từ điển Văn học (bộ mới), tác giả T. Khuê và Nguyễn Huệ Chi nhận xét: “Võ Hồng là một nhà văn đôn hậu, yêu quê hương và con người…”.

Nhà văn Võ Hồng

Nhà văn Võ Hồng sinh năm 1923, quê ở làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Thuở nhỏ học ở trường huyện, trường phủ, ra Quy Nhơn học rồi sau đó đến tận Hà Nội học tú tài. Những năm kháng chiến chống Pháp, Võ Hồng tham gia công tác Bình dân học vụ, dạy học và làm Hiệu trưởng Trường Trung học Lương Văn Chánh của Phú Yên. Năm 1954, ông đưa vợ con về quê vợ ở Đà Lạt. Năm 1956, ông chuyển xuống Nha Trang và sinh sống bằng nghề dạy học ở các trường tư thục. Đến 1957, vợ ông qua đời, Võ Hồng một mình nuôi 3 con nhỏ, vừa dạy học vừa sáng tác văn chương. Tới nay, nhà văn đã có hơn 30 đầu sách đã in gồm hơn trăm truyện ngắn và 8 tiểu thuyết, truyện dài; có nhiều tác phẩm được tái bản. Võ Hồng là nhà văn có vị trí chắc chắn trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, đặc biệt trong giai đoạn 1954-1975.

Truyện của Võ Hồng bao gồm nhiều đề tài khác nhau: Về hiện thực cuộc sống thời chiến tranh, về thân phận con người, về tình yêu… Nhưng bao quát và thành công nhất của ông vẫn là viết về quê hương, về những kỷ niệm của tuổi học trò. Đọc tác phẩm của Võ Hồng, có thể hình dung các vùng miền của Phú Yên, từ đèo Cả đến đèo Cù Mông, biển Mỹ Á, Sông Cầu, vùng Xuân Phước, Xuân Quang của Đồng Xuân…; làng Ngân Sơn của nhà văn với con sông Phường Lụa trong trẻo, những bến đò đông đúc, nhà thờ Mằng Lăng, chùa Châu Lâm… Trên những con đường quê nối liền An Thạch với An Thổ, An Dân, An Mỹ; vẫn là bóng dáng của những người nông dân lam lũ, cần cù, suốt đời gắn bó với đất.

Nói đúng hơn, quê hương không chỉ là đề tài. Quê hương còn là máu thịt, là tâm niệm của nhà văn Võ Hồng. Ông có lần nói:

“Nếp sống của quê tôi chưa hề được nhà văn nào nhắc đến… Thế hệ của chúng tôi bị chiến tranh tàn phá quá nhiều, một số lớn đã chết, những nếp sống cũ lần lượt bị xóa đi, thay thế bằng nếp sống mới. Tôi nghĩ rằng nếu tôi dâng trọn cả cuộc đời của tôi để dựng lại cái dĩ vãng đó cũng vẫn còn chưa đủ… Vậy viết về những kỷ niệm dĩ vãng tôi nhằm vào việc lấp một cái hố trống. Tôi muốn các thế hệ đàn em có dịp để thiết tha gắn bó với quê hương hơn…”(1).

Tiểu thuyết Như cánh chim bay là truyện dài nhất của nhà văn Võ Hồng được nhiều người biết đến, có nội dung chính nói về lịch sử kháng chiến và con người Phú Yên. Luân, Quỳ… những nhân vật chính của tác phẩm cũng là nhân vật đã xuất hiện trong tiểu thuyết Hoa bươm bướm (viết trước đó), đã vượt một chặng đường dài đầy bom đạn về đến quê của Luân – vùng kháng chiến và sống cùng với những người dân quê mình. Truyện mô tả đầy đủ những phong trào chống giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Cảnh phá đường, tập huấn quân sự, canh gác; cảnh tăng gia sản xuất, trồng khoai lang bồ, trồng bí, trồng sắn; cảnh dạy học đóng cổng đố chữ của phong trào bình dân học vụ, cảnh đi xe goòng… diễn ra sống động trong suốt tác phẩm. Võ Hồng miêu tả sự vận động của lịch sử chính bằng những đổi thay trong cuộc sống và nếp sinh hoạt của người dân.

Tập truyện ngắn Hoài cố nhân là tác phẩm được in đầu tiên của Võ Hồng. Hoài cố nhân còn là nỗi hoài cố hương, là những kỷ niệm trong trẻo, hồn nhiên của tuổi học trò.

Có thể nói đứng ở góc độ nào Võ Hồng cũng để tâm hồn mình trở về với quê hương, cội nguồn và ông thể hiện điều đó trên từng trang viết như sức hấp dẫn của một lực hút. Một đứa trẻ xa quê nhớ về cha mẹ, tổ ấm gia đình (Nhánh rong phiêu bạt), một ông ngoại luôn để trí nhớ lãng đãng trôi về cố hương và những ngày xưa cũ (Ông ngoại của bạn tôi). Luân trong Hoa bươm bướm, Nhàn trong Gió cuốn, Tuyết trong Khoảng trống sau lưng đều trăn trở với tình yêu quê hương của mình…

Ai xa quê, ngày tết đọc Ngày xuân êm đềm của Võ Hồng mà không xúc động, bùi ngùi nhớ đến “hàng vạn thọ trồng quanh mép sân nhà”. Ở quê, nhà nào cũng trồng trước sân hoa vạn thọ và cây hoa dân dã, trang nghiêm này chính thức khai mạc cho không khí tết:

Cùng với dãy cúc vạn thọ, cái tết cũng như lớn dần manh nha từ đầu tháng mười một với những cơn mưa nhẹ, mưa gieo cải; cái tết thấp thoáng mơ hồ với những rò cải, ngò, xà lách, tần ô nằm vuông vắn ở hầu hết mọi sân nhà” (2).

Hình ảnh của pháo tre, đèn chai… giờ đã lui vào quá khứ nhưng nó đã “hóa tâm hồn”, thành hoài niệm tha thiết trong văn Võ Hồng.

Nhà văn cho rằng quê hương đồng nghĩa với cội nguồn và là chỗ dựa về tinh thần cho mỗi con người. Bị bứt khỏi ruộng vườn, con trâu, cái cày, những người dân quê trở nên lạc lõng, tội nghiệp. Và trong mệt mỏi, bất an… của cuộc sống hiện tại, những người dân quê càng hướng về “chốn cũ”, càng da diết với mảnh đất quê nhà. Những nhân vật người nông dân như ông Túc trong Tình yêu đất, bà Xự trong Bên đập Đồng Cháy, Năm Nhiều trong Thế giới của Năm Nhiều, cô Ba Hường trong Dấu chân sa mạc… là những người dân quê thân quen mà ông đã từng biết, đã từng sống với họ. Đó cũng là những chân dung văn học thành công nhất của Võ Hồng.

Văn chương Võ Hồng không gây nên những cuộc tranh luận bàn cãi nhưng bền bỉ và nhất quán. Viết về quê hương, Võ Hồng bắt đầu bằng một tình yêu ruột thịt như con với mẹ. Mở rộng thêm một chút còn là ý thức lưu giữ một nếp sống, một nền văn hóa, làng mạc của người miền Trung mà ít người biết đến.

Những ngày cuối năm đến nhà số 51 Hồng Bàng, Nha Trang thăm nhà văn Võ Hồng, tôi có cảm giác thật xót xa khi nhìn ông trên giường bệnh và đang chìm dần vào cõi quên. Không biết trong chốn u minh của tiềm thức, ông có nhìn thấy quê hương Phú Yên và tiếng gọi đò xưa cũ!

Cuối năm Nhâm Thìn 2012

PGS.TS NGUYỄN THỊ THU TRANG

__________

(1) Trả lời phỏng vấn của Nguyễn Nam Anh, Tạp chí Văn số 299 ra ngày 1/9/1972

(2) Ngày xuân êm đềm, trích trong tập Lá vẫn xanh, trang 57

* Nhà văn Võ Hồng qua đời ngày 31/3/2013 tại nhà riêng ở Nha Trang

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *