Thi sĩ Võ Vân tên đầy đủ và cũng là bút danh Võ Thị Thúy Vân, sinh ra ở xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây, thời cổ xưa gọi là Cồn Nhâm. Xã có đầm Vĩnh Tú, đảo Song Ngư ở ngoài khơi, cảnh đẹp chiều về thuyền cá, thuyền buôn tấp nập. “Song Ngư hí thủy” và “Đan Nhai quy phàm” là hai cảnh nổi tiếng trong Nghi Xuân bát cảnh, quê hương của nữ thi sĩ họ Võ, hậu thế của “bảy họ tám nhà” đến định cư, lập làng nơi hải tần. Tuổi thơ và cuộc đời của Võ Vân gập gềnh, trắc trở với nhiều nỗi trân chuyên.

Tôi gặp thi sĩ Võ Vân lần đầu tại nhà cô bạn cùng học cấp 3 phổ thông trung học Nguyễn Du, trong dịp ngày lễ 20.11, kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, cách nay 8 năm. Cuộc gặp gỡ tình cờ này để lại ấn tượng qua lời bạn tôi nguyên thủ trưởng của Võ Vân, để lại ấn tượng sâu sắc về cô. Tôi biết Võ Vân là một giáo viên dạy văn, con gái của một liệt sĩ hi sinh trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Rằng Võ Vân chưa một lần thấy gương mặt người cha tôn kính thương yêu của mình. Ngày mẹ vượt cạn, em cất tiếng chào đời cũng là ngày đau thương của mẹ khi nhận được hung tin người chồng của mẹ, người cha của cô bé sơ sinh đã ngã xuống chiến trường.
Sau đó tôi lại gặp Võ Vân trong cuộc Hội nghị của Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Nghi Xuân tổ chức rồi cùng sinh hoạt trong “ngôi nhà chung” của Chi hội thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh. Chi hội là mảnh đất tốt cho các thành viên hoạt động, trao đổi nghiệp vụ, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn ở các chuyên ngành thơ, văn xuôi, hội họa, lý luận phê bình, văn học dân gian…
Tôi đã đọc tác phẩm “Đổ nhớ ra phơi”, tập thơ đầu tay của nữ thi sĩ Võ Vân và nhiều bài thơ của cô trên trang facebook cá nhân Võ Vân. “Đổ nhớ ra phơi”, khá thú vị, để lại ấn tượng cho người yêu thơ. Nay lại được đọc “Hoàn tục… em”, tập thơ thứ 2 của nữ thi sĩ tuổi con rồng. Đọc tác phẩm mới của nàng Rồng ẩn mình trong lớp bụi thời gian, càng đọc càng thú vị với những trải nghiệm cuộc sống của bản thân tác giả.
Tập thơ dày 120 trang, khuôn khổ 13 x 20.5, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, quý 2 năm 2021. Nhà lý luận phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên viết đề tựa. Tác phẩm gồm có 63 bài, viết theo nhiều thể loại thơ tự do, lục bát, ngụ ngôn. Chủ đề viết về tình cảm gia đình – xã hội như cha, mẹ, con cái, bạn hữu và tình cảm quê hương, đất nước, cuộc sống diễn ra xung quanh tác giả. Trong đó nổi bật là tình cảm tác giả dành cho thân phận người phụ nữ hiện tại. So với tập “Đổ nhớ ra phơi”, thì “Hoàn tục… em” không còn những khắc khoải, dằn vặt, quặn lòng buồn chán nữa, thay vào đó là hình ảnh người phụ nũ hiện đại, buông bỏ…

Hoàn tục, nghĩa là người tu hành trở về cuộc đời trần tục, buông bỏ sự trói buộc, về với tự do, với bản thân đối với “em”. Người phụ nữ trong thơ: “Dặn lòng theo trọn đường tu / Ai dè dạ cứ ngẩn ngơ chốn phàm/ Trách người lõa thể hồng hoang/ Để ta hoàn tục cho toàn chân như”. (Hoàn tục).
Tình cảm gia đình là một chủ đề đặc sắc, đậm tình người. Những vần thơ viết về tình phụ tử lấy được nước mắt bạn đọc. Ngày con chào đời, người mẹ nhận hung tin chồng mẹ, người cha trẻ sơ sinh hi sinh trên chiến trường: “Hạnh phúc vỡ òa khi mẹ sinh con/ Hai mươi chín tháng Mười/ Một chiều Thu bảy sáu…/ Cũng là ngày đau đớn chia ly / Mẹ nhận hung tin đơn vị gửi về / Giấy báo tử còn hằn in nét mực / Mẹ đặt tên con như lòng Ba mong ước/ “Áng Mây Hồng”- em nhé, tên con” (Ba ơi). Thật có đau đớn nào hơn khi niềm vui “vỡ òa” của mẹ nghe tiếng khóc chào đời của con mình lại nhận “hung tin” người chồng bà hi sinh trên chiến trường, vĩnh viễn, xa rời cõi dương thế nhân gian.
Những vần thơ tác giả viết về mẹ khá nhiều như bài: “Mẹ già như chuối ba hương”. Câu chuyện kể, con gái qua sông đi lấy chồng xa, người “mẹ nghèo mất con”, cứ “héo mòn” lo lắng số phận con gái đi làm dâu nhà người. Những vần thơ chứa chan tình cảm dành người mẹ sinh ra, “tóc bạc lưng còng”, “một đời tần tảo thờ chồng nuôi con” hai vai gánh nặng vừa làm mẹ, vừa làm cha nuôi dưỡng, dạy dỗ người con khôn lớn, trưởng thành.: “Ba đi xa đã lâu rồi/ Mảnh mai thân mẹ dãi dầu nắng mưa / Quê nghèo nước mặn đồng chua/ Cấy cày gặt hái chiêm mùa quanh năm”… Ở đời hiểu lòng mẹ không ai bằng con. Và ai thương con bằng mẹ: “Mẹ thương con phận cút côi / Quản chi gian khó dù đời đắng cay/ Mong con khôn lớn từng giây / Mẹ con hôm sớm tháng ngày bên nhau.” (Mẹ tôi). Những tâm sự của người mẹ nói về hạnh phúc, những thông điệp về cuộc sống các con cần biết: “Mẹ đâu biết cuộc đời đã khác / Nắng hôm nay mai lại mưa rồi/ Mẹ dẫu biết tình đời đen bạc/ Giũ sạch bao lần than chẳng thành vôi! Hạnh phúc là gì? Mẹ vịn vào các con…/ Vịn vào đời để thấy mình trẻ lại / Hạnh phúc là MẸ CÓ CÁC CON. (Nói với con).
Mảng tác phẩm viết về thiên nhiên quê hương, khúc ruột miền Trung nhiều nắng nóng hạn hán, mưa nhiều lũ lụt triền miên, về những nét đẹp quê hương cũng khá nhiều. Tác giả có những câu chữ với tâm trạng day dứt, đau đớn khi nghe tin lũ lụt: “ Đau lòng chứng kiến cảnh quê ta / lũ lụt tan hoang mất cửa nhà”. (Đau lắm miền Trung ơi). Những cảnh “buồn” khi một con sông bị ô nhiễm khi thảm họa môi trường đang là vấn nạn của đất nước và thế giới, quê hương thi sĩ cũng không ngoại lệ, khiến hồn thơ khắc khoải: “Sông quê nay đã đục ngầu nước dơ/ Ngọt lành tắm mát tuổi thơ/ Giờ trong ký ức để ngơ ngẩn thèm” (Sông quê). Niềm vui vỡ òa, khi những cảnh sinh hoạt đời thường, thi sĩ có cái nhìn thân thiện, giản dị, chan hòa mang màu sắc văn hóa cộng đồng làng Việt: “Tiếng quê hương là kẽo kẹt đưa nôi/ Ngây ngấy bùi bùi mùi khoai nướng mới/ Ngai ngái hương thơm tóc hoa bưởi gội/ Ngai ngái nồng nồng thuốc lá hương phơi” (Nghĩ về quê).
Tập thơ còn viết về nhà thơ Hoàng Cầm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, về những sự việc diễn ra quanh ta. Tuy nhiên trong bài viết ngắn này không thể đề cập hết. Khép lại tập thơ nhà Lý luận phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên đánh giá: “Trên mặt bằng đời sống thi ca hiện nay của nước ta, “Hoàn tục… em” là tập thơ khá về mọi phương diện, rất đáng đọc, đặc biệt rất giàu chất suy tư về thân phận người phụ nữ”… hiện nay.
Nghi Xuân tháng 6.2021
ĐẶNG VIẾT TƯỜNG