Bóng mẹ – bóng tình yêu trùm phủ những giấc mơ

VHSG- “Bóng mẹ” do Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2019 là tập thơ đầu tay của Hoàng Cẩm Nga, tên khai sinh là Quách Thị Mười, sinh năm 1972, tại Sơn Tây thành phố Hà Nội. Chị là Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, từng là học viên Lớp Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khoá X – Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện nay là Phó giám đốc Kinh doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển FIT Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Diễn đàn Văn thơ Xây dựng, Uỷ viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tác Văn học Hồ Gươm trực thuộc Trung tâm Văn hoá thành phố Hà Nội.

Hoàng Cẩm Nga có sở thích viết văn xuôi, bao gồm ký, tản văn, tạp văn và truyện ngắn, nhất là về những vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước đăng tải trên trang facebook cá nhân của mình. Nhưng thực ra chị đã đến với thơ từ rất sớm, với những bài thơ đầy ắp kỷ niệm thuở học trò ngây thơ mơ mộng và những hoài vọng về tình yêu chớm nở trong trái tim non trẻ. Mãi đến năm 2016 chị đi học Lớp Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khoá X, bài thơ “Anh có về ” được đăng tải trên tạp chí Lang Biang thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng, và đến tháng 4 năm 2019, chùm thơ ba bài “Xuân đã về”, “Cho dòng sông tóc biếc màu tóc đen”“Loa kèn tháng Tư” viết cho ngày sinh nhật của mình đăng trên báo Người Hà Nội, cùng một số bài thơ khác in trong các tuyển thơ của Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, thì Nàng Thơ mới thực sự bừng thức trong trái tim nồng cháy của chị và nhanh chóng trở thành niềm hứng khởi như một duyên nợ bén quyện với cuộc đời. Trong một khoảng thời gian rất ngắn, chị đã hoàn chỉnh bản thảo tập thơ “Bóng mẹ” như một thôi thúc nội tâm kính ngưỡng dâng lên người mẹ thân yêu của mình Hoàng Thị Hoa như một nén tâm nhang sau 28 năm mẹ rời xa cõi tạm. Tôi có may mắn được Hoàng Cẩm Nga tin cậy trao cho bản thảo tập thơ này với tư cách là người tổ chức bản thảo, làm việc với Nhà xuất bản Hội Nhà văn, với hoạ sĩ Văn Sáng và trực tiếp quan hệ với nhà in triển khai việc in ấn, để hôm nay “Bóng mẹ” – đứa con tinh thần đầu lòng của tác giả thơ Hoàng Cẩm Nga đến với bạn đọc.

Nhà thơ Hoàng Cẩm Nga

Tôi đã đọc khá kỹ bản thảo tập thơ này và không khỏi ngỡ ngàng bởi sự hấp dẫn của nó. Chính khổ cuối của bài thơ “Bóng mẹ”: “Ơi tiếng mẹ thân thương từ thuở ấy / Ấm áp trong con tới bây giờ / Hít hà rinh rích trời xác tín / Bóng mẹ phủ trùm những giấc mơ” đã mách bảo, gợi mở cảm hứng cho tôi viết bài cảm nhận về tập thơ này với tựa đề “Bóng mẹ – Bóng tình yêu trùm phủ những giấc mơ”, mà tôi đoan chắc rằng đó là một thông điệp tâm hồn, thông điệp tinh thần Hoàng Cẩm Nga mong muốn gửi tới bạn đọc qua đứa con tinh thần đầu lòng của mình.

“Bóng mẹ” bao gồm 45 bài thơ, được kết cấu thành ba lát cắt lớn, hay ba mảng: Mẹ – Quê hương, gia đình, bản thân – Tình yêu, hợp thành một chỉnh thể cảm thức dưới sự chở che và toả chiếu của “Bóng mẹ“, để từ đó thấu nhận về cuộc đời, cuộc người, nỗi người, tình người, tình đời và tình yêu, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Trước hết, Hoàng Cẩm Nga dành 9 bài thơ đầu tiên trong tập để giãi tỏ lòng mình đối với người mẹ mà chị hàng ngày trước đây vẫn gọi là “bầm” sau 28 năm xa cách âm dương. Đó là các bài: “Xuân đã về”, “Chỉ cỏ thôi”, “Ngày mẹ về cõi thiên thu”, “Ngày mai giỗ đầu mẹ”, “Bóng cau”, “Về quê”, “Gửi mẹ chùm hoa sấu tháng Tư”, “Hai tám năm xa mẹ” và “Bóng mẹ“. Hình tượng nghệ thuật chủ đạo bao trùm trong mảng thơ này là một bà bầm rất riêng của Hoàng Cẩm Nga hiện hữu như một ảnh tượng sống động chịu thương chịu khó, sẵn sàng hy sinh bản thân, cần cù nhẫn nhịn, yêu chồng, thương con tha thiết, tất cả vì con cho con, thấm đẫm văn hoá xứ Đoài, một vùng trung du in đậm trong thơ Quang Dũng: “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em đã bao ngày em nhớ thương” và “Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng“, cũng như trong thơ Ngô Quân Miện: “Một mảng Thành Sơn không cũ giữa tim người“, bằng bút pháp truyền thống thông qua hồi cổ, tưởng tượng và đồng hiện. Mặc dầu hình ảnh người mẹ xuất hiện không nhiều, nhưng qua nỗi đau mất mẹ, Hoàng Cẩm Nga đã khắc hoạ hình bóng mẹ sống động thoắt ẩn, thoắt hiện trong từng dòng thơ với lòng biết ơn thấm thía và sâu sắc.

Trong nỗi đau “Mẹ về chín suối ai chăm mẹ / Xa xót lòng con nhớ xiết bao” và “Con mồ côi mẹ… mồ côi mẹ / Báo hiếu mẹ giờ chỉ cỏ thôi”, chị bồi hồi nhớ về ước mơ của mẹ:

“Con sinh ra giữa một hoàng hôn

Mẹ bảo từ đây sẽ hết buồn

Gánh gồng khuya sớm thêm mơ ước

Hạnh phúc đong đầy với cháu con”.

Trong niềm xót xa “Ngày mẹ ra đi chiều mưa tầm tã / Đàn con từ đấy mồ côi” và “Đau đớn vắt ngang chiều bóng xế”, chị “lao nhanh về phía cửa nơi mẹ đang nằm“, trong khoảnh khắc bừng ngộ, nhận ra sự mất mát không gì bù đắp được qua “tiếng chổi tre” và “mùi cháo trắng“:

Con nghe tiếng chổi tre sột soạt

Và chỉ còn mùi cháo trắng ninh bằng gộc muôi!”.

Nghĩa là từ nay “tiếng chổi tre sột soạt” của mẹ hàng ngày cần mẫn chăm chút cho cái gia đình thân thương nhỏ bé, cho đàn con ấu thơ sẽ vĩnh viễn không còn nữa. Nghĩa là từ nay “mùi cháo trắng” mẹ nấu cho các con trong ngày giáp hạt cũng sẽ vĩnh viễn không còn nữa, làm sao có thể dùng “gộc muôi” chuôi thìa nhôm to đốt lửa thay củi nấu được nồi cháo có mùi thơm của tình mẹ như khi mẹ còn trên cõi đời này. Hai thi ảnh hết sức giản dị và thân gần mà có sức mạnh lay thức tâm hồn biết bao!

Tập thơ “Bóng mẹ” của Hoàng Cẩm Nga

Chính vì thế mà với Hoàng Cẩm Nga, từ góc nhỏ sâu kín của trái tim đơn côi thiếu mẹ của mình, mẹ trở thành biểu tượng hết sức cao đẹp và trong sáng:

Mẹ là bầu trời

Không màu xanh thắm

Cho đám mây u ám

Cho ngọn gió buồn lang thang

Cho vết thương không liền sẹo”.

Mẹ không đòi hỏi điều gì cho mình, chỉ lo chăm chút cho con, để khi mẹ từ giã cõi đời đọng lắng lại bao thương nhớ:

Giàn trầu không nhớ mẹ bỗng dưng khô héo

Cây ổi sau nhà nhớ mẹ buồn không muốn trổ bông

Con cá rô cờ dưới ao uế oải ngày đông

Đàn gà con nhớ mẹ không buồn nhặt tấm…”.

Và:

“Nay xa mẹ buồng cau thành côi cút

Nắng guộc gầy chiêm chiếp gọi mẹ ơi”.

“Quả già chín đua chen chờ tay mẹ”, v.v…

Chính vì thế nỗi nhớ mẹ trong lòng Hoàng Cẩm Nga không bao giờ nguôi ngoai, luôn hiện về trong “chùm hoa sấu tháng Tư” yêu thương, trong “đường quê mặc áo vàng” thân gần, trong “Chê lũ đòng đong mải ham chơi / Giễu khoai giun dãi ngày giáp hạt / Nhại tiếng cơm sôi miệng con cười”, trong “Xập xèng lát sắn nắng cong trưa”, trong “Nhà ai cạo cháy đáy nồi bén”, trong “Ông mặt trời xếch xô vòm nhớ“, trong “Áo tơi lá bảo con ngày mai mẹ ra đồng / Những rảnh mạ tung tăng ngồi chồm hỗm/ Chờ mẹ về sau mộ cuối chiều đông“, và đặc biệt sâu đậm là trong “Ngày giáp hạt anh em con ngồi bậu cửa / Tay mẹ xới cơm chia cho chúng con, một nắm gói cho thầy / Nhìn miếng bẹn cháy cõng củ khoai mẹ bảo: / – Các con ăn đi học, mẹ no rồi biết không?“. Tôi đã ứa nước mắt khi đọc những câu thơ trên như nhận ra chính bóng dáng mẹ mình và bồi hồi nhớ đến những câu thơ lục bát của nhà thơ đồng hương Hà Nam Trúc Thông viết về mẹ trong bài thơ “Bờ sông vẫn gió“:

Xin người hãy trở về quê

một lần cuối… một lần về cuối thôi

về thương lại bến sông trôi

về buồn lại đã một đời tóc xanh

lệ xin giọt cuối để dành

trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha

cây cau cũ giại hiên nhà

còn nghe gió thổi sông xa một lần

 

Con xin ngắn lại đường gần

một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi”.

Bóng mẹ” của Hoàng Cẩm Nga là bóng yêu thương, thâm trầm, đậm đà, sâu lắng, trùm phủ những giấc mơ người của đời chị và suy rộng ra cũng là của chúng ta. Nếu để phai nhoà bóng đó, mai một bóng đó là đánh mất văn hoá Mẹ Việt, cũng đồng nghĩa đánh mất văn hoá Việt. Theo tôi thiển nghĩ, thông điệp ngoài lời của ý thơ, tình thơ phải chăng còn được hé lộ ở ý tứ thầm kín này trong “Bóng mẹ”?

Lát cắt lớn thứ hai của “Bóng mẹ” là cảm thức của Hoàng Cẩm Nga về quê hương Sơn Tây, về gia đình, bạn bè, con cái và bản thân. Đây cũng là phần rất quan trọng tạo nên tiếng thơ chị. Xin bạn đọc tự cảm nhận và chia sẻ, đặc biệt là với các bài “Về miền mây trắng“, “Gửi Lớp Viết văn Nguyễn Du khoá X của tôi”. “Nắng Phú Quốc”, “Loa kèn tháng Tư”, “Gửi con gái”, “Người đàn bà làm thơ” và “Khát tôi“. Trong “Khát tôi”, với “Xót xa lập trình gai góc / Liêu xiêu thẳng đáy nảy mầm” và “Khờ khạo cát tan trong đáy/ Tôi giờ rời rạc chính tôi!“, là đã có một sự chuyển đổi thi pháp, một sự tìm kiếm mới rất đáng được khuyến khích.

Lát cắt lớn thứ ba trong “Bóng mẹ” là cảm thức của Hoàng Cẩm Nga về tình yêu được bộc lộ đầy ý vị qua các bài: “Anh có về“, “Hai nhà sát vách”, “Phần em chút nhớ”, “Đêm Đà Thành”, “Viết cho tuổi bốn tư”, “Dấu thời gian”, “Ánh chiều xuân”, “Mùa hoa sữa”, “Bao giờ xoá hết nợ nần trần gian”, “Cho dòng sông tóc biếc màu tóc đen”, v.v… Đây là những bài thơ viết theo thi pháp truyền thống mượt mà, uyển chuyển, nghiêng về “vực nhạc“. Bài lục bát bốn câu “Viết cho tuổi bốn tư” như vè mà nên thơ:

Bốn tư em vẫn mặn mà

Bốn tư vẫn khoẻ chưa già toàn thân

Bốn tư em vẫn đầy xuân

Bốn tư em vẫn rất cần… cúc cu!”.

Không hiểu ở tuổi bốn bảy này của một thiếu phụ khá thành đạt, chị có còn “rất cần… cúc cu!” như cách đây ba năm không, nhưng rõ ràng những bài thơ gần với thơ Bút Tre hiếm hoi như thế này trong tập vẫn rất cần cho đời sống của chúng ta hiện nay với tư cách là món ăn tinh thần. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh một giọng điệu thơ mới viết về tình yêu đã xuất hiện trong tập thơ “Bóng mẹ“. Đó là các bài “Ngoài chồng vợ”, “Đêm mơ màng”, “Gối đợi”, “Đêm tháng Ba”, “Em có bằng lòng”, “Đáy mồ côi“. Tôi cho rằng đây là những bài thơ được viết theo thi pháp hiện đại, những tầng ý ẩn sâu dưới đáy chữ, tạo nên những dư ba sâu lắng trong lòng người. Nếu thi pháp này trở thành một sở trường của tác giả thì chắc chắn Hoàng Cẩm Nga sẽ tạo nên bước phát triển mới trong hành trình thơ chị. Những “Dây chuyền không phải nhẫn / Không phải để đính hôn thành chồng vợ / Dây buộc đời ta với nhau“; những “Không như một thi sĩ ngậm em trong miệng/ Ta uống em trong tưởng tượng em tan thành nước / Không phải là ba phần tư nước mắt / Mà là bốn phần tư nước nguồn / Nước chắt từ máu thịt tình yêu“; những “Vách đá mỏm xanh bỗng nảy mầm / Sột soạt giao mùa môi mắt thức / Bồng đảo đôi gò gối đợi trông“; những “Có chú chim vừa mở mắt / Nụ gạo đơm bông lập loè / Chim vỗ cánh trên đồng cỏ / Du ngoạn bầu trời xanh non… / Nụ gạo đỏ miền khát đợi / Chim ơi ai bảo chim già / Sông em đôi bờ xao xác / Lửa cháy bùng đêm tháng Ba” đậm màu seex và những “Gió xối bờ vai ngực nõn / Rưng rức tôi chìm mắt tôi / Nắng ngập đôi bờ rừng rực / Bơ vơ từ đáy mồ hôi”, v.v… đã hé lộ điều tôi mong ước trên đây.

Thần Siêu, tức Nguyễn Văn Siêu đã khẳng định “Văn chương có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người, loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương“. Và nhà lý luận phê bình văn học Viên Mai (đời Thanh Trung Quốc) cũng đã từng chỉ rõ: “Trong thơ ý tứ như ông chủ, còn ngôn ngữ chỉ như đầy tớ. Một khi đã không có ông chủ thì lũ đầy tớ có ăn diện áo đẹp cũng chẳng để làm gì“. “Bóng mẹ” của Hoàng Cẩm Nga đã phần nào thực hiện được những điều chỉ bảo trên đây, khiến tôi mạnh dạn viết bài giới thiệu tập thơ này của chị. Tuy nhiên, trong “Bóng mẹ” không phải không còn những bài chưa chuyên chú ở con người và ở một số bài thơ viết theo thi pháp truyền thống, “lũ đày tớ” ngôn ngữ vẫn muốn thế hiện vẻ phong lưu của mình, làm cho những bài thơ đó dàn trải, dễ dãi, ít lắng đọng. Rất mong Hoàng Cẩm Nga ở những tập thơ sau rút kinh nghiệm và “thôi xao” kỹ lưỡng hơn.

Xin bày tỏ sự đồng cảm và chia sẻ với tác giả “Bóng mẹ“. Chúc mừng đứa con tinh thần đầu lòng của Hoàng Cẩm Nga và xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 Phố Vương Thừa Vũ – Hà Nội, đêm 23-6-2019

QUANG HOÀI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *