Bút ký của Ngân Hằng: Chuyện kể của người bác sĩ vùng cao

Công tác ở một bệnh viện huyện miền núi 27 năm, có 7 năm làm phó giám đốc, 15 năm giữ chức giám đốc và là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, mới đây nhất, chị được tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, đó là tất cả những gì tôi biết về chị Trương Thị Mầu, một bác sĩ vùng cao.

Nhà văn trẻ Ngân Hằng

Chuyện không phải riêng mình…

Bệnh viện đa khoa huyện Bá Thước nằm khép mình ở thị trấn Cành Nàng. Một cơ ngơi khiêm tốn, nếu không muốn nói đã có phần cũ kỹ, bao trùm lên là  màu xanh mát mắt của cây cối và núi rừng. Bên này, tiếng bước chân rầm rập, bên kia, tiếng gọi xen lẫn tiếng khóc hời của trẻ con, người thì xếp hàng, người thì cố chen lên. Ở bàn đăng ký khám bệnh, những gương mặt còn khá trẻ mặc áo blouse nhễ nhại mồ hôi, không kịp lau đi,  vì những tiếng giục của người bệnh. Trước đây, tôi có dịp đến một số bệnh viện tuyến huyện, nhưng hầu như bệnh nhân thưa thớt, thậm chí, cán bộ nhân viên còn tranh thủ ở nhà làm thêm kinh tế cho gia đình. Nhưng với Bá Thước, một huyện miền núi cách thành phố Thanh Hóa 120 km, sinh sống trên địa bàn chủ yếu là người dân tộc, thì cường độ làm việc của các y, bác sĩ ở đây rất cao. Dù đã căn vào giờ nghỉ trưa, để có dịp chuyện trò riêng với bác sĩ Trương Thị Mầu, vậy mà khi đến nơi, dường như chị không còn nhiều thời giandành cho tôi.

Sinh ra và lớn lên ở xã Lương Ngoại (Bá Thước – Thanh Hóa), 18 tuổi, cô gái người dân tộc Mường Trương Thị Mầu nức tiếng là người học giỏi. Nhà có sáu chị em, nghèo và đói, lo cái ăn còn chưa đủ, nói gì đến học. Khái niệm nghề y đối với cô thật sự mờ nhạt. Sau khi học song chương trình bổ túc văn hóa, Trương Thị Mầu lại “lỡ” nghe lời rủ rê của bạn bè, nên nộp đơn vào Trường Đại học Y Thái Bình. Thời ấy, đất nước chiến tranh liên miên, cô cũng như những trai gái trong bản vừa đủ tuổi “lớn” đã hăm hở viết đơn vào bộ đội. Khi giấy báo nhập học lại đến sớm hơn giấy gọi nhập ngũ, lòng cô gái Mường dao động, giữa một bên là hoài bão tham gia đánh giặc, một bên là lời căn dặn của dân làng rằng “Mày là người đầu tiên đi ra khỏi bản so cái chữ với người miền xuôi, việc nhà để dân bản lo, cố gắng mà học làm bác sĩ”. Vậy là mang theo xoong nồi, xô chậu, chăn màn, Trương Thị Mầu xuôi xe ô tô lên đường nhập học. Sau sáu năm xa nhà, xa quê hương, năm 1982, Trương Thị Mầu tốt nghiệp đại học y và hăm hở trở về với núi rừng, với những người dân Bá Thước.

Ngày 1/1/1983, chị nhận quyết định công tác tại Bệnh viện huyện Bá Thước và chỉ 4 tháng sau, chị “va” ngay một trường hợp đặc biệt và trở thành kỷ niệm suốt cuộc đời làm thầy thuốc của chị. Đó là trường hợp bệnh nhân tên là Bùi Thị Châu chửa ngoài dạ con. Thời gian này, đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, thiếu thốn đủ bề. Tủ thuốc của bệnh viện hầu như lúc nào cũng trống hơ trống hoác. Việc mổ xẻ đối với một bệnh viện vùng cao khi ấy là việc không tưởng, bởi ngay cả đến tiền lương của cán bộ nhân viên, bệnh viện cũng không đủ trả, phải vào dân vay thóc lúa, lương thực qua ngày. Cho nên, theo thường lệ, ban giám đốc quyết định chuyển chị Châu về tuyến tỉnh. Nhưng lúc đó, bệnh nhân đã mất nhiều máu, nằm quay quắt một chỗ, mặt trắng bệch. Nếu không được mổ kịp thời, bệnh nhân sẽ nguy tới tính mạng. Trước hoàn cảnh đó, một bác sĩ còn trẻ, tay nghề còn non như chị lại là người đề nghị với giám đốc:

– Hãy để cháu mổ cho chị ấy.

Vừa nghe chị nói xong tất cả mọi người đều giật mình sửng sốt:

– Mổ sao được, lỡ có chuyện gì mang tiếng cả viện ra.

– Không mổ để chị ấy chết sao? Có thế nào, cháu hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Thấy thái độ của chị kiên quyết quá nên ban giám đốc đồng ý. Trong ca mổ, gương mặt những người xung quanh lúc đó đều toát mồ hôi, căng thẳng, hồi hộp theo dõi ca mổ do chị Mầu thực hiện. Có người thương cảm lấy khăn lau nhẹ vầng trán của chị mà tay run run. Loay hoay mãi cũng xong. Lúc này, nỗi sợ hãi trong lòng chị mới trỗi dậy. Sợ là bởi chưa một ai trong viện dám cầm dao mổ, chị chỉ là một sinh viên mới tập tễnh về, liệu rồi sau ca mổ, chị có được tiếp tục khoác chiếc áo blouse nữa không, hay mảnh bằng tốt nghiệp kia sẽ mãi chỉ là một tờ giấy chứng nhận vô giá trị. Những băn khoăn và suy nghĩ đó cứ bám riết lấy Trương Thị Mầu mãi cho tới khi chị Châu hồi tỉnh, có thể nói lời “cảm ơn”. Như đứa trẻ bị ấm ức, chị òa khóc tức tưởi, giọt nước mắt xen lẫn nụ cười hạnh phúc và những xúc cảm chỉ riêng chị mới hiểu.

Tháng 8/1983, chị khăn gói xuống tỉnh học ngoại khoa. Năm 1984, vừa chân ướt chân ráo trở về, chị lại một lần nữa được thử thách. Vào một buổi trưa hè tháng 6, mặt đất bốc lên ngùn ngụt gió nóng, cây cối xạm lá, mọi vật như tan ra dưới cái nắng chói ngắt ấy. Xa xa, đoàn người rầm rập kéo về cổng viện, tiếng khóc lẫn tiếng xôn xao vọng lại, xáo xác. Rất nhanh, chị nhận ra họ đang khiêng cỗ máy làm gạch, kinh sợ hơn nữa là hình ảnh của một thanh niên nhăn nhó kêu la rất thảm, bàn chân anh bị cuốn tròn theo bánh xe răng cưa đánh đất, mà không phân biệt được đâu là da thịt, đâu là đất, một mầu đỏ loang thẫm xuống nền nhà. Tiếng chị vợ thất thanh:

– Cứu… cứu… chồng tôi với bác sĩ ơi…

– Chị bình tĩnh. Chúng tôi sẽ cố gắng… Mầu đâu nhỉ? Có cách nào không?

Nghe vị giám đốc hỏi, lúc đó, chị đang rất lúng túng, bởi lần đầu tiên chị thấy một cảnh tượng hãi hùng như thế. Chị hơi giật mình, nhìn chị vợ anh chàng làm gạch đang hướng đôi mắt đẫm nước về phía mình, cái nhìn đó nửa như muốn van xin, nửa như thúc giục. Chị bạo dạn đáp:

– Chỉ có cách cưa chân thôi ạ.

– Nhưng cưa ở đâu đây, cả cỗ máy cồng kềnh thế này.

– Cưa ngay tại đây.

Lần này, dường như tất cả đồng nghiệp không còn nghi ngại ở “tay dao tay kéo” của chị nữa. Vậy là rất nhanh, phòng khám trở thành phòng mổ và chị là người trực tiếp cầm cưa để cắt đi 1/3 chân của người thanh niên đó. Riêng với mình, chị nói: “Thật ra lúc đó thần kinh mình căng như dây đàn, chỉ cần một sự chạm nhẹ cũng có thể đứt ngay. Thế nhưng, khi khoác áo blouse vào rồi, mình kịp trấn tĩnh lại được để tiến hành ca mổ”.

Ca phẫu thuật thành công. Cái tên bác sỹ Trương Thị Mầu được người dân huyện Bá Thước nhắc đến một cách thân thương xen lẫn sự khâm phục. Cán bộ nhân viên trong bệnh viện Bá Thước không còn sự e ngại mỗi khi nghe đến từ “mổ”, thay vào đó là sự hào hứng và phấn chấn, để cùng với chị chiếm được sự tin tưởng của người bệnh. Mỗi lần gặp một trường hợp khó và phức tạp, chị phải suy nghĩ và nghiên cứu rất nhiều tài liệu. Sáng ra đôi mắt chị trũng sâu, thâm quầng. Ai cũng ái ngại và lo lắng cho cô gái Mường có dáng người mảnh khảnh ấy, họ sợ chị không đủ sức để làm việc tiếp, để chống chọi lại với cái khó, cái nghèo nơi vùng cao này. Những lúc nhận được lời động viên và hỏi thăm, chị lại nhoẻn miệng cười, nụ cười tươi như hoa rừng đầu sớm, nhưng tiềm ẩn một sức sống dẻo dai. Năm 1986, chị được Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thanh Hóa mời về làm việc. Nhận lời mời, chị đã đắn đo, chị muốn đi để được học hỏi nâng cao tay nghề, được sống trong môi trường làm việc tốt, bản thân được học hành và mở rộng kiến thức hơn nữa. Nhưng đúng ngày đồ đạc đóng gói kỹ càng để xuôi xe về với phố thị, nhìn người giám đốc già, trong cái dáng khom khom, lụi cụi khuân đồ của chị lên chiếc xe ô tô cọc cạch, những ánh mắt ngân ngấn lệ của dân làng đến tiễn, chị đã chùng bước.

Năm 1987, bác sỹ Trương Thị Mầu nhận quyết định làm Phó giám đốc Bệnh viện huyện Bá Thước. Tôi đọc được trong đôi mắt chị cả một quãng thời gian đầy thử thách, nghị lực và quyết tâm. Nghị lực bởi những lần chị cùng đồng nghiệp vào bản khám bệnh. Ngày ấy địa bàn và địa hình Bá Thước khá phức tạp. Muốn vào được các bản phải đi bộ cả ngày, cả tuần đường rừng, đường núi cứ mịt mờ trước mắt. Khi đến được với dân thì chân phồng rộp, muỗi, vắt, côn trùng cắn sưng vêu người, có lần, đang sốt đùng đùng mà chị và đồng nghiệp vẫn phải đi. Ngày hôm nay chưa đến được thì cắm lều ngủ đêm ở rừng, ngày mai đi tiếp. Quyết tâm đi, bởi chị không ngại khó, ngại khổ, ngại sốt rét, mưa rừng dầm dề, đói và khát để đến những nơi mà chị muốn. Chị tâm sự: “Mình có được ngày hôm nay, tất cả là nhờ những người dân bản mang lại, cả cuộc đời này, mình nợ những con người mộc mạc ấy, đã nợ thì phải trả, mà đã trả thì phải tự nguyện”.

Chị nói làm tôi nhớ lần đầu tiên đến thăm nhà riêng của chị. Vừa bước chân vào nhà, một cảnh tượng khiến tôi mắt tròn, mắt dẹt. Bên này, người ngả lưng xuống nền nhà, bên kia, năm sáu người phụ nữ ngồi gấp xếp gì đấy. Trong bếp, một chị đang lui cui băm băm, chặt chặt, nồi niêu bầy đầy mặt sàn, cạnh nhà tắm, một bà cụ lúi húi giặt giũ. Tiếng nói, tiếng chuyện trò cứ oang oang. Tôi chột dạ ngỡ mình vừa bước chân vào một góc chợ nào. Nhưng không, trên tường tấm ảnh gia đình chị được phóng to treo trang trọng, nụ cười của nữ bác sĩ vùng cao rạng ngời và thân quen. Thấy tôi lơ ngơ, chị nấu bếp chạy ra đon đả:

– Cô hỏi ai?

– Cho em hỏi chị Mầu có nhà không?.

– Cô chú ấy đi làm chưa về. Cô vào đây ngồi chờ. Tôi là hàng xóm sang giúp cô chú cơm nước, bà lão kia giúp giặt quần áo. Còn mấy người đang nằm nghỉ ngơi và chuyện trò đó đều là “họ hàng” của cô Mầu cả đấy.

Cũng may, chừng mười lăm phút sau thì chồng chị về. Anh tên Tiến, anh chị ngoài duyên vợ chồng còn là đồng nghiệp của nhau. Dù sắp lên chức “ông”, nhưng anh vẫn giữ được phong thái của chàng trai Mường rắn rỏi năm nào. Sau khi nói với tôi dăm ba câu, anh Tiến tranh thủ xuống bếp nấu nướng thay chị hàng xóm một cách thành thạo và dọn dẹp qua nhà cửa. Ngồi không mãi cũng buồn, tôi lân la hỏi chuyện mấy người phụ nữ bên cạnh.

– Các chị là họ hàng với bác sĩ Mầu?

Một chị nước da ngăm ngăm, bàn tay chai sần, thô ráp trả lời:

– Chúng tôi trên Son Bá Mười xuống khám bệnh. Người bệnh thì nằm viện rồi còn chúng tôi đi chăm không có chỗ ăn ngủ, nên tìm đến nhờ bác sĩ Mầu giúp, chứ có họ hàng gì đâu. Trên bản tôi, hễ ai bị bệnh đi viện huyện đều tìm tới bác sĩ Mầu.

Tôi “à”  lên một tiếng, vỡ lẽ. Cái tính người dân tộc lạ thế, hồn hậu và thật thà như đếm. Không phải “thấy người sang bắt quàng làm họ”, người dân bản ở đây đến ăn thật, ngủ thật, từ ngày này sang ngày khác, từ tuần này đến tuần khác. Vậy mà chị vẫn giúp đỡ tận tình, từ tiền ăn ở, đi lại đến tiền thuốc men, chị lo hết mà chưa bao giờ có một cái cau mày khó chịu.

Năm 1995, bác sĩ Trương Thị Mầu được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Bá Thước. Năm 2006, chị mới có điều kiện đi học chuyên khoa I, đến năm 2009, chị được tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

Con đường làm lãnh đạo không phải là con đường rải đầy hoa hồng, êm nhẹ và ngát hương như tôi vẫn nghĩ. Với chị, điều đó càng đúng hơn. Để đưa một bệnh viện ở huyện miền núi Bá Thước có chỗ đứng như ngày hôm nay, chị đã phải hy sinh rất nhiều, nhất là sự yêu thương, chu toàn của một người mẹ, người vợ đối với gia đình. Từ năm 1997, đến nay, Bệnh viện huyện Bá Thước không còn xảy ra tình trạng tử vong do băng huyết và mất máu cấp tính, bình quân mỗi năm truyền từ 15.000 đến 20.000 ml máu tươi cứu sống bệnh nhân kịp thời. Ngay từ khâu nhận cán bộ, ngoài một hồ sơ đảm bảo về tay nghề của cá nhân, chị còn yêu cầu phải làm xét nghiệm nhóm máu, để có thể bổ sung vào “ngân hàng máu dự trữ” của bệnh viện. Chị tiết lộ cho chúng tôi thêm rằng, có người đã 7 lần cho máu, đó là kỹ thuật viên xét nghiệm Trương Trung Tuyến. Lúc này tôi mới nhìn kỹ bác sĩ Trương Thị Mầu đang ở trước mặt mình. Trong bộ quần áo blouse, tóc búi cao, dù thâm niên ở bệnh viện, chị đã được xếp vào “tốp đứng đầu về hưu” nhưng trông chị vẫn tràn đầy sự năng nổ và nhiệt huyết, hình như thời gian đi qua càng làm chị trở nên mặn mà hơn.

Trái tim đa cảm của người thầy thuốc

Quay trở lại phòng làm việc của chị, cái làm tôi thích thú nhất đó là hương hoa nhài dịu nhẹ cứ thoang thoảng, thay cho mùi thuốc, mùi sát trùng của bệnh viện. Nhưng điều khiến tôi quan tâm hơn cả chính là chiếc tủ sách đã được chị nêm chật cứng. Tôi tiến lại gần “xem xét”. Bên cạnh những sách chuyên ngành là những sách văn học.

– Dạo này chị có hay làm thơ không?

– Có chứ.

– Bận thế thời gian đâu cho chị ngẫm nghĩ mà sáng tác được?

Nghe tôi hỏi, chị thở dài, cái thở dài không phải mệt mỏi mà như tìm được người trút bầu tâm sự.

– Công việc của mình hàng ngày gặp rất nhiều trường hợp đầy tâm trạng, vui có, buồn có, đau lòng thương cảm cũng có. Mình như người để họ trút hết mệt mỏi đau đớn trong cuộc sống, điều đó cứ ám ảnh mình, để rồi mình lại ưu tư, day dứt. Chính đó là nguồn cảm hứng để viết, để sáng tác đấy.

Quả thật đúng như lời chị nói. Hình như giữa nghề y và văn chương đã từ rất lâu rồi có một dây nối với nhau, vô hình nhưng bền chắc và khăng khít. Phải chăng một bên là cứu con người về thể xác, một bên là cứu con người về tâm hồn nên có thể hòa làm một.

– Thế bài “Gọi” này có phải là ngoại lệ không?

Chị lắc đầu, cái lắc đầu thật buồn.

– Đây là một trường hợp đặc biệt. Đó là một phụ nữ còn trẻ, người làng Son (một làng miền núi cao thuộc xã Lũng Cao – Bá Thước). Cô gái đến bệnh viện nhờ can thiệp do lỡ kế hoạch. Nhưng khi ấy thai nhi đã khá lớn. Mình cố phân tích cho cô gái hiểu những nguy hiểm và hậu quả có thể dẫn đến khi phá thai, nhất là đứa trẻ cũng đã thành người. Nhưng đêm đó khoảng một giờ, bỗng chuông điện thoại kêu và mình nghe tiếng cô gái thổn thức: “Chị ơi! Giờ em hỏi chị lần cuối, chị có giúp em không. Nếu không, em nghe ở đầu làng có bà lang phá được em sẽ nhờ bà ấy”. Mình nghe xong, đầu óc cứ ù đi, nhìn ra cửa sổ chỉ một màu đen tối. Cứu một người phải bỏ đi một sinh linh chưa ra đời. Là thầy thuốc quả thật điều này quá nghiệt ngã.

Kể đến đây, mắt chị ngân ngấn lệ. Dường như chị đang cố chế ngự cảm xúc. Chuyện chị kể không phải là mới, xong trái tim đa cảm của chị cộng với những cái nhíu mày hằn lên nơi đuôi mắt người nữ bác sĩ ấy, khiến cho tôi thấy rung động thật sự. Nhấp ngụm nước chè, chị tiếp:

– Để cô ấy tìm đến bà lang bỏ đứa trẻ thì rất nguy hiểm. Không còn cách nào khác, mình đành nhận lời. Khi đứa trẻ ra khỏi bụng mẹ, chân tay mình hoàn toàn mất cảm giác, sức lực như bị rút kiệt. Không cầm lòng được nên mình đã viết bài thơ “Gọi” như một sự trả nợ:

Vỡ kế hoạch – mẹ xin từ chối con

Vẫn là em gái làng Son

Làm sao em nỡ bỏ con giữa chừng

Làm sao nói có hay đừng

Làm sao em lại chuyển mừng thành đau

Làm sao em hiểu cơ cầu

Alô em ngả nỗi sầu vào tôi

Làm sao mở miệng hỡi trời

Cứu một người hủy một người được không

Làm sao em nỡ lạnh lùng

Người dưng khốn khổ vô chừng là tôi.

Trương Thị Mầu là một tay viết có nghề trong Ban thơ của Hội văn nghệ Thanh Hóa và hiện tại, chị còn đảm nhiệm vai trò là Trưởng Ban Biên tập tạp chí Văn hóa các Dân tộc Thanh Hóa. Đọc thơ chị, tôi nhận ra rằng, đó là sự giải tỏa nỗi niềm của một bác sĩ khi trách nhiệm, công việc và tinh thần bị ức chế. Hãy nghe chị giãi bày:

Nghiệp Y đâu phải cuộc chơi

Lặn trong bao giọt mồ hôi nhọc nhằn

Xin cho làm một chiếc khăn

Gói hạt muối mặn để dành mùa sau.

(Nghiệp Y)

Hay:

Thanh cao thì hẳn đã rồi,

Buồn vui nước mắt nụ cười chan nhau.

Mắt nhìn đo được nông sâu,

Trái tim nhận lại nỗi đau của người.

(Với con)

Thơ của Trương Thị Mầu là sự trải nghiệm cuộc sống, đầy tầng lớp và mầu sắc. Có lẽ rằng hình ảnh bản làng, rừng núi, sông suối và cả những vật dụng đời thường của người dân bản đã ăn sâu vào tiềm thức của chị, để rồi chị lại viết ra những câu thơ dung dị và thật thà đến thế. Cũng như những người làm thơ khác, chị thường ghi lại những sự việc xảy ra trong ngày, theo dạng nhật ký bằng thơ. Nhưng cái khác chăng chị là người phụ nữ thích chắt góp những thứ vụn vặt, để nâng niu, lưu giữ cẩn thận và rồi lại phô bày ra trang viết của mình. Tôi biết rằng điều đó chỉ có thể xảy ra đối với một người có trái tim đa cảm làm thầy thuốc như chị.

NGÂN HẰNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *