Cao Xuân Sơn – Người đi tìm về

VHSG- Tuổi dại khờ là thời ấu thơ tuổi nhỏ của con người. Đi qua quãng đời hồn nhiên trong trẻo này con người bắt đầu bước chân lên con đường đời làm một người trưởng thành, chín chắn. Tại sao lại phải bấm chân? Bởi con đường đời là trơn trượt, khúc khuỷu, quanh co khiến người đi khó nhọc, vất vả, luôn phải dò dẫm ngập ngừng từng bước chân đi. Không còn nữa những bước chân tung tăng tự do tuổi nhỏ. Tập thơ thứ sáu gồm 101 bài này của Cao Xuân Sơn là nói cái sự đi bấm chân làm người đó.

Bài thơ mang tên chung cả tập đứng cuối cùng. Nó nói nỗi hoang mang đường trần của một kẻ bỏ làng ra phố, từ giã tuổi thơ vào đời người lớn. “Bấm chân qua tuổi dại khờ / vẫn mê hồn trận cuộc cờ thế gian“, cả tập thơ đi trong mạch cảm xúc giăng mắc này.

Tập thơ “Bấm chân qua tuổi dại khờ” của Cao Xuân Sơn

Từ bài cuối ngược lên bài đầu “Dấu chân ta về ấm những chân trời” là mở ra cả một trời hoài niệm luyến nhớ tuổi nhỏ đời người. Cao Xuân Sơn hai phần ba tuổi đời tính đến hôm nay là sống ở phương Nam, tại Sài Gòn, xa vùng quê đồng chiêm Lý Nhân (Hà Nam). Nhưng trong anh luôn có một người nhà quê cựa quậy, thao thức. Sống giữa phố thị mà “đêm nghiêng vỡ giấc thị thành / nỗi quê cục tác vào anh tiếng gà” (tr. 69). Ngủ trong một resort ở Lăng Cô giữa tiếng sóng vỗ mà nghe thấy một tiếng “ếch kêu nào biết từ đâu” (tr. 74) thế là thương mình, thương con vật đồng quê. Lên cáp treo núi Bà Đen lửng lơ giữa trời nhìn xuống đất, cái thấy trong mắt vẫn là “Lúa khoai chẳng đủ xa xôi mờ nhòe“, để rồi khi xuống lại vẫn cay vào mắt “bếp ai rớm khói thơm vào thẳm xanh” (tr. 19). Thấy các em váy ngắn tóc xù mà ngẩn ngơ mình “nhông nhênh xe cộ ngờ hoài lưng trâu” (tr. 18). Ra thủ đô mà chỉ thấy “Hà thành đâu cũng bóng người nhà quê” (tr. 135) thương cho những kiếp nghèo. Về thành Nam nhớ “tuổi thơ anh đựng cả trong ví nghèo” để thấy “ngày xưa ngỡ mất mà còn” (tr. 95).

Kể cũng lạ, một chàng trai rời quê năm chưa đầy 20 tuổi mà hồn quê vật vã đến vậy. Như một nỗi niềm tâm thức. Như một mạch nguồn thơ. Hồn quê luôn khắc khoải, dằn vặt đến thành đau đớn.

Bao năm biệt xứ mù khơi

anh như gió bấc mồ côi mưa phùn

thầm đêm nhớ gió thương giun

trăm cơn mộng đẹp lấm bùn cả trăm 

(tr. 51)

Cái sự “lấm bùn” này của Cao Xuân Sơn làm thơ anh sáng lên. Ở xa thì nhớ quê nhưng khi về làng lại ngỡ mất quê, may mà còn cái chùa làng chưa kịp trùng tu níu lại một vẻ làng. “Làng vô tư, cớ chi mình ưu tư?” (tr. 13), câu hỏi bật lên xoáy sâu tâm trạng.

Tâm trạng của gã nhà quê Cao Xuân Sơn loay hoay sống giữa đời. Bức chân dung tự họa của gã nhà quê ấy là thế này: “mặt mày thường nhao nhác / tóc tai thường lôi thôi” (tr. 23). Đấy là bề ngoài. Còn tâm tính thì “chuyện không đâu cũng xót / chuyện nhà cười cho xuôi” (tr. 24). Gã tự thấy mình là dở hơi “cho đời mượn thân xác / nháp bao nhiêu sự đời” (tr. 83) còn gã chỉ “mỉm cười và lặng thinh” (tr. 88). Thực ra gã đã nói, nói bằng thơ. “Buông thơ, hồn ai nuôi?”, lại thêm một câu hỏi cất lên, nhưng đây hỏi là đã trả lời, hỏi là để khẳng định. Bút mực của giời nhưng tiếng thơ tiếng lòng là của gã. Thơ gã không chỉ nói phận mình, mà cả phận người, “thơ mình đầy ắp người ta” (tr. 37). Gã làm thơ hay thơ làm gã, chỉ biết nếu có kiếp nữa gã vẫn xin nhọc nhằn với thơ.

Và thơ Cao Xuân Sơn đã trình hiện trước bạn đọc một con người nồng nàn và say đắm, tình tứ và mạnh mẽ, ngang tàng và phóng túng. Những bài thơ trong tập “Bấm chân qua tuổi dại khờ” dù là viết ở thể lục bát, thất ngôn, tự do đều tung tẩy, tự do, có khi điệu đàng, hoa mỹ nữa. Có bài mang phong vị cổ thi, Đường thi. Có bài hiện đại, mới mẻ. Câu thơ luôn có xu hướng duỗi dài theo nhạc điệu, nhịp điệu bên trong cảm xúc của một người thơ cứ muốn bộc bạch, giãi bày đến hết những chất chứa lòng mình.

Tác giả có khi cho người đọc được khoái cảm câu chữ trong thơ. Viết về biển “vinh nhục trăm sông mình biển mặn mòi” (tr. 74) cũng là một ý khác. Câu thơ “người mỗi ngày mỗi quen” (tr. 78) để nói cái sống nhạt nhẽo hàng ngày gây giật mình. Cả bài thơ “Học mấy đời cho hết chữ nông dân?” (tr. 131) ghép các câu thành ngữ, tục ngữ nói về thế thái nhân tình thành thơ cũng là một cách viết. Hai chữ “nháng lửa” nói về hoa phượng (tr. 78) và về sát na (tr. 111) cũng là một cách nói. Đặc biệt hai chữ “nhân dân” nôm na mà bất ngờ. Khi thang máy đưa người lên tầng cao “ngỡ mình ngoài vô tận / thôi không là nhân dân” (tr. 108). Khi ngẫu bút tháng 5 “ai thăng rồi ai giáng / mình vẫn là nhân dân” (tr. 140).

Nhân dân trong thơ Cao Xuân Sơn là những người bình thường hòa lẫn quanh ta và ta hòa lẫn quanh họ. Đó lại vẫn là người nhà quê thức dậy trong nhà thơ để anh mong được làm con dế kêu ri ri ri trong cỏ (tr. 47), làm con sóc nhỏ chuyền cành me già (tr. 48). Anh ước được hóa thân thành cỏ xanh xanh xanh (tr. 102), được về với sen “ngàn lời thanh sạch / thơm miền lấm lem” (tr. 105). “Và cứ thế bài ca hy vọng” (tr. 118) nhà thơ cất lên khi nhìn vào người mẹ của mình bị người giúp việc lấy hết tiền bạc bỏ trốn, ngỡ đâu chút niềm tin còm cõi sau cùng của mẹ cũng bị trấn lột nốt, chẳng ngờ mẹ vẫn thấy ai ai cũng tốt.

Và cứ thế, bài ca hy vọng

mẹ cưu mang, bất chấp vạn dối lừa

lũ chúng con loi nhoi đạp lên nhau mỗi ngày 

mà thường khi cao giọng

biết bao giờ mới ra khỏi được thua?

Lại một câu hỏi nữa vang lên trong thơ. Lần này nhà thơ hỏi tất cả chúng ta, không chỉ hỏi mình. Và “Bấm chân qua tuổi dại khờ” là cách anh đi tìm câu trả lời. Những bước chân đi khó nhọc, thận trọng, lặng thầm và thanh thản như thơ.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 6.2020

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *