Cha tôi đã nhận ra ranh giới giữa Nga và Xô viết

VHSG- Ignat Solxnhenitsyl là con trai của văn hào Aleksandr Solznhenitsyl, nghệ sỹ piano, nhạc trưởng, chủ biên việc xuất bản Hồi ký của A.Solznhenitsyl bằng tiếng Anh. Ông có bài viết đăng trên báo Mỹ Wall Street Journal nhân sinh nhật lần thứ 102 của Aleksangdr Solzhenitsyl (12.1918 – 12.2020), do nhà văn, dịch giả Tô Hoàng chuyển ngữ từ bản tiếng Nga. Bài viết có những tư liệu hiếm về văn hào Nga, thể hiện quan điểm của một người từng sống lưu vong ở phương Tây, xin giới thiệu đến bạn đọc tham khảo…

Văn hào Aleksandr Solznhenitsyl

“Sự phức tạp không hình dung nổi của hoàn cảnh là ở chỗ tôi không thể nào bắt tay với những người cộng sản, đồng thời tôi cũng không thể bắt tay được với những kẻ thù của đất nước tôi – cha tôi, Aleksandr Solzhenitsyl đã viết vào năm 1982 – Thành thử trong suốt thời gian đó tôi không có Tổ quốc để làm chỗ dựa lưng. Thế giới mênh mông mà tôi không biết ẩn náu ở đâu”.

Nhà văn đã tự tạo cho mình cái tiếng là kẻ thù không đội trời chung với chủ nghĩa cộng sản vì tác phẩm “Quần đảo Gulag” (1973) và nhận được những lời cổ súy nồng nhiệt từ phương Tây. Nhưng những trích đoạn từ hồi ký của ông (sắp được xuất bản lần đầu bằng tiếng Anh) đã chứng minh ngay từ thời chiến tranh lạnh ông đã nhìn thấy trước mối hiểm họa này: Đó là Nga và phương Tây sẽ mãi mãi không bao giờ tin cậy nhau, ngay cả sau khi chủ nghĩa cộng sản tan rã.

Chúng ta hãy trở về với năm 2020. Tất cả những vấn đề trở nên sâu sắc giữa Nga và phương Tây đều đã rành rõ: những chương trình vũ trang, việc mở rộng khối NATO, những vụ việc ở Yukos, Kosovo, những cuộc cách mạng màu, Ukraina, Crưm, những vụ đầu độc, những cuộc bầu cử…

Liệu có thể làm khác đi những mối quan hệ kia, nếu tìm được sự nhượng bộ nhau ở những điểm xung đột? Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, hai đảng chính trị lớn nhất tại nước Mỹ dù cùng những quan điểm có tính chất nguyên tắc trong việc chống chủ nghĩa cộng sản, cả hai vẫn không thể đi tới một thỏa thuận chung. Còn bây giờ cả hai cùng hòa điệu trong bài ca về sự tăng trưởng đang không ngừng được tích tụ của chủ nghĩa dân tộc Nga. Trong bối cảnh của “thế giới lạnh” thống trị suốt một phần tư thế kỷ, tình trạng ấy càng phơi trần ra những nguyên nhân ngày càng trở nên sâu sắc hơn của những gì thế giới không hiểu về nước Nga và càng yêu cầu cần phải nghiên cứu vấn đề này từ những cội nguồn lịch sử.

Vào cuối những năm 1990, lần đầu tiên đọc những trang hồi ký của cha tôi, khi người sống ở các nước phương Tây, tôi cho rằng những suy ngẫm của ông về mối mâu thuẫn giữa Đông và Tây còn là những gì phải tranh cãi và tôi đã nghĩ rằng đó chỉ là những gì đáng quăng vào sọt rác, sau khi đã chọc thủng “bức màn sắt”, bức tường Berlin đã sụp đổ và người ta đã ký với nhau thỏa thuận về việc tài giảm vũ khí tấn công chiến lược SNB-1.

Nhưng ba năm gần đây, trong thời gian chúng tôi chuẩn bị cho việc xuất bản bằng tiếng Anh những tập hồi ký này, tôi mới nhận ra rằng, mặc dù bị khép vào “tội chống lại chính nước Nga”, nhưng quả là cha tôi đã may mắn được trời phú cho tài năng của một tầm nhìn xa. Những người lưu vong đầy giận dữ của những năm 1970 đã thôi thúc phương Tây nhận cho ra kẻ thù thực sự của họ không phải ở chủ nghĩa cộng sản mà là ở cái nước Nga bất trị kia. Những người phương Tây tiến bộ của những năm 1920 đã phê phán một cách gay gắt nước Nga trước cách mạng vì đối lập với chủ nghĩa Bolsevist, nhưng tình thế đã thay đổi, khi nước Nga cũng đã bắt đầu nguyền rủa vì hóa ra nước Nga trở thành nô lệ của những người Bolsevist. “Sao điều đó có thể xảy ra nhỉ?” – Solznhenisyl ngạc nhiên.

Trong chương có tên gọi “Nỗi đau Nga” nhà văn khẳng định “hành động chiến tranh vô nghĩa, thái quá của Nga ở châu Âu vào thế kỷ 18-19  đã khiến châu Âu đề phòng và sự chỉ đạo cứng ngắc của nó đã không thể dạy cho những công dân Nga “những bài học cởi mở” của phương Tây, hoặc trong mức độ chí ít biện minh cho những hành động của chính mình. Trong khi đó tại châu Âu những nhà cách mạng cuồng tín bị xua đuổi lại xuyên tạc một cách thô bạo tình thế thực sự ở nước Nga, trình bày xứ sở ấy như một nhà tù lạc hậu, áp chế của các dân tộc, và vì sự thiếu vắng những cải chính cơ bản của những sự khẳng định như thế đã dẫn tới những việc cường điệu hoang dại nhất”. Ở ngưỡng của thế kỷ 20 chủ nghĩa khủng bố của lực lượng cách mạng tiến bộ Nga bị sự xúi giục của tầng lớp trí thức xu nịnh lại tìm được sự ủng hộ của lực lượng dân tộc cánh tả thiên về xu hướng bạo lực. Con đường bế tắc của sự phát triển xã hội diễn ra từ năm 1906 tới cái chết thực sự của mình vào năm 1911 đã dẫn tới những cải cách của người đứng đầu chính phủ Nga Piotr Stolupin. Và đến đó là chấm hết.

Mười năm sau “cái máy ủi Bolsevist” của Lenin đã cán nát tất cả, ví như, những người yêu nước Nga nỗ lực bảo vệ những giá trị truyền thống trong khuôn khổ của một xã hội đa nguyên luận. Và khi đó thứ nhái lại của chủ nghĩa ái quốc Nga nổi lên vào những năm 1960-1970 trở thành hình hài của chủ nghĩa dân tộc Bolsevist, tương hợp với nó là từ “Chúa” được viết bằng chữ thường, còn từ “Chính phủ” được viết chữ hoa như Solznhenitsyl đã nói. Ở thứ “chủ nghĩa ái quốc lành mạnh, khỏe khoắn, liều lượng” của cha tôi – thứ chủ nghĩa ái quốc bị tước bỏ những ảo tưởng vương quyền và chỉ nhắm vào việc “ che chắn cho nhân dân “- thứ chủ nghĩa ái quốc như thế chưa bao giờ có cơ hội đâm rễ nẩy chồi ở nước Nga. Cái nhìn của cha tôi về chủ nghĩa ái quốc hoàn toàn xa lạ với “chủ nghĩa dân tộc Bolsevist” và đã trở thành lời phỉ nhổ đối với nước Nga của những người lưu vong muốn phục thù và không muốn du nhập vào phương Tây.

Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, lời kêu gọi của Solznhenitsyl hướng tới là sự sám hối và sự suy ngẫm lại những năm tháng lịch sử. Chính vì vậy sự ủng hộ chính thức từ phía nhà nước dành cho các cuốn hồi ký bằng các biện pháp trấn áp, kể cả việc đưa cuốn tiểu thuyết “Quần đảo Gulag” vào chương trình giảng dạy tại các lớp trung học thật là điều gì trớ trêu, khi hôm nay những việc đó diễn ra cùng với sự lý giải tai hại, dường như Iosif Stalin – người diệt dân Nga vẫn là nhà yêu nước Nga, còn Solznhenitsyl là tên phản bội, kẻ thù chính của nước Nga bị áp bức.

Điều này cũng không có gì ngạc nhiên, bởi lẽ ở phương Tây sự khác biệt rất có ý nghĩa giữa ủng độc tài Xô Viết và sự chuyên chế mềm của một nước Nga tương đối tự do đã bị xóa đi. Phương Tây lẫn lộn giữa “Nga” và “Xô Viết”, không hiểu rõ 3 thế kỷ lịch sử của nước Nga và bản chất phi dân tộc của chủ nghĩa cộng sản. “Nga” và “Xô Viết” cũng có thể ví như “Con người” đối với “Bệnh hoạn” – Solznhenitsyl đã viết như thế. Hậu quả của sự xói lở đó là mối thỏa hiệp chưa từng có của một xã hội quá dễ dãi với một chính phủ không hề dễ dãi tại Nga, khi mà hai thành phần này rất ít có gì gặp nhau.

Nếu mục đích của các chính trị gia phương Tây cho tận đến hôm nay là vẫn muốn đưa nước Nga hội nhập vào cộng đồng của các dân tộc tự do, liệu họ có nên lắng nghe những lời kêu gọi của Solznhenitsyl không, để cùng tác động qua lại với nhau vì lẽ phải, trong sự phù hợp với những ưu điểm và những hố sâu cách biệt trong đối sách hiện tại; thay cho việc lên án nước Nga, xuất phát từ những gì trong lịch sử mà họ tưởng tượng ra – điều mà hệt như cây thập tự giá chặn trên bất cứ con đường phát triển nào.

IGNAT SOLZHENITSYL  

TÔ HOÀNG chuyển ngữ từ tiếng Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *