“Cơn địa chấn” cuối cùng của nhà thơ Nguyễn Bạch Dương

Vùng đất miền Tây Nam Bộ thế hệ những nhà thơ lão thành có vợ chồng thi sĩ Đông Hồ, Mộng Tuyết, Kiên Giang, Truy Phong, Trang Thế Hy… Trước năm 1975, Tạp chí Văn rất có uy tín, chuyên về văn chương lần lượt xuất hiện nhiều cây bút thành danh. Ngoài nhà thơ Tô Thùy Yên tên tuổi lừng lẫy ở Sài Gòn, ở Sa Đéc có Trần Tuấn Kiệt, Bến Tre có Tô Nhược Châu, An Giang có Lộc Vũ, Yên Uyên Sa, ở Châu Đốc có Trịnh Bửu Hoài, Ngô Nguyên Nguyễn, ở Cần Thơ có Phù Sa Lộc, Trần Phù Thế. Còn ở Vĩnh Long với Nguyễn Bạch Dương, Nguyễn Sinh Từ…  

Ai từng tiếp xúc với nhà thơ Nguyễn Bạch Dương hầu như dễ nhận ra đây là con người chân thực, chất phác, hồn hậu sống hết lòng vì mọi người xung quanh. Thi ca là một dòng chảy sáng tạo trong sáng, dào dạt bất biến trước và sau năm 1975 trong anh. Nguyễn Bạch Dương tên thật là Nguyễn Kim Dũng, sinh năm Quí Mùi – 1943 tại An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Anh sống ở tỉnh Vĩnh Long, vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003 và mất ngày 11.12.2006 tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 63 tuổi.

Nhà thơ Nguyễn Bạch Dương (1943 – 2006)

Tác phẩm của Nguyễn Bạch Dương gồm có “Sau cơn địa chấn” – tạp chí Biểu Tượng 1964, “Hoàng” – tạp chí Biểu Tượng 1965, tập thơ “Thơ anh và tình em” – Hội VHNT Cửu Long 1987, “Lặng lẽ vần thơ yêu em” – Hội VHNT Cửu Long 1991, “Bí mật của bé” – Thơ Thiếu nhi NXB Đồng Nai 1996, “Gió không mùa” – NXB Văn Nghệ 2001.

Nhiều kỷ niệm man mác về nhà thơ Nguyễn Bạch Dương trở lại trong lòng chúng tôi. Trước năm 1975 anh từng trốn lính quân dịch, cạo đầu đi tu, ôm bình bát khất thực giữa chợ đời, chịu bao lận đận gian nan. Thống nhất đất nước, anh lại nhập cuộc vào Hội VHNT tỉnh Cửu Long. Dòng thơ Nguyễn Bạch Dương hồn hậu, trong sáng yêu đời tha thiết, xuất hiện khá đều trên các trang văn nghệ các tạp chí, tuần báo ở miền Tây, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Lúc về hưu hàng ngày anh Nguyễn Bạch Dương vẫn chăm sóc bà mẹ già ở Vĩnh Long tận tình. Bệnh nặng anh lại gia nhập gia đình cư sĩ để tìm sự thảnh thơi, an lạc tâm hồn.

Nhà thơ Thu Nguyệt ở tỉnh Đồng Tháp hồi tưởng: “Tôi nhớ nhất ở anh không chỉ là những vần thơ, mà còn là một anh Thiện Định với chiếc áo lam tôi gặp ở chùa. Nhớ nhất là lần gặp anh ở chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn) khi thiền sư Nhất Hạnh về mở khóa tu ở đó. Anh từ Vĩnh Long lặn lội về thành phố, đến tập trung còn sớm hơn tôi. Những ngày tập tu, đầu óc tôi luôn vướng mắc, còn anh thì… bất cứ lúc nào trong hàng người đông đúc, bất chợt nhìn sang tôi cũng thấy anh cười. Có khi đứng gần bên anh trong hàng ngũ, tôi nghe anh hát thật say sưa: “Thở vào/ Thở ra/ Là hoa thơm mát/ Là núi vững vàng/ Nước tĩnh lặng chiếu/ Không gian thênh thang…” Lúc ấy, nhìn anh rạng rỡ, những vần thơ như hóa thành hoa cỏ, quẩn dưới chân anh”.

Ngày 29 Tết Bính Tuất anh Nguyễn Bạch Dương trở bệnh nặng, tràn dịch phổi, bệnh viện Vĩnh Long chở xe cứu cấp chuyển lên Trung tâm Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó hơn 10 tháng vật vã chống chọi với cơn bệnh ung thư tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ai chỉ bảo thầy thuốc nào giỏi, thứ thuốc gì hay, anh Nguyễn Bạch Dương đều tìm đến, dùng qua với chút ít hi vọng le lói kéo dài ngày tháng ở trần gian. Chứng bệnh di căn trầm trọng, anh cố gắng hết mực vẫn không “triển hạn thời gian” được đành trút hơi thở cuối cùng vào lúc 2 giờ 30 phút sáng ngày 11.12.2006 tại bệnh viện Nguyễn Trãi.

Con người Nguyễn Bạch Dương sống trong sáng, nhân hậu ở đời, sáng tác thơ đầy tình yêu bao dung nhân ái, quả thực là hiếm có trong cuộc sống ở thế giới phẳng hiện nay!

Cái chết của anh là “cơn địa chấn” cuối cùng mạnh mẽ nhất trong lòng bạn hữu, người thân.

Nhà văn Ngô Khắc Tài từng khắc khoải: “Nhớ về Nguyễn Bạch Dương, tôi không thể nhớ lại một thời biết tìm đâu. Vẫn nhớ mỗi lần gặp Nguyễn Bạch Dương hay hỏi “Có viết gì mới đưa coi”. Anh chứng tỏ được sự quan tâm đến bạn bè nên mấy tay làm thơ trẻ ở Vĩnh Long thường đưa bài cho anh đọc trước khi gởi đăng báo, để nghe những lời góp ý chân tình. Lần lượt anh em được kết nạp vô Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Bạch Dương rất xứng đáng nhưng lại không chịu vô. Mọi người theo vận động mãi cuối cùng Nguyễn Bạch Dương mới đồng ý, như là số mệnh đã định sẵn. Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp anh làm hội viên, thì khoảng hai năm sau anh qua đời…”

Ngoài bút danh Nguyễn Bạch Dương, anh còn thường ký Lê Trung Hiệp, Nguyễn Kim Dũng… trong đó có một bút hiệu mang tên phụ nữ là Lê Thị Tư làm xôn xao bạn đọc một thời trên tuần báo Khởi Hành, tạp chí Thời Tập khoảng cuối thập niên 1960 và đầu những năm 70. Lúc Lê Thị Tư mới xuất hiện với dòng lục bát đậm chất Nam Bộ, phóng khoáng, cuồn cuộn “Lên cầu đứng ngó vàm sông/ Nước trôi biệt dạng tình không ngó về” làm nhiều người yêu thích, dự đoán đây là cây bút đặc sắc ở đồng bằng miền Tây Nam bộ.

Nhà phê bình Uyên Thao trong cuốn Thơ Việt hiện đại 1900 – 1960, do NXB Hồng Lĩnh ấn hành năm 1969 từng viết: “… Những người đang nắm ưu thế trên thi đàn Việt Nam vào những năm sau 1960 là những người mới đang bước qua hoặc vừa mở đầu làm quen với thi ca. Trong lớp người nầy qua những thi bản đã xuất hiện trên các tạp chí chúng ta có thể ghi nhận được một số tên tuổi đầy hứa hẹn như Nguyễn Bắc Sơn, Lê Thị Tư, Thương Hoài Thương, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Thị Trường Hoa…”

Ở đây chúng tôi sưu tập những bài thơ lục bát dưới bút danh Lê Thị Tư giới thiệu cho bạn đọc, để tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Bạch Dương, một giọng thơ Nam Bộ nồng nàn, phóng khoáng vùng đất sông Cửu Long.

TRẦN HỮU DŨNG

Nhà thơ Nguyễn Bạch Dương – Lê Thị Tư

Thơ LÊ THỊ TƯ

 

CỘI XƯA

 

Lụa ai phơi trắng trên đồi

Áo hoa ai trải xanh ngời rừng cây

Một lời chim vỗ cánh bay

Ngựa điên mê vọng bao ngày đổ xuôi

Đêm trùng bủa lưới nhện tôi

Mộng không về nữa lá rơi tình này…

 

BUỔI XA CHÀNG

 

Trưa nay mưa xuống tình cờ

Giấc tôi ru giấc bên bờ nam hoa

Nằm nghe lá rụng hiên nhà

Góc xanh con bướm trên đà cây tươi

Vãng xanh tôi ở cõi đời

Một mai đất trích tìm người yêu thương…

 

MƯA VEN SÔNG

 

Ngủ trưa ven bãi đá gầm

Nằm trên thu tượng, ngậm cần xanh bông

Nhớ trăng châu thổ một dòng

Ngùi trong bóng lạ, tay không vãn hồi

Thơ tình viết một trang thôi

Gởi người đã gặp trên đồi hôm kia…

 

CHIỀU QUA ĐÒ VÀM CỐNG

 

Khi về chân lạnh mưa reo

Cuối sông mây bạc, nắng theo xuống vàm

Quán trưa vắng phố bụi dàn

Chút ngây ngất lạnh dưới hàng mưa tro

Đi về đường cũ quanh co

Mé sông nước ngập bến đò đã đông…

 

ĐI QUA CẦU THAM TƯỚNG

 

Lên cầu gặp buổi nắng trưa

Cỏ hoa mê ngủ quên mưa bụi hồng

Lên cầu đứng ngó vàm sông

Nước trôi biệt dạng tình không ngó về

Mây tan rã gió ngã đề

Mắt ta chửa khóc đầm đìa lệ tuôn…

 

GIỮA NGÀN XANH

 

Lệ sầu đỏ mặt tay trơn

Ngộ người lá thị nguồn cơn tỏ vừa

Ải xanh bóng gió bay mưa

Một trăm năm khóc lệ chưa buồn tàn

Mai xa sương gió áo vàng

Tình lưng chừng giữa mây ngàn gió bay

Bước chân đau đớn dặm dài

Tôi từ đâu suất té dài trần gian…

 

LỆ TRẦN

 

Hung tin như sét xuống đầu

Mẹ cha ngất lệ em sầu giọt xa

Hết rồi, kiếp mỏng người ta

Che thân da ngựa, mồ ma chiến trường

Tự ngàn xưa, cuộc nhiễu nhương

Những mồ hoang với những xương gởi rừng…

 

TRONG HẦM TRÚ

 

Những đêm trở mắt tính giờ

Những đêm nín thở ngồi chờ nắng vui

Đêm qua đêm trước đêm này

Lửa ai thắp với bóng dài khói xanh

Đêm tròn sáu khắc năm canh

Gọi tên ai giữa lời thanh thót buồn

Trở mình đụng bụi cát tuôn

Lệ ta rụng ướt trên vuông gạch tàu…

 

CHIỀU TRÊN BẾN ĐÒ MỸ THUẬN

 

Tay dù che nắng chiều nghiêng

Bến đông người chật chàng riêng bước dài

Gió nâng vạt áo ta bay

Quán đường thưa khách một vài tiếng kêu

Tới đây ta tới lúc chiều

Thấy chàng đứng đó hồn siêu phách buồn

Ta thầm kêu gọi ta luôn

Lỡ thêm một chuyến trăm nguồn cơn đau…

 

GỞI CẨM LIM XA

 

Lộ dầm ướt tấm lá bay

Rớt mưa xuống lục quá ngày vọng sang

Với trăng vườn áo em vàng

Với mây nhớ tóc suối đàn tiếng gieo

Lòng đương hoa nở bên chiều

Chuốc vui rượu đắng đã liều cơn say

Duyên may rong ruổi gặp người

Đời mai sau dẫu xa rời cũng cam…

 

TRONG HẠT MƯA BAY

 

Mưa trên đồi, mưa ban ngày

Ta hai chật đất bước ngoài hư vô

Lệ tình rớt giọt phù hư

Trong đêm xanh đã mộng từ quá khuya

 

Mưa đêm rồi, mưa đêm kia

Đèn chia bóng quế lạnh chia sông ngoài

Với tình này đợi sớm mai

Với tình ta đó trải dài sông xa…

 

TÌNH BUỒN

 

Ven rừng suối một con xanh

Bên đường liễu hạ xuân thành một phai

Phất phơ cồn gió thu dài

Lắc lư cánh bướm chao ngoài vườn sương

Mây chưa nguôi, giấc vô thường

Chân non giọt liễu rủ buồn chiều hôm

Đèn khêu diễm phố bên cồn

Thuyền im gác mái hạ buồm chờ trăng…

 

BƯỚC TUYỀN ĐÀI

 

Xin rừng ngủ một giấc mau

Tôi trong thiên hạ tôi chào trăm tay

Nhìn quanh quất dấu chân người

Lệ xưa nhỏ giọt chân trời quay tơ

Rượu vui một chốc tình cờ

Tiễn người cay mắt vườn xưa nắng đào

Ngàn năm đỉnh núi non cao

Chút lòng cố quận xin chào người quen

Bước tuyền đài gót bon chen

Chiều đưa con nhạn bay men mép rừng…

 

TRÊN NGUỒN

 

Sóng xanh lê giạt hai bờ

Khắp chung thiên hạ vui chờ cuộc vui

Đầy trời nắng bụi mưa tuôn

Quẩn quanh, quanh một buổi vuông ý hồng

Đầm đìa sương rụng đầy sông

Dấu chân quan tái chút lòng bỏ quên

Đi rồi chân vạt hai bên

Rừng cây lá gió buồn tênh góc trời

 

NỬA MẶT TRÔNG XA

 

Áo phơi lên một cành đào

Lưng trời cánh nhạn bay vào vườn chiêm

Rượu tàn cạn một cuộc vui

Áo khuya cổ đứng dáng người đi đêm

Chân xiêu bước lạc bên thềm

Vỗ ta ngủ giữa hồn chim ru chiều

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *