Đặng Ái Việt – nữ họa sĩ đặc biệt

VHSG- Tự nguyện làm theo mệnh lệnh trái tim, bà rong ruổi qua 63 tỉnh, thành để vẽ chân dung mẹ Việt Nam anh hùng, như một sự tri ân sâu sắc với đồng đội, với Tổ quốc. Họa sĩ Đặng Ái Việt là 1 trong 5 gương mặt nữ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Họa sĩ Đặng Ái Việt giới thiệu bức chân dung mẹ Việt Nam anh hùng bà vừa vẽ xong trong chuyến đi Tây Ninh tháng 12-2020 Ảnh: Thanh Hiệp

Câu đầu tiên của lần hội ngộ cùng bà: “Qua tết nguyên đán, tôi sẽ về Kiên Giang. Tiếp tục hành trình đầu Xuân vẽ chân dung 50 mẹ Việt Nam anh hùng”. Bà cười, nụ cười phúc hậu.

3.261 bức chân dung kỳ tích

Tính đến mùa Xuân 2021, họa sĩ Đặng Ái Việt đã vẽ được 3.261 bức chân dung mẹ Việt Nam anh hùng. Mới nhất, bà hoàn tất việc vẽ 27 mẹ của tỉnh Tây Ninh vào ngày 3-12-2020, sau khi đã bôn ba khắp 63 tỉnh, thành vẽ chân dung các mẹ. Những con số dường như biết nói, thay nhịp đập trái tim của bà để mong sớm hoàn tất những chuyến đi qua mọi miền đất nước, khắc họa thật nhiều chân dung để cùng bà lập nên kỳ tích.

Tôi có may mắn được trò chuyện nhiều lần sau những chuyến đi của bà nên phục bà sát đất về việc nhớ vanh vách những số liệu, những thông tin về các mẹ Việt Nam anh hùng trên toàn cõi đất Việt. “Chỉ có khi đang rong ruổi trên đường, thấy người dân tuốt lá cây mai chờ ngày đơm hoa thì tôi mới chợt nhớ sắp đến Tết. Mình lại sắp thêm một tuổi, các mẹ cũng thêm một năm xa cách con. Nghĩ vậy nên cứ cố mà hoàn tất những chuyến đi, để hành trang mang về là mùa Xuân tươi thắm như nỗi niềm của các mẹ về đất nước yên bình, ấm no. Bởi, trong đó có phần máu xương của con các mẹ” – bà xúc động.

Đặng Ái Việt là bút danh, khi giới thiệu với các mẹ, ngoài cái tên quen thuộc đang dùng, bà vẫn thường thưa: “Dạ, con tên là Đặng Thị Bông”, để các mẹ gọi thân thuộc như xem bà là con cái trong gia đình.

“Ở Tây Ninh, các mẹ dành cho tôi nhiều tình thương. Có mẹ nói Tết con về ăn Tết với mẹ, thay thế con Tư, thằng Năm đã hy sinh vì Tổ quốc mà thắp lên bàn thờ gia tiên nén hương, báo công với gia tộc. Tôi gạt nước mắt, thương các mẹ quá. Có mẹ già yếu, hơi thở thều thào nhưng vẫn tin, Tết này sẽ khỏe để đủ sức gói bánh tét chờ giao thừa cúng thằng Hai, con Sáu…” – bà miên man kể trong lúc cho tôi xem các bức chân dung mới nhất, chờ sang năm Tân Sửu, số tranh này sẽ được chuyển đến nơi tiếp nhận.

Hành trình vẽ mẹ Việt Nam anh hùng của họa sĩ Đặng Ái Việt là cuộc chạy đua với thời gian khắc nghiệt của tuổi già. Vì không biết khi nào các mẹ sẽ ra đi, khi nào trái tim mẹ ngừng đập; thậm chí là sức khỏe của chính bà – nữ họa sĩ đã ở tuổi 72. “Báo với đồng chí, tôi đã hoàn thành 3.261 bức chân dung cho đến thời điểm này. Qua Tết nguyên đán, tôi sẽ về Kiên Giang, trong số 50 mẹ còn khỏe mạnh, tôi đã tranh thủ vẽ trước đó gần phân nửa, số còn lại chắc sẽ hoàn tất trong quý I/2021” – bà phấn khởi khoe.

Một số chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng do họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ

Chưa dừng lại…

Họa sĩ Đặng Ái Việt cho biết bà chưa bao giờ nghĩ sẽ dừng lại công việc đang làm, bởi trên hết đó là sứ mệnh của một họa sĩ yêu nước. Bà nói: “Chiến tranh đã thật sự lùi xa nhưng bóng dáng hao gầy, lưng còng và khuôn mặt nhăn nheo đầy dấu vết thời gian của các mẹ Việt Nam anh hùng vẫn hiện hữu trong cuộc sống. Tôi cứ nghĩ đến nước mắt của các mẹ trong ngày tiễn chồng và con lên đường nhập ngũ, rồi đau đớn đón nhận giấy báo tử từ chiến trường gửi về, nỗi đau đó không có gì xoa dịu được. Với tư cách người đồng đội, đồng chí của con các mẹ, tôi quyết dấn thân đến cùng”.

Sinh năm 1948, là người con của miền sông nước Tiền Giang, bà luôn hoài bão tri ân những hy sinh thầm lặng cao quý của các mẹ Việt Nam anh hùng. Bà đọc báo những thông tin về các mẹ, có gia đình mất đến 6 người con, mẹ già sống một mình, niềm quặn thắt đó khiến bà ấp ủ phải làm điều gì đó bằng chính sức lực của mình.

Năm 1994, nhà nước có tri ân các mẹ Việt Nam anh hùng. Cục Người có công cho biết trên cả nước có trên dưới 50.000 Mẹ Việt Nam anh hùng. Điều này càng thôi thúc bà sớm thực hiện dự án sáng tác chân dung thuộc đề tài nhân chứng lịch sử, được bà ấp ủ từ khi còn là giảng viên Đại học Mỹ thuật TP HCM.

Mọi công việc bắt tay vào thực hiện dự án đã được nữ họa sĩ chuẩn bị chu đáo. Thế nhưng, năm 2007, chồng bà – đạo diễn, NSND Phạm Khắc – qua đời. Với bà, sự ra đi của chồng là nỗi mất mát quá lớn. Phải mất vài năm sau, nỗi đau riêng dần nguôi, bà lại quyết tâm thực hiện ước mơ đã đề ra và đây cũng là thực hiện một lời hứa với người chồng, người đồng đội của bà.

Tháng 2-2010, bà bắt đầu chuyến hành trình đầu tiên, trên con “ngựa sắt” hiệu Chaly chất đầy dụng cụ tác nghiệp và tư trang cá nhân, bà cứ thế rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc suốt 10 năm. “Ông trời cũng thương tôi nên gió sương, nắng nóng, mưa lạnh từ Bắc chí Nam, từ nơi địa đầu Tổ quốc Lũng Cú đến Đất Mũi – Cà Mau, tôi đã đi qua và hiên ngang tràn đầy nhiệt huyết. Cao quý hơn, tôi cứ nghe bên tai mình lời nói của các đồng đội đã hy sinh, họa sĩ ơi, mẹ tôi đang chờ họa sĩ” – bà xúc động kể.

Bà đưa tôi xem chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng vừa vẽ tại Tây Ninh, những khuôn mặt nhăn nheo, có mẹ đôi mắt đã mù lòa vì khóc thương nhớ con nhưng qua bút lực của bà, các chân dung như có linh hồn, phảng phất hơi ấm của mùa Xuân sum vầy, nơi mà trong mỗi trái tim của các mẹ hiện hữu hình ảnh những đứa con. Bà đã không hối hận khi chọn công việc này để gia tài để lại cho đời là nguồn tư liệu quý. Niềm hạnh phúc của bà là được thay mặt các chiến sĩ đã hy sinh đến tận nơi ôm các mẹ vào lòng. Tác phẩm bà vẽ cũng vì thế không đơn giản chỉ là đặc tả khuôn mặt các mẹ mà còn gửi gắm vào ánh mắt, nụ cười, linh hồn của các mẹ.

Không ai chỉ đạo, cũng chẳng ai phân công, trên hết là tinh thần tự nguyện, sự mách bảo của con tim nên bà quyết liệt, dù hạn chế về sức khỏe nhưng niềm tin của bà vẫn luôn cháy bỏng.

Chia tay họa sĩ Đặng ái Việt ra về, tôi không sao quên được lời bà nói: “Tôi chỉ là hạt cát, hạt cát ấy sẽ kết dính những hạt cát từ tâm khác, để mỗi chúng ta luôn nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của các mẹ, đã hiến dâng cho Tổ quốc biết bao người con ưu tú. Có mẹ khi tôi vẽ xong tranh thì một tuần sau mẹ qua đời. Đây là cuộc chiến của chính bản thân tôi chạy đua với quỹ thời gian ngắn ngủi còn lại của các mẹ. Vì thế, tôi vẫn phải đi, phải đến, phải gặp và vẽ cho kỳ được mẹ Việt Nam Anh hùng nào còn sống trên đất nước mình”.

“Tôi đã khóc vì thấy công sức của mình quá nhỏ bé trước tượng đài sừng sững, hiên ngang của các mẹ. Lần đến gặp mẹ Nguyễn Thị Nghí (xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái), mẹ bị ốm, hơi thở khó nhọc. Mẹ có 3 người con liệt sĩ. Thấy mẹ mệt, tôi quyết định thôi vẽ nhưng mẹ cứ bảo là hãy vẽ, mẹ sẽ cố gắng ngồi và tôi đã vẽ trong nước mắt.

Đến vẽ mẹ Bùi Thị Dậy ở Quảng Ngãi cũng vậy, tôi nghẹn ngào khi thấy mẹ đang ngồi bán khoai lang ở một ngôi chợ nhỏ. Còn mẹ Trần Thị Thảo ở ấp Song Bình, Bến Tre, có 3 người con đều hy sinh trong chiến trường, trong một năm 1973, cách nhau một tuần lễ, mẹ nhận được tin các anh hy sinh, mỗi lần nhận được giấy báo tử mẹ lại ngất xỉu, có nỗi đau nào lớn hơn” – họa sĩ kể lại trong niềm xúc động.

Theo NLĐO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *