Chị ngồi thẫn thờ nhìn ra bụi tre trước nhà đang lao xao trong cơn gió lúc bình minh. Cái bụi tre giăng ngang ngõ vào nhà từ lúc chị mới chào đời cho đến tận giờ với không biết bao nhiêu lần tre già măng mọc. Biết bao vật đổi sao dời với cái xóm rau ở rìa phố này nhưng bụi tre cứ còn mãi tồn tại. Cũng chính nó in sâu đậm vào ký ức những tháng năm chị biệt xứ. Tiếng lá tre xao xác, tiếng những thân tre già cọ vào nhau kẽo kẹt mỗi khi nỗi nhớ nhà trào dâng trong lòng.
Chính bụi chuối, bờ tre, mảnh vườn nơi chôn nhau cắt rốn là cái phao để chị bấu víu khi cuộc đời dìm mình vào cơn sóng dữ. Những cơn sóng cứ xô tấm thân bèo bọt của chị trôi dạt muôn phương như những mảng lục bình lênh đênh theo dòng mà chẳng biết nơi nào là bến đổ. Cũng có những lúc sóng lặng, gió yên cho những bông hoa tím biếc kia kịp nở rồi lại dặt dìu theo con nước mênh mang vô định. Mà suy cho cùng đời chị còn may mắn hơn đám lục bình khi vẫn còn một chốn quê bình yên để mà cập bến, để kịp gột rửa đi lớp bụi bẩn của cuộc đời bám chặt vào quá khứ buồn đau. Chính bờ tre, mảnh vườn là liệu pháp điều trị cho vết thương lòng của chị mau lành. Để kịp lật sang trang mới. Đang miên man với những ký ức buồn của số phận, giọng mẹ chị phía đầu hè nhà gọi vọng vào:
– Hạnh ơi! Ra giúp mẹ nhóm lửa để tráng bánh cho kịp nắng nghen con.

Ngày nắng hiếm hoi của mùa đông làm cho đàn gà sau bao hôm ủ rũ trú mưa nơi đầu hè vội lục tục kéo nhau xuống khoảng sân trước nhà tắm nắng, phơi phóng bộ lông ẩm ướt. Mẹ chị đã dậy từ sớm chuẩn bị các thứ để kịp tráng nốt số bột dang dở. Chị Hạnh ngồi trước cửa lò đẩy mấy thanh củi ướt cho nó bùng cháy giúp nước mau sôi. Mấy hôm nay mưa dầm làm mọi thứ nhão nhoét nên phải vất vả lắm mới nhóm được cái lò lửa. Khói từ bên trong lò bay ra xộc vào mũi, vào mắt cay xè. Những thanh gỗ bắt đầu bén lửa nổ lách cách. Mẹ chị tuy già nhưng tay chân còn nhanh nhẹn lắm. Bà múc bột quay đều trên cái yếm vải tròn xoe rồi hối chị đi lấy vỉ để đem phơi. Đã lâu rồi chị mới làm lại cái công việc gắn với tuổi thơ của mình một thời nên tay chân còn lóng ngóng. Thấy cái bánh tráng ướt chưa được căng đều trên vỉ, mẹ vừa giúp chị vừa than bằng cái giọng xót xa:
– Kéo cho nó thẳng đều ra. Đừng để nó bèo nhèo như cuộc đời của con vậy.
Nghe mẹ nhắc đến thân phận mình, ánh mắt chị cứ như chực ầng ậc nước. Tay kéo miếng bánh tráng trên vỉ nhưng mắt chị lại ngó ra bụi tre nơi đầu ngõ. Biết chạm vào nỗi đau của con, mẹ ngồi bó gối một chân trên chiếc ghế đẩu chờ bánh chín an ủi:
– Hãy quên đi bao thứ phù phiếm xa hoa mà con khoác lên người bấy lâu nay để làm lại cuộc đời con à.
Ai cũng nghĩ chị ham vật chất mà lỡ bước nhưng có mấy ai hiểu được nỗi niềm mà chị dấu kín bấy lâu. Thôi thì hãy cố chôn vùi nó đi và chẳng mong ai khơi gợi làm gì cho thêm hổ thẹn. Chị bưng vỉ bánh đi thật nhanh ra phía hàng tre như cố tránh ánh nhìn xót xa của mẹ.
***
Ở cái tuổi trăng tròn chị đã lớn phổng phao nổi bật trong đám bạn cùng trang lứa. Ngoài giờ học và chỉ biết làm bạn cùng luống rau, lò bánh tráng với đàn gà nhưng chị trông chẳng khác gì con gái phố với làn da trắng hồng và cặp mắt hút hồn bao kẻ khác giới cùng trường. Có biết bao vệ tinh vây quanh, biết bao chàng trai trồng cây si nơi bụi tre đầu ngõ chỉ để được nhìn người mình thương mà đêm về thao thức. Cũng chính sự hào nhoáng của thứ nhan sắc trời cho đã rút ngắn con đường học mà lúc nhỏ chị hằng ao ước. Dừng chân trên con đường đến trường dang dở, chị lao vào thành phố tìm việc làm. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nên làm sao chị có được những quyết định đúng đắn. Chị yêu đến cuồng dại gã người tình cùng tuổi với vẻ hào hoa, phong nhã bên ngoài. Tình yêu đầu đời bao giờ cũng đẹp với bao điều thơ mộng được dệt nên bởi những con tim đang nồng cháy. Họ quyết định sống cùng nhau mà chẳng có kết hôn mặc cho gia đình can ngăn và tương lai mịt mờ phía trước. Thời gian đầu họ quấn quýt như đôi chim cu khi đi đâu cũng có nhau, dành cho nhau những gì tốt đẹp nhất. Ai cũng bảo họ đẹp đôi nhưng người ta thường nói cả thèm chóng chán là thế. Chỉ chưa đầy ba năm mà họ đã có đôi lần chối bỏ giọt máu của chính mình vì nếu sinh con ra không biết lấy gì để nuôi dưỡng? Bản thân họ sống một cuộc đời chẳng khác gì những kẻ du mục rày đây mai đó để tồn tại sự sống thì làm sao dám đèo bòng thêm những đứa con thơ dại. Gã người tình lộ rõ là một kẻ họ sở khi biết chị lần thứ ba mang bầu. Hắn lại rong ruổi theo những cuộc tình mới bỏ lại chị bơ vơ giữa thị thành với cái bầu sắp sinh gần vượt mặt. Chẳng dám báo với gia đình, chị một mình vượt cạn với bé gái kháu khỉnh nhờ sự giúp đỡ của bạn bè. Để quên đi gã người tình bội bạc kia, mẹ con chị phải thường xuyên thay đổi nơi ở nhằm tránh sự quấy rối, vòi vĩnh của một kẻ tán tận lương tâm. Hôm tình cờ gặp hắn ở giữa đường, mẹ con chị phải quỳ lạy dưới chân để đổi lấy sự bình yên vì hắn luôn giở cái bài cũ rích soạn lại mỗi khi nhu cầu không được đáp ứng – đòi con. Chị phải móc hết số tiền mang theo đưa cho hắn. Giữa dòng người tất bật ngược xuôi trên phố lúc trời đã về chiều, chị ôm con thất thểu từng bước với bao suy nghĩ mông lung, rối tung trong đầu. Chưa bao giờ sự bế tắc về cuộc sống xâm chiếm lòng chị như lúc này. Chị như con bướm non vừa lột xác khỏi kén bay đi đã vướng phải mớ tơ nhện bùng nhùng mà càng cố vẫy vùng càng không lối thoát. Con bé đã ngủ trên vai mẹ từ lúc nào chẳng hay. Bóng hai mẹ con đổ dài trên hè phố dưới ánh sáng của những ngọn đèn đường làm chị chợt nhận ra trời đã tắt nắng từ lúc nào. Con bé khát sữa khóc ngặt trên vai hối thúc đôi chân người mẹ trẻ gấp gáp hơn trong cái nhìn ái ngại của những người xung quanh. Về đến phòng trọ, chị òa khóc khi nhận được điện thoại hỏi thăm của người bạn thân.
– Thôi nín đi Hạnh! Mầy còn quá trẻ để làm lại cuộc đời. Mai tao sang giúp mẹ con mầy nhé.
Chị nguôi ngoai phần nào khi xung quanh mình vẫn còn có những người bạn thân luôn sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi đôi chân non nớt của mình gấp ngả trên đường đời. Nhìn đôi môi bé nhỏ của con hé một nụ cười mãn nguyện khi nhả đôi bầu vú căng tròn lúc cơn khát sữa đã qua, chị lại có thêm động lực để bước tiếp.
***
Kiếp lục bình lênh đênh không làm mất đi vẻ đẹp mặn mà của người mẹ một con khi vừa bước qua tuổi đôi mươi. Chị xin vào làm ở quán Karaoke gần nơi ở để tiện việc chăm sóc con. Công việc phục vụ, dọn dẹp nhẹ nhàng cộng với khoản tiền cho thêm của những vị khách giúp chị đủ trang trải và có thêm chút tích lũy. Trong số những vị khách thường đến quán, ông Bình là người khác lạ hơn cả. Ông chỉ thường đi hát một mình sau khi đã ngà ngà say. Cái cách ông hát cũng làm cho chị và những người phục vụ trong quán này để ý đến. Ông chọn những bài nhẹ nhàng, trầm buồn và luôn bảo chỉnh volume rất vừa phải. Có nhiều khi ông chỉ ngồi một mình, ngả người ra ghế thả hồn theo những giai điệu mà ông chọn sẵn để nghe chứ chẳng hát. Ông thi thoảng hay mời chị cùng ngồi để nghe ông tâm sự nhưng không bao giờ suồng sã, thô thiển như nhiều gã khách đến đây lúc men say.

– Sao chú không đến quán cà phê yên tĩnh để nghe nhạc cho thư giãn hơn?
Chị xưng hô cho phải phép đối với người đàn ông lớn hơn mình nhiều tuổi chứ không giễu cợt anh anh em em như bao cô gái hay đáp vào các quán karaoke làm tay vịn cho bao gã đàn ông hư đốn. Ông Bình tế nhị dùng đại từ “cháu” mỗi khi nói chuyện với chị bằng sự sẻ chia, ân cần. Cứ vài hôm ông lại đến khi thì buổi trưa lúc thì tận khuya. Gia đình ông cực kỳ giàu có nhưng dường như ông bất hạnh ở chính căn biệt thự bề thế ở quận nội thành này. Vợ con ông không còn định cư lâu dài ở Việt Nam mà chỉ thi thoảng ghé về như lời ông thường kể cho chị nghe. Những lúc chán chường ông lại lang thang và quán karaoke này là đích đến cuối cùng. Ông luôn thích được ngồi cùng chị và không biết tự khi nào chị trở thành nơi ông trút những nỗi buồn luôn mang nặng trĩu trong lòng. Cứ mỗi khi gặp chị, ông như được nạp thêm chút năng lượng để vượt qua những tháng ngày bức bách trong đời sống gia đình. Chị cũng không nhớ rõ ông chuyển cách xưng hô từ “chú” sang “anh” tự bao giờ và chỉ biết là ông yêu mình thật sự bằng chính tình yêu mà người đời coi là khập khiễng. Chị e dè, mông lung trong suy nghĩ mỗi đêm về khi con tim có chút xao động vì mình đã là gái một con chớ không còn thanh xuân để ỡm ờ, bỡn cợt với tình yêu. Một bờ vai vững chắc lúc này là nơi để mẹ con chị tựa vào như những khóm lục bình cần một bến đổ nào đó trên dòng chảy của mình để kịp nở ra những bông hoa tím biếc. Ngày qua ngày, tình yêu của người đàn ông hào hoa, từng trải và giàu có làm con tim vốn đã một lần bị tổn thương thêm rung động. Tình yêu vốn dĩ không có lỗi khi nó trong lành như những giọt sương trên lá hay thánh thiện như những câu kinh cầu mỗi sớm mai nhưng nó sẽ bị dùng dằng bởi những ràng buộc để có lúc chao đảo, ngả nghiêng. Mối quan hệ già nhân ngãi non vợ chồng của chị và ông Bình tồn tại đến mấy năm trời rồi cũng đến tai vợ con ông. Hôm bà vợ và đứa con trai tìm đến tận phòng trọ túm tóc lôi xềnh xệch chị ra tận cửa trong sự sợ hãi đến tột cùng của đứa con gái vừa đến tuổi đi mẫu giáo, chị quyết đóng kín cánh cửa trái tim mình. Ông Bình mua hẳn một căn nhà nơi thành phố biển gần quê và tạo giúp công việc kinh doanh để mẹ con chị an tâm sinh sống, tránh xa bao phiền toái có thể xảy ra. Đó cũng là nơi để chị nuôi dưỡng giọt máu của ông. Cuộc sống giờ đây không còn bức bách, rách bươm như thuở mới bước chân vào đời. Chị còn có cả người giúp việc và tài xế riêng để đưa đón mỗi khi muốn đi đâu đó cho khuây khỏa. Chị dường như có trong tay nhiều thứ nhờ sự trợ giúp tài chính của người tình và sự may mắn trong công việc kinh doanh bất động sản. Không chịu được khi tình cảm vợ chồng cứ bị mẹ con chị san sớt, vợ ông Bình bán tất cả tài sản ở Việt Nam để đưa ông sang định cư cùng gia đình ở nước ngoài.
***
Những tháng ngày vắng người tình già, chị có đôi chút hụt hẫng khi thiếu vắng những lời hỏi thăm, động viên mỗi sớm, mỗi chiều. Những ngày cuối tuần chỉ có mấy mẹ con quạnh quẽ trong căn nhà bề thế làm chị thèm khát không khí ấm cúng của một gia đình thật sự. Vật chất xa hoa chỉ là phù phiếm không thể nào khỏa lấp nỗi cô đơn của một bà mẹ đơn thân ở độ tuổi rừng rực lửa. Đêm đêm nơi căn phòng ngủ thênh thang khi các con đã say giấc, chị thao thức không sao chợp mắt được khi sự trống vắng như choáng ngợp lấy lòng mình. Chị thèm khát được rúc đầu vào vòm ngực thô ráp, được nghe làn hơi thở nóng gấp gáp thổi vào tai, được gối đầu trên cánh tay săn chắc để nghe tiếng thì thầm vào tai những lời có cánh. Có những đêm không ngủ ngồi ngắm sao ở ban công và buông những hơi thở dài đến nao lòng, chị miên man về những cái đích chằng chịt, hỗn độn chẳng khác nào những vì sao trên trời đêm kia mà mỗi người khác nhau trong xã hội này vươn tới, kiếm tìm. Cuộc đời cứ mãi là những cuộc rượt đuổi cho đến lúc ta mõi gối chùn chân khi mà tình yêu, tiền tài, danh vọng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Những đêm mất ngủ triền miên làm chứng đau nữa đầu của chị bộc phát phải đi viện.
– Hạnh! Em đau sao mà phải nằm viện như thế này? Em còn nhớ anh không?
Chị ngồi bật dậy trên giường bệnh và nhận ra ngay anh An – người anh cùng quê trong nhóm bạn chơi chung từ thời còn đi học. Chị nhoẻn miệng cười đưa bàn tay cho anh bắt. Anh bắt chuyện hỏi thăm trong khi đôi tay mình cứ ôm lấy bàn tay trắng ngần của người mẹ trẻ mà chẳng muốn buông ra. Vẻ ngượng nghịu, bối rối thoáng qua trên khuôn mặt chị Hạnh nhưng anh nào có hay. Ngày ấy anh An đâu có lọt được vào đôi mắt xanh của cô thiếu nữ xinh đẹp này cho dù anh ngày đêm trồng cây si nơi bụi tre trước ngõ. Thời gian chẳng những không bào mòn bấy nhiêu mà còn bồi thêm sự rắn rỏi, phong trần cho người đàn ông chưa vợ này với bộ râu tua tủa và mái tóc xoăn bồng bềnh. Như đọc được trong mắt những câu hỏi của chị, anh trả lời luôn như những lời giới thiệu dù chị chưa kịp hé môi.
– Anh đang nuôi mẹ của mình bị đau trong bệnh viện này. Hiện giờ anh vẫn còn độc thân và đang kinh doanh bên vận tải.
– Anh vẫn còn ở quê chứ?
Chị vừa hỏi vừa rút vội bàn tay nóng ran ra khỏi tay anh. Chút hơi ấm hiếm hoi của bàn tay kẻ khác giới như truyền thêm chút nóng cho con tim đang rạo rực làm cho gương mặt chị bỗng hồng hào. Anh nói chuyện với chị mà ánh nhìn cứ như muốn đốt cháy người đối diện.
– Anh đang ở tại thành phố này. Nhà anh cách nhà em không xa lắm đâu.
Chị chuyển từ ngượng ngùng sang ngạc nhiên khi anh biết nhà mình và chắc chắn biết luôn hoàn cảnh của mình. Cái buổi gặp như định mệnh trong bệnh viện đã gắn kết tình bạn rồi tình yêu của những trái tim khao khát đang cần tưới lúc nào không hay và một khi nó chín muồi, nó đủ sức che lấp mọi sự nghi hoặc. Chị dồn tất cả tài sản có được bấy lâu để hùn hạp kinh doanh với anh những mong sau này anh mãi là chỗ dựa vững chắc cho mẹ con chị nương nhờ, để ngôi nhà thênh thang trên phố kia có bóng dáng đàn ông và nơi ấy có hơi ấm hạnh phúc của một gia đình thật sự. Nhưng ờ đời có mấy ai đoán được chữ ngờ khi anh liên tiếp thất bại trong công việc làm ăn. Anh buông tất cả trốn chạy khi không kham nỗi món nợ ngân hàng khổng lồ cứ ngày một lớn dần. Chị tay trắng lại về với tay trắng và bụi tre, bờ dậu nơi xóm rau quê nhà là bến đổ cho mảng lục bình khi nó trôi ngược về nơi xuất phát.
***
Nắng đã vượt lên khỏi những ngọn tre xòe những tia thẳng tắp loay xoay xuyên qua những thân tre già đậu vào khuôn mặt chị. Tiếng con gà mái cục cục gọi đàn con sau vườn, tiếng lá tre xào xạc, cả tiếng phe phẩy cái quạt mo của mẹ cho bánh mau nguội để vớt ra vỉ… tất cả tạo nên một mớ âm thanh quá đổi quen thuộc. Đã từ lâu rồi chị mới đón buổi bình minh thanh bình đến vậy. Nó chính là nơi để chị neo mình, để kịp bình sinh mà trôi tiếp trong dòng chảy của cuộc đời. Tiếng mẹ gọi cắt ngang dòng suy nghĩ miên man trong chị:
– Hạnh ơi! Vào mang bánh ra phơi đi con.
Chị cảm thấy vui khi nghe giọng quen thuộc của mẹ như thuở còn đôi mươi. Nó là động lực để chị rũ bỏ tất cả mà làm lại. Chị vươn vai khi trong lòng nhen nhóm một niềm vui nho nhỏ. Những giọt nắng vẫn cứ đu đưa theo bước chân người mẹ trẻ.
BÙI DUY PHONG
- Nhà văn Pháp Stéphane Melchior giao lưu bạn đọc Sài Gòn
- Truyện ngắn Trần Mỹ Thương: Lời hẹn Tết với Cây
- Chùm thơ 1-2-3 Nguyễn Đức Bá: Trái tim vỡ vụn giữa bầu trời giãn cách
- Nhà văn Trần Thị Trường: “Tôi thấy mình không già khi đặt bút lên toan”
- Truyện ngắn Elena Pucillo Truong: Hà Nội, nét đẹp bí ẩn.