Franz Kafka và sức mạnh của tình yêu

VHSG- Lần đầu tiên số phận đã dẫn họ đến với nhau trong một quán cà phê ở Praha, nhưng ông không để ý tới một cô gái còn rất trẻ. Màu mắt nàng, vẻ mặt nàng, thậm chí cả khuôn mặt, ông cũng không nhớ. “Tôi chỉ nhìn em lách qua những chiếc bàn xinh xắn trong quán cà phê để ra cửa. Hình dáng em, chiếc áo vàng của em – tất cả những cái đó tôi vẫn đang nhìn thấy”.

Nàng sống ở Viên, còn Kafka thì ở Praha, nhưng ông viết, như mọi người đều biết, bằng thứ tiếng Đức. Chính nàng, Milena Esenskaja, sau khi lấy chồng mang họ Pollak, là người đầu tiên đã dịch tác phẩm của ông ra tiếng Tiệp. Vả lại đó là bản dịch đầu tiên tác phẩm của ông ra tiếng nước ngoài. Tác giả đã đánh giá cao bản dịch này, đã phúc đáp lại và thế là hai người bắt đầu trao đổi thư từ với nhau. Những bức thư của ông viết càng ngày càng dài, càng ngày càng cởi mở, ông kể cho nàng nghe những chuyện mà chỉ có những người rất gần gũi mới dám nói. “Em là của tôi” – Ông tuyên bố, và sau khi nhấn mạnh, ông nói thêm: “Thậm chí kể cả tôi không bao giờ được gặp mặt em”.

Văn hào Franz Kafka

Viễn cảnh “không bao giờ được gặp mặt người yêu” là hoàn toàn hiện thực và thậm chí còn có sự hấp dẫn bởi lẽ trong trường hợp này, mối nguy hiểm của sự vỡ mộng – của nàng đối với ông hay của ông đối với nàng – đều dẫn tới số không. Hơn nữa, biết bao công sức vất vả sẽ tan thành mây khói: việc xin nghỉ phép, chuyến đi gian nan vất vả, sự chăm lo đến việc giữ bí mật, những khả năng bị vạch mặt từ phía chồng nàng và vụ bê bối om sòm như là hậu quả. Tuy thế, ông vẫn quyết định đi.

Song quyết định ấy không dứt khoát – với Franz Kafka nói chung thì chẳng có gì là dứt khoát cả: mọi cái đều bấp bênh, không chắc chắn, không đáng tin cậy, không có sự đảm bảo nào. Chẳng hạn, hôm nay ông có thể nói rằng ông nhất định đến Viên, “nhưng do chỗ hôm nay là hôm nay, còn ngày mai là ngày mai, tôi dành cho mình sự tự do hành động”.

Ông có thể hứa một điều chắc chắn: ông không định bắt chộp nàng mà sẽ báo trước sự xuất hiện của mình. Còn hiện nay ông nghiên cứu rất tỉ mỉ sơ đồ của thành phố Viên và thực sự lấy làm ngạc nhiên là tại sao người ta lại xây dựng cái thành phố đồ sộ như vậy trong khi người yêu của ông chỉ cần vẻn vẹn một căn phòng nhỏ bé duy nhất.

Và thế là chuyện đó đã được thực hiện: ngày khởi hành đã được ấn định “Vào ngày thứ ba, nếu như không có điều gì bất ngờ xảy ra trong tôi hoặc ở bên ngoài thì tôi sẽ đến Viên”.

Không có điều gì bất ngờ xảy ra cả (không tính đến hai đêm mất ngủ – ông đã quá quen thuộc với chuyện này), và ngày thứ ba, 29.6.1920, Franz Kafka, một viên chức của công ty bảo hiểm, đã nằn nì với thủ trưởng xin được 4 ngày phép, đang ngồi viết thư cho cô bạn gái trong một quán cà phê ở ga phía Nam thành phố Viên. Ông kể về cốc cacao nguội ngắt mà ông phải uống, về mấy chiếc bánh quy ngán ngẩm mà ông không ưa, về khách sạn Rifa nơi ông dừng chân và là nơi ngày mai, thứ tư, ông sẽ chờ nàng ở cạnh cửa vào cũng vào đúng thời gian này. Tức là vào 10 giờ sáng. “Milena, xin em đừng làm tôi hoảng sợ – đừng xuất hiện đường đột từ mé bên hoặc từ phía sau”.

Đó là mối quan tâm duy nhất của ông lúc này, nếu căn cứ vào bức thư mà xét. Khoảng thời gian còn lại của ngày hôm đó, ông định dành cho việc đi thăm các danh lam thắng cảnh. “Tôi cố để cho thiên hạ không để ý tới mình”.

Đó không chỉ là sự đề phòng của một người tình. Sợ có ai đó trong số những người quen nhìn thấy và rỉ tai với gã chồng thô bạo và bẩn tính của Milena; nói chung, ông cố không xuất đầu lộ diện, cố ẩn trong cái hang của mình và nếu không có nhu cầu cấp thiết thì không chui ra khỏi tổ. (Về chuyện này có cái truyện ngắn “Cái hang”, trong đó thể tự sự được thực hiện bởi nhân vật chính là chuột chũi. “Tôi không viết một cái gì mà hoàn toàn không có liên quan tới tôi” – Kafka giải thích nhắc đi nhắc lại).

Milena, một phụ nữ giàu nghị lực và yêu đời, đã lôi được người bạn trai của mình ra khỏi “hang”. Lôi ra, khởi động và khích lệ… Sau này, nàng đã miêu tả những ngày tuyệt vời đó cho một người bạn chung của họ: “Tôi lôi anh ra khỏi ổ rồi bắt leo lên những quả đồi ở quanh thành phố Viên – tự tôi chạy lên phía trước còn anh ấy thì lẽo đẽo theo sau (anh ấy đi chậm lắm), và tôi chỉ cần nhắm mắt lại là lập tức nhìn thấy cái áo trắng của anh ấy, cái cổ rám nắng và anh ấy thở hổn hển như thế nào. Anh ấy vận động hàng mấy giờ liền, lúc thì leo lên đồi, lúc thì tụt xuống đồi, luôn luôn ở ngoài nắng, không ho một lần nào, ăn rất khoẻ và ngủ như con culi”.

Một Kafka hiếu động như vậy, có lẽ chưa ai nhìn thấy. Sau khi trở về Praha, trong một thời gian dài ông vẫn còn nhớ lại những cuộc đi dạo chơi đến tận khuya của hai người, những cuộc trò chuyện bâng quơ, dường như chẳng nói về một cái gì nhưng kỳ thật lại có một ý nghĩa sâu sắc. Nhưng Kafka sẽ không phải là Kafka, nếu như ông chỉ dừng lại ở những hồi ức đó với tấm lòng biết ơn mà không đào sâu vào trái tim của mình với sự tỉ mỉ của nhà phẫu thuật.

“Nói chung ở đây tôi không chỉ yêu em mà còn yêu một cái gì lớn hơn – đó là cuộc sống của tôi được em ban cho”.

Cuộc sống được gói gọn trong 4 ngày hè đó quả là tuyệt vời. Chỉ có người có phép tiên mới có khả năng ban phát món quà như vậy.

“Tôi, một con thú rừng – Kafka thích ví mình với những động vật khác nhau của tạo hóa – đang nằm ở đâu đó trong cái hang bẩn thỉu (tất nhiên, bẩn thỉu chỉ do sự hiện diện của tôi) và bỗng nhiên nhìn thấy em ở đó, trên một khoảng rộng bao la, sự kì diệu trong số tất cả những sự kì diệu, và tôi quên đi tất cả, quên chính bản thân mình, tôi vùng dậy, tiến lại gần hơn, úp mặt vào đôi bàn tay của em và thấy thật hạnh phúc, thật tự hào, thật tự do, thật mạnh mẽ, dường như cuối cùng tôi đã có được một ngôi nhà”.

Nhưng đó là một ngôi nhà tạm thời, bởi lẽ sau tất cả những công việc diễm lệ chan hòa, ánh nắng và những khu rừng ven đê đầy thơ mộng, nàng tất yếu phải trở về với chồng mình.

Ông, thật ra, cũng phải trở về với người vợ chưa cưới đang chờ ông ở Praha, nhưng ông chỉ trở về, như ông đã ghi trong nhật ký, là phá hủy “cuộc hôn phối trước khi nó được hình thành”. Thế còn Milena? Milena như trước đây vẫn không định chia tay với người chồng chủ ngân hàng của nàng.

Ôi, Kafka mới căm ghét con người đó làm sao! Căm ghét, sợ hãi, ghen tị… Chính ông đã đưa y vào cuốn tiểu thuyết “Lâu đài” dưới cái tên Clam có cô vợ mà nhân vật chính yêu đắm đuối. “Đó là một người đàn ông to béo dáng tầm thước, khá vụng về. Khuôn mặt ông ta chưa có nếp nhăn, nhưng đôi má, do sức nặng của tuổi tác, đã hơi xệ xuống. Bộ râu đen nhánh đâm thẳng sang hai bên như hai chiếc kim đồng hồ. Chiếc kính không gọng nằm chênh vênh sáng lấp lánh, che lấp cả đôi mắt”.

Người đàn ông trông không mấy dễ coi, nhưng nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, nhân viên đạc điền N., lại có phần thích thú ông ta một cách bệnh hoạn. Y thường xuyên tìm cách gặp ông ta. Kafka, căn cứ vào những bức thư, cũng khao khát như thế. “Giá như tôi có thể nói chuyện với ông ta! – Ông thông báo cho Milena một cách tin cậy – Nhưng tôi sợ ông ta, tôi thấy được sự hơn hẳn của ông ta”.

Và đây – trong một bức thư khác: “Trong cuộc sống chung của em với ông ta, tôi kì thật chỉ là chú chuột nhắt trong “ngôi nhà lớn” mà may lắm chỉ một lần trong năm được phép công khai chạy ngang qua trên tấm thảm”.

Đấy! Lại thêm một lần tự ví mình với một con vật nhỏ bé. Mà đối với con người, bất cứ sự ví von nào với óc tưởng tượng như vậy, với tính cách cả lo như vậy và với cảm giác sâu sắc như vậy – đó không còn là sự so sánh, ví von nữa, mà đó là sự hóa thân. Gần như là sự biến thái.

“Có lần buổi sáng thức dậy sau một đêm trằn trọc, Gregor Zamza phát hiện thấy rằng y đã biến thành một con côn trùng dễ sợ”.

Truyện ngắn “Hóa thân”, một trong những kiệt tác không chỉ của riêng Kafka mà còn của toàn bộ văn học thế kỷ XX, đã mở đầu như vậy.

Trong khi dịch tác phẩm này ra tiếng Tiệp, Milena đã đoán ra được là tác giả ở trong trạng thái tinh thần đau ốm và căng thẳng như thế nào. Ít lâu sau, tâm trạng đó đã được trút thành từ ngữ bật ra khỏi ngòi bút của Franz Kafka một cách thẳng thừng mà không cần có bất cứ một sự hóa trang văn chương nào cả. Những lời lẽ này ông dùng để nói về chính mình: “Tôi bao giờ cũng gây ra sự khiếp đảm cho mọi người, nhưng nhiều hơn tất cả là cho bản thân mình”.

Nhưng với nàng thì ông gây ra không phải sự khiếp đảm mà là những cảm giác khác, hoàn toàn ngược lại. Nàng đã viết cho ông biết về điều đó trong những bức thư của mình (“Milena, những bức thư của em khiến tôi ngây ngất”), đã đánh điện, một trong những bức điện ấy ông đã làm mất. “Tôi rất khổ tâm và buồn phiền vì đã làm mất một bức điện của em… Đó là lỗi của em: nếu như nó không tuyệt vời đến thế thì tôi đã không mân mê mãi nó trong tay”.

Nàng mơ ước về một tương lai chung sống giữa hai người, nhưng để đáp lại, ông chỉ mỉm cười hoài nghi.

“Milena, tại sao em lại viết về tương lai chung sống của chúng ta, bởi lẽ nó sẽ không bao giờ tới. Ở đây ông, một trong những người hư cấu vĩ đại nhất trong văn học, đã bộc lộ mình như là một nhà hiện thực tỉnh táo. Trên đời này có quá ít chân lý hiển nhiên, nhưng đây là một trong số đó: chúng ta sẽ không bao giờ được sống bên nhau, trong một căn hộ chung, ngồi cạnh nhau bên một chiếc bàn chung, không bao giờ; thậm chí một thành phố chung chúng ta cũng sẽ không có”.

Suốt đời ông say sưa mơ ước về một gia đình. “Đó là cái duy nhất mà tôi muốn ăn no không biết chán” – ông viết trong nhật ký. Suốt đời ông mơ ước có một đứa con, bởi lẽ ông cho rằng chết mà không có con như Napoléon thì thật là khủng khiếp. Và ông viết thêm một cách tuyệt vọng: “Tôi cần phải chuẩn bị để chấp nhận cả điều bất hạnh đó bởi lẽ… tôi không bao giờ cho phép mình được mạo hiểm làm bố”.

Nhưng sự mạo hiểm để có được nếu không phải là cuộc hôn phối về mặt hình thức thì cũng là cuộc sống chung, ông sẵn sàng lao mình vào. Song, hỡi ôi, Milena không tán thành điều đó. Nàng không tán thành ý kiến của ông khuyên nàng rời bỏ Viên để đi với ông: “Mặc dầu tôi kiếm được không nhiều tiền, nhưng tôi nghĩ rằng hoàn toàn đủ cho cả hai chúng ta”. Nàng không đồng ý… Nàng không thể bỏ chồng…

Trong trường hợp như vậy thì nàng còn tơ tưởng đến tương lai nào nữa? Đến những kế hoạch nào nữa? Những dự kiến nào nữa?

Khi một người đàn bà khác, người vợ chưa cưới đầu tiên của ông – Felisa Bawer – cũng nói với ông những điều tương tự như vậy, ông đã trả lời nàng như sau: “Tôi hoàn toàn không có kế hoạch nào hết, không có những dự kiến nào hết, tôi không biết đi vào tương lai, tôi chỉ có thể rơi tõm vào tương lai, lặn ngụp, trượt vào tương lai, ngã lộn nhào vào tương lai sau khi bị vấp”.

Milena cố hãm lại sự rơi ngã tai hại đó. Không thể lôi kéo ông đến Viên, tự nàng đã đến chỗ ông. Trong nhật ký, ông gọi những cuộc viếng thăm ấy của nàng là đáng yêu và vô tư. Tuy nhiên ông cho rằng “chúng có phần vất vả, có phần vất vả như những cuộc viếng thăm người ốm”.

Nhưng cũng chính ông đang đau ốm – ông lâm bệnh nặng, nguy kịch: ông chỉ còn sống được hai năm rưỡi nữa thôi. Sự suy nhược đã khiến ông thường phải nằm liệt giường, ông bị ho ra máu, và tuy chưa đến 40 tuổi, ông đã nghỉ hưu. Vả lại, Milena cũng bị nhiễm căn bệnh đó, tuy ở dạng nhẹ hơn nhiều. “Sự mong muốn “cái chết nhẹ nhàng” đã liên kết chúng ta lại với nhau” – có lần ông viết cho nàng. Còn trong một bức thư khác được gửi ngay sát nút cuộc hội ngộ ở Viên, ông thú nhận: “Tôi đôi khi có cảm giác là chúng ta, thay vì để sống bên nhau, sẽ nhẹ nhàng nằm bên nhau để chết”.

Nhưng nàng không muốn chết, nàng không muốn sa vào vực thẳm, nơi ông vô tình hay hữu ý đã kéo nàng xuống – có thể điều đó đã giải thích việc nàng khước từ sẽ mãi mãi gắn bó với ông? Ông, một con người hoàn toàn không có khả năng tham gia bất cứ cuộc chiến nào, ông thường lui bước trước những trở ngại nhỏ nhất, còn nàng thì chống lại. Chính do tham gia vào cuộc kháng chiến của Tiệp mà nàng bị đưa vào trại tập trung của phát xít Đức, và tại đây nàng đã hy sinh năm 1944, sau cái chết của Kafka 20 năm và hồi đó ông đã trở thành một nhà văn cổ điển. Nhưng nàng, người đầu tiên dịch tác phẩm của ông, chưa kịp nói ra một lời thầm kín của mình về ông.

Con người ấy đã dạy nàng sự dũng cảm vĩ đại và hiếm có – sự dũng cảm nhìn vào bản thân mình một cách tỉnh táo. Còn một phẩm chất khác, không kém phần vĩ đại và không kém phần hiếm có – đó là khả năng biết thán phục những người khác. Chính khả năng này đã gợi ý cho nàng những lời lẽ chân thành nhất khi nói về Franz Kafka. Những lời đó rất mộc mạc: “Những tác phẩm của ông thật kỳ lạ. Bản thân ông còn kỳ lạ hơn”.

LÊ SƠN

Theo Literaturnaja Gazeta

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *