VHSG- Bất cứ người nghệ sĩ nào cũng luôn mang trong mình những trăn trở suy tư về đời sống, con người, bản thể và bằng những cách thức khác nhau truyền tải tư tưởng đó vào trong tác phẩm. Trong quá trình sáng tạo ra những sản phẩm tinh thần, một cách có ý thức hoặc vô thức, người nghệ sĩ thường tạo ra những “hiện thực bên trong” tác phẩm khác biệt thậm chí trái ngược với “hiện thực bên ngoài” đời sống. Bởi vậy, năng lực tưởng tượng đóng vai trò then chốt. Về phương diện này, thơ Nguyễn Quang Thiều là một hiện tượng. Với tập thơ “Dưới trăng và một bậc cửa”, tác giả đã mở ra trước độc giả một thế giới của những câu chuyện tưởng tượng với nhiều điều lạ.

1. Hiện thực và suy tư về hiện thực
Để nhận biết “điều lạ” của hiện thực tưởng tượng trong thơ Nguyễn Quang Thiều có lẽ cần bắt đầu với việc trả lời những câu hỏi: hiện thực nào của đời sống được tác giả lựa chọn đưa vào thơ, những suy tư gì được tác giả biểu đạt trong đó và điều gì là cơ sở tạo ra hiện thực tưởng tượng? Trong tập thơ, tác giả chủ yếu mô tả hiện thực thân thuộc quanh mình – một thị xã nhỏ nơi thi sĩ sống với những con phố, công viên, bờ sông, bãi tha ma, bệnh viện, con đường thị xã trong mưa: “con đường nham nhở biến thành dòng sông vĩ đại” [3,106], “những con đường/ chạy ra ngoại ô/ đầy phân bò và đá” [3,124]. Đó là đời sống của những người thân trong gia đình nhà thơ người bà, người bố, người mẹ đã đi xa, vợ con, những người dân, những người đàn bà của làng Chùa, những nhà thơ – đồng nghiệp; đó là thế giới của những loài thú, loài côn trùng như bầy ngựa bạch, những con dế mèn lãng mạn/ con gián khát thèm, những con sâu, con bống cái chửa hoang, những con chó ngửa mặt chu trăng, bầy kiến lang thang, con cóc già lơ đễnh và tinh quái, bầy chim rời khỏi khu vườn…
Hiện thực trong thơ của Nguyễn Quang Thiều dữ dội trong những tình huống đầy kịch tính. Tác phẩm Nhân chứng của một cái chết mở ra trước độc giả một tình huống thiên nhiên dữ dội – một trận lũ lụt “tiểu hồng thủy” khi mà cỗ xe nước khổng lồ dường như nhấn chìm tất cả: thị xã, công viên, những con đường, ngôi nhà, nhà hát… Một ngôi nhà sắp sụp đổ, một nhà hát sắp bị “xóa” đi bởi mưa và nước; những con cá chết trong sông; một đứa bé “ra đi” trên hè đường như một hài đồng ngủ trên đá hoa cương, ngủ một giấc ngủ dài hơn mọi lịch sử, một cô gái đứng dưới một cái cây chết khô trong cơn mưa dữ dội, người đàn bà sắp đến giờ sinh nở; những người khách đến bất ngờ và muộn màng trong đêm mưa khuya khoắt; và một người bà bị bại liệt trong căn phòng ẩm tối… Đó còn là hiện thực được trải rộng trong không gian trải dài trong thời gian và chiều sâu suy tưởng của những châu thổ mới, những xứ sở tuyết trắng… Những góc nhìn đa chiều về hiện thực cho thấy nhà thơ sở hữu năng lực quan sát sắc sảo, tỉnh táo của một nhà báo và sự nhạy cảm của một nghệ sĩ.
Một tác phẩm văn chương có giá trị không nhất thiết phải là một bản tường thuật mô tả đầy đủ mọi ngóc ngách của đời sống, mà quan trọng hơn nó phải bộc lộ suy tư, tư tưởng của người viết về hiện thực đó. Dưới trăng và một bậc cửa của Nguyễn Quang Thiều đầy ắp suy tư. Mười một khúc cảm gồm 11 bài ghi lại những suy tưởng về tuổi thơ và “thời hoa đỏ” của thi sĩ: đó là hoài niệm về cái thời tình yêu chưa giới tính, mắt đê mê từ thuở tóc chưa về [3,17], đến những rung động giới tính đầu tiên: ta là chiếc lưỡi câu bị bỏ quên đau khổ/ chỉ đợi run lên trước đôi môi em [3,23]; về chiếc roi quất nát sợi khói mềm của cha [3,18], những răng lược gỗ mòn cắn ngập mái tóc người của mẹ [3,22]; là hoài niệm về sự chạm lời nguyền vĩ đại và sự tự đứng lên của thi sĩ bằng đôi chân như đôi chân người bại liệt; Từ trận roi dấu ấn đầu đời, thi sĩ bước vào một hành trình của cõi nhân gian nếm trải mọi trạng thái ốm đau, cô đơn, u mê, thầm khóc và cả yêu điên rồ… Từng mải mê tìm kiếm những điều vô giá trị vật vã trong vòng lăn chiếc nhẫn vàng hàng xén, sau này sự trưởng thành đem đến cho nhà thơ những suy tư đầu tiên về khái niệm “tự do”, khiến nhà thơ nhận ra rằng mọi khái niệm đều chỉ tương đối và đời sống cần được soi chiếu từ nhiều góc nhìn: ta vẽ mắt nhân loại hình lục giác. Trong mạch hồi ức về tuổi thơ, dường như mỗi cá nhân đều có những ô cửa tuổi thơ khác nhau, với thi sĩ, đó là một ô cửa mùa đông mở ra lặng lẽ. Dường như đây cũng là cái nhìn chủ đạo của tác giả về đời sống sau này. Từ ô cửa đó, thi sĩ bắt đầu con đường dài thiên lý đi tìm bản thể: ta khao khát nhìn thấy ta trong vệt sáng cuối ngày, tự ý thức về một bản thể “phân đôi”: ta là đám rêu vừa cổ kính vừa tơ non ven tường ngôi miếu cổ [3,27]. Có thể nói, “Mười một khúc cảm” là một “phiên bản” lạ, với cái nhìn phần nào “non nớt” về đời sống của cậu bé làng Chùa – thi sĩ thuở nào.
Tiếp nối mười một khúc cảm, “Bài ca những con chim đêm” mở ra những suy tư về một sự thức tỉnh. Bài thơ mô tả một đêm khi vạn vật loài người đều thiêm thiếp ngủ vùi trong trạng thái như chết từ lâu, khi những cái cây bỏ mặt đất ra đi thì tiếng chim đêm đơn độc cất lên. Âm thanh đó khiến vạn vật bừng tỉnh, những quả đồi cựa mình, những đám mây tha phương trở về, những linh hồn người chết tìm về những linh hồn. Trong khổ thơ kết nổi bật hình ảnh một người đàn bà câm mang thai đi trên con đường hướng tới quả đồi, đi theo tiếng thúc giục của đứa con trong bụng – Mẹ hãy mang con lên đỉnh đồi. Và từ trên đỉnh đồi cao đó, đứa bé sẽ được sinh ra và họ sẽ nhìn thấy con đường và số phận của toàn dân tộc.
Xuyên suốt tập thơ, cách mô tả hiện thực của tác giả đem tới cho độc giả một cảm nhận kỳ lạ: hiện thực là một thế giới đang suy tàn, trái đất suy nhược, trơ trụi, trôi trong mê sảng, con người cũng đang tàn lụi và nhà thơ chính là “nhân chứng” duy nhất còn sót lại chứng kiến sự chết dần chết mòn trong từng phút giây đó. Đọc thơ Nguyễn Quang Thiều người đọc chứng kiến rất nhiều sự “ra đi”: những thành phố ra đi hoặc vùi sâu trong đất, những cái cây ra đi, những con mèo ra đi, những tấm ảnh, thư tình, bồ câu và những cuốn sách ra đi trong mưa bão, có cả sự ra đi của con người, của người thân ruột thịt, những trái thị vàng như người ốm lâu năm, những con chim đau ốm vì sợ hãi… Những sự ra đi và những cái chết đang tới trong cảm nhận của nhà thơ xum xuê như một vụ mùa [3,103].

Trong “Nhân chứng về một cái chết” (gồm 19 khúc, dài 42 trang) có rất nhiều sự ra đi, cái chết, cùng với đó là những quan sát, suy ngẫm, rất nhiều câu hỏi tự vấn về đời sống: suy ngẫm về “cá”: con đường của cá, cái chết của cá và lời của “con cá tiên tri”: ngày của chúng ta đã đến; suy tư về “sông”, về đôi bờ sông: tôi đứng bên bờ sông như đứng bên bờ của thế gian; suy tưởng về những “cây đèn” trong một thế gian mỗi ngày một tối hơn cùng giấc mơ về những cây đèn; suy tư về một ngôi nhà-một tiệm kim hoàn đang biến mất dần trên con đường xưa; về những “mái nhà” trong thị trấn và câu hỏi: tại sao chúng ta không khát khao ngắm nhìn những mái nhà… tại sao chúng ta lại không mơ được đi trên những mái nhà? [3,95]; suy tư về một con mèo hoang: trên nóc ngôi nhà ngoại ô một con mèo đi mãi; về “bầy chim” rời khỏi khu vườn thị xã trong mưa (Khúc mười tám); nhà thơ cảm nhận về sự bé nhỏ của con người qua hình ảnh cô con gái ở công viên trong một chiều gió mạnh nước lớn (Khúc hai), sự suy nhược của trái đất và đời sống suy tàn của loài người (Khúc mười sáu); về cái chết của một đứa trẻ trên hè đường trong mưa (Khúc mười bảy); Và trong Khúc mười chín – bài thơ kết, xuất hiện hình ảnh một người đàn ông và một người đàn bà không quần áo trong mưa đi lên cây cầu của thị xã để suy ngẫm và chứng kiến sự kết thúc của thị xã để rồi sau cơn mưa khủng khiếp ấy, họ quay lại thị xã và xây dựng lại. [Nguyễn Quang Thiều, Giới thiệu về tập thơ “Dưới trăng và một bậc cửa”]
Trong tập thơ, có những bài bộc lộ suy ngẫm của tác giả về sứ mệnh của người nghệ sĩ: đời sống như một sân khấu và người nghệ sĩ như diễn viên trong một vở kịch, mà có khi vì một lý do ngẫu nhiên (như một trận bão bất chợt) không kết nối và nhận được những “tung hô” của khán giả: cả nhà hát chỉ còn lại mênh mông một sa mạc ghế. Chiếc áo khoác của ai đó bỏ quên giống như một con đà điều rúc đầu trong cát [3,115] và sứ mệnh của người nghệ sĩ là đi phải đến tận cùng vở diễn, đến tận cùng cảnh chết của nhân vật mà mình sắm vai. Hơn thế nữa, người nghệ sĩ đến sau phải tìm con đường mới, phải mang theo suốt đời cây thánh giá của ngôn từ, chấp nhận sự dị biệt với “đám đông” như một định mệnh: khi đi qua những đám đông họ không được cộng vào đám đông và đám đông không cộng được họ. [3,101]
Nhiều bài dự cảm về một biến thiên lớn lao nào đó đang, sắp, và dường như sẽ diễn ra rất gần. Chương I, II của Nhịp điệu châu thổ mới dự cảm về một sự chuyển mình vĩ đại của châu thổ với bầy ngựa bạch mang thông điệp sự ra đi kỳ vĩ, tung vó hướng đến những miền đất mới; chương III dự báo về sự chuyển mình lớn lao bởi những gì mà bàn tay Người Nông Dân Già gieo hạt, từ đó một “ngôi nhà mới” và “đời sống mới” thực sự mở ra: đời sống mới rạng ngời gạo, rực rỡ ớt và lấp lánh lưỡi mới của dao; chương IV suy tư về tiếng thời gian, về bài hát về sự sinh ra và chiếc áo của những người đàn bà già của làng: chúng ta sinh ra bằng cách sinh ra/ chúng ta sinh ra bằng cách sinh lại/ chúng ta sinh ra bằng cách biến mất. Có nhiều ý tứ trong bài hát về nỗi đau chưa nguôi trong tự do của vải/ đó là sự tự vẫn của may sẵn, và rồi chiếc áo mới đang hình thành; chương V nối tiếp mạch suy tư về những người đàn bà già mặc đồng phục của làng. Chính họ đã dựng lên những cây cầu mới, con đường mới: những trụ cầu mảnh mai, cây cầu và con đường vươn ra lộng lẫy; chương VI, suy tưởng về những quả đồi mọc lên và bài hát về sự gieo trồng vĩ đại của những người đàn bà già của làng: Chúng ta gieo hạt… Chúng ta gieo hạt, những ngôi sao đổi ngôi”; chương VII kết lại “Nhịp điệu châu thổ mới” bằng trạng thái THỨC DẬY của vạn vật vũ trụ, của những quả đồi, cánh đồng, con đường – thức dậy để chào đón một giọng nói.
Không chỉ suy ngẫm về hiện thực, nhà thơ còn muốn đạt tới cái nhìn sáng tỏ về bản chất đời sống và con người. Bởi vậy có những “giấc mơ bay” trong thơ Nguyễn Quang Thiều: mơ được đi trên mái nhà để nhìn rõ hơn những con đường trên đất/ và được gần hơn với vô tận trời xanh [3,95]; mơ bay lên để nhìn ngôi sao cho rõ hơn [3,112]; mơ là những đám mây, bay thanh thản mọi nẻo đường vũ trụ [3,117]; người đàn ông và người đàn bà đi lên cây cầu thị xã trong mưa đi lên cao hơn/ để nhìn rõ toàn bộ thị xã. [3,123]
2. Hiện thực tưởng tượng hay ảo ảnh của hiện thực
Hiện thực tưởng tượng là thứ “hiện thực bên trong” hay “ảo ảnh của hiện thực” như cách nói của Caudwell, tạo bởi trí tưởng tượng của chủ thể sáng tạo: bản chất của thơ chính là ảo ảnh của hiện thực, cái ảo ảnh có ý thức[1]. Hiện thực tưởng tượng trong thơ ca không nhất thiết phải là một bản sao của hiện thực bên ngoài. Thậm chí nó tương phản và là một phiên bản “biến dạng” của đời sống, mang vẻ kỳ ảo, khác thường. Nhưng chính nó lại cô đúc được tính toàn cục, tính vận động của hiện thực bên ngoài, nói lên được cái tinh thần cốt lõi của đời sống. Đó là lý do vì sao nhiều tác phẩm văn học biểu đạt chân thực nhất về đời sống lại là những tác phẩm văn chương kỳ ảo. Dưới trăng và một bậc cửa của Nguyễn Quang Thiều đầy ắp hình ảnh tưởng tượng lạ lùng dữ dội ám ảnh như là sản phẩm của những cơn mê, cơn mộng mị, “sự bất ổn của những dây thần kinh”, hay nỗi sợ hãi bản năng của loài người.
Hồi tưởng mở ra những hình ảnh tưởng tượng gắn với từng tháng của năm: tháng Giêng là những cơn mơ đổ vô hồi trong mùa xuân vẫn còn giấu mặt; tháng Hai ám ảnh bởi mùi vị, màu sắc, âm thanh, hình ảnh cũ và những con người cũ -tháng sực nức mùi thuốc bắc với cây đèn kí ức cạn dầu, cỏ mộ tóc tốt tươi của người bà thi sĩ; tháng Ba là chuyến tìm kiếm cội nguồn nơi thi sĩ được sinh ra nhưng hiện tại những ngôi nhà được quét vôi “đồng phục” bởi vậy chẳng thể tìm ra; tháng Tư thơm ngát mùa loa kèn sinh ra dưới vòm trời bất diệt; tháng Năm ký ức trở về một ngày 31 đặc biệt với một người vô hình cùng bó hoa bóng tối; tháng Sáu là hình ảnh chiếc xe cáng trong vườn bệnh viện và những bóng trắng lặng im như chết; tháng Bảy ám ảnh bởi nỗi sợ phải đeo những “chiếc mặt nạ” đến tận thời khắc cuối cùng của cuộc đời; tháng Tám cây thị vàng rũ rượi/ như người ốm nhiều năm không tìm ra bệnh; tháng Chín là câu chuyện “đổi vai” người sáng mắt và người mù mắt trong một sáng sương mù trong thành phố; tháng Mười, tháng Mười Một, tháng Chạp vẫn thường trực nỗi ám ảnh về sự chết, những “cái bóng”, “tiếng gọi” của “ai đó” từ xa xăm gọi về. Có thể nói, mười hai tháng là mười hai câu chuyện được kể bằng hình ảnh tưởng tượng kỳ lạ sinh ra bởi nỗi ám ảnh không dứt về sự khởi đầu, sự tồn tại và sự chết đi của con người: mỗi con người có một số phận riêng cho dù được sinh ra từ những ngôi nhà quét vôi “đồng phục” (Hồi tưởng tháng ba); sự tồn tại của con người là một sự lựa chọn ngẫu nhiên của định mệnh tựa như một con tàu lao về đích cuối – cái chết, nhưng lại hết chỗ nên “bỏ quên” một ai đó: chiếc xe cáng lướt qua khu vườn lăn về phía nhà xác/ như một con tàu hết chỗ bỏ quên ta (Hồi tưởng tháng Sáu). Sự chết ấy ám ảnh nhà thơ từ thuở nhỏ có lẽ bởi tận mắt chứng kiến ra đi của người thân: chúng tôi-những đứa trẻ – ngồi nhìn em mình thở/ và chúng tôi không thuộc được một lời cầu nguyện nào (Hồi tưởng tháng Mười).
Một “ảo ảnh hiện thực” kỳ lạ khác được tác giả mô tả trong “Đoản ca về buổi tối”: vào một đêm nọ, linh hồn những người chết trở về thành phố mượn thân xác, giọng nói, đời sống của người đang sống để tiếp tục sống một đời sống bị đột ngột cắt đứt… mơ những giấc mơ bị tan biến giữa chừng, để gây nên những tội lỗi xấu xa. Đồng thời và đối nghịch với những linh hồn chết xấu xí đó là những thiên thần trong trẻo bay về từ phía những ngôi sao, đậu lên trán những đứa trẻ say ngủ, vừa bay vừa ca hát đêm đêm, để khi rạng đông tới, thành phố được chữa chạy được hồi sức và phục sinh. Bản chất của đời sống của loài người là như vậy-một sự pha trộn không tách rời của những cặp phạm trù đối lập: xấu xa và tốt lành, đen tối và trong sáng, chết đi và sống lại… Tiếp mạch suy tư đó, Con bống đen đẻ trứng đã “bày cơn mơ lên mảnh đất cuối cùng”. Trong cơn mơ, hiện thực dường như bị “bóp méo” dữ dội: những loài sen đổi giới tính thay mùa, những pho kinh phản bội bồ đề, những chiếc cà vạt phát bệnh điên. Đó là hậu trường của “vở kịch cuộc đời” khi bức phông đen tụt xuống. Cũng trong cơn mơ kỳ lạ, dữ dội đó, theo tiếng gọi của “ai đó” từ ô cửa sổ từ ngõ sâu và từ nấm mộ, thi sĩ bắt đầu hành trình đi tìm người thân, cha mẹ, vợ con những người bạn thơ, để đưa các con mình về nơi bình yên với cánh đồng, ngôi nhà hai mái của ông bà tổ tiên và dòng sông Đáy, nơi có những con bống vàng bống bạc và những con bống đen/ nổi lên giữa dòng sông Đáy/ đôi mắt sáng hai vầng Nhật-Nguyệt/ đẻ cho ban mai một dải trứng hồng. [3,50]
Để tạo ra những “hiện thực bên trong” kỳ lạ như vậy, ngôn từ thơ ca được dùng như là một phương thức biểu đạt hiệu quả. Nguyễn Quang Thiều sở hữu một năng lực đặc biệt về ngôn từ. Vốn từ vựng giàu có, biểu cảm, sự vận dụng linh hoạt nhiều thủ pháp như ẩn dụ, so sánh liên tưởng, nhân hóa, nghệ thuật láy, độc thoại và đối thoại…
Trong thơ Nguyễn Quang Thiều có nhiều hình ảnh ẩn dụ như những “chỉ dấu” cho nhà thơ trên hành trình dài trong cõi nhân gian, đó là những “cái cây”, “ngọn đèn”, “ngôi sao sáng”… Những cái cây – nhân chứng cho tình yêu, là một chỉ dấu để thi sĩ không bị lạc lối trên con đường bóng tối: đôi bờ cây chỉ lối cho chúng ta; những ngọn đèn sáng trong thế gian mỗi ngày một tối đi vào trong giấc mơ của nhà thơ: không gì bình tĩnh và trầm tư hơn những ngọn đèn đường… tôi mơ thấy những cây đèn nhiều hơn. Những ngọn đèn tỏa sáng các căn phòng, trên đỉnh cây, dọc bờ sông [3,90-91]; hay ngôi sao lặng lẽ sáng, lặng lẽ dõi theo, đem giấc mơ rộng lớn đến với nhà thơ: ngôi sao và không bao giờ tắt/ lặng lẽ ánh sáng ngôi sao ngập tràn trong tôi. Và tôi lại mơ bến bờ xanh tươi của đại dương đã mất [3,113]. Trong Nhịp điệu châu thổ mới, các hình ảnh như “châu thổ”, “Người Nông Dân Già”, “Cậu Bé đi”, “Bầy ngựa bạch” là những hình ảnh, nhân vật ẩn dụ. Hay hình ảnh “con bống đen đẻ trứng” phải chăng là ẩn dụ về một thời điểm trưởng thành chín muồi nhất của thi sĩ về trải nghiệm nhận thức cảm xúc, để từ đó những sản phẩm tinh thần tinh túy chín muồi nhất nối tiếp nhau ra đời như những “dải trứng hồng”?
Tập thơ đầy ắp những hình ảnh liên tưởng. Mười một khúc cảm có những liên tưởng về “em”: em quẫy trong tay ta như một con cá (khúc VII), mười ngón tay em buốt đau mười phía/ như những móng chim hoàng anh (khúc X), hay người đàn bà sắp sinh là một miền đồi là một thảo nguyên; ngôi sao như con mắt không chớp nhìn tôi; tôi đứng như một thân cây tối thẫm”, trận mưa lụt trong thị xã được mô tả bằng hình ảnh so sánh: thị xã mênh mông như một đại dương, mưa đè nặng đôi cánh như trái núi [3,120], những ngọn đèn trong nước/ như con mắt của người mù [3,122]… Ngoài ra, có những hình ảnh nhân hóa ấn tượng như: trong cơn “tiểu hồng thủy” những tấm ảnh biết suy nghĩ và biết bạc trắng đầu: chúng đã già hơn những người chủ của mình; những chiếc áo giãy giụa kinh hoàng và kêu sặc sụa; những rễ cây đang ân ái dưới đất nâu/ sự ân ái phì nhiêu và rụng lá; con bống cái chửa hoang ngơ ngác, những con kiến tí hon với cái đầu vĩ đại, con dế mèn lãng du, những ngôi mộ ngồi lặng im và suy nghĩ triền miên về sự sống và cái chết…
Ngoài những thủ pháp nêu trên, nghệ thuật láy xuất hiện trong nhiều bài thơ, như một điệp khúc trong một bài hát, có vai trò kết nối các ý thơ tạo điểm nhấn, và là những “từ khóa” truyền tải thông điệp chủ đạo của bài. Có bài dùng láy từ, chẳng hạn nói về nỗi nhớ tình yêu đã xa, tác giả viết: “Tóc em còn nặng như xưa? Mắt em còn buồn như xưa? Và hơi thở em còn phả mờ mặt anh như xưa?” [3,111]; có khi láy cụm từ: những người đàn bà già của làng đồng phục màu nâu, những người đàn bà già của làng biền biệt và bền bỉ, không thể nào gục gãy/ những người đàn bà già ngước lên và hát trong chương IV của “Nhịp điệu châu thổ mới”; hoặc láy câu: nói về nỗi cô đơn của loài người trong “Nhân chứng của một cái chết”, tác giả láy hai lần câu: đêm nào cũng lạnh thấu xương… đêm mỗi lúc lạnh thấu xương [3,116-117]. Cũng trong phần thơ này, câu Đốt thêm một cây nến trong Khúc mười hai láy đi láy lại năm lần, như một cách thức để tác giả sáng tỏ hơn nữa về hiện thực. Những câu thơ được láy nhiều lần này cũng chính là ý tưởng chủ đạo của cả bài thơ.
Đặc biệt, nghệ thuật độc thoại và đối thoại một chiều là một thủ pháp nổi bật trong phần cuối của tập thơ – Cây ánh sáng được dùng để diễn tả hiện thực tưởng tượng bên trong, với năm bài Một, Hai, Ba, Bốn và Năm. Bài Một là cuộc độc thoại nội tâm, là lời tự vấn gan ruột về hành trình tìm kiếm bản thể và sứ mệnh của nhân vật “chàng” – thi sĩ: Chàng là ai? Chàng sinh ra trên thế gian này với sứ mệnh gì? Những câu hỏi tu từ được lặp liên tiếp đầy trăn trở: Hay chàng là ví dụ của một côn trùng khổng lồ, Là ví dụ của lạc đà, Hay chàng là một thi sĩ chân chính, Hay chàng là kẻ mang cơn mơ phá tung những bức tường, Hay chàng chỉ là một ống họng khổng lồ, Hay chàng chỉ là một ảo ảnh… ; Bài Hai là cuộc đối thoại, lời sám hối và khẩn cầu của thi sĩ trước “cây ánh sáng”- Đấng Tối cao. Hình thức đối thoại với Chúa Trời như vậy cũng xuất hiện ở bài Bốn: thi sĩ sám hối về sự vô vọng, trống rỗng ác mộng, bộc lộ sự chiến thắng trước nỗi sợ hãi Thần Chết; Bài Ba là đối thoại giữa hai “người anh em song sinh” – hai nửa không thể tách rời của một bản thể, một kiểu tính cách “phân đôi”: giữa ánh sáng và bóng tối, kẻ ngôn ngữ thông tuệ và kẻ ngồi trên cái ghế hành hình, nỗi đau đớn thân xác và tâm hồn. Đó cũng là đối thoại về định mệnh của thi sĩ: chịu “hành hình” suốt đời để có được “cái chết đẹp”. Bài Năm khép lại cả tập thơ với một gam màu tươi sáng rực rỡ, mô tả một “lễ hội ánh sáng”, nơi hoa nở trên cánh đồng bất tận, có tiếng ngân trong ngần của những chiếc chuông nhỏ, chan hòa ánh sáng. Thi sĩ trở thành chiếc lá nhỏ không bao giờ tàn úa. Như vậy, cái đích cuối cùng của hành trình – “cái chết” cuối cùng lại mở ra một “cánh đồng ánh sáng” của chốn Thiên đường, chấm dứt mọi khổ đau dằn vặt của kiếp người.
Như vậy, hiện thực, suy tư về hiện thực và hiện thực tưởng tượng, tất cả hòa trộn với nhau thành một tổng thể không thể tách rời trong cả tập thơ Dưới trăng và một bậc cửa. Nhưng những bài thơ, câu thơ có sức nặng ám ảnh nhất chính là những hình ảnh, câu chuyện tượng tượng kỳ lạ dữ dội. Nó như một “đặc sản” lạ vị và đậm chất Nguyễn Quang Thiều – một thứ đặc sản không dễ thưởng thức và không dễ quên. Chính nhờ nó mà tác phẩm văn học tự thân có được một ý nghĩa đặc thù[2].
Ngoài ra, tập thơ dày dặn còn đem lại cảm nhận về nguồn năng lượng thể chất, tinh thần và sáng tạo của người viết bởi những trường ca, bài thơ dài, câu thơ dài với mạch cảm xúc trải dài cuộn trào vạm vỡ. Haruki Murakami từng chia sẻ, khi viết tiểu thuyết ông thường xuyên thức dậy rất sớm, chạy bộ hoặc bơi lội hoặc làm cả hai việc rồi mới ngồi vào bàn viết và viết liền một mạch vài ba tiếng. Với Ernest Hemingway thì viết văn và đấu quyền anh đều là niềm đam mê, có lẽ bởi cả hai hoạt động này đều cần tới sức mạnh và sức bền của thể chất và tinh thần. Tập thơ của Nguyễn Quang Thiều cũng mang lại một cảm giác tương tự, bởi nghệ thuật cần sức mạnh, sáng tạo và tưởng tượng cũng cần sức mạnh để có thể truyền tải cảm xúc, thông điệp của tác giả tới độc giả trong cách thức hiệu quả mạnh mẽ nhất.
TS NGÔ BÍCH THU
Tài liệu tham khảo:
[1] Trương Đăng Dung (2004), “Về đặc trưng của phản ánh nghệ thuật trong mỹ học của Ch. Caudwell và G. Lukacs” trong Từ văn bản đến tác phẩm văn học. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nôi, tr.143-177
[2] Phương Lựu (2001), “Lí luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX”. Nxb. Văn học, Hà Nội.
[3] Nguyễn Quang Thiều (2020), “Dưới trăng và một bậc cửa” (thơ dài và trường ca). Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
[4] Nguyễn Quang Thiều (1992), “Sự mất ngủ của lửa”, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
[5] Nguyễn Quang Thiều (1995), “Những người đàn bà gánh nước sông”, Nxb. Văn học, Hà Nội.
[6] Nguyễn Quang Thiều (1999), “Bài ca những con chim đêm”, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội
[7] Nguyễn Quang Thiều (2010), “Cây ánh sáng”, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
[8] Nguyễn Quang Thiều (2012), “Châu thổ”, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
Theo Tạp chí Nghiên cứu Văn học