(Trích chương 7, khúc 23-24-25, trường ca “Ngang qua bình minh” của Lữ Mai, NXB Văn học, 2020)

muôn cột mốc trổ vào từng hải lý
người vô hình trong biển uy linh
ta nhận ra mình đang xuyên qua sóng
qua những ánh sao – mảnh thiếc – phao chiều
biển mặn bao nhiêu bão hòa máu đỏ
tàu ra khơi dò hướng mắt người
hải cảng mù mưa mất mát nào khô nổi
hạc giấy đậu vào trắng nỗi biệt ly
ta đi qua mọi nỗi vô hình
rồi cúi gục trước một tà áo trắng
sóng đuổi dồn khoảng trống
những nghĩa trang không đỏ bởi ráng chiều
hải âu chỉ cho em nơi chúng tôi vùi sâu đáy sóng
trước vô hình nhắm mắt sẽ rõ hơn
luồng sáng thiên thanh mộng bến bờ nhiệt đới
mỗi mùa hè chín lựng giữa trùng khơi
sương khói tỏa đài hoa nguyệt quế
từng mặt người sương gió bâng khuâng
người xuyên qua sóng hay sóng xuyên qua người
lừng lững tòa mây chuyển dời hổ phách
chiều tưởng niệm sóng hằn in đáy mắt
người lính hồi hương bằng chính máu xương mình.
luôn ước có em ở đây
cùng mường tượng thật giản đơn về sóng
lửa ám hoàng hôn chầm chậm
ảo ảnh tầng cao
ảo ảnh cánh rừng
ảo ảnh ô cửa tàu tròn quầng mắt thâm phủ dụ
gió mặn phơi bia
thành lũy cuộn mây mù
xuyên qua biển xanh
ta trở về trong âm điệu sóng
xuyên qua vầng trăng
bóng tàu in sống động kiếp người
chúng chĩa vào ta thế cài răng lược
ta hiến thân mình cắm rễ xuống đại dương
những chùm rễ mọc ngược lên mặt biển
những bóng cây trũng xuống quả địa cầu
xuyên nhịp tim xuyên từng hơi thở
giông tố hết thời lủng lỉnh bò đi
đường xích đạo một dây cung phi lý
chia tròng mắt làm đôi
côi cút dưới mặt trời
giữa đại dương này
mỗi hạt cát đều linh thiêng buốt nhói
găm vào mắt người ẩn ức chơi vơi
trong lòng con tàu lao mình lên bãi cạn
tổ ấm hải âu canh ổ trứng màu trời
ngày biển động nhịp đời nứt vỏ
nở cặp mắt buồn mà dữ dội, điềm nhiên
bình yên quá khiến ta bật khóc
như buổi tàu ghé qua đảo chìm
ô cửa kín rình rang vỏ ốc
chiếc bàn cỏn con hệt thời cắp sách
giấy ố mực nhòe bạn đề tặng bài thơ
món quà ấy sóng lừng cướp mất
ôi bấy nhiêu niềm riêng chìm khuất
nay vĩnh hằng bên thềm sóng mát trong
khát vọng nào dễ gì rung chuyển
mắt biển mắt người lay thức mỗi ban mai
tay em chắp lại non mềm như búp lá
tưởng niệm ta người lính mãi không già
tà áo trắng bấy nhiêu lần cúi gục
e dè khấp khởi hơi mây
ai đã gặp những bàn tay trắng mọc lên từ lòng biển
trắng như khi ta hướng lên trời tuyên thệ
trắng như ngày bão bùng bám chặt sợi dây
trắng như ngày hẹn hò em mường tượng
trùng trùng tay nối những rừng tay
trùng trùng hơi ấm chạm nhau thành muối mặn
nỗi xót xa cô đặc thành băng
những bàn tay hóa đàn chim trắng
hóa cành hoa hóa muôn tầng mây
những bàn tay giăng giăng tứ phía
biển ở đây rồi, trời khuất sau vai
đằng tây lóe vệt đuôi chim phượng
vầng dương treo tia mắt khác thường
lửa bùng lên mặc nhiên sẽ tro tàn
phía sau tro tàn vẫn tình yêu thuần khiết
vẫn đoàn người hành quân từ miền khác
không về quê mình mà tới biển mênh mông
đá Điêu Lương dựng trán trời sương lạnh
mỗi nóc nhà thắp một ngọn đèn trông
ánh mắt mẹ thiền ngàn lau xanh biếc
chẳng cát nào nằm thở mãi đáy sâu.
lời loài chim biển:
ráng lạ chậm buông
biển đục màu sương
nhắm mắt rõ đường
vô thường trong suốt
LỮ MAI
_________________
(*) Tích xưa còn chép lại. Điêu Lương đất thiêng hạc trắng bay về. Những linh hồn dẫu ở đâu, chỉ gặp người xứ ấy một lần là theo về nhận mẹ. Những người mẹ thủy chung. Những kiếp tàn rơi, đau đớn lạ lùng. Đỉnh núi có ngôi chùa màu nước bạc. Kinh tụng bằng lời ru. Xưa mỗi đứa trẻ mơ màng ngủ. Thấy tràng hạt rụng vào lòng mình nguồn cội từ bi.
Hình như có một vài lỗi nhỏ?
Ở câu thơ rất hay này: “nghĩa trang không đỏ bởi ráng chiều” dáng chiều mới đúng nhỉ hay là ý của Nhà thơ. “ráng” ở đây không phải là “dáng” , hay là nghĩa trang không đỏ bởi sáng chiều, ở đây hàm ý nghĩa trang nằm dưới đáy biển chăng? Câu thơ trên ngay đó là sóng đuổi tới những khoảng trống, không phải mà là “sóng đuổi dồn khoảng trống” thì ngay lập tức Nhà thơ tạo ra bước nhảy trong lòng khoảng trống của mình tới nghĩa trang. Những khổ thơ buồn kết hợp lại thành buồn hơn, tâm trạng tiếp nối nhau cứ dâng cao lên mãi, đuổi dồn trạng thái tới nơi cuối cùng là nghĩa trang nhưng lại ở một cái thế nghĩa trang không sáng ánh hương, không có ánh sáng của ban ngày, trăng đêm, sự lạnh lẽo tràn ngập trong trái tim và tâm hồn người đọc.
Hoa Phong.
Câu thơ “côi cút dưới mặt trời” làm xao xuyết tâm hồn người đọc biết bao!
Việt Nam vẫn biết là như thế, Bác Hồ đã tạo ra rất nhiều bạn cho chúng ta nhưng trong vấn đề Biển chúng ta vẫn “côi cút” làm sao?
Cái côi cút ở đây không phải là hình thái hiện hữu mà là trong hư vô của sự thất vọng tinh thần nào đó. Chúng ta muốn làm bạn, chúng ta đã là bạn mà sao chúng ta không được đối xử là bạn?
Biển là biển, lịch sử đã chỉ ra các cuộc chiến mà chúng ta phải đương đầu và đã vượt qua. Ông cha đã phải tự mình đứng lên để chiến thắng. Đau khổ đã đi qua nhưng đã thấm vào hồn cốt dân tộc, đã thấm vào từng con người Việt Nam để chúng ta hiểu rằng sự côi cút ấy đang cắn rứt chúng ta.
Dân tộc Việt Nam đã tự đứng lên, tự hình hành và tự phát triển bằng nội lực, đức tính và trí tuệ Việt Nam. Nhưng chúng ta hiểu, chúng ta không muốn chiến tranh, không muốn va chạm theo chiều hướng tiêu cực, chúng ta đứng lên chống lại bằng bản thân chúng ta không mong muốn điều đó. Cái côi cút khốn khó đó chính là trong tâm thức chúng ta. Nhắc nhở chúng ta cần hiểu ra, duy trì và phát huy. Dĩ bất biến ứng vạn biến. Tinh thần tinh hoa, khôn khéo và ưu việt của dân tộc ta. Truyền thống đã truyền ngàn đời còn mãi. Chúng ta không lôi kéo nhưng cũng không để kẻ khác lôi kéo mình mà chúng ta đứng lên bởi chính chúng ta, của tinh thần chính chúng ta. Nhận thức “côi cút” ấy như cắn xé chúng ta để mặc định sự không mong muốn gây hấn, không mong muốn chiến tranh, không mong muốn một sự đụng độ nào …
Cảm ơn Nhà thơ, một trái tim, một sức mạnh đã truyền đi…
Hoa Phong.
Nói tới câu thơ là nói tới cả đoạn, đó là nhận định của mình tôi thôi. Bởi cả đoạn trường ca tôi đọc cảm nhận được sự bay bồng, phiêu lãng, sự thăng hoa của Nhà thơ. Nhưng hãy quay lại một chân lý qua câu thơ này: “lửa bùng lên mặc nhiên sẽ tro tàn” Từ “mặc nhiên” mà các câu thơ trên có nhắc tới từ “điềm tĩnh”, cái tinh thần cần phải như vậy.
Câu thơ có sức lực như nghìn vạn quân chiến trận. Như hất một gáo nước lạnh vào kẻ thù làm chúng tỉnh ngộ. Sức bút ngùn ngụt, sức mạnh của con chữ hiện ra ngút ngàn. Từ đâu đó lao tới như một mũi tên đánh vào tâm trí của kẻ thù. Chính kẻ thù mới sợ hãi. Chính những kẻ gây hấn, chèn ép, đi ngược lại luân lý đạo thường, luật lệ quốc tế mới phải sợ hãi. Tinh thần của chúng bị lay động chỉ với một câu thơ của một nhà thơ nữ Việt Nam.
Tôi thiết nghĩ Hội nhà văn VN nên chủ động tương tác với Nghiệp đoàn văn chương Trung Quốc, trước hết là Đài Loan cũng được để tham gia vào các chận chiến tinh thần. Để cùng nhau lột tả chân lý, sức mạnh của lẽ phải. Sự chủ động của chúng ta là cần thiết.
Hoa Phong.