“Ngẫu cảm văn chương” của một tâm hồn nhạy cảm

Tôi may mắn được góp mặt trong hai cuốn sách của anh: “Ngẫu cảm văn chương” 1 và 2, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn năm 2022 và 2023. Nhà thơ Hà Huy Hoàng xuất bản trong tâm thế đây là cuốn sách cuối cùng của đời anh. 

Cuốn 1 ra mắt sau một thời gian nhà thơ ốm rất nặng phải ngừng Facebook thời gian dài. Khi tôi hỏi thăm, anh nói sẽ in cuốn sách cuối cùng của đời mình, nhưng tôi luôn tin anh sẽ vượt qua và sẽ tiếp tục có những cuốn sách khác. Và chưa đầy một năm sau, cuốn sách thứ hai vừa ra đời trong sự nhiệt tình đón nhận của bạn bè thi hữu. Mừng cho anh nhưng lại buồn vì ngay từ “Lời nói đầu” anh chia sẻ: “Ngẫu cảm văn chương 2 cũng là tập sách được xuất bản cuối cùng của đời tôi. Vì lí do sức khỏe, tôi sẽ “gác bút”, không viết lời bình cho bất cứ bài thơ nào nữa. Điều đó sẽ khiến tôi rất buồn, nhưng lực bất tòng tâm, biết sao bây giờ?”.

Nhà thơ Bùi Thanh Hà – tác giả bài viết

Có lẽ vì viết trong tâm thế ấy nên anh bình thơ như vắt từ ruột gan mình, với sự đồng cảm cao độ. Anh cảm nhận vẻ đẹp của thơ, những bài thơ lọt vào thế giới tâm hồn anh không phân biệt tác giả nổi tiếng hay chưa nổi tiếng, miễn là lòng anh rung động, đồng cảm với vẻ đẹp ngôn từ, với tâm trạng mình. Anh say mê thơ, níu vào thơ mà đứng dậy như một nhà thơ từng viết.

Cuốn “Ngẫu cảm văn chương” 1, anh dành 70 bài viết cho 63 nhà thơ, hoàn thành sau 16 tháng cần mẫn chia sẻ trên chuyên trang cá nhân của anh “Đến với thơ hay”. Cuốn 2 với 40 bài bình cho 37 nhà thơ và dành phần 2 nhỏ bé chỉ 26 trang cho 6 bài viết của các nhà thơ Thanh Thảo, Trúc Thông… bình thơ mình. Hầu hết các bài viết của anh, tôi đã đều theo dõi trên Facebook, nhưng khi đọc qua những trang sách in đẹp đẽ, tôi vẫn thấy dạt dào xúc động. Những áng thơ hay, lời bình tinh tế, có sự đồng cảm sâu sắc cùng tác giả, với lối viết cảm nhận tự nhiên, hồn hậu, đầy cảm xúc, bay bổng, nhập thân, không phụ thuộc vào lý luận, học thuật, cứ nhẹ nhàng đi vào trái tim người đọc, đôi lúc khiến ta lặng người, rơi lệ…

Dường như anh cháy hết mình cho thơ văn. Nhà thơ miền núi Ấn sông Trà đã dành chút ít thời gian hiếm hoi mình có sau những vất vả nhọc nhằn mưu sinh để đọc, tri âm, bình thơ thi nhân, bạn hữu. Anh viết vì đam mê và để giao cảm cùng mọi người với ao ước “sẽ là một gạch nối nhỏ nhoi để kết nối giữa các nhà thơ và bạn đọc yêu thơ gần xa”… Điều đó thật đáng quý biết bao trong bối cảnh bạn đọc bị ngợp trong một thế giới thi ca tầng tầng lớp lớp, khó phân biệt dở hay hiện tại này.

Tập sách “Ngẫu cảm văn chương” 2 của Hà Huy Hoàng

Đọc những trang văn anh viết, không khó để nhận ra anh là người có tài văn chương, tâm hồn nhạy cảm, phong phú và giàu trải nghiệm vui buồn cuộc sống, thậm chí chịu nhiều thua thiệt, mất mát trong đời, một tâm hồn khát khao giao cảm. Nếu anh không nói, không ai biết một nhà thơ đã xuất bản 4 tập thơ và 2 tác phẩm cảm nhận, phê bình văn học, từng được giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, vì  hoàn cảnh gia đình, chỉ được học hết lớp 6 rồi lang thang bán nước kiếm sống trên tàu, trải qua nhiều công việc và bây giờ vẫn ngày ngày vất vả mưu sinh, dù sức khoẻ kém. Anh đã phải nỗ lực đọc sách và tự học biết bao cùng tài năng thiên phú để có được thành quả ngày hôm nay. Chắc chắn tình yêu văn chương đã kéo anh ra khỏi những vũng lầy cuộc sống, những giây phút mặc cảm, cô đơn, nuôi những khát khao lớn dậy.

Tôi còn nhớ đã xót xa thế nào khi đọc trên Facebook những vần thơ anh viết:

“Một mình mình hát mình nghe

Những câu lục bát xô đè lên nhau

Một mình nhặt gói nỗi đau

Dở hay, tốt xấu, vàng thau phận mình”

(Khúc hát vu vơ)

Rồi có lúc anh tự “Nhủ mình”:

“…Nước mắt ta cháy bỏng

Sát trùng vết  thương ta…

…Có buồn cũng phải sống

Có vui cũng vậy mà

Hãy chọn vui mà sống

Tránh muộn phiền, xót xa…”

Anh đã kể về “Người đàn ông ở cạnh nhà tôi” nhưng lại là bức “chân dung tự họa” của chính mình. Tôi vốn không ưa việc đồng nhất nhân vật trữ tình trong thơ văn với cá nhân tác giả, nhưng trong trường hợp này, hiểu hoàn cảnh của anh, đành phải chấp nhận đó là sự thật xót xa:

“Người đàn ông trong căn nhà quạnh vắng

Anh ta có nghĩ gì ngoài thơ và chuyện yêu đương?

Tôi bắt gặp anh ta thường nhìn xa vắng

Không biết anh có bận tâm cuộc sống đời thường?

 

Tôi suy đoán anh ta bận tâm lắm đấy

Bởi thấy anh síp cà phê, bia, nước ngày đêm

Rất chăm chỉ. Giờ làm việc gần hai mươi tiếng

Da sạm đen và lưng áo ướt mềm”

Đúng! Trái tim nhà thơ là một cung đàn ngân rung trước thơ văn và Cái Đẹp! Mà vì Cái Đẹp ấy, anh thấy cuộc đời đáng sống biết bao! Khổ đau, vất vả, ngậm ngùi là vậy nhưng vẫn thiết tha cam tâm “xin được ghi tên” sống tiếp như thế, nếu có kiếp sau!

Anh đã cháy mình từng giây phút sống, tắm mình trong vẻ đẹp văn chương, không phải để quên đi hiện thực nghiệt ngã mà để mình ý thức sâu sắc hơn mọi cung bậc buồn vui, khao khát của cõi người. Hòa hồn mình vào bao hồn người khác, suy tư, trải nghiệm, thấm thía mọi giá trị sống. Dường như anh THIỀN mỗi ngày qua thi ca và NGỘ ra rất nhiều điều. Anh trải lòng và đồng cảm cùng bầu bạn thi hữu, khát sống mãnh liệt. Ta hiểu nỗi đau buốt lòng của anh khi phải “gác bút”, nhưng cũng hiểu tinh thần anh đã vượt lên ở tầm mức nào để an nhiên đón nhận hiện thực phũ phàng nhất mà nhẹ nhàng nói với chúng ta “đây là tập sách được xuất bản cuối cùng của đời tôi”!

Cũng như bao người cầm bút tha thiết với văn chương, anh mong muốn cống hiến cho đời nhiều hơn: “…Viết được nhiều hơn/ những dòng văn/ thăng hoa/ cảm xúc”, nhưng anh cũng biết độ dừng, tự an ủi mình:

“…Mà thôi

Trọn vẹn quá cũng có hay lẫn dở

“Nửa chừng xuân” cũng có dở xen hay…”

(Ngẫu cảm thơ và em).

Tôi được biết, anh còn hai tập thơ ở dạng bản thảo chưa in nữa.

Xin mượn lời bình tôi viết vội trên trang Facebook của anh ngay sau khi đọc bài thơ trên để thay lời kết  bài viết cũng còn dang dở của tôi. Mong bạn đọc đến với Ngẫu cảm văn chương, tự khám phá vẻ đẹp của những trang viết, thưởng thức từng bài thơ lọt vào đôi mắt buồn của anh, để hiểu thêm tâm hồn một người yêu đời, yêu thơ văn say đắm và các nhà thơ mà anh ấy đồng cảm, mến thương nhé.

Anh đã rút ruột mình để viết, quên bệnh tật, chuyện áo cơm để cho chúng ta thưởng thức những áng văn đẹp, bài thơ hay, nối kết những tâm hồn đồng điệu. Cùng với những tác giả may mắn hữu duyên được góp mặt trong cuốn sách và những ai vui mừng đón nhận “Ngẫu cảm văn chương”, xin được gửi tới anh, nhà thơ Hà Huy Hoàng – người nối kết những tâm hồn qua thơ – lời cảm ơn chân thành, sâu sắc và kính chúc anh luôn mạnh khoẻ, bình an, hạnh phúc!

25.7.2023

BÙI THANH HÀ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *