Nhà văn Elena Pucillo Truong: Nuôi dưỡng tình yêu như chăm sóc một cái cây

VHSG- “Nhà văn có lẽ luôn nhạy cảm hơn người thường. Nhưng hạnh phúc nào cũng dựa trên sự đồng cảm và chia sẻ, quan tâm đến nhau, nhất là cảm xúc của nhau. Trên thế giới, có nhiều cặp đôi là nhà văn như ở Ý có nhà văn Moravia với vợ là Dacia Maraini, ở Pháp có Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir… Họ sống khá hạnh phúc với nhau. Không có công thức hay quy tắc nào cho hạnh phúc…” – Nhà văn Elena Pucillo Truong chia sẻ.

Nhà văn Ý Elena Pucillo Truong

* Một ngày của ông bà bây giờ có thể hình dung như thế nào, thưa nhà văn?

– Nhà văn Elena Pucillo Truong: Chúng tôi sinh hoạt bình thường như nhiều gia đình khác, lau và diệt vi khuẩn sàn nhà, các cửa sổ, giặt quần áo, màn, drap giường, nấu ăn… sắp xếp đi mua thực phẩm mỗi tuần một lần, mua nhanh về nhanh. Cũng như chồng, tôi dành nhiều thời gian đọc sách, xem tin tức, có cảm hứng thì viết. Chúng tôi cũng thường gọi điện hỏi thăm người thân, bạn bè, đồng nghiệp…

* Trong hiện tại này, điều bà nhớ nhất về Sài Gòn là gì?

– Tôi nhớ những tiếng cười vô tư, vô vụ lợi và hồn nhiên của bạn bè, những buổi cà phê ăn sáng đôi khi rất đơn giản với bắp, đậu phộng luộc, khoai lang… Tôi nhớ những giọng nói đầy âm nhạc của tiếng Việt, nghe như chim hót. Tuy là người Ý nhưng tôi sống với hai trái tim, Việt Nam và Ý. Tôi yêu quý Việt Nam và các bạn, nhất là những người bạn văn chương.

Ở Việt Nam, ngoài chồng và gia đình chồng, tôi còn có những người bạn văn, tôi luôn thấy họ như gia đình của mình. Những hôm còn một mình ở Ý, tôi đã khóc vì xúc động khi nhận được nhiều tin nhắn từ các anh chị em ở Việt Nam hỏi thăm tình hình, chúc bình an cho tôi và gia đình trong cơn dịch bệnh. Mọi người bảo đang nhớ tôi, lòng họ luôn ở bên tôi và mong ngày gặp lại…

* Nếu kể với độc giả Việt Nam về nước Ý những ngày này, chị muốn kể những  gì?

– Tình hình dịch bệnh ở Ý những ngày qua rất kinh khủng. Tôi rất buồn nhưng không muốn những tin tức về người mất vì COVID-19 quật ngã mình. Tôi vẫn viết về góc nhìn của mình trong tâm dịch. Mới đây, tôi có tạp bút Cuộc chạy đua với thời gian được in trên báo Thanh Niên, nói về tâm trạng của tôi khi chuyến bay về Việt Nam bị hủy. Tôi vừa viết tiếp bài Hiện thực như cơn ác mộng. Tôi cũng có nhiều ý tưởng để viết đề tài khác nhưng có thể nói, những gì tôi đang viết lúc này đều là những đề tài nóng.

Vợ chồng nhà văn Trương Văn Dân và Elena Pucillo Truong 

* Nhiều bạn bè văn chương rất ngưỡng mộ bà. Vì với nhiều người, hạnh phúc có khi là điều “xa xỉ” khi họ còn chưa kịp bước qua bên kia dốc của cuộc đời…

– Nuôi dưỡng tình yêu giống như chăm sóc một cái cây, cần bón phân, đủ nắng, gió và tưới nước mỗi ngày. Mà không chỉ tình yêu, tình bạn cũng vậy. Đừng để mối quan hệ khô héo, nhàm chán. Cần quan tâm đến nhau vì sự dửng dưng sẽ giết chết mọi mối quan hệ. Tất nhiên, mỗi người đều phải tự tìm lấy những nguyên tắc theo cách của mình, nhưng trên tất cả phải đến từ sự thành thật, chân tình và tự nhiên, không ép mình phải làm thế này hay thế khác. Như vậy thì không kết quả gì.

* “Yêu một nhà văn” – với bà, hạnh phúc đã được định nghĩa ra sao?

– Nhà văn có lẽ luôn nhạy cảm hơn người thường. Nhưng hạnh phúc nào cũng dựa trên sự đồng cảm và chia sẻ, quan tâm đến nhau, nhất là cảm xúc của nhau. Trên thế giới, có nhiều cặp đôi là nhà văn như ở Ý có nhà văn Moravia với vợ là Dacia Maraini, ở Pháp có Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir… Họ sống khá hạnh phúc với nhau. Không có công thức hay quy tắc nào cho hạnh phúc, mỗi người tùy theo độ nhạy cảm và tính cách của mình mà biết bạn đời cần điều gì, nên hay không nên làm. Quan trọng là biết lắng nghe nhau, bớt cái tôi đi một chút, nghĩ đến cái chúng ta để chia sẻ tình cảm và trách nhiệm.

* Tôi tò mò một chút, góc bếp trong một gia đình Việt – Ý thường sẽ như thế nào?

– Có cả món Ý lẫn món Việt. Chồng tôi rất thích món ăn Ý và tôi cũng biết chế biến vài món ăn Việt Nam mà anh thích, như thịt kho, các món xào… Hai chúng tôi đều thích ăn rau hơn thịt cá và không chế biến rườm rà.

* Những kỷ niệm vui của Elena khi “làm dâu Việt Nam”?

– Tôi may mắn được biết ba chồng vào năm 1985, sau đám cưới chúng tôi về Việt Nam. Ông hiền hậu, thông minh và nói tiếng Pháp rất giỏi nên những ngày đầu về nhà chồng, tôi được ông giúp cho hiểu biết nhiều về văn hóa gia đình, đạo Phật và tập quán, phong tục Việt Nam.

Năm 1990, tôi còn có nhiều kỷ niệm đáng nhớ khi mẹ chồng qua Ý thăm và ở cùng chúng tôi hơn nửa năm. Bà cũng dạy cho tôi nhiều về lòng nhân. Tôi không quên một buổi tối, đang xem ti vi, thấy cảnh động đất ở Mỹ, cầu sập, nhiều người chết… bà vội vã chạy đến trước bàn thờ Phật thắp nhang và ngồi hàng giờ cầu nguyện cho người thân và chúng sanh. Sau này, tôi quy y theo đạo Phật là nhờ những bài học thực tế từ ba mẹ chồng.

* Ông bà có dự định viết một tiểu thuyết cho chính mình? Tôi nghĩ đó cũng là điều bạn đọc mong chờ…

– Khi tôi viết về một điều gì đó, luôn có một chút mình, một chút cuộc đời. Không có trang viết nào không đi từ kinh nghiệm hay hiểu biết của chính mình. Tôi chỉ thích những trang viết ngắn mà cô đọng. Còn chồng tôi thì thích trải lòng qua những trăn trở về cuộc sống và phận người nên chỉ có tiểu thuyết mới tải được những gì anh muốn nói. Anh rất kiên nhẫn, thói quen trong nhiều năm nghiên cứu khoa học nên có thể lặp đi lặp lại những thí nghiệm cho đến khi có kết quả và không bao giờ bỏ cuộc. Tiểu thuyết Trò chuyện với thiên thần đang ở nhà in thì anh đã bắt đầu viết hai cuốn tiểu thuyết mới, một bản thảo đã được hơn 100 trang A4…

* Cảm ơn bà đã chia sẻ.

BÙI TIỂU QUYÊN/PNO thực hiện

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *