Nhặt lá mà thương duyên phận mình – thơ tình của một ngườ lính

VHSG- Tác giả Hoàng Trọng Bường, một người xuất thân binh nghiệp. Anh vừa ra mắt tập thơ thứ tư rất giàu cảm xúc và rất lãng mạn! Thi phẩm gồm 100 bài thơ tình. Đó là mạch cảm xúc dào dạt diễn tả nỗi lòng của chủ thể trữ tình. Bằng những vần thơ rất đỗi chân thành và tha thiết. Giọng thơ sôi nổi, hồn nhiên và chan chứa yêu thương. Ở đó đầy ắp cả một khung trời kỷ niệm, với một mối tình rất đẹp của thuở ban đầu nhưng đành dang dở chia ly. Vì thế giọng thơ càng trở nên thao thiết day dứt. Ngôn ngữ thơ bình dị. Câu chữ thơ anh không mấy trau chuốt, tự nhiên, gần gũi đi vào lòng người như  lời tâm tình của tác giả. Tôi có cảm giác là anh không cố tình làm chuyện văn chương mà là nhờ câu chữ ký thác nỗi niềm, giải bày tiếng lòng một cách chơn chất mà thắm đượm nghĩa tình.

Mở đầu tập thơ là bài có tựa đề như tựa của cả tập thơ. Một chiếc lá rơi cũng có thể gợi lên một nguồn thi hứng. Nhặt chiếc lá lên  cũng ngậm ngùi thương duyên phận. Một nỗi buồn tràn ngập cả tập thơ bắt đầu từ nguyên do đó.

“Nhặt lá mà thương duyên phận mình

Suốt đời chẳng lẽ mãi buồn tênh

Lẻ loi rơi rớt bên lề vắng

Lặng lẽ rồi ôm một cuộc tình”.

(Như chiếc lá vàng)

Tác giả Hoàng Trọng Bường

Một bông hoa phượng rụng cũng làm anh nuối tiếc, kỷ niệm theo đó gọi về miền dĩ vãng. Và tại sao mối tình đang thắm lại phải chia phôi để nỗi buồn đeo đẳng cả một đời, tràn cả vào thơ rồi lan sang bạn đọc? Và đây là lý do: Ly loạn, binh biến nhiều cảnh đời tan tác, còn có cả cách trở cả âm dương chứ đừng nói chi đến việc đường tình đôi ngả. Cuộc đời binh nghiệp của tác giả vốn đã rày đây mai đó, gót lữ thứ mấy khi được trở lại nhà trong mái ấm đoàn viên. Vật đổi sao dời vô tình không định trước, nhiều số phận ly tán. Anh đã sống với tâm trạng ra sao? Với nghệ thuật sử dụng câu hỏi tu từ rất ấn tượng cuối khổ thơ. Thời gian cứ vô tình trôi đi, tóc xanh giờ cũng đã thấm màu sương gió. Thi nhân ngồi đếm thời gian trong cảnh tình xa vắng.

Kỷ niệm lại ùa về, như mới đây thôi! Chất trữ tình xen những dòng tự sự, tác giả chọn những thi liệu thân quen để kể về chuyện tình riêng một thuở. Rất lãng mạn và cũng rất ngọt ngào.

“Anh dẫn em lên đồi Vọng Cảnh
Một chiều nhiều mây trắng không xanh
Em gối vai anh rồi thỏ thẻ
Suốt đời em mãi mãi yêu anh”

(Lối cũ ngày xưa)

Hình ảnh người thương không thể phai mờ trong tâm trí. Một điệu lý Mười Thương, một mái tóc thề thoang thoảng mùi hương hoa bưởi của một nét đài trang mang dáng Huế. Có lẽ sẽ theo anh trên vạn nẻo đường của cuộc hành trình xa ngái.

“Điệu “lý mười thương” sao mà ngọt lịm
Như mùi thơm hoa bưởi thoảng tóc em
Mái tóc xanh buông thả chảy êm đềm
Của thục nữ đài trang mang nét Huế”

(Anh phải về)

Phía trời xa, vẫn dõi theo từng bước đi của thời gian qua bốn mùa của Huế. Mùa đông về, anh cũng thấm lạnh trong cõi lòng, mà thực ra không phải tại mùa đông, mà anh cảm thấy cảm giác lạnh lẽo kể từ khi em không còn ở bên anh nữa, cụ thể ở mốc thời gian là từ hôm đưa tiễn ở sân ga. Bây giờ mùa đông xứ Huế lại về, làm cho cảm giác đó càng tê tái hơn. Đã bao lần anh tự vấn lòng mình mà cũng là hỏi người xưa nữa, xa cách nghìn trùng như vậy trong khoảng thời gian dài đằng đẵng mấy chục năm, thì tận cõi lòng đã “quên được nhau chưa”? Chắc chắn là chưa bởi vì nghe giọng thơ vẫn còn day dứt lắm!

“Mùa đông Huế đã về hơn mấy bữa
Mà anh nghe lành lạnh ở bên ni
Lạnh từ hôm ga buồn tiễn anh đi
Cho lặng lẽ bơ vơ chiều lẻ bước”

Thi nhân tưởng chỉ biết, hành quân, áo trận, gió bụi phong trần. Nhưng không! Người lính đó có một tâm hồn lãng mạn, yêu đời và hồn thơ lai láng với một tình yêu bỏng cháy. Vì thế thơ anh rất ngọt ngào, tha thiết. Hình ảnh người thương của lính vẫn hiện ra rõ nét trong anh. Anh nghĩ về nàng với tất cả niềm yêu quý, tự hào của riêng anh.

“Em của tôi hay mang màu tím Huế
Dáng thon gầy với mái tóc buông lơi
Trước cổng nhà bằng lăng tím đang rơi
Làm tím cả sân chiều trong nỗi nhớ”

(Màu hoa dang dở)

Nhà phê bình Hoàng Thị Bích Hà 

Không chỉ dáng vẻ bên ngoài, tác giả còn rất tự hào với vẻ đẹp nội tâm của người anh thương. Không thể quên một bóng hình xưa cũ, anh sống với hoài niệm, với những niềm nhung nhớ không nguôi.

Nhớ nhung nhung nhớ đầy vơi ấy
Xin gởi vào trong những đám mây
Nhờ gió chuyển trao về nơi ấy
Có người đang dõi mắt chân mây ”
 

(Nhung nhớ đầy vơi)

Anh cảm thấy mình là có lỗi, là người mắc nợ một ân tình, mắc nợ cả thời gian và cả khung trời kỷ niệm.

“Anh đã nợ một mùa hè phượng nở
Và bây giời anh lại nợ mùa thu
Khi lá vàng hết rụng kể coi như
Anh nợ thêm một mùa đông giá lạnh”

Tác giả thuộc lớp người sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, nếm cũng đủ chua cay của thăng trầm dâu bể, lại dấn thân vào lữ thứ can trường nhưng hồn thơ của anh thật dào dạt. Có nét lãng mạn thiết tha của Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử. Có chất đắm say, phong tình của Xuân Diệu có độ nồng nàn khi thể hiện ngôn tình của thơ tình đương đại.

“Anh đã nợ em một chuyện tình
Nợ em đôi má với bờ môi
Nợ đôi vai mộng chờ em gối
Nợ cánh tay gầy ôm dáng eo”

Tác giả điểm xuyết vài nét tiêu biểu, hình ảnh nàng thơ của anh hiện ra rất duyên dáng và gợi cảm.

“Em đã về trong đêm vằng vặc tỏ
Miệng em cười làm má lún đôi duyên
Mắt môi em và hai lúm đồng tiền
Em sáng lạng như trăng tròn mười sáu”

Tình yêu anh dành cho một người và có lẽ ngưới đó cũng rất yêu anh. Trong những vần thơ đã nói lên điều đó. Thơ anh chứa đủ những cung bậc nồng nàn say đắm dành cho nhau. Chữ thủy chung có một không hai với một tình yêu diệu vợi không bào giờ thay đổi. Có lẽ họ sinh ra là chỉ dành cho nhau mà thôi.

‘Em là dáng Huế của riêng anh
Cho dẫu duyên ta mộng chẳng thành
Em vẫn là em là mãi mãi
Vẫn là mãi mãi của riêng anh!”

(Sương Huế)

Cuộc sống bộn bề là vậy, công việc cứ cuốn theo bước đi của thời gian nhưng những khoảnh khắc của giây phút lắng động trong ngày, cũng có thể đêm xuống hay bắt đầu một ngày mới, anh vẫn không quên! Dẫu mối tình xưa đã đi vào xa vắng. Vẫn còn nguyên trong cõi nhớ thiên thu:

“Trái tim thức dậy sau lần ngủ
Mấy chục năm rồi trên võng ru
Để mối tình xưa rơi dĩ vãng
Mịt mù trong cõi nhớ thiên thu”

(Thu sầu)

Thỉnh thoảng lại lật từng trang lưu bút, thơ tình xưa để rồi ngậm ngùi tiếc mùa hoa bưởi ngày nào! Mới đây thôi phảng phất làn hương hoa bưởi…giờ còn chăng hay rã cánh dưới trời mưa. Anh chọn hình tượng hoa bưởi là đặc sản của vùng quê anh . Nó càng  làm tăng thêm lòng nhung nhớ quê nhà hơn bao giờ hết. Những thi liệu được tác giả chọn lọc đưa vào thơ như: hoa bưởi, mắt buồn, trời mưa,…không phải là mới, thực ra đã xuất hiện trong thơ từ  hơn nửa thế kỷ rồi nhưng vẫn làm nao lòng người đọc theo cách diễn đạt riêng của anh, rất tự nhiên, chân phương và rất thật.

“Anh lật lại trang thơ tình đã muộn
Hoa bưởi giờ cũng rã cánh năm xưa
Trong mắt buồn anh lại thấy trời mưa
Nhỏ từng giọt lăn dài trên đôi má”.

(Hoa bưởi miền Thôn Nguyệt)

Thơ HTB phong phú với nhiều thể loại: Thơ thất ngôn, thơ bát ngôn, thơ thất ngôn bát cú, thơ ngũ ngôn…và thơ lục bát. Thể loại nào anh cũng tỏ ra thành thạo từ cách lập ý, chọn từ, gieo vần chỉnh chu, kết hợp giữ ngôn từ và nhạc điệu rất hài hòa cân đối với cách diễn đạt bình dị dễ đi vào lòng người. Chúng ta hãy đến với những vần thơ lục bát rất mượt mà của anh.

“Dù cho vật đổi sao dời
Chữ yêu không đổi lòng người không thay
Vẫn mang trọn vẹn tình này
Vẫn trao nhau hết những ngày yêu thương”

(Định mệnh)

Viết về tình yêu, anh có những vần thơ rất dễ thương! Nhẹ nhàng thôi nhưng ý tứ sâu xa. Tình yêu của anh với nàng thơ -nhân vật trữ tình trong thơ đối với anh là vĩnh cữu. Cuộc sống dẫu có rất nhiều thứ để quan tâm nhưng tình yêu thì vẫn chiếm một vị trí quan trọng, là cứu cánh của cuộc đời trên bước đường dâu bể tình tình yêu là bến bờ neo đậu của con tim. Tình yêu cũng sẽ là chất xúc tác để tác thi nhân dệt nên những giai điệu trữ tình. Khi cuộc sống không có tình yêu hay nói cách khác là không có một nửa đích thực của đời mình đó là “em”- nhân vật trữ tình trong thơ tác giả, thì cuộc sống trở nên đơn điệu và nhàm chán, tưởng chừng như vô nghĩa.

Không em chân bước vẫn lang thang
Cứ dẫm lên trên những lá vàng
Đã rụng rơi đầy trên lối cũ
Của mùa thu ấy thuở xa xăm”

(Khi không còn có em)

Tình yêu đối với anh như đã đề cập ở trên rất quan trọng không chỉ đối với tác giả đâu mà đối với đại đa số người ta trên trái đất này. Anh là người bộc lộ một cách chân thành nỗi lòng mình qua thơ.Phải chăng, trong cuộc sống bôn ba nơi phương trời xa ngái, một chút tình cũng ấm lòng  người đi. Như ai đó vẫn dõi theo, vẫn động viên, an ủi để cuộc sống tinh thần luôn có người chia sẻ, tâm hồn thi nhân sẽ bớt cô đơn hơn! Trở đi trở lại thì nỗi nhớ là chất liệu bao trùm và xuyên suốt cả tập thơ. Thi ca là nơi để tác giả gửi gắm nỗi buồn nên vì thế thơ tình buồn thường rất đẹp, rất dễ chạm đến trái tim độc giả. Tại sao buồn? Buồn vì xa cách, buồn vì những tháng ngày bên nhau đã lùi xa vào dĩ vãng, buồn vì nhìn đâu cũng thấy trống trãi nhất là những buổi chiều đông càng làm cho nỗi buồn càng se sắt thấm thía hơn!

“Anh chỉ có nỗi buồn và nỗi nhớ
Nhớ về em và chỉ nhớ em thôi
Buồn vì ta hai đứa cách xa rồi
Không còn nữa những tháng ngày chung lối”

Tập thơ này thi nhân chỉ viết cho một người, trong thơ nói như thế, chỉ có một nàng thơ, một dấu chân chung bước ngày nào, vạt áo dài thấp thoáng ngõ xưa đã từng nép sát vào anh chiều mưa ấy. Hoài niệm thật đẹp, thật lãng  mạn, nhiều man mác bâng khuâng.

Anh cũng chỉ làm thơ cho người đó
Dấu chân nào in dấu nẻo quê xưa
Vạt áo nào đã ướt dưới trời mưa
Và ai đó nép mình nghe mưa đổ

(Thơ chỉ cho người)

Như trên đã nói, anh dùng ngôn từ để gửi gắm tiếng lòng nên cảm xúc tuôn trào lên đầu ngọn bút và anh cứ giải bày một cách tự nhiên. Không làm dáng văn chương. Có lẽ thơ anh được nhiều bạn đọc yêu mến cũng vì bút pháp chân thực, giản dị đó. Tôi từng nghĩ rằng nếu anh chắt lọc cảm xúc, trau chuốt ngôn từ để thơ hàm súc hơn có lẽ hay hơn chăng? Nhưng có lẽ sự gò bó đó không đủ cho anh diễn đạt nỗi niềm. Nên thôi, mỗi người có cách riêng đến với thơ.Năm 1917 Phạm Thượng Chi từng nói:  “ Thơ là tiếng kêu tự nhiên của con tâm”. Thơ chạm đến lòng người không gì bằng chân thành và giản dị với ngôn ngữ dễ hiểu, chẳng cần sử dụng điển tích điển cố gì nhiều. Vì thế thơ anh được rất nhiều bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận ( nhất là hững người Việt cùng thời với tác giả sống xa quê muốn sưởi ấm lòng mình với thi phẩm Tiếng Việt) !

Còn nhiều bài thơ hay khác nữa nhưng giới hạn của bài viết, phần trích dẫn xin phép dừng ở đây. Hãy đến với tập thơ Nhặt lá mà thương duyên phận mình để khám phá vẻ đẹp của tập thơ.

Sài Gòn, ngày 19.9.2020

HOÀNG THỊ BÍCH HÀ 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *