Như những ngọn gió

Đó không phải là nhan đề của một quyển tạp văn. Đó là nhan đề tác phẩm đầu tiên trong 56 tạp văn trong quyển sách với tựa đề “Trong và ngoài căn phòng tôi” của nhà văn Trần Nhã Thuỵ. “Như những ngọn gió”, hay rành rọt hơn phải là như những ngọn gió mát lành có, quăng quật có, phảng phất có, dữ dằn có… là cảm xúc của tôi khi đọc xong quyển tạp văn này.

Tôi quen nhà văn Trần Nhã Thuỵ một cách tình cờ trong lần gửi truyện cộng tác trên báo Văn Nghệ. Đó là lần tờ báo đang tìm hướng cải cách, nâng cao nội dung, chất lượng nên có nhờ những nhà văn, nhà thơ uy tín thay ban biên tập tuyển chọn các tác phẩm. Tôi chọn gửi cho nhà văn một truyện ngắn, kèm theo lời nhắn “Cháu Đình Ánh gửi chú Nhã Thuỵ truyện ngắn công tác báo Văn Nghệ. Rất mong chú đọc và góp ý. Cháu chân thành cám ơn!”. Tôi xưng hô chú cháu, bởi cứ nghĩ, nhà văn uy tín chắc phải “già lắm rồi”, đã có “kinh nghiệm” trong nghề văn chương. Dù điều đó, nó chẳng liên quan mấy với tuổi tác, cho đến khi tôi đọc “Trong và ngoài căn phòng tôi” mới ngộ ra, điều quan trọng hơn là tuổi thanh xuânTôi thích cái cách nghĩ mới mẻ này “thật vô lý khi đòi hỏi kinh nghiệm ở những người trẻ. Những nhà tuyển dụng nghĩ gì khi đòi hỏi kinh nghiệm 3 năm ở các bạn vừa mới ra trường? … Nó là một nghịch lý, một chương ngại, một thành trì bảo thủ, cản trở những người trẻ. Nên nhớ rằng, kinh nghiệm rồi sẽ có, những sự trong trẻo của tuổi trẻ thì không có một kinh nghiệm nào phục hồi được” (Trích thư gửi các bạn trẻ, tr 214).

Hai nhà văn Trần Nhã Thuỵ và Phạm Hồng Danh với tập tạp văn “Trong và ngoài căn phòng tôi”. Ảnh: PH

Vì sao tôi thích cách nghĩ ấy? Tôi là một giáo viên, hàng ngày được tiếp xúc, trao đổi với người trẻ nên tôi nhận thấy rất đúng rằng, tuổi trẻ – họ có thừa lòng nhiệt huyết, có thừa sức khoẻ, có thừa sự sáng tạo…mà người già luôn mong cầu. Trở lại với cái mail gửi đi, chỉ ít lâu sau, tôi nhận được thư trả lời “Truyện bạn viết trau chuốt, chín chu, có cảm xúc…Nhưng tiếc là chưa đạt so với tiêu chí của toà soạn đưa ra nhé! (Vì đợt này cần có những truyện thật hay để hi vong cải tiến nội dung từ báo). Rất mong nhận được tác phẩm mới của bạn!...”. Một chút buồn nhưng không chán nản, bởi tôi nhận rõ ra rằng, mình cần phải học hỏi, trau dồi ngòi bút hơn nữa.

Bẵng đi một thời gian, sau lần tình cờ quen trên, tôi lại tình cờ biết và kết bạn với nhà văn Trần Nhã Thuỵ trên facebook. Và, tôi rất thích đọc những đoạn viết ngắn của anh (giờ thì biết rõ xưng hô anh – em là chuẩn nhất) đăng tải trên trang cá nhân. Những mẫu chuyện hài hước dí dỏm, đến những đoạn trích trong quyển tạp văn vừa mới xuất bản lắng sâu, đầy chiêm nghiệm. Cũng bởi yếu tố đằng sau đó, cho nên nhận sách từ giữa tháng 10 thì phải đến đầu tháng 11 tôi mới đọc xong. Năm mươi sáu tạp văn là 56 lát cắt của cuộc sống muôn màu. Lát cắt nào cũng sắc. Lát cắt nào đọc xong cũng khiến ta hứng thú. Có nhiều lát cắt sắc lạnh mà đọc xong lại không buốt đau, nó khiến ta phải … bật cười bởi thú vị. Cũng có lát cắt đọc liền mạch chỉ mất 5 phút nhưng nó cứ để dư âm dai dẳng cả ngày, cả tuần sau đó. Những lát cắt như vậy, tôi chợt nghĩ, mình từng xưng “cháu – chú” với nhà văn như ban đầu lại hợp lý hơn. “Chú ấy” nhiều vốn sống quá, đúng như một kho sách quý. Có thể bạn sẽ chưa tin tôi nếu như không đọc quyển tạp văn này. Tôi xin điểm một số lát cắt thú vị mà khi đọc xong, hoặc là trầm ngâm một lúc, hoặc là vỗ đùi cái đét, cũng có khi muốn kể ngay với người bạn cùng nhà đang bận rộn bếp núc, cũng có khi cứ mong chờ sáng mai đến lớp kể lại cho học trò nghe. Tôi cũng xin nói trước, mình chỉ đọc tên lát cắt, còn đọc và cảm thụ là ở bạn.

Tôi xin bắt đầu từ “Tâm thơ”, lát cắt này, tôi đang có ý định xây dựng thành một cái đề thi văn tuyển chọn học sinh giỏi tỉnh mà nội dung sẽ là bàn về sự sáng tạo, tài năng của nhà văn. Tôi chỉ nói thêm rằng, câu chuyện này, tôi đã kể lại bằng ngôn ngữ không trau chuốt của mình, bằng cách kể chuyện kém duyên của mình nhưng học trò của tôi đã mắt tròn mắt dẹt lắng nghe và tỏ rõ sự tâm đắc. “Ngụ ngôn mới về ếch và bò cạp” là lát cắt thứ hai đem lại cảm giác “như một ngọn gió” có khi nhẹ nhàng, có khi quăng quật. Lát cắt “diễn từ” nó lại “nhổ toẹt” vào những mơ mộng hão huyền về mộng văn chương của chính tôi hay “của một nhà văn khả kính nọ”. Thật không quá, khi nói rằng, “diễn từ” là “năng lực” đang nổi bật ở không ít nhà văn Việt. Cũng trong những lát cắt phê phán nhẹ nhàng mà sâu cay còn phải kể đến “Chỉ có họ?”, “Dối trá là ngục tù”, “về cái ác”, “Lời xin lỗi khó đến vậy sao?…Đọc ta sẽ bắt gặp, đồng điệu với những gì ta đang nhìn thấy sống động trong chính đời sống này…

Bây giờ thử đi tìm “những cơn gió mát lành” ở “Trong và ngoài căn phòng của tôi”. Xin bắt đầu từ ngọn gió thổi lên từ “chiều chiều” nó “khiến tâm hồn mình buồn bã”… “nhưng tôi laị thích những buổi chiều” bởi khoảng không gian, thời gian ấy ta có thể “ngồi lại bên vệ đường, người hơi mỏi, bụng hơi đói…Nhưng chẳng gì vội vàng” và “tôi thích những buổi chiều trước sân nhà, uống chén rượu, rít hơi thuốc. Cứ thế một mình ngồi lún vào đêm”. Tưởng thế là tận cùng của đồng điệu với thiên nhiên, tận cùng của trốn chạy khỏi những bon chen, mỏi mệt. Nhưng không, “Chiều chiều…Tôi thường nhung nhớ trong chiều. Tôi, có lẽ là muốn được chết trong một buổi chiều. Một buổi chiều sạch sẽ và nhiều gió”. Lần đầu, tôi nghe đến cái chết nó nhẹ nhàng, nó “mát lành”, nó “thiền” đến thế! Trong “Huyệt mộ”, nhà văn cũng đã “thú nhận điều này, tôi cứ hay nghĩ về cái chết” dù rằng “tôi không phải là tip người bi quan, cũng không thuộc dạng siêu hình”.

Có lẽ vì vậy, người ta hay ngại nói đến cái chết chăng? Trần Nhã Thuỵ thì không ngại, không kiêng kị khi nghĩ về cái chết của chính mình bằng những suy nghĩ thôi thúc khôn nguôi “rồi có một ngày ta sẽ tan biến giữa dòng đời này”. Nhà văn khẳng định đầy tự tin “Ai rồi cũng chết thôi. Có gì mới đâu. Chúa Giêsu đã chết. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chết…Danh tiếng chết mà vô danh cũng chết.” Và vẫn giọng văn hài hước, dí dỏm có phần “tưng tửng” ấy, nhà văn cười mà rằng, “Sống thì khó. Còn chết thì không biết thế nào…chắc không phải chết là hết”. Đọc và ngộ ra, chết cũng thật nhẹ nhàng và bởi thế ta phải luôn trong tâm thế phải sẵn sàng chuẩn bị “di chúc” để … ra đi bất cứ lúc nào. Ngọn gió “Chiều chiều lại nhớ” cũng tiếp tục mang đến điệp khúc “chiều chiều. Trôi” đầy dung dị, lãng đãng. Nếu phải chọn ra “cơn gió mát lành” nhất, tôi sẽ đắm mình với “Thói đố kỵ như liều thuốc độc tự chuốc vào mình”.

Cơn gió này, tôi đã đọc nhiều lần trước đó trên trang cá nhân của nhà văn. Nó lôi cuốn nhiều bạn đọc, có lẽ bởi nhà văn bắt mạch đúng quá căn bệnh đố kỵ có trong tâm nhiều người. Cơn gió ấy dường như bằng nhiều cách nó đã thổi vào muôn loài cây cối, rồi cho đơm hoa kết trái. Và nhà văn, bằng sự trải nghiệm, bằng vốn sống ngồn ngộn đã ngắm nhìn, thanh lọc vào tâm hồn mình và “kê đơn” cho chúng ta bằng những liều thuốc đặc hiệu, để từ đó có thể chữa dứt điểm căn bệnh đố kỵ.

Nhà giáo Nguyễn Đình Ánh – Trường THPT Nghi Lộc 2, Nghệ An, tác giả bài viết.

Trong và ngoài căn phòng của tôi” còn có những lát cắt suy từ về giáo dục, về nghề văn, “về nghệ sỹ”, “về khí hậu”, “về tình dục”, về sự “trở về”, về “yêu ghét”, “về kẻ giàu người nghèo”, “về người Nhật”, …Bàn về giáo dục thì không thể bỏ qua các tản mạn “làm giáo dục dễ lắm” nhưng đọc xong thì lại thấy khó vô cùng, hay “nghĩ vụn về giáo dục”… Đọc, chúng ta sẽ thấy, Trần Nhã Thuỵ có nhiều cái nhìn khác về triết lý giáo dục đầy thú vị, đầy trách nhiệm mặc dù anh đã thú nhận “ trên đời này có hai việc tôi không dám làm, đó là: đi dạy và viết phê bình”. Thật ra, phần lớn tạp văn trong tuyển tập này, nếu suy ngẫm sâu xa thì nó luôn là một “bài học giáo dục” đúng nghĩa.  Anh cũng có những suy tư về nghề văn với các tản mạn như “nghĩ vụn về nghề văn”, “đổ truyện”, “diễn từ”, “ba nhà văn”, “Người bị hiểu nhầm nhiều nhất và đặc biệt là “tôi là nhà văn …một mình”… mà những ai theo nghiệp viết có lẽ không nên bỏ qua.

Nhà văn cũng dũng cảm, cũng rất “lì đòn” khi bàn đến những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề “nóng” dễ nhận cho mình nhiều “gạch đá” như vấn đề nghệ sỹ, tình dục, “chỉ có họ”…Nhưng đọc xong, có lẽ nhà văn sẽ thất vọng vì “gạch đá” sẽ không đủ xây xong phòng đọc cho… “nhà văn nghèo”.

Trong và ngoài căn phòng của tôi” dường như là một tuyển tập mà Trần Nhã Thuỵ cố “xoá dấu vết” nhưng vẫn để lại “trong trần gian nhiều thương luyến”. Lối viết nhẹ nhàng, những lát cắt được đề cập phần nhiều là gần gũi, nhiều khi có cảm giác “nhỏ vụn” nhưng vẫn tạo hứng thú, sự tò mò cho độc giả. Sự sâu sắc là điều có lẽ ai cũng sẽ cảm nhận được, mỗi người có thể tìm thấy cho mình một bài học, thậm chí một sự phản biện hoàn toàn trái ngược sự “cài cắm”của tác giả. Nhưng điều hấp dẫn tôi còn là ở giọng văn thâm trầm mà dí dỏm, giản dị mà hài hước trước bất kỳ vấn đề nóng hổi nào của đời sống. Tôi cứ hình dung, khi viết những lát cắt ấy, Trần Nhã Thuỵ phải thong dong lắm, viết trong tâm thể trên khuôn mặt mình lúc nào cũng chực sẵn một nụ cười gửi đến độc giả. Ai đó từng nói, “người hài hước là người thông minh; người thông minh chưa chắc đã là người hài hước”. Nhà văn Uông Triều cũng từng nhấn mạnh “văn chương Việt đang thiếu đi tiếng cười và thừa thãi những điều nghiêm nghị”.

Trần Nhã Thuỵ là một nhà văn hài hước trong ngôn từ, trong giọng điệu và cả trong chủ đề, nội dung phán ảnh. “Trong và ngoài căn phòng tôi” đã góp thêm một điệu cười cho văn học hiện thời – điệu cười rất Trần Nhã Thuỵ, nhẹ nhàng mà sâu sắc.

NGUYỄN ĐÌNH ÁNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *