Chỉ cần giở 50 trang đầu tiên của The Sorrow of War (Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh), độc giả sẽ ngay lập tức nhận ra Palmos đã tự tiện tiến hành một loạt những thay đổi không cần thiết: ngoài những lỗi cơ bản đầy rẫy như hiểu sai từ, cụm từ, đến cả câu, ông còn thêm thắt, cắt xén, đến viết lại hoàn toàn…

Chỉ cần giở 50 trang đầu tiên của The Sorrow of War, độc giả sẽ ngay lập tức nhận ra Palmos đã tự tiện tiến hành một loạt những thay đổi không cần thiết: ngoài những lỗi cơ bản đầy rẫy như hiểu sai từ, cụm từ, đến cả câu, ông còn thêm thắt, cắt xén, đến viết lại hoàn toàn (thay đổi cấu trúc các đoạn văn, sắp xếp lại chi tiết). Thậm chí dịch giả còn nhầm lẫn thoại của nhân vật này cho nhân vật kia. “Tây hóa” đã trở thành một cụm từ rất thuận tiện để biện minh cho những can thiệp thô bạo lên bản gốc này. Ngay từ câu đầu tiên đã có sự khác biệt. Bảo Ninh mở đầu tiểu thuyết như sau:
Mùa khô đầu tiên sau chiến tranh đến với miền hậu cứ Cánh Bắc của Mặt trận B3 êm ả nhưng muộn màng. (Ninh 5)
Palmos viết:
On the banks of the Ya Crong Poco river, on the northern flank of the B3 battlefield in the Central Highlands, the Missing in Action Remains-Gathering Team awaits the dry season of 1975. (Palmos 3)
Trên đôi bờ sông Ya Crông Pôcô, ở Cánh Bắc của Mặt trận B3 trên Tây Nguyên, đội thu nhặt hài cốt tử sĩ chờ đợi mùa khô năm 1975.[9]
Khoan nói tới việc phiên bản của Bảo Ninh gợi tả hơn hẳn, phiên bản của Palmos còn đưa thêm một chỉ dẫn thừa: “đội thu nhặt hài cốt tử sĩ.” Cụm từ này không xuất hiện cho tới trang 30 trong bản tiếng Việt, nhưng công việc của Kiên đã được hé lộ ngay từ ban đầu khi anh được miêu tả nằm mắc võng trên sàn xe xếp đầy hài cốt tử sĩ. Hơn thế nữa, mùa khô “đến” và “chờ đợi mùa khô” không hoàn toàn tương đương về mặt nghĩa – Kiên không đón đợi mùa đến với kỳ vọng gì, bởi sự thực là hy vọng nơi anh đã gần như tan nát sau khi chiến tranh kết thúc.
Tiếp, khi Kiên nhớ lại đợt chỉnh huấn ngay năm trước đó, Bảo Ninh viết:
Liên miên chính trị. Chính trị sáng, chính trị chiều, tối lại cũng chính trị. Ta thắng địch thua, miền Bắc được mùa, thế giới chia làm ba phe rõ rệt. (Ninh 11)
Palmos viết lại:
Politics continuously. Politics in the morning, politics in the afternoon, politics again in the evening. “We won, the enemy lost. The enemy will surely loose. The North had a good harvest, a bumper harvest. The people will rise up and welcome you. Those who don’t just lack awareness. The world is divided into three camps.” More politics. (Palmos 8)
Liên miên chính trị. Chính trị sáng, chính trị chiều, tối lại cũng chính trị. “Ta thắng, địch đã thua. Địch chắc chắn sẽ thua. Miền Bắc được mùa, vụ bội thu. Nhân dân sẽ nổi dậy và chào đón các đồng chí. Những người không làm vậy chỉ thiếu nhận thức. Thế giới chia làm ba phe.” Thêm chính trị.
Hai câu đầu Palmos dịch rất sát, nhưng tới câu sau lại thêm mắm dặm muối. Thủ pháp nhấn mạnh bằng cách lặp lại thông tin, như “Địch chắc chắn sẽ thua,” là thủ pháp yêu thích của dịch giả. Có thể thấy thủ pháp này là một con bài quan trọng trong chiến lược “Tây hoá” bằng cách sử dụng ngôn ngữ để lột tả “cảm quan hàm ý trong ngôn ngữ gốc” bởi “nhạy cảm văn hoá giới hạn Bảo Ninh trong việc miêu tả các sự kiện cá nhân.” Có nghĩa là, nói nhẹ thì là Bảo Ninh quá tế nhị, nói nặng là ông viết khó hiểu và không biết nhấn mạnh lúc cần. Nhưng thêm chi tiết nhân dân nổi dậy thì thêm được giá trị gì cho nội dung, ngoài việc kịch tính hoá bài học chính trị đến mức ngớ ngẩn?
Ngay sau đó Palmos còn tặng các chiến sĩ của trung đoàn 3 hẳn một bài đồng dao:
Nine, Ten, Jack!
Lofty, Big Thinh, and Can!
Queen, King, Ace!
Cu, Oanh, and Tac! (Palmos 9)
Chín, Mười, Zi!
Thịnh Cao, Nhớn, và Can!
Quy, Ka, Át!
Cừ, Oanh, và Tạc! (Palmos 9)
Trên thực tế, chẳng ai vừa chơi tiến lên vừa đọc tên mình. Lời thoại gốc của Bảo Ninh chỉ đơn giản là “Chín – Mười – Zi này! / Quy – Ka – Át này!” Đó là còn chưa kể Palmos dịch Thịnh “con” thành Thịnh “cao” (Lofty Thinh), và viết sai Tạo thành Tạc.
Ván bài cuối cùng khi trung đội chỉ còn lại bốn người là nơi Palmos thoả sức bay theo tưởng tượng. Bảo Ninh viết:
Cỗ bài được trang lần cuối, Kiên nhớ, khi trung đội chỉ còn lại bốn mống: Từ, Thanh, Vân và Kiên. […] Dưới các ngách hào và hố cá nhân bộ binh vẫn đang cố tận hưởng những hớp cuối cùng của giấc ngủ. Nhưng bốn tay trinh sát trung đoàn sắp sửa dẫn đầu phân đội mũi nhọn xung phong thì lại đang mải miết “tiến lên.”
– Chơi tà tà nhé, – Kiên đề nghị – nếu dở ván thì trời để cho cả bốn thằng sống qua trận này, để còn chơi tiếp. (Ninh 12, 13)
Palmos viết lại:
But one by one the cardplayers at their fateful table were taken away. The cards were last used when the platoon was down to just four soldiers. Tu, Thanh, Van, and Kien. […] In the trenches and in shelters the infantry were trying to enjoy last moments of sleep. But for Kien’s scouts, who were going to lead the attack as the advance guard, it was going a bit too fast. They were spooked by their cards, not at all liking how the hands fell as they played the game called “Advance.”
“Slow down a bit,” Kien suggested. “If we leave this game unfinished Heaven will grant favors, keeping us alive to return and finish the game. So, slow down and we’ll survive this battle and continue the game later.” (Palmos 10)
Nhưng từng người một trong đám chơi trên sới bài định mệnh bị mang đi. Cỗ bài được dùng lần cuối khi trung đội chỉ còn bốn người lính. Từ, Thanh, Vân và Kiên. […] Trong các hào và hầm trú ẩn bộ binh đang cố tận hưởng những hớp cuối cùng của giấc ngủ. Nhưng với đội của Kiên, những người sẽ dẫn đầu phân đội mũi nhọn xung phong, mọi thứ đang đi quá nhanh. Họ bị cỗ bài làm kinh hãi, không thích thú gì cảm giác cầm bài đánh bài xuống khi chơi “tiến lên.”
“Chơi chậm lại tí,” Kiên đề nghị. “Nếu dở ván thì Trời sẽ thương, cho cả đám sống để quay lại và chơi nốt. Thế nên, chậm lại và ta sẽ sống qua trận này và chơi tiếp sau.”
Một lần nữa, thủ pháp lặp lại thông tin được sử dụng. Dường như thấy cụm “cỗ bài được trang lần cuối” là chưa đủ để độc giả hiểu rằng sẽ có người trong nhóm ấy phải hy sinh, Palmos còn cẩn thận rào trước rằng đó là ván bài định mệnh. Dường như thấy Kiên nói một câu chưa đủ sức thuyết phục, ông bôi ra làm hai cho chắc ăn.
Tiếp, miêu tả trận đánh, Bảo Ninh viết:
Sau đấy chừng nửa giờ Vân chết cháy cùng với chiếc T54 đầu đàn. Thân xác ra tro nên chẳng cần huyệt mộ. Còn Thanh thì chết ở Cầu Bông, và cũng bị thiêu trong quan tài thép cùng với tổ lái. Chỉ có Từ là đã cùng Kiên đánh đến cửa số 5 sân bay Tân Sơn Nhất rồi mới hy sinh. (Ninh 14)
Palmos viết lại:
Before an hour was up Van was burned alive in a T54 tank, his body turned to ash. No grave or tomb for them to throw the cards onto.
Thanh died near the Bong bridge, also burned in a tank together with the tank crew. A big, white-hot steel coffin.
Only Tu had fought, together with Kien, to Gate 5 of Saigon’s Tan Son Nhat airport. Then Tu was killled. It was the morning of 30 April, with just three hours to go before the war ended. (Palmos 11)
Trước khi hết một giờ Vân bị thiêu sống trong chiếc xe tăng T54, thân xác ra tro. Không có huyệt hay mộ để họ ném bộ bài vào.
Thanh chết gần Cầu Bông, cũng bị thiêu trong xe tăng cùng với tổ lái. Một cỗ quan tài thép to, bị nung đến trắng.
Chỉ có Từ đã đánh, cùng Kiên, đến cửa 5 sân bay Tân Sơn Nhất của Sài Gòn. Rồi Từ bị giết. Đó là sáng ngày 30 tháng 4, chỉ ba giờ trước khi chiến tranh kết thúc. (Palmos 11)
Có lẽ bởi trước đó Vân đã nói “Tao chết chúng mày nhớ liệng xuống hố cho nhau một cỗ bài nhé!” nên Palmos tự biên rằng huyệt mộ phải gắn với cỗ bài. Một lần nữa, “quan tài thép” là chưa đủ; như sợ người đọc không hiểu, ông phải giải thích trước đó là xe tăng, và phải thêm vào nó được nung nóng đến nỗi phát ra ánh sáng trắng để thêm phần bi tráng. Từ hy sinh cũng chưa đủ đau xót, ông bắt anh phải chết như một biểu tượng của sự tiếc nuối ngay trước khi độc lập chỉ ba tiếng đồng hồ.
Tiếp, Bảo Ninh viết:
Núi vẫn thế, rừng vẫn thế, suối sông cũng vẫn thế thôi, bởi có là bao một năm trời. Chỉ có điều hồi đó đang chiến tranh còn bây giờ trái lại, đã hoà bình rồi. Cùng là một trang cuộc đời nhưng mà là hai thế giới, hai thời đại… (Ninh 14)
Palmos viết lại:
To one who has just returned the mountains still look the same. The forest looks the same. The stream and the river also look the same. One year is not a long time. No, it is the war that is the difference. Then it was war, now it is peace. Two different ages, two worlds, yet written on the same page of life. That’s the difference. (Palmos 11)
Đối với người vừa trở lại thì núi vẫn thế. Rừng vẫn thế. Suối và sông vẫn thế. Một năm không dài. Không, chính chiến tranh là điều khác biệt. Hồi đó là chiến tranh, bây giờ là hoà bình. Hai thời đại, hai thế giới, nhưng viết trên cùng một trang cuộc đời. Đó là điều khác biệt.
Palmos nhấn mạnh đến hai lần “điều khác biệt.” Đáng chú ý ở đây là Palmos thay dấu ba chấm của Bảo Ninh bằng dấu chấm, như cắt đứt phựt một dòng suy tư miên man. Dấu ba chấm còn được gọi là dấu chấm lửng, được sử dụng để chỉ một lời nói ngắt quãng, có lúc thể hiện hơi thở ngắt quãng, có lúc thể hiện sự lửng lơ, hàm ý mà không cần tỏ ý. Bảo Ninh sử dụng dấu ba chấm đặc biệt nhiều, nhưng dường như Palmos không hiểu ẩn ý đằng sau đó.
Điển hình có đoạn Hưng, một người bạn cũ của Phương mà Kiên gặp sau khi trở về Hà Nội, bình phẩm về Phương:
Anh bảo tôi là đồ rác rưởi? Cứ cho là như thế. Còn anh. Rất có thể anh là một nhân vật đáng kính. Hôm thứ bảy tôi được vinh hạnh nom thấy anh ở rạp Tháng Tám. Anh bạn nhớ lại mà xem, có lúc nào người đẹp của anh bối rối khi vào rạp? Đấy là vì nàng thấy tôi nhìn anh chị. Anh có thể không là đồ rác rưởi, nhưng cô tiên sánh đôi với anh hôm đó thì cho phép được nói thật: Đó là… (Ninh 212)
Palmos viết lại:
“I’m garbage? Me? What, and you’re honorable, are you? I seem to remember seeing you last Sunday at the August Cinema when you waltzed in with your beautiful girlfriend. What a joke! Your girlfriend. Know why she was embarrased? She saw me looking at you both. Shit, she’s a fucking tramp.” He leered. (Palmos 155)
“Tôi là rác rưởi? Tôi á? Thế anh thì đáng kính đấy nhỉ? Hình như tôi nhớ tôi nhìn thấy anh chủ nhật vừa rồi ở rạp Tháng Tám khi anh tung tăng đi vào với cô bạn gái xinh đẹp của mình. Nực cười! Bạn gái anh ấy. Biết sao nàng xấu hổ không? Nàng nhìn thấy tôi nhìn anh chị. Cứt thật, đúng là một con đĩ.” Hắn liếc đểu.
Thay vì để nhân vật bỏ lửng câu nói với ý châm chọc không giấu giếm, Palmos hăng hái điền vào chỗ trống bằng cụm “một con đĩ” (từ gốc: “a fucking tramp”). Nếu Palmos giữ nguyên tông giọng và cách dùng từ lịch sự nhưng đầy vẻ trào phúng như “vinh hạnh,” “người đẹp,” “cô tiên,” “sánh đôi,” có lẽ không cần phải thêm cho Hưng hành động “liếc đểu” (từ gốc: “leer”) để người đọc hiểu được là anh ta đang nói kháy. Thô tục và cục cằn, lời nói của Hưng không còn tính móc mỉa và gây đau đớn nhiều cho Kiên như trong bản gốc nữa.
Thoại của Hưng ngay sau đó cũng được điền vào chỗ trống và thay đổi tông giọng. Bảo Ninh viết:
Nếu anh cho tôi là thằng bịp bợm, ngày mai đúng tám giờ tối tôi sẽ đưa thằng đã ngủ hầu nàng lượt sau cùng trước khi nàng đến với anh để trình anh mọi chi tiết. Tôi nghĩ thế là tôi tử tế và tận tình với anh mặc dù vô cớ bị anh làm nhục. Xin nói để anh biết rằng tôi chẳng những là lính mà còn từng là cán bộ chỉ huy cơ đấy. Cái thằng Vượng kia tôi còn lạ gì… Thế nào, tám giờ sáng mai nhé? Còn nó, xin nói để anh biết: Những con đàn bà mắt hơi hiêng hiếng lại đong đưa tất tật đều là phường truỵ lạc nhất đời, dù cũng chẳng có cái giống gì đáng yêu hơn chúng… Nhưng đến cỡ như con Phương thì… (Ninh 213)
Palmos viết lại:
Leather Jacket continued: “Think I’m a liar? Meet me here tomorrow and I’ll bring the last guy who screwed her before you got her back. He’ll tell you every itty-bitty detail.” Kien stared at him but didn’t move or speak.
“Fuck you! You think I don’t know who you are? I know old Vuong, too. Not only was I a soldier but a commander, that’s how I know him. You’re nothing special. And as for her, well, they say those sort of cross-eyed ones like that Phuong of yours are the greatest performers. Do anything. Beautiful, sure, but real screamers. Ask the guy I bring here tomorrow.” (Palmos 155)
Áo Da tiếp tục: “Nghĩ tôi là thằng bịp bợm à? Mai gặp tôi ở đây và tôi sẽ đưa theo thằng cuối cùng chơi nàng trước khi anh có lại nàng. Thằng đó sẽ kể với anh tất tần tật mọi chi tiết.” Kiên nhìn thẳng vào hắn nhưng không cử động hay nói năng gì.
“Đ. mẹ anh! Anh nghĩ tôi không biết anh là ai à? Tôi cũng biết thằng Vượng già nữa. Tôi chẳng những là lính mà còn là cán bộ chỉ huy, tôi biết hắn từ đấy. Anh chẳng có gì đặc biệt. Và còn nó, chà, người ta nói cái giống mắt hiêng hiếng như Phương nhà anh là những đứa nhún nhảy điêu luyện nhất. Gì cũng làm. Xinh thì rõ, nhưng hét thì thôi rồi. Hỏi cái thằng mai tôi đưa đến ấy.”
Do giới hạn đại từ trong tiếng Anh nên người viết giữ nguyên đại từ tôi-anh được sử dụng trong bản gốc, tuy nhiên với câu chửi và thái độ hống hách, thiết nghĩ đoạn viết lại của Palmos nên được dịch với đại từ mày-tao. Có thể thấy rõ thái độ và cảm quan của hai đoạn hội thoại hoàn toàn khác biệt. Một mặt, Hưng trong phiên bản của Bảo Ninh dùng lời lẽ lịch sự với thái độ châm biếm, ung dung và đắc thắng, thể hiện mình là người “tử tế và tận tình” mà “vô cớ bị làm nhục,” chủ đích chọc tức Kiên mà vẫn “chiếu trên.” Mặt khác, Áo Da trong phiên bản của Palmos cục súc, hống hách, chửi thẳng nhưng không đủ sâu cay.
Các từ Hưng sử dụng để miêu tả Phương cũng được thay thế: “phường truỵ lạc” thay thành “nhún nhảy điêu luyện nhất” (từ gốc: “greatest performers”), “đáng yêu” thay thành “xinh,” và “cỡ như con Phương” thay thành “hét thì thôi rồi” (từ gốc: “real screamers”). Dấu chấm lửng sau câu cuối cùng vừa có thể ám chỉ Hưng cố tình nói lửng lơ với ngụ ý Phương còn tệ hơn những “phường truỵ lạc nhất đời,” vừa có thể được hiểu là Hưng chưa nói hết câu thì đã bị Kiên hất cốc cà phê nóng vào mặt (chi tiết tiếp sau). Một lần nữa, việc thay thế và điền thêm từ khiến thái độ của Hưng thay đổi hẳn từ châm chọc cay độc thành kệch cỡm tục tĩu.
HÀ TRANG
Nguồn: Follow Zzz Review
(Còn tiếp)
______________
[9] Các phần dịch lại bản dịch Palmos đều là của người viết.
- Nhà văn Ngọc Linh và ngôi nhà của chính mình
- Khởi nghiệp… Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP HCM 2022
- Thơ 1-2-3 Anh Dũng: Tiếng yêu thương thầm thì trong căn xếp nhỏ
- Tiểu luận Hà Thanh Vân: Nhạt nhòa giữa phố thị và núi rừng
- Tô Thùy Yên, một trong những tiếng thơ lớn của 20 năm văn chương miền Nam