VHSG- Trong sự thay đổi toàn diện của thời cuộc, vai trò của văn hóa, văn hóa văn nghệ, trong đó có văn học là chuyên ngành chúng ta đang quan tâm, có những thay đổi tận bề sâu và cả bề rộng. Bao nhiêu lý thuyết thiêng liêng và nghiêm trọng thống trị nền văn hóa và văn học mấy thiên niên kỷ qua đang được (hay Bị?) đem ra kiểm tra và thử thách để tự tìm biết giá trị của mình. Thành ra công việc chúng ta đang bàn nghĩ là cũ mà lại rất mới, nghĩ là chỉ tiếp tục mà lại phải khởi đầu.

Trước hết về đội ngũ: Nếu ngày xưa viết văn là công việc cao quý, chỉ một bộ phận người như thế nào đó về học vấn về nhân cách mới được động vào chữ nghĩa của Thánh hiền thì ngày nay, toàn dân đều có thể cầm bút viết văn, và với công nghệ truyền thông hiện đại, thì chưa biết ai sẽ hơn ai giữa những nhà văn chuyên nghiệp và người viết để chơi. Hẳn ai cũng thấy, mấy nhà văn đa tài, làm nhạc, vẽ tranh… mà tác phẩm còn nổi đình đám hơn hàng trăm họa sĩ được đào tạo khác, thì văn chương cũng vậy thôi. Có vẻ như lúc này, lý lịch nhà văn không quan trọng bằng tác phẩm cụ thể.
Hơn thế, đường biên của văn chương cũng đang được mở rộng đến vô bờ. Không dễ để phân biệt một cuốn sách, một bài viết nào đó là tác phẩm văn học hay chỉ có hình thức văn học. Nếu chỉ căn cứ vào số lượng được tiêu thụ thì cũng khó biết chất lượng tác phẩm. Đời sống vật chất xã hội được nâng cao, trong một đất nước đang tạo điều kiện thuận lợi cho mọi giai cấp và thành phần được tự do tồn tại, phát triển và tìm cách tự khẳng định vị thế của mình, thì nhu cầu và thị hiếu văn hóa, văn học rất khác nhau. Chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu giải trí và nhu cầu tự thể hiện mình này đã cần một khối lượng xuất bản phẩm rất lớn. Mà đã là hàng tiêu dùng thì chất lượng thế nào cũng tìm được người mua. Đã có một thời, cách làm kinh tế của nước ta là xuất khẩu phế liệu, nhờ thế mà trong có mấy năm, ta đã dọn sạch gần hết dấu tích bom đạn và phế liệu chiến tranh khỏi mặt đất cả nước. Và ngày nay, nhiều công ty vẫn kinh doanh bằng cách nhập rác thải. Nói thế để thấy rằng, trong cơ chế thị trường, không thứ gì là không bán được, miễn là biết cách bán và mua.
Trong thị trường văn chương, chữ nghĩa hiện nay cũng vậy thôi. Chưa bao giờ chúng ta có một khối lượng xuất bản phẩm nhiều như hiện nay. Trước sự tràn ngập, có phần lấn lướt của văn học nước ngoài thuộc nhiều thời, nhiều xu hướng, nhiều kiểu loại, văn học Việt Nam hiện đại để tìm được chỗ đứng cũng đang tự thay hình đổi dạng. Cái gì cũng có mặt này mặt kia. Được mùa kinh tế thì thất bát mùa văn chương cũng là lẽ thường xưa nay. Bản thân sự mở rộng giao lưu cũng nhằm đưa tới sự biến đổi để phát triển của văn học quê nhà, trên hành trình gia nhập vào quỹ đạo chung của văn học thế giới. Nhưng càng ngày, chúng ta càng ý thức rằng, khi tham gia vào phiên chợ hàng hóa văn chương quốc tế này, ngôn ngữ, cách thức kể chuyện mới chỉ là phương tiện. Quan trọng là nội dung câu chuyện kể. Có vẻ, nhiều người viết đang chạy theo các hình thức cho cập nhật với thiên hạ mà ít hoặc chưa lưu ý đúng mức phần vốn liếng văn hóa như là tài sản đặc biệt chỉ riêng mình có, mình biết. Mà điều đó mới làm nên giá trị một tác phẩm, một nhà văn.
Trên cái biển sách mênh mông đang hồi giao thông nháo nhác, nhiều phương tiện từ cổ chí kim đồng thời tranh nhau tồn tại, nghệ thuật bao bì siêu hạng làm hỗn loạn các giá trị (Không còn thời Y phục xứng kỳ đức) như hiện nay, bạn đọc thuộc mọi thứ bậc trong xã hội có lẽ đang mong đợi rất nhiều ở các nhà phê bình văn học. Thường được học hành chu đáo, trong giới này, ai cũng nghĩ làm văn hóa, là một người hoạt động văn hóa, phải có một quá trình. Có thể, một đêm thức dậy, thành một thiên tài sáng tạo. Nhưng để hiểu một tác phẩm văn học thấu đáo thì cần một quá trình. Nhưng, khốn nỗi, thời nay, nhìn lên, thấy mấy vị quan chức quản lý, chuyên dạy dỗ người làm văn hóa, mà có thấy mấy ai từng có tên trong hoạt động văn hóa đâu. Cho nên trách vài cây bút phê bình chưa thấy được chuẩn bị về vốn liếng văn chương thì cũng khí vô duyên. Hiện nay, khi sự phát triển của đời sống văn chương đang rất cần các nhà phê bình, không chỉ vài ba người tài ba mà cần một số lượng đông và mạnh. Cũng như, cùng với sự phát triển của các đô thị, mặt đường ngày càng mở rộng, lưu lượng và chất lượng các loại hình tham gia giao thông ngày càng đa dạng, thì ngoài luật lệ, các phương tiện hỗ trợ (đèn xanh đỏ, phân làn…) vẫn cần một số lượng cảnh sát giao thông tinh thông nghiệp vụ để thường xuyên điều chỉnh, bảo đảm không ùn tắc. Chẳng ai dám coi các nhà phê bình chỉ có chức năng như mấy anh cảnh sát giao thông thường gây nhiều điều tiếng. Chính là trong quá trình hoạt động này từng người sẽ tự xác định chỗ đứng và tạo được người đọc tin cậy cho mình. Nhưng một lực lượng làm phê bình văn học không được tổ chức, đào tạo chu đáo, trọng trách lại giao vào tay mấy ông sáng tác tay mơ, viết lách tùy hứng, thì thật khó hy vọng nó có thể giúp ích gì cho cả người sáng tác cũng như công chúng bạn đọc rất, rất phức hợp hiện nay. Nếu như sáng tác là việc của cảm hứng, của tình cảm, nên rất khó lên kế hoạch, rất khó tổ chức, mà lâu nay Hội Nhà văn vẫn làm được, mà có vẻ làm tốt, thì phê bình, trước hết là việc của lý trí, có thể và cần được tổ chức, và trong thực tế, chưa bao giờ được Hội quan tâm tổ chức, trừ phi là tổ chức hôi nghị, vui vẻ, ồn ào nhưng đem lại hiệu quả thiết thực gì thì cũng khó nói.
Để góp một số ý kiến thiết thực cho phê bình văn học hiện nay, tôi xin có mấy ý như sau:
1- Các Hội đồng của Hội Nhà văn Việt Nam nên có các nhà phê bình tham gia. Ngoài việc tránh tình trạng cơm chấm cơm, nước mắm chấm nước mắm lâu nay, người làm phê bình còn là người phát ngôn có uy tín của Hội đồng về chuyên môn khi giám định tác phẩm cũng như khi công bố các tác phẩm được hoặc không được tặng thưởng. Nhiều nhà văn ta hiện nay đa tài, viết văn, làm thơ, vẽ tranh, sáng tác bài hát và nhiều việc khác nữa. Nhưng một nền văn học trưởng thành và chuyên nghiệp, bao giờ cũng cần và tôn trọng người một nghề cho chín hơn chín mười nghề mà… Hơn thế, đây còn là người theo dõi được quá trình sáng tác của các nhà văn, làm hồ sơ về các nhà văn, để khi cần xét giải này giải nọ, họ sẽ có trách nhiệm cung cấp cho các thành viên được cấu tạo theo nhiệm kỳ. Nếu có một người như thế, tôi tin, trong lần xét Giải thưởng Nhà nước vừa rồi, một người như Văn Lê tác giả của 25 tác phẩm: hơn 10 tiểu thuyết, gần chục tập thơ và trường ca, nhiều tác phẩm được giải thưởng của Hội và Bộ Quốc phòng đã không bị bỏ quên.
2- Hàng năm, đặc biệt, trước khi công bố giải thưởng, hoặc trước khi công bố các giải thưởng các cuộc thi, có thể mở trại hoặc vận động một số nhà phê bình đọc và viết bài phê bình các tác phẩm được vào chung khảo. Điều này không ảnh hưởng đến kết quả của Ban chung khảo, nhưng trước và sau khi công bố giải thưởng, tác phẩm đã có dư luận. Điều đáng buồn là do không làm tốt công tác này, không ít tác phẩm được giải thưởng đã rơi vào im lặng, Mà không chỉ giải thưởng của Hội Nhà văn. Còn nếu dư luận không thống nhất thì cũng là điều bình thường. Với những tác phẩm được giải thưởng mà có dư luận phê phán thì thành viên Hội đồng phụ trách phát ngôn rất nên có ý kiến công khai để bảo vệ sự lựa chọn, không nên để người được giải cảm thấy bị xúc phạm.
3- Mấy năm qua, ngoài hội đồng LLPB của Hội, còn có Hội đồng LLPH VH NT Trung ương, tập trung những cây bút xuất sắc hàng dầu của cả nước. Hội nên có chính sách để sử dụng tài năng và chất xám của những nhà phê bình hàng đầu này. Thí dụ, mỗi vị, chỉ cần một tháng viết cho một đôi bài phê bình xứng với vị thế của mình, thì hàng tháng trên báo chí đã có thể có dăm chục đến một trăm bài phê bình nghiêm túc, sẽ là những áng văn mẫu mực cho các bạn phê bình trẻ noi theo. Một nhiệm kỳ 5 năm, mỗi vị sẽ được Hội và Hội đồng Trung ương tài trợ in vài ba đầu sách Lý luận phê bình, cuốn nào xuất sắc lại sẽ được hai Hội trao giải thưởng như vừa qua, sẽ có tác dụng động viên rất lớn cho những ai muốn lập nghiệp phê bình văn học. Có đặt vấn đề như vậy, những ai được ngồi vào những vị trí vinh dự này mới thực sự là những người chiến sĩ hành động chứ không chỉ làm nghị gật cho oai.
4- Cuối cùng là vấn đề sử dụng đòn bẩy kinh tế để kích thích hoạt động lý luận phê bình. Chuyện không có gì mới, nhưng lần này nêu ra, vì nó nằm trong tầm tay của Hội. Nghỉ hưu gần 10 năm, tôi không biết tiền đầu tư cho sáng tác hàng năm của Hội là bao nhiêu, nhưng chắc con số đó không hề nhỏ. Hội đầu tư cho sáng tác là đúng rồi, nhưng Hội viên làm Phê bình có được đầu tư và đầu tư tương xứng không? Sáu lần ra sách, có hai lần, riêng tôi có được nhận đầu tư để làm bản thảo, tôi xin được công khai cám ơn về điều đó. Nhưng ở đây, tôi muốn nói đến những trường hợp viết phê bình thường xuyên trên báo chí. Mua một cuốn sách, mất bao nhiêu thời gian đọc, nghĩ, viết, đợi được đăng, mà chỉ nhận được 300 ngàn từ báo của Hội, thì không biết có nhà phê bình chuyên nghiệp nào theo đuổi được sự nghiệp không! Khoảng cách từ một truyện ngắn đến một tập sách khá dài. Nhưng cự ly từ một bài phê bình đến một tập sách còn nhiều lần dài hơn. Trước mắt, một chế độ trợ cấp, đầu tư thường xuyên (chứ không phải giải thưởng) cho hội viên viết phê bình, căn cứ số lượng bài đăng trên các báo và Tạp chí của Hội (và vài báo chí có phần phê bình văn học khác). Một con số cụ thể: Mỗi bài, ngoài nhuận bút của báo, có thể cấp 4 đến 500.000đ/ bài tùy theo độ dày mỏng của sách và dài ngắn của bài, lĩnh hàng quý hoặc nửa năm một lần. Số tiền chẳng đáng là bao, nhưng cũng có giá trị động viên thiết thực và giúp các báo và tạp chí của Hội tổ chức tốt hơn phần phê bình. Chỉ cần chúng ta biết rằng, mỗi bộ phim, chương trình nghệ thuật… ra mắt đều có họp báo, và có phong bì. Đây không phải là chi phí tiêu cực, mà trong cơ chế kinh tế thị trường, cũng như vào cửa quan ngày nay, không ai chỉ nói chuyện bằng nước bọt. Lao động chân chính, có nghiệp vụ cao, cần được trả công xứng đáng. Ngoài mọi nhẽ, một bài phê bình tử tế là sự PR tốt cho một tác phẩm cũng là cho một giải thưởng, nghĩa là làm tăng uy tín của Hội.
Mấy kiến nghị nhỏ, mong được lắng nghe, để nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động lý luận phê bình trong tình hình hiện nay.
NGÔ THẢO
Bài viết rất hay. Vì tác giả đã lớn tuổi (nghỉ hưu) nên kính xin được gọi anh là anh, hoặc chỉ gọi là tác giả cho nó gần gũi khi viết nhận xét này ạ. Có gì mong anh bỏ qua.
Tôi thiết nghĩ phần ý kiến của bài viết Quý báo hoặc tác giả nên gửi trực tiếp tới các cơ quan/con người/ban bệ liên quan và có, đang có các hoạt động thì thiết thực hơn và tôi nghĩ là đã làm rồi. Khi đăng như thế này tạo ra cơ hội cho chúng tôi và các bạn đọc có thể tiếp cận với đời sống phê bình, cập nhận thông tin ở một góc cạnh nào đó. Xin cảm ơn tác giả và Quý báo.
Phần đầu của bài viết (từ đầu tới trước khi có các ký kiến góp ý) tác giả viết rất xúc tích, bao quát và có sự so sánh, đối chiếu chỉ ra tính tất yếu, tính tương tự nhau của những hiện tượng hoặc quá trình. Riêng câu “…có những thay đổi tận bề sâu và cả bề rộng” đã là một nội dung nếu khai thác phải rất nhọc công, cần tri thức, cần thời gian và kết quả có thể là một bài tiểu luận, một bài viết chính thống nào đó. Nó sâu như thế nào, nó rộng ra sao? Đã sâu bằng thế giới, khu vực hay chưa hay chỉ là sâu ngụy thôi? Đã rộng bao la bát ngát tới chân trời, và cái rộng đó là vi vu, là bất tận cho những nguồn cảm hứng, cho những sự tiếp nhận của người đọc, của xã hội mà chạm tới các yêu cầu của người ta hay chưa? Hay sâu ở đâu, rộng ở đâu còn người đọc, xã hội lại cần sâu ở chỗ khác, cần rộng ở chỗ khác. Tương lai sẽ sâu như thế nào nữa, rộng như thế nào nữa? Có lẽ thực tế đang chứng minh và bao nhiêu tác giả, những người làm về văn học đang lao động chăm chỉ để góp sức mình vào việc này. Hàng ngày nhiều tạp chí đưa ra, nhiều trang mạng đặt vấn đề, nhiều nhóm văn học uy tín đang dẫn giải, họ đều hướng tới các chủ đề, mà mỗi chủ đề ấy đều rất thức thời, mỗi chủ đề ấy chính là những độ sâu của thực tế trong lĩnh vực này, mà khai thác phát hiện ra độ sâu ấy là những cộng tác viên, là những người yêu thích, có chuyên, có không chuyên…nhưng ít các nhà phê bình. Xin lỗi tác giả khi đưa ra nhận định này. Một nhận định non nớt, và thiếu cơ sở, thiếu số liệu thống kê, thiếu cả tính xác thực. Bởi tôi biết trong số những cộng tác viên ấy có bao nhiêu là chuyên phê binh bao nhiêu là không, chắc sẽ có nhiều nhưng như tác giả đề cập thì lại phải “có vẻ như lúc này, lý lịch nhà văn không quan trọng bằng tác phẩm cụ thể” suy ra số liệu các nhà phê bình tham gia không quan trọng bằng chất lượng phê bình cụ thể, chất lượng khảo sát độ sâu rộng của thể của các chủ đề trong/trên các tạp chí, chuyên trang văn học.
Từ đây có thể thấy, phê bình không nằm ngoài quy luật. Nó cũng sẽ có một lô-xắc-sông hình thái. Ngoài chuyên nghiệp, đào tạo bài bản còn sẽ như tác giả đề cập là lao động, là hành động, tức là có quá trình hoạt động văn hóa chứ không chỉ dạy làm văn hóa. Về nội dung thì rất đúng, và tác giả nói chí lý về chuyên môn ngành nghề và những sự đối mặt, thách thức. Nhưng tôi muốn nói về mặt khác. Tức là ngoài chuyên nghiệp thì hàng loạt không chuyên cũng tham gia vào, góp phần vào sự đa dạng của phê bình. Có thể là ngụy phê bình cũng được, nhưng ít nhất như nhận xét tôi đang viết đây cũng là một sự phản hồi nào đó góp ích vào môi trường chung, tạo ra các mắt xích tương tác hữu ích nào đó.
Xã hội và đời sống đa dạng, dẫn tới văn chương cũng đa dạng, người đọc, người cảm thụ vì thế cũng đa dạng, mà phê bình thì lại không da dạng. Phê bình cứ ở trên cao cao mãi, tác phẩm vươn tới mãi không được, rồi lại vì sự đa dạng như biển trời số lượng mà phê bình bị mất phương hướng, không biết mình cần phê bình tác phẩm nào, bởi quá nhiều và bởi chẳng đề làm gì, tức nhụt trí. Không biết có tình trạng đó không mà nêu ra ở đây chỉ là nhận định.
Tác giả nhận xét rất đúng trong môi trường đa dạng này ..”..chưa biết ai sẽ hơn ai giữa những nhà văn chuyên nghiệp và người viết để chơi”..văn là để chơi, cách chơi là như thế nào thôi. Có cách chơi theo loại thánh hiền, có cách chơi theo loại toàn dân sao lại phải “xoắn”. Phê bình cũng vậy không lẽ lại ngược dòng thời gian sống mãi với chỉ một cung bậc của thanh nhạc xưa. Dạ, nói ra đây chỉ để thấy vấn đề chứ không hề có yếu tố tiêu cực về bài viết của tác giả. Tác giả nói tiếp “…đường biên của văn chương cũng đang được mở rộng đến vô bờ” …chỉ là cảm giác thôi, tương lai còn bất ngờ. Thế thì tại sao phê bình lại không chạy kịp tới cái vô bờ kia? Nếu không đa dạng phê bình thì từ “tụt hậu” chúng ta lại sẽ bắt gặp trong chính lĩnh vực này. “Không dễ để phân biệt…tác phẩm văn học hay hình thức văn học” có phải nói như vậy là chấp nhận về sau hay không? Có phải xác quyết như thế là hụt hơi với cuộc đua đa dạng của văn chương hiện nay? Mở rộng ra là đời sống xã hội, là yêu cầu của người đọc, tác phẩm và tác giả hiện nay? Làm sao phát triển phê bình một cách đa dạng, kịp và đáp ứng nhu cầu mà tác giả đã khẳng định tác giả, tác phẩm, độc giả, xã hội đang “đói” xin lỗi tôi dùng từ này mà tác giả không dùng, tác giả nói đúng nhưng tôi lại không thích từ “có lẽ” của tác giả. Tại sao lại phải “xoắn” khi nói rằng “có lẽ đang mong đợi rất nhiều ở các nhà phê bình văn học” phải khẳng định là rất, rất, và rất rất chứ không phải là có lẽ, có thể, hình như, mông lung lắm ạ.
Nói về xuất bản phẩm, và liên đới tới các nhà xuất bản, và mối quan hệ các “món hàng tiêu dùng” từ tác giả đã dùng, tác giả đưa ra các ví dụ sinh động về bom đạn, phê liệu, và một hoặc nhiều ý liên quan. Tôi thiết tưởng chỉ đọc một đoạn là đã đủ thỏa mãn với bản thân, bởi các ý tác giả đưa ra, các nhận xét chắc chắn và rộng mở. Nhưng có một điều này có lẽ tác giả không động tới, đó là sự thay đổi tư duy. Các nhà xuất bản phẩm, người làm về công tác này phải thay đổi tư duy hay sẽ phải sinh ra các nhà xuất bản khác để đáp ứng nhu cầu của xã hội, khác với các nhà xuất bản phẩm truyền thống. Tức là với cơn lốc gaiir trí, nhu cầu tự thể hiện …vân vân, chúng ta không thể dập cơn lốc, giảm cơn lốc đi mà phải thích ứng với cơn lốc ấy, tức là có thể (tôi đã lại dùng từ có thể ở đây), các nhà xuất bản phẩm đã thích ứng, nhưng vẫn chưa xuể. Bị gồng lên, với những gì không phải là truyền thống của mình, tức là không phân biệt được tác phẩm văn học hay chỉ có hình thức văn học, tới các nhà phê bình còn mơ màng thì các nhà biên tập làm sao phân biệt được! Và như thế sự thay đổi bị ép buộc, vỡ trận và tạo ra “khối lượng xuất bản phẩm rất lớn” “tràn ngập” như hiện nay. Tác giả giải thích và lý giải việc này bằng quy luật hàng hóa, và cách mua, cách ăn, cách bán, chung quy lại là tại thị trường. Mà tác giả chưa đi theo hướng như tôi đề cập ở trên là sẽ hình thành các nhà xuất bản gánh, tức gánh cho nhà xuất bản truyền thống, chuyên nghiệp kia phần trung bình, phần toàn dân, nhà kia chỉ chú tâm vào “cao quý” hàn lâm, hay là “Thánh hiền” như tác giả đã dùng những từ ấy.
Tác giả nhắc tới văn chương hội nhập, chạy theo các hình thức cập nhật với thiên hạ mà chưa chú ý tới vốn liếng văn hóa…vân vân và vân vân. Tác giả nhận xét rất hay. Và riêng đoạn này nếu đề cập thì giống như câu nói ở trên thì cần thời gian, dẫn chứng, nghiên cứu và viết bài, tiểu luận hoặc bài tổng hợp từ đó chỉ ra được đâu là nguyên cớ, đâu là thách thức, đâu là cơ hội của việc hợp tác, mở rộng cánh cửa giao lưu, chan hòa, hội nhập với môi trường văn chương quốc tế. Đánh giá tình trạng văn hóa trong tác giả, tác phẩm hiện nay một cách cụ thể, nhìn thẳng nói trúng vào các vấn đề ấy để rồi tích lọc ra những dòng nhận xét này – rất hay và rất bổ ích. Để trở thành nhà văn rất khó khăn, trở thành nhà phê bình cũng vậy. Khó tương đương, khó so sánh lắm. Nhưng, bài viết đã đề cập hiện có cả một tập thể toàn dân là nhà văn, tức là viết cho vui, viết để chơi, và có khi chả biết ai hơn ai như tác giả đề cập ở trên. Nghĩa là, dấu hiệu đó là một tín hiệu vui, tín hiệu mừng, đá trên sân có rất nhiều người chơi, khó khăn càng nhiều thành công càng vinh quang. Lại quay ra quan trọng là cách chơi là như thế nào, cách hình thành hệ thống ra sao? Phê bình không thể nằm ngoài đứng nhìn văn học, đứng nhìn nhà văn bơi trong biển của mình được. Phê bình cũng phải đa dạng, cũng phải hóa thân mình thành số đông, ít nhất là tạo động lực để hình thành số đông, cũng để chơi đông và đủ đáp ứng nhu cầu giống như nhà văn ấy. Em nói vậy chỉ là ban vui, và những nhận định trao đổi với anh, với tác giả chứ không hề có ý cười cợt hay suy luận thiếu tích cực gì cả.
Việc hoạt động văn hóa, như là của người viết, người sáng tác và người làm về phê bình, tác giả viết ngắn mà chính xác và thuyết phục. Sáng tác là việc của cảm hứng, tình cảm, khó kế hoạch là tác giả đã hiểu và đã sáng tác nên hiểu, và đã phê bình thì còn hiểu nhiều nhiều hơn nữa. Và việc của lý trí tác giả nói thuộc về phê bình. Thực ra là cả hai đều có hai phần, tất cả các mặt đời sống đều có hai phần ấy nhưng đối với anh này thì tình cảm tăng, anh kia lý trí giảm vậy thôi. Lý trí thì thường phải có căn cứ. Đó có phải là bệnh nghề nghiệp của phê bình, tức là phải chuẩn cứ, chứng minh chặt chẽ…vv và vân vân. Thế tại sao không thổi luồng gió mới vào phê bình để cân bằng bớt đi, để cảm xúc hóa từ đó cảm nhận được tác phẩm tốt hơn, tác giả tốt hơn, chứ giờ có vẽ lý trí quá mức. Tôi xin dùng lại từ “có lẽ” có vẻ của tác giả ở đây.
Tôi rất nhỏ bé và nhỏ nhoi trong khi đặt bút viết (type máy bàn phím) các nhận xét này. Nhỏ không phải là nhỏ bé không có nghề, mà là nhỏ mọn trong các câu từ ở nhận xét này với một tác giả lớn, một một người có chuyên môn sâu và cao như anh. Và bởi các nhận xét của tôi nhỏ so với các cảm nhận của tác giả, các hiểu biết về các hoạt động của Hội nhà văn, và nhỏ so với những điều đoạn trên này dẫn dắt mở đường cho các góp ý phí sau của tác giả. Các ý kiến thì tôi không bàn, và không động tới bởi nó khá hay và tôi cảm thấy yêu mến tác giả nhưng không yêu mến thực tế. Xin có một vài ý kiến về bài viết như trên, nếu có gì kính mong anh và Quý báo bỏ qua. Trao đổi để tôi thấy rõ được mình chưa phải điều gì.
Trân trọng,
Nguyễn Hồng Minh.
Cảm ơn anh NHM!