Quả táo có rơi xa gốc không? – Ilya Ehrenburg – Kỳ 2

VHSG- Dân gian có câu táo không rơi xa gốc. Quả là như thế nhưng cũng có khi ngược lại. Tôi sống ở một thời buổi người ta xét đoán con người qua lý lịch. Trên báo chí viết rằng “con phải chịu trách nhiệm về cha”, nhưng đôi khi con còn buộc phải chịu trách nhiệm cả về ông nội của mình.

Liệu cháu nội có phải chịu trách nhiệm về cụ nội không đây? Một vài năm trước tôi đã đọc được trên tờ Mond viết về những đứa cháu nội, chắt nội của đại văn hào Nga L.N Tolstoi. Đàn cháu chắt ấy đông tới gần 80 người và phát tán trên khắp thế giới. Người này là sỹ quan quân đội Mỹ, người kia là ca sỹ giọng tay-no tại Italy, người thứ 3 là nhân viên hãng hàng không dân dụng Pháp.

Nhà thơ Fet, Afanasi Afanasevist Sensin, ngoài những bài thơ hay đã viết một bài báo dở trên tờ tạp chí Kratkov. Ông ta vạch vòi những người theo chủ nghĩa hư vô và những người Do Thái là cội nguồn sinh ra điều ác. Người cháu của Fet đã kể cho tôi nghe nhà thơ biết được qua một bức thư lời trăng trối của bà mẹ đã quá cố rằng, cha của ông là người Do Thái Hambourg. Những người khác lại cho tôi biết hình như Fet viết trong di chúc hãy chôn bức thư theo ông, tức ông ta muốn giấu biệt cháu con cái cây táo gốc của mình.

Nhà văn Nga Ilya Erenburg

Ivan Turghenev nhớ lại: “Tôi sinh ra trong một môi trường toàn những kẻ thích bớp tai, bạt gáy, thượng cẳng chân hạ cẳng tay; nhưng nói thật cái bầu không khí đấm đá đó tuyệt nhiên không tạo cho tôi sở thích giải quyết mọi sự bằng nắm đấm. Tôi chưa bao giờ nặng tay với ai cả”. Turghenev có nài ép cô con gái của mình là Peleghe Polyna lấy gã chủ một nhà máy kính, ngài Gaston Briuer, và nhà văn đã viết cho Annhekov: “Vất vả, cực nhọc lắm, nhưng tôi như được thưởng vì tôi tin chắc rằng con gái tôi sẽ hạnh phúc”. (Sau này Turghenev đã viết truyện ngắn “Khói” kể về những người đàn bà lấy chồng vì gượng ép).

Về những người sinh thành ra tôi, tôi luôn nhớ tới với tất cả tình yêu thương. Bà mẹ tôi biết giữ gìn, tôn trọng nhiều truyền thống. Bà lớn lên trong một gia đình có đạo. Mọi người trong gia đình sợ Chúa, không thể gọi tên thật các vị, phải luôn luôn làm những lễ hiến dâng nhiều thức quý, để các vị không đòi phạt thế mạng. Mẹ tôi không khi nào quên không nhắc tới ngày phán xử trên thiên đàng cũng như những cuộc thảm sát dưới địa ngục. Cha tôi thuộc thế hệ những người Do Thái –Nga đầu tiên , những ai cố gắng dứt bỏ khỏi quê hương. Cụ nội tôi nguyền rủa cha tôi vì ông theo học tại trường Nga. Cụ tôi là một con người khá khắc nghiệt. Cụ chửi rủa tất cả đám con cháu. Để khi về già Cụ nhận ra rằng thời buổi đã chống lại cụ và thế là cụ làm hòa với tất cả đám cháu con cụ đã nguyền rủa.

Nếu gỉa định cụ nội tôi là cây táo thì từ cây táo này những quả táo sẽ bay tứ tán về mọi hướng khác nhau. Một trong những ông chú của tôi, tên là Lazari Grigorevist trở nên giầu có và sống tại Kharkov. Con trai của ông, người anh họ tôi , Ilia trở thành một người xã hội-dân chủ , bị giam giữ khá lâu tại nhà tù ở Lukiaanov, rồi lưu vong sang Paris, ở đó ông anh họ đặt chân  vào lĩnh vực hội họa. Khi cuộc Nội chiến nổ ra, ông ta trở về Nga tham gia Hồng quân và đã bị Bạch vệ giết chết. Ông chú thứ 2, Boris Grigorevist, sống tại Yecuts, làm việc tại một xí nghiệp nào đó thuộc một đại phú ở Kiev tên là Brodski. Ông chú này là một người nhẹ dạ, biển thủ tiền của chủ, bỏ trốn chạy sang Mỹ, từ đó viết thư về tạ tội. Brodski tức giận cho đăng báo thông cáo ai bắt được ông chú tôi sẽ trọng thưởng. Khi đó tôi đang sống ở Paris. Nhiều người ghé qua chỗ tôi mong làm giàu vì phi vụ này. Một lần, ông anh cả Lazari chơi bài với Brodski và đã thắng lớn. Lazari yêu cầu thay cho số tiền Brodski phải trả, ông ta hãy bãi miễn lệnh truy lùng chú hai tôi.

Chú út, tên là Lev, làm thơ và phụ trách một gánh xiếc lưu động. Hình như tôi đã hưởng di truyền một phần của chú út này. Tôi nhớ có một tập sách mang tựa “Những mơ ước và những thanh âm” do chú út tự xuất bản in những bài thơ do chú viết ra kèm những bài thơ của thi sỹ Heinrich Heine. Thuở đó tôi chưa hề say mê thơ ca, nhưng tôi thích chú Lev hơn mấy chú kia. Có một lần chú Lev cho tôi xem mấy bức ảnh chụp những người con gái ở trần khi chú đi tuyển diễn viên xiếc. Mẹ tôi rất giận chú Lev, bởi tội chú có thể đầu độc trẻ con như vậy. Ít lâu sau, tại Kharkov xuất hiện những tấm áp phích với dòng chữ “Gánh xiếc Erenburg”. Chú hai Lazario phải cho tiền chú Lev để đoàn xiếc của chú út rời khỏi Kharkov.

Khi tôi lên năm, cha mẹ tôi rời Kiev lên Moskva. Ở đây có một nhà máy sản xuất bia chai mà đại gia Kiev Brodski có cổ phần và cha tôi nhận chân quản lý nhà máy bia này.

Việc đó xẩy ra vào năm 1896, đến năm 1903 thì Brodski sa thải bố tôi khỏi nhà máy bia.

Mẹ tôi là một người đàn bà tốt bụng, mê tín. Hai lá phổi của bà yếu. Bà ít khi ra khỏi nhà, trừ khi đến thăm mấy bà chị, mấy cô em. Bà thường ngồi viết những lá thư dài bằng tiếng Do Thái cho những người bà con họ hàng đông vô kể. Bà ăn chay vào ngày Lễ Thánh. Tôi rất sợ những cây nến to mẹ tôi thường thắp lên từ buổi sáng vào những dịp giỗ bà nội tôi. Trong phòng ngủ của mẹ tôi luôn phảng phất mùi thuốc. Các bác sỹ thường tới đây khám sức khỏe cho mẹ tôi. Bà cũng muốn các bác sỹ khám sức khỏe cho tôi. Vì phổi tôi cũng yếu. Nhưng tôi lẩn trốn hay bỏ chạy. Thỉnh thoảng bà vú nuôi tôi thường ghé thăm mẹ tôi với hai đứa con trai của bà là Pechia và Misa. Hai đứa ăn như nuốt chửng những chiếc bánh rán tẩm mật và theo yêu cầu của người lớn, chúng dướn cổ ngân nga những câu thơ của Puskin. Tôi xem chúng như đồ rẻ rách, còn mẹ tôi thì nói: “Con nhìn xem, Pechia và Misa là những đứa trẻ ngoan ngoãn biết bao. Còn con?”…

Cha mẹ rất nuông chiều tôi. Có cảm tưởng chỉ là do sự tình cờ tôi không trở thành một tên tội phạm nhỏ tuổi. Năm tôi lên 10, khi mẹ tôi đi chữa bệnh ở Ems, tôi và mấy bà chị cô em được mẹ đưa tới Kiev sống với cha tôi.

Nhà văn – dịch giả Tô Hoàng

Ông ngoại tôi là một người rất hào hiệp, giàu lòng thương người, với bộ râu bạc trắng như cước.Trong gia đình ông ngoại, mọi người phải nhất nhất tuân thủ những luật lệ tôn giáo. Vào ngày thứ bảy cần phải nghỉ ngơi và trong thời khắc nghỉ ngơi ấy người lớn không được hút thuốc lá, trẻ con không được la hét (Ngày thứ bảy của người Do Thái cũng buồn chán như ngày Chủ nhật của người Anh). Ở nhà ông ngoại tôi luôn luôn cảm thấy buồn bã, nên tôi đã phá phách ngầm lúc nào có thể. Có một mùa  hè chúng tôi sống tại một nhà nghỉ ở Boiarca. Tôi làm tình làm tội mọi người. Thế là tôi bị trừng phạt. Tôi bị giam trong một cái kho chứa than. Tôi cởi hết quần áo và cứ thế lăn trên sàn khu nhà kho. Khi cửa nhà kho mở ra, chị nấu bếp hét lên sợ hãi: “Ôi, quỷ hiện hình!”. Tôi quyết định trả thù mọi người. Đêm ấy tôi mang một chai dầu hôi đốt cháy khu nhà nghỉ.

Mùa hè năm sau mẹ tôi đưa tôi về ở với bà tại Ems. Tôi lại quấy đảo những người ở khu an dưỡng. Tôi nhại giọng bá tước Orlov Davuidov ốm yếu, đặt tên cho ông la “gã lắp” vì ông luôn nói lắp. Tôi nghịch phá những người Anh ngồi câu cá bằng cách ném đá xua đàn cá đi. Tôi đánh cắp những bông hoa mà người Đức đặt dưới một bức tượng mà họ thích. Ban quản trị Khu an dưỡng yêu cầu mẹ tôi phải rời khỏi nơi ấy nếu mẹ tôi không bảo ban, khuyên  nhủ tôi được.

Tôi vượt qua các kỳ thi rất xuất sắc để được nhận vào lớp dự bị, sau đó vào lớp một. Vì tôi biết rằng họ chỉ nhận tôi vào các lớp nếu tôi đạt tỷ lệ cao những điểm năm các môn sát hạch. Tôi giải hết các bài toán, không mắc một lỗi chính tả nào và cao giọng ngân nga dòng thơ “Mùa thu muộn. Những chú quạ bay đi hết…”

Một người bạn đã kể cho tôi nghe câu chuyện xẩy ra vào đầu những năm 30. Một lần, cậu con nhỏ tan trường trở vềnhà hỏi anh ta: “Bố ơi, Do Thái là gì?”. “Bố là Do Thái – anh ta trả lời con – Mẹ là Do Thái”. Lời giải thích đó quá bất ngờ đối với đứa trẻ, khiến nó không tin: “Bố mà cũng là Do Thái à?”. Chúng tôi đã được chuẩn bị tốt để sẵn sàng đón nhận tất cả. Khi mới 8 tuổi tôi đã biết rằng có những quy định về cư trú, thế nào là quyền công dân, thế nào là đàn áp, là tàn sát…

Tôi lớn lên ở Moskva, kết bạn với đám thanh thiếu niên người Nga. Khi cha mẹ tôi muốn dấu tôi điều gì đó, hai người nói với nhau bằng tiếng Do Thái. Tôi không cầu nguyện bất cứ vị thần linh nào bằng tiếng Nga, bằng tiếng Do Thái. Hai tiếng “Do Thái” tôi tiếp thụ một cách đặc biệt. Tôi đứng về phía ai bị bắt nạt, cảm thấy điều đang xẩy ra là không đúng, không hợp tự nhiên.

Bố tôi vốn là người vô thần, thường bài xích người Do Thái nào muốn làm giảm nhẹ gốc gác của mình đã làm lễ nhận là con chiên của Chính thống giaó. Từ bé tôi hiểu rằng không việc gì phải ngượng ngập vì xuất xứ của mình. Tôi đã đọc ở đâu đó mà biết là người Do Thái đã đóng đinh chúa Khristo lên thánh giá; chú Lev nói với tôi Khristo là người Do Thái, bà nhũ mẫu Vera Platonovna kể cho tôi nghe Chúa Khristo phán rằng khi người ta đánh vào má bên này thì giơ tiếp má bên kia ra. Những điều như thế khiến tôi bối rối.Nhưng nói chung là tôi không biết ghét bỏ ai cả.

Trong lớp tôi có ba đứa trò là người Do Thái – Jeldovist, Sukerman và tôi. Chúng tôi không bao giờ cảm thấy là những người xa lạ.

Tôi không may mắn được trải thuở niên thiếu ở Moskva và gốc gác của tôi đụng chạm với tư tưởng chống Do Thái. Có lẽ, trong số các giáo viên hay cha mẹ các bạn của tôi đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của thái độ kỳ thị chủng tộc, nhưng họ không để lộ ra. Bởi vào những năm tháng đó những người trí thức coi thái độ bài Do Thái hệt như một căn bệnh quái đản. Tôi còn nhớ những câu chuyện nghe được về vụ thảm sát ở thành phố Kisinhov- lúc đó tôi 12 tuổi, tôi hiểu rằng đó là điều gì thật khủng khiếp. Nhưng tôi cũng biết là trong việc ấy kẻ có tội là Sa Hoàng, các vị Thống đốc, các quan chức ở các địa phương; tôi biết rằng những con người có học đều chống lại chế độ chuyên chế, rằng Tolstoi, Chekhov, Corolenko đều phẫn nỗ vì vụ tàn sát kể trên. Khi tôi về Kiev, tôi nghe nói “những người Kiev gốc” kêu gọi nhau chống lại  các cuộc đàn áp; rằng ở Podola không yên ổn, rằng đang tồn tại “ vấn đề Do Thái đáng nguyền rủa”.

Thật là kỳ quái cái thời buổi quá nhiều sự hèn hạ, quá nhiều ảo tưởng. Số phận của Dreyfus – viên sỹ quan Pháp bị kết án một cách vô lý đã làm phẫn nộ những con người ưu tú nhất ở châu Âu.. “Nếu con không có một nền tảng học vấn cao, con không thể sống nổi ở Moskva”, bố tôi đã nói với tôi như thế khi nhìn thấy điểm 2 trong cuốn học bạ của tôi. Nghe vậy, tôi cười thầm, trước khi tôi học hết bậc trung học, tất cả mọi điều trên thế giới này sẽ đổi thay! Tôi có cảm tưởng những bài báo bài xích người Do Thái đăng trên 2 tạp chí Người Kiev hoặc Thống kê Moskva chỉ là những tia hồi quang cuối cùng của sự cuồng tín thời Trung cổ. Chí ít ra, trong cuốn sách viết về những gì tôi đã sống trải sẽ không có chỗ cho những trang cay đắng liên quan tới vấn đề mà thời kỳ đầu thế kỷ này văng vẳng vọng bên tai tôi.

Cha tôi bực bõ vì những điểm 2 của tôi. Hai năm tiếp theo tôi học khá, sau đấy tôi chán phè bài toán về những bể nước thông nhau. Tôi lặng lẽ mang đi khỏi nhà những tập văn thơ của các nhà kinh điển được đóng gáy đẹp đến bán chúng cho những người mua sách cũ ở Vonkhonca. Tiền có được tôi tới cửa hàng “Những phát kiến mới” nằm tại ngã ba “Một trăm năm” mua bột nặn, đường keo , phẩm màu.. từ những thứ đó tôi tạo ra những con chuột, con rắn mang tới lớp dọa các thầy giáo.

Ngay trước khi vào lớp dự bị tôi đã ngâm nga bài thơ “ Con quỷ ”. Tiếng tăm của nhà thơ không quyến rũ tôi, tôi không muốn trở thành Lermontov mà trở thành con quỷ để bay lượn đây đó. Tôi tự đặt cho mình cái tên “Thần Linh của sự xua đuổi” mà không hiểu điều đó là gì. Chẳng bao lâu những bài thơ cũng khiến tôi chán ngắt. Tôi bị các môn hóa học, sinh học, thực vật học cuốn hút. Tôi thích ngồi trước máy hiển vi, dõi theo những cuộc thí nghiệm với nhũng bọt xà phòng; mổ ếch, thằn lằn và những vật nhuyễn thể khác.Có một lần những con vật sắp hiến thân cho các cuộc thí nghiệm của tôi sổ lồng chạy lung tung khắp nhà. Một chú nấp xó xỉnh nào đó cất tiếng kêu ộp oạp – hóa ra chú nấp dưới gầm chiếc tủ trang điểm của mẹ tôi.

Được nghe nhiều câu chuyện về hành động anh hùng của các bậc nghĩa hiệp, ban đầu tôi viết thư trò truyện với một vị tướng trong một vở diễn, sau đó tôi lấy trong ví của mẹ tôi mười rúp tự tìm đến nhà hát chuyên kể những chuyện trận mạc xem một mình. Sau rồi tôi cũng đâm chán cả những tích tuồng nhiều chuyện gay cấn như thế.

Sự thay đổi tháng ngày trên những trang lịch luôn làm chúng ta xốn xao; mà đây còn là sự thay đổi những con số không phải của một năm mà là cả một trăn năm. (Trên thực tế thế kỷ 19 kéo dài hơn- nó được bắt đầu vào năm 1782 và kết thúc vào năm 1914). Tất cả đều nói về “ sự kết thúc của thế kỷ ”và đoán định xem thế kỷ mới sẽ như thế nào… Tôi nhớ rõ cuộc gặp gỡ với năm 1901. Những người đi xông nhà đeo mặt nạ đã tới nhà tôi. Một người mặc quốc phục Trung Hoa, tôi nhận ra ngay đó là chú kỹ sư Gilia vui tính, liền túm lấy vạt áo của chú. Những người khác đóng giả người ở các nước châu Âu; người Hung nhẩy điệu trades ; người Tây Ban nha nhẩy điệu vũ của quê hương mình; tất cả quay tít xung quanh người Trung Hoa. Vào mùa đông ấy ở Bắc kinh đang diễn ra những cuộc đụng độ. Sau đó mọi người nâng ly mừng “Thế kỷ mới”. Tôi không nghĩ ra nổi những con người này đoán định được thế kỷ mới sẽ ra sao khi họ nốc rượu giữa thời tiết Moskva lạnh giá.

Vào thời điểm ấy tôi là học sinh lớp số 2 của Trường Trung học. Tôi còn nhớ tôi đã tổ chức một nhóm nhỏ “những võ sỹ “- như lúc ấy người ta gọi những người khởi nghĩa ở Trung Hoa là như vậy. Chúng tôi dùng những chiếc thắt lưng để đánh nhau; dùng cả những chiếc khóa đồng nữa. Hai bên chưa phân thắng bại, thế kỷ 20 đã bắt đầu !

Tôi đâm ra cứng đầu cứng cổ, những trò tinh quái tôi bày đặt ra khiến không ai chịu đựng nổi. Cha tôi thường vắng nhà, còn mẹ và các chị em gái không thể nào uốn nắn tôi được. Để trợ lực thêm, mẹ và và các chị tôi nhờ bác quét sân Ilia giúp thêm việc đốt lò sưởi. Một lần tôi cầm dao lao thẳng vào người bác Ilia, bác sợ quá phải bỏ chạy.

Rồi mọi người cũng tìm được anh sinh viên luật Mikhail Iakovlevist để mắt tới tôi. Mọi người đều ngạc nhiên không hiểu vì sao tôi nghe lời anh Iakovlevist, trong khi anh ấy không bao giờ nạt nộ hay phạt tôi. Mẹ tôi và các bà chị cho anh Iakovlevist ở cùng nhà. Anh giúp tôi học hành. Khi tôi giải đúng bài toán phần trăm, anh thưởng cho tôi những chiếc kẹo mềm, tôi càng nghe lời anh.Thấy tôi hay vứt giấy xuống sàn nhà, thỉnh thoảng  anh lại hỏi: “Đám rác dưới sàn nhà đâu rồi nhỉ?”. Tôi nhìn xuống sàn, không thấy đám giấy lộn đâu nữa, thế là anh Iakovlevist cất tiếng cười. Tôi không kể cho ai nghe về những chiếc kẹo mềm kia. Tôi sợ cặp mắt của anh Iakovlevist. Khi anh nhìn tôi, tôi vội quay mặt đi ngay. Bố mẹ tôi cho rằng anh Iakovlevist là một nhà sư phạm giỏi.

Vào một mùa hè,tại khu nhà nghỉ ở Soconnhisky, gia đình  tôi đón tiếp bạn gái của một trong những người chị tôi, tên là Lelia Golovinskaia. Chị bạn gái này rất mau mắn có thiện cảm với anh Mikhail Iakovlevist. Hồi ấy những câu chuyện bàn tán về thuật thôi mien đang được mọi người ưa chuộng. Anh Iakovlevist tuyên bố anh có khả năng thôi miên. Anh làm phép thuật với chị Lelia và nói với chị ta rằng, ba ngày nữa, vào buổi tối chị ấy sẽ dứt khoát đến gặp anh ta ở khu nhà nghỉ này. Nghe vậy, mọi người trong nhà tôi đều tỏ ý bất bình. Anh Mikhail Iakovlevist bình thản xếp áo quần vào vali bỏ đi; trước khi rời nhà tôi, anh không quên nói rằng, anh ta đã thôi miên tôi, bảo đảm với phép thôi miên này, trong nửa năm tiếp theo tôi sẽ không quậy phá nữa.

Bố mẹ tôi vội đưa tôi tới giáo sư Rưbakov. Vì có ai đó đã nói với mẹ tôi rằng tôi sẽ vĩnh viễn mất trí. Vài năm sau, tôi nhìn thấy anh Mikhail Iakovlevist trên đại lộ Prechichenski. Tôi chạy bổ tới bên anh. Qua đi vài năm nữa. Vào năm 1917, trong lần từ Paris về nước, tại Tùy viên Nga ở Stockhoml tôi gặp một người to béo, thấp lùn, anh ta nói vơi tôi : “Có nhận ra mình không, chú bé kẹo mềm?”. Tôi sửng sốt, trước mắt tôi là một người đàn ông có cặp măt bình thường, thậm chí rất ít biểu cảm!

Nhưng kỷ niệm về những chiếc kẹo mềm thì tôi luôn nhớ. Tôi nghĩ rằng, nhiều lần người ta buộc tôi phải thực thi những nhiệm vụ khó khăn chính bằng những chiếc kẹo mềm đó, cho dù trong thực tế không ai trao tôi những cái kẹo như thế cả. Mãi sau đó nữa, cũng không ai buộc tôi phải uống thứ thuốc ngủ có vị muối mặn và cũng không ai sợ tôi mất trí cả. Chao, trí nhớ đã trở thành gánh nặng buộc phải chất lên vai!

Ở nhà, đối với tôi thật buồn chán. Khách khứa kéo tới. Mọi người trò chuyện về chị em nhà Kristman có giọng hát đặc biệt; ông luật sư có những lời lẽ gây xúc động khi lên tiếng bênh vực viên sỹ quan Dreyfus vô tội; rằng ở Moskva mới khai trương một khách sạn có những căn phòng thiết kế theo phong cách xứ Mavritan; rằng có một quý bà nào đó tên là Malbrans vừa mang từ Paris sang những kiểu mũ mới nom rất lạ. Người ta cũng truyền tai nhau buổi diễn ra mắt vở hài kịch của Zuderman; về lễ khai trương nhà hát vé giá rẻ; về các vụ tàn sát, vế bức thư của Tostoi; về lời cãi hung hồn của luật sư Plevako có thể thanh minh cho đến cả kẻ giết người dã man nhất; về những thiên phóng sự của Dorosevist chế nhạo các bậc “cha mẹ của dân trong thành phố”; về những kẻ theo chủ nghĩa suy đồi đang gắng làm mọi người tin có “những bước chân mét xanh” đang dạo đi ngoài đường phố.

Đối với tôi mảnh sân của khu nhà máy là một khách sạn thú vị . Ở đó có những cây cọ ám bụi trồng các thùng gỗ, còn trên tường thì treo một loạt bức tranh vẽ hình Lomonosov khi ông tìm lên Moskva tiếp tục công việc học hành. Có thể đi tới khu chuồng ngựa nơi bốc lên một thứ mùi lạ lẫm và tôi biết tính tình từng chú ngựa. Có thể nấp sau những chiếc thùng gỗ lớn. Tại một trong những phân xưởng người ta kiểm tra những chiếc chai bằng cách dùng que thép gõ lên từng cái. Nghe tiếng que thép gõ lên mặt thủy tinh tôi cảm thây thứ âm nhạc đó còn hay hơn nhiều, những vị khách của chúng tôi- những tay chơi piano nổi tiếng gõ trên mặt phím dương cầm.

Những người thợ ngủ qua đêm trong những khung gỗ như giá nuôi tầm, phủ quanh bởi những tấm chăn, vừa tối vừa bức bối. Họ uống nước kvat, bia thiu,thỉnh thoảng chơi bài, hát xướng hoặc văng tục. Trong số họ rất ít người biết chữ. Ai biết chữ thì đọc cho người khác nghe tin tức những gì đang diễn ra đăng trên tờ báo Thông tin Moskva. Tôi còn nhớ một chuyện vui: những người thợ tẩm dầu hỏa một chú chuột châm lửa đối chú. Con chuột đâm nhoáng nhoàng vào một phía. Chính ở khu này tôi đã chứng kiến một cuộc sống nghèo khổ, tăm tối, khủng khiếp. Hình ảnh ấy làm tôi sửng sốt bởi sự tương phản giữa hai thế giới: căn phòng ngủ của thợ và căn buồng khách sạn-nơi những con người thong minh đang rao giảng về bình đẳng, bình quyền.

Không xa nhà máy, trên cánh đồng Devichi người ta tổ chức nhưng buổi cắm trại dăng lều bạt san sát. Tôi còn nhớ rõ gương mặt của một người đã đứng tuổi phủ đầy bột gạo, cất tiếng reo phấn kích : “ Thấy chưa, tôi đã là một người Mỹ, nhẩy được bất cứ một vũ điệu nào!”.

Tôi đã giúp những người thợ viết những lá thư gửi về quê họ. Thư kể họ ăn uống ra sao, họ đau bệnh gì..Kể cả họ tổ chức đám cưới hay đám ma..

Một bức tường của nhà máy ngăn cách với phía bên kia là khu dành cho những người điên. Tôi leo lên tường, đưa mắt nhìn: những con người kiệt sức mặc áo ngủ lê bước đi trong mảnh sân người ta có thể quẳng bất cứ vật gì xuống. Đôi khi một nhân viên trong khu nhà điên ném một vật cứng gì đó trúng đầu một con bệnh, anh ta kêu thét lên.

Ở nhà máy còn có những chuyên viên – những thợ nấu bia người Tiệp. Những người thợ vẫn cho rằng họ là ngưới Đức- vì họ ăn cả chim bồ câu, thật ghê người. Con trai của một người thợ nấu bia tên Cara đã dùng rìu giết chết cả mẹ và hai người chị gái. Tay này định tặng vật gì quý cho một con sư tử cái ở Moskva, nhưng cha mẹ gã không cho gã tiền. Tôi còn nhớ một đoạn trích từ một tờ báo: “Cả mấy thi thể như bơi trong máu..chỉ vì muốn có 50 rúp”. Đương nhiên mọi người nguyền rủa tên giết người, nhưng khi nhớ tới thân hình gầy guộc của anh con trai ông thợ nâu bia người Séc, tôi thầm nghĩ hóa ra người lớn cũng không hiểu gì cuộc sống cả.

Kế bên nhà máy là nhà của L. N Tolstoi. Tôi rất hay nhìn thấy Tolstoi đi dạo chỗ ngã ba Khamovnhicheski, xuôi theo phố Bogiennikov. Người ta tặng tôi cuốn “Thời thơ ấu và Tuổi niên thiếu”. Tôi thấy cuốn sách khá buồn tẻ. Tôi lấy từ trong kho ra tập tạp chí Nheva trong đó có in tiểu thuyết “Phục sinh”. Mẹ tôi nói: “Con đọc cuốn này còn sớm đấy!”. Tôi đọc cuốn tiểu thuyết một hơi và cho rằng Tolstoi đã biết toàn bộ sự thật. Cha tôi nhờ tôi chép lại lời kêu gọi bị cơ quan kiểm duyệt cấm của Tolstoi. Tôi rất tự hào với công việc này và chép lại từng dòng rất cẩn thận, bằng những chữ in hẳn hoi.

Có một lần Tolstoi sang nhà máy và đề nghị cha tôi chỉ cách nấu bia như thế nào. Hai người đi vòng quanh phân xưởng, tôi không rời họ một bước nào. Tôi cảm thấy bực mình không hiểu vì sao Tolstoi lại thấp hơn cha tôi. Người ta mời Tolstoi bia nóng chưa trong cốc. Trước sự ngạc nhiên của tôi, ông nói: “Ngon” và dùng tay lau bộ râu ướt. Tolstoi giải thích cho cha tôi hay bia có thể trợ giúp vào cuộc đấu tranh với rượu vodka. Sau này tôi nghĩ rất lâu về những lời của Tolstoi và thấy hoài nghi: có lẽ nào Tolstoi không hiểu mọi chuyện đời sao? Vì tôi vẫn đinh ninh tin rằng ông già này muốn tahy đổi điều giả dối bằng sự thật. Thế mà ông ta lại định dùng bia thay cho vodka? (Tôi biết Vodka qua lời của những người thợ. Họ nói về thứ nước này với đầy tình yêu, sự quyến luyến. Người ta cho tôi uống bia, nhưng tôi không thích loại nước này).

Đôi khi ở nhà máy bỗng xao động. Người ta bàn tán hình như cach sinh viên đang tìm tới gặp Tolstoi.Cổng giả được khóa kỹ, đội canh phòng được thành lập. Tôi lặng lẽ chạy ra phố. Tôi đợi những sinh viên bí mật kia sẽ kéo tới, nhưng có ai đâu. Còn những sinh viên kéo tới vui chơi với mấy bà chị của tôi – cứ theo tôi quan sát – họ là những chú thỏ đế: họ hiền lành ngồi uống trà, tranh cãi về những vớ kịch của Ibsen, tỏa vòng nhảy múa. Cứ theo tôi, những sinh viên chân chính cần phải leo lên lưng ngựa đi cùng với những người Cô Dắc và phải vật cố Sa Hoàng xuống khỏi ngai vàng.

Nhưng những sinh viên chân chính ấy không thấy xuất hiện. Những năm ấu thơ tôi bị chứng mất ngủ hành hạ. Có một bận tôi quyết định tháo bỏ chiếc đồng hồ treo trên tường. Những tiếng tíc tắc rõ to của nó làm cho tôi bực bội. Tôi vãn còn nhớ rõ những gì đọng lại trong những đêm mất ngủ đó. Tolstoi dùng tay lau bộ râu ướt át. Chú Cara còn trẻ tay nắm cây rìu và người tình của chú. “Lakme”, những người điên,những cái lán gỗ, những chú chuột bự toàn thân bốc lửa chạy quẩn xung quanh tôi.

ILYA EHRENBURG

TÔ HOÀNG chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Nga

Hồi ký Con người, Năm tháng, Cuộc đời 

(Còn tiếp)

> Khi nhà văn ý thức về ngày sinh, tháng đẻ của mình – Kỳ 1

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *