Quê ngoại – Nguyễn Ngọc Hạnh

Tôi không sinh ra ở đất này, quê tôi ở dọc triền sông Vu Gia, Đại Lộc. Làng Bảo An là quê mẹ của tôi. Những năm còn thơ bé, nằm trên chiếc chõng tre dưới đêm trăng thượng nguồn, mẹ thường kể về ông ngoại tôi, lâu ngày hình ảnh của ông gần gũi đến thân quen như một ông tiên trong truyện cổ. Nghe mẹ tôi kể, ông ngoại Phan Niên là một vị quan trong thời phong kiến, thường đi ngựa lang bạt từ làng Bảo An về Đại Lộc như một văn nhân nhàn tản. Không biết có phải từ gốc gác lang bạt này của ông mà về sau mẹ tôi trở thành con dâu của xứ sở thượng nguồn sông Vu Gia, Đại Lộc.

Câu chuyện tuổi thơ chắp vá, mơ hồ ấy ngỡ đã quên lâu rồi, cho đến năm 1975, khi tôi về dạy học tại Điện Bàn, mẹ đôi lần cùng tôi về nhà thờ tộc Phan trong những dịp thanh minh. Và, tôi hiểu thêm cội nguồn, quê ngoại của tôi. Một vùng quê, một vùng văn học. Một chiếc nôi văn hóa phong phú của đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm. Nếu không có những năm tháng sống và làm việc ở Điện Bàn chắc gì tôi đã hiểu tường tận quê ngoại của mình.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Nhớ những năm tám mươi, tôi còn làm văn hóa văn nghệ ở Thị xã này, ngày ấy các nhà văn nhà thơ ở khắp nơi mỗi lần về đây đi thực tế sáng tác, tôi đều được tháp tùng cùng các anh chị đi dọc theo con sông Thu Bồn. Từ “Những biền dâu sống lại” của Ngô Thị Kim Cúc đến bút ký “Đứa con phù sa” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, rồi tuyển thơ “Giữa xanh thẳm Thu Bồn” của nhiều tác giả. Nhiều văn nghệ sĩ đã soi mình vào mảnh đất này như chiếc thuyền con tắm mát giữa dòng sông lịch sử thông qua bằng chính tác phẩm của mình.

Tôi may mắn được nhiều lần cùng với các nhà văn lần theo hành trang cuộc đời của những nhân vật lịch sử như Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Cao Vân, Phan Khôi, Phạm Phú Thứ, Lê Đình Dương, Trần Quý Cáp…trên mảnh đất giàu văn hóa này. Trong bút ký “Đứa con phù sa”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết “trong khoảng một nghìn năm trăm năm từ ấy đến giờ, trải biết bao hoạn nạn của trời đất, thế mà cái dòng chảy của sông Thu Bồn hầu như không hề thay đổi”. Dòng chảy không đổi, con sông ấy vẫn đắp bồi những tốt tươi cho cuộc sống con người, cho mai sau trường tồn.

Nhiều nhà văn đến đây bằng tấm lòng ngưỡng mộ, tri ân, không lần theo quá khứ, không dừng lại ở tính chất hoài cổ mà bao giờ họ cũng nồng ấm hiện tại, dùng lịch sử để lý giải những vấn đề của hôm nay. Ngày ấy, anh Cao Thanh Tấn, một người rất yêu quý anh em văn nghệ luôn đồng hành cùng các nhà thơ nhà văn để khám phá tinh hoa của vùng đất nhân kiệt này. Thế đó, mà tôi chưa một lần về quê đúng nghĩa! Sống ngay trên chính quê mẹ đầy niềm tự hào mà tôi vẫn như một người tạm trú! Tôi thật có lỗi với mẹ tôi!

Sáng nay tháng Ba, một mình tôi lái xe về Gò Nổi, đến ngay nhà thờ tộc Phan, phái nhì, rồi ra một quán cà phê cóc ngồi nhớ lại bao điều. Nhớ năm 1988, tôi đưa nhà thơ Phùng Quán về trường Nguyễn Duy Hiệu làm đêm thơ Tạ Làng. Hội trường không còn một chỗ trống, những người yêu thơ phải trèo lên mái nhà để thò đầu xuống nghe “Lời mẹ dặn”. Chiều hôm đó, nhà thơ Phùng Quán ngồi đàm đạo với nhà văn Nguyễn Văn Xuân về Phan Khôi, một nhân cách lớn, đã lựa chọn con đường để tự trở thành một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa xuất sắc. Thầy Xuân với giọng Quảng chắc nịch, sang sảng: “Phan Khôi là một kẻ sĩ tiêu biểu, là con người của thời đại, sinh ra từ các trào lưu yêu nước như Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục. Truyền thống của làng quê văn hiến, của gia đình cộng thêm tố chất thiên bẩm đã hun đúc nên phẩm chất và bản lĩnh của một con người Quảng Nam thứ thiệt sừng sững hơn nửa thế kỷ, dù cuộc đời ông trải qua bao sóng gió…

Tôi lại nhớ, trong dịp đầu xuân cũng chính trên quê mẹ của tôi, nhà phê bình văn học Đặng Tiến từ Pháp về quê, đã cùng anh em văn nghệ địa phương đến thăm các danh nhân Điện Bàn và dừng chân tại nhà thờ tộc Phan Bảo An này. Không ai nói ra, nhưng tất cả đều ngước nhìn di ảnh cụ Phan Khôi như bày tỏ lòng biết ơn, ngưỡng mộ. Nhà văn Đặng Tiến trò chuyện với chúng tôi: “Phan Khôi đủ đầy tài năng để có những bước đi tiên phong trong nhiều thể loại văn chương, góp phần làm thay đổi diện mạo tiến trình văn học đất nước. Bài “Tình già” trên Phụ Nữ tân văn năm 1932, ông đưa ra một “lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”, khởi đầu cho phong trào Thơ mới sau này. Ông còn là một trong số người viết phê bình văn học đầu tiên ở nước ta, lại từng đóng vai ngự sử trên văn đàn để “dọn vườn” cho một số sách, báo đương thời…

Trong quán cà phê giờ nay có vài du khách thì phải, họ đang tranh luận hay đang cãi nhau về những ẩn ức oan khiên gì đó của Phan Khôi, nghe không rõ. Nhưng tôi lại liên tưởng đến cách lý giải của Phan Khôi về chuyện Quảng Nam hay cãi: Là phải “xét cho đến nơi, tìm chứng cứ ở sự thật”, ấy là sự rõ ràng, khúc chiết, thẳng thắn và sẵn sàng tranh luận. Phong cách ấy, đến bây giờ vẫn còn nguyên tính tươi mới để các thế hệ sau kế thừa đầy tự hào về tính cách Quảng Nam.

Một ngày về Quê Mẹ suy tư và tĩnh lặng. Hương vị của ly cà phê giữa làng quê Gò Nổi đầy ắp mùi rơm rạ, dường như có một cảm giác rờn rợn từ ngọn gió ngoài đồng thổi về mang yếu tố tâm linh huyền bí. Tôi lại tin vào điều kỳ diệu ấy, biết đâu ở một thế giới nào đó, mẹ tôi phát hiện ra đứa con trai của mình đã hơn sáu mươi tuổi rồi mới hiểu hết ngọn nguồn, quê mẹ. Và, tôi đang thả tâm hồn tôi, đang mơ được ngồi sau lưng ông ngoại trên yên ngựa để cùng ông lang bạt về nguồn, nơi có con sông Vu Gia một thời tuổi thơ tôi tắm mát.

NGUYỄN NGỌC HẠNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *