VHSG- “Trái tim lạnh, cái đầu nóng, tai mắt lơ đễnh/ Tự do nhiều hơn, tự giác bớt đi, tự tôn phất cờ/ Còn bao nhiêu người tự ti với đời đi nhặt từng vụn bẩn?”, những câu hỏi “bất lực” thường trực trong thơ Đoàn Thị Diễm Thuyên xoáy vào lòng người đọc, hiện lên bao khuất lấp của mặt trái đời sống, thân phận bất hạnh, như với người đàn bà muốn bứt ống truyền đạm: “Chưa từng yêu sách hay đua đòi, bỗng dưng muốn chết/ Bà không còn trẻ, chỉ còn nhiều nỗi đau của người mẹ/ Bất lực nhìn đàn con xâu xé nhau, rồi muốn cạn kiếp người!”

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Hàng tháng, Ban biên tập VHSG sẽ chọn những Chùm thơ 1-2-3 hay để trao Tặng thưởng, ưu tiên khuyến khích những tác giả có nhiều chùm thơ được chọn đăng. Giá trị tặng thưởng gồm tiền mặt và quà lưu niệm.
Chúng tôi chân thành cảm ơn sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của bạn thơ, bạn đọc và các đơn vị tài trợ: Báo Đất Việt, Tạp chí Môi Trường & Đô Thị Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Thiên Bút, Công ty TNHH MTV TMDV Diệp Bảo An, Công ty TNHH TOVI, Công ty TNHH Pilot Design Bags, Công ty TNHH May mặc Lâm Mơ, Cơ sở May mặc Tôn Thẩm.
Tôi thấy những nóc nhà xếp hình trên dòng nước lũ
Những kiếp người trượt, vùi dưới núi đá nghiêng đất lở
Trò chơi của người hay tạo hóa?
Tiếng khóc than sống động hơn dàn âm thanh hifi
Hình ảnh 3D sắc nét màu thiên tai – kịch tính, bất ngờ
Mưa lũ vẫn chơi trò xếp hình quê hương, bao giờ “game over”?(*)
___________
(*) Game over: trò chơi kết thúc
Tôi thấy những nắp cống ngồn ngộn rác
Những khu vui chơi và đường phố lổn nhổn rác
Như cái cách con người hiện đại đang cư xử với nhau
Trái tim lạnh, cái đầu nóng, tai mắt lơ đễnh
Tự do nhiều hơn, tự giác bớt đi, tự tôn phất cờ
Còn bao nhiêu người tự ti với đời đi nhặt từng vụn bẩn?
Tôi nhìn đôi mắt vô cảm của đứa bé bán vé số
Nghe tiếng em van nài người mua đều như một cái máy
Người phụ nữ đi cùng em là mẹ đẻ hay bà trùm?
Em đưa mắt nhìn mặc định theo từng người đi qua
Cuộc mưu sinh vắt cạn tâm hồn những đứa trẻ thơ ngây
Tôi sợ những bất trắc khiến con tôi phải sống đời tương tự…
Tôi thấy người đàn bà bệnh cố bứt ống truyền đạm
Khi chỉ còn một mình trong phòng cách ly
Người đàn bà hiền lành chưa từng biết đấu tranh hay phản kháng
Chưa từng yêu sách hay đua đòi, bỗng dưng muốn chết
Bà không còn trẻ, chỉ còn nhiều nỗi đau của người mẹ
Bất lực nhìn đàn con xâu xé nhau, rồi muốn cạn kiếp người!
Khi em nhìn anh mà không thể nói
Đất cằn vì nắng hạn, mưa xuống cỏ vẫn lên xanh
Chúng mình cạn cả nghĩa, nên tình khô nghĩa chết
Chúng mình cạn cả yêu, nên yêu hóa thạch
Có lẽ mỗi chúng ta cần một nơi tái sinh tình rất khác
Và những ngôn từ, chỉ để bật thành lời ở chỗ không nhau!
Sài Gòn, 12.2020
ĐOÀN THỊ DIỄM THUYÊN
Khi đọc thơ chúng ta phải thở dài
Thì đó mới thật là thơ?
Tôi tự hỏi bản thân mình về quan niệm này, bởi cố nghĩ và hiểu về một bài thơ của nhà thơ Diễm Thuyên.
Khi em nhìn anh mà không thể nói/Đất cằn vì nắng hạn, mưa xuống cỏ vẫn lên xanh/Chúng mình cạn cả nghĩa, nên tình khô nghĩa chết/Chúng mình cạn cả yêu, nên yêu hóa thạch/Có lẽ mỗi chúng ta cần một nơi tái sinh tình rất khác/Và những ngôn từ, chỉ để bật thành lời ở chỗ không nhau!
Tôi đã nghĩ ra là hai người yêu nhau sau đó tình yêu hóa thạch, giải pháp là mỗi người cần một nơi khác để tình tái sinh với người khác. Quy luật tự nhiên hay một thực tế là đất cằn khi mưa lại cỏ vẫn mọc được. Con người cạn cả nghĩa, nên cỏ tình không mọc được!
Đại khái dịch nghĩa là như vậy. Còn cảm xúc là gì? Cảm xúc làm tôi thở dài. Tôi tự hỏi con người như vậy có thành cỏ xanh được hay không? Ở nơi khác có tình nữa được hay không? Có giống đất khô khi có nước lại cỏ mọc lên được hay không? Rồi lại khô, cuộc đời được mấy lần như vậy? Tôi tự hổi tôi.
Thơ làm mình phải thở dài thì có phải là thơ không nhỉ? Có lẽ là phải, bởi thở dài cũng là cảm xúc mang lại cơ mà.
Thế là tôi tự chấn vấn mình, cái gì đẹp ở trong thơ? Hay thơ không cần đẹp? Lột tả được cảm xúc thật, đời sống thật với hình ảnh sáng tạo và phát hiện ra là được và hay. Trong một mối tình con người phải là con người trước tiên cái đã. Mà là con người thì không thể rằng thì mà là nặng lời với nhau. Tác giả chọn im lặng. Nhưng vẫn chọn nhìn. “Khi em nhìn anh mà không thể nói”, tức là không thể không nhìn, vẫn nhìn nhưng không thể nói mà thôi. Không nói vì điều gì? Nếu như không cả nhìn mà vẫn nói. Hoặc không nhìn cộng kèm với không nói. Từ không nói khác với không thể nói. Không thể nói tức là có muốn nói cũng không nói được. Tức là muốn nhìn và nhìn rồi, muốn nói, nhưng không thể nói vì cả bên trong và bên ngoài. Hãy đọc tiếp để biết.
Bản chất của người phụ nữ không giấu được dưới ngôn từ của người phụ nữ. Tôi không phân biệt đàn ông và phụ nữ ở đây trong một buổi chiều cuối tuần đẹp đẽ như thế này. Tôi không hề có ý đó. Cái tình chưa dứt trong những lời thơ tự thú. Trong từ “chúng mình” nói lên điều đó. Nếu không tôi nghĩ không đẹp thì nói “tao” ‘Mày” cho rồi. Từ yêu ở câu thứ ba, vế trước không mang nghĩa tình yêu. Chúng mình cạn cả yêu. Yêu ở đây là hành động yêu. Nên yêu hóa thạch. Từ “yêu” ở vế sau này tôi nghĩ mang nghĩa tình yêu. Bởi nếu hành động yêu mà hóa thạch, tức là hai người không tách được nhau ra mà phải đi cấp cứu, không thì cả hai sẽ chết. Hai từ yêu ấy hoàn toàn khác nhau không biết khi làm bài thơ tác giả có nghĩ như thế không?
Có lẽ khi làm bài thơ, tác giả có cảm xúc nhưng giữa hai từ yêu này không chỉ ra đúng như thế. Sáng tạo không trên cái nền thật nên sản phẩm của sáng tạo ấy bị sao sao ấy. Xin lỗi đây chỉ là quan điểm của tôi, trao đổi với nhà thơ Diễm Thuyên như vậy. Tôi rất cần nghe sự phản hồi từ Nhà thơ nếu có, ở vấn đề này của bài thơ này.
Còn xét trên cảm xúc tổng thể toàn bài thì tôi thở dài, và thơ làm người đọc thở dài thì thì cũng chả sao.
Năm từ nhưng có hai nghĩa: “tái sinh tình rất khác” …tái sinh tình, ok rồi. Tình rất khác, cũng ok. Còn tái sinh tình rất khác là một sáng tạo hay là một sự khẳng định. Khác là khác chỗ nào? Khác tức là không hóa thạch nữa hay là khác là vẫn còn “chúng mình”, vẫn còn muốn nhìn và muốn nói. Hay khác là không muốn nhìn nhưng muốn nói.
Theo ý hiểu nghĩa của tôi ở trên là mối tình này thôi chấm dứt và giải pháp là tìm người khác để có tình khác. Cái ý giải pháp hay và thực tế. Nhưng đọc và nghĩ sâu các câu từ thì tưởng hình ảnh đẹp, tưởng mơ màng nhưng thực tế bộc lộ ra sự mâu thuẫn nào đó. Có thể tôi là đàn ông nên chưa thấu hiểu được nhân vật nữ nếu nói từ “em” là thuộc về nhân vật nữ. Không thể nói là tôi sưng em với một người phụ nữ tôi yêu mà mình gọi là anh được.
Đôi dòng tâm sự, có gì xin được bỏ qua và trao đổi.
Tiên Phong.