Thơ 1-2-3 Lương Ngọc Đại: Tội những cây cầu cong mình gánh gian nan

Cầu xây thẳng nhưng lòng người uẩn khúc.// Bao toan tính cố kéo về hai phía./ Tội những cây cầu cong mình gánh gian nan.// Người mong manh như ngọn gió ngang trời!/ Tránh sao hết những thăng trầm hoạn nạn./ Để tự biến mình thành ngốc nghếch giữa dòng trôi.

Nhà thơ Lương Ngọc Đại quê Thái Bình

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.

Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.

Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.

Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.

Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.

Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành Thơ 1-2-3.

 

Ngày anh đến con dốc đời gội nắng thỏa thuê.

 

Anh giấu giúp em những mùa trăng cũ

trong chiếc gối mềm thêu hoa cỏ mùa xuân.

 

Chỉ vừa vặn thôi chẳng thừa thãi bao giờ!

Nụ hôn ngọt bên bờ xôi ruộng mật.

Gọi ánh trăng vàng ru bông lúa uốn câu.

 

Điều đơn giản nhưng chẳng hề nhỏ bé.

 

Xuân đến gần – áo cha vơi miếng vá.

Chiếc quần nâu lành gối cuối đường cày.

 

Đêm trừ tịch mẹ trổ tài may áo.

Ấm áp tình cha trong dịu dàng mắt mẹ.

Mụn chỉ con sưởi ấm cả đêm trường.

Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy

Đá. Quay một vòng đá hóa tinh khôi.

 

Tôi mê mải tìm ở em sự vững vàng rắn rỏi.

rồi gắn bó nhau trong duyên lửa tháng ngày.

 

Tôi trao hết cho em nụ cười và nước mắt.

Em uyển chuyển biến mình thành trang sức, bê tông.

ngước nhìn lên những lâu đài tráng lệ thấy em mới hơn tôi!

 

Đông qua rồi tôi tô lại sắc hoa.

 

Em giở lại tuổi đôi mươi mười tám.

Lúng liếng mắt huyền nóng bỏng nét xuân tươi.

 

Tôi nhón tay nhặt hết những vuông tròn.

Trao cho em thay vạn điều muốn nói.

Để chẳng giữ nhiều chỉ giữ dáng em xuân.

 

Cầu xây thẳng nhưng lòng người uẩn khúc.

 

Bao toan tính cố kéo về hai phía.

Tội những cây cầu cong mình gánh gian nan.

 

Người mong manh như ngọn gió ngang trời!

Tránh sao hết những thăng trầm hoạn nạn.

Để tự biến mình thành ngốc nghếch giữa dòng trôi.

 

LƯƠNG NGỌC ĐẠI

 

One thought on “Thơ 1-2-3 Lương Ngọc Đại: Tội những cây cầu cong mình gánh gian nan

  1. Phương says:

    Luận bàn & Góp ý cho chùm thơ 1-2-3 của tác giả Lương Ngọc Đại(Thái Bình).
    *Đây là chùm thơ 1-2-3 mà tôi đọc xong & cảm thấy khá “lạ”(xét về từ), khá “hay”(xét về ý thơ) của tác giả Đại. Nhưng, tôi cũng xin góp ý một chút, gọi là bổ sung về từ & ý trong thơ của anh Đại đã dùng để anh làm thơ được “hay” & “lạ” hơn nữa cho những lần sau:
    *Xét về từ, tôi gọi là “khá lạ”. Vì sao? Trong bài thơ 1(câu 1):
    “Ngày anh đến con dốc đời gội nắng thỏa thuê.”. Đối với tôi, từ “gội” , từ “thỏa thuê” anh dùng có vẻ lạ đối với người đọc thơ-độc giả dân miền Trung & Nam(như tôi). Tôi nghĩ:tại sao anh Đại không dùng một từ khác ngoài từ “gội” & từ “thỏa thuê” trong câu 1 trên? Tức là, anh thay từ “gội” = từ “tắm”;thay từ “thỏa thuê” = từ “thảnh thơi” => Câu 1 = “Ngày anh đến con dốc đời tắm nắng thảnh thơi.” = Câu thơ có từ dễ hiểu,đơn sơ,phổ thông, ai đọc cũng biết & hiểu rõ từ được thay thế. Nhưng “chúng” diễn đạt ý thơ trong câu sẽ “hiệu quả” hơn so với từ “gội” & từ “thỏa thuê” mà anh Đại đã dùng phải không?
    *Xét về ý thơ, tôi nêu là “khá hay”, tức là theo tôi ý thơ chưa được “hay” lắm! Chưa đem đến cho độc giả đọc thơ những cung bậc cảm xúc cao! Tại sao tôi nêu như vậy? Vì anh Đại diễn ý:nhân vật “anh” trong câu thơ (2) đã “giấu” nhân vật “em” là “mùa trăng cũ”= mùa trăng qua rồi, trăng quá khứ & mùa trăng “buồn”. v. v.(xét về ý thơ). Nhưng, anh giấu “mùa trăng cũ” ấy ở đâu?Anh Đại trả lời trong câu thơ(3): “trong chiếc gối mềm thêu hoa cỏ mùa xuân.”. Theo tôi, tại sao anh Đại diễn đạt ý thơ: anh giấu “mùa trăng cũ” trong chiếc “gối mềm”(nếu xét về ý thì “dở” quá phải không anh Đại?). Anh Đại còn kèm thêm ý:hoa cỏ mùa xuân. Nhưng ở câu(2) là “mùa trăng buồn” mà! Nếu “giấu” trong “mùa xuân”(câu 3) = mùa vui, mùa tràn trề sức sống của hoa cỏ,cảnh vật, con người & thời tiết. v. v thì làm sao mà “thích hợp” đươc??? Tại sao anh Đại không nêu ý: giấu mùa trăng cũ trong “ký ức”(buồn-vui) của mùa thu(tôi tạm thay từ của anh Đại đã dùng: chiếc gối=ký ức;mùa xuân=mùa thu)?
    Tất nhiên, tôi không dám thay đổi cách dùng từ-ngữ, cách diễn đạt ý của anh Đại & chắc chắn 100% là tôi không có quyền làm việc này.
    Các bài thơ sau thì tôi không dám luận bàn thêm.
    Nhưng cũng có vài lời góp ý với thơ 1-2-3 của anh(trong bài thơ 1) & tôi mong anh Đại thứ lỗi cho tôi. Tôi xin BBT-BQT trang vanhocsaigon. com thông cảm. Tôi chào trân trọng quý ban.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *