VHSG- “Quá vãng rồi quần lĩnh áo the, nón thúng quai thao/ Siêu mỏng, siêu ngắn… lồng lộng thịt da trắng ởn/ Đâu rồi “dạ, thưa” ngọt ngào đằm đượm chân quê?”. Cuộc sống hiện đại với những tiện nghi công nghệ giải trí đang đánh mất dần những giá trị văn hóa truyền thống, thui chột tâm hồn thế hệ tương lai bằng lối sống ảo: “Đám trẻ nghèo không một mảnh chân trời/ Tuổi thơ rỗng, không lời ru, dòng sông, đồng lúa/ Không nửa câu Kiều, xa cách dân ca, mồ côi quá khứ”. Bên cạnh đó còn là cái nghèo, thiên tai và cả sự phản giáo dục mà hậu quả là trẻ thơ phải gánh chịu: “Tự bao giờ người lớn rót xuống đời con tình yêu ban ơn/ Nhào nặn trẻ thành búp bê, siêu nhân, rô bốt/ Mê mải tô tô vẽ vẽ mặt mình sặc sỡ sắc màu con”. Có thể nói quê hương và thế giới tuổi thơ là nguồn cảm hứng mạnh mẽ trong thơ 1-2-3 của Mai Lệ Hằng, xúc động hơn khi chị còn sẻ chia “Có một vườn trẻ yên bình trên núi Hòn Thơm” nơi có “Hơn hai vạn linh hồn non nớt, chấp chới bình minh/ Lặng lẽ một người cha đi về tấm vườn thương sưởi ấm…”

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Hàng tháng, Ban biên tập VHSG sẽ chọn những Chùm thơ 1-2-3 hay để trao Tặng thưởng, ưu tiên khuyến khích những tác giả có nhiều chùm thơ được chọn đăng. Giá trị tặng thưởng gồm tiền mặt và quà lưu niệm.
Chúng tôi chân thành cảm ơn sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của bạn thơ, bạn đọc và các đơn vị tài trợ: Báo Đất Việt, Tạp chí Môi Trường & Đô Thị Việt Nam, Công ty TNHH Dược phẩm Phú Mỹ – PMPHARCO, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Thiên Bút, Công ty TNHH MTV TMDV Diệp Bảo An, Công ty TNHH TOVI, Công ty TNHH Pilot Design Bags, Công ty TNHH May mặc Lâm Mơ.
Có một vườn trẻ yên bình trên núi Hòn Thơm
Không cầu bập bênh, không xích đu, chẳng tiếng cười thơ bé
Không cô giáo, không lớp học, gió vỗ về nhè nhẹ…
Các thiên thần tề tựu bên nhau thiêm thiếp mộng nhân sinh
Hơn hai vạn linh hồn non nớt, chấp chới bình minh
Lặng lẽ một người cha đi về tấm vườn thương sưởi ấm…
Đám trẻ nghèo không một mảnh chân trời
Tuổi thơ rỗng, không lời ru, dòng sông, đồng lúa
Không nửa câu Kiều, xa cách dân ca, mồ côi quá khứ…
Những tín đồ trà sữa, smartphone – cư dân mạng ảo
Lạc giữa mê hồn trận đời thật – giả, ghét – thương
Ngác ngơ, chống chếnh… khát một ngọn diêm…
Trẻ con chơi búp bê, siêu nhân… Người lớn chơi gì?
Bảng điểm hoàn hảo con tô sáng gương mặt cha mẹ
Mồ hôi sơ sinh, nước mắt mầm non tắm những chặng đua.
Tự bao giờ người lớn rót xuống đời con tình yêu ban ơn
Nhào nặn trẻ thành búp bê, siêu nhân, rô bốt
Mê mải tô tô vẽ vẽ mặt mình sặc sỡ sắc màu con.
Chòng chành nhớ thương, ảo mộng… ghép vần đoản khúc tình
Chợt hiện con lũ nuốt cánh đồng, ngoạm cầu, đường, làng bản
Rừng quằn quại thét lửa, biển gầm gào điếu văn tiễn cá
Lũ trẻ nhà bên nheo nhóc, chành chọe, thèm miếng chữ
Vợ xộc xệch, cặm cụi cuốc cào gạn từng vụn ấm no
Chồng lởm chởm tóc râu, khật khưỡng chát chúa đêm tình nghèo…
Thời hiện đại, niềm tin trở nên hiếm quý, đắt đỏ
Đứng trước hàng rau sạch, thịt sạch mà phân vân
Báo mạng ngập ngụa tin “nóng”: “Có thật không anh, chị?”
Nên buồn hay vui trước lời chúc tụng, khen chê thật giả?
Dẫu ngày mai chữ “tín” vẫn bị xén đi một nửa
Ta cứ gieo từ ái lên vạt đời mặc đắt đỏ niềm tin.
Còn đâu nữa trúc tre, cây đa, bến nước, sân đình!
Hội chèo xuân về đâu, hỡi Thị Màu, Thị Kính?
Đầu làng cuối xóm ầm ĩ đục cưa, karaoke… đọ tiếng
Quá vãng rồi quần lĩnh áo the, nón thúng quai thao
Siêu mỏng, siêu ngắn… lồng lộng thịt da trắng ởn
Đâu rồi “dạ, thưa” ngọt ngào đằm đượm chân quê?
MAI LỆ HẰNG (NINH BÌNH)