VHSG- Từ miền Trung phiêu bạt vào phương Nam mưu sinh lập nghiệp nhưng với Nguyễn Tường Thư “Sống nơi đâu vẫn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn/ Trong căn phòng ấm bỗng nhớ lại căn gác xếp ngày thơ/ Hè nóng bức, đông rét lạnh co ro cùng manh chiếu nhỏ”. Và giữa lúc quê nhà chìm trong bão lũ, lòng người xa quê khôn nguôi chia sẻ nỗi đau với đồng bào và day đứt bao nỗi niềm: “Tại sao thiên tai mỗi ngày hậu quả nặng nề hơn?/ Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trả lời câu hỏi/ Hay lại đổ lỗi cho mẹ thiên nhiên”. Với chùm thơ 1-2-3 đầu tiên gửi về tham gia, Nguyễn Tường Thư cho thấy khả năng diễn ngôn về nhiều góc cạnh khác nhau của đời sống…

Cuộc vận động sáng tác thể thơ mới 1-2-3 sau 6 tháng phát động đã nhận hơn 620 chùm thơ 1-2-3 của trên 200 tác giả trong và ngoài nước tham gia, và đã đăng tải gần 450 chùm thơ trên Văn Học Sài Gòn.
Gần đây có thêm nhiều cây bút liên tục gửi về những chùm thơ 1-2-3 mới như: Nguyễn Tường Thư, Lê Sỹ Đồng, Phạm Tâm An, Phạm Tuyết Hạnh, Lê Thị Ngọc Nữ, Huyền Mến, Lê Kỳ Nam, Lê Thị Hương, Trần Thùy Linh, Sang Trương, Ngô Lam, Hoàng Cẩm Thạch, Hồ Thế Sinh, Nguyệt Lê, Tạ Hùng Việt, Nguyễn Đức Bá, Mai Lệ Hằng, Phạm Thị Hồng Thu, Vũ Hà, Cao Ngọc Toản, Chử Lê Hoàng Điệp, Hạ Như Trần, Lương Mỹ Hạnh, Nhất Mạt Hương, Huỳnh Thanh Liêm, Khét, Phạm Quỳnh Loan, Hoài Thơ, Hồ Trung Chính, Thái Bảo – Dương Đỳnh, Tuấn Phạm, Hà Vinh Tâm, Nguyễn Thị Hạnh, Phan Xuân Hậu, Lê Bích, Cao Xuân Hiển, Võ Văn Thọ, Trương Ngọc Ánh, Tâm Như, Phan Thảo Hạnh,…
Xin lưu lý thể lệ: Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Hàng tháng, Ban biên tập VHSG sẽ chọn những chùm thơ 1-2-3 hay để trao Tặng thưởng, ưu tiên khuyến khích những tác giả có nhiều chùm thơ được chọn đăng. Giá trị tặng thưởng và giải thưởng gồm tiền mặt và quà lưu niệm.
Chúng tôi chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của bạn thơ và các đơn vị tài trợ đồng hành với thơ 1-2-3: Báo Đất Việt, Tạp chí Môi Trường & Đô Thị Việt Nam, Công ty TNHH Dược phẩm Phú Mỹ – PMPHARCO, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Thiên Bút, Công ty TNHH MTV TMDV Diệp Bảo An (Bò một nắng Phú Yên), Công ty TNHH TOVI, Công ty TNHH Pilot Design Bags, Công ty May mặc Lâm Mơ.
Sống nơi đâu vẫn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn
Trong căn phòng ấm bỗng nhớ lại căn gác xếp ngày thơ
Hè nóng bức, đông rét lạnh co ro cùng manh chiếu nhỏ
Mỗi khi mưa tứ phía xung quanh chỗ nào cũng dột
Đêm ngồi nửa ngủ nửa thức mong bình minh nắng lên
Mưa nơi đất khách, chột dạ, nhìn xa xăm nghĩ đến quê nhà.
Sau cơn bão số 9 người miền Trung còn lại gì?
Chạy về đứng ngoài sân bần thần nhìn ngôi nhà đổ nát
Không thốt nên lời dòng nước mắt tự chảy trong vô thức
Dẫu sao cũng vẫn may giữ được mạng sống của mình
Còn hơn bao người chết vùi thây dưới lớp sâu đất đá
Tiếng khóc thét gào của người sống chờ tìm được xác người thân.
Tại sao thiên tai mỗi ngày hậu quả nặng nề hơn?
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trả lời câu hỏi
Hay lại đổ lỗi cho mẹ thiên nhiên
Dân khổ lại càng khổ hơn
Bao đau đớn cạn khô nơi hốc mắt
Thẫn thờ chẳng biết bắt đầu lại từ đâu.
Phía sau cánh cửa hôn nhân
Chén bát mỗi ngày tiếng khua lớn dần lên
Góp lại sau bao năm ít nhiều sứt mẻ
Có những lúc va mạnh vào nhau tưởng chừng sắp vỡ
Soi đi soi lại cái chạn để có cớ đổ thừa
Sợ đũa muỗng bơ vơ.
Lời chúc tụng đãi bôi, giờ ai cũng thích nghe?
Lời nói không mất tiền, nên cứ nói cho đẹp lòng nhau
Người nghe biết dối trá, điêu ngoa, nịnh nọt mà vẫn thích
Đi thẳng ngược gió khó khăn, chi bằng cúi thấp đi chiều thuận
Sĩ diện có đem lại tiền bạc, địa vị đâu
Một dạ, hai thưa trước mặt, quay lưng trong miệng lầm bầm.
NGUYỄN TƯỜNG THƯ