Thơ 1-2-3 Trần Thanh Dũng: Chữ nghĩa tự vẽ nên khuôn mặt mình

những ký tự luôn xê dịch đặt để// trong không gian một bài thơ nói về cái đẹp/ chân lý nào cũng có lý và phi lý// chữ nghĩa tự vẽ nên khuôn mặt mình/ hay người nghệ sĩ sắp đặt ra chữ nghĩa/ để không phải là loài ký sinh?

Nhà thơ Trần Thanh Dũng (Thành Dũng) ở Sóc Trăng

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.

Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.

Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.

Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.

Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.

Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành Thơ 1-2-3.

 

đứa trẻ bị chính người thân của mình đánh chết?

 

trong gia đình có địa vị xã hội có học thức cao

trong một thành phố lớn nhất đất nước

 

em là thiên thần

em trở về với những thiên thần

còn chúng tôi ở lại sống chung với ác quỷ?

 

chúng ta đã sử dụng mỹ tính từ cuối cùng

 

mà người Việt đã sáng tạo ra trong ngôn ngữ

suốt hơn 4.000 năm qua

 

ấy vậy mà không hiểu sao

chỉ có mỗi hai từ “sống đẹp”

chưa bao giờ cần thiết hơn bây giờ?

chúng ta có quá nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em?

 

trẻ em có quá nhiều quyền được nêu ra để bảo vệ

nhưng khi trẻ gặp nạn thì chẳng biết kêu ai

 

mà có kêu cũng chưa thấy ai được cứu vớt

đường giây nóng quá nhiều mà trái tim đông lạnh

luật lệ quá nhiều mà chẳng thấy một tình thương?

 

người ta luôn khuyên nhau, già rồi không nên sân si?

 

nhất là người mần thơ lớn tuổi

dễ bị“sốc” và sanh ra đột quỵ

 

nhưng cuộc sống đâu phải lúc nào cũng bằng phẳng

vô cảm trước hiện sinh

sao có thể gọi là người mần thơ chân chính?

 

một nét chân dung mùa xuân

 

đi ra từ khuôn mặt cánh đồng ban sớm

ánh sáng múa hát trên vòm lá biếc

 

lời tự sự của gió chuyển mùa

thảo mộc ký họa mùi hương tinh khiết vào bao la

ngọn trầm thơm ngậm lời yêu thương chắp cánh?

 

những ký tự luôn xê dịch đặt để

 

trong không gian một bài thơ nói về cái đẹp

chân lý nào cũng có lý và phi lý

 

chữ nghĩa tự vẽ nên khuôn mặt mình

hay người nghệ sĩ sắp đặt ra chữ nghĩa

để không phải là loài ký sinh?

 

TRẦN THANH DŨNG 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *