Trần Lê Khánh nói về thơ

VHSG- Mới đây, tại Đại học Văn hoá Hà Nội diễn ra buổi giao lưu và tọa đàm với tên gọi “Xứ – thơ Trần Lê Khánh”. Tại đây, tác giả  Trần Lê Khánh đã có những chia sẻ về quan điểm sống và về… thơ.

Đánh giá về thơ của Trần Lê Khánh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhìn nhận, “Thơ Trần Lê Khánh là sự hài hòa của sự rung cảm tột đỉnh và của những triết lý sâu sắc. Bởi thế, khi câu thơ cuối cùng của bài thơ vừa kết thúc thì nó mở ra ngay lập tức vô vàn cánh cửa cho người đọc. Mỗi bài thơ của anh luôn chứa trong nó một bài thơ khác,  cứ thế mở ra và mở ra mãi.

Nhà thơ Trần Lê khánh giao lưu về thơ tại Hà Nội.

Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh tinh kết tựa một cái hạt cây. Đó là sự chặt chẽ của bố cục, tính chính xác của hình ảnh, phép tối giản của ngôn từ, sự nén chặt của cảm xúc… Và luôn chứa trong đó một cái phôi mầm triết lý. Sự gợi mở, sức lan tỏa và sự bùng nổ cảm xúc cùng tính đa tầng triết lý của những bài thơ ấy lại đi theo cách mở cánh của bông hoa mà vẻ đẹp và hương thơm của nó là phi biên giới…” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

Sinh năm 1971 tại Kim Bôi, Hòa Bình, hiện sống và làm việc tại TPHCM, Trần Lê Khánh tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM và từng trở thành chuyên gia phân tích đầu tư cho các định chế tài chính trong nước và quốc tế.

Vốn chỉ là người yêu văn chương, trước nay Trần Lê Khánh không tỏ ra có năng khiếu sáng tác. Kể từ năm 2015, anh tập trung vào việc làm thơ, đặc biệt chú trọng vào thơ lục bát và thơ ngắn, đồng thời tham gia vào các hoạt động văn chương nghệ thuật.

Những tác phẩm thơ của Trần Lê Khánh.

Tập thơ “Lục Bát Múa” trọn bộ là 756 cặp thơ lục bát hai câu, mỗi cặp được xem như một bài thơ ngắn và được kết với nhau thành một trường ca. Về thơ ngắn, tới nay, Trần Lê Khánh đã làm hàng trăm bài thơ ngắn khác nhau và đã được chọn lọc để xuất bản bao gồm “Lục Bát Múa” (2016), “Dòng sông không vội” (2017), “Ngày như chiếc lá” (2018), “Giọt nắng tràn ly” (2019) và dự kiến sẽ xuất bản tập thơ “Xứ” vào năm 2020. Ngoài ra, một tuyển tập thơ với tên gọi là “Sự bắt đầu của nước” đã được dịch sang tiếng Anh và dự định in ấn và xuất bản tại Mỹ trong thời gian sắp tới. Có thể nói Trần Lê Khánh khá có duyên với thể thơ lục bát truyền thống. Và anh biết tạo ra sự khác biệt bằng mỗi bài 2 câu độc lập trong một tập thơ liên hoàn như bản trường ca.

Xuất thân từ nhà kinh tế học rồi gắn vào nghiệp thơ ca, nhiều người đặt câu hỏi với Trần Lê Khánh, anh thích mọi người gọi mình với danh xưng gì, một nhà thơ giỏi hay một người làm kinh tế tốt? Anh chia sẻ rằng, “Bản thân chỉ muốn những bài thơ khi viết ra có sự đồng cảm và có những tri kỷ. Qua đó mình có thể tìm thấy những mối giao cảm, tương tác. Cái lớn nhất chính là cảm xúc, tâm thức khi mình còn ngồi sáng tác được. Người làm nghệ sĩ đích thực phải gạt bỏ tất cả những danh xưng hão huyền…”.

Tôi không nghĩ mình là một nhà kinh tế hay một nhà thơ mà tôi không là gì cả. Tôi chỉ đang trên hành trình đi tìm cái tôi của tôi thôi” – Trần Lê Khánh nhìn nhận.

M.K/LĐO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *