Trung Quốc vi phạm luật pháp và xói mòn lòng tin

VHSG- Việt Nam sẽ cần có sự ủng hộ của các quốc gia khác có yêu sách ở Biển Đông và Indonesia, đồng thời hi vọng, dù không chắc, là tất cả các quốc gia thành viên ASEAN khác sẽ có hành động pháp lý chống lại Trung Quốc.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp – Ảnh: CSIS/AMTI

Tuần trước Trung Quốc công bố việc phê chuẩn hai “đơn vị hành chính” mới đặt tên là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” trên Biển Đông, trực thuộc cái gọi là chính quyền “thành phố Tam Sa”.

Tây Sa có trụ sở ở đảo Phú Lâm, được cho sẽ “quản lý” quần đảo Hoàng Sa và bãi Macclesfield, trong khi Nam Sa trụ sở ở đá Chữ Thập, “quản lý” quần đảo Trường Sa.

Việc Trung Quốc tạo thêm hai “đơn vị hành chính” quản lý ở Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) là hành động khiêu khích, bất tuân luật pháp quốc tế, là việc làm vi phạm Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và làm suy yếu nghiêm trọng các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đối với vấn đề tiến tới một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) ràng buộc về mặt pháp lý.

Trung Quốc cụ thể đã có những cái sai như sau:

Đầu tiên, hành động của Trung Quốc là sự khiêu khích bởi nó đi ngược lại tinh thần một văn kiện giữa Việt Nam và Trung Quốc về Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, vốn được lãnh đạo Đảng của hai bên nhất trí tháng 10-2011.

Hành động của Trung Quốc sẽ làm xói mòn niềm tin giữa hai nước, vì nó liên tục vi phạm những cam kết của Bắc Kinh rằng họ sẽ giải quyết tranh chấp trong hòa bình, thông qua đối thoại với các nước có sự quan tâm trực tiếp.

Thứ hai, hành động của Trung Quốc là phi pháp đặt dưới luật pháp quốc tế. Trung Quốc kiểm soát Hoàng Sa thông qua xâm lược và thôn tính vào tháng 1-1974. Luật pháp quốc tế không công nhận chủ quyền có được thông qua sự xâm chiếm.

Thứ ba, Trung Quốc và ASEAN đã thống nhất về DOC năm 2002. Điều 5 của DOC nêu: “Các bên cam kết tự kiềm chế trong các hoạt động vốn sẽ làm phức tạp tình hình, leo thang căng thẳng và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định…”.

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng và cải tạo thành đảo nhân tạo bất hợp pháp – Ảnh: CSIS/AMTI

Hành động đơn phương của Trung Quốc đã làm tình hình phức tạp một cách nghiêm trọng đối với tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Chính quyền Trung Quốc sẽ ra những quy định và chỉ thị vốn sẽ ảnh hưởng lớn tới chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Thứ tư, văn bản đàm phán về COC không xác định khu vực nào ở Biển Đông mà COC sẽ bao phủ. Tuyên bố của Trung Quốc về “đơn vị hành chính” mới ở Trường Sa là một động thái phủ đầu nhằm đẩy lùi tuyên bố chủ quyền của Việt Nam cũng như Philippines.

Để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam phải tiếp tục phản đối Trung Quốc trước mọi hành động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Rất cần thiết trong việc cung cấp một dấu vết hợp pháp trên giấy trắng mực đen để chứng minh tính nhất quán về quan điểm chủ quyền trong một khoảng thời gian dài.

Việt Nam sẽ cần có sự ủng hộ của các quốc gia khác có yêu sách ở Biển Đông và Indonesia, đồng thời hi vọng, dù không chắc, là tất cả các quốc gia thành viên ASEAN khác sẽ có hành động pháp lý chống lại Trung Quốc.

CARL THAYER

(Giáo sư danh dự, ĐH New South Wales)

NHẬT ĐĂNG/TTO ghi

 

One thought on “Trung Quốc vi phạm luật pháp và xói mòn lòng tin

  1. Nguyễn Hồng Minh says:

    Chúng ta chưa đủ lực để “ép” theo cả hai nghĩa tự nguyện và rằng buộc các nước khác trong Asean có hành động pháp lý chống lại việc này, có thể là một nghị quyết chung về an ninh, hay có thể được đẩy lên thành hợp nhất các ý kiến phản đối của các nước khu vực Asean về việc này trong đó nói rõ các quan điểm phản đối và bác bỏ của các nước trong khu vực về cái gọi là hai đơn vị hành chính phi pháp này của TQ. Chúng ta vẫn phải chủ động tự lực không dựa hẳn vào bên thứ ba nào trong quá trình xử lý vụ việc, chúng ta phải kêu gọi sự ủng hộ bằng văn bản, giấy tờ có trọng lực tương đương để có khả năng xóa bỏ cái việc TQ đã làm vi pháp này. TQ đã có ý đồ và thực hiện ý đồ ấy vào đúng thời điểm thể hiện sự bẩn thỉu nhất của chính quyền TQ. Chiến lược của chính quyền này đã không thay đổi và không dừng lại nếu chúng ta không có những hành động tương đương. Họ biến cái không có thành cái có, thành cái hiện hữu tạo lập thêm, chắc chắn thêm, mạnh mẽ thêm, không phải bôi nhọ thêm vì họ không nhận ra điều xỉ nhục và xấu hổ mà họ đã làm với chúng ta năm 1974 và trước đó nữa.
    Các giới trí thức hãy đứng lên, hãy vượt qua những khó khăn của việc đương đầu với dịch bệnh, với việc chia sẻ khó khăn với con người trên toàn thế giới về dịch bệnh để vươn lên, tạo ra tiếng nói và hành động của mình kịp thời, nhất quán, có chiến lược, có chính sách để chống lại và gìn giữ Tổ quốc. Tổ quốc đang lâm nguy không phải là không có căn cứ!
    Hòa Phong.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *