VHSG- Thật lòng mà nói, em không muốn một tình yêu như thế lại sẽ bị đào xới, phán xét – Na kết thúc câu chuyện. Và tôi hiểu để nói ra điều ấy, Na đã khó nhọc đến nhường nào. Chuyện cô vừa kể cho tôi nghe có hơi hướng của lời thú tội trong một cuộc hỏi cung.
Ngày giải phóng đến với gia đình Na thật bất ngờ. Vốn sống khép kín trong một xóm đạo lọt thỏm giữa một làng quê trung du, nên dù chỉ cách Hà Nội vài chục cây số mà cái tin vang dội khắp trời ấy, bà nội và bố Na lại chỉ được biết khi nhà thờ cuối thôn gióng lên hồi chuông hối hả bất thường. Rồi khi giáo dân kéo đến cũng là lúc người Bõ già vừa treo xong lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trên đỉnh cột giữa sân nhà thờ. Đến quá trưa thì mẹ Na đi chợ bán rau về mang theo bầu không khí sôi động mừng ngày hòa bình ngoài thị trấn. Riêng Na, lúc đó mới là đứa trẻ bốn tuổi chưa thể cảm nhận hết được ý nghĩa của sự kiện lịch sử vang dội này, nhưng chỉ qua cái cách bố mẹ trò chuyện cũng thấy có gì đó thật đặc biệt. Ánh mắt của họ tươi vui, hy vọng, nhưng lại phảng phất chút lo lắng mông lung. Thỉnh thoảng như nhớ ra điều gì, hai người lại ngồi bên nhau nhỏ to thì thầm đầy vẻ phấn khích.

Đến cuối tháng ấy thì đã thấy những chú bộ đội dáng dáp thân quen, áo mới đẫm mồ hôi hồ hởi xuất hiện trong làng. Họ là những người con đi chiến đấu ở miền Nam, ngày hòa bình được trở về quê nhà. Rồi liền đấy là những câu chuyện lạ lẫm của chiến trường lan hết từ nhà này sang nhà khác. Dường như nhà nào cũng có người về từ mặt trận để quê hương hôm nay trở thành ngày hội ngộ. Riêng nhà Na thì chẳng có ai là bộ đội để em được phút giây vỡ òa sung sướng đón người trở về. Đã thế, đúng vào lúc ấy thì ông Đôn – bố của Na lại bỏ nhà ra đi và hơn nửa tháng sau, khi chuyện vỡ lở lan ngược từ ngõ xóm vào cửa thì Na mới được biết qua lời giải thích cụt ngủn của mẹ, bố Đôn vào Nam đi tìm ông nội.
Ông nội – hai tiếng mà Na gần như chưa bao giờ được biết, nhưng bố mẹ Na thì đã trải qua tủi nhục lo lắng, đằng đẵng suốt hai chục năm trời kể từ cái ngày ông nội xa vắng biền biệt. Bởi thế, việc bố Đôn bỏ làng ra đi lần này đã khiến cái xóm nhỏ rộ lên lời ong tiếng ve. Hệt như quá khứ lặp lại, cha nào con nấy… Cách đây hai mươi năm, cũng đúng vào lúc cả nước náo nức trong niềm vui hòa bình thì ông nội Na đã bí mật bỏ vào Nam. Bây giờ ông Đôn cũng thế. Trùng hợp với cha mình cả ở thời điểm và tình cảnh.
Đất nước đã thống nhất, nhưng lúc này việc đi lại giữa Nam Bắc còn rất khó khăn. Gần như tất cả các cuộc ra vào giữa hai miền chỉ áp dụng cho những trường hợp di chuyển chính thức, có đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Vì thế chuyện ông Đôn bí mật ra đi, đương nhiên là đi trốn. Có khác chăng là cha ông “trốn vào với kẻ thù”, còn ông Đôn thì nghe có vẻ hợp lý hơn, ông vào trong đó là để tìm cha. Cái sự khác biệt này là hàng xóm quy ra thế. Nhưng dẫu có thế thì cái xóm nhỏ vốn quen sống bươn trải với nề nếp khắt khe của thời chiến rất căm ghét với gian dối bất minh, đã chẳng có mấy người thông cảm với nhà Na.
Gia đình ông bà nội của Na theo đạo Thiên Chúa, được hưởng hơn hai mẫu đất trồng màu tích tụ từ đời các cụ xưa. Đất chủ yếu để trồng rau và cây ngắn ngày nên dân làng vẫn gọi tên các cụ kèm tên “đất trại rau” với giọng điệu có chiều kính nể. Cho đến thời ông nội của Na thì vẫn vậy, “ông Phú trại rau”. Cũng vì thế mà hòa bình về, ông Phú chưa kịp vui thì cái tin ở huyện bên rầm rộ phát động giảm tô, cải cách ruộng đất đã khiến ông lo lắng đứng ngồi không yên. Với diện tích hơn bảy nghìn mét vuông ở một vùng quê đất chật người đông đủ để ông Phú bị quy địa chủ như chơi.
Nhưng người giàu bao giờ cũng khôn. Ông Phú không đợi đến lúc Cải cách về làng đã vội hiến phần lớn diện tích đất cho ủy ban xã để dành chỗ dựng lán làm trụ sở cho Đội họp cốt cán và tiếp các ông bà bần cố nông. Hai tháng sau, khi xã rục rịch tổ chức đấu tố thì ông Phú đã được một người bà con đi kháng chiến về có chân trong “tòa án đặc biệt” rỉ tai cho biết, gia đình ông không có trong diện địa chủ. Lý do chính được đưa ra là các cụ nhà ông không bóc lột. Nhân công trại rau thuần là người trong họ, được hưởng hoa lợi theo công sức đóng góp. Tất nhiên, không tiện nói ra, nhưng cái nguồn cơn không bị quy địa chủ còn phải kể đến việc ông Phú đã kịp thời hiến đất, một hành động được đánh giá là “đối tượng tự giác thành khẩn” lúc bấy giờ. Vậy là yên tâm. Nhưng lạ thay, ngay trong đêm ấy ông Phú đã đột ngột bỏ trốn khỏi làng.
Ông Phú trốn là để chạy vào Nam. Vì thế mà việc ra đi của ông đã để lại cho gia đình một lô những điều tiếng xấu. Tưởng lão có lòng thành hối cải chứ ai ngờ chuyện hiến đất chỉ là để “trốn thành phần”. Lão Phú đúng là kẻ gian manh, vong ân bội nghĩa, đã không bị quy địa chủ, vườn tược nhà cửa không bị tịch thu vậy mà dám chạy vào Nam với giặc. Đương nhiên, cái án truy xét ấy đã trở thành một phép tắc bất thành văn của chính quyền địa phương đối với vợ con ông Phú suốt một thời gian dài.
Bà nội của Na kể, lúc ông nội bỏ vào Nam, bố Đôn mới là một thằng bé chín tuổi. Nguồn sống của hai mẹ con vẫn trông vào phần đất nhỏ còn lại. Ngày ngày cu Đôn như đụn rạ lũn cũn cùng mẹ lụi cụi trong vườn rau. Vào các sáng cách nhật trong tuần, bà mẹ lại mang rau ra bán ở chợ ngoài thị trấn, còn cu Đôn thì kéo lê chiếc quang thúng đi hót phân trâu bò về phơi khô để bán lại cho các gia đình trồng màu. Bố Na vất vả từ tấm bé. Lúc nhỏ không được vào đội thiếu niên, học hết lớp 7 trường huyện rồi phải nghỉ. Lớn lên, cái hồi bố Na trổ mã, vỡ tiếng, giọng nói vang như vách núi, được chọn vào tổ đọc báo trên chạc cây đa đầu làng, nhưng cũng chỉ được quãng một tháng thì bị phát hiện là gia đình có vấn đề, thế là mất toi cái chân đọc báo. Đến thời bố Đôn sức dài vai rộng, ngực nở như bát úp, xứng đáng là lao động loại một vậy mà không được vào hợp tác xã. Nhưng khổ nhất vẫn là chuyện không được đi bộ đội. Ai lại giao súng cho con kẻ phản bội bao giờ. Đến nước ấy thì mất hẳn cái cơ hội bằng anh, bằng em rồi. Tội thế – Bà nội xót xa, chẹp miệng tiếc rẻ.
Sau này, bố Đôn lấy vợ thì nhà thêm người làm và được trời thương có thêm kế sinh nhai. Đó là, mỗi vụ gặt về bố mẹ Na lại đi mót lúa, mót ngô khoai. Nhưng ngay cả cái việc hèn kém, ăn nhặt ăn mót này cũng chỉ được vài ba vụ. Chả là hồi ấy hợp tác xã có những quy định khá lạ lùng như, ngoại trừ cầy vỡ, cấy lúa tính điểm theo diện tích, còn lại tất cả đều là theo công nhật, xuống đồng và lên bờ nhất nhất đều theo hiệu kẻng. Chính nhờ cái sự lạ lùng này mà xã viên gặt lúa chỉ mải ngóng kẻng, thóc rơi vãi khá nhiều đã giúp cho nhà Na có cơm gạo mới như ai. Nhưng rồi cái công việc tưởng thấp kém này cũng bị kẻ so bì “sắc mắc”. Ai đời cái quy định ngặt nghèo cấm con cái xã viên không được mót lúa cứ như là lộc Trời dành riêng cho vợ chồng nhà nó không bằng. Thế là tiệt nọc. Nhưng sau, hình như ban chủ nhiệm thương tình hay sao đó mà đã cho anh Đôn làm công nhật trong hợp tác xã, được tính điểm, chia thóc đàng hoàng. Từ đó, giống như hồi còn được đọc báo, sáng sáng bố Na lại ưỡn ngực ra họp ở sân kho hợp tác xã nhận khơi nước, đắp bờ, cuốc góc cho mấy thửa ruộng khô cằn, méo mó ở tít đồng xa.
Đến lúc ấy thì ông Đôn đã lờ mờ hiểu ra rằng cuộc ra đi của cha mình là vì nặng tình với đất đai. Tất cả là từ đất. Con người ta nếu túc ly địa là chết. Rằng, Đất và Người, Người với Đất, là mối ràng buộc định mệnh kèm theo một chuỗi triết lý cao siêu lắm lắm mà ông không thể hiểu hết được. Nhưng, chắc chắn là vì điều đó mà bố mình phải ra đi… Và đúng lúc ông Đôn biết được cái điều mười mươi ấy mà trong lòng bỗng dội lên niềm thương cha da diết thì cũng vừa lúc miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất. Cái sự kiện thay đổi cuộc đời của triệu người ấy đã lập tức gợi cho ông cái kế trốn vào Nam tìm cha, tìm đất sống. Một cuộc đi mong manh, chẳng khác gì mò kim đáy bể.
… Thấm thoắt bố Na ra đi đã hơn hai năm. Hai năm không một lời nhắn nhe, thư từ đã làm căn nhà trở nên lạnh lẽo, vô hồn. Lúc này, làng xóm đã có người vào Nam, người ra Bắc tìm nhận họ hàng. Gần như ngày nào cũng có một chuyện như thế tràn vào nhà làm ai nấy thêm lo lắng, sốt ruột. Một tiếng reo đầu xóm cũng khiến mẹ con Na giật mình, rón rén ra cổng hóng đợi. Thế rồi cuối cùng cũng có thư của bố Đôn gửi về. Bà nội giục bóc thư và reo lên, rõ thật khéo. Cứ đúng lúc cùng đường tuyệt vọng thì lại được Trời thương. Trong thư chỉ vẻn vẹn có vài dòng, đại loại, bố đã xây nhà trên đất của ông nội ở Đà Lạt. Bà và hai mẹ con thu dọn rồi vào ngay. Phần còn lại dài hơn một chút là dành cho việc căn dặn cách đi đường, hỏi thăm và cách chọn xe đò từng chặng, từng chặng, đi tiếp, đi tiếp…
Nghe theo lời ông Đôn dặn, mẹ Na giao lại nhà cho người dì trông hộ rồi cả nhà bí mật dắt díu nhau dời khỏi làng. Nhưng khác hẳn với lo lắng của bố Na, chuyến đi không bị ai gây khó dễ và cũng chẳng cần phép tắc gì. Đường vào Nam lúc này đã thông thoáng, nên ngoại trừ việc lích kích chuyển đổi xe đò thì niềm vui tự do thơ thới cùng quang cảnh thoáng đãng, lạ mắt với bao nhiêu ngạc nhiên háo hức đã át hết thảy mọi lo lắng mệt nhọc.
Thật bõ công dành cho bất ngờ mà bố Đôn bí mật giữ suốt hơn hai năm trời. Buổi sáng hôm đến vùng đất mới đã gây ấn tượng đặc biệt cho các thành viên trong gia đình ông Phú. Một bình minh tinh khôi tràn hương sắc từ ngàn hoa, như được chăm sóc với bàn tay tinh tế của những nàng thiên sứ thổi bùng lên niềm sung sướng tột cùng khiến mọi người gần như ngạt thở.
Dẫu ông Phú là người chủ động đón bắt được hết thảy trạng thái tình cảm của con cháu, nhưng lúc này, chứng kiến hạnh phúc sum họp của gia đình trên mảnh đất mới ông không khỏi rưng rưng. Dõi theo ánh mắt ngỡ ngàng của Na, nhưng ông nội lại nói với bố Đôn… Đà lạt chính là mảnh đất được cắt ra từ phía đông Vườn Địa Đàng mà Chúa Trời đã gửi cho loại người sau khi đày ông bà Ađam – Eva xuống trần gian. Chả thế mà Đà Lạt trong một ngày có đủ bốn tiết của đất trời, xuân hạ thu đông; lại được quần điểm nhấn phong thủy, núi đồi, sông suối, thung lũng, thác hồ; viền quanh là giải lụa xanh trầm bổng của đường chân trời cao hơn tầm mắt, được dệt từ những cánh rừng thông reo vi vút… “Em không hiểu từ đâu mà ông nội lại trở nên lãng mạn như vậy. Nhất là với kết luận, ông bảo, với một vùng đất thế này thì mọi thứ ngôn ngữ của nghệ thuật mô tả về vẻ đẹp Đà Lạt đều trở nên nghèo nàn, bất lực”. Na say sưa nhớ lại ngày đầu tiên đặt chân đến Đà Lạt. Dường như Đà Lạt mộng mơ còn đọng lại trong mi mắt cong veo của cô.
Sau này, Na mới nghe hết được chuyện ông Phú vào Nam tìm đất sống. Thoạt đầu, ông kiếm việc làm độ nhật ở Sài Gòn. Vài tháng sau, ông theo những đoàn giáo dân di cư lên vùng rừng núi khai khẩn, canh tác. Nhưng khi dựng nhà chưa nóng chỗ, ông đã phát hiện ra vùng đất Đà Lạt này. Chỉ ngay hôm đầu tiên trong vai Christopher Colombus, ông Phú đã hiểu rằng đây là chính nơi dừng chân lý tưởng của mình. Một vùng đất trải qua ngàn năm tạo sơn trù phú và đẹp mê hồn với cư dân hiền hòa sống trong những con phố yên tĩnh giữa rừng cây và hoa. Ở Đà Lạt, ông Phú học nghề điện và khai khẩn đất đai, mở rộng diện tích trang trại nhờ tiền lương tích cóp từ làm thợ cho công ty điện lực thành phố. Ba năm sau, khi niềm hy vọng hiệp thương hai miền để kéo gia đình theo vào bị dập tắt, ông Phú lấy bà trẻ và có thêm 2 người con. Chú Hai – ông đặt thứ tự theo người Bắc dưới vai con cả là bố của Na – đã theo những người di tản sang Mỹ, còn cô Ba thì đang dạy học ở ngay thành phố Đà Lạt này. Hôm gặp lại bố con Na, ông nội đã quở: “Chú ấy không như bố cháu. Bố cháu hiểu ông nên trực chỉ thẳng vào đây và gặp ngay được ông”. Rồi ông nói thêm với bố Đôn: “Đất đai thế này mà thằng Hai lại bỏ đi sống ở xứ người”. Khi lớn lên Na mới hiểu, tình đất khi xưa mà ông nội mang nặng đã gạt đi mọi khuất lấp để tình đất, tình người nay nhanh chóng tạo nên một không khí hòa thuận trong đại gia đình. Hai bà nội già, trẻ sống những ngày cuối đời cùng các con cháu quây quần bên nhau thật đầm ấm, hạnh phúc.
Vào Đà Lạt với cuộc sống an cư dựng nghiệp, bố mẹ Na sinh thêm em trai. Còn Na, cô lớn lên trong một nền giáo dục đã có nhiều thay đổi. Trường Đại học công tư mở ra khắp nơi, cùng sự hấp thụ được tính tự lực, cần cù nên năm hai mươi mốt tuổi, Na đã tốt nghiệp loại ưu ngành tài chính và ngoại ngữ tiếng Anh. Ra trường, chưa kịp “vinh quy” về ăn mừng cùng ông bà thì cô đã thi tuyển ngay vào cơ quan tôi, đứng đầu trong số ứng viên phỏng vấn. Rồi chỉ bốn năm sau, Na đã là phó phòng tổng hợp, kiêm chức thư kí ban giám đốc ở một cơ quan làm ăn phát đạt do tiên phong trong đổi mới cải cách hành chính. Trong cái phát đạt ấy có đóng góp tích cực của phòng tổng hợp theo mô hình mới được tích hợp từ các phòng hành chính, tổ chức nhân sự, lao động tiền lương. Sắp tới, trưởng phòng tổng hợp sẽ được đề bạt lên phó giám đốc và người thay thế sẽ là Na. Việc đề bạt hai chức vụ này đã được trên dưới ủng hộ, nhưng riêng với Na, bộ phận tổ chức lại tham mưu một vướng mắc thuộc về nguyên tắc, đó là cấp trưởng phòng phải là đảng viên, mà Na thì chưa. Chưa – một cách vô lý, bởi cô từng được công nhận là cán bộ có năng lực và “ý chí phấn đấu” tốt. Người như thế sao lại chưa vào Đảng?
Thực ra, tất cả những khúc mắc trên tôi mới được biết cách đó mấy hôm. Đến khi hỏi qua bí thư chi bộ thì được biết thêm một vô lý nữa là “đã nhiều lần đặt vấn đề nhưng Na có vẻ lảng tránh thế nào ấy”. Nghe đến đây, tôi đành chỉ biết tự trách sự mình vô tâm. Vốn nặng về chuyên môn nên tôi coi việc của đảng đã có đảng lo, đến nỗi chính cô thư ký của mình lảng tránh đảng mà mình không hay biết. Cuối cùng, để vớt vát, sửa chữa sự vô tâm, tôi quyết định gặp Na trò chuyện cho ra nhẽ.
Thế nhưng sau câu kết “thật lòng” của Na, tôi chẳng biết nói gì, mặc dù trong bụng có sẵn bao nhiêu điều muốn nói. Là tôi định sẽ giải đáp chắc nịch với Na bằng một lời cam đoan, rằng… Rằng, Đảng bây giờ rộng mở rồi, không còn khó như thời xưa. Rằng, sẽ chẳng ai đào xới, phán xét lý lịch của gia đình Na cả; rằng.., nhất là tình yêu ông nội và cha mẹ cô với đất đai như thế là hết sức bình thường (tôi định nói là chính đáng). Song, sợ mình sẽ bị Na cho là kẻ nói dối nên tôi đành chỉ biết ngồi yên… Một tháng sau cuộc trò chuyện này, Na xin chuyển công tác. Việc Na dứt áo ra đi như một chỉ dấu cho hai điều, can đảm dời bỏ một nơi công tác đầy triển vọng, dũng cảm bảo vệ tình yêu của cha ông mình – tình đất.
***
Hơn một năm sau Na gọi tôi từ một số điện thoại lạ – số cũ cô đã hủy từ ngày chuyển khỏi cơ quan. Dạo Na đi, quả tình tôi rất nhớ cô. Nỗi nhớ bởi quen bóng, quen hình và cũng bởi thiếu vắng một trợ thủ đắc lực ăn ý, thuộc tâm lý, biết từ chân tơ kẽ tóc của mình. Nhưng công việc cơ quan tôi vốn lúc nào cũng như một chiếc xe tốc độ cao chạy trên con đường chật như nêm, lại luôn phải chen vai thích cánh nên tôi dần quên Na lúc nào không hay.
Qua điện thoại Na vẫn thế, vẫn chân thành, vui vẻ và tự tin. Na giờ đang là giám đốc một công ty du lịch hai đầu trong và ngoài nước, có gói lữ hành xuyên Việt. Na mời vợ chồng tôi đi nghỉ ở Đà Lạt cùng một đoàn khách nước ngoài, dù biết Đà Lạt vốn không lạ đối với tôi. Đoàn khách này do chính giám đốc Na “xuống” làm hướng dẫn viên với chương trình thăm quan resort trang trại trồng hoa và cây cảnh của gia đình – Nơi có cậu em trai đẻ ở Đà Lạt đã kịp học xong đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chị Minh, nay trở về cùng ông nội và bố canh tác quản lý. Đó cũng chính là cái trang trại đang trở thành điểm đến hấp dẫn khắp cả nước, vang danh ra cả nước ngoài…
Chốt hạ, Na nói như hồi còn là thư ký của tôi: “Anh phải nghỉ ngơi đi. Nghỉ hẳn hoi chứ không phải tranh thủ như trước đâu. Hơn nữa với số khách ngoại quốc VIP, rất gần với tính chất công việc của cơ quan mình, biết đâu anh lại chả kết nối được một cái gì đó”. Na vẫn thế, vốn thông minh, nhạy bén nên ở đâu cô cũng nhìn ra “một cái gì đó” cho công việc.
Thế là tôi vui vẻ nhận lời; háo hức chuẩn bị hòa mình vào đoàn khách du lịch đến Đà Lạt để được gặp lại Na, thăm trang trại, thăm những con người sống chết với một cuộc tình – Người, Đất. Và, Đất với Người.
Đà Lạt mờ sương tháng 10.2019
AN BÌNH MINH