Bà Liên đứng bần thần nơi gốc nhãn nhìn đàn ong bu đầy trên những chùm hoa đang đu đưa giữa nắng. Lại một mùa nhãn nữa đến rồi. Cây nhãn già với cái gốc to, những cái rễ to sần sùi trồi lên khỏi mặt đất mòn nhẵn thín vì là nơi ngồi nghỉ mát của nhiều người trong xóm. Đã mấy lần thằng con bà đòi chặt cây nhãn vì vòm lá nó quá to che kín cả khoảng không gian trước ngõ. Bà nhất quyết không cho vì một lý do chỉ có lòng bà mới hiểu được.
Kể từ khi chồng mất, bà đem con về lại ngôi nhà xưa. Bà thường ngồi nơi gốc nhãn xem đám trẻ con trong xóm vui đùa. Nơi gốc nhãn già những trưa hè tràn ngập tiếng cười của đám trẻ với đủ thứ trò chơi. Mà cũng chỉ có ban ngày thôi, ban đêm bây giờ lũ trẻ con bận rộn với việc học thêm hay chúi đầu vào những trò chơi điện tử chớ tụi nó có rảnh đâu để ra đùa nơi cái gốc nhãn tối om trước ngõ. Những đêm trăng sáng với trẻ con bây giờ không còn nhiều ý nghĩa khi mà đèn điện khắp nơi. Những bóng đèn neon sáng choang được người ta treo lủng lẳng ở tận ngoài ngõ soi rõ cả đàn kiến bò dưới đất thì cái ánh sáng vành vạnh ngay cả những đêm rằm của cái mặt trăng xa tít trên trời kia có ý nghĩa gì nữa đâu. Có hôm thằng con bà nó định bắt bóng đèn nơi cây nhãn cho sáng ngõ đi nhưng bà nhất quyết không cho. Bà nói chỗ nào cũng đèn điện sáng choang như thành phố thế kia thì còn gì là thôn quê nữa. Bà thích ngồi hóng mát dưới gốc nhãn này vào những đêm trăng sáng, đặc biệt là khi cây nhãn trỗ những chùm hoa kín cả những vòm lá.

Cái hương hoa nhãn nó gắn bó với bà từ tấm bé, một thứ hương chẳng giống với loài hoa nào nhưng với bà ký ức từ thứ hương hoa ấy nó nằm đâu sẵn tận sâu trong lòng bà chỉ chờ có dịp là nó tuôn trào. Gió thoảng đưa mùi hương dịu nhẹ ấy bất chợt làm cho bà cảm thấy xốn xang, rần rần khắp người mà chẳng biết nơi nào cụ thể. Bà vuốt mái tóc đã lốm đốm ngã sang màu bạc rồi tự cười hổ thẹn một mình. Không biết mình nhớ chi nhớ lạ những rung động đầu đời ấy nhỉ. Mọi thứ đều có thể bị bào mòn theo năm tháng nhưng mối tình đầu vẫn vẹn nguyên trong lòng bà dù đã đi qua hơn già phần tư thế kỷ. Mối tình nó làm bà ray rứt tâm can suốt cuộc đời này. Không biết người ấy của bà có trải qua những cung bậc cảm xúc như bà không? Liệu anh ấy có cảm thông, tha thứ cho bà? Bà luôn tự vấn lương tâm mình bằng những câu hỏi luôn thường trực trong tâm trí nhưng bà cũng tự an ủi mình khi thấy ông ấy bây giờ cũng vui vầy cùng con cháu rồi.
***
Ngày ấy bà Liên chỉ là một cô bé mười chín đôi mươi, cái tuổi đạp nhất của một đời người, cái tuổi mà con tim chỉ chực trào rạo rực mỗi khi thấy anh hàng xóm lớp trên đạp xe nhang qua ngõ. Có nhiều hôm chờ mãi không thấy anh qua, nó (bà Liên) ra hẳn ngoài gốc nhãn đứng đợi cho đến khi cái bóng dong dỏng cao của anh hàng xóm lù lù xuất hiện. Nó giả bộ ngó lơ rồi quay lại liếc nhìn. Có những hôm lướt qua, anh hàng xóm bất ngờ quay lại, những ánh mắt gặp nhau thẹn thùng. Rồi nó ngẩn ngẩn ngơ ngơ những hôm nào nó không được gặp anh hàng xóm. Con tim nó bắt đầu xuyến xao với những rung động đầu đời. Có những đêm nó ra ngồi nơi gốc nhãn ngửi cái làn hương dịu nhẹ, nhìn ánh trăng rơi rớt lả tả trên ngõ vào nhà qua tán của cây nhãn đang mùa ra trái mà lòng rạo rực.
– “ Liên chờ ai vậy?”
Câu nói bất ngờ của anh hàng xóm đứng sau lưng làm nó giật mình.
– “ Qủy hà!Làm người ta mất hồn”
Cái cười của Cầm – anh hàng xóm làm thổn thức trái tim tuổi mới lớn. Những câu chuyện không đầu, không đuôi, những câu “trả đũa” ngang như cua cứ kéo dài mãi ra như không có hồi kết. Cái bóng dài ngoằng đổ dài trên lối đi giờ đã ngắn sát dưới chân mà họ chưa muốn rời nhau. Cũng chính nơi gốc nhãn này, nó đã đọc những dòng thư tình đầu tiên của anh Cầm dưới ánh trăng lờ mờ nơi đầu ngõ. Cái cây nhãn này đã chứng kiến biết bao buổi hẹn hò, biết bao lần hờn giận giữa nó và anh Cầm. Cái tin anh Cầm trúng tuyển nghĩa vụ quân sự thật sự làm nó choáng váng. Những ngày chờ đợi nó đã mơ màng hình dung trước cuộc chia ly. Nó nhớ rành rành cái gốc nhãn này đây anh Cầm đã nói lời tạm biệt nó trước lúc lên đường. Anh ôm nó thật chặt, anh hôn lên mái tóc mượt mà được gội bằng trái bồ kết có hương thơm bông bưởi. Rồi anh dặn nó đủ thứ nào là “ Ở nhà nhớ chăm sóc sức khỏe”, “ ở nhà ráng học để tốt nghiệp ra trường”…Tai nó ù đặc không còn nghe chi hết ngoài những tiếng lòng đang thổn thức rộn ràng. Nó cứ đứng bất động như trời trồng trong vòng tay anh ấy, nước mắt giàn giụa. Lòng anh Cầm cũng ngổn ngang bao cảm xúc và anh không sao kìm chế được khi anh nhìn vào đôi mắt ngấn lệ của nó. Anh nói chuyện với nó nhưng nhìn lên cái đích vô định tận đâu trên ngọn nhãn cao kia. Ánh trăng vằng vặc trên trời như cái đèn phô lô chiếu chụp xuống soi rõ những khuôn mặt nhạt nhòa trong nước mắt của buổi chia tay. Ngày mai đây thôi anh ấy phải đi làm nhiệm vụ quốc tế ở tận chiến trường K. Nó chưa một lần đi xa, chưa một lần vượt qua cái dãy núi xa mờ kia để đến với thế giới bao la bên ngoài ấy nên với nó chiến trường K, E, F gì cũng đều mới rợi. Nó chỉ biết chiến trường là nơi người ta đánh nhau dữ dội lắm, có đau thương, mất mát.
***
Mới sáng tinh mơ mà cái loa phóng thanh nơi đầu ngõ đã phát rồ rồ những bản nhạc của buổi tuyển quân nghe nó hoành tráng, thúc giục trong khi lòng nó đang rũ rượi. Liên lau vội khuôn mặt thất thần vì mất ngủ suốt đêm qua. Nó không ra đầu ngõ , nơi gốc nhãn chờ anh đi qua bởi nó không muốn sự bịn rịn vấn víu vào anh thêm chút nào nữa trước khi lên đường. Xóm giềng, bà con đưa tiễn anh đông lắm. Nó nghe tiếng lao xao dặn dò, chúc nhau trước khi tạm biệt ở ngoài ngõ. Hình như anh cố ý dừng lại nơi gốc nhãn chờ mình. Nó lấy hai bàn tay bịt kín tai lại để không nghe tiếng sụt sùi, nghẹn ngào của những người đang vây lấy anh những giây phút cuối trước lúc lên đường và cố kìm nén cảm xúc bằng việc tự vấn lòng mình với những câu bâng quơ “ Người ta đi bộ đội năm ba năm rồi lại về mà”, “ Người ta đi làm việc nước chớ có phải đi vượt biên biền biệt đâu” nhưng sao nước mắt cứ chảy thành dòng trên đôi gò má đã sưng. Hình như nó đã khóc suốt đêm qua cho sự chia tay mối tình đầu trong nhung nhớ. Liên quyết định nằm ở nhà gặm nhấm nỗi buồn chớ không đi đưa tiễn anh vì nó không đủ can đảm. Khi những tiếng lao xao ngoài ngõ chỉ còn nghe xa xa, nó mới dám chạy ra ôm cái gốc nhãn nhìn theo cái bóng anh Cầm cao dong dỏng cứ khuất dần, khuất dần trên con đường làng băng qua giữa cánh đồng lúa mới làm đòng xanh mướt. Chiến tranh nối tiếp chiến tranh trên dải đất này và những cuộc chia ly cứ kéo dài bất tận. Trái tim non nớt của một cô bé mới bắt đầu chớm yêu đã phải chứng kiến sự ly biệt nên nó dằn vặt, khắc khoải. Bất chợt nó cứ lao theo ra đến sân của ủy ban xã – nơi người ta đang tổ chức nhận quân, nơi mà những giọt nước mắt của buổi tiễn đưa cứ lăn dài trên má của cả người ra đi lẫn người ở lại. Liên chen chúc trong đám người đông nghịt đưa mắt tìm anh Cầm của nó. Không chút ngại ngần, không chút thẹn thùng, nó lao đến ôm lấy anh Cầm giữa biển người đưa tiễn như sợ anh Cầm tuột mất khỏi tầm tay. Trong mớ âm thanh của tiếng nhạc đi tòng quân oai hùng, tiếng khóc nghẹn ngào của những người mẹ tiễn con ra trận, câu dặn dò, nhắc nhở của anh cứ văng vẳng bên tai nó “ Ráng chờ anh hoàn thành nghĩa vụ nghe em”. Đoàn xe nhà binh từ từ lăn bánh ra khỏi sân ủy ban, biển người đưa tiễn cũng chuyển động theo cố bấu víu, chạm tay nhau lần cuối. Nó cứ đứng tần ngần một tay che mặt nhưng không ngăn nỗi dòng nước mắt, một tay cứ vẫy cho đến khi đoàn xe ra đến đường cái lớn, tăng tốc mất hút giữa làn bụi đỏ mịt mờ.
***
Những tháng ngày vắng anh, nỗi nhớ cứ cồn cào làm cho nó trở thành cô bé trầm tính từ khi nào. Nó ít cười và trở nên chững chạc hơn. Những buổi đi học không còn ngẩn ngơ nơi gốc nhãn chờ đợi ai đó đi ngang qua để được đưa ánh mắt cười tinh nghịch, để được nói đôi câu bâng quơ mà đêm về ngơ ngẩn. Rồi nó đưa ra một quyết định mà chắc anh buồn lắm – bỏ học. Cái suy nghĩ học lên cao rồi lại đi xa khi anh ấy về biết tìm mình nơi đâu? Đám con gái trong xóm có đứa đã lấy chồng còn hầu như dang dở chuyện học hành ở lại với đồng ruộng, mảnh vườn làm cho nó chùn chân. Bao năm khắc khoải chờ đợi rồi cũng qua nhanh. Những lá thư nó viết hàng đêm cứ đều đặn được gởi đi nhưng nó bặt tin anh ấy. Sau ba tháng quân trường, nó biết anh đi K rồi không còn nhận được tin gì nữa. Cả gia đình anh ấy sống trong những tháng ngày mòn mỏi chờ tin. Người ta đồn nơi ấy đánh nhau với Pol Pot khốc liệt lắm. Chiều chiều nó chỉ biết đứng nhìn về phía tây, nơi mặt trời lặn mỗi ngày trông theo những đàn chim uể oải những sải cánh lúc chiều tàn mà gởi nổi nhớ sang bên ấy, nơi mà người ta gọi là chiến trường K. Ba năm dài đằng đẵng không một mẫu tin, cả gia đình anh hết hy vọng khi mà những tin tức về sự mất mát ở nơi ấy cứ đồn về. Mỗi khi gặp ba anh làm ruộng trên đồng, ông thường thở dài buồn bã:
– “ Bác nghĩ chắc nó hy sinh rồi con à”
Câu nói của ông cứ làm nó chực trào nước mắt. Nó còn nhớ hôm đi tát nước cứu hạn giúp nhà anh ấy, lúc nghỉ tay mẹ anh đã ôm nó vào lòng nức nở:
– “ Tình cảm con dành cho thằng Cầm của bác lớn lắm nhưng chắc không hy vọng gì nữa đâu. Con gái có lứa, có thì con à. Các bạn đồng trang lứa nó lấy chồng hết rồi nên con đừng chờ thằng Cầm làm chi nữa. Từ lâu hai bác xem con như con gái trong nhà rồi. Lấy chồng đi kẻo muộn”
Một già, một trẻ ôm nhau nơi bờ ao nước mắt sụt sùi làm cho ba anh Cầm ngồi bó gối, mắt nhìn tận đâu nhả khói thuốc liên hồi. Gặp ai trong cái xóm này cũng đều khuyên nó “lấy chồng đi”. Cô bạn thân cũng sắp làm đám cưới nên nó cũng chẳng còn ai để mà tâm sự. Rồi người ta mai mối anh Lành ở xóm dưới nhưng sao nó vẫn chưa quên được anh Cầm. Những kỷ niệm của mối tình đầu cứ nằm nơi đáy tim. Anh Lành cứ kiên trì. Anh lẳng lặng bên nó mỗi khi nó buồn. Anh như chiếc bóng đi theo nó vậy. Thôi thì lấy chiếc bóng làm người tình để được cùng đứng, cùng đi, để quên đi người xưa biền biệt. Đêm trước ngày đám cưới, Hồng – người bạn thân giúp nó soạn đồ đạc. Thấy nó cứ chần chừ trước những lá thư mà nó cất kĩ lâu nay, Hông khuyên nó:
– “ Tao nghĩ mầy nên đốt những ký ức với anh Cầm đi để không còn nặng nợ Liên à”
Nó gật đầu rồi đem đốt những lá thư mà nó đọc đi đọc lại không biết bao lần rồi. Nhìn chút tro tàn bay bay, lòng nó chơ vơ, trống vắng. Chỉ mai đây thôi nó đã là vợ của Lành, nó bội ước lời hứa năm nào. Tiếng nhạc xập xình, tiếng cười nói rộn ràng ngoài rạp cưới không làm nó bận tâm. Nó rủ Hồng ra ngoài cây nhãn đầu ngõ ngồi hóng mát. Gió vẫn lao xao trên những cành lá nhưng không thấy mùi hương quen thuộc. Cây nhãn chứng kiến cuộc tình của nó giờ cũng buồn theo khi cuộc tình đã tan.
***
Cuộc sống cứ thế dần trôi khi Liên đã yên bề gia thất. Thời gian rồi sẽ làm nó nguôi ngoai nếu không có một chiều làm cả cái xóm nhỏ sửng sốt. Anh Cầm vác ba lô trở về xuất hiện nơi bến sông làm mọi người trong xóm đều vỡ òa hạnh phúc chứ không riêng gì gia đình anh ấy. Ba anh nhào ra bãi cát đứng chết lặng khi thấy thằng con cứ tưởng đã gởi nắm xương tàn nơi nước bạn trở về. Ông đổ ập lên vai anh Cầm nấc nghẹn. Đêm ấy nhà anh Cầm chật cứng người đến hỏi thăm, chúc mừng ngày đoàn viên trong nước mắt. Liên gởi đứa con nhỏ cho anh Lành vội về nơi xóm nhỏ. Liên không dám vào nhà mà đứng nơi cái hàng rào bùm sụm lặng lẽ nhìn anh khóc khi nghe anh Cầm kể về sự mất tích của mình cho mọi người nghe. Anh cùng ba người đồng đội nữa được giao nhiệm vụ giữ kho lương thực dã chiến giữa rừng trong lúc đơn vị trên đà tiến quân. Các anh bị lãng quên giữa cánh rừng già mênh mông trên nước bạn mà không dám tìm về đơn vị khi mìn quân Pol pot cài cắm khắp nơi. Suốt bao năm chỉ nghe những đơn vị hành quân ra truyến trước nên không sao gởi thư được mà muốn gởi cũng không có gì để viết khi nằm giữa rừng già. Một đơn vị thông tin liên lạc tìm thấy, các anh mới tìm được về đơn vị. Anh Cầm đảo mắt tìm Liên nhưng không thấy và anh ngồi lẳng lặng khi hay tin Liên đã có gia đình. Vậy là người mà anh bao đêm nằm giữa rừng nhớ thương đã tìm bến đổ. Anh không trách Liên bội ước mà buồn cho cuộc chiến đã làm tan vỡ mối tình đầu. Anh lò dò từng bước ra cái gốc nhãn trước nhà Liên ngồi lặng yên trong đêm thanh vắng. Cơn gió khuya khua những tán lá rì rào như mang chút ký ức của mối tình đầu giang dở. Chợt thoáng qua hương hoa nhãn lao xao.
BÙI DUY PHONG