VHSG- Dimitris Nollas sinh năm 1940, là nhà văn, nhà biên kịch người Hy Lạp, làm việc ở Hãng Phát thanh và Truyền hình quốc gia. Ông là tác giả kịch bản của nhiều bộ phim nổi tiếng, được trao Giải thưởng quốc gia năm 1983 với tập truyện ngắn “Làn da mịn màng” và năm 1993 với tiểu thuyết “Ngọn đồi bên bờ biển” cùng nhiều giải thưởng khác, tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Đồ cúng
Ông Statis dẫm vào hai cái nắp chai bia trượt chân, suýt ngã, chệnh choạng bước như chiếc bàn long chân. “Đúng là đồ chó đẻ. – ông rủa thầm – Thằng nào cũng chỉ muốn ăn không”. Statis vừa ngồi với đám khách du lịch và mặc cả với họ về miếng đất của ông nằm ở chân vách đá trong núi. Đó là cái rẻo đất bé xíu mà như người ta vẫn thường nói không đủ chỗ để đặt chân. Toàn là đá với bụi cây dại, lại cách xa đường cái, chẳng có nước và cũng chẳng có gì khác.
Thực ra, miếng đất nằm ở cuối cái dải đất nhỏ và dài, bắt đầu từ bãi cát mịn bên bờ biển, cắt ngang qua cánh đồng phì nhiêu, sau đó chạy theo sườn núi lởm chởm và cuối cùng kết thúc bằng cái rẻo đất nằm ở chân vách đá trong dãy núi cao. Tại đây, kể từ ngày vợ ông qua đời còn các con ông đã trưởng thành rời mái ấm gia đình, ông Statis thường đến nghỉ ngơi dưới bóng mát của vách đá. Ông thích đến đây, nằm ngửa nhìn lên bầu trời cao vời vợi, ngẫm nghĩ về sự đời, để cho ý nghĩ phiêu diêu cùng với làn khói màu lam bay ra từ điếu thuốc hút dở.
Thế nhưng toàn bộ mảnh đất ấy ông đã bán hết, bắt đầu từ miếng đất tốt nhất nằm ngay bên bờ biển, rồi dần dần đến những miếng đất cao hơn, cao hơn nữa, ông cứ gặm dần từng miếng, từng miếng một và lần nào cũng có lý do chính đáng. Nào là tiền học cho các con, nào là căn hộ ở Pire – phải có chỗ nương thân chứ, nào là chi phí cho chuyến đến thăm người em trai ở thành phố Chicagô, nào là của hồi môn cho con gái. Lần nào cũng có lý do chính đáng dể tự làm hại mình – ông Statis ngẫm nghĩ. Những ý nghĩ như vậy thường đến với ông, và thật kỳ lạ, ngay sau đó ông liền quên bẵng, và mọi việc lại đâu vào đấy. Đó, chẳng hạn như hôm nay, ông đã gần như sắp bán đứt miếng đất cuối cùng của mình, chẳng qua là cái đám khách nước ngoài kia chưa thống nhất với ông về giá cả.
Vào những ngày chủ nhật hay ngày lễ ông Statis thường hay đến quán rượu của lão Panagis và tìm cho mình một chỗ ưng ý. Ông vẫn thường ký nợ ở quán và để bù lại, giữa chủ quán và ông Statis có một thoả thuận ngầm mà cả hai không bao giờ nhắc đến: Khi có khách nước ngoài vào quán, ông Statis phải lân la đến ngồi với họ và tán gẫu về bất cứ chuyện gì miễn là thật giật gân. Về việc ông Statis không biết ngoại ngữ cũng không sao. Những câu chuyện ông kể hấp dẫn đến mức các vị khách nước ngoài thường cố làm ra vẻ hiểu hết những gì ông kể, còn ông thì có cả một chương trình biểu diễn: Khi thì bằng tiếng Đức bồi, khi thì bằng tiếng Hy Lạp mà lại giống như tiếng Đức; lúc thì ông kể về những nỗi bất hạnh của con người, lúc thì toàn chuyện tào lao vớ vẩn.
Và thế là bia rượu cứ được mang ra hết bình này đến bình khác giữa những câu chuyện oai hùng về chiến tranh, hay những câu chuyện lâm ly ướt át về tình yêu, với những cái khoa chân múa tay của ông Statis – câu chuyện sôi nổi đến mức các vị thực khách của quán Panagis, đôi khi cả chính ông Statis cũng chẳng thể uống hay nghe được gì nữa. Thường thường Statis là người đầu tiên cảm thấy đến khi nào thì nên kết thúc. Nhưng hôm nay ông cảm thấy buồn bực trong lòng nên có nhu cầu muốn giãi bày, còn ai muốn nghe thì nghe. Ông buồn bực vì cái giá quá rẻ mà người ta trả cho miếng đất của ông nằm ở chân vách đá trong núi. Chính vì vậy mà vào cái buổi sáng chủ nhật mùa thu nóng nực này, lão chủ quán Panagis kéo ông vào trong bếp và nói:
– Này, cái rẻo đất còn lại của ông, chẳng có ma nào thèm đâu – ngừng một lát, lão chủ quán tiếp: – Nó chỉ làm ông đau đầu thêm… Bán quách đi cho rảnh nợ.
Ông Statis đã cảm thấy mềm lòng, nhưng vừa lúc ấy nhận thấy ám hiệu bí mật của lão Panagis, ông vội bước lên quán.
– Không ai thèm à? Nếu vậy thì họ mặc cả làm gì? Họ định cười nhạo mình bằng cái giá rẻ mạt ấy chắc?!
Ông Statis đã nghĩ như vậy trong suốt cả buổi sáng mùa thu nóng nực mà không biết trút nỗi bực tức lên đầu ai. Ông cố tìm ra sự thật ở đáy cốc rượu táo, và để che đậy nỗi cô đơn ông lại nghĩ ra những nỗi xúc phạm khác để tự hành hạ mình, và càng lúc ông càng sa vào cái vòng luẩn quẩn. Trước đó một phút, ông hình dung các bạn rượu của ông là những con quỷ khát máu, sẵn sàng dùng sức mạnh để cướp đoạt tài sản của ông. Còn bây giờ, đứng trong bóng tối của gian bếp nhìn họ, ông có cảm giác họ chỉ là một mớ cá chuồn đáng thương mà ông có thể xua vào lưới lúc nào cũng được.
– Nào, lại đây! Thuyền trưởng! Lại đây! – đám du khách nước ngoài mệt mỏi cụng ly và hét gọi ông. Họ cảm thấy, hình như tâm trạng của ông không được vui.
Thấy vậy lão chủ quán Panagis lại gọi ông vào bếp – lão hiểu ông đang bực bội, còn đám thực khách cũng đã xỉn. Với sự suy luận logis của người bán hàng biết cách hạn chế tổn thất trước khi dẫn đến thiệt hại nặng hơn, lão Panagis nói:
– Nếu họ không uống được nữa thì tống cổ đi. Kết thúc được rồi!
– Hóa ra là như vậy – một người dân trên đảo đã đứng tuổi, trông có vẻ già dặn với chuyện sóng gió, nheo nheo mắt để quen với bóng tối nhạt nhoà trong bếp, lên tiếng: – Hóa ra là như vậy. Nhưng họ vẫn còn muốn lấy đất của tôi đấy. Mà là lấy không cơ. Còn tôi, suốt thời gian qua cứ phải chiều theo ý họ như một thằng ngốc… Thậm chí còn chở họ đi chơi bằng thuyền nữa, trong khi ngay cả mẹ mình, tôi cũng chưa bao giờ. Thế mà họ, họ muốn lấy tất cả mà chỉ phải trả bằng một mẩu bành mỳ đen.
Lão chủ quán liếc nhìn về phía các du khách của Statis sắp tan ra dưới ánh nắng mặt trời vào lúc giữa trưa, nhẩm tính trong đầu số tiền vừa kiếm được và cảm thấy hoàn toàn hài lòng. Cái ông Statis này đúng là một kho báu thực sự của nhà hàng. Thậm chí ngay cả những lúc có chuyện bực bội trong lòng ông ta vẫn có thể khéo léo tìm ra những niềm vui sống và biến chúng thành nỗi hứng thú nhậu nhẹt. Statis rất đáng khen, lão chủ quán Panagis thầm nghĩ, và nói:
– Ông hãy quên những chuyện vớ vẩn ấy đi. Tốt hơn là ngay hôm nay bán quách cái rẻo đất ấy để lấy một mẩu bánh mỳ, còn hơn ngày mai có cho không cũng chẳng ai thèm.
Ông Statis không đáp lại. Tương lai ảm đạm mà lão chủ quán vừa nhắc tới, càng ngày càng đến gần – ông cảm thấy thế và càng thêm bối rối. Ông gọi một ly café và lưỡng lự chọn một chiếc bàn trong góc. Chính bản thân ông cũng không biết mình sẽ làm gì với số tiền ấy nếu như họ chấp nhận một cái giá phải chăng. Không thể nói là ông rất cần tiền – đối với ông, chỉ với khoản lương hưu nhỏ mọn, cộng thêm một ít cá mú mà ông đánh bắt được là đủ. Thực ra, nỗi day dứt trong lòng ông chính là sự cô đơn và “tất cả” đang trôi đi rất nhanh. Nhưng nếu như có ai đó hỏi ông, “tất cả” là cái gì, ông cũng không thể nào trả lời được một cách rõ ràng, cụ thể. “Tất cả” – ông ngẫm nghĩ, và ý nghĩ ấy cứ như là không phải nảy ra từ trong đầu mà là từ trong bụng ông.
Đột nhiên, những đám mây đen ùn ùn kéo đến – thật phù hợp với tâm trạng của ông. Ông chậm chạp đứng lên và đi về nhà để tránh cơn mưa. Ông dự tính sẽ nghỉ ngơi một thời gian chờ cho đến khi thời tiết tốt hơn mới ra khơi. Cơn giông ập đến nhưng cũng chỉ thoáng qua trong chốc lát.
Ông Statis nhìn thấy cô cháu gái Marianphi – họ hàng phía vợ ông đang lúi húi bên những tấm bia mộ sau dãy hàng rào thấp của nghĩa địa. Trên nền trắng toát của tấm bia giống như tấm vải trải giường vừa được giặt sạch, thấp thoáng chiếc khăn trùm màu đen. Ông dừng lại xem Marianphi đang xén những đám cỏ mọc um tùm giữa những ngôi mộ. Cô cháu gái vừa kết thúc lễ cầu hồn cho chồng mình qua đời ba năm trước, và bây giờ một đám đông trẻ con đang vây quanh nó để được chia đồ cúng.
Marianphi bước lại phía ông và đưa cho ông một miếng đồ cúng. Ông Statis thầm nghĩ, lẽ ra thỉnh thoảng mình nên đến chăm sóc mộ vợ. Cô cháu gái dường như cũng đoán được những suy nghĩ của ông – một người đàn ông có thể nghĩ gì khi mười năm trước đã an táng vợ mình và giờ đây lại đi ăn đồ cúng của người khác. Marianphi nói:
– Cháu đã thắp nến thờ cho cô rồi.
– Cám ơn con – ông cám ơn cô cháu gái, nhưng khôn mặt ông chưa kịp lấy lại vẻ nhân từ thì ông đã bực tức hét lên với đám trẻ: – Này, các cháu làm gì thế, hả?
Lũ trẻ chết lặng. Chúng vừa hát thánh ca vừa trộn đồ cúng với đất trong lòng bàn tay, sau đó chúng xòe tay ra, Marianphi sàng đều rồi rắc lên các nấm mộ.
Một giọng nói trong trẻo nhưng rất tự tin cất lên – khó mà phân biệt được giọng nói của ai vì chúng tranh nhau nói: “Khi mưa xuống, sẽ mang theo đồ cúng thấm xuống đất, các linh hồn ở dưới kia sẽ hiểu là chúng ta đã đến đây, bên cạnh họ”.
Marianphi vô thức rảy rảy chiếc đĩa không, một cơn gió thổi qua mang theo những hạt đường và lúa tiểu mạch. Cô gật đầu với ông, còn lũ trẻ thì nhảy giữa những ngôi mộ, cố tránh không dẫm chân lên mộ.
Một ý nghĩ chợt đến với ông Statis, rằng ông phải nói chuyện với Marianphi và khuyên bảo nó. Gần một năm nay ông không gặp Marianphi và việc nó chăm sóc ngôi mộ của vợ ông làm ông xúc động.
– Sao cháu còn ngồi đây, cháu không ra đi sao? – ông nói – Tất cả tương lai của cháu còn ở phía trước. Sao cháu không đi khỏi đây và bắt đầu lại?
Kể từ khi Marianphi góa chồng, chẳng có người đàn ông nào đặt quan hệ với nó một cách nghiêm túc. Đứa cháu gái của ông chẳng được ai bảo vệ, không cha, không anh em trai, nó chỉ còn lại duy nhất một mình trên đời này giữa đám đàn bà – cô, dì, cháu và chị em họ. Dĩ nhiên, đám đàn ông đến với nó là những loại nào, ông cũng thừa hiểu, họ chỉ quan tâm đến cái mông của nó. Ông Statis vừa ngẫm nghĩ vừa liếc nhìn thân thể cân đối của đứa cháu gái.
– Tại sao cháu phải ra đi? – người đàn bà trẻ sẵng giọng hỏi lại, có cảm giác như cô không hiểu có chồng thì lợi lộc gì. – Tất cả những người thân của cháu đều sống ở đây, – vừa nói cô vừa đưa tay khoát một vòng, bao hết cả cái vịnh nhỏ, cả mặt biển đang sôi réo và lũ trẻ đang đùa dỡn xung quanh dưới những hạt mưa đầu tiên bắt đầu trút xuống. – Mà cả dượng cũng đang sống ở đây đấy thôi. – Marianphi tiếp tục – Và như cháu được biết, dượng cũng không bán đất cho người ta. Vậy thì cháu đi làm gì?
Ông Statis không muốn tiếp tục câu chuyện nữa. Những lời nói của Marianphi cùng với những hạt mưa lớn đã làm dịu cái đầu của ông – cái lò lửa lúc nào cũng nóng hừng hực bởi hết ý nghĩ này đến ý nghĩ khác. Ông vội đứng lên và bước đi. Có cảm giác những bước chân của ông rất nhẹ nhàng, mặc dù trên đầu ông là những đám mây đen đang vần vũ trùm lên các đảo, nhưng trong lòng ông mọi chuyện đã sáng rõ.
Khi ông Statis đóng lại sau lưng mình cánh cửa của ngôi nhà, thì cơn giông đã chấm dứt. Những đám mây đen đã tan đi, những bức tường trắng của những ngôi nhà như được khoác một lớp ánh vàng và xanh lục. Và đúng là cơn mưa lớn đã gột rửa sạch sẽ bộ não của ông. Ông nghĩ, chắc là còn lâu lắm ông mới phải bận tâm đến chuyện sẽ làm gì với miếng đất của cha ông.
DIMITRIS NOLLAS (HY LẠP)
ĐÀO MINH HIỆP dịch từ bản tiếng Nga
của I.Kovaleva. Tạp chí Văn học nước ngoài. 2008